Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 8: Nguyên Thủy Phật Giáo (Phật Pháp Tiểu Thừa) (phần 3)

(Tiếp theo)

b. Tu tập Giới, Định và Tuệ

Thế nào là Tam vô lậu học Giới, Định và Tuệ? “lậu” (P. Sava; C. 漏) là gì? Tam vô lậu học[1] là ba pháp học tập để dẫn đến đời sống vô lậu, tức là sống đời sống không bị rơi vào cửa ngõ sinh tử luân hồi.

Vô lậu học giới: Tức là học tập và thực hành học giới, để dẫn đến đời sống vô lậu, đời sống giải thoát. 

Vô lậu học định: Tức là học tập và thực hành thiền định dẫn đến đời sống giải thoát, không còn bị vướng mắc ở trong sinh tử luân hồi.

Vô lậu học tuệ: Tức là trí tuệ vô lậu, trí tuệ vô lậu là con đường dẫn thoát khổ đau và sinh tử, con đường đưa đến giác ngộ.

Tam vô lậu học là thông cả Đại thừa, Tiểu thừa, cho đến rốt ráo Niết-bàn; nhưng trong Tiểu thừa pháp thì rất quan trọng và cần thiết, chỉ khác biệt ở chỗ là quá trình tu học không giống nhau. Giữ giới có thể xa lìa được năm món ham muốn (ngũ dục), nhờ có giữ Giới mà sanh Định, là có thể điều phục được mọi Ngã chấp chúng không thể dấy khởi lên; nhờ có Định mà Trí tuệ được phát sinh; Tuệ là chơn Trí tuệ có thể đoạn trừ hết thảy mọi tà chấp. Giống như hồ nước dơ bẩn, Định có khả năng tinh lọc cho nguồn nước đó trong sạch thì Tuệ là có sức mạnh loại trừ đi những chất cặn bã nhơ bẩn trong nguồn nước đó.

Cho nên, tu tập  Giới, Định và Tuệ là 3 yếu tố bất khả phân ly, hễ giữ giới thì sanh định, mà có định thì tuệ phát sinh, luôn bổ sung hỗ trợ cho nhau, hễ người nào hành trì Giới, Định và Tuệ một cách nghiêm mật tinh chuyên thì người đó cận trụ Niết-bàn giới. Kinh Pháp cú, nói: “Không trí tuệ không thiền/ Không thiền không trí tuệ/ Người có thiền có tuệ/ Nhất định gần Niết-bàn.”[2]

c. Tu quán Tứ đế

Tứ đế là Tông bản[3] của Tiểu thừa pháp, có nghĩa là giáo lý chủ yếu của Tiểu thừa chính là Tứ đế.

Quán Tứ đế (tứ thánh đế, tứ diệu đế)

           

Tứ đế còn phân ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn như vậy thì có bốn hành tướng gọi là tam chuyển thập nhị hành tướng: 

a) Lần chuyển ban đầu gọi là Thị chuyển: Đây là Khổ đế. 

b) Lần chuyển thứ hai gọi là Khuyến chuyển: Đây là khổ nên biết tất cả (vĩnh viễn đoạn trừ, chứng nhập và tu tập) 

c) Lần chuyển thứ ba gọi là Chứng chuyển: Đây là Khổ đã biết tất cả, cho đến đã tu tập), cũng thế  Tập, Diệt, Đạo đế có ba lần chuyển như vậy. Cho nên gọi là mười hai hành tướng. 

Bốn Thánh đế là nội dung của giáo pháp không chỉ riêng biệt của Thanh văn hay Duyên giác thừa mà chung cho cả ba thừa. Tùy theo trình độ nhận thức mà ý nghĩa của bốn Thánh đế có nội dung khác nhau.

Đức Phật thuyết Tứ đế, nói quả trước, nhân sau. Quả khổ do đâu? Vì nhân tạo nhiều tội ác bất thiện; quả giải thoát Niết-bàn, không còn sanh tử vì nhân đã tu đạo – hành trì Bát chánh đạo. Nên liễu tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo là bốn tiến trình căn bản của người tu.

Quán  37 phẩm trợ đạo

– Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp)

– Tứ chánh cần

– Tứ như ý túc (dục, tinh tấn, định, tuệ)

– Ngũ căn ngũ lực

– Thất bồ đề phần

– Bát chánh đạo phần

Vậy, 37 phẩm trợ đạo này cũng chính là 37 phần công đức của Tiểu thừa pháp.

Trong pháp quán về Tứ đế, hành giả khởi trí quán sát thấy rõ 4 hành tướng, hiệp lại gọi là 16 hành tướng, xem đồ biểu:

Hành giả tu tập Tứ đế mà chứng quả vị A-la-hán. Dựa trên cơ sở đó, sự tu tập về Tứ đế như sau: Với  trí tuệ thanh tịnh do tu Giới-Định-Tuệ phát sinh, hàng Thanh Văn vận dụng vô gián trí[4] còn gọi vô gián đạo,[5] phát ra 16 tâm vô lậu, quán rõ lý 8 đế của cõi dục và 2 cõi trên (cõi dục 4 đế, sắc và vô sắc 4 đế), mà đoạn trừ 88 kiết sử thuộc kiến hoặc[6] trong 3 cõi. Đạt được 16 tâm vô lậu này thông qua 2 lớp quán Tứ đế, xem đồ biểu:

Với 8 nhẫn và 8 trí cộng lại thành 16 tâm gọi là GIẢI THOÁT ĐẠO. Do vô gián đạo (nhẫn)  là NHÂN; giải thoát đạo (trí) QUẢ. Nói khác, KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO TRÍ chứng quả A La Hán.

Sự khác biệt giữa phàm và thánh; chúng sanh và Phật quả không bao xa, trong sát-na niệm, chỉ trong từng gang tấc mà thôi, hễ mê là chúng sanh – phàm phu si ám ngu muội, còn giác là Phật, Bồ tát. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Niết Bàn, đức Phật dạy: “Xưa Ta cùng các ông/ vì không ngộ Tứ đế/ nên bị sinh tử mãi/ trong bể khổ sinh tử/ nay đã ngộ Tứ đế/ nên sinh tử không còn/ không còn thọ thân sau”.

Người tu học Phật chúng ta hàng ngày nên thực tập quán chiếu theo lời Phật dạy như được mô tả trong kinh Pháp cú:

“Tất cả hành vô thường/ Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán/ Chính con đường thanh tịnh.” (277)

“Tất cả hành khổ đau/ Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán/ Chính con đường thanh tịnh.” (278)

“Tất cả pháp vô ngã/ Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán/ Chính con đường thanh tịnh.” (279)

Một lần nữa, nhằm khẳng định pháp tu trên, trong Trung Quán Luận (Trung luận) phẩm Tứ đế, ngài Long Thọ đã dẫn lời dạy của đức Phật trong kinh: “Cho nên trong kinh nói/ Nếu thấy pháp nhân duyên/ Thời có thể thấy Phật/  Thấy Khổ – Tập – Diệt – Đạo.”[7] 

Ở đây, nếu người nào thấy tất cả pháp từ các duyên sanh ra, thì người này có thể thấy được pháp thân của đức Phật, tăng trưởng trí tuệ đạt mọi lợi ích diệu dụng vô cùng, và có thể thấy được Khổ-Tập-Diệt-Đạo của Tứ thánh đế. Vì thấy được Tứ thánh đế cho nên đạt được Tứ quả, diệt trừ tất cả mọi phiền não nhiễm ô tập khí cấu bẩn. Lúc này thong dong tự tại trong tam giới vô quái ngại; trần bất nhiễm trần; Thiền gia nói: thõng tay vào chợ là ở quả vị tu chứng này.

d. Tu tập đoạn trừ năm độn sử và năm lợi sử

Nói về ngũ độn sử và ngũ lợi sử. Độn là đối lại lợi mà nói; lợi được ví như lưỡi dao sắc bén, độn thì như sống con dao; lợi thì dễ đoạn trừ, còn độn thì khó đoạn diệt.

10 kiết sử là: 1. Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), 2. Hoài nghi (vicikicchā), 3. Giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa), 4. Tham dục (kāmacchando), 5. Sân hận (vyāpāda) (ngũ độn sử hay ngũ hạ phần kiết sử; P. Orambhagiya saṃyojana), 6. Hữu ái (rùpa-ràga),7. Vô hữu ái (arùpa-ràga), 8. mạn (màna), 9. Trạo cử (uddhacca),10. Vô minh (avijjà),  (ngũ lợi sử hay ngũ thượng phần kiết sử; P. Uddhambhāgiya-samyojana).

Như vậy, khi hành giả tu hành đoạn tận được 10 kiết sử này, chứng quả vị A-la-hán (sẽ bàn rõ hơn trong phần Bốn quả vị Sa môn hay tứ quả Sa-môn).

Còn tiếp…

Tham khảo và chú thích

[1] Xem thêm Trung bộ kinh, 2- kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta).

[2] Kệ 327.

[3] Tông bản có nghĩa là căn bản, là nguồn gốc chủ yếu.

[4] Vô gián có nghĩa là không gián đoạn, trạng thái chỉ hành động liên tục – trí tuệ được quán chiếu xuyên suốt liên tục.

[5] Vô gián đạo = nhẫn, không còn bị thối đọa trên con đường đạo

[6] Theo Câu xá tông (Tiểu thừa) thì kiến hoặc có 88 loại, gọi là kiến hoặc bát thập bát sử, tức là những phiền não căn bản mà người kiến đạo sẽ dứt trừ hết. Kể chi tiết ra thì gồm có: ngũ lợi sử (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến), ngũ độn sử (tham, sân, si, mạn, nghi) hợp thành thập sử hay thập hoặc. Người kiến đạo quán xét Ba cõi, tu tập theo Bốn thánh đế nên trừ bỏ được các kiến hoặc theo từng trình tự không giống nhau, như quán xét tu tập Khổ đế trong Dục giới liền trừ được 10 kiến hoặc (thập sử); khi quán xét tu tập theo Tập đế và Diệt đế thì lần lượt trừ được mỗi giai đoạn là 7 kiến hoặc (thất sử, gồm thập sử kể trên trừ ra thân kiến, biên kiến và giới cấm thủ kiến trong ngũ lợi sử); đến khi tu tập theo Đạo đế liền trừ được 8 kiến hoặc (bát sử, gồm thập sử kể trên trừ ra thân kiến và biên kiến trong ngũ lợi sử), cộng cả thảy là 32 kiến hoặc (10+7+7+8), gọi là tam thập nhị sử . Khi tu tập Bốn thánh đế ở các cõi Sắc giới và Vô sắc giới cũng trừ được số kiến hoặc như ở Dục giới, nhưng có khác là không có sân, nên còn lại 7 kiến hoặc (thay vì 8), nhân cho Bốn thánh đế thành 28 kiến hoặc (nhị thập bát sử), cộng chung hai giai đoạn tu tập ở Sắc giới và Vô sắc giới trừ dứt được 56 kiến hoặc (ngũ thập lục sử). Như vậy cộng chung số kiến hoặc phải trừ dứt trong Ba cõi là 88 kiến hoặc (32+56), gọi chung là bát thập bát sử.

[7] Trung luận, phẩm 24 – quán Tứ đế. [是故經中說/ 若見因緣法/ 則為能見佛/ 見苦集滅道].

Phật Thừa Tông Yếu Luận