Trách Nhiệm Hoằng Pháp Là Sứ Mệnh Của Người Xuất Gia – HT. Thích Liêm Chính

A. Lời dẫn

Mỗi khi đề cập đến vấn đề hoằng pháp, chúng ta không khỏi liên tưởng đến đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, suốt một đời hoằng truyền chánh pháp qua hai phương diện, đó là: Thân giáo và Khẩu giáo. Nói rộng hơn, không phải sau khi thành đạo, Ngài mới bắt đầu hoằng pháp lợi sanh, mà ngay khi Bổ xứ nhập thai cho đến đêm cuối cùng tại rừng Câu-thi-na (Kushinagar) thị hiện Niết-bàn (Nirvāṇa), tất cả đều là những bài pháp vô cùng thâm thúy và thực tế,  gieo vào lòng người đương thời một cách mãnh liệt. Nhất là sau khi hóa độ năm anh em Kiều-trần-như (Koṇḍañña) tại vườn Lộc-uyển (Sarnath), Ngài đã Tam chuyển Tứ đế pháp luân, đây là giáo pháp căn bản hầu hết của Tam thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đồng học, đồng tu và đồng chứng đắc Thánh quả. Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn pháp mà Ta và các Ngươi, lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn pháp? 1- Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. 2- Này các Tỳ kheo chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Chánh định mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. 3- Này các Tỳ kheo chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh tuệ mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. 4- Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử…” [1]

B. Nội dung

 Từ đó trên thế giới Ta bà duy chỉ có 6 bậc A-la-hán (Arhant), các Ngài đã chia nhau hoằng truyền chánh pháp liên tục không mệt mỏi khắp đất nước Ấn- độ với mục đích duy nhất: Muốn tất cả chúng sanh đều được giác ngộ và giải thoát khổ đau trầm luân sanh tử như chính bản thân các Ngài. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện nói: Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố,  xuất hiện ư thế?” [2] Nghĩa là: Chư Phật Thế Tôn xuất hiện nơi đời chỉ vì một nhân duyên lớn duy nhất. Nhìn một cách tổng quát có thể nói rằng, tất cả những hành vi ngôn ngữ trong sinh hoạt hằng ngày của đức Phật và các Thánh đệ tử đều là những bài thuyết pháp không lời có sức thuyết phục cao, đánh thức khả năng thành Phật, lòng từ bi nhu hòa nhẫn nhục, vô ngã vị tha cũng như đạo đức căn bản của con người, những ai dù chỉ một lần diện kiến đức Như Lai hay được nghe Ngài giáo huấn đều có thể chứng đắc Kiến đạo, bước vào Tu đạo và cuối cùng thành tựu Giải thoát đạo trong một thời gian ngắn nhất.

Chính vì tầm quan trọng như thế, nên tất cả chư Trưởng lão, Đại đức Tăng trước và sau Phật nhập Niết-bàn đều là những nhà Truyền giáo sư, Giảng sư gương mẫu ưu tú đã thật tu thật ngộ, dày dặn kinh nghiệm chia nhau đi khắp mọi nơi truyền bá chánh pháp, sau đó không bao lâu, không những chánh pháp được phổ cập khắp đất nước Ấn-độ, mà còn truyền bá mạnh mẽ vào các nước lân cận. Riêng tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu kỷ nguyên Tây lịch cũng đã có các đoàn Sa môn Thiên Trúc, tuy không phải nhà truyền giáo chuyên nghiệp nhưng cũng đã ít nhiều đem tư tưởng căn bản Phật giáo đặt nền tảng cơ sở vững chắc, để từ đó Phật giáo từng bước phát triển cho đến cuối Thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III đã trở thành trung tâm Phật giáo, trong sử sách Phật giáo gọi là “Trung tâm Phật giáo Luy Lâu”.Sớm ý thức sâu sắc và khẩn thiết cho sự truyền bá chánh pháp phổ cập khắp nhân gian nên chư vị Tôn đức và Phật tử khả kính đã cùng nhau bắt tay quyết tâm chấn hưng Phật giáo, trên 50 năm – từ 1920. Nhất là giai đoạn 1930-1945, với thời gian chưa đầy 15 năm, nhiều Phật học hội ra đời khắp 3 miền: Nam, Trung và Bắc, mặc dầu đã gặp phải không ít gian nan vất vả trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương, nhân tâm ly tán! Sau đó tiếp tục nhiều Phật học viện, Phật học đường, Phật học hội lần lược xuất hiện từ Nam ra Bắc như: Lưỡng Xuyên tại Vĩnh Bình. Trúc Lâm, Tây Thiên và Báo Quốc tại Huế. Hải Đức tại Nha Trang. Thập Tháp và Nguyên Thiều tại Bình Định. Quán sứ và Vĩnh Nghiêm tại Hà Nội v.v… Một mặt vừa đào tạo Phật pháp chuyên khoa vừa xuất bản Nguyệt san, Bán nguyệt san … Đồng thời công cử những đoàn Như Lai sứ giả đi khắp các nơi hoằng truyền chánh pháp khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Có thể nói giai đoạn nầy, sự nghiệp hoằng pháp rất thành công, cho đến ngày nay tiếng vang ấy vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong nhân gian.

Từ những nhận định trên, chúng tôi đề xuất mấy ý kiến như sau:                                                                                                                                  

I. Kế thừa sự nghiệp Tiên sư quá khứ, ngày  nay chúng ta chung tay phát huy hoằng pháp lợi sanh, thắp sáng ngọn đèn Từ bi Trí tuệ, bình đẳng vị tha đến tất cả mọi miền đất nước. Vì thế, nên các Ngài cùng nhau vạch ra đường hướng cụ thể làm cơ sở, từ đó mới có thể thực hiện mà không sợ lệch hướng. Tiền bối đã dạy: Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài. Bởi vì người xuất gia không Truyền thừa và Hành trì giáo pháp của Như Lai, hầu đền đáp Tứ trọng thâm ân thì chính mình tự đánh mất hay đi ngược với bản hoài của chư Phật, cũng như mục đích của người xuất gia. Tuy nhiên, người đảm nhận trách nhiệm hoằng pháp trong quá khứ cũng như hiện tại, trước nhất là phải đạt đến một trình độ quán chiếu tương đương như Kinh 42 chương đã ghi rõ: “Thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp. [3] Một Giảng sư đúng nghĩa mà không đạt được sự yêu cầu chính đáng nầy làm sao có thể phát triển hoằng pháp tối đa? Nói như thế không có nghĩa là đòi hỏi quá đáng rằng Giảng sư phải là những bậc Thánh sống. Thật vậy, Tôi mong rằng sự hoằng pháp mà hôm nay chúng ta đề cập cũng không phải chạy theo xu hướng thời đại đổi mới Phật giáo nhằm theo kịp trào lưu hiện đại, bởi vì Phật giáo và giáo lý Phật giáo không bao giờ lỗi thời, luôn là ánh sáng trí tuệ, từ bi, bình đẳng vị tha trong sáng thuần khiết, giá trị vượt thời gian và không gian, chúng tôi nhận định mà không sợ sai lầm rằng: Lỗi thời hay không đều do sự nhận định và lối sống của chư vị Sa Môn nói chung và những người đảm nhận trách nhiệm hoằng pháp nói riêng! Bởi vì Chư Phật ứng thế, Bồ-tát hiện thân, chư Tôn Thiền đức theo chí nguyện xuất gia đều nguyện trọn đời phụng sự Chánh pháp không ngoài Mục đích duy nhất là mong tất cả chúng sanh đều được Giác ngộ và Giải thoát sanh tử, không còn mục đích nào khác!     

II. Trước khi Quyết định bổ nhiệm Tăng Ni trụ trì, Ban trị sự các Tỉnh Thành nên đắn đo thật kỹ lưỡng về sự tu tập, học hành nội và ngoại điển đến trình độ nào đó nhất định, và đã qua những khóa đào tạo Trụ trì hay Giảng sư chưa? Tôi nghĩ rằng, vị Trụ trì là người có nhiều cơ hội truyền đạt Phật pháp hiệu quả nhất, như trong những trường hợp lễ hội lớn hay quan hôn, tang tế diễn ra quanh năm, những lúc nầy hơn lúc nào hết, Phật tử rất cần sự hướng dẫn của chư Tăng Ni Trụ trì sao cho phù hợp chánh pháp, bài trừ tất cả những điều mê tín dị đoan và những tập tục lỗi thời không đáng có.                               

III. Ban hoằng pháp TW cùng các BHP Tỉnh, Thành có sự kết hợp chặt chẽ với Ban giáo dục và những ban ngành khác có liên quan, nhằm trao đổi kinh nghiệm, thẳng thắn chia sẻ những ưu khuyết điểm, nhất là thực hiện có kế hoạch theo từng giai đoạn, sớm chấn chỉnh một cách nghiêm túc hàng ngũ Giảng sư, trọng tâm chính là chất lượng chứ không phải số lượng, thật sự trong hàng ngũ Giảng sư không thiếu những thành phần học vị cao, đủ tư cách tác phong nhưng tìm người biết hy sinh, biết dấn thân xả kỷ vị nhân (捨己為人, hết mình vì người khác) thì hầu như không quá 5 ngón tay trên bàn tay! Một Giảng sư gương mẫu theo tôi phải hội đủ 4 tiêu chuẩn như sau:                                                                                                    

1. Trình độ Phật học căn bản, trẻ trung đủ năng lực và kỹ năng thuyết giảng lưu loát và nhất là trải nghiệm thực tiễn công phu tu tập. Tôi muốn đề cập đến vấn đề không kém phần quan trọng đó là tuổi đời cũng như tuổi đạo, bởi vì thế gian thường quan niệm: Trẻ người non dạ! Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định sự thành công của những thời diễn giảng.                                     

2. Trong Phật giáo có Tam tạng Thánh điển, một Giảng sư chuyên nghiệp cần phải học hỏi nghiên cứu chuyên sâu 1 trong 3 tạng Kinh, Luật hay Luận hoặc 1 trong các tông phái đương thịnh hành tại Việt Nam như: Thiền, Tịnh, Luật hay Mật tông. Điều đáng lưu ý là khi nào muốn trình bày hay thuyết giảng những tư tưởng Đại thừa, nhất là Đốn giáo Đại thừa thường dễ đưa đến những ngộ nhận đáng tiếc, nếu không muốn nói là hủy báng Chánh pháp. Đương nhiên, Giảng sư thuyết pháp luôn phải khế lý và khế cơ, sử dụng thuần thục Tứ Tất đàn (thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn) và Luận lý học Phật giáo với Nhân Minh luận. Ngoài ra, có thể nghiên cứu thêm các Tông môn, Pháp phái khác đang hiện hành tại Việt Nam, có thể phụ họa văn thơ hay tư tưởng Khổng – Mạnh hoặc ca dao tực ngữ, hầu làm phong phú thêm cho thời thuyết giảng                                                                                                                           

3. Dù cho Giảng sư thể hiện thành công thời thuyết giảng bao nhiêu đi nữa, luôn ghi nhớ một điều Cổ đức dạy: Hành giải tương ưng hay Ngôn hành hợp nhất. Nói và làm phải tương ưng, chớ có bài bác bất cứ chủ thuyết nào hay xem thường những bậc trưởng thượng tại địa phương, lắm khi vô tình phạm phải những điều cấm kỵ như tự khoa trương hay tự cao tự phụ. Tác phong, tư cách và sự khiêm cung qua giao tiếp luôn là những ấn tượng sâu sắc làm cho thính chúng phát khởi tín tâm hướng về Đạo pháp.

4. Đã trải qua nhiều lần Đại hội chuyên đề các vị Tôn đức Trụ trì, Giảng sư đã đóng góp rất nhiều tham luận có giá trị, nhưng chúng ta thử nhìn lại thật sự đã thực hiện được bao nhiêu? Hay cũng chỉ là đề xuất và để đó nghiên cứu! Có lẽ chúng ta vì quá nóng lòng, quá tham vọng nên đã đề xuất quá nhiều phương thức hoằng pháp mà không thực hiện một cách triệt để, có lẽ vì những trở ngại khách quan nên chưa đạt hiệu quả cao!

C. Thay lời kết

Trên đây là những ý kiến mang tính thảo luận, một lần nữa chúng tôi vô cùng cảm niệm ân đức chư Tôn Thiền đức HĐTS, BTS PG tỉnh nhà đã tạo điều kiện để BHP chúng tôi có cơ hội họp mặt, trực tiếp trau đổi kinh nghiệm hoằng pháp cũng như sự tu hành, từng bước khắc phục và hoàn thành sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.

Tham khảo & chú thích

[1]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, 16. Kinh Đại Bát-Niết-Bàn, Nxb Tôn giáo, 2013, tr. 314.  

[2].《妙法蓮華經》CBETA 電子版. 大正新脩大正藏經 Vol. 09, No. 0262 [諸佛世尊唯以一大事因緣故出現於世].

[3]. [識心達本,解無為法].

Nghiên Cứu