Tìm hiều về Tam Luận Tông – Nguyên Định

A. Giới thiệu

Tam luận tông là một tông phái Phật giáo trong các triều đại nhà Tùy (581-619) và nhà Đường  (618-907) ở Trung Quốc; ngôi tự viện được biết đến đối với tông phái nầy là “Thảo đường tự” ở  Tây An và “Thê hà tự” ở Nam Kinh. Danh tự “Tam luận tông” được gọi sau khi tạo ra ba bộ luận: “Trung luận”, “thập nhị môn luận” của ngài Long Thọ, và “bách luận” của ngài Thánh Thiên. Còn có tên gọi khác là “không tông” (空宗) hay “pháp tánh tông” (法性宗). Bởi vì nó giải thích “mọi thứ đều không”  (一切皆空) và “tất cả các pháp đều không” (諸法性空). 

Thảo Đường Tự

Vào thời hậu Tần, ngài Cưu Ma La Thập truyền dịch là “Tam luận”, nhằm thể hiện sự kính trọng và ủng hộ sở học ngài Long Thọ và ngài Thánh Thiên, đặt cơ sở lý luận cho việc thành lập “Tam luận”. Sau đó, vào thời triều đại Lưu Tống (420-479), có ngài  Tăng Lãng (僧朗) đã giới thiệu học thuyết của ngài Cưu Ma La Thập và Tăng Triệu đến Giang Nam (khu vực phía nam của hạ lưu sông Dương Tử). Tăng Thuyên (僧 詮) là đệ tử của ngài Tăng Lãng (僧朗), và Pháp Lãng thuộc môn nhân của ngài Tăng thuyên đã được truyền qua nhiều thế hệ, và giáo lý đã dần trưởng thành.

Ngài Cát Tạng (吉藏, 549-623) một thành viên của học phái Pháp Lãng đã tập hợp đỉnh cao của Tam luận học thuyết của ngài Cưu Ma La Thập, Tăng Triệu, Tăng thuyên và Pháp Lãng v.v… sáng lập ra “Tam luận tông”. Ngài Tuệ Viễn (慧远, 334-416) và Thạc Pháp Sư thuộc học phái của Cát Tạng, và Nguyên Khang (元康) là môn nhân của Thạc Pháp Sư  tiếp tục hoằng dương “Tam luận”. Nhưng thời gian chẳng bao lâu sau, khi tông phái nầy trở nên phổ biến, thì dần dần mất người truyền thừa.

B. Nội dung

1. Tông chủ

Người sáng lập ra tông nầy là Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (S. Kumārajīva; C. 鳩摩羅什, 344-413), người xứ Qui Tư (Kucha) Tân Cương ngày nay, đời Diêu Tần. Pháp sư Cưu Ma La Thập là một vị thông Tam tạng Kinh điển, Ngài dịch rất nhiều Kinh và Luận, đồng thời khi dịch ba bộ luận: Trung Quán luận (S. Madhyamaka-kārikā; C. 中觀論) hay không luận (S. Śūnyatavāda) của ngài Long thọ (Nāgārjuna, 150-250  STL), Thập nhị môn luận (S. Dvādaṣadvāra-śāstra; C. 十二門論) cũng của Nāgārjuna, Bách luận (S. Śata-śāstra; C. 百論) của Thánh Thiên (Āryadeva, 聖天) Ngài xiển dương thành Tam luận tông.

2. Truyền thừa

Tông nầy được thịnh hành ở Trung Hoa do công đức hoằng dương của ngài Cưu Ma La Thập và người kế thừa là các đệ tử như: Đạo Sinh (道生), Tăng Triệu (僧肇), Tăng Duệ (僧叡) và Đạo Dung (道融). Trong thế kỷ thứ VI, Tam luận tông rất thịnh hành và những Cao tăng thời này là Pháp Lãng (法朗) và đệ tử là Cát Tạng (吉藏). Trong thế kỷ thứ VII, Tam luận tông được Cao tăng Huệ Quán (慧灌), đệ tử của Cát Tạng truyền qua Nhật vào năm 625.

3. Cơ sở y cứ

Tông nầy căn cứ vào ba bộ luận sau đây mà thành lập, nên gọi là Tam Luận tông:

1. Trung Quán luận (S. Madhyamaka-kārikā; C. 中觀論) gồm 4 quyển, 27 phẩm (chương), 446 bài tụng, mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ (CBETA, T30n1564) do Bồ tát Long thọ (Nāgārjuna) tạo, mục đích chính là phá chấp của Tiểu thừa và một phần là đả phá sai lầm của ngoại đạo.

2. Thập nhị môn luận (S. Dvādaṣadvāra-śāstra; C. 十二門論) gồm 1 quyển, 12 phẩm (chương) (ĐTK/ĐCTT, tập 30, No 1.568, trang 159-167C)  cũng của bt Nāgārjuna tạo.

3. Bách luận (S. Śata-śāstra; C. 百論) gồm 2 quyển (ĐTK/ĐCTT, No 1569, tập 30, trang 167C-182A) của Thánh thiên (Āryadeva, 聖天) tạo. Mục đích chính là phá chấp của Tiểu thừa và đả phá sai lầm của ngoại đạo.

Tóm lại, ba bộ luận trên đây đều phá sự thiên chấp sai lầm của Tiểu thừa và ngoại đạo, mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm của Đại thừa. Cũng có khi người ta thêm vào bộ “Đại Trí Độ luận”, gọi là tông phái Tứ luận. Đến đời Tống các bộ luận ấy thất lạc hết. Hơn nữa, khi Thiên Thai tông thành lập, Tam Luận tông sáp nhập vào Thiên Thai tông.

4. Tôn chỉ

Chủ trương của tông nầy là phá tà chấp, hiển bày chánh pháp. Theo Tam Luận tông, chấp có bốn loại, hay nói khác, Tam Luận tông nhằm phá bốn tà chấp sau:

a. Tà chấp của ngoại đạo: Ngoại đạo là những học phái hay tôn giáo khác với đạo Phật. Ngoại đạo vì không thấu rõ lý ngã không, pháp không, nên chấp chặt tà kiến, như tà nhân, tà quả; không nhân mà có quá, có nhân mà không quả… những cái chấp này cần phải đả phá.

b. Chấp trước của Tiểu thừa Tỳ đàm: Tiểu thừa Tỳ đàm tức là Câu xá tông, chủ trương lý “ngã không pháp hữu”. Nghĩa là: cho rằng cái ngã nơi thân người là không có, nhưng các pháp là có. Quan niệm sai lầm về pháp hữu ấy cần phải phá trừ.

c. Chấp trước của Thành Thật tông Tông: tông nầy chủ trương ngã pháp đều không, nhưng lại chấp cái “không” ấy là thật có (thật có một cái không), chứ không biết rằng cái “không” ấy cũng không hoàn toàn là không, cho nên cần phải phá trừ.

d. Chấp trước của người tu về Đại thừa: Người tu về Đại thừa không còn chấp trước mê lầm về ngã, pháp của ngoại đạo và Tiểu thừa, đã đoạn trừ những thành kiến chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn. Nhưng còn một số người ôm chặt cái sở đắc của mình. Nghe nói “có” thì sa vào có, nghe nói “không” thì trệ vào không, nghe nói “trung đạo” thì chấp trước vào trung đạo. Cho nên, cần phá trừ những chấp trước ấy.

Tam Luận tổng chủ trương phá tà như trên, phá hết tà tức là hiển chánh. Không chấp hữu, không chấp vô, tức ly khai nhị biên, thể nhập đệ nhất nghĩa Trung đạo, còn gọi là Trung đạo duyên khởi.

5. Triết lý

Học thuyết của Tam luận tông nhấn mạnh vào ý nghĩa Trung đạo, phá trừ hết những ý kiến chấp có và chấp không. Đạt được nhận thức đúng như vậy gọi là thấu triệt được tánh không của vạn pháp. Duyên khởi Tánh không/ Chơn không diệu hữu. Dẫn chứng qua bài kệ trong Luận Trung Quán, Phẩm Quán Tứ Đế thứ 24, Bồ tát Long Thọ viết: “Chúng nhân duyên sinh pháp/ Ngã thuyết tức thị Không/ Diệc vi thị Giả danh/ Diệc thị Trung đạo nghĩa.” Dịch: Các pháp do nhân duyên sinh/ Tôi nói đó là Không/ Cũng gọi là Giả danh/ Cũng chính là Trung đạo đệ nhất nghĩa. Đây là bài kệ trọng tâm xiển dương Tam Luận tông.

Học thuyết của Tam luận tông  có hai phần đặc thù nhất đó là: Vô sở đắc và Bát bất trung đạo.

6. Mục đích cứu cánh

+ Vô sở đắc (S. Aprāptitva): Tam luận tông chủ trương chân lý rốt ráo không có tu chứng, không phải do dụng công mà đạt được. Về bản chất, hết thảy chúng sinh vốn đều sẵn có tánh Phật, không có mê, không có ngộ, thật tánh các pháp đều trạm nhiên tịch diệt, thật không hề có cái gọi là “Phật” để tu chứng mà thành. Tất cả chỉ là những khái niệm hư dối do con người đặt ra để gọi tên các pháp, từ đó phân ra thế này là mê, thế này là ngộ, thế này là thành, thế này là chẳng thành… Tánh Phật tuy sẵn có, nhưng hết thảy chúng sinh căn trí bất đồng, có kẻ lợi căn sáng trí, có người độn căn thấp trí. Do đó mà chỗ giác ngộ có mau có chậm, thành ra khác biệt nhau. Tất cả đều là do phiền não khách trần che lấp, khiến cho phải trôi lăn trong sinh tử. Chỉ cần trừ sạch những bụi bặm che lấp ấy, tâm ý tự nhiên trở về trạm nhiên tịch tĩnh, tánh giác ban sơ tự nhiên hiển lộ. Đó gọi là thành Phật, gọi là giác ngộ, nhưng kỳ thật không có gì là thành, không có gì là được cả. Cho nên nói là vô sở đắc.

+ Bát bất (8 cái không) tức là bất sanh, bất diệt; bất đoạn, bất thường; bất nhứt, bất dị; bất khứ, bất lai. Trung luận, phẩm I – Quán về nhân duyên nói:  “Bất sinh diệc bất diệt/ Bất thường diệc bất đoạn/ Bất nhất diệc bất dị/ Bất lai diệc bất xuất/ Năng thuyết thị nhân duyên/ Thiện diệt chư hí luận/ Ngã khể thủ lễ Phật/ Chư thuyết trung đệ nhất.[1] Nghĩa là: chẳng sinh cũng chẳng diệt/ chẳng thường cũng chẳng đoạn/ chẳng một cũng chẳng khác/ chẳng đến cũng chẳng đi/ nói lên đc pháp nhân duyên ấy/ khéo diệt trừ các thứ hý luận/ con cúi đầu kính lễ phật đã thuyết/ nhân duyên cao nhất trong các thuyết. Nếu không ngộ tám món ấy tức là không rõ chơn đế (S. Paramārtha-satya; P. Paramattha-sacca) và tục đế (S. saṁvṛti-satya; P. Sammuttisacca),  cũng như không thể nào nhận thấy rõ được ý nghĩa của Trung đạo. Pháp quán nầy có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn phải quán năm câu, từ câu ba đến năm gọi là Tam Trung (ba lý Trung đạo). Cho nên gọi là năm câu ba lý Trung đạo để quán sát.

1. Câu thứ nhất: Thật sanh thật diệt

Dưới cái nhìn của tình thức thế gian thì thấy và chấp các pháp “Thật có sanh, thật có diệt.” Đứng về mặt thế tục đế, đây là cái nhìn thiên lệch, không hiệp với Trung đạo. Còn dưới cái nhìn của Trung quán thì các pháp là nhân duyên sanh, nên nó không có tự thể, không cố định, mà nó có chỉ là giả có, tạm có, chứ không thật có; nó sanh cũng chỉ là giả sanh, chứ không thật sanh.

2. Câu thứ hai: Không sanh, không diệt

Khi nghe “không sanh, không diệt” thì thế gian lại chấp thật có không sanh, không diệt; như vậy vẫn là thiên lệch một bên, không hiệp với Trung đạo đệ nhất nghĩa.

3. Câu thứ ba: Giả sanh, giả diệt

Bởi vì các pháp là nhân duyên sanh, do đó nhân duyên hội hợp thì giả sanh, nhân duyên ly tán thì giả diệt, chứ không phải thật sanh, thật diệt. Đây tức là Trung đạo về thế tục.

4. Câu thứ bốn: Giả bất sanh, giả bất diệt

Nếu sanh, diệt đã là giả thì đối đãi bất sanh, bất diệt cũng là giả. Đây là Trung đạo của chọn đế.

5. Câu thứ năm: Không phải sanh diệt, mà cũng không phải không sanh diệt

Đây cũng là sự phủ định của giả bất sanh, giả bất diệt. Không phải sanh diệt, mà cũng không phải không sanh diệt. Đây là dung hiệp Trung đạo tục để và chọn đế, để có ra lý Trung đạo, mà lý Trung đạo này phi chơn phi tục (vượt cả chơn và tục), ngôn ngữ không thể diễn bày nói đến được (ly ngôn) tâm không thể nghĩ lường được, chỉ nhờ trực quan mới đạt tới. Đây mới là Trung đạo đệ nhất nghĩa một cách thật.

Sau khi quán hết giai đoạn thứ nhất “Bất sanh, bất diệt”, hành gia tiếp tục quán giai đoạn thứ hai “Bất đoạn, bất thưởng” và cứ như thế mà quán cho đến hết tám cái bất (không). Ngoài ra trên đường tu hành, hành già còn tùy theo căn cơ mà tu các pháp môn khác như Lục độ vạn hạnh.

Về mặt chơn đế: Tất cả chúng sanh là Phật đã thành, cho nên không có vấn đề tu chứng. Bởi vì qua sự khai thị của Đức Phật, tất cả chúng sanh đã vốn sẵn chánh nhân Phật tánh, thì chúng sanh vốn đã là Phật. Thể hiện ý nghĩa nầy qua ngôn thuyết của đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm: “Sau khi Ta thành Chánh giác, Ta thấy tất cả chúng sanh đã thành Chánh giác, Ta thấy tất cả chúng sanh đã nhập Niết bàn.” Cho nên, trong nhà Thiền thường nói: “Tu vô tu tu”, “chứng vô chứng chứng” [2]

Về mặt tục đế: Đối với hạng tiệm căn, tiệm cơ phải tu hành trải qua 52 vị Hiền Thánh mới thành Phật. Đó là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng (Tam Hiền); Thập địa (Thập Thánh); Đẳng Giác; Diệu Giác (Phật).

Thập Tín: (mười bậc lấy đức tin làm gốc)

Thập Trụ: trụ là an trụ. Các vị Bồ Tát khi mới phát tâm, an trụ nơi mười bậc nầy mà tu hành, trên cầu chứng được quả Phật, dưới hóa độ chúng sanh.

Thập Hạnh: Mười bậc nầy chú trọng lục độ nhiều hơn các hạnh khác, nên gọi là hạnh.

Thập Hồi Hướng: Hồi nghĩa là xoay về, quay về. Hướng tức là hướng đến, hướng tới. Hành giả đem 10 hạnh nầy mà quy hướng về 3 nơi sau:

+ Hồi sự hướng lý, lấy Chơn như thật tế mà làm chỗ chứng.

+ Hồi nhơn hướng quả, lấy đạo Vô thượng Bồ đề làm chỗ sở cầu; xoay nhân hạnh mình đang tu, hướng tới quả vị mình mong cầu.

+ Hồi tự hướng tha, một lòng bình đẳng, phổ độ chúng sanh. [3]

Thập Địa: Mười bực này tóm thâu các công đức hữu vi và vô vi, dùng làm tự tánh, cùng làm chỗ nương dựa chắc chắn hơn cả cho sự tu hành, nên gọi là Địa.  Trong Thập địa, mỗi địa còn có ba tâm đó là: Nhập tâm, Trụ tâm và Xuất  tâm. Khi vừa bước vào một bực nào, gọi là Nhập tâm. Trong lúc ở yên trong bực ấy mà tu gọi là Trụ tâm. Sau khi tu tập lâu rồi, bước qua bực khác gọi là Xuất tâm. Ba tâm ấy đều phải trải qua trăm ngàn số kiếp. Sơ phát tâm cho đến Tam Hiền thuộc về kiếp A tăng kỳ thứ nhất. Từ khi nhập tâm về sơ địa (Hoan hỷ địa) đến Thất địa (Viên hành địa) phải trải qua suốt một kiếp A tăng kỳ thứ hai. Từ Bát địa (Bất động địa) đến Thập địa (Pháp vân địa) thuộc về kiếp A tăng kỷ thứ ba.

+ Đẳng Giác: Khi đã mãn Thập địa thì gọi là Đẳng Giác, là địa vị đã gần đến quả Phật.

+ Diệu Giác: tức là Phật quả, tự mình đã giác ngộ lại giác ngộ cho người, trí giác ngộ và công phu tu hành đều được đầy đủ (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn), không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì) nên gọi là Diệu Giác. Bực nầy đã đoạn hết sạch lậu nghiệp và không còn pháp gì phải học nữa, nên cũng gọi là bậc Vô học.

C. Kết luận

Tam luận tông chủ trương đả phá tất cả những sự chấp trước của ngoại đạo Bà la môn giáo, Tiểu thừa pháp và cả một số người tu theo Đại thừa. Nhận chân được những sự sai lầm ấy tức là ngộ. Hành giả cần nghiên cứu kỹ Tam luận tông, cần nắm vững “Bát bất Trung đạo” [4] cũng như trạng thái tâm của từng phẩm vị trong quá trình tu tập (trải qua 52 phẩm vị) thể chứng chơn như đạt ngộ Niết-bàn (S. Nirvāṇa).

Tham khảo & chú thích

[1]. 不生亦不滅, 不常亦不斷, 不一亦不異, 不來亦不出, 能說是因緣, 善滅諸戲論, 我稽首禮佛, 諸說中第一.

[2].  Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 18.

[3].  Xem thêm HT. Thích Khánh Anh (dịch), Nhị Khóa Hiệp Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo TP.HCM, 1991, các tr. 437-441.

[4]. Anirodham (bất diệt) anutpàdam (bất sanh) anucchedam (bất đoạn) asàsvatam (bất thường) Anekàrtham (bất nhất nguyên, bất nhất) anànàrtham (bất đa nguyên, bất dị) anàgamam (bất lai) anirgamam (bất khứ). [不生亦不滅/ 不常亦不斷/ 不一亦不異/ 不來亦不出]. Bất sinh diệc bất diệt/ Bất thường diệc bất đoạn/ Bất nhất diệc bất dị/ Bất lai diệc bất khứ.

[5]. 隆相,董群 (作者), 《三论宗研究 (第一辑) 》, 宗教文化出版社, 2017.

Nghiên Cứu