A. Lời dẫn
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Thị cố A-nan, nhữ truy lịch kiếp, ức trì Như Lai bí mật diệu nghiêm, bất như nhất nhật tu vô lậu nghiệp”[1] Nghĩa là: Thế nên A-nan, tuy ông trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai, cũng chẳng bằng một ngày tu vô lậu nghiệp.
Một câu hỏi được đặt ra: Vô lậu nghiệp là gì? Tại sao nó có công năng siêu việt hơn cả sự ghi nhớ kho tàng diệu nghiêm bí mật của chư Phật?
B. Nội dung
Trước khi giải đáp vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nhìn lại một vài pháp hạnh tiêu biểu trong cuộc đời tu tập của tôn giả A-nan. Đồng thời tìm hiểu khái quát nội dung toàn bộ tư tưởng kinh Lăng Nghiêm, từ đó chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm, tại sao đức Phật trực tiếp giáo dưỡng ngài A-nan như thế.
Hồi tưởng lại những năm tháng tòng học tại Phật Học Viện Liễu Quán, Chùa Linh Quang – Huế. Chúng tôi rất may mắn có chút phước duyên được Ôn Linh Quang (HT. Thích Mật Nguyện) tận tình ròng rã hai năm hướng dẫn dạy dỗ. Đã vậy khi theo học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm – Sài gòn, một lần nữa lại được HT Viện trưởng Thích Trí Tịnh ân cần dạy dỗ. Tuy giảng dạy đại cương, nhưng lần này thực sự đã đem lại cho chúng tôi một sự nhận thức sâu sắc về giáo nghĩa của bộ kinh này, đặc biệt với sự chú giải trực chỉ của ngài Đơn Hà (739 – 824) đã làm sáng tỏ những ý nghĩa sâu xa của nó. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần được thỉnh giảng tại các lớp Phật học là dịp để chúng tôi ôn lại, đào sâu và tìm hiểu thêm về toàn bộ tông bổn của Lăng Nghiêm. Có thể nói: Một mặt kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh tổng nhiếp tất cả các yếu lý toàn bộ kinh tạng Thánh giáo, nếu không muốn nói là Tam tạng (S. Tripiṭaka; P. Tipitaka; H. 三藏), cụ thể là bao quát những tư tưởng chính yếu, tuy đại đồng tiểu dị nhưng đại thể không ngoài giáo nghĩa của Lăng Nghiêm như 4 bộ kinh: Viên Giác, Lăng Già, Giải Thâm Mật và Duy Ma Cật; và 4 bộ luận: Trung Quán, Khởi Tín, Thành Duy Thức và Ma Ha Chỉ Quán. Không những thế lại được ngài Hàm Thị – Thiên Nhiên (739-824) sớ giải bằng cách chỉ thẳng vào chơn tâm thường trụ, lý thể tuyệt đối của chúng sanh, càng làm cho kinh Lăng Nghiêm vốn dĩ đã là hệ triết học Phật giáo thậm thâm vi diệu lại càng vi diệu hơn.
Mặt khác, những ý nghĩa đã được đức Phật giảng dạy từ đầu đến cuối, không nhiều thì ít đều không ngoài mục đích là lấy sự thực tiễn chuyên tâm tu tập, đoạn tận phiền não nhiễm ô, làm nền tảng cơ bản cho tiến trình tu chứng của người tu đạo. Điều này đã cho chúng ta thấy rằng, những giáo pháp được đức Phật trình bày càng thậm thâm vi diệu bao nhiêu, thực chất lại càng gần gũi với chúng ta bấy nhiêu, chẳng hạn những gì mắt thấy tai nghe thường nhật của chúng ta đều phát xuất từ chơn tâm thường trụ hay tự tánh mà chúng ta không có khả năng tự lãnh hội được.
Ngoài ra, kinh Lăng Nghiêm còn xác định những tông chỉ cơ bản mang tính chủ đạo cho tất cả các tông phái, tiêu biểu: Thiền tông, Mật tông (Chơn ngôn tông), Luật tông và Tự tánh Tịnh độ tông (không phải là trì danh niệm Phật Tịnh độ). Đây là bốn tông phái đang được thạnh hành tại các nước Phật giáo Á châu ngày nay.
Trên đây chúng tôi đã khái quát một vài điểm chủ yếu của kinh Lăng Nghiêm, chừng ấy cũng đủ nói lên tầm mức quan trọng và thiết thực như thế nào đối với những ai tu học theo Phật, đó là chưa đề cập đến toàn bộ nội dung tam tạng Thánh giáo, trong đó có vô số pháp môn, pháp môn nào cũng đều thậm thâm vi diệu, thế mà đức Như Lai lại bảo ngài A Nan: “Tuy ông trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai, cũng chẳng bằng một ngày tu vô lậu nghiệp” là nghĩa làm sao? Đó là chưa nói đến người đương cơ trong pháp hội này không ai khác chính là A-nan, Thánh đệ tử, xuất thân từ dòng tộc vương gia, thứ nam của Hộc Phạn Vương (S. Droṇodana; H. 斛飯王) [2] ra đời đúng vào đêm đức Thích Ca thành đạo khoảng 594 BC; và 25 năm sau xuất gia tu đạo trong giáo đoàn của Như Lai. Từ đó trong cương vị là Thị giả của đức Phật, tôn giả A-nan rất mực cần cù siêng năng tu học và làm tròn tất cả mọi pháp hạnh trong bổn phận của mình, đã được đại chúng và mọi người đương thời tôn vinh là “đa văn đệ nhất” (多聞第一) một trong mười cao đệ của Phật.
Chúng ta có thể thấy được cuộc đời tu tập của ngài A-nan thanh cao, siêu thoát và thánh thiện biết bao! Có lần đức Phật bảo: “Này Văn Thù! A-nan đã làm thị giả tôi trên hai mươi năm (bấy giờ A-nan khoảng trên dưới 40 tuổi) đã đầy đủ tám việc bất khả tư nghì: 1- Suốt đời nguyện không thọ biệt thỉnh, không đến nhà thí chủ một mình, nếu không có chúng Tăng cùng đi. 2- Y cũ của Như Lai, A-nan tuyệt đối không thọ nhận. 3- Ngày đêm lúc nào cũng tưởng như đang trông thấy Phật, không trái oai nghi. 4- Thấy nữ nhân không khởi dục tâm. 5- Nghe Phật thuyết pháp khỏi phải hỏi lại vì đã hiểu rõ. 6- Biết rõ giờ giấc nhập định của Phật. 7- Biết tâm niệm đại chúng cần gì, thưa thỉnh Như Lai hoặc tìm mọi cách làm lợi ích cho họ. 8- Biết Phật sẽ thuyết giảng những pháp yếu gì (kinh Niết-bàn, quyển 40); và cũng Kinh này ghi rằng: “Phật bảo đại chúng: A-nan có đầy đủ 8 pháp và nhất là khả năng ghi nhớ mười hai bộ kinh không sai sót: 1- Tín tâm kiên cố. 2- Tâm thường chất trực. 3- Thân không bệnh khổ. 4- Tinh tiến tu tập. 5- Niệm tâm đầy đủ. 6- Tâm không kiêu mạn. 7- Thành tựu định tuệ. 8- Nghe Phật thuyết pháp liền phát sanh trí lực”.
Trên đây là những sự tán dương công hạnh của đức Phật đối với A-nan, có lẽ chính nhờ những đức tính cố hữu này mà A-nan đã vượt qua một tai nạn thật vô cùng nguy hiểm trong cuộc đời tu tập của mình, đó là “Ma-Đăng-Già nữ” (S. Matanga) [3] được kinh Lăng Nghiêm chuyển tải vô cùng sâu sắc, thiết thực và cảm động, bắt nguồn từ duyên khởi này, đức Phật mới thuyết kinh Lăng Nghiêm.
Thế thì tại sao đức Phật đối với A-nan, một người có đầy đủ tám việc bất khả tư nghì và tám pháp thù thắng như thế, nhất là chỉ có A-nan một đệ tử trong tất cả các đệ tử có trí tuệ phi phàm ghi nhớ không sai sót mười hai bộ kinh. [4] Với một nội lực huân tu thâm hậu như thế, nhưng tại sao còn phải vướng nạn Ma-Đăng-Già. Phải chăng tất cả đều bắt nguồn từ hữu và vô lậu nghiệp! Vậy, vô lậu nghiệp là gì? Đó chính là sự đoạn tận phiền não đưa đến phạm hạnh thanh tịnh, còn gọi là chánh hạnh thanh tịnh. Nói cách khác, đứng đầu hữu lậu pháp tức phiền não là vô minh ái dục, sự ái dục này bắt nguồn từ lục căn môn mở cửa suốt ngày đêm, là cơ hội thuận tiện nhất cho sáu trần xâm nhập làm nhiễm ô chơn tâm thường trụ, khiến chúng sanh đoạ lạc tam giới lục đạo. Tư tưởng ấy được liên hệ trong các kinh Pháp hoa: “Tam giới sở sanh, tham dục vi căn.” Kinh A-hàm: “Tam giới sanh tử dục vi đệ nhất.” Kinh Viên giác: “Dục giới chúng sanh giai dĩ dâm dục nhi chánh tánh mạng” v.v…Có thể nói ngày nào hữu lậu phiền não hiện hữu, ngày ấy chúng sanh còn mãi sanh tử luân hồi, khi nào hữu lậu được đoạn tận, vô lậu tức khắc hiện tiền, đó chính là Niết-bàn tịch tịnh ngay trong hiện đời. Thế mới biết tu tập vô lậu nghiệp là việc làm cần kíp và quan trọng đến mức nào, cho những ai được gọi là đệ tử Phật. Chính vì thế, nên đức Phật mới bảo A-nan chỉ cần tu tập vô lậu dù trong một ngày, còn hơn cả ức trì Như Lai bí mật diệu nghiêm. Điều này chúng ta cũng có thể hiểu là học rộng nghe nhiều (quảng học đa văn) mà không thực tiễn tu tập, không thực sự đoạn trừ phiền não thì tất cả cũng chỉ là hý luận mà thôi.
C. Thay lời kết
Kinh Lăng Nghiêm và ngài A-nan, nói chung Pháp hội Lăng Nghiêm là một tấm gương nêu cao cho tất cả những ai phát tâm tu học trong chánh pháp của Như Lai, mà chỉ một mặt hướng về đa văn nghe nhiều học rộng xao lãng công phu tu tập đoạn tận hữu lậu ái nhiễm thì hãy lấy đó soi rọi cuộc đời, bất luận tông nào, phái nào và thời đại nào. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh, giữa Thánh nhân và phàm phu, giữa Tăng già và người thế tục, tất cả là ở điểm này, chỉ khác có một từ là hữu lậu hay vô lậu mà thôi. Như Lăng Nghiêm Nhiếp Luận, ngài Thái Hư Đại Sư đã nói: Chơn định bắt nguồn từ chơn tuệ mà được, chơn giới bắt nguồn từ định tuệ mà thành. Chơn giới tức là Kim cang tâm địa giới, cũng chính là Diệu trang nghiêm hải. Vô biên công đức đều là chơn giới tướng, vô thượng Bồ đề chính là chơn giới thể. Cho nên, thành Phật độ sanh đến tận vị lai, ngoài việc trì tịnh giới, đoạn dâm ái nghiệp ra, hành giả Đại thừa không còn làm bất cứ việc gì khác! Bởi vì trì dâm giới tức là tu Thủ Lăng Nghiêm tam muội, đến lúc nào được hoàn toàn thanh tịnh thì đó chính là chứng đắc Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Đây cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh biết bao nhiêu người con Phật trong quá khứ và hiện tại, cho đến ngày nay vẫn nguyên giá trị không hề thay đổi. Nếu được phép, cho tôi có lời nhắc nhở quý vị đồng học Phật, hãy cố gắng để thật sự trở thành pháp khí Đại Thừa, không gì hơn là nỗ lực đoạn trừ hữu lậu ái nhiễm nói chung là vô minh trụ địa một trong ngũ trụ địa. Ngoài ra, phải dung thông lý và sự, giải và hạnh tương ưng, học và hành nhất quán, được như thế cho dù ở đâu, sinh hay tử cũng vẫn là pháp khí tối thượng của Đại Thừa.
Tham khảo & chú thích
[1]. 楞嚴經通議 第4卷 》CBETA 電子佛典集成 » 卍續藏 (X) » 第 12 冊 » No.0279 » [是故阿難,汝雖歷劫,憶持如來祕密妙嚴, 不如一日修無漏業].
[2]. Hộc Phạn Vương Con trai của vua Siṃhahanu (Sư tử giáp vương, trị vì nước Kapilavastu (Ca tỳ la vệ), là em của vua Suddhodana (Tịnh phạn vương), tức là chú của đức Phật. Lịch sử của ông này không được ghi chép rõ ràng. Căn cứ kinh luận thì biết ông có hai con, nhưng không thống nhất, hoặc nói là A ni lâu đà và Bạt đề lê ca, hoặc nói là Ma ha nam và A ni lâu đà, hoặc nói Đề bà đạt đa và A nan.
[3]. Ma-Đăng-Già nữ, tên của một phụ nữ trong giai cấp thấp (the lowest caste) đã dụ dỗ ngài A-nan. Sau nầy trở thành một trong những đệ tử trung thành của đức Phật.
[4]. 12 bộ kinh (thập nhị bộ kinh, thập nhị phần giáo) là 12 thể loại của kinh điển Phật giáo, bao gồm: 1. Khế kinh (Trường hàng): Phật dạy được ghi lại bằng thể văn xuôi. 2. Trùng tụng (Ứng tụng): Phật nói kệ tụng dùng để tóm tắt ý nghĩa của Khế kinh. 3. Ký biệt (Thọ ký): Phật thọ ký cho chúng đệ tử sẽ chứng quả vào đời vị lai. 4. Phúng tụng (Cô khởi): Phật dạy bài kinh dùng toàn kệ tụng (không phải thể loại Trùng tụng). 5. Tự thuyết: Phật tự mở lời khai thị mà không có người thỉnh cầu chỉ dạy. 6. Nhân duyên: Phật nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo – thường là phẩm “Tựa” ở đầu mỗi bộ kinh. 7. Thí dụ: Phật dùng thí dụ trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn. 8. Bản sinh: Phật thuật lại các kiếp tu hành đời trước của Ngài. 9. Bản sự: Phật thuật lại những công hạnh của các vị Thánh đệ tử trong các kiếp trước. 10. Phương quảng: Phật nói các kinh có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn. 11. Hy pháp (Vị tằng hữu): Phật nói những sự việc ít có của Ngài và chư Thánh đệ tử. 12. Luận nghị: Phật luận giảng nghĩa lý rành mạch, rõ ràng nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.