Bài 5: Thân Và Tâm Tương Quan Liên Hệ (phần 1)
(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷中, dòng 34, các tr. 10-11. Mục II – Addhānavaggo – Phẩm hành trình, Milindapañhapāli, các tr. 80-81. Bài 4 – Danh và thân, quyển trung, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 109-110. Bài 23 – Danh sắc tương quan liên hệ, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, tr.161. Bài 15 – Danh thân tương liên, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 74-75. Chapter 2, Rebirth, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, tr. 47).
I. Chánh văn
王復問那先言。卿前所說人名與 身,何等為名,何等為身者。
Vua lại hỏi: “Vừa rồi đại đức có dạy về danh và thân của con người. Chẳng hay những gì là danh? Những gì là thân?”
那先言。今見在為身,心所念者為名。
Na-tiên đáp: “Những gì đại vương hiện nhìn thấy tồn tại đây là thân, những gì trong tâm nghĩ biết là danh.”
王復問。人何故有名行於後世生而身不行生。
Vua lại hỏi: “Vì sao danh có thể sanh ra ở đời sau mà thân thì lại không?”
那先言。人身以名前後相連。譬如鷄子中汁及與上皮乃成鷄子。人名 與身相連如是不分也。
Na-tiên đáp: “Thân với danh trước sau đều có tương quan với nhau. Ví như phôi gà trong trứng, phải có lòng trắng và vỏ trứng bao quanh thì sau mới có thể nở thành con gà con. Danh và thân của người ta tương quan với nhau cũng giống như vậy, không thể chia tách ra được”.
王言善哉。
Vua tán thán rằng: Hay thay! Hay thay!
II. Đại ý
Bài kinh này giải thích về ngũ uẩn đối với thể tướng của một con người; tâm và thân hay danh và sắc, tuy nói hai nhưng chúng bất khả phân ly, có sự tương quan dung nhiếp lẫn nhau.
III. Nội dung
1. Luận về con người thông qua 5 nhóm tổ hợp (ngũ uẩn)
Thông thường mọi hiện tượng luôn được biểu hiện trên hai phương diện, đó là: hình thức và nội dung hay còn gọi là bên ngoài và bên trong. Cũng vậy trong mỗi chúng sanh, con người được hình thành bởi 2 phần, đó là phần thân và phần tâm hay còn gọi là vật chất và tinh thần. Thân thì thuộc về phần vật chất hay sắc chất, danh từ Phật học gọi là sắc pháp; còn tâm thì thuộc về phần tinh thần, tâm thức, tâm linh, hiểu biết, nhận thức hay còn gọi là ‘thức’ (S. Vijñāna; P. Viññāṇa; E. Consciousness).
Cái gọi là thân và tâm này trong danh từ Phật học gọi là “danh” và “sắc”, hay nói khác đó là ngũ uẩn. Vậy ngũ uẩn là gì?
Ngũ uẩn hay còn gọi 5 uẩn (S. Pañca-skandha; P. Pañca-khandha; E. Five aggregates; C. 五蘊) là 5 yếu tố, 5 nhóm hợp hay 5 hợp tố tạo nên 1 chúng sanh – con người.
Ngài Kumarajiva (344 – 413 S.TL) gọi, ngũ ấm (五陰): năm thứ ngăn che khiến hành giả không liễu đạt được thực tánh bình đẳng của các pháp.
Ngài Huyền Trang (602 – 664 S.TL) gọi, ngũ uẩn (五蘊): sự tích tập, tụ tập theo từng loại, theo từng nhóm. 5 uẩn bao gồm:
1. Sắc uẩn (S. Rūpa-skandha; E. form), thân thể vật lý, chúng bao gồm tứ đại (4 yếu tố phổ quát: đất, nước, lửa và gió)
2. Thọ uẩn, (S. Vedanā-skandha; E. Felling), cảm giác
3. Tưởng uẩn, (S. Saṃjñā-skandha ; E. Perceptions ), tri giác
4. Hành uẩn (S. Saṃskāra-skandha ; E. Formations ) tư tưởng và
5. Thức uẩn (S. Vijñāna-skandha ; E. Consciousness) hiểu biết, ý thức, nhận thức.
Bản Pāli:
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘danh sắc,’ ở nơi ấy cái gì là danh, cái gì là sắc?”
Rājā āha: “Bhante nāgasena yampanetaṃ brūsi nāmarūpanti, tattha[1] katamaṃ nāmaṃ katamaṃ rūpan ”ti?
Bản chữ Hán :
王復問那先言。卿前所說人名與身,何等為名,何等為身者。
Vua lại hỏi: “Vừa rồi đại đức có dạy về danh và thân của con người. Chẳng hay những gì là danh? những gì là thân?”
Bản dịch Anh ngữ:
“You were explaining just now about mind and matter. Therein, what is mind and what is matter?”
“Ngài vừa giảng về tâm và thân. Vậy thân là gì? Và tâm là gì ?’’
Trong ngôn ngữ Pāli, chữ Nāma-rūpa có nghĩa là danh và sắc (C. 名, 身; E. Mind, matter).
Bản Pāli:
Tâu đại vương, ở nơi ấy cái nào thô thiển cái ấy là sắc. Ở nơi ấy những pháp nào vi tế, là tâm và sở hữu tâm, cái ấy là danh.
“Yaṃ tattha mahārāja oḷārikaṃ[2], etaṃ rūpaṃ. Ye tattha sukhumā[3] cittacetasikā dhammā etaṃ nāman ”ti.
Bản chữ Hán:
那先言。今見在為身,心所念[4]者為名。
Na-tiên đáp: “Những gì đại vương hiện nhìn thấy tồn tại đây là thân, những gì trong tâm nghĩ biết là danh.”
Bản dịch Anh ngữ:
“Whatever is gross is materiality, whatever is subtle and mind or mental-states is mentality.”
“Cái gì thô kệch là thuộc về vật chất, cái gì vi tế, tâm hay trạng thái tâm thì thuộc về tinh thần”.
Trên thì chúng tôi đã nói, thân là chỉ cho phần thô, biểu hiện ra bên ngoài, cái gì mà nhìn thấy được, cầm nắm được, sờ chạm được, cái gì cân đo đong đếm được; hay nói cách khác, cái mà mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm được. Còn danh là chỉ cho phần tâm, thuộc tinh thần, tâm thức, tâm linh.
Như vậy, thế nào là thân (sắc)? thế nào là danh (tâm)? nó là hai hay là một? phần thô tức là sắc thân thì có thể nhìn thấy được, nhưng cái mà gọi là vi tế, thuộc tâm thức có thể dùng mắt để thấy được không? thử tìm khắp trong con người của chúng ta đây thì tâm nằm đâu? mặt mũi hình bóng, vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ… của nó như thế nào? Truy nguyên nguồn gốc của nó là ai? Dẫu cho thân này có bị cưa, bị chặt hay chẻ ra làm đôi, nhiều phần đi chăng nữa thì cũng không tìm thấy được; ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không thể tìm thấy chúng. Do đó, cổ đức có câu:
“Tam thế cầu tâm, tâm bất đắc,
Tương tâm mích vọng, vọng nguyên vô,
Vọng nguyên vô xứ tức Bồ đề,
Thị tác danh vi chơn đắc đạo.”
5 uẩn hay 5 nhóm tổ hợp được nhìn nhận qua 2 phương diện:
Thứ nhất là sắc uẩn (thuộc về thân thể vật lý), nói gọn là sắc pháp, là những pháp thô, biểu hiện, hiện tướng ra bên ngoài, phàm cái gì mắt thấy được, tai nghe được, mũi ngửi được, lưỡi nếm được, thân xúc chạm – cầm nắm được, cái ấy được gọi là sắc pháp.
Theo Duy thức học, sắc uẩn được chia làm 2, đó là: nội sắc (nhãn căn – giác quan của con mắt, nhĩ, tỷ, thiệt , thân) và ngoại sắc (sắc trần, thanh, hương, vị, xúc).
Mà khi nói đến sắc uẩn tức là chỉ cho thân thể vật lý, nó bao gồm luôn cả Tứ đại[5] (còn gọi là 4 yếu tố phổ quát) hay có khi gọi là lục đại[6] (đất, nước, lửa, gió, không và thức). Tứ đại được chia làm 2, đó là tứ đại chủng[7] nội (4 đại trong cơ thể con người) và tứ đại chủng ngoại (4 đại bên ngoài).
Thứ hai là 4 yếu tố còn lại (thuộc về tâm lý, tinh thần), nói gọn là danh pháp; cái gì có tính trừu tượng như tâm vương, tâm sở[8]… thuộc ý niệm, tư tưởng, suy nghĩ, suy tư, phán đoán, nhớ nhung, ưu tư, … thì cái gọi là danh pháp.
2. Hóa giải nghi vấn làm rõ ý vua Di-lan-đà
Thắc mắc lớn của vua Di-lan-đà hỏi thầy Na tiên, đó là tại sao thân và tâm không sinh ra cùng 1 lúc. Đây không chỉ là nghi vấn của người trong cuộc, mà nó còn đối với mọi người trong cuộc sống hàng ngày, khi luạn bàn về thân và tâm là 1 hay là 2.
Bản chữ Hán:
王復問。人何故[9]有名行於後世 生, 而身不行生。
Vua lại hỏi: “Vì sao danh có thể sanh ra ở đời sau mà thân thì lại không?”
Bản Pāli:
“Bhante nāgasena kena kāraṇena nāmaṃyeva[10] na paṭisandahati[11]? Rūpaṃ yeva vā ”ti?
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì không chỉ riêng danh đi tái sanh, hoặc không chỉ riêng sắc (đi tái sanh)?” .
Bản dịch Anh ngữ:
“Why are they not born separately?”
“Tại sao thân và tâm không sinh ra riêng rẽ ?”
Chúng ta thấy, nổi bâng khuâng khúc mắc của 1 người học đạo, cầu đạo là làm sao để được vị Đạo sư hóa giải những uẩn khúc, hoài nghi trong tâm của mình, cho nên việc tu hành là không thể xa rời yếu chỉ đề mục “sanh tử” để đạt đạo, gọi là “sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc”. Thế nên, đối với người học đạo, cái gì không hiểu, cái gì không biết, bất cứ 1 hoài nghi nào, thì phải tham cầu bậc trí tuệ để tháo gỡ, giải mở. Cho nên vua Di-lan-đà là 1 bậc Đế vương, một nhà lãnh đạo quốc gia, tiền hô hậu ủng, có trí tuệ thông minh, tuy nhiên không phải cái gì vua cũng biết hết, nếu nhà vua thông suốt hiểu biết tất cả thiên kinh vạn quyển, thì cần chi tìm đến chùa San-khê-da gặp thầy Na tiên để vấn đạo làm gì? Nhưng có những điều trong tâm nhà vua chưa thông suốt sáng tỏ được, đó là: “tâm có thể sanh ra ở đời sau mà thân thì lại không”? Nói khác là ý nhà vua muốn hỏi tại sao tâm và thân không sinh cùng 1 lúc mà chúng sinh ra rời rạc như vậy.
Để giải trình nghi vấn này, thầy Na tiên đã hóa giải tình huống rất khéo léo, đó là không trực tiếp trả lời nhà vua mà thầy đã dẫn dụ dùng dụ ngôn “phôi gà trong trứng gà”, chứng minh để vua Di-lan-đà hiểu rõ về sự nối kết giữa thân và tâm con người là thế đó.
Còn nữa…
Tham khảo & chú thích
[1] Tattha, ở nơi ấy, ở nơi đó; E. In that place.
[2] Oḷārikaṃ, thô thiển. E. gross.
[3] Sukhumā, vi tế. E. Fine.
[4] 所念, sở niệm= danh từ trong triết học gọi đối tượng nhận thức. Đối lại sở niệm là năng niệm能念=chủ thể nhận thức.
[5] Tứ đại: đất (S. Pṛthvī, 地), nước (S. Āp, 水), lửa (S. Tejah, 火), gió (S. Vāyu, 風).
[6] Lục đại: tứ đại, không (S. Àkàza) và thức (S. vijĩàna).
[7] Tứ đại chủng (S & P. Mahābhūta; C. 四大種).
[8] 8 Thức Tâm Vương và 51 Tâm Sở (S& P. Cetasika; C. 心所) (5 Biến hành tâm sở, 5 Biệt cảnh tâm sở, 11 Thiện tâm sở, 6 Căn bản phiền não tâm sở, 20 Tuỳ phiền não tâm sở, 4 Bất định tâm sở).
[9] 何故, hà cố=vì sao? tại sao? vì lý do gì? P. Kāraṇena; E. Cause.
[10] Yeva, chỉ; E. Just.
[11] Paṭisandahati; E. Reunites, sanh trở lại = tái sinh.