Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 5: Thân Và Tâm Tương Quan Liên Hệ (phần 2)

(tiếp theo & hết)

3. Dụ ngôn về “phôi gà trong trứng gà” để làm sáng tỏ ý vua Dilanđà

Để giải bày những uẩn khúc của vua Di-lan-đà, thầy Na tiên đã dẫn dụ mượn hình ảnh “phôi gà trong trứng gà”.

Trong bản dịch chữ Hán:

那先言。人身以名前後相連[1]。譬如[2][3]子中汁[4]及與上皮乃成鷄子。人名 與身相連如是不分也。

Na-tiên đáp: “Thân với danh trước sau đều có tương quan với nhau. Ví như phôi gà trong trứng, phải có lòng trắng và vỏ trứng bao quanh thì sau mới có thể nở thành con gà con. Danh và thân của người ta tương quan với nhau cũng giống như vậy, không thể chia tách ra được”.

Bản dịch từ Pāli:

“Ví như một cái phôi trứng, ban đầu nó trong và ướt, sau đó nó đặc sệt, dần dần tượng hình thành quả trứng rồi nở thành chim, thành con gà. Cái phôi thai ban đầu ấy sở dĩ có được là do nhờ thức tái sanh (danh) nương gá vào sắc chất (sắc) của gà mà tạo nên mầm sống. Trong mầm sống ấy đã có danh và sắc nương gá lẫn nhau, tương quan tương liên với nhau, đồng sanh, đồng hiện hữu đã từ vô thỉ đến nay rồi, trải qua thời gian dài vô tận”.

Ở đây, chúng ta thấy về phương diện cơ bản vật lý, đó là quả trứng gà (egg).

Cấu tạo của quả trứng

Khi trứng vừa đẻ ra, thì bên ngoài vỏ trứng có 1 lớp màng nhầy, nhằm để bảo vệ quả trứng chống các vi khuẩn.

Vỏ trứng, nhằm bảo vệ các thành phần bên trong của trứng, cung cấp chất canxi để cho phôi tạo thành xương. Trên bề mặt vỏ trứng có các lỗ khí nhỏ li ti.

Màng vỏ trứng ;

Lòng trắng;

Lòng đỏ;

Thời gian từ khi gà đẻ trứng đến khi nở thành gà con là khoảng 21 ngày.

Cho nên, từ ví dụ trên chúng ta thấy, nếu tách lấy lòng trắng riêng, lòng đỏ riêng, vỏ trứng riêng… mỗi thứ riêng biệt thì chờ 21 ngày nở thành gà con thì khó mà nở được?

Trường hợp sau 21 ngày trứng không nở thì đồng nghĩa là bị hư bỏ.

Trong triết học biện chứng, có 2 trường phái, gọi là nhị nguyên luận đó là: duy vật và duy tâm, có khi gọi là nhất nguyên luận, là chỉ chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm. Vậy, duy vật có trước hay duy tâm có trước? và con gà có trước hay cái trứng có trước, liên hệ thân con người có trước hay tâm có trước? danh có trước hay sắc có trước? đây là vấn đề khoa học không thể lý giải được.

Trong 12 mắc xích sự sống (12 nhân duyên), thì mắc xích thứ tư đó là danh-sắc (S. Nama-rupa; E. Name and form hoặc mind and matter), được ví như là cái phôi (yolk) của trứng gà, nếu như không có vỏ trứng (shell) (sắc) thì phôi gà (danh) không thể bao bọc hấp thụ chuyển biến rồi sinh ra con gà được. Cũng vậy, thân và tâm của 1 chúng sanh – con người cũng không khác, hễ khi sanh thân thì tâm cũng liền có mặt, 1 em bé khi sinh ra (chào đời) thì cất lên tiếng khóc ban đầu mà ra, thân và tâm luôn luôn tương liên tương quan lẫn nhau, ví như nước và sóng; bóng với hình, chúng không thể dùng bất cứ thủ thuật nào để chia lìa, rời rạc, tách ra mà hình thành được, gọi là bất khả phân ly.

Triết gia cổ đại Hy lạp – Aristotle (384–322 Tr.TL) đã tuyên bố rằng:

“Mối quan hệ giữa linh hồn (tâm) và thể xác (thân) là không phức tạp (đơn giản), giống như cách đơn giản rằng một hình khối lập phương là thuộc tính của một khối xây dựng đồ chơi. Linh hồn (tâm) là một tài sản được thể hiện bởi cơ thể, một trong số nhiều tài sản. Hơn nữa, Aristotle đề xuất rằng khi cơ thể bị hủy hoại, thì linh hồn (tâm) cũng vậy, giống như hình dạng của một khối xây dựng biến mất cùng với sự phá hủy của khối.”[5] 

Như vậy, để chứng minh giữa thân và tâm luôn có sự tương quan liên hệ lẫn nhau, trong 3 thời quá khứ, hiện tại, và tương lai, sự sống và chết tiếp nối nhau chẳng bao giờ dứt. Thầy Na-tiên đã đưa ra hai thí dụ minh họa.

a. Trứng gà nở ra gà, gà lại đẻ trứng, rồi lại nở ra gà

Chúng ta thấy trong hiện tại trước mắt ta là con gà, tương lai gà đẻ ra trứng và quá khứ là con gà, cứ xoay vần tương tục nhau.

b. Vẽ một vòng tròn khép kín, tượng trưng sự tiếp nối chẳng dứt

Trong 12 mắc xích sự sống, được chia làm 3 thời đó là: thời quá khứ, thời hiện tại và thời tương lai. 

12 mắc xích sự sống được vận hành theo hai chiều, chiều thuận và chiều nghịch hay chiều thuận và hoàn diệt.

Theo chiều thuận, 12 mắc xích sự sống được hiểu

Thời quá khứ: (1) Vô-minh duyên Hành; (2) Hành duyên Thức, 2 chi đầu đời quá khứ.

Thời hiện tại: (3) Thức duyên Danh-Sắc. (4) Danh-Sắc duyên Lục nhập; (5) Lục nhập duyên Xúc; (6) Xúc duyên Thọ; (7) Thọ duyên Ái; (8) Ái duyên Thủ; (9) Thủ duyên Hữu, tám chi đời hiện tại.

Thời vị lai: (10) Hữu duyên Sanh; (11) Sanh duyên Lão-tử; (12) Lão-tử duyên Vô minh, khép kín vòng tròn của Luân hồi lại cứ tiếp tục quay chuyển mãi như thế.

Chiều hoàn diệt: nhằm phá vỡ vòng Luân hồi, chẳng còn phải tái sanh nữa: (1) hễ Vô minh diệt, thì Hành diệt, (2) hễ Hành diệt, thì Thức diệt; (3) hễ Thức diệt, thì Danh-Sắc diệt; (4) hễ Danh-Sắc diệt, thì Lục nhập diệt; (5) hễ Lục nhập diệt, thì Xúc diệt; (6) hễ Xúc diệt, thì Thọ diệt; (7) hễ Thọ diệt, thì Ái diệt; (8) hễ Ái diệt, thì Thủ diệt; (9) hễ Thủ diệt, thì Hữu diệt; (10) hễ Hữu diệt, thì Sanh diệt; (11) hễ Sanh diệt thì Lão-tử diệt; (12) hễ Lão-tử diệt, thì Vô minh diệt.

Vòng Luân hồi tựa như sợi dây xích có mười hai khoen, mỗi khoen là một Nhân duyên; hễ bẻ gãy được một khoen, vòng Luân hồi liền bị phá vỡ (disrupt) và chẳng lưu chuyển được nữa (tức là hành giả đạt đến quả vị Vô sanh, không còn bị chi phối của luân hồi sanh tử nữa).

12 mắc xích sự sống được hiểu theo ba đời hai tầng nhân quả gọi là Tam thế lưỡng trùng nhân quả như sau:

4. Sự tương quan giữa thân và tâm

Chúng ta hiểu giữa danh và sắc hay thân và tâm chúng có sự tương quan chặt chẽ lẫn nhau và bình thường nếu không quán chiếu, tư duy chiêm nghiệm thì ít ai để ý đến vấn đề này.

Thử nghĩ đồng tiền polime tờ 500 nghìn có giá trị rất lớn khi mua 1 món đồ nhỏ, nhưng khi tờ polime 500 nghìn đó bị rách hư, dù cố tình hay vô ý, thì việc sử dụng vào các món đồ, đồng tiền polime không có còn giá trị nữa, thậm chí người mua 1 viên kẹo nhỏ cũng chẳng được. Hàn Mặc Tử nói: “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” cũng không ngoại lệ.

Trong tư tưởng Huyền học,[6] khi có người chuyên về luyện phép xuất hồn, khi xuất hồn ra thì thân xác còn lại chỉ là một khối thịt vô hồn, vô tri vô giác và điều này cũng giống như khi 1 con người từ giã cõi trần ra đi về nơi cửu tuyền thì thần thức xuất ra khỏi thân thể vật chất, lúc này thân sẽ như một khúc gỗ vô dụng, sẽ bị thối rửa hoại tử, tan biến đi.

Trên nền tảng này, chúng ta thấy giữa thân và tâm luôn biểu hiện vừa là phụ thuộc, nhưng cũng vừa là độc lập.

Thứ nhất, thế nào là phụ thuộc ?

Khi thân ta bị bệnh, cảm sốt, nhứt đầu sổ mũi…, thân thể bất an hay bị tổn thương thì tâm ta có cảm giác đau đớn, mệt mỏi rã rời, uể oải, chân tay rụng rời. Cả ngày luôn cảm thấy chán chường, thậm chí dẫn đến bi quan và tâm trong tình trạng ưu phiền, khổ sở, lo lắng; cảm giác bất an, lo sợ cũng từ đó xuất hiện. Nhưng nếu thân thể ta được khỏe mạnh, chưa bệnh tật, tràn đầy sức sống thì tâm hồn ta cũng cảm giác vui vẻ, sảng khoái, hạnh phúc, yêu đời. Hoặc nếu não bộ ta bị những chấn thương, bị tác động dẫn đến hư hoại, thì tâm thần ta cũng bất ổn định theo. Ở đây ta thấy thân và tâm có sự liên quan rất mật thiết.

Ví dụ. Khi 1 người không may mắn mắc phải dương tính Covid-19, thì thân cảm thấy mệt mỏi, khó thở và có những triệu chứng suy huy hấp, đồng thời tâm trở nên lo lắng hồi hộp, bất an, cái sợ đầu tiên đó là sợ chết.

Thứ hai, thế nào là độc lập?

Có hai trường hợp chính :

Một là, với một người khi chết, thần thức xuất ra thì phần thể xác và tinh thần chẳng hề liên quan nữa, độc lập hoàn toàn. Dù thân thể có bị tác động thì tâm thức vẫn ổn định, không hề hấn gì. Các pháp y có mỗ có xẻ như thế nào cũng không còn cảm giác đau đớn nữa.

Hai là, với một bậc chứng ngộ giải thoát, chứng quả vị A-la-hán. Thì những bệnh về thân chỉ làm chướng ngại chút ít với các Ngài. Nhưng về phần tâm thức thì các Ngài luôn an lạc, hạnh phúc, không có một niệm về khổ, dù là rất nhỏ. Vì tâm các Ngài đã giải thoát, an nhiên, tự do, tự tại, thong dong làm chủ hoàn toàn các cảm xúc.

Thế kỷ XVII, nhà triết học Pháp – René Descartes (15961650) đã tuyên bố: “Nếu tâm trí và cơ thể là những loại vật chất hoàn toàn khác nhau, thì không dễ để thấy chúng “có thể” tương quan nhân quả như thế nào?”. (If minds and bodies are radically different kinds of substance, however, it is not easy to see how they “could” causally interact).

Ngang đây, chúng ta có thể thấy mối tương quan giữa thân và tâm,  nếu áp dụng trong đạo lý hôn nhân hạnh phúc gia đình, tình nghĩa vợ chồng là cuộc sống hạnh phúc trăm năm; khi cưới nhau, bạn bè họ hàng thường hay chúc tụng nhau đó là: “chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc, đầu bạc răng long, dù đầu có bạc hói hết tóc đi chăng nữa, răng có lung lay, rụng hết đi chăng nữa thì còn lại cái nứu, nhưng tình cảm vợ chồng vẫn sắc son nhất như thủy chung bên nhau, vẫn luôn giữ lửa hạnh phúc bên nhau trọn đời suốt kiếp. Cổ đức có câu: “Dù cho biển cạn đá mòn, tình chồng nghĩa vợ sắc son không mờ”. hay “còn ở lại một ngày còn yêu mãi, còn một đêm còn thở dưới trăng sao”.

“Xin yêu mãi – yêu và yêu nhau mãi,

Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn,

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại,

Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”.

Cho nên, vợ chồng muốn giữ lửa hạnh phúc bên nhau mãi mãi thì phải áp dụng công thức sau: khi đi xa thì phải nhớ đến người bạn trăm năm của mình ở nhà, mà người ở nhà thì cũng phải nhớ đến người bạn tình trăm năm của mình ở nơi xa. Lời bài hát: “…Người yêu ơi có biết anh nhớ em nhiều lắm, đã bao năm tháng qua anh vẫn mong vẫn chờ…” Cho nên, tình nghĩa vợ chồng xem như là hình với bóng, thân với tâm, không thể chia cách – tách rời nhau được. Ở đây, người chồng được ví như thân, còn người vợ thì được ví tâm và ngược lại cũng thế. Có được như vậy thì cuộc sống mới trọn vẹn nghĩa tình đạo lý phu thê. Trong bài thơ Đôi dép, Nguyễn Trung Kiên nói:

“…Không thể thiếu nhau trên bước đường đời,

Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải – trái,

Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại,

Gắn bó nhau vì một lối đi chung…”

III. Kết luận

Thân và tâm là hai mặt của của 1 thực thể con người, chúng không thể tách rời để hình thành được. Cũng nên biết rằng, khi năm uẩn tan rã thì có một dòng nghiệp thức đi tái sanh (P. Paṭisandhi viññāṇa, thức tái sinh, kiết sanh thức). Nếu tạo tác bất cứ điều gì qua thân, khẩu, ý trong đời này thì nó sẽ kết thành nghiệp hoặc nghiệp lực (năng lực vô hình) và chính nghiệp lực này sẽ tiếp tục trôi chảy (luân hồi) và xuất hiện nơi ngũ uẩn trong đời sau. Nói khác đi, chính tư tâm sở (P. Cetàna) là “người tạo nghiệp” và thọ tâm sở (P. Vedanā) là “người chịu quả”.

Theo ngài Phật Âm (S. Buddhaghoṣa; P. Buddhaghosa; C. 佛音): “không có người tạo nghiệp mà chỉ có sự tạo nghiệp; không có người chịu quả mà chỉ có sự đau khổ”. Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến của tâm lý, sinh lý và vật lý.


Tham khảo & chú thích

[1] 相連, tương liên= tương quan, phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau. P. Ekato’; E. Dependence.

[2] 譬如, thí như= ví như, ví dụ, tương tợ, giống như. P. Opammaṃ, E. Simile.

[3] 鷄, kê=con gà; P. Kukkuṭiyā; E. Cock.

[4] 汁, trấp= chất lỏng

[5] Shields, Christopher. “Tâm lý học của Aristotle”. Trong Edward N. Zalta (ed.) The Stanford Encyclopedia of Philosophy, 2011.

[6] Huyền, ở đây nghĩa là huyền bí (E. Mysterious; C. 玄秘).

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo