A. Lời dẫn
Tông phái Gelugpa[1] được thành lập bởi Đại sư Tông-khách-ba (T. Tsongkhapa losang drakpa, ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ་།, 1357-1419), là một trong những nhân vật vĩ đại của lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngài là một học giả, thiền giả và triết gia nổi tiếng; những tác phẩm trước tác của ngài được chứa đựng một cái nhìn toàn diện về triết học và thực hành Phật giáo tích hợp giữa Kinh điển (S. Sūtra) và Mật điển (S. Tantra); lý luận phân tích và thiền định. Đại sư Tông-khách-ba cũng là một trong những nhà cải cách tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng, một tu sĩ thâm tín Phật giáo đã cống hiến cả cuộc đời của mình để phục hồi cho Phật giáo Tây Tạng và xiển dương lại những lời dạy tinh túy của đức Phật (S & P. Buddhavacana) khi ngài giác ngộ về những lời mà đức Phật đã dạy.
Sự khởi đầu của tông phái này được bắt nguồn từ khi Đại sư Tông-khách-ba thành lập Tu viện Ganden (T. ལྡན་དགོན་པ་།) vào năm 1410. Tu viện này đóng vai trò là một trung tâm cho trật tự Phật giáo được cải cách của ngài, đó cũng là một trật tự mà các vị Tu sĩ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của Giới luật (S & P. Vinaya; T. Dul-ba, འདུལ་བ་།), làm sắc nét các quan điểm của họ trong các cuộc tranh luận về triết học và tham gia vào thực hành Mật tông ở cấp độ cao hơn. Ngôi tu viện do ngài thành lập ban đầu được gọi là Gandenpa, sau đó cũng là tu viện đầu tiên và được biết đến với tôn xưng Gelugpa hay “hệ thống đức hạnh”, theo định hướng cải cách của nó.
Trong bài viết này, chúng tôi minh định lại những gì về giá trị lịch sử, cũng như quá trình phát triển và hệ thống các Tu viện của Tông phái Gelugpa.
B. Nội dung
I. Lịch sử tông phái Gelugpa
1. Cuộc đời của Đại sư Tông-khách-ba
Đại sư Tông-khách-ba được sinh ra tại thung lũng Tsongkha[2] thuộc tỉnh Amdo, miền đông Tây Tạng. Theo tiểu sử truyền thống ghi lại rằng: sự ra đời của ngài là đỉnh cao của một quá trình phát triển tâm linh bắt đầu từ kiếp trước vào thời đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Khi còn là một cậu bé, Tông-khách-ba đã dâng cúng một chuỗi tràng hạt pha lê cho đức Phật, sau đó đức Phật đã nói với thị giả A-nan-đà (S & P. Ānanda; T. Kun-dga’-bo, ཀུན་དགའ་བོ་།; H. 阿難陀) rằng, trong kiếp tương lai cậu bé sẽ được sinh ra ở Tây Tạng. Nơi đó, Tông-khách-ba sẽ tìm thấy một tu viện vĩ đại và trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất về việc truyền bá đạo pháp trong “vùng đất tuyết”. Sau đó đức Phật huyền ký rằng, trong cuộc sống tương lai của mình, cậu bé sẽ được đặt tên là Sumati-kīrti (tiếng Tây tạng gọi là Losang Drakpa, Trung Quốc phiên âm là Tông-khách-ba, 宗喀巴).
Một lời tiên tri nữa, bởi bậc Thầy vĩ đại Liên Hoa Sinh (S. Padmasambhava), người được cho là đã tiên đoán sự ra đời của một Lạt-ma vĩ đại tên là Losang Drakpa. Ngài nói rằng, Losang Drakpa sẽ được sinh ra ở phía đông của Tây Tạng gần Trung Quốc, Tông-khách-ba sẽ được xem là hóa thân (S. Nirmāṇakāya; T. Tulku, སྤྲུལ་སྐུ་།) của một vị đại Bồ-tát và sẽ tạc một tượng Phật theo biểu tượng Báo thân hay Thọ dụng thân (S. Saṃbhogakāya).
Ngài Tông-khách-ba đã được thọ giới cư sĩ vào năm 3 tuổi với đức Karmapa thứ tư, Rolbé Dorjé (T. རོལ་པའི་རྡོ་རྗེ་ེ་།, 1340-1383) và nhận pháp danh là Günga Nyingpo. Năm bảy tuổi, Tông-khách-ba thọ giới Sa-di với người thầy Chojey Dondrub-rinchen (T. ཆོས་རྗེ་དོན་གྲུབ་རིན་ཆེན་།, 1309-1385)và nhận pháp danh là Losang-drakpa. Ngay cả khi còn trẻ, Tông-khách-ba đã nghiêm túc tinh tấn về việc thực hành các lễ nghi tôn giáo cũng như xuất sắc trong việc nghiên cứu triết học Phật giáo và thiền định Mật tông. Người thầy vĩ đại đầu tiên của ngài là Chojey Dondrub Rinchen (chos-rje don-grub rin-chen, 1309-1385) đã bảo Tông-khách-ba nghiên cứu sự trang nghiêm cho nhận thức rõ ràng về Di-lặc (S. Maitreya) và khởi xướng ngài vào các thực hành của những vị thần Mật tông Đại uy đức kim cương (S. Yamāntaka), Kim cương thủ (S. Vajrapāni)Văn-Thù-Sư-Lợi (S. Mañjuśrī), Vô lượng thọ (S. Amitāyus) và những vị khác.
Từ khi còn nhỏ, Tông-khách-ba bắt đầu du hành khắp Tây Tạng để tìm những vị Lạt-ma có thể dạy Phật pháp cho mình. Cách tiếp cận của ngài là đa chiều (eclectic – chiết trung; T. Ris-med) và phi tôn giáo (non-sectarian); Tông-khách-ba sẵn sàng học hỏi từ bất kỳ những ai thuộc dòng dõi nào; Ngài tiếp thu kiến thức và hiểu biết của nhiều nhân vật vĩ đại nhất trong suy nghĩ hằng ngày của mình. Những lời dạy và quán đảnh (S. Abhiṣeka; T. Rang-dbang, རང་དབང་།) mà Tông-khách-ba tiếp nhận đã được tích hợp vào cái nhìn toàn diện và tổng hợp về Phật giáo đặc trưng cho tư tưởng trưởng thành của ngài. Trong những buổi giảng pháp, Tông-khách-ba đã thảo luận về các giáo lý của Phật giáo, tham gia vào cuộc tranh luận bằng miệng với các học giả quan trọng nhất trong thời đại của ngài và bắt đầu tự mình giảng dạy. Do đó, danh tiếng về trí tuệ và thành tựu thiền định đáng chú ý của ngài bắt đầu được lan rộng.
Trong chuyến du hành của Đại sư Tông-khách-ba đã gặp Lạt-ma mà sau này sẽ coi là người thầy vĩ đại nhất của mình, bậc thầy Śākya Rendawa (1349 -1412).[3] Rendawa nhanh chóng nhận ra Tông-khách-ba là một thần đồng và được nhận xét rằng: Tông-khách-ba đã học được nhiều từ những người học trò của mình, như học trò của ngài đã làm từ ngài vậy. Tuy nhiên, Tông-khách-ba ban đầu vẫn ở lại với Rendawa chỉ trong một thời gian ngắn và nhanh chóng quay trở lại hành trình nghiên cứu Phật pháp. Trong thời gian này, ngài đã nghiên cứu một loạt các giáo lý Phật giáo, khám phá sự phân chia của các văn bản tinh túy như tạng A-tì-đạt-ma (S. Abhidharma) của Bồ-tát Thế Thân (S. Vasubandhu), các chuyên luận của ngài Pháp Xứng (S. Dharmakīrti), toát yếu về A-tì-đạt-ma của ngài Vô Trước (S. Asaṅga; T. ཐོགས་མེད་།), lối vào Trung đạo (P. Majjhimāmagga) của ngài Nguyệt Xứng (S. Candrakīrti; T. Zla-ba grags-pa, ཟླ་བ་གྲགས་པ་།) và các bài luận về Giới luật tu viện. Các giải thích về truyền thống cuộc sống của ngài nói rằng, Tông-khách-ba nhanh chóng hiểu mọi thứ mà ngài đã được dạy, ghi nhớ một số lượng tài liệu đồ sộ và xuất sắc trong cuộc tranh luận về tất cả các môn học mà ngài nghiên cứu. Đồng thời, Đại sư Tông-khách-ba cũng tham gia vào các thực hành Kim cương thừa của cấp bậc thầy cao nhất và nổi tiếng cả về sự uyên thâm và thành công trong thiền định của mình. Mặc dù danh tiếng Tông-khách-ba được nhiều người biết đến, nhưng ngài vẫn giữ phong thái sống đơn giản, điềm đạm và luôn tôn trọng cách ứng xử với mọi người. Ngài có khả năng gây ấn tượng với tha nhân bằng sự học hỏi và trí tuệ sâu sắc của mình, đồng thời giúp họ thoải mái giải mở những bế tắc trong tâm trí mỗi khi ngài hiện diện. Tông-khách-ba không bao giờ có thái độ thô lỗ hay thiếu tôn trọng với người khác trong những lúc tranh luận, và luôn giữ sự bình tĩnh điềm đạm khi trả lời tất cả các câu hỏi với sự tôn trọng lẫn nhau.
Ở tuổi ba mươi hai, Tông-khách-ba bắt đầu viết những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất. Đến thời điểm này, ngài đã nổi tiếng là một học giả thành đạt về tất cả các khía cạnh của việc nghiên cứu Phật giáo. Ngài bắt đầu tổng hợp những hiểu biết của mình vào các tác phẩm bằng văn bản gói gọn với cách nhìn nhận của ngài về Phật giáo, nên được thực hành và suy nghiệm. Một trong những sáng tác tuyệt vời đầu tiên của ngài là “Chuỗi tràng hạt vàng của sự giảng giải xuất sắc” (T. Legs-bshad gser-phreng, ལེགས་བཤད་གསེར་ཕྲེང་།; E. Golden rosary of the good explanations)[4] một bài bình luận về văn học Trí tuệ Ba-la-mật (S. Prajñāpāramitā; T. Sher-phyin, shes-rab kyi-pha rol-tu phyin-pa, ཤེར་ཕྱིན་, ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་།), được kết hợp tất cả 21 bài bình luận của Ấn-độ về “Hiện quán trang nghiêm luận” (S. Abhisamayālaṃkāra śāstra; T. Mngon-rtogs-rgyan, མངོན་རྟོགས་རྒྱན་།; E. The ornament for clear realization; H. 現觀莊嚴論)[5] của đức Phật Di Lặc, một văn bản tóm tắt tư tưởng về những bản kinh Trí tuệ Ba-la-mật. Ngoài những tác phẩm của ngài với triết lý Phật giáo, Tông-khách-ba luôn tận tâm thực hành một loạt các thiền định Mật tông của chính mình. Ngay sau khi hoàn thành “Chuỗi tràng hạt vàng của sự giảng giải xuất sắc”, Tông-khách-ba đã tham gia một khóa tu dài hạn và chuyên sâu, trong đó ngài được đào tạo về thực hành kết hợp với vị thần Heruka[6] (T. Khrag-‘thung, ཁྲག་འཐུང་།) theo những lời dạy của truyền thống Kagyupa. Ngài Tông-khách-ba trở nên thành thạo trong sáu yoga của Nāropa[7] và các chu kỳ Mật tông của Niguma (T. Ni-gu-ma, ནི་གུ་མ་།), đặc biệt là trong yoga nội hỏa. Tông-khách-ba cũng bắt đầu quan tâm đến các thực hành Kālacakra[8] (T. Dus-kyi ‘khor-lo, དུས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་།; H. 時輪) và ngài lo ngại rằng truyền thống an trú có nguy cơ biến mất khỏi Tây Tạng. Ngài đã thu thập những lời dạy và quán đảnh (S. Abhiṣeka; T. Rang-dbang, རང་དབང་།) của Kālacakra từ nhiều Lạt-ma khác nhau trên khắp đất nước, những nỗ lực của ngài đảm bảo rằng truyền thống sẽ được bảo tồn. Các thực hành Kālacakra ngày nay được xem là đặc biệt quan trọng trong truyền thống của Gelugpa.
Hình 1. Dấu bàn chân của ngài Tông-khách-ba in vào đá
Trong thời gian này, Tông-khách-ba được cho là đã đạt tới cấp độ cao, đến mức ngài có thể gặp trực tiếp và nhận được những lời dạy từ Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát (S. Mañjuśrī-sattva); ngài Văn-Thù-Sư-Lợi cũng khuyên Tông-khách-ba thực hành, hướng dẫn về những bản kinh nào nên học, những Lạt-ma nào nên đến, quán đảnh (S. Abhiṣeka; T. Rang-dbang, རང་དབང་།) nào phải tìm và khi nào ngài nên nhập thất v.v… Một trong những khóa tu nhập thất thiền định quan trọng nhất được nhắc đến, đó là ngài Tông-khách-ba đã hướng dẫn trong thời gian bốn năm, cùng với tám đệ tử xuất sắc nhất của ngài. Để chuẩn bị tinh thần, Tông-khách-ba bắt đầu bằng cách thực hiện các lễ lạy dài với ba triệu rưỡi và một triệu tám trăm nghìn lễ cúng dường mạn-đà-la (S. Maṇḍala; T. Dkyil-‘khor, དཀྱིལ་འཁོར་།). Dấu bàn chân được in vào phiến đá (hình 1), cũng như sàn đá mà Tông-khách-ba đã thực hiện các lễ lạy có những rãnh mòn, và vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay như một minh chứng của những thành tựu Mật thừa đối với vị Lạt-ma vĩ đại này. Trong suốt thời gian nhập thất, một số hình ảnh tinh thần kỳ diệu đã đến với các hành giả, kể cả nhớ tưởng đức Phật Di Lặc hình vàng, một vị Phật khác là đức Phật Dược Sư (S. Buddha bhaiṣajya-guru; T. Sangs-rgyas-sman-bla, སངས་རྒྱས་སྨན་བླ་།), đức Phật chữa lành bệnh cho tất cả chúng sanh trong cõi nhân gian và một lần xuất hiện thứ ba của Nāgeśvara,[9] vua của các vị thần. Khi ngài Tông-khách-ba và các đệ tử tiếp tục thiền định, họ đã hiểu rõ được nhiều quan điểm hơn và sau khi hoàn thành khóa tu này, mọi người thường thấy vị thầy vĩ đại Tông-khách-ba đi cùng với các vị thần Mật tông, đặc biệt là Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát (S. Mañjuśrī-sattva).
Sau thời gian thực hành thiền định, ngài Tông-khách-ba đã cân nhắc ngắn gọn về chuyến hành trình đến Ấn-độ, nhưng đã được một Lạt-ma khác, người đã trao đổi quan điểm Vajrapāṇi[10] khuyên ngài Tông-khách-ba nên xem xét và hủy bỏ ý tưởng này. Ngài Tông-khách-ba được cho biết là sẽ tốt hơn nếu từ bỏ ý tưởng hành trình đến Ấn-độ, vì ngài sẽ có lợi hơn cho chúng sinh nếu ngài ở lại Tây Tạng và tiếp tục giảng dạy. Do đó, Tông-khách-ba quyết định sáng tác các chuyên luận về con đường Phật giáo, trong đó kiệt tác quan trọng nhất của ngài là “Bồ-đề đạo thứ đệ đại luận” (T. Lam-rim chen-mo, ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་།; E. The great treatise on the stages of the path to enlightenment, H. 菩提道次第大論)[11] vào năm 1402, ở tuổi 46; đây là tác phẩm chính yếu về thực hành Phật giáo tại các học viện – tu viện Gelugpa. Nó được dựa trên tác phẩm có tầm ảnh hưởng tư tưởng của Đại sư Atisha “Đèn soi nẻo giác”[12] (S. Bodhi-patha-pradìpa; T. Byang-chub lam-gyi sgron-ma, བྱང་ཆུབ་ལམ་གྱི་སྒྲོན་མ་།; E. A lamp for the path to enlightenment; H. 菩提道燈論). Tiếp theo là “Tinh hoa hùng biện” ( T. Legs-bshad snying-po; E. Essence of eloquence);[13] “Chánh lý đại hải” ( T. Rigs-pa’i rgya-mtsho; E. Ocean of reasoning; H. 正理大海)[14] và “Bồ-đề đạo thứ đệ trung luận” (T. Lam-rim ‘bring-po, ལམ་རིམ་འབྲིང་པོ་།; E. The medium treatise on the stages of the path to enlightenment; H. 菩提道次第中論).[15] Sau đó, vị thầy vĩ đại Tông-khách-ba đã soạn một chuyên luận tương tự về Vajrayāna mang tên là “Đại luận về Thần chú bí mật” (E. The great exposition of secret mantra) được xem là nền tảng căn bản của hệ thống thực hành Mật tông của Gelugpa.
2. Những cải cách của ngài Tông-khách-ba
Một trong những mục tiêu chính của việc giảng dạy, trước tác và thực hành của ngài Tông-khách-ba là cải cách Phật giáo Tây Tạng. Ngài Tông-khách-ba rất quan tâm đến những gì mà ngài cho là thiếu sót trong Giới luật tu viện, suy nghĩ kém chất lượng về các chủ đề công truyền (E. Exoteric; H. 功 傳) hay bí truyền (E. Esoteric ; H. 祕傳) và sự suy giảm trong thực hành Mật tông. Một phần trong chương trình cải cách của ngài là việc tạo ra một quy tắc mới giống như người sáng lập, theo truyền thống đã nhấn mạnh vai trò của việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của Giới luật (S & P, Vinaya; T. Dul-ba, འདུལ་བ་།), tầm quan trọng của nghiên cứu toàn diện về tư tưởng Phật giáo và thực hành Mật tông cải cách phù hợp với những lời phát nguyện của các vị Tăng.
Điều này rất quan trọng đối với Tông-khách-ba đã lo ngại rằng, nhiều người đương thời hành trì Mật tông đã tham gia vào các thực hành thỏa mãn cảm xúc giác quan, vấn đề này được cho là không phù hợp với các lời phát nguyện của một tu sĩ Phật giáo. Đây chủ yếu là những người thực hành Mật tông yoga cao nhất, họ thường nghĩ rằng Mật tông yoga cao nhất là tối thượng của tất cả các bộ Mật tông và nó không thể được thực hành bởi các vị Tăng. Ngài Tông-khách-ba đưa ra quan điểm rằng, Mật tông yoga cao nhất là hệ thống Kim cương thừa tối thượng, và nó có thể được thuận lợi với phong thái sống của một tu sĩ Phật giáo. Một phần của chương trình cải cách của ngài Tông-khách-ba là quan tâm đến việc làm thế nào để thực hiện điều này, và ngài đã nỗ lực rất nhiều để làm những điều đó; duyên lành mọi sự được như ý, Đại sư Tông khách-ba đã hình thành nên một Tông phái mới.
3. Sự hình thành của một Tông phái mới
Ở tuổi ba mươi, ngài Tông-khách-ba đã có tầm nhìn về Văn-Thù-Sư-Lợi (S. Mañjuśrī; T. ‘Jam dpal dbyangs, འཇམ་དཔལ་དབྱངས་།)[16] (có ý nghĩa quan trọng vì truyền thống Gelugpa coi Tông-khách-ba là hóa thân của Văn-Thù-Sư-Lợi), vị Bồ-tát đã xác nhận rằng Tông-khách-ba đã trực tiếp nhận thức về Tánh không (S. Śūnyatā; T. Stong-pa nyid, སྟོང་པ་ཉིད་།) và Tông-khách-ba không còn cần phải cho lời chỉ dạy về tư tưởng này nữa. Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát (S. Mañjuśrī-sattva) sau đó khuyên ngài Tông-khách-ba nên tiếp tục giảng dạy theo các hệ thống của ngài Long thọ (S. Nāgārjuna) và ngài Atisha. Không lâu sau đó, Tông-khách-ba có chuyến hành trình ở các khu vực phía nam Lhasa (T. ལྷ་ས་།)[17] và ngài gặp đệ tử tương lai của mình là Gyeltsap Darma Rinchen (T. རྒྱལ་ཚབ་དར་མ་རིན་ཆེན་།, 1364-1432),[18] thuộc dòng Sakyapa và đã được coi là một học giả và nhà tranh luận vĩ đại trong truyền thống này.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ được diễn ra, khi ngài Tông-khách-ba đang chuẩn bị giảng dạy. Gyeltsap công khai thách thức với bậc có uy đức Tông-khách-ba, bằng cách ngồi trên ghế tôn kính đã được chuẩn bị cho các bài pháp thoại, nhưng khi ngài Tông-khách-ba bắt đầu giảng, Gyeltsap nhận ra rằng, sự hiểu biết của bậc thầy vượt xa hơn chính mình; ngài Tông-khách-ba trả lời những câu hỏi đã gây bất an cho mình từ lâu và khi bài giảng tiếp tục, Gyeltsap đã ngộ ra chính mình đã tự phụ trong việc ngồi vào ghế Tông-khách-ba, cung kính đảnh lễ ba lạy bậc Thầy trí tuệ, rồi Gyeltsap trở về chỗ ngồi trong hội chúng. Thời gian sau đó, Gyeltsap trở thành một trong những đệ tử vĩ đại nhất của Tông-khách-ba và người thứ hai tên là Khedrup Gelek Palzang (T. Mkhas-grub dge-legs dpal-bzang po, མཁས་གྲུབ་དགེ་ལེགས་དཔལ་བཟང་པོ་།, 1385-1438). Sau khi ngài Tông-khách-ba viên tịch, hai người đệ tử này đã kế thừa trọng trách sứ mệnh truyền bá những lời dạy của thầy mình và hoàn thiện những lời dạy đó, tin tưởng rằng nó sẽ tiếp tục và phát triển.
4. Đại Luận về giai trình của đạo Giác ngộ và các tác phẩm khác
Đại sư Tông-khách-ba tiếp tục chuyến hành trình của mình, ngài cư trú một thời gian ngắn tại Reting hay Radreng,[19] một tu viện được thành lập bởi học giả phái Kadampa – Dromtönpa hay Dromtönpa Gyelwé Jungné (T. ‘Brom-ston-pa rgyal-ba’i ‘byung-gnas, འབྲོམ་སྟོན་པ་རྒྱལ་བའི་འབྱུང་གནས་།, 1004-1064). Ở đó, ngài đã hoàn thành phần lớn tác phẩm “Đại luận về giai trình của đạo Giác ngộ” (T. Lam-rim chen-mo, ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་།; E. The great treatise on the stages of the path to enlightenment; H. 菩提道次第大論)cùng với nhiều tác phẩm khác. Tác phẩm “Đại luận về giai trình của đạo Giác ngộ” được xem như bản “tâm kinh” trên lộ trình tu tập, nhằm thanh lọc những quan niệm sai lầm trong việc hiểu và thực hành Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa. Toàn luận được chia làm ba tập (quyển thượng, quyển trung và quyển hạ). Trong quyển thượng gồm có 24 chương. Mở đầu Luận chủ thể hiện sự thành tâm kính lễ đối với Tam bảo bằng 3 tụng gọi là Khai luận (prologue). Đây là thông lệ trước khi tạo luận hầu hết của các Luận sư nói chung từ trước đến nay trong Phật giáo.
1. Kính lễ Phật: “Xin kính lễ hồi hướng lên bổn sư Văn-thù-sư-lợi. Con cúi đầu đảnh lễ đấng Thế Tôn Thích-ca… Con hạ mình đảnh lễ trước ngài Ajita (Maitreya) và ngài Văn-thù-sư-lợi.”[20]
2. Kính lễ Tổ sư:“Con cúi đầu dưới chân Tổ Long Thọ và Vô Trước. Con cúi đầu trước tổ Nhiên Đăng – Atisha.”[21]
3. Kính lễ Đạo sư: “Con hạ mình tôn kính trước các đạo sư, là người mà hành vi thiện xảo được hướng động bởi lòng từ, là sự sáng soi cho cửa ngỏ thiện duyên dẫn đưa đến giải thoát, là mắt để thấy được muôn vàn kinh điển vô biên…”[22]
Tụng cuối: “Tất cả những ai có duyên may không bị che mờ bởi bóng đen về bộ phái; những ai có khả năng tinh thần phân biệt được chánh tà; những ai mong ước tạo ra cuộc đời tốt đẹp an lạc, hãy nên giữ nhất tâm lắng nghe.”[23] Nói lên mục đích tạo luận – Luận chủ hy vọng tất cả chúng sinh từ phàm phu bắt đầu phát khởi tín tâm chân chính, phân biệt được chánh, tà, chơn, nguỵ, đại, tiểu, thiên, viên; không bị phiền não vô minh ngăn che, nỗ lực tu hành để sớm thành tựu đạo quả giải thoát sinh tử. Chương 1: Cuộc đời và hành trạng của Đại sư Atisha. Ngài Tông-Khách-Ba chỉ ra sự vĩ đại về giáo pháp của tác giả để xác lập rằng đó là nguồn chánh pháp. Trong chương 2: Giá trị cao quý của Phật pháp – Luận chủ chỉ ra sự vĩ đại của giáo pháp để mang đến lòng tôn kính với các huấn thị. Chương 3: Chỉ ra phương cách lắng nghe và lý giải về Giáo pháp của đức Phật. Chương 4: Phương pháp để dẫn dắt đệ tử với những lời huấn thị thực tế. Các chương còn lại (từ chương 5 đến chương 24) bao gồm các nội dung hay khái niệm rất cơ bản mà một người đệ tử hay hành giả khi bắt đầu tu học cần phải biết rõ về các phép thiền quán, quy y Tam bảo, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, tái sinh, tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, tam học và tam vô lậu học, đạo lộ hướng đến giác ngộ giải thoát v.v… Quyển trung, gồm 15 chương. Nội dung được tập trung vào các chủ đề tu tập, dành cho hành giả có căn cơ trí tuệ cao hơn, bao gồm các giáo pháp tu tập về tâm từ – phương tiện thể nhập Đại thừa Phật pháp, bảy phép luyện tâm, phép hoán chuyển ngã-tha, phát khởi và nuôi dưỡng Bồ-đề tâm, con đường thực hành Bồ-tát đạo thông qua sáu pháp Ba-la-mật-đa (phân tích chuyên sâu về bốn pháp Ba-la-mật-đa đầu) và ứng dụng Tứ nhiếp pháp (S. Catvāri saṃgraha-vastūni; T. Bsdu-ba’i dngos-po bzhi’i-ming la, བསྡུ་བའི་དངོས་པོ་བཞིའི་མིང་ལ་།; H. 四攝法) để thu phục đệ tử. Quyển hạ, đại sư Tông-khách-ba nhấn mạnh vào công phu hành Thiền và làm thế nào để phát sinh trí tuệ? Nghĩa là luận chứng về hai pháp Ba-la-mật-đa cuối. Gồm 27 chương, chia thành 2 phần – Phần I: Trình bày về Định từ Thiền, chỉ rõ các chi tiết về chuẩn bị cho cách thức hành thiền và các giai đoạn trạng thái tâm trong lúc nhập định, an trụ trong định và xả thiền; phương pháp đoạn trừ các phiền não hôn trầm, trạo cử v.v… để thành tựu Thiền định viên mãn. Đại sư Tông-khách-ba cũng đã xác quyết rõ ràng rằng: Tuệ giác không thể có được hoàn toàn nếu hành giả chưa đạt tới chánh Định (S. Samyak–samādhi; T. Yang-da-pa’i ting-ng-’dzin, ཡང་དག་པའི་ཏིང་ངེ་འཛིན་།). Theo cách này, việc tu tập các phương tiện Mật tông tối thượng, nhất là trong Đại Viên Mãn (S. Mahāsandhi; T. Rdzogs-pa chen-po, རྫོགས་པ་ཆེན་པོ་།; H. 大圓滿) hay trong Đại Thủ Ấn (S. Mahāmudrā; T. Phya-rgya chen-po, ཕྱག་རྒྱ་ཆེན་པོ་།), hành giả không thể không có năng lực của Thiền định, vì y vào Thiền định mới phát sinh trí tuệ. Phần II – Thuyết minh về Tuệ, đại sư Tông-khách-ba luận chứng những quan điểm khác nhau và nhằm chỉ ra các khuyết điểm, sai lầm của các tông phái ngoài Trung Quán Cụ Duyên (S. Prāsaṅgika-mādhyamika; T. Thal-‘gyur, ཐལ་འགྱུར་པ་།; H. 中 觀 具 緣).[24] Điểm cốt yếu của bộ luận này, Bồ-tát Phật Hộ đả phá quan điểm của những kẻ đối nghịch và những kết luận (S. Prasaṅga) sai trái của họ, có thể gọi là “phá tà hiển chính”, trong ngôn từ Hán-Việt “Quy mậu biện chứng” (歸 謬 辯 證) hay “Quy Mậu”. Nghĩa là không nêu quan điểm của chính mình, chỉ dựa vào những nhược điểm, khiếm khuyết, mâu thuẫn hiển hiện của đối thủ mà đả phá họ. Qua đó cho thấy cách thức mà Trung Quán Cụ Duyên chỉ ra Tánh không (S. Sūnyāta; T. Tongpa-nyi, སྟོང་པོ་ཉིད་།) hay Chân lý tối hậu. Nói một cách nghiêm túc, vì nội dung tư tưởng và hình thức kết cấu của bộ luận quá sâu sắc, chi tiết lại còn thâm diệu cao siêu, nên chúng tôi tri thức hữu hạn không thể diễn tả hết được những mật ý trong Đại luận này, mà mỗi người có thể tự cảm nhận, minh định giá trị của nó qua các nghiên cứu cụ thể; ứng dụng tu tập và chuyển hoá tâm, an trú trong trạng thái của các pháp hiện chứng (S. Dṛṣṭa-dharma-sukha-vihāra; T. Tshe-‘di la-bde thanh-gnas pa, ཚེ་འདི་ལ་བདེ་བར་གནས་པ་།; H. 現法樂住). Có được như thế, mới mong xứng khế nghĩa lý.
Ngài Tông-khách-ba bắt đầu bằng cách được truyền cảm hứng từ Đại sư Atisha và các vị thầy hộ pháp Phật giáo, điều này dẫn đến một tầm nhìn về vô số chúng sinh giác ngộ được xuất hiện xung quanh ngài theo mọi hướng, tất cả chúng đều hòa quyện vào Đại sư Atisha và ngài Tông-khách-ba có thể đặt câu hỏi của vị Đại sư. Khi kết thúc bài giảng, Đại sư Atisha đặt tay lên đầu ngài Tông-khách-ba trong sự ban phước lành. Cùng với sự nhìn nhận và ban phước lành đó, Tông-khách-ba hoàn thành sự uyên thâm của những lời dạy cao quý ấy, sẽ khiến mọi người không thể thực hành chúng thành công và ngài đã cân nhắc ngắn gọn bỏ qua phần tổng thể này, nhưng Văn-Thù-Sư-Lợi đã xuất hiện và khuyến khích ngài Tông-khách-ba hoàn thành sứ mệnh vì lợi ích trong số ít những người có thể hiểu và thực hành các lời chỉ dạy đó. Văn-Thù-Sư-Lợi cũng bảo Tông-khách-ba viết các bài pháp ngắn và trung bình về các giai đoạn của con đường dành cho những người có năng lực tâm linh thấp kém. Tám người đại “hộ pháp” (S. Dharmapāla; T. Chos-skyong, ཆོས་སྐྱོང་།) sau đó đã bày tỏ nguyện vọng trước mặt Tông-khách-ba và thỉnh cầu ngài tiếp tục công việc giảng dạy của mình, điều mà họ muốn nói sẽ có lợi ích cho vô số chúng sinh, lúc này Tông-khách-ba khoảng chừng bốn mươi tuổi.
Trong những năm tiếp theo, ngài Tông-khách-ba tiếp tục tập trung vào việc giảng dạy và trước tác những tác phẩm, tạo nên một lượng tài liệu bằng văn bản đồ sộ. Những trước tác của ngài về sau được các đệ tử tuyển chọn thành mười tám tập lớn[25] và chứa các phân tích về một loạt chủ đề liên quan đến giáo lý và thực hành Phật giáo. Một trong những khía cạnh nổi bật trong cuộc sống của ngài đã làm nên những điều đáng kinh ngạc. Điều ấn tượng hơn là vào thời đại của ngài không có máy tính, bộ phận liên kết thư viện, internet, máy fax hoặc điện thoại v.v… Ngoài các tác phẩm của mình, ngài Tông-khách-ba cũng có nhu cầu lớn như một giáo viên và giảng dạy thường xuyên, thậm chí còn sắp xếp được thời gian cho thời khóa nhập thất để thiền định dài hạn. Như Robert A.F. Thurman nhận định:
“Khi xem xét cẩn thận danh sách các bài giảng và giáo lý của Tông-khách-ba, có vẻ như ngài đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giảng dạy. Tuy nhiên, từ những quan điểm thực hành hằng ngày mà dường như Tông-khách-ba đã dành nhiều thời gian để nhập thất thiền định. Nhưng khi đọc các tác phẩm của ngài, có vẻ như Tông-khách-ba chỉ có thể đọc và soạn những bài giảng của mình vậy. Đức Đạt-lai Lạt-ma cảm thấy rằng, kỳ công lớn nhất của Je Rinpoche (Tông-khách-ba) là đã làm được cả ba.”[26]
Trong những năm đầu ở tuổi ngũ tuần, Tông-khách-ba đã viết một trong những chuyên luận có tầm ảnh hưởng nhất của ngài, đó là “Bản chất của sự giảng giải xuất sắc” (T. Lek-shey nying-po; E. The essence of good explanations),[27] “Chuyên luận phân biệt giải thích và dứt khoát” (T. Jam-yang shay-pa’s; E. Treatise differentiating the interpretable and the definitive), trong đó ngài thảo luận về các phương thức giải thích kinh điển của hai trường phái chính Phật giáo Ấn-độ, đó là trường phái Trung quán (S. Mādhyamika) và trường phái Du-già (S. Yogācāra). Ngay sau khi hoàn thành công việc này, ngài Tông-khách-ba đã nghĩ ra một ý tưởng là khai mạc một lễ hội tôn giáo hằng năm, sẽ bắt đầu vào năm mới theo lịch Tây Tạng (lo-gsar, ལོ་གསར་།, phát âm là losar có nghĩa là năm mới). “Đại lễ cầu nguyện hay Mönlam Chenmo (T. Smon-lam chen-mo, སྨོན་ལམ་ཆེན་མོ་།) vẫn được tổ chức ngày nay trong các cộng đồng Tây Tạng và là một trong những sự kiện tôn giáo lớn trong năm.”[28]
5. Ngài Tông-khách-ba và Mật thừa
Ngài Tông-khách-ba khi trở về tu viện Reting, đã viết một bài bình luận “năm mươi khổ thơ về đấng thượng sư” (E. Fifty stanzas on the spiritual teacher; H. 上師五十法頌)[29] để củng cố tối cao sự tận tâm trong Mật tông. Theo nhiều yêu cầu, ngài Tông-khách-ba đã viết “Đại Luận về Thần chú bí mật” (T. Sngags-rim chen-mo; E. The great exposition of secret mantra)[30] và phần tiếp theo của Đại luận trước đó của ngài, đối với con đường từ quan điểm mà bài luận trước đã hoàn thiện cho đến kết quả của sự giác ngộ.
Tư tưởng Trung luận của ngài Long Thọ rất khó hiểu và Tông-khách-ba khi ở tuổi năm mươi đã được yêu cầu viết lời giảng giải về tư tưởng này. Cũng trong thời gian đó (1407), khi bức thư của Hoàng đế Trung Quốc – Minh Thành Tổ (明成祖, 1360–1424) gửi đến Tông-khách-ba, yêu cầu ngài đến thăm Trung Quốc và tham gia ở đó với tư cách là một người thầy tâm linh tôn kính, nhưng ngài Tông-khách-ba đã từ chối lời đề nghị đó với lý do về tuổi già. Khi rời Chöding,[31] ngài Tông-khách-ba đã hỏi hai đệ tử của mình về niềm mong ước cho buổi khai mạc Đại lễ cầu nguyện (Mönlam) tại Lhasa.
“Mục đích chính của Đại lễ cầu nguyện là nguyện cầu cho sự sống lâu dài các bậc Thầy tôn kính của tất cả các truyền thống, cho sự tồn tại và truyền bá Phật pháp trong tâm trí của tất cả chúng sinh, cũng như cho sự hòa bình thế giới. Những lời cầu nguyện chung, lòng tôn kính cùng với niềm tin và sự tận tâm mạnh mẽ, giúp vượt qua những trở ngại để đem lại hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người sống hài hòa với nhau.”[32]
Ngài Tông-khách-ba cũng đã hướng dẫn cho việc chuẩn bị những phẩm vật cúng dường. Vào năm 1409 ở tuổi năm mươi hai, Tông-khách-ba đã tập hợp 8.000 vị tu sĩ ở Lhasa và đã dâng cúng một bức tượng Phật Thích-Ca Mâu-Ni bằng vàng tốt, thực hiện theo lời tiên tri của đức Phật. Đây là lần thứ ba trong bốn việc làm chính yếu của ngài.[33] Khi kết thúc Đại lễ cầu nguyện mang tên “Mönlam”, các đệ tử của ngài Tông-khách-ba đã quyết định rằng, bây giờ sẽ không còn đắn đo gì nữa khi nhìn thấy Thầy của mình chưa có chỗ ở ổn định. Do đó, họ đề nghị xây dựng một tu viện bất cứ nơi nào mà bậc Thầy tôn kính tùy thích chọn. Sau khi ngài Tông-khách-ba nhận được sự hướng dẫn từ các vị thần trong giấc mơ của mình, đã quyết định xây dựng một tu viện ở núi Drogri (T. Brog ri-bo-che),[34] nơi này cũng đã được nói đến trong lời tiên tri của đức Phật. Tu viện được xây dựng và nó được đặt tên là Ganden, tên tương đương của Tây Tạng gọi là Tuṣita – tịnh độ của đức Phật Di Lặc. Ngài Tông-khách-ba đã đi đến địa điểm này với một trong những đệ tử là Gedun Drupa (T. Dge-dun grub-pa, དགེ་་འདུན་གྲུབ་པ་།, 1391-1475), sau đó được công nhận là đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên. Tu viện Ganden được xây dựng đúng theo quy tắc Giới luật.
Như hình 2, mô tả về mạn-đà-la (S. Maṇḍala, T. Dkyil-‘khor, དཀྱིལ་འཁོར་།). Vậy mạn-đà-la là gì? Mạn-đà-la là ngôi nhà của một vị thần, nơi để thực hiện sự cúng dường của ngài. Mạn-đà-la tiếp theo là của Kālacakra, đó là nét đặc trưng nổi bật của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV chỉ để truyền Mật ấn. Do đó, mạn-đà-la có nhiều loại khác nhau trong tất cả các tông phái của Phật giáo ở Tây Tạng.
Hình 2. Shri Kālacakra, Maṇḍala
Vào năm 1410, ngài Tông-khách-ba đã đưa ra một loạt các bài giảng đầu tiên về giáo lý Lam-rim[35] (các giai đoạn của con đường) ở Ganden về Bí mật tập hội tan-tra(S. Guhyasamāja-tantra; T. Gsang-ba ‘dus-pa, གསང་བ་འདུས་པ་།; H. 秘密集會軌) và về “bản tóm tắt kiến thức” của ngài Vô trước. Vào năm 58 tuổi, ngài Tông-khách-ba đã viết một bài bình luận về Thắng lạc kim cương (S. cakrasaṃvara; T. Khor-lo sdom-pa, bde-mchog, ཀྱེ་རྡོ་རྗེའི་རྒྱུད་, ཀྱཻ་རྡོ་རྗེ་རྒྱུད་།; H. 勝樂金剛) của Lauhapada. Như Buswell nhận định: “Ở Tây Tạng, Tantra có ảnh hưởng rất lớn, xếp hạng tầm quan trọng với Tantra Hevajra, Tantra Cakrasaṃvara và Tantra Kālacakra.”[36]
Đại sư Tông-khách-ba đã quyết định tạc một bức tượng đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại Ganden. Các nghi thức tấn phong đã được chuẩn bị chu đáo; chánh điện chính của Ganden và việc xây dựng các hình tượng khác nhau đã được an trí hoàn thiện, đây cũng được xem là việc làm lớn thứ tư của ngài Tông-khách-ba.
Vào năm 1418 ở tuổi 61, ngài Tông-khách-ba đã có những bài thuyết trình sâu rộng và viết một bài bình luận “Hướng dẫn lối vào Trung đạo” (E. A guide to the entrance of middle way),[37] các tác phẩm hoàn chỉnh của ngài được chứa đựng đầy đủ trong mười tám tuyển tập. Ở tuổi 62 vào năm Kỷ hợi (1419), ngài Tông-khách-ba xả bỏ báo thân trong tư thế hoa sen tại tu viện Ganden. Cả một cuộc đời hành đạo, sự nghiệp hoằng pháp của ngài là những lời vàng ngọc quý báu để cho môn đồ đệ tử noi theo trong việc truyền thừa và xiển dương tông phái này. Cùng với quan điểm đó, chúng ta có thể nhìn nhận về tư tưởng minh triết của ngài Long Thọ (S. Nāgārjuna) và ngài Vô Trước (S. Asaṅga); cho thấy rằng, tư tưởng của các ngài đại biểu cho nguồn cội không chỉ lịch sử triết lý Ấn-độ mà còn tất cả lịch sử triết học nói chung. Ngay cả sau khi viên tịch, ngài Tông-khách-ba vẫn tiếp tục dạy bảo đệ tử của mình, bằng cách xuất hiện trong những giấc mơ của họ. Khedrurje (T. Mkhas-grub-rje, མཁས་གྲུབ་རྗེ་།, 1385-1438) một trong hai đệ tử xuất sắc của ngài Tông-khách-ba, đôi lúc gặp phải khó khăn trong khi giải thích các bản văn của thầy mình và Khedrurje đã trông thấy bậc thầy trí tuệ xuất hiện nhắc lại rất nhiều lần như vậy.
Sự kiện được chấp nhận giữa các học giả và cộng đồng Tây Tạng rằng, ba người đóng góp vĩ đại trong Biên niên sử của đất nước Tây Tạng là Đại sư Liên Hoa Sinh, Đại sư Atisha và Đại sư Tông-khách-ba, tất cả đều xuất hiện khi cần một bậc thầy vĩ đại.[38]
6. Ba điểm trọng yếu của đường tu giác ngộ
Về ba điểm trọng yếu của đường tu giác ngộ (T. Lam-gtso-rnam-gsum, ལམ་གཙོ་རྣམ་གསུམ་།; E. Three principal aspects of the path; H. 三主要道),[39] tất cả các học giả trong lĩnh vực Phật giáo Tây Tạng đều đồng ý rằng, đây là đóng góp lớn nhất của Đại sư Tông-khách-ba cho Phật giáo Tây Tạng. Trong tác phẩm này gồm 14 khổ thơ và Đại sư Tông-khách-ba chia con đường Phật giáo thành ba đặc điểm chính đó là: (1) Sự từ bỏ, (2) Bồ-đề tâm và (3) Tánh không. Những điều này kết tinh bản chất của tất cả giáo lý và thực hành Phật giáo, chúng được cho là mục tiêu chính của các nguồn kinh điển và mật điển. Đại sư Tông-khách-ba cũng cho rằng chúng phổ biến cho cả con đường kinh điển và mật điển. Ngài chỉ ra những điều này không nên xem như là một phần hay tóm lược, vì chúng là nền tảng của tất cả các thực hành và cần thiết cho việc hành trì Kim cương thừa thành công. Hopkins Jeffrey chú giải rằng, mặc dù các phương pháp Mật thừa nói chung được xem là ưu việt hơn các phương pháp của con đường kinh điển:
“Tất cả chúng đều yêu cầu ba điểm trọng yếu này làm điều kiện tiên quyết và không ai trong số chúng bất cứ lúc nào từ bỏ ba con đường đó. Sự từ bỏ là điều cần thiết đối với việc thực hành mật điển cũng như đối với kinh điển; trong mật điển giới luật thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với các hệ thống kinh điển. Thệ nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi trầm luân đau khổ để đạt đến bờ giải thoát an vui, nó tạo thành động lực cho việc thực hành mật điển cũng như kinh điển. Quan điểm đúng đắn là nhận thức về Tánh không, nhận thức rằng tất cả các pháp không tồn tại vốn có, chỉ là sự áp đặt của tư tưởng, tồn tại trên danh nghĩa và hiệu quả, nhưng không được tìm thấy dưới sự phân tích cuối cùng. Tánh không tự nó là sự sống của kinh điển và mật điển.”[40]
7. Những tháng ngày cuối cùng của Đại sư Tông-khách-ba
Vào khoảng 55 tuổi, ngài Tông-khách-ba bắt đầu nhận được những dấu hiệu xấu về sức khỏe. Để báo đền ơn đức giáo dưỡng của bậc thầy vĩ đại trong nhiều năm giảng dạy Phật pháp, những người đệ tử đã thực hiện các nghi lễ và dị khẩu đồng âm cầu nguyện cho sức khỏe và cuộc sống lâu dài của ngài. Những lời cầu nguyện đó đã tạo thành nguồn năng lượng tâm linh từ trường luôn lan tỏa trong thế giới duyên sinh, điềm báo vẫn tồn tại và ngài Tông-khách-ba nhận ra cuộc sống của mình đang dần khép lại. Ở tuổi 62, trước lúc viên tịch, ngài đã thuyết ra những lời chỉ dạy cuối cùng cho các đệ tử của mình, tóm tắt những hiểu biết sâu sắc các nguồn gốc về tư tưởng và thực hành Phật giáo của ngài. Trong chánh điện chính của Ganden, ngài đã cử hành một nghi thức về công đức mà ngài đã dành cho tất cả chúng sinh. Kết thúc buổi lễ, ngài Tông-khách-ba tụng bài kinh cầu nguyện tái sinh lên cõi trời Đâu-suất (S. Tuṣita). Sau đó, ngài thị hiện về các dấu hiệu đau lưng và bệnh tật. Để báo đáp ơn đức của Thầy, những vị đệ tử cùng tập hợp để thực hiện các phương thức chữa trị và kéo dài thọ mạng cho bậc Thầy mô phạm của họ.
Ngày hôm sau, sức khỏe của ngài Tông-khách-ba trở nên xấu hơn và ngài đã dạy các đệ tử rằng: “Các con nên phụng sự cống hiến hết mình cho việc tu tập tâm, chuyển hóa tâm và giác ngộ”. Sau đó, người Thầy vĩ đại nhập thất để thực hành Mật tông, đặc biệt là thiền định liên quan đến Heruka. Vào buổi sáng ngày 20 tháng 10 năm 1419, Đại sư Tông-khách-ba bắt đầu quán chiếu về Tánh không (S. Sūnyāta; T. Tongpa-nyi, སྟོང་པོ་ཉིད་།) và ngài tiếp tục quán chiếu sâu sắc về bản chất cuối cùng của các pháp.
Vào năm 1419, trước lúc viên tịch, ngài Tông-khách-ba đã trao Mũ và Y cho Gyaltsab (T. Rgyal-tshab, རྒྱལ་ཚབ་རྗེ་།, 1364-1432), người giữ ngôi vị Ganden trong 12 năm sau đó. Điều này đã bắt đầu truyền thống của người giữ ngôi vị Ganden là người đứng đầu phái Gelugpa. Người kế vị tiếp theo là Khédrubrje (T. Mkhas-grub-rje, མཁས་གྲུབ་རྗེ་།, 1385-1438) mà sau này có năm tầm nhìn về người Thầy vĩ đại của mình,[41] Khédrub luôn làm rõ những nghi ngờ và trả lời các câu hỏi của chính mình. Kể từ đó, Tông phái Gelugpa được thịnh hành và phát triển mạnh mẽ về sau.
8. Sự tiếp nối của truyền thống Tông-khách-ba
Sự nghiệp của ngài Tông-khách-ba đã được tiếp tục truyền thừa bởi hai đệ tử vĩ đại nhất đó là Gyaltsab và Khédrubrje. Theo yêu cầu của các đệ tử khác, Gyaltsab bổ nhiệm ngôi vị Ganden. Cho thấy rằng, ngài được công nhận là người kế vị chính của phái Tông-khách-ba và giữ chức vị này trong suốt 12 năm cho đến khi viên tịch. Gyaltsab đã soạn một số chuyên luận quan trọng và các tác phẩm thu thập của thầy mình được biên tập tuyển chọn thành mười tám quyển. Gyaltsab đã thành công với tư cách là người nắm giữ ngôi vị Ganden bởi Khédrubrje, người đã giữ chức vị này trong bảy năm cho đến khi ngài viên tịch ở tuổi 53. Nhị vị Lạt-ma này được xem là “pháp tử” (S. Dharmaputra; T. Chos rgyal-sras, ཆོས་རྒྱལ་སྲས་།; H. 法子) của ngài Tông-khách-ba và thường được miêu tả ngồi ở hai bên thầy Bổn sư của họ trong thangka (T. ཐང་ཀ་།) và các bức tranh tôn giáo khác (hình 3).
Hình 3. Tượng Tông-khách-ba (ở giữa) và hai đại đệ tử
Trong những thế kỷ tiếp theo, sự thuận lợi của phái Gelugpa tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là các vị Lạt-ma tiếp tục truyền bá và xiển dương những tư tưởng của tông phái, tạo nên một số ấn tượng (impression) tốt đẹp đến các học giả nổi tiếng và các nhà thông tuệ Mật tông. Đặc biệt, phái Gelugpa chủ yếu nổi tiếng vì tuân thủ nghiêm ngặt Giới luật tu viện, các học giả thành đạt và khóa tu thiền định chuyên sâu, cũng như các vị Lạt-ma – người lãnh đạo tối cao của phái Gelugpa tiếp tục được đón nhận sự vinh danh về người “thầy thông tuệ”, giới luật của tu viện và thành tựu Mật tông. Tông phái cũng sẵn sàng đón nhận một số lượng lớn những người hữu duyên phát tâm xuất gia trở thành tu sĩ và xây dựng nhiều tu viện mới như Tashi Lhünpo,[42] được thành lập vào năm 1445 bởi Gedun Drupa (T. Dge-dun grub-pa, དགེ་འདུན་གྲུབ་པ་།, 1391-1475). Tu viện này sau đó trở thành trung tâm của Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama) người chỉ đứng thứ hai sau đức Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama) về uy tín theo thứ tự Gelugpa. Các tổ chức tu viện Gelugpa phát triển và hưng thịnh, những điều này bắt đầu thu hút sinh viên từ khắp nơi trong khu vực văn hóa Tây Tạng.
Vào thế kỷ XVI S.TL, tông phái Gelugpa có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến khắp nơi, do kết quả của việc tìm thấy đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III trong số những người Mông Cổ. Sönam Gyatso (T. Bsod-nams rgya-mtsho, བསོད་ནམས་རྒྱ་མཚོ་།, 1543-1588), người được các vị Rinpoche[43] của phái Gelugpa công nhận là Đạt-lai Lạt-ma thứ III và cũng là cháu trai của A-Nhĩ-Thản-Hãn (Altan khan),[44] một trong những thủ lĩnh Mông Cổ hùng mạnh nhất. Sau đó, bổ nhiệm La-bốc-tạng Gia-mục-thố(T. Ngawang losang gyatso, ངག་དབང་བློ་བཟང་རྒྱ་མཚོ་།,1617-1682), đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V làm Đạo sư tôn quý và tinh thần của Tây Tạng. Bên cạnh đó, phái Gelugpa có thể lập ra một sự kế thừa của các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, những người thể hiện lý tưởng về sự thông thái và thực hành thiền định do ngài Tông-khách-ba đề xướng. Trong số này có học giả nổi tiếng Jamyang Shéba (T. འཇམ་དབྱངས་།, 1648-1721), người đã viết một số tài liệu học thuật Gelugpa có ảnh hưởng nhất và tái sinh Gönchok Jikmé Ongpo (1728-1791) cũng là người được biết đến nhiều nhất với “Vòng hoa quý báu” (T. Rin-chen-phreng-ba, རིན་ཆེན་ཕྲེང་བ་།; E. Precious garland)[45] của những bài giáo lý và tác phẩm tinh thần của ngài về các cấp bậc Bồ-tát và ngũ thừa Phật giáo, mang tên “Trình bày về các cấp độ và con đường trang nghiêm của tam thừa”.[46]
Bên cạnh đó, một số nhân vật quan trọng khác cũng được đề cập đến như: Jang Gya (1717-1786), tác giả của “Thuyết trình về các bài giáo lý”; Ngawang Belden (-1797), người đã viết một bài bình luận quan trọng về “Đại luận của các bài giáo lý”[47] của Jamyang Shéba, giải bày các vấn đề của những quan điểm khó khăn, viên ngọc quý của tư tưởng trong sáng và Pabongkhapa Déchen Nyingpo (T. Pha-bong kha-pa bde-chen snying-po, ཕ་བོང་ཁ་པ་བདེ་ཆེན་སྙིང་པོ་།, 1878-1941)[48] một học giả và nhà tranh luận nổi tiếng, người được biết đến như một tông phái mạnh mẽ và cũng là người bảo vệ phái Gelugpa. Truyền thống của sự thông thái và khóa tu thiền định của người Thầy vĩ đại Tông-khách-ba vẫn tiếp tục đến ngày nay, trong các Tu viện Gelugpa đã được xây dựng lại ở Ấn-độ, cũng như tại các trung tâm ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV hiện nay được xem là hóa thân tôn kính nhất của truyền thống về lý tưởng thành tựu trí tuệ và hành trì Mật tông. Ngài được đại đa số người dân Tây Tạng xem là biểu tượng cao quý của tất cả những gì tốt đẹp nhất và đáng để bảo tồn trong văn hóa của họ; ngài thường mang lại ấn tượng sâu đậm với những người khi gặp ngài, bằng sự pha trộn khác thường của sự thánh thiện, đức tính khiêm nhường, hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Phật giáo và thực hành thiền định.
(… còn tiếp)
Tham khảo và chú thích
[1] “Gelugpa” có nguồn gốc từ “Ganden”, phiên âm Tạng ngữ của tên tiếng Phạn Tuṣita, nghĩa là cõi Tịnh độ của đức Phật Di Lặc. Ban đầu gọi là “Ganden Choluk” có nghĩa là “Dòng dõi tinh thần của Ganden”. Bằng cách lấy âm tiết đầu tiên của “Ganden” và âm tiết thứ hai của “Choluk”, được viết tắt thành “Galuk” và sau đó được đổi thành “Gelug” để dễ phát âm hơn.
[2] Xem Gray Tuttle, The Tibetan History Reader, Columbia University Press, 2013, tr. xvii.
[3] Tên đầy đủ Rendawa Zhonnu Lodro (T. Red-mda’-ba gzhon-nu blo-gros, རེད་མདའ་བ་གཞོན་ནུ་བློ་གྲོས་།).
[4] Xem Thrangu Rinpoche, The Ornament of Clear Realization: A Commentary on the Prajñāpāramitā of the Maitreya Buddha, Sri Satguru Publications, 2001.
[5] Xem B09n0031 《現觀莊嚴論略釋》. CBETA 電子佛典集成 » 補編 (B) » 第 9 冊 » No.0031.
[6] Heruka là tên của một vị Thần phẫn nộ. Xem thêm Katok Situ Chökyi Gyatso; Togden Shakya Shri, The Life and Liberation of a Tibetan Yogi, Shang Shung Publications, 2009, tr. 243.
[7] Sáu yoga của Nāropa bao gồm: 1) pháp Yoga nội hỏa; 2) pháp Yoga thân như huyễn; 3) pháp Yoga mộng; 4) pháp Yoga pháp tính diệu minh; 5) pháp Yoga Bardo và 6) pháp Yoga chuyển di tâm thức. Xem Nguyễn An Cư và Trùng Hưng (dịch), Sáu Yoga của Naropa, Nxb Thiện Tri Thức, 2003.
[8] Kālacakra là một từ tiếng Phạn. Nói theo nghĩa đen, kāla là “thời gian” và cakra là “bánh xe”, vì vậy kālacakra là “bánh xe thời gian” hay còn gọi là “thời luân”. Xem Géshé Lhundub Sopa; Roger R. Jackson & John Newman, The Wheel of Time: Kālacakra in Context, Shambhala Publications, Incorporated, 1991, các tr. 51-54, 62-77.
[9] Xem J.L. Shastri, The Siva Purana, Motilal Banarsidass Publishers, 2014, tr. 1380.
[10] Vajrapāṇi có nghĩa là Kim cương thần hay Kim cương thủ, vị cầm lưỡi tầm sét, một vị thần trong Phật giáo, người theo đức Phật và hộ trì ngài trong mọi lúc.
[11] Xem Tsong-Kha-Pa (author), The Great Treatise on the Stages of the Path to Enlightenment, Snow Lion Publications, 2015.
[12] Xem Thích Nữ Trí Hải (dịch), Đèn Soi Nẻo Giác và Luận Giải, Nxb Tổng hợp, 2006.
[13] Xem Robert A.F. Thurman, Tsong Khapa’s Speech of Gold in the Essence of True Eloquence: Reason and Enlightenment in the Central Philosophy of Tibet, Princeton University Press, 2014.
[14] Xem Tsong Khapa (author) Jay L. Garfield & Geshe Ngawang Samten (trans.), Ocean of Reasoning: A Great Commentary on Nagarjuna’s Mulamadhyamakakarika, Oxford University Press, 2006.
[15] Xem Tsongkhapa (author), Philip Quarcoo (trans.), the Middle-Length Treatise on the Stages of the Path to Enlightenment , Wisdom Publications,U.S, 2001.
[16] Mañjuśrī hay Mañjuśrīkumārabhūta là một vị Bồ-tát gắn liền với Trí tuệ (S. Prajñā) trong Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Tây Tạng xem Mañjuśrī là một Bổn tôn. Tên của ngài có nghĩa là “vinh quang đức tính hiền lành”.
[17] Lhasa hay Thành Quan (城關) được gọi là linh hồn của Tây Tạng. Lhasa cũng là khu vực đô thị đông dân thứ hai trên cao nguyên Tây Tạng, sau Tây Ninh, ở độ cao 3,490 mét. Lhasa là một trong những thành phố cao nhất trên thế giới. Thành phố này là thủ đô tôn giáo và hành chính của Tây Tạng kể từ bán thế kỷ XVII. Nó bao gồm nhiều địa điểm Phật giáo Tây Tạng có ý nghĩa văn hóa như: Cung điện Potala, Tu viện Jokhang và Cung điện Norbulingka (T. ནོར་བུ་གླིང་ཀ་།; H. 羅布林卡).
[18] Gyaltsab Darma Rinchen là đệ tử của Rendawa và Tông-khách-ba. Ngài đã viết bình luận nổi tiếng về Bồ-tát hạnh (S. Bodhisattvacaryāvatāra; T. Byang-chub sems-dpa’i spyod-pa la‘jug-pa, བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་སྤྱོད་པ་ལ་འཇུག་པ་།; H. 菩薩行) được gọi là Dar Tik. Sau khi Tông-khách-ba viên tịch, ngài trở thành người kế vị Tu viện Ganden và sau đó được Khedrup Gelek Palzang kế nhiệm.
[19] Reting hay Radreng, tu viện Gelugpa phía đông bắc Lhasa. Xem Grayb Tuttle & Kurtis R. Schaeffer, The Tibetan History Reader, Columbia University Press, 2013, tr. 712.
[20] “Homage to the guru Manjughosa. I bow my head to the chief of the Sakyas… I bow down to Ajita [Maitreya] and to Manjughosa.”
[21] “I bow to the feet of Nagarjuna and Asanga. I bow to Dipamkara – Atisha.”
[22] “I bow with respect to the teachers. Who, with deeds of skill in means moved by loving concern. Illuminate for the fortunate the gateway leading to liberation. The eye for viewing all the limitless scriptures…”
[23] “All those fortunate ones who are unobscured by the darkness of partisanship. Who have the mental capacity to differentiate good and bad. And who wish to make meaningful this good life of leisure. Should listen with one-pointed attention.”
[24] Cụ duyên tông còn gọi là Ứng thành tông (應成宗), một trong hai nhánh của Trung quán tông. Ứng thành tông do ngài Phật Hộ (Buddhapālita, 佛護, 470-550 S.TL) sáng lập vào thế kỷ IV-V S.TL.
Bottom of Form
[25] Xem những trước tác của Đại sư Tông-khách-ba.
[26] “On careful consideration of the list of Tsong Khapa’s discourses and teachings, it would also appear that he must have spent his whole life discoursing. Yet from the point of view of his daily practice it seems that he spent his life in meditative retreat. But on reading his literary output, it would seem that he could only have read and composed texts. His Holiness the Dalai Lama feels that Je Rinpoche’s greatest feat was to have done all three.” Robert A.F. Thurman (ed.), The Life and Teachings of Tsong Khapa, Published by Dharmsāla: Library of Tibetan Works and Archives, 1982, tr. 28.
[27] Xem Geshe Jampa Thegchog (author); Sherab Sherpa (trans.), Lama Tsongkhapa’s Short Essence of Good Explanation, Praise of Buddha Shakyamuni for His Teaching on Dependent-arising: A Commentary, Published by Nalanda Monastery, 1990.
[28] “The great aspiration festival, or Mönlam chenmo, is still celebrated today in Tibetan communities and is one of the major religious events of the year.” John Powers, Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publications, 1995, tr. 219.
[29] Xem Aryashura, Fifty Stanzas on the Spiritual Teacher, Publisher: Library of Tibetan Works and Archives, 2001.
[30] Xem Tsongkhapa; Dalai Lama (ed.); Hopkins Jeffrey (trans.), The Great Exposition of Secret Mantra, (Vol. 1, 2, 3), Snow Lion, an Imprint of Shambhala Publications Inc, 2016.
[31] Chöding có nghĩa là một ẩn thất nhỏ.
[32]“The main purpose of the Great Prayer Festival is to pray for the long life of all the holy Gurus of all traditions, for the survival and spreading of the Dharma in the minds of all sentient beings, and for world peace. The communal prayers, offered with strong faith and devotion, help to overcome obstacles to peace and generate conducive conditions for everyone to live in harmony.” https://kopanmonastery.com/about-kopan/monastic-events/the-great-prayer-festival-monlam-chenmo. Truy cập 11/03/2019.
[33] Bốn việc làm chính yếu của Đại sư Tông-khách-ba: (1) Dâng cúng tôn tượng đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, (2) Hoá độ đệ tử và phục hưng kỷ luật tu viện, (3) Xác lập Đại Lễ Cầu Nguyện tại Lhasa vào năm 1409 và (4) Xây dựng tu viện Ganden.
[34] Núi Drogri cách Lhasa khoảng 50 km về phía đông, ở độ cao 4.500 m. Xem thêm Robert A.F. Thurman, The Central Philosophy of Tibet: A Study and Translation of Jey Tsong Khapa’s Essence of True Eloquence, Princeton University Press, 1984, tr. 87.
[35] Lam-rim (T. ལམ་རིམ་།) (Đại luận về con đường được sắp xếp để dẫn đến giác ngộ) là một hình thức văn bản Phật giáo Tây Tạng để trình bày các giai đoạn trong con đường hoàn chỉnh đến giác ngộ như đức Phật đã dạy. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng có nhiều phiên bản khác nhau của Lam-rim, được trình bày bởi các vị Lạt-ma khác nhau của các tông phái: Nyingmapa, Sakya, Kagyupa, Kadampa và Gelugpa.
[36] “In Tibet, the tantra was highly influential, ranking in importance with the Hevajra Tantra, Chakrasamvara Tantra, and Kalachakra Tantra.” Robert E. Buswell Jr & Donald S. Lopez Jr, The Princeton Dictionary of Buddhism, Princeton University Press, 2014, tr. 335.
[37] Xem Chandrakirti, Jamgön Mipham (author); Padmakara Translation Group (trans.), Introduction to the Middle Way: Chandrakirti’s Madhyamakavatara with Commentary by Ju Mipham, Shambhala Publications, Inc, 2005.
[38] Đó là vị vua thứ 38 của Tây Tạng, Trisong Detsen (742-797 S.TL), người đầu tiên mời ngài Tịch Hộ (S. Śāntarakṣita, 725-788 S.TL) sang Tây Tạng để hoằng pháp. Vào thời điểm đó, có nhiều thế lực tà ác ở Tây Tạng, phẫn nộ mạnh mẽ sự xuất hiện của học thuyết Phật giáo nơi đó, cho nên những trở ngại và tai họa đã xảy ra. Ngài Tịch Hộ khuyên vua nên mời Đại sư Liên Hoa Sinh (S. Padmasambhava), người đã đến và khuất phục những thế lực xấu ác này, sau đó yêu cầu vua xây dựng tu viện Samye (T. བསམ་ཡས་།) đầu tiên ở phía nam Lhasa. Sau sự đàn áp giáo lý bởi vua Lang Dharma (803-842 S.TL), đã có một thời kỳ ở Tây Tạng khi một hình thức tôn giáo rất suy đồi được thực hành. Trong thời gian này, không ai có thể tìm thấy sự tương thích giữa các hệ thống Kinh điển và Mật điển, được coi là một sự phân đôi không thể hòa giải. Chính Đại sư Atisha (982-1054) đã xua tan những quan điểm như vậy và bắt đầu truyền thống Kadampa. Sau này khi mọi người không thể thấy được việc nghiên cứu và thực hành yoga như thế nào để được hợp nhất, ngài Tông-khách-ba đã đến và chỉ dạy thực hành chánh đạo, thành lập tu viện Ganden và bắt đầu Tông phái Gelugpa, nơi có số lượng tín đồ lớn nhất so với các tông phái khác.
[39] Tác phẩm “Lam-gtso-rnam-gsum” là lời sách tấn của Đại sư Tông-khách-ba dành cho một vị quan chức có tên là Ngawang Dragpa ở Tsako. Xem 宗喀巴大師 (作者), 《三主要道論》:出離心、菩提心、空性正見, 橡樹林文化出版社, 2013.
[40] “All of them require these three principal paths as prerequisites and none of them at any time for sakes these three. The intention definitely to leave cyclic existence is as essential to the practice of tantra as it is to that of sūtra; in tantra the discipline is even stricter than that of the sūtra systems. The aspiration to enlightenment for the sake of all sentient beings is the assump tion of the burden of freeing all sentient beings from misery and joining them with happiness and one’s con sequent wish for Buddhahood, the state wherein one actually has the power to effect one’s promise to free all beings through teaching the path. It forms the motiva tion for tantra practice as well as for sūtra practice. The correct view is the realization of emptiness, the realization that all phenomena do not exist inherently, are just imputations by thought, nominally existent and effective but not to be found under ultimate analysis. Emptiness itself is the life of sūtra and tantra.” Géshé Lhundup Sopa & Hopkins Jeffrey, Cutting Through Appearances: Practice and Theory of Tibetan Buddhism, Ithaca: Snow Lion Publications, 1989, tr. 18.
[41] Năm tầm nhìn của Đại sư Tông-khách-ba: (1) Trên một con voi, (2) Trên ngai vàng được chư thiên bảo hộ, (3) Như đức Văn-thù trên Sư tử trắng, (4) Như một vị Yogi trên một con hổ và (5) Ở dạng bình thường.
[42] Tashi Lhünpo, có nghĩa là “tất cả sự kiết tường và phúc lạc đều hội tụ ở đây”.
[43] Rinpoche (仁波切) là tôn danh có nghĩa “cao quý” và được sử dụng trong hai trường hợp. Trường hợp phổ biến là dùng để tôn gọi vị được công nhận là tái sinh của một vị Đạo sư đời trước. Trường hợp ít thông dụng hơn, những đệ tử muốn tỏ lòng kính trọng nên gọi thầy mình là Rinpoche.
[44] Xem Hugh E. Richardson, Tibet & its History. Second Edition, Revised and Updated, Shambhala, Boston & London, 1984, tr. 41.
[45] Xem Nagarjuna (author); Jeffrey Hopkins (trans.), Nagarjuna’s Precious Garland, Snow Lion Publications, 2007.
[46] Xem Hopkins Jeffrey, Kön-chog-jig-may-wang-po’s, Presentation of the Grounds and Paths: Beautiful Ornament of the Three Vehicles, Published by Snow Lion, 2016.
[47] Xem Ngag-dbang dpal-ldan, Grub-mtha’ chen-mo’i mchan-‘grel dka’-gnad mdud-grol blo-gsal gces-nor, Pleasure of Elegant Sayings Printing Press, Sarnath, 1964.
[48] Pabongkhapa Déchen Nyingpo hay Pabongka Rinpoche là một trong những Lạt-ma Gelugpa có sức thuyết phục và được tôn kính nhất thế kỷ XX. Ngài nhận bằng Géshé tại Đại học Tu viện Sera, Lhasa và trở thành một giáo viên có ảnh hưởng lớn ở Tây Tạng. Trong bài giảng nổi tiếng hai mươi bốn ngày về “Lamrim”, Pabongka Rinpoche đan xen những câu chuyện và danh ngôn sống động với những quan sát thẳng thắn và lời khuyên thiết thực để thúc đẩy độc giả từng bước trong hành trình đến với Phật quả. Xem thêm Pabongka Rinpoche, Liberation in the Palm of Your Hand, Wisdom Publications, Inc, 1991. Thích Nữ Trí Hải (dịch), Giải thoát trong lòng bàn tay, Nxb Thời đại ấn hành, 2010.