Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 1: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ TÁC GIẢ và TÁC PHẨM LUẬN PHẬT THỪA TÔNG YẾU

I. Cuộc đời và hành trạng của Đại sư Thái hư

1. Thân thế

Đại sư Thái Hư họ Lã (lữ), húy Phái Lâm (Cam Sâm), pháp danh Duy Tâm, pháp tự Thái Hư, biệt hiệu Muội Am. Đại sư thát tích ta bà ngày mùng 08/01/1890 (18/12/Kỷ Sửu), niên hiệu Quang Tự thứ 15 (nhà Thanh), tại trấn Trường An, huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa.

Ngài sinh trong gia đình nghề thợ mộc, cha mẹ mất sớm, được bà ngoại nuôi dưỡng. Năm lên 9 tuổi, Ngài theo bà ngoại hành hương chiêm bái Cửu Hoa sơn, Phổ Đà sơn cùng các danh lam thắng tích Phật giáo. Từ đây hạt giống Bồ đề nẩy mầm và phát triển xinh tươi. Thơ rằng:

“Từ nay cõi Thánh bước lần,

Bồ đề thêm lớn muôn phần cao xa,

Được vào trong pháp vương gia,

Đủ duyên, đủ phước nghe qua phép màu.”

2. Thời kỳ xuất gia học đạo và Hoằng hóa

a. Xuất gia học đạo

Năm ngài 16 tuổi, tháng 03 năm Giáp Thìn (tháng 05/1904), niên hiệu Quang Tự thứ 30, Ngài đến chùa Tiểu Cửu Hoa Sơn ở Tô Châu xin xuất gia với lão Khoan Công, lão Khoan Công đưa Ngài về Tứ Minh, đảnh lễ Sư tổ Tráng Niên lão nhân. Tháp Chạp (12) trong năm, Ngài cầu thụ Cụ túc giới với Trưởng lão Hòa thượng Kính An Ký Thiền. Đại Giới đàn này có đến hàng trăm giới tử, Ngài là một trong số giới tử trẻ nhất, đối đáp bén nhạy nhất, trưởng lão Hòa thượng Kính An Ký Thiền ngợi khen là bậc pháp khí Đại thừa, Huyền Trang tái thế. Sau đó Ngài ở tại chùa Vĩnh Phong theo học với Hòa thượng Kỳ Xương.

Năm Đinh Mùi (1907), vừa tròn 18 tuổi xuân, tại Tổ đình Tây Khê Cổ Tự, Từ Khê, Ngài tham duyệt Đại Tạng kinh. Khi đọc đến kinh Đại thừa Liễu Nghĩa Bát Nhã kinh, Ngài hoát nhiên tỏ ngộ, thân tâm, thế giới thấu suốt, vọng niệm băng tiêu, trải qua hằng giờ như thế mà cảm nhận như trong chốc lát; cho đến ngày hôm sau, thân tâm vẫn thanh thản như đang ở thế giới Thanh Tịnh Cực Lạc quốc độ. 

b. Công tác hoằng hóa

Năm Kỷ Dậu (1909), lúc này tròn 21 tuổi, Ngài tháp tùng theo Hòa thượng Ký Thiền tham dự Đại hội giáo dục tại tỉnh Giang Tô. Tại thành phố Nam Kinh, Ngài học kinh Lăng Nghiêm với cư sĩ Dương Văn Hội, sau đó học Anh văn với Đại sư Tô Mạn Thù (1884 – 1918). Năm 1911, Ngài đến Thành phố Quảng Châu hoằng dương Phật pháp, và tại đây Ngài được bổ nhiệm Trụ trì chùa Song Khê ở núi Bạch văn.  

Năm Dân quốc (1912), Chính phủ Dân quốc xây dựng Thủ đô tại Nam Kinh, tại đây Đại sư Thái Hư sáng lập Hội Phật Giáo Trung Quốc, năm thứ hai sáp nhập vào Tổng hội Phật giáo Trung Hoa, do Hòa thượng Ký Thiền làm hội trưởng và Ngài được bầu làm tổng biên tập của tờ báo “Nguyệt san Phật giáo”.

Không lâu sau, Hòa thượng Ký Thiền viên tịch, trong buổi lễ truy điệu, Ngài đã đề ra khẩu hiệu đại cải cách Phật giáo, với 3 tiêu chí: a- Cải cách giáo lý; b- Cải cách giáo chế; 3- Cải cách giáo sản. Ngài viết bài cổ xúy về vấn đề “Vận động phục hưng Phật giáo” và cải cách chế độ Tăng đoàn, nhưng tâm nguyện của Ngài không như ý, Ngài từ chức tổng biên tập “Nguyệt san Phật giáo”về núi Phổ đà nhập thất chuyên tu Phật học. Trong thời gian nhập thất, Ngài chuyên tâm vào nghiên cứu các kinh luận của các tông phái, đặc biệt là tông Duy thức và tông Tam luận. [1] Ngoài ra, Ngài còn nghiên cứu tư tưởng triết học, pháp học phương Tây.

Ở đây, Đại sư Ấn Quang (1862-1940) [2] cũng thường lui tới đàm đạo với Ngài. Ngoài ra, đối với học thuyết Đông Tây, xưa nay Ngài đều nhìn nhận dưới lăng kính Phật thừa và viết bài bình luận. Có thể nói, đây là thời kỳ Ngài chuẩn bị một đường hướng mới thích hợp, để đáp ứng thời cơ, chấn hưng đạo pháp, xây dựng xứ sở. Chính thời gian này, bộ luận Chỉnh lý chế độ Tăng già ra đời, đồng thời các luận khác như Thiền Điển Tông, Pháp giới, Tam minh cũng lần lượt xuất hiện. Điều linh diệu đối với Ngài trong thời gian nhập thất. “Có một buổi chiều Ngài nhập định, nghe chuông lúc đầu vào buổi hoàng hôn, rồi Ngài nhập Tam muội (định). Lúc sau nghe chuông báo xả định, Ngài xả ra mới hay trời đã sáng”. Ngài cũng thường nói: “Lúc nào thấy mệt mỏi, thân tâm không được điều hòa, để trị bệnh vặt này, chỉ có cách lấy bút mực ra thảo ít bài, liền thấy trong người thư thái.”

3. Xuất dương du học

Năm Dân quốc thứ 5 (1916), Ngài xuất thất vân du đến các nước như: Đài Loan, Nhật Bản để khảo sát Phật giáo và giảng dạy Phật học. Những điều mắt thấy tai nghe càng làm cho Ngài tin tưởng hơn vào bộ Tăng già chế độ của mình vừa xuất bản.

4. Thời kỳ về nước hành đạo

Năm Dân quốc thứ 7 (1918), sau khi từ Nhật Bản trở về nước, Ngài cùng các vị học giả Phật giáo như Trần Nguyên Bạch, Chương Thái Nghiêm và Vương Nhất Đình sáng lập “Giác xã”, làm chủ biên tờ báo “Giác xã tùng thư” là tiền thân của tờ báo nguyệt san “Hải triều âm”, lưu hành trong suốt 30 năm, được xem là 1 trong những tờ báo Phật giáo phát hành lâu nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc.

Trong thời thuyết giảng Đại Thừa Khởi Tín tại Hán Khẩu, có Cư sĩ Lý Ẩn Trần, ông đọc được Đạo Học Luận Hành, Lăng Nghiêm Nhiếp Luận của Ngài rồi khen: “Dẫu cho gặp Lục Tổ, [3] chưa chắc Ngài đã độ được tôi, nhưng với văn chương tam muội thế này, đã làm cho tôi cúi đầu bái phục.” Cũng trong thời gian này, các luận Phật Thừa Tông Yếu Tân Đích, Duy Thức… lần lượt được xuất bản. Đồng thời, Ngài sáng tác và để hết tâm lực vào công cuộc vận động cải cách Phật giáo nước nhà. Có thể nói, bao nhiêu hoài bão trong lòng, Ngài đều lưu xuất ra hết. Chính hai bài báo “Chi Hành Tự Thuật”, “Thích Tân Tăng” đã nói lên chí nguyện, cùng chỗ mong muốn của Ngài, đối với tiền đồ đạo pháp và sự tồn vong của đất nước.

Năm Dân quốc thứ 11 (1922), Đại sư Thái Hư bổ nhiệm trụ trì chùa Đại Vi ở tỉnh Hồ Nam, sau đó sáng lập Phật học viện Vũ Xương, tiếp nhận nhiều Tăng sinh vào tu học, và đào tạo nhiều Tăng tài cho Phật giáo. Mùa hạ năm thứ 12, ngài về Lô Sơn nhận trụ trì chùa Đại Lâm, tại đây Ngài mở lớp Phật học và đề xuất thành lập “Hội liên hiệp Phật giáo thế giới”, Ngài được bầu làm hội trưởng đầu tiên.

Năm thứ 14, Ngài đến núi Ngũ Đài tỉnh Sơn Tây, nhận lời mời của Tỉnh trưởng và Đô đốc (Sĩ quan cao cấp) tỉnh thuyết giảng Phật học tại Thái nguyên. Tháng 10 cùng năm, Ngài dẫn phái đoàn Phật giáo Trung Quốc tham dự “Đại hội Phật giáo Đông Á” tại thành phố Tokyo – Nhật bản.

Năm Dân quốc thứ 16 (1927), Pháp sư Hội Tuyền đệ nhất trụ trì chùa Nam Phổ Đà vì sức khỏe già yếu, đã đề xuất Đại sư Thái Hư kế vị trụ trì và kiêm nhiệm chức Viện trưởng Phật Học Viện Mân Nam. Cũng năm này, Đại học Lãng Phước đặt tại nước Đức mời Ngài giảng về môn Trung Hoa. Khi đó Ngài có trước tác quyển “Tự Do Sử Quan” đã dịch ra tiếng Anh. Mùa thu năm đó, Pháp sư Hội Tuyền đã động viên và tài trợ kinh phí cho Ngài du hóa và thuyết giảng Phật pháp ở nước ngoài: Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Mỹ… trong chuyến hoằng pháp này, Ngài nhận lời thỉnh cầu của các học giả Pháp, thành lập Phật học uyển thế giới tại thủ đô Pari, mở ra một con đường cấp tiến truyền bá Phật pháp tại các nước Âu – Mỹ.

Năm Dân quốc thứ 18 (1929), Đại sư Thái Hư về nước, tiếp tục chủ trì công việc Phật sự tại chùa Nam Phổ Đà, Phật học viện Mân Nam va khởi xướng tổ chức hội Phật giáo Tư Minh. Trong thời gian này, Ngài luôn tuyên truyền xiển dương “Đại cương xây dựng Tăng chế hiện đại Trung Quốc”, và đích thân Đại sư Thái Hư trực tiếp giảng dạy cho Tăng sinh, học phải đi đôi với hành, Ngài nhấn mạnh “giáo dục Tăng già cần phải xây dựng trên nền tảng giới luật”. Trong thời gian này, Ngài giảng các đề tài “Tông chỉ và Mục đích Phật học”, “Cương yếu Phật học”, sách tấn Tăng sinh trẻ phải chịu cực, chịu khổ, không nệ gian lao, bất từ khó nhọc dấn thân phục vụ xiển dương Đạo pháp.   

Năm Dân quốc thứ 22 (1933), Đại sư Thái Hư khai thị thuyết giảng về các đề tài “Hội Phật học và thực hiện Phật giáo hóa”, “Phật giáo hóa và Trung Quốc hiện đại” và “Pháp sư và học Tăng làm thế nào để yêu mến xây dựng học viện”, tại đây, Ngài nhắc nhở thầy và trò học viên cần phải yêu nước và mến đạo, xây dựng tinh thần vì nước quên thân, vì sự hưng vong của của Đạo pháp và dân tộc mà hy sinh.

Năm Dân quốc thứ 25 (1936), Ngài đã ấn hành cuốn Giảng nghĩa Chương Duy Thức học, bản Giảng nghĩa Kinh Ưu Bà Tắc, Kinh Kim Cương, ba cuốn sách của Từ Tôn, Thái Hư Văn sao.

Năm Dân quốc thứ 26 (1937), Nhật Bản xâm lược, Trung Hoa kháng chiến. Ngài bèn lấy tư cách một tăng sĩ Phật giáo, gửi điện văn thúc Phật giáo đồ Nhật Bản kháng nghị Chính phủ Nhật Bản đình chỉ hành vi xâm lược tàn bạo, đồng thời Đại sư lấy tư cách một công dân, đứng ra tổ chức các đoàn cứu hộ, cứu giúp nỗi khổ của tất cả nạn nhân chiến tranh, không phân biệt người thân hay quân địch, quân sĩ hay dân chúng, toàn quốc tất cả chiến tuyến đều có đoàn người Từ bi phục dịch cho nỗi thảm cảnh khốn khổ của người bị nạn. Đồng thời, những lời kêu gọi thiết tha của Đại sư kêu gọi dân tộc Nhật Bản đừng xâm phạm sự sống của người, kêu gọi dân tộc Trung Hoa cố bảo vệ sự sống của mình, được quần chúng hưởng ứng và trí giả khâm phục.

Việc làm của Ngài đều nhắm vào mục đích bảo vệ Chánh pháp và giúp người vơi bớt khổ đau. Đồng thời cũng thể hiện việc hoằng pháp bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Đại sư vẫn tiến hành mãnh liệt.

Năm Dân quốc thứ 28 (1939), Ngài đứng ra tổ chức đoàn phỏng vấn của Phật giáo Trung Hoa, xuất ngoại hoằng pháp khắp tất cả các nơi: Miến Điện, Ấn Độ, Nam Dương, [4] Tích Lan v.v… đi đến đâu mọi người đều hoan nghênh, tiếp đón rất trịnh trọng.

Năm Dân quốc thứ 28 (1939), từ Ấn Độ trở về Trung Quốc, được đại biểu hơn 60 đoàn thể hoan nghênh tại Bồi Đô. [5] Giữa Đại hội, Ngài trình bày công việc của đoàn phỏng vấn và tình hình Phật giáo các nơi. Tiếp  theo Ngài giảng Chân Hiện Phật Luận và ấn hành trong mùa đông năm ấy.

Năm Dân quốc thứ 30 (1940), Đại sư giảng “Pháp tính Không tuệ học khái luận”, “Trung Quốc Phật học” tại viện Giáo lý Hán Tạng, rồi trù bị cải tổ Giáo hội Tăng già Trung Quốc, lập “Trung học Đại hùng” ở Bắc Bồi và tổ chức “Hội Phật giáo Trung Quốc”, cũng chính Đại sư giữ chức “Ủy viên Chỉnh lý”.

5. Công trình biên soạn, phiên dịch và giảng dạy

Sinh thời, Đại sư Thái Hư biên soạn, phiên dịch và giảng dạy cũng như trước tác rất nhiều tác phẩm giá trị để đời. Có thể nói rằng, Ngài đã tạo ra một số lượng luận giải đồ sộ. Những tác phẩm nầy về sau được tập thành 64 quyển, do ngài Ấn Thuận chủ biên. Đây là toàn bộ trước tác của Đại sư Thái Hư, người vận động đổi mới Phật giáo chủ yếu của thời Dân quốc. Nội dung toàn tập chia làm 20 bộ môn: 1- Phật pháp tổng học, 2- Ngũ thừa cộng học, 3- Tam thừa cộng học, 4- Đại thừa thông học, 5- Pháp tính không tuệ học, 6- Pháp tướng duy thức học, 7- Pháp giới viên giác học, 8- Luật thích, 9- Chế nghị, 10- Học hạnh, 11- Tông y luận, – Tông thể luận, 13- Tông dụng luận, 14- Chi luận, 15- Thời luận, 16- Thư bình, 17- Thù đối, 18- Giảng diễn, 19- Văn tùng và 20- Thi tồn. Tập phụ thêm là Thái Hư đại sư niên phổ tập thượng, hạ, do ngài Ấn thuận chủ biên.

Các tác phẩm của Đại sư Thái Hư đã xuất bản

  1. Thái Hư đại sư toàn tập, 1950.
  2. Thái Hư đại sư toàn thư, 1980.
  3. Đại sư Thái Hư văn hối, Nbx Hoa hạ, 2012.
  4. Hiện thật chủ nghĩa, Tạp chí Hải Triều Âm, 1923.
  5. Phật học là gì? Tạp chí Phật giáo Nam Dương, 1977.
  6. Về việc chấn chỉnh hệ thống Tăng già, Văn phòng In ấn Đài Loan, 1958.
  7. Luận A-đà-na thức, Văn hóa Đại thừa, 1978.
  8. Luận pháp tướng tức tông duy thức, Văn hóa Đại thừa, 1978.
  9. Luận tức thân thành Phật, Văn hóa Đại thừa, 1979.
  10. Luận Đại thừa tam tông, Văn hóa Đại thừa, 1979.
  11. Sự cứu thế Phật pháp, Tạp chí Hải Triều Âm, 1980.
  12. Trung Hoa Dân Quốc và Phật giáo, Tạp chí Hải Triều Âm, 1981.
  13. Từ tông tam yếu, Đạo tràng Bồ tát Di Lặc trên núi Ba Sa, 2001.
  14. Pháp tướng duy thức học, Báo chí Thương mại, 2004.
  15. Lăng nghiêm đại ý (PDF), Tạp chí Tuệ cự, 2007.
  16. Dược sư bổn nguyện kinh giảng ký (PDF), Tạp chí Tuệ cự, 2008.
  17. Trích biên “Kinh bốn mươi hai chương” (PDF), Tạp chí Tuệ cự, 2008.

6. Nhiếp hóa đồ chúng

Đại sư Thái Hư đã giáo dục và đạo tạo rất nhiều bậc Tăng tài cho Phật giáo như:

  1. Đạo sư Ấn Thuận (1906-2005)
  2. Pháp sư Đông Sơ (1908-1977)
  3. Pháp sư Đại Tỉnh (1900-1952)
  4. Pháp sư Đại Dũng (1893-1929)
  5. Pháp sư Từ Hàng (1893-1955)
  6. Pháp sư Pháp Phang (1904-1951)
  7. Pháp sư Chi Phong (1901-1971)
  8. Giáo sư La Thời Hiến (1914-1993)

7. Những tháng ngày cuối cùng

Năm Dân quốc thứ 36 (1947), bài giảng cuối cùng của Ngài với đề tài “Bồ tát Học xứ” tại Diên Khánh tự vào thượng tuần tháng hai. Trong lúc Ngài đang cầm bút dịch kinh Đại Bát Nhã, bỗng bệnh cũ tái phát, Ngài đã an tường xả báo thân, thị tịch vào 01 giờ 13 phút, ngày 25/02/ Đinh Hợi (17/03/1947), tại ngôi già lam Ngọc Phật tự, Thượng Hải, trụ thế 59 năm, Pháp lạp 43 hạ. Sau lễ trà tỳ thu được hơn 300 viên xá lợi đủ màu sắc. Di sản quý giá nhất của Ngài để lại cho hậu thế là “Thái Hư Bồ tát tạng (太虚菩薩藏).

8. Cải cách Phật giáo

Đại sư Thái Hư, vị Tăng sĩ Phật giáo trứ danh, triết học gia, sáng lập Nhân gian Phật giáo, người khởi xướng cuộc Cách mạng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX tại Trung Hoa đề ra Tam Phật Chủ nghĩa (三佛主義). [6] Như đoạn trước đây đã nói, vào năm 1912, trong cuộc vận động của Phật giáo, Ngài Ký Thiền tử đạo, Đại sư Thái Hư tiếp tục đứng lên lãnh đạo cuộc vận động của Phật giáo. Tư tưởng cải cách này nhằm vào 3 điểm chính: 1. Cải cách về giáo lý; 2. Cải cách về giáo chế; 3. Cải cách về giáo sản. Sau đây là nội dung ý nghĩa đại cương ba cuộc vận động ấy:

1. Cải cách về giáo lý

a. Tổng hợp toàn bộ Phật Pháp quy nạp lại ba hệ thống:

+ Giáo lý chung của 5 thừa.

+ Giáo lý chung của 3 thừa.

+ Giáo lý đặc biệt của Đại thừa.

Giáo lý đặc biệt của Đại thừa lại có ba hệ thống tư tưởng lớn. 

–  Pháp không quán hệ.

– Pháp tướng duy thực.

– Chân như tịnh đức.

b. Sắp xếp và phân loại ba tạng Thánh giáo đã được hệ thống hóa trên đây theo 3 văn hệ văn học Phật giáo: 

+ Văn hệ Pāli.

+ Văn hệ Tây Tạng.

+ Văn hệ Trung Hoa.

c. Thực hiện: 

+ Diễn giảng, trước tác, dịch thuật.

+ Lập đồ thư quán (thư viện), các Phật học viện; Thế giới Phật học uyển; cơ quan sinh hoạt văn hóa Phật giáo.

2. Cải cách về giáo chế

Hệ thống hóa các đoàn thể tổ chức.

a. Nguyên Phật giáo có 7 tổ chức (7 chúng).

+  Tại gia 2: Ưu bà tắc, Ưu bà di.

+  Xuất gia 5: Sa di, Sa di ni, Thức xoa, Tỷ kheo, Tỷ kheo ni.

Đại sư Thái Hư vận dụng các tổ chức ấy vào sinh hoạt xã hội. Ngài bảo, tất cả Phật tử có 2 chức nghiệp:

– Thế nghiệp: Sinh sống, phục vụ công ích xã hội, nghề nghiệp sinh nhai.

– Đạo nghiệp: Thực hành Phật pháp, áp dụng Phật pháp vào đời.

Ngoài 7 tổ chức, Đại sư còn muốn tổ chức thêm các ngành tôn giáo chính trị, gọi chung là các sinh hoạt Phật hóa, thí dụ Phật hoá xã hội chủ nghĩa, Phật hóa Cơ Đốc giáo, Phật hoá khoa học, Phật hoá triết học.

 b. Đặc biệt chú trọng đến các tổ chức hàng xuất gia. Đại sư xác nhận xuất gia phải lãnh đạo tất cả tổ chức xã hội, sự lãnh đạo ấy bằng cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.

Muốn vậy phải: 

+ Thoát ly gia đình.

+ Nêu hạnh thanh cao bằng Tỳ kheo giới.

+ Mở rộng lòng từ bằng Bồ Tát giới.

c. Thực hiện:

Được phác họa các lý tưởng trong tập “Chỉnh lý Tăng già chế độ luận”. Chữ “Tăng già” (S. Saṃgha; P. Sangha; T. Dge-‘dun) ở đây tất nhiên Đại sư quan niệm đúng nghĩa của nó là đoàn thể, tổ chức. Đại sư thực hành “cải cách giáo chế” này một cách mãnh liệt, bằng cách thiết lập các đoàn thể Phật học, tổ chức Phật hóa, các cơ quan thiết lập các đoàn thể giáo dục, Đại sư nhận nguyên tắc căn bản của cá nhân Ngài là “Chỉnh lý tăng già” xem đó đủ biết Đại sư chú ý điều này đến ngần nào. Đại sư cao xướng kiến thiết “Nhân gian tịnh độ” cũng là biểu hiện tư tưởng này.

3. Cải cách về giáo sản

a. Sử dụng tất cả động sản, bất động sản của Phật giáo vào các công việc Phật sự:

– Kiến thiết các Phật học viện.

– Đào tạo Tăng già chân chính.

– Thiết lập các cơ quan văn hóa Phật giáo.

– Thiết lập các cơ quan từ thiện.

b. Sinh hoạt bằng nguyên tắc: “Như lý cầu tài”, “Như pháp thọ dụng”. Nghĩa là tài vật hợp lý và sử dụng hợp lý.

c. Thực hiện:

Đại sư Thái Hư đã thực hiện triệt để.

– Sáng lập và đích thân chủ trì các cơ quan văn hóa, từ thiện và giáo dục.

– Đem tất cả tài sản của mình có để hoạt động cho Phật giáo. 

Ba điều trên, nói “cải cách” là cải cách bao nhiêu sự tồi tệ của hiện tại và quá khứ, bằng cách phục hồi nguyên tướng của Phật giáo. Nói cách khác cho dễ hiểu, Đại sư đem Phật giáo cải cách hiện trạng Phật giáo và hiện trạng xã hội, để kiến tạo một Nhân gian Tịnh độ.

Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Thái Hư, chúng ta đã thấy rất rõ về Ngài thông qua các tư tưởng luận thư trước tác, phương hướng hoạt động và cách thức làm việc, quả là một Chân nhân Tăng già của Phật giáo thời cận – hiện đại, một con người hiếm hoi của lịch sử. Trước khi viên tịch, Đại sư phó chúc lại cho các bậc nghĩa học: “Hãy nỗ lực đưa cuộc tân vận động của Phật giáo đến thành công”. Chúc thư ấy là sở hành của Bồ-tát, là phương châm hành đạo của người xuất gia.

II. Tác phẩm Luận Phật Thừa Tông Yếu

Luận Phật Thừa Tông Yếu là một trong nhiều tác phẩm của Đại sư Thái Hư, bộ luận nầy được biên tập trong quyển 1 – Phật pháp tổng học, mang ý nghĩa bao quát nội dung giáo nghĩa của Đại thừa Phật giáo (P. Mahāyāna) và Nguyên thủy Phật giáo (P. Hīnayāna). Đại sư có tầm nhìn xa trông rộng, thấu suốt toàn bộ hệ thống Tam tạng Phật giáo, về giải thoát quan, nhân sinh quan, vũ trụ quan, đạo đức quan và các lĩnh vực giáo dục, tư tưởng, học thuật, triết học, khoa học, tâm lý học, xã hội học…

Nội dung chính của Luận Phật thừa Tông Yếu  là tuỳ thuận theo cơ duyên và thời đại của chúng sanh để thuyết minh về những yếu nghĩa đại cương của Phật pháp. Cho nên, bộ luận nầy còn được gọi là “Hiện Đại Phật Pháp Khái Luận” (現代佛法概論).

Theo quan điểm Phật giáo, xưa và nay vốn không có sự cách biệt giữa 3 đời quá khứ, hiện tại và tương lai, do đó tên gọi “Hiện đại” cũng không thể diễn bày bằng ngữ ngôn, mà tốt hơn hết nên im lặng như bậc Thánh, nhưng vì thuận theo trào lưu tư tưởng thời đại của con người mà có sự đổi thay.

Ngày nay, khoa học phát triển, con người dựa vào các bộ môn như: triết học, tâm lý học, đạo đức học, động vật học hay thể dục học… để nghiên cứu, tìm hiểu về Phật pháp, hoặc lại có người đưa ra những suy luận,  phán đoán về Phật giáo một cách lệch lạc mang nặng tính chủ quan. Cho nên, chủ đích của luận giả cũng căn cứ theo trào lưu tư tưởng của người đời mà giảng thuyết về Phật pháp. Nếu tùy thuận theo Chân như [7] để diễn bày, thì cho dù có nói mà không nói, đó mới thật sự là nói hết vậy. [8]

Phần mở đầu luận nầy thuyết minh một cách khái quát thay cho lời tựa, nhằm nêu lên nội dung chính của bộ luận. Toàn luận được chia làm 4 phần, mỗi phần gồm có những chương mục riêng, trong những chương mục là những tiết nhỏ. Sau đây là tóm lược của bộ luận.

A. Phần 1: Lời mở đầu, gồm 4 chương

Chương 1. Hệ thống quan của Phật giáo: Tìm hiểu nguồn gốc và nhận thức về mục đích, tông chỉ và ý hướng của Phật giáo để có một quan niệm chính xác về nhân sinh và trụ quan của Phật giáo.

Chương 2. Nhận thức rõ ràng về  tự lợi và lợi tha trong Phật giáo: Phật giáo lấy lợi tha để thành tựu tự lợi. Do đó, vấn đề của Phật giáo là tự và tha đồng lợi.

Chương 3. Phật giáo với những nhu cầu thiết yếu của thời đại: a. Vấn đề khế lý, khế cơ là điểm chủ chốt trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Phật giáo. b. Sự cần thiết của Phật pháp đối với cộng đồng xã hội và thế giới.

Chương 4. Phật pháp với các vấn đề: Pháp khả thuyết và pháp bất khả thuyết. Phần này đề cập đến Pháp Phật. Phật pháp vốn là ly ngôn thuyết là tuyệt đối, là bất khả tư nghì, bất khả thuyết, không thể diễn bày. Nhưng thiết lập ngôn thuyết là vì muốn cho chúng sanh mọi người khai ngộ hiểu rõ được giáo nghĩa triết mà thực hành đúng đắn để đạt kết quả giải thoát.

B. Phần 2: Phật pháp thuần chánh (nguyên chất)

Đề cập đến các vấn đề nhận thức chân lý và phương pháp thực hành chân lý trong Phật pháp. Phần này có 4 chương:

 Chương 1: Trình bày đại cương hai bộ phái Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo. Đối với Nguyên thủy dụng công tu trì, để mong sớm được thoát ly thế gian. Còn Đại thừa với dụng công tu trì nhằm cứu nhân độ thế.

Chương 2: Nguyên thủy Phật giáo: Trình bày về tông yếu mục đích của Nguyên thủy là liễu sanh thoát tử. Muốn được vậy phải nhận thức rõ ràng về nhân sinh và vũ trụ quan Phật giáo, và áp dụng phương pháp tu tập để thoát ly sanh tử.

Chương 3: Đại thừa Phật giáo: Trình bày về tông yếu mục đích của Đại thừa với các vấn đề: Bồ đề tâm (S, P. Bodhi-citta), Từ bi tâm (P. Mettā-citta), Phương tiện (S, P. Upāya ) và Cứu cánh (S. Mokṣa; P. Moksha), Niết bàn (S. Nirvāṇa; P. Nibbāna), Bồ đề  (P. Citta) và Pháp thân (Dharmakāya; P. Dhammakāya), kinh luận và giáo phái.

Chương 4: Mối quan hệ giữa Nguyên thủy và Đại thừa: Trình bày các vấn đề về mối quan hệ giữa Nguyên thủy và Đại thừa. Nguyên thủy bước sơ khởi vào Đại thừa. Giáo pháp Nguyên thủy là phương tiện để thể nhập vào Đại thừa. Đại thừa là pháp tu thù thắng. Đại thừa với sự Phương tiện thiện xảo (S. Upāya kauśalya; P. Upāya kosalla; E. Skilful means) trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh.

C. Phần 3: Phật pháp ứng dụng

Trình bày mối quan hệ của Phật pháp với nhân sinh con người. Nghĩa là giải thích những công dụng ứng hoá của Phật pháp đối với nhân sinh. Phần này có 4 chương:

Chương 1: Một vài nhận định của Phật giáo đối với các tôn giáo khác và các phái triết học. Như triết học thuần chánh (nguyên chất): Nhất nguyên luận, Nhị nguyên luận, Duy vật luận, Duy tâm luận v.v… Triết học ứng dụng như: Tiến hoá luận, Thiên thần giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Bà la môn giáo v.v… Sự quan hệ của khoa học hiện đại với Nguyên thủy Phật giáo. Triết học hiện đại với Đại thừa Phật giáo. Phật giáo với vấn đề mê tín dị đoan…

Chương 2: Mối quan hệ giữa Phật giáo với nhân sinh xã hội: Đề cập đến các vấn đề Phật giáo với hết thảy chúng sanh; Phật giáo với những ích lợi cho thế gian; Phật giáo với pháp lành của hàng trời, người; Các bậc Hiền Thánh đều thực tập chứng đắc thiện Pháp thiên thừa. Các pháp lành thế gian phải có nền tảng căn bản thiện pháp của xuất thế gian; Cuối chương này, đề cập đến sự khó nghĩ bàn của các bậc Hiền Thánh nhân xuất hiện ở thế gian.

Chương 3: Mối quan hệ giữa Phật giáo và đất nước Trung Hoa: Phật giáo là yếu tố cần thiết cho nhân dân Trung Quốc nói riêng, để đem lại quốc thái dân an, và Phật giáo muốn hoằng dương Chánh pháp cũng phải nương vào Trung Quốc. Phật giáo với vai trò văn hoá con người.

Chương 4: Vấn đề lưu truyền Phật giáo ở nhân gian: Trình bày các vấn đề chỉnh đốn Tăng già; Thành lập hội chánh tín Phật giáo; Thiết lập hệ thống giáo dục Phật giáo; Sự nghiệp cứu nhân độ thế của Phật giáo; Thành lập các tổ chức, hiệp hội của Phật giáo; Tương lai của đồ chúng Phật giáo đều được đề cập đến trong chương này.

D. Phần 4: Kết luận

Phần tổng kết chung của bộ luận có hai chương Quy y và Hồi hướng:

Chương 1: Quay về nương tựa Tam bảo. Đề cập đến người có lòng tin chân chánh quay về nương tựa Phật pháp, quy y Phật bảo, quy y Pháp bảo và quy y Tăng bảo .

Chương 2:  Hồi hướng. Hồi hướng về bậc giác ngộ trong khắp pháp giới. Hồi hướng về nhất tâm Chân như tức là hồi sự hướng lý. Hồi hướng về vô thượng chánh giác và hồi hướng về pháp giới hữu tình.

Tham khảo

  1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Trường Bộ.
  2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Trung Bộ.
  3. Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Tương Ưng Bộ.
  4. Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Tăng Chi Bộ.
  5. Đại Tạng Kinh Việt Nam, kinh Tiểu bộ.
  6. HT. Thích Trí Hải (dịch), Luận Phật Thừa Tông Yếu, Ban Giáo Dục Tăng Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Tháp,  Ấn hành 1999 – 2543.
  7. HT. Thích Nhật Quang (dịch), Luận Phật Thừa Tông Yếu, Tp. HCM, Nxb Tôn giáo, 2001.
  8. HT. Thích Thiện Hạnh (dịch), Luận Phật Thừa Tông Yếu, Phật lịch 2556.
  9. Thích Tín Hòa (dịch), Luận Phật Thừa Tông Yếu, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2011.
  10.  HT. Thích Khánh Anh (dịch), Nhị Khóa Hiệp Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1991.
  11.  HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Pháp Hoa, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2001.
  12.  HT. Thích Trí Tịnh (Việt dịch), Kinh Đại Bảo Tích, Nxb BVH Thành Hội Tp.HCM, 1999.
  13.  HT. Thích Minh Châu (dịch), Đại Thừa và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Nxb Tp. HCM, 1999.
  14.  H.T  Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006.
  15.  H.T Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ (Tập II), Nxb TP.HCM, 1998.
  16.  HT.  Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá, Nxb Tôn giáo, 2000.
  17.  HT.  Thích Thiện Siêu, Thức Biến, Nxb TP.HCM, 2003.
  18.  H.T Thích Huyền Dung (dịch), Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức, Nxb Tôn giáo, 2002.
  19.  HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Nxb Phương đông, 2008.
  20.  HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch), Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Nxb Phương đông, 2008.
  21.  H.T Thích Liêm Chính (lược dịch và cương yếu), Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2017.
  22.  H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Đại Thừa Khởi Tín Luận, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2018.
  23.  Thích Minh Thời (biên soạn), Kinh Nhật Tụng, Tp. HCM, Nxb Tôn giáo, 2008.
  24.  H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2006.
  25.  HT. Thích Trí Quang (dịch), Luận Đại Trượng Phu, Nxb Viet Nalanda Foundation, 2011.
  26.  Thích Hậu Quán (tác giả), Thích Vạn Lợi (Việt dịch), Phước Huệ Tập 1.
  27.  Kinh Kim Cương.
  28.  Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
  29.  HT Thích Quảng Độ (dịch), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh Việt Nam, 1969. 
  30.  HT Thích Quảng Độ (dịch), Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh Việt Nam, 1969. 
  31.  HT Thích Quảng Độ (dịch), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh Việt Nam, 1969. 
  32.  Kinh Đại Bát Niết Bàn (tập 2), Đoàn Trung Còn Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải, Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, Nxb Tôn giáo, 2020, tr. 600.
  33.  Thích Nữ Trí hải (dịch), Thanh Tịnh Đạo, Nxb Hồng Đức, 2016.
  34.  HT. Thích Phước Sơn (dịch), Luật Ma Ha Tăng Kỳ (Tập 3), Nxb Tôn giáo, 2011.
  35.  HT. Thích Duy Lực (dịch và lược giải), Pháp Bảo Ðàn Kinh, Nxb Santa Ana, 1992.
  36.   HT. Thích Trí Tịnh (dịch),  Kinh Hoa Nghiêm (Tập 2), Nxb Tôn giáo, 2021.
  37.  Hộ Tông Tỳ Kheo (dịch), Thập Độ, Nxb Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1995.
  38.  Đoàn Trung Còn, Phật Học 10 – Các Tông Phái Đạo Phật, Nxb Sài gòn, 1943.
  39.  Thích Chúc Phú, Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đối Chiếu & Nhận Định, Nxb Hồng Đức, 2014.
  40.  Hạnh Viên (dịch), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương đông, 2007.
  41.  Thích Thiện Chánh, Nền Tảng Phật Giáo Đại Thừa, Nxb Thuận hóa, 2022.
  42.  佛乘宗要論 。太虛大師講述 ──民國九年六月在廣州講經會──
  43.  大方廣圓覺修多羅了義經。 大正新脩大正藏經 Vol. 17, No. 842.
  44.  《大方廣佛華嚴經入不可思議解脫境界普賢菩薩行願品》,大正藏第十冊,No.293《大方廣佛華嚴經》.
  45. 《大乘法苑義林章》, 大正新脩大正藏經  Vol. 45, No. 1861.
  46. 《成唯識論述記》, 大正新脩大正藏經 Vol. 43, No. 1830.
  47.  E.M. Hare, The Book of the Gradual Sayings (Aṅguttara Nikāya), Vol.1, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2006.
  48.  Maurice Walshe (trans.),  Dīgha nikāyaThe Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, Boston, 2012.
  49.  Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism In China: A Historical Survey, Princeton University Press, 1964.

Chú thích

[1]. Tông Tam luận là một tông phái Đại thừa của Phật giáo Trung Quốc. Danh xưng này xuất phát từ ba bộ luận căn bản:  1- Trung quán luận (S. Madhyamaka-kārikā; C. 中觀論) của  ngài Long thọ (Nāgārjuna). 2- Thập nhị môn luận (S. Dvādaṣadvāra-śāstra; C. 十二門論, cũng của ngài Nāgārjuna. 3. Bách luận (S. Śata-śāstra; C. 百論) của ngài Thánh Thiên (Āryadeva). 

[2]. Xem thêm Lược sử 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông.

[3]. Lục tổ Huệ Năng (638-713), Thiền sư vĩ đại trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa.

[4]. Nam Dương là tên chung của cả vùng Đông Nam Á gồm các nước Việt Nam, SingaporePhilippinesMalaysiaThái Lan và Indonesia.

[5]. Bồi Đô Thủ đô thứ nhì, chỉ thành phố lớn bậc nhì trong nước.

[6]. Tam Phật chủ nghĩa là Phật tăng, Phật hóa và Phật quốc. Phật tăng chủ nghĩa là cải tạo tăng đoàn, bài trừ ngu tăng, đào tạo tăng tài, Phật hóa chủ nghĩa và Phật quốc chủ nghĩa là lấy Phật giáo làm căn bản giáo hóa dân gian, phổ biến Bồ tát hạnh để tạo thành một Phật quốc tịnh độ.

[7]. Chân như (S. Tathātā; P. Tathatā; C. 真如), thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự.

[8]. Tư tưởng nầy, trong kinh Lăng nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn.”

Phật Thừa Tông Yếu Luận