Tìm Hiểu Lý Tưởng Tu Học Của Người Xuất Gia Qua Kinh Các Pháp – Thích Nguyên Định

A. Dẫn nhập

Trong xã hội, con người ai cũng có những lý tưởng mục đích để làm thăng hoa cho đời sống của họ, có người mong cho mình luôn giàu sang phú quý, tiền dư bạc để; có người mong cho mình có thật nhiều danh vọng địa vị chỗ đứng trong xã hội… Nhưng đến với đời sống lý tưởng của người xuất gia thì khác hẳn hoàn toàn, lý tưởng của người xuất gia là hướng đến một chân trời cao rộng, xa lìa mọi tham muốn ái ân; phải nghiêm trì Giới luật, thường xuyên quát sát thân tâm, thực hành Thiền định để đoạn trừ các kiết sử, lậu hoặc, chứng đắc các tầng thiền giải thoát. Đó là lý tưởng cao thượng của người xuất gia.

Nhìn chung, trong văn học kinh tạng đề cập rất nhiều về lý tưởng của người xuất gia, nhưng trong đó, nhận thấy kinh các pháp thuộc Tăng chi bộ kinh (Anguttara-nikāya) được đức Phật dạy rất rõ về lý tưởng tu học của người xuất gia cần phải làm gì, để đến những ngày cuối cùng các đồng Phạm hạnh có hỏi thì vị ấy sẽ không có xấu hổ? Đó là những vấn đề cốt lõi mà chúng ta cần phải tìm hiểu đến. Cho nên, vấn đề được bàn đến ở đây, trong phạm vi nghiên cứu này, người viết sẽ trình bày về đời sống lý tưởng tu học của người xuất gia như được mô tả trong kinh các pháp, nhằm áp dụng những lời Phật dạy để tu tập chuyển hóa những nổi khổ niềm đau trong đời sống duyên sinh này.

B. Nội dung

Chương 1: Khái quát kinh Tăng chi

1.1.  Nguồn gốc kinh Tăng chi (Anguttara-nikāya)

Anguttara-nikāya là bộ thứ ba trong năm bộ kinh tạng Pāli: Dīgha-nikāya, Majjhima-nikāya, Anguttara-nikāya, Samyutta-nikāya và Khuddaka-nikāya. Bộ kinh nầy được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pāli sang Việt ngữ năm 1976-1977, và được Viện Phật Học Vạn Hạnh, Sài Gòn ấn hành năm 1980-1981. Trong chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam, bộ kinh được hiệu đính thành 4 tập và tái bản năm 1996, qua số thứ tự 21, 22, 23, và 24.

Kinh Tăng Chi Bộ còn gọi là Tăng Nhất Bộ (Ekuttara-nikāya), có bộ chữ Hán tương đương là kinh Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) do ngài Tăng-Già Ðề-Bà (Sanghadeva) dịch từ bộ chữ Sanskrit năm 397 S.TL, trong đời nhà Tiền Tần, và đã được chư tôn đức Trưởng lão như: Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch sang Việt văn (Ðại tạng kinh Việt Nam, số 25, 26, 27).

1.2. Định nghĩa và tóm lược nội dung kinh Tăng Chi

1.2.1. Định nghĩa

Tăng chi là gì? Chữ ‘tăng’(增) có nghĩa là tăng dần từ ít đến nhiều; chữ ‘chi’(枝), nghĩa là chi phần hay chi pháp. Vậy, Tăng Chi nghĩa là ‘tăng lên từng pháp số’. Gồm 2.038 bài kinh ngắn được chia thành mười một chương gọi là (nipāta). Mỗi chương được chia lại thành nhiều nhóm, gọi là phẩm (vagga) thường có mười kinh, được sắp theo pháp số thứ tự lớn dần, bắt đầu với pháp số một lên đến pháp số mười một trong mỗi kinh của chương cuối cùng.

1.2.2. Tóm lược nội dung kinh Tăng Chi

1.2.2.1. Chương một pháp (Ekaka Nipāta Pāli)

Gồm 21 phẩm (từ phẩm sắc đến phẩm thiền định).

Phẩm này chứa một pháp thành chủ đề của các bài kinh được đức Phật thuyết tại Sāvatthi cho nhiều Tỳ-khưu cư ngụ ở đó. Nhưng vài bài kinh được tôn giả Sāriputta hay tôn giả Ānanda thuyết. Không có sắc, thanh, hương, vị và xúc nào khác hơn sắc, thanh, hương, vị và xúc của người đàn bà có thể giam cầm và làm xao lãng tâm trí của người đàn ông; và ngược lại … Không có gì đem tai hại và bất hạnh quá nhiều như tâm không rèn luyện và phát triển. Tâm được rèn luyện và phát triển đem lại lợi ích và hạnh phúc… Nếu một pháp được phát triển và thường xuyên thực hành, thân được an tịnh và tâm an tịnh… các xiềng xích được loại bỏ. Pháp duy nhất đó là Niệm Thân.

1.2.2.2.  Chương hai pháp (Duka nipāta Pāli)   

Gồm 17 phẩm (từ phẩm hình phạt đến phẩm thứ mười bảy).

Có hai điều ghi nhớ trong tâm là: Không bằng lòng với những gì đã đạt được trong tiến trình phát triển tâm… Có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc trong đời sống gia đình và hạnh phúc trong đời sống vô gia đình… Hạnh phúc của các dục và hạnh phúc xả ly… Hạnh phúc có cấu uế và hạnh phúc không ô uế… Hạnh phúc nhục dục và hạnh phúc không nhục dục… và hạnh phúc thấp hèn và hạnh phúc cao thượng…. Hạnh phúc thể xác và hạnh phúc tinh thần…

1.2.2.3. Chương ba pháp (Tika Nipāta Pāli)

Gồm 16 phẩm (từ phẩm người ngu đến phẩm lõa thể).

Kẻ ngu có thể được nhận biết qua ba điều, bằng cách cư xử của nó trong hành động, lời nói và tư tưởng; cũng vậy người trí cũng được biết qua ba điều, qua cách ứng xử của người đó trong hành động, lời nói và tư tưởng… Ba nguy hiểm mà người mẹ không thể che chở cho con trai và con trai không thể che chở cho mẹ: Già, bệnh và chết…Có ba người hiếm quý nhất trên đời: Như Lai là Bậc Toàn Giác là hiếm có trên đời; người có thể tuyên thuyết Giáo Pháp và Giới Luật như đã được đức Phật giảng dạy là hiếm có trên đời này; người biết ơn và đền ơn là người hiếm có trên đời này…

1.2.2.4. Chương bốn pháp (Catuka Nipāta Pāli)

Gồm 28 phẩm (từ Phẩm Bhandagàma đến phẩm tham).

Bốn người này được tìm thấy trong đời: Người đi thuận dòng; người thì đi ngược dòng; người đứng vững vàng, người đã vượt qua bờ kia và đứng trên đất khô ráo… Có bốn Chánh Tinh Tấn: (i)Tinh tấn nỗ lực tránh tâm ác và bất thiện phát sanh; (ii) Tinh tấn nỗ loại bỏ tâm ác, bất thiện đã phát sanh rồi; (iii) Tinh tấn nỗ lực khới sanh tâm tốt, thiện chưa sanh; (iv) Tinh tấn nỗ lực phát triển và thực hiện hoàn hảo tâm tốt, thiện đã sanh rồi…Như Lai nói như thế nào thì làm như vậy; Như Lai làm như thế nào nói như vậy. Do đó được gọi là Như Lai.

1.2.2.5.  Chương năm pháp (Pañcaka Nipāta Pāli)

Gồm 26 phẩm (từ phẩm sức mạnh hữu học đến phẩm cụ túc giới).

Có năm sức mạnh con người có được trong khi rèn luyện đạt được thượng trí: Tín, tàm quí, tinh tấn và trí tuệ… Có năm điều quán tưởng mà mọi người, Tỳ-khưu hay cư sĩ, đàn ông hay đàn bà phải thực hiện…Có năm cách để thoát khỏi sự uất…Cư sĩ không nên sống theo các tà mạng sau đây: Buôn bán súng ống và các loại vũ khí giết hại; buôn bán chúng sanh sống; buôn bán thịt; buôn bán rượu và các chất say; buôn bán chất độc.

1.2.2.6. Chương sáu pháp (Chakka Nipāta Pāli)

Gồm 12 phẩm (từ phẩm đáng được cung kính đến phẩm các kinh không nhiếp trong phẩm). Có sáu pháp không thể vượt trội: Những pháp cao thượng nhất được thấy, những pháp cao thượng nhất được nghe; đạt được pháp cao thượng nhất, học pháp cao thượng nhất, phục vụ pháp cao thượng nhất, và quán tưởng pháp cao thượng nhất… Có sáu loại khổ trên đời đối với người đắm say dục lạc: Nghèo khổ, mang ơn, nợ nần, nợ buộc phải trả, bị cưỡng bức bởi luật vua phép nước, tù tội…

1.2.2.7. Chương bảy pháp (Sattaka Nipāta Pāli)

Gồm 9 phẩm (từ phẩm tài sản đến phẩm các kinh không nhiếp)

Có bảy yếu tố dành được sự tôn trọng và cung kính của chư huynh đệ đồng đạo: Không tham lợi; không muốn được người cung kính nhưng bàng quang với chú ý; hổ thẹn làm điều xấu ác; sợ hãi điều xấu ác; ít muốn; và có chánh kiến…Những pháp nào dẫn đến từ bỏ, hoàn toàn lánh xa thế tục, xả ly, diệt và an tịnh, chánh trí, giác ngộ và Niết bàn – những pháp như thế có thể được xem là Chân Pháp và giới Luật, như giáo Pháp của đức Phật.

1.2.2.8. Chương tám pháp (Aṭṭhaka  Nipāta Pāli)

Gồm 10 phẩm (từ phẩm từ đến phẩm tham ái).

Có tám lợi ích tích lũy từ pháp hành về tâm từ: Hễ ai hành thiền tâm từ đều được ngủ ngon, thức dậy tươi, khoẻ, không bị ác mộng quấy rối, được người và phi nhân cung kính tôn trọng, được chư thiên theo hộ trì, không bị lửa, thuốc độc và khí giới làm hại và khi chết nhất định được tái sanh vào cõi trời Phạm Thiên…Có tám ngọn gió đời… Có tám lực… Bậc Thánh có tám cách nói: Không thấy, vị ấy nói không thấy; không nghe vị ấy nói không nghe…vị ấy nói đã từng cảm giác và đã từng biết vị ấy nói đã từng biết.

1.2.2.9. Chương chín pháp (Navaka Nipāta Pāli)

Gồm 10 phẩm (từ phẩm chánh giác đến phẩm tham)

Bậc A-la-hán không tham đắm trong chánh pháp: Bậc A-la-hán không có ý định sát hại một chúng sanh nào… Nơi cư ngụ của người đời có chín đặc điểm mà vị Tỳ khưu không nên viếng thăm hay ở lại…; có chín cách trong đó hình thành sự phẫn uất…; Có chín pháp nên được diệt trừ để hoàn thành việc chứng ngộ A-la-hán quả: Tính dục, ác ý, sân hận, phẫn uất, vô ơn, đố kỵ, ghen tị, keo kiệt.

1.2.2.10. Chương mười pháp (Dasaka Nipāta Pāli)

Gồm 22 phẩm (từ phẩm lợi ích đến phẩm không có đầu đề)

An trú trong giới có mười lợi ích: Người an trú trong giới cảm thấy hài lòng, hài lòng nên cảm thấy vui… Có mười kiết sử: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, hữu ái, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử…. Có mười pháp có được bởi người đã hoàn thành, bậc A-la-hán: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ và chánh giải thoát.

1.2.2.11. Chương mười một pháp (Ekādasaka Nipāta Pāli)

Gồm 3 phẩm (từ phẩm y chỉ đến phẩm tổng kết).

Có mười một loại hủy hoại, bất cứ loại nào trong số này đều có khả năng làm  vị Tỳ khưu người chửi rủa chư Tỳ khưu đồng đạo: Vị ấy tinh tấn nhưng thiếu tiến bộ…; có mười một điều lợi ích rút ra từ việc huân tập và phát triển tâm từ, khi thực hành thường xuyên và an trú vững vàng: Vị ấy ngủ ngon và thức giấc an lành không có ác mộng… vị ấy sẽ tái sanh vào cõi Phạm Thiên.

Như trên đã được tóm lược những phần chính về nội dung của kinh Tăng Chi, mà trong đó điều muốn nhắc nhở người xuất gia ở đây là làm thế nào để xây dựng lý tưởng vững chắc trên con đường giải thoát? Vậy người xuất gia phải sống đời phạm hạnh, nghiêm trì giới luật, thường xuyên thiền định, quán sát nội tâm và có những ước nguyện cao thượng trong đời, thông qua việc hành trì, áp dụng mười pháp quán trong kinh Tăng Chi.

Chương 2: Lý tưởng tu học người xuất gia qua kinh các pháp

Nói đến lý tưởng tu học của người xuất gia qua Kinh các Pháp, cũng có nghĩa là nói đến những nét cao đẹp của người xuất gia trong đời sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn. Trước khi tìm hiểu lý tưởng cao đẹp này, chúng ta nên bàn về những điểm đặc trưng cho đời sống xuất gia.

2. 1. Những điểm đặc trưng cho đời sống xuất gia

2.1.1.  Định nghĩa                      

Xuất gia (Nekkhama) có nghĩa khước từ cuộc sống thế gian, từ bỏ gia đình ước mơ thế tục, để chọn đời sống phạm hạnh, không màng danh lợi, dục lạc, chỉ mong cầu giải thoát. Cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua các pháp che lấp Niết bàn (Nibbàna) bằng cách thực nghiệm con đường Giới (Sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (Paññā).

Theo Thực Dụng Phật Học Từ Điển:[1] Xuất gia (thuật ngữ) là ra khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh của Sa-môn. Kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ tư nói: ‘Tôi nghe Phật dạy, cha mẹ không cho thì không được xuất gia’. Cũng kinh này, Phẩm Phương Tiện, “Duy Ma Cật nói: Các vị đã phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, như vậy tức là Xuất gia”.

2.1.2. Ý nghĩa xuất gia Theo Bộ Sa Di Luật Giải[2] trong phần Qui Sơn Cảnh Sách (quyển hạ), xuất gia có hai nghĩa: (1) ra khỏi nhà thế tục, bước chân ra khỏi cảnh trần, xa tìm ông Trí Thức. (2) ra khỏi nhà phiền não, dứt vọng chứng chơn, vượt khỏi ba cõi. Nói rộng hơn, xuất gia có ba nghĩa: (1) xuất thế tục gia (ra khỏi nhà thế tục); (2) xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não tham-sân-si); và (3) xuất gia tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới)[3] Mặc khác, xuất gia có 4 loại:

1.  Thân xuất gia, tâm không xuất gia: Đó là hạng người thân tướng đầu tròn áo vuông nhưng tâm vẫn còn lưu luyến thế tục.

2.Thân tại gia, tâm xuất gia: Là hạng người tuy có gia đình nhưng tâm luôn tinh tấn tu học, không bị đam mê nhiễm trước.

3. Thân tâm đều xuất gia: Hạng người thân đầu tròn áo vuông, tâm không lưu luyến các dục, kính mộ Tam bảo, giữ giới thanh tịnh, tinh tấn tu học, quyết tâm dứt trừ phiền não, đắc qủa Bồ đề.

4. Thân tâm đều không xuất gia: hạng người bận rộn vợ con, say đắm dục lạc, nhiễm các phiền não.[4] Trong bốn loại này, hạng người thứ ba thân tâm đều xuất gia chính là hạng người cao quý nhất .

2.1.3. Sinh hoạt của người xuất gia

Đời sống tu học của người xuất gia luôn lấy Giới luật làm mục tiêu hướng đến giải thoát. Bởi vì: “Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp; giới luật còn Phật Pháp còn”. Thiếu giới luật, tăng đoàn khó mong được hòa hợp thanh tịnh. Vì vậy, giới luật là bậc thầy để nhắc nhở sách tấn chúng ta trên con đường tu tập. Giới của Tỳ-kheo (Bhikkhu) gồm 250 giới và Tỳ-kheo ni (Bhikkhuni) gồm 348 giới. Người xuất gia phải y theo giới pháp để tiến tu đạo nghiệp, cho dù đức Phật còn tại thế hay tịch diệt thì những lời dạy của Ngài cũng không có gì thay đổi. Cho nên, trước khi nhập Vô dư Niết-bàn, đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo:

Các thầy Tỳ-kheo! Sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân  trọng tôn kính tịnh giới như mù tối mà được mắt sáng, như nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời cũng không khác gì tịnh giới ấy.[5]

Vậy, về đời sống tinh thần cũng như vật chất, người xuất gia phải y theo lời Phật dạy, đó là tuân thủ giới luật đã lãnh thọ và dựa vào bốn thánh chủng để sinh hoạt, lấy đó làm căn bản để tiến tu; và luôn luôn lúc nào cũng ghi nhớ ‘vai trò trách nhiệm’ của mình để có cách hành xử phù hợp và thích đáng.

2.1.4. Con đường tu tập của người xuất gia

Mỗi bước đi của người xuất gia trong đời sống mẫu mực là bước ra khỏi các tác nhân gây nên sự rối loạn tâm lý để chứng đắc sự an lạc, hạnh phúc trong nội tâm. Con đường đưa đến sự thanh tịnh dựa trên nền tảng của Sīla, Samādhi và Paññā. Vì đây được coi là con đường duy nhất để đưa chúng ta đạt đến hạnh phúc sau cùng, tức là giải thoát, Niết-bàn, như trong kinh Mahāparinibbāna đức Phật dạy:

Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới…, không chứng đạt Thánh Định…, không chứng đạt Thánh Tuệ …, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử.[6]

Như vậy, Sīla, Samādhi và Paññā là ba nhân tố chủ yếu của con đường Trung đạo mà đức Phật đã khám phá ra, và bằng chính con đường này mà Ngài đã giải thoát mọi ái thủ, đoạn tận khổ đau và thành tựu chánh đẳng giác. Ba yếu tố này được xem là ba mặt của một bản thể cùng nằm trên thực tại giải thoát và luôn có sự tương quan mật thiết như kiềng ba chân. Cho nên, trong giới có định và tuệ; trong định có giới và tuệ; trong tuệ có giới và định. Trên lộ trình tu tập giải thoát, giới được đặt căn bản hàng đầu, vì nhân giới mà sanh định, nhân định mà phát tuệ. Khi hỏi về đức hạnh và trí tuệ, đức Phật nêu rõ mối hữu cơ biện chứng của giới, định, tuệ như sau:

Này Bà-la-môn, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.[7]

Mục đích rốt cùng của người xuất gia là đoạn trừ phiền não để thành tựu giải thoát, với ý chí nỗ lực tự thân mỗi người phải trang bị cho chính pháp thân mình bằng hương giới, hương định và hương tuệ, mà ở đây cốt lõi cần bàn đến là người xuất gia phải áp dụng mười điều tâm niệm trong kinh Các Pháp thuộc Tăng Chi Bộ kinh làm nền tảng căn bản. Vậy, nội dung kinh Các Pháp dạy điều gì? Chúng ta tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu từng chi tiết của lời dạy đó.

2.2. Nội dung mười điều tâm niệm của người xuất gia qua kinh Các Pháp

Đây là bài kinh quan trọng đối với hàng xuất gia, vì lẽ nội dung bài kinh cho thấy chân dung đích thực của người xuất gia là một người luôn có những suy nghĩ, hoài bão làm thế nào để xứng đáng là người xuất gia đúng như lời Phật dạy, để áp dụng vào đời sống tu học hàng ngày làm lợi ích cho đạo và đời. Nguyên văn lời Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo, có mười pháp này, vị xuất gia phải luôn luôn quán sát. Thế nào là mười?

1. Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ta nay đi đến tình trạng là người không có giai cấp” (mất hết giai cấp).

2. Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ðời sống của ta tùy thuộc vào người khác.”

3. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Nay cử chỉ uy nghi của ta cần phải thay đổi!”

4. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Không biết tự ngã có chỉ trích ta về giới hạnh không?”

5. Vị xuất gia cần luôn luôn quán sát: “Không biết các đồng Phạm hạnh có trí, sau khi tìm hiểu, có chỉ trích ta về giới hạnh không?”

6. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Mọi sự vật khả ái, khả ý của ta bị đổi khác, bị biến hoại”.

7. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Ta là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ quy hướng của nghiệp; phàm nghiệp gì ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.

8. Vị xuất gia cần phải luôn quán sát: “Ðêm ngày trôi qua bên ta và nay ta đã thành người như thế nào?”

9. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Ta có cố gắng hoan hỷ trong ngôi nhà trống không hay không?”

10. Vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát: “Ta có chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh không, để đến những ngày cuối cùng, các đồng Phạm hạnh có hỏi, ta sẽ không có xấu hổ?”

Này các Tỷ-kheo, mười pháp này, vị xuất gia cần phải luôn luôn quán sát.”[8]

Mười tâm niệm trên là kim chỉ nam cho nếp sống tu tập hướng đến thăng tiến đạo đức, giải thoát tâm linh của người xuất gia.và chi tiết mười điều tâm niệm đó được hiểu như thế nào, xin được trình bày phần tiếp theo.

2.3. Tìm hiểu lý tưởng tu học của người xuất gia qua kinh Các Pháp

2.3.1. Pháp thứ nhất nói đến lý tưởng ‘không giai cấp’ của người xuất gia. Người xuất gia đã ‘cát ái từ thân’, xa lìa tộc tánh thế gian và mọi tổ chức đảng phái xã hội, đã trở thành người xuất thế; do đó không còn đứng trong hàng ngũ người thế tục, không thuộc giai cấp hay đảng phái nào trong xã hội. Không giai cấp là chủ trương độc đáo của Đức Phật lưu xuất từ sự chứng ngộ thực tại vô ngã của Ngài. Vì vậy nó trở thành lý tưởng thực nghiệm đối với mọi thành viên của Tăng già. Đức Phật khuyên các Tỷ-kheo thực tập tâm bình đẳng và tuyên bố đạo của Ngài siêu việt giai cấp hay giới tính.

“Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào như sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Paharada, có bốn giai cấp: Sát-đế-ly, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử.”[9]

Đây là tâm niệm cao quý mà người xuất gia cần nuôi dưỡng để hạn chế các vướng lụy trần thế, loại bỏ cảm thức ngã mạn, thực hiện tâm giải thoát, bình đẳng, vô ngã, không phân biệt mình và người khác. Tuy nhiên, về phương diện khách quan mà nói, để xóa bỏ ranh giới giữa các giai cấp nhằm thiết lập quyền bình đẳng đến với xã hội con người là một cuộc cách mạng tư tưởng không phải dễ, bởi vì bao đời truyền thống, tập tục… nó đã in sâu vào trong tiềm thức vô thỉ của kiếp người, bây giờ muốn loại chúng ra khỏi tư tưởng thì phải cần có thời gian dài, và đến khi nào con người có đủ nhận thức đúng đắn, tỏ ngộ lý duyên sinh vô ngã, chừng ấy phân tầng giai cấp tự biến mất mà thay vào đó bằng tính bình đẳng trong xã hội loài người. Ở đây đạo Phật nói bình đẳng tức là bình đẳng trên vấn đề nhân quả lý tính, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật như đức Phật đã thành, nếu chúng ta biết tu tập đi đúng theo con đường chánh giác như đức Phật đã đi. Cho nên người xuất gia phải ý thức rõ ràng và chọn cho mình hướng đi trong chánh đạo. Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy rất rõ điều này.

“Khác thay duyên thế lợi,

Khác thay đường Niếtbàn.

Tỷ kheo, đệ tử Phật,

Hãy như vậy thắng tri.

Chớ ưa thích cung kính,

Hãy tu hạnh viễn ly.”[10]

Như vậy, xuất gia không phải là việc làm chỉ cần một hoặc hai ngày là đủ mà phải suốt cả cuộc đời, với ý chí nguyện lực rộng lớn vì hạnh phúc, vì sự an lạc lợi ích cho bản thân mình và cho tất cả mọi người, đúng với tinh thần ‘xuất gia hoằng Thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân’. Do vậy mà nhiều ông vua của Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản… đã bỏ ngôi báu để đi xuất gia học đạo. Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, xem ngai vàng như đôi dép rách. Nếu ngai vàng là một chốn quyền uy và danh vọng tột đỉnh và nơi đó không có khổ đau, tục lụy thì những ông vua, hoàng hậu, công chúa đã không từ bỏ đời sống vinh hoa phú quý ấy để chọn con đường xuất gia. Cho nên, xuất gia là một công đức, vì không những đem lại cho chính bản thân mình mà còn làm cho xã hội thêm hạnh phúc an vui, vơi bớt nỗi khổ niềm đau hơn thua phải trái. Do đó, người xuất gia là từ bỏ giai cấp, địa vị cao sang ở đời để chọn lấy sự thanh cao giải thoát. Đây cũng là một bài học đáng quý, chúng ta cần phải tu học theo hạnh buông xả, bỏ tất cả để có được tất cả những gì đáng quý nhất trên con đường hướng đến giải thoát.

2.3.2. Pháp thứ hai nói về việc sinh sống của người xuất gia cần thực thi chánh mạng, tránh mưu sinh bằng các nghề nghiệp không thích đáng, tự đặt mình trong mối tương quan với người khác bằng cách chấp nhận nếp sống tri túc khất thực, nuôi sống thân mạng nhờ niềm tin và lòng hảo tâm của mọi người. Trong cuộc sống nhu cầu ăn uống là vấn đề tất yếu không thể thiếu, nhưng với ý chí hạnh nguyện của người xuất không vì những thứ đó mà sao lãng việc tu tập thiền định. Phải quán sát rằng xuất gia không phải vì thiếu cơm ăn áo mặt, mà vì lý tưởng giải thoát, làm sao để chính mình và mọi người không còn bị nghiệp thức chi phối sai sử nữa, đó là điều quan trọng người xuất gia cần phải suy tưởng. Thứ đến là phẩm hạnh của người xuất gia làm gương mẫu đạo đức trong xã hội, chứ không phải cần sự trọng vọng danh vị, chức quyền như bao người khác, mà một người có đầy đủ đức hạnh thì cảm hóa được các pháp trên cuộc đời. Như lời dạy trong kinh Pháp Cú.

Hương các loại hoa thơm,

Không ngược bay chiều gió, 

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay. 

Chỉ có bậc chân nhân,

Tỏa khắp mọi phương trời.[11]

Điều quan trọng đối với người xuất gia, lúc nào cũng phải sống trong tinh thần sáng suốt, nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng trong nhãn kiến thế giới tương quan vô ngã, hòa đồng và tùy duyên, đúng với phương châm: “Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian nhưng không bị nhấn chìm trong dòng xoáy dơ bẩn của thế gian.” Vì vậy, hạnh nguyện cao cả của người xuất gia là thể hiện rõ ràng về đạo phong thanh khiết, có một nếp sống mẫu mực phạm hạnh, đúng với tinh thần thanh tịnh của giới luật, bao gồm các yếu tố sau: 

a. Sự thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi: Nghĩa là vị ấy có khả năng đề kháng và chống giữ những dòng nước ô nhiễm dục vọng từ bên ngoài ngang qua các hành vi của ba cửa ngõ thân, khẩu và ý nghĩ tràn ngập vào tâm và làm cho tâm tánh bẩn đục. Đức Phật dạy rất rõ trong kinh Pháp Cú:

“Như mái nhà khéo lợp,

Mưa không xâm nhập vào.

Cũng vậy tâm khéo tu,

tham dục không xâm nhập.[12]

b. Sự thanh tịnh về phòng hộ các căn môn: Nghĩa là khả năng kiểm soát các giác quan, gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tưởng đừng để cho các thứ sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu và các pháp trần lôi kéo cuốn hút. Ðây là các đối tượng hấp dẫn làm thỏa mãn lạc thọ các giác quan, đó là những gì mà con người khao khát luôn tìm kiếm hướng đến. Nhưng đối với người xuất gia phải luôn luôn quán sát chúng, đừng để cho tâm tưởng tác ý chạy theo dục nhiễm dòng đời. Hộ trì các căn trong kinh tạng Nikāya nói khá rõ:

“Khi mắt thấy sắc, tôi không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, tôi tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, tôi không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng… Tôi thành tựu Thánh hộ trì các căn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không vẩn đục.”[13]

c. Sự thanh tịnh về phương diện sinh sống: Nghĩa là vị ấy luôn sống đúng theo bốn truyền thống của đức Phật, gọi là bốn thánh chủng như lời dạy sau đây:

“Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn?

Trong các loại y, này các Tỷ-kheo, y phấn tảo (y lượm từ đống rác) là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại đồ ăn, này các Tỷ-kheo, đi khất thực từng miếng là không quan trọng, dễ được và không có vi phạm. Trong các sàng tọa, này các Tỷ-kheo, gốc cây là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ-kheo, nước đái quỉ là không quan trọng, dễ được và không có phạm lỗi. Bốn loại, này các Tỷ-kheo, không quan trọng, dễ được, không có phạm lỗi này, nếu Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, biết đủ, với các loại không quan trọng dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một trong những chi phần của Sa-môn hạnh.”[14]

d. Sự thanh tịnh về tiết chế trong việc ăn uống: Vấn đề ẩm thực là nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày đối với mọi con người, chúng sanh. Dù rất bình thường nhưng được coi là khó tu tập. Nếu chúng ta không ăn hoặc ăn uống không hợp lý sẽ đưa đến bệnh tật và chướng ngại trên con đường tu tập. Ðức Phật dạy trong kinh Di Giáo: “Thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dỡ không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể khỏi đói khát…”[15] Coi ăn uống như là thuốc trị bệnh, ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể, chữa bệnh đói khát. Ngon không ham, dỡ không bỏ tức là đạt được khả năng hộ trì các căn, tâm không bị ngon dỡ làm chi phối, dao động. Kinh Ganaka Moggalla, đức Phật dạy:

“Hãy đến Tỷ-kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì phạm hạnh, nghĩ rằng: Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn.”[16]

Thái độ của người xuất gia đối với ăn uống rất rõ là ăn uống vừa phải để khỏi hại thân và để tu tập phạm hạnh, không vì ăn uống mà tham sân si khởi, chướng ngại sự tu tập. Cho nên, đức Phật đã dạy rất rõ về điều này trong kinh Pháp Cú.

“Như ong đến với hoa,

Không hoại sắc và hương.

Che chở hoa lấy nhụy,

Bậc Thánh đi vào làng.”[17]

Vấn đề ăn uống từ xưa đến nay luôn là điều tạo nên phiền toái và ác nghiệp. Người ta có thể vì ăn uống mà không từ một thủ đoạn nào, có thể chà đạp lên hạnh phúc của kẻ khác để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình. Tục ngữ nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu”, đó là lẽ thường tình của cuộc đời.Người xuất gia với mục đích mong cầu giải thoát không thể vướng bận vấn đề ăn uống làm cho tham đắm hay làm cho chướng ngại lý tưởng sự nghiệp của mình, việc ăn uống được xem là nhu cầu như hít thở, nó đeo đuổi suốt cuộc đời của mình, cho nên xử sự việc ăn uống cho hợp đạo lý là giải quyết được một phần trong công phu tu tập.

2.3.3. Pháp thứ ba đề cập về cử chỉ oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Người xuất gia là thể hiện đời sống mô phạm, mọi cử chỉ phải đàng hoàng, thể hiện qua cách sống hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi… phải tương xứng phù hợp với người xuất gia. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục…”[18] Nghĩa là: người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng; tâm tư và thân tướng phải khác thế tục. Thân cạo bỏ râu tóc, mặc áo nhuộm và tâm cũng phải đổi khác để làm người xuất gia tu hành, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn trong đạo, không vướng bận những của cải, danh vọng, sắc thân ở thế gian; cắt đứt xa lìa những tình ái thế tục, sửa đổi chứ không đồng với người đời, làm những điều người ta không thể làm, cắt đứt những điều người ta không thể cắt. Phải có ý chí vững chắc để vượt qua mọi chướng ngại cuộc đời; thực hành Thiền định để đoạn trừ phiền não, nỗ lực tu tập hành trì giới luật để trang nghiêm pháp thân, thành tựu đạo quả bằng sự chuyên cần tinh tấn. Cho nên, trên đường đạo chỉ có có tinh tấn là vượt qua tất cả, như lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Tinh cần giữa phóng dật,

Tỉnh thức giữa quần mê,

Người trí như ngựa phi,

Bỏ sau con ngựa hèn.”[19]

Từ quan điểm này chúng ta nhận thấy, đạo phong của người xuất gia là thể hiện qua sự giáo dục một cách trọn vẹn về thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Trong đó, giáo dục thân giáo được xem là quan trọng, nhằm chứng minh những gì gần gũi thiết thực nhất trong đời sống của hàng xuất gia để mọi người noi theotu tập. Đây cũng là một pháp tu, chúng ta hãy quán sát và thực hành để đem lại lợi ích hạnh phúc cho đời.

2.3.4. Pháp thứ tư nhấn mạnh về giới hạnh, đạo đức của người xuất gia. Người xuất gia sống và hành xử theo giới luật trong chốn Thiền môn. Hãy tự mình xét nghiệm lại hành động mà mình đã làm có tương xứng với phẩm cách của một người xuất gia hay chưa? Nếu xét thấy đúng với lý tưởng bổn nguyện của một Tỳ kheo thì y theo đó phát huy hành trì, còn chưa khế hợp thì tinh tấn khắc phục sửa đổi; phải tự thân phản quang nhìn vào chính bản thân của mình, để tu tập vun bồi những thiện pháp làm cho pháp thân ngày được trang nghiêm. Người xuất gia một tháng có hai lần Bố tát; Bố tát có nghĩa là tụng đọc lại Giới bổn (Patimokkha) nhằm vào mục đích giúp vị Tỳ kheo đó nhớ lại những giới điều đã thọ nhận, và tạo cơ hội để nhận biết được những lỗi lầm có thể phạm mà không xác định được, vấn đề này gọi là ‘tự vấn tự trách’. Thường tình cuộc sống con người hay nhìn vào lỗi của người khác chứ không thừa nhận lỗi lầm mà mình tạo ra, lúc nào cũng cho bản thân mình là hoàn thiện, việc nào cũng tốt, vì thế luôn che giấu tội lỗi mà mình đã tạo, không chịu sửa đổi ăn năn sám hối, người như vậy làm sao hoàn thành được việc tốt. Cho nên trong Thủy Sám Pháp có nói: “Che giấu tội lỗi Phật không chấp nhận, bộc bạch sám hối Bồ-tát thán tưởng.”[20] cũng ý nghĩa này, đức Phật dạy rất rõ trong kinh Pháp Cú:

“Không nên nhìn lỗi người,

Người làm hay không làm.  

Nên tự nhìn thân ta,

Có làm hay không làm.”[21]

Cho nên, điều quan trọng của người xuất gia là không nên nhìn vào lỗi của người khác mà phải nhìn thẳng vào lỗi của chính mình để sửa đổi tâm tánh, đừng cho giới pháp bị suy giảm sút kém, được như vậy mọi người cảm thấy hoan hỷ và mến phục, như lời đức Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: ‘Mong rằng ta được các đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng’, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.”[22]

Vì thế, người xuất gia phải giữ gìn giới hạnh cho được trang nghiêm để làm nền tảng tiến bước trên con đường hành đạo, và luôn sống gần gũi trong giới pháp thì đạo quả giải thoát sẽ đến với chúng ta.

2.3.5. Pháp thứ năm cũng nhấn mạnh về giới hạnh của người xuất gia. Nỗi thao thức suy tư về hạnh kiểm của mình có sút kém hay không? và không biết các bạn đồng phạm hạnh có trí chỉ ra những lỗi của mình, để nhanh chóng chỉnh sửa; người xuất gia phải biết hổ thẹn những sai trái mà mình tạo ra, để sám hối những lỗi lầm đó, trở nên một người hoàn mỹ, xứng đáng được mọi người tôn kính. Vì vậy, ý nghĩa trong pháp Tự tứ có ba điều quan trọng, thấy, nghe, nghi nhằm để chỉ ra nhữngsai trái, cố gắng khắc phục không cho tái phạm nữa. Nguyên văn lời tác bạch Tự tứ như sau:

“Đại Đức nhất tâm niệm. Hôm nay chúng Tăng tự tứ. Con Tỳ-kheo… cũng xin tự tứ. Nếu có tội được thấy, được nghe, được nghi, nguyện Đại đức thương tưởng chỉ giáo cho con. Nếu con thấy có tội, sẽ như pháp sám hối.”[23]

Như vậy, lý tưởng của người xuất gia là mong cầu giác ngộ giải thoát, được xây dựng trên ba mặt giới đức, tâm đức và tuệ đức mà một người xuất gia phải kiện toàn.  Ý nghĩa này còn dành cho những ai biết nhận ra sai trái của mình để sửa đổi làm người hoàn thiện, thì người đó xứng đáng trên con đường sự nghiệp của mình. Vì thế giá trị chơn chánh không phải là cái con người đang có, mà giá trị đích thực là chính những gì con người đang sống đúng với mục tiêu lý tưởng giải thoát của mình.  

2.3.6. Pháp thứ sáu là nhắc nhở người xuất gia mọi vật trên đời đều phải chịu chung quy luật vô thường (anicca) biến đổi, nên phải quán chiếu sâu vào những gì đang có, cho dù những thứ đó rất yêu thương quý mến đối với mình, nhưng rồi một ngày cũng theo quy luật duyên sinh thành, trụ, hoại, không sẽ biến hoại mất đi. Ngay cả xác thân đẹp đẽ của chúng ta đây, hằng ngày luôn chăm chuốt săn sóc tắm rửa sạch sẽ, nhưng thử hỏi có giữ gìn suốt đời được không? Một lúc nào đó rồi cũng phải nhắm mắt buông tay để trả về cho tứ đại đất nước lửa gió. Chính vì thấy rõ những sự giả tạm mong manh này mà xa lìa tham muốn dục lạc, không nên lao theo một chút mật ngon ngọt tạm bợ cuộc đời, mà đánh mất đi lý tưởng xuất gia tu học của mình trong muôn kiếp.Đức Phật đã nhấn mạnh điều này rất rõ trong kinh Pháp Cú:

“Con tôi, tài sản tôi, 

Người ngu sanh ưu não.

Tự ta, ta không có,

Con đâu, tài sản đâu.”[24]

Vì vậy, ở đây đức Phật nhắc nhở người xuất gia đừng nên chú trọng quá mức về sắc thân, nên thường xuyên quán sát sự vận hành của tâm thức tác động vào trần cảnh bên ngoài, để chuyển hóa những tập khí thoái hư tật xấu trở thành thanh tịnh. Phải  thực hành pháp quán niệm hơi thở vô thường để thấy được giá trị của sự sống, xây dựng một xã hội ngày thêm tươi sáng hơn. “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập… “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.”[25]

2.3.7. Pháp thứ bảy nhấn mạnh về ‘nghiệp’ (kamma) là yếu tố quyết định vận mệnh khổ đau hay hạnh phúc của chúng sinh. Người xuất gia phải hiểu rõ giáo lý về nghiệp để định hướng sự nghiệp tu học của mình. Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa.”[26] Người xuất gia luôn quán sát mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từnhiều kiếp quá khứ. Vì nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Cho nên, tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại…của con người là do sự thọ lãnh những quả nghiệp từ những đời quá khứ, chớ không do sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai. Chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý Nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Đó là khi gặp nghịch cảnh đau thương thì chúng ta không than vãn, và khi thuận duyên hạnh phúc đến thì chúng ta cũng chẳng hân hoan reo mừng. Bởi vì đó là những vận hành của Nghiệp, do chính ta tạo tác. Cho nên, ‘tu’ là chuyển nghiệp, vì ta là chủ nhân của Nghiệp thì ta có thể sai khiến Nghiệp của mình chớ không phải nô lệ để Nghiệp sai khiến. Theo tinh thần Phật giáo, con người tự mình có thể làm chủ mạng sống của mình, hạnh phúc hay đau khổ cũng do mình chớ không ai can dự vào căn nghiệp của mình được. Cao hơn nữa, muốn có hạnh phúc, an vui, tự tại con người chỉ cần sống đời đạo hạnh, người xuất gia thì nghiêm trì giới luật, không để sai phạm; còn người Phật tử tại gia giữ tròn năm giới. Nếu thực hành được như thế là chính mình sống cuộc đời đạo đức nhân bản, gia đình sẽ hạnh phúc, ấm êm, trên thuận dưới hòa. Đức Phật dạy giáo lý Nghiệp với mục đích khuyến khích con người thực hành các Nghiệp lành để trang nghiêm cho kiếp sống hiện tại và thăng hoa lý tưởng giải thoát cho những kiếp tương lai.

2.3.8. Pháp thứ tám nhắc nhở người xuất gia cần nhận rõ mỗi thời khắc không ngừng trôi qua trong cuộc đời của mình, để nỗ lực tinh tấn tu tập nhằm đạt được sự tiến bộ trên bước đường thực hành đạo lý giải thoát. Phải thường xuyên quán niệm hơi thở vào ra và thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, luôn sống trong tĩnh thức, đừng vì một thú vui nhỏ nào mà đánh mất đi lý tưởng tu học của mình. Người xuất gia phải quán sát rằng từ lúc chập chững vào chùa cho đến khi có đủ nhận thức, phải xác định rõ con đường mình đang đi là hướng đến giác ngộ giải thoát, làm lợi ích cho đạo và đời, đó là lý tưởng đích thực cao cả mà người xuất gia cần phải thực hiện. Từ nhận thức đó, nên trong mọi phút giây luôn quán niệm cuộc đời là vô thường, gấp rút lo tu chớ không kẻo trễ, sau này có ăn năn hối tiếc cũng đã muộn màng. Cho nên, trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới đức Phật đã nhắc nhở hàng Tỳ-kheo rằng:

“Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc.Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm ngày mai.Đại chúng, mỗi người nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhát trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau nầy phải ăn năn…”[27]

Trên con đường hành đạo người xuất gia phải lấy tinh tấn làm mục tiêu hướng đến đạo lộ giải thoát, không nên chểnh mãng thời khóa tu tập; phải dùng móc sắc trí tuệ để chế ngự con rắn ngủ trong tâm của mình bằng cách đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm nhiếp tâm tham thiền, niệm Phật. Hằng ngày cứ tinh tấn chuyên cần tu tập như vậy, thì tin chắc rằng con đường Niết-bàn không xa chúng ta.

2.3.9. Pháp thứ chín khuyên nhắc người xuất gia cần phải nhận rõ mục tiêu tu học của mình là để đoạn trừ mọi kiết sử và lậu hoặc, thực nghiệm tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Muốn thực hiện mục tiêu như vậy thì phải thực hành thiền định, phát triển trí tuệ. Vì chỉ có thiền định và trí tuệ mới có khả năng giúp cho người xuất gia đạt được mục tiêu giải thoát giác ngộ. Do vậy người xuất gia cần phải chuyên tâm tu tập thiền định và tìm thấy hân hoan trong nếp sống hành thiền. ‘Ngôi nhà trống’ (sunnagara) được xem là lý tưởng phù hợp để hành giả đi sâu vào thiền định, đoạn trừ lậu hoặc; về cách thức tu tập thiền định trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy:

“Này các Tỳ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái… Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.”[28]

Đây là lời dạy rất rõ ràng giúp cho người xuất gia chú tâm vào mục tiêu thực nghiệm tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thông qua pháp môn hành thiền.

2.3.10. Pháp thứ mười nói về kết quả tu học của người xuất gia. Nhờ chuyên tâm tu tập thiền định mà người xuất gia chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thành tựu mục tiêu của sự tu tập. Do đó người xuất phải tinh tấn thực hành thiền định để đoạn trừ các dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, và chứng đắc các tầng thiền sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thành tựu túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, đắc quả vị A-la-hán, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi, “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.”[29]. Đây là tâm niệm giúp cho người xuất gia nhận rõ trách nhiệm giải thoát đối với tự thân, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tu học của mình ngay trong đời hiện tại này.

Qua những phần đã được phân tích, tìm hiểu về lý tưởng tu học của người xuất gia qua kinh Các Pháp, nhằm nhắc nhở lại những tinh hoa lời Phật dạy, dù trong mọi hoàn cảnh nào người xuất gia cũng vẫn giữ lập trường lý tưởng phạm hạnh của mình, nghiêm trì giới luật, thực hành Thiền định để đoạn trừ lậu hoặc thành tựu Giới, Định và Tuệ; phải thường xuyên quán sát vào nội tâm, tutập tâm để làm cho tâm trở nên sung mãn đầy đủ các thiện pháp. Về cách thức tu tập đoạn hoặc, chứng chơn trong kinh Tất Cả Lậu Hoặc đức Phật dạy có nhiều cách mà vị Tỳ-kheo cần phải áp dụng hành trì.

Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.”[30]

Vậy, còn chần chừ gì nữa, pháp môn đã có rồi chỉ cần chúng ta hãy sống và tu tập theo pháp hiện tại, tuệ quán chiếu tại đây. Như lời Cổ đức nói: “Mưa xuân nhỏ hạt đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười”.

3.1. Trách nhiệm tự thân

Chương 3: Trách nhiệm của người xuất gia và mối quan hệ trong sinh hoạt cộng đồng

Để tìm hiểu lý tưởng tu học của người xuất gia qua kinh Các Pháp là việc làm rất có ý nghĩa, tự thân phải nỗ lực tu học, sống đúng với lý tưởng và hành đạo luôn phù hợp với chánh pháp. Vì thế, việc ứng xử trong xã hội là thể hiện sự tương quankhông thể thiếu của người xuất gia. Bởi lẽ một khi có trách nhiệm tự thân mới đối xử tốt với hoàn cảnhbên ngoài và sự giải thoát cho chính mình. Cho nên, muốn cho con người, xã hội tốt đẹp thì điều đầu tiên tự thân phải gột rửa cấu uế, phiền não tham, sân, si và thành tựu các ‘pháp hành’[31] rồi sau đó tham gia vào việc ứng nhân xử thế. Một khi đã xây dựng hòn đảo tự thân vững chắc và hành trì giới luật một cách nghiêm mật thì cho dù ngọn gió ‘bát phong’[32] mạnh chừng nào cũng không thể lay chuyển được lý tưởng. Tinh thần này trong kinh Thiện Pháp đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì ? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người.”[33]

3.2. Ước nguyện của người xuất gia

Người xuất gia có ý chí mạnh mẽ với mục tiêu đạt được Niết-bàn thì cho dù làm việc gì, suy nghĩ điều gì, mong mỏi sự gì cũng không rời xa mục tiêu giải thoát. Khi đã có mục tiêu như vậy tức là đã có sự mong muốn, ước nguyện, nhưng sự mong muốn, ước nguyện này là phù hợp với chánh pháp. Trong đời sống thường nhật của người xuất gia không được có ước muốn xa rời mục tiêu giải thoát, tiệm cận với phiền não nhiễm ô về cả thân lẫn tâm. Vậy các Tỳ-kheo phải ước muốn những điềugì hợp với chánh pháp và hướng đến Niết-bàn? Trong kinh Ước Nguyện (Ākankheyya Sutta), đức Phật dạy các Tỳ-kheo nên ước nguyện 17 điều sau đây:

1. Mong rằng ta được các đồng phạm hạnh kính trọng.

2. Mong rằng ta nhận được y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.

3. Mong rằng những ai đã cúng dường bốn món vật dụng cho ta được quả báo lớn, được lợi ích lớn.

4. Mong rằng các bà con huyết thống khi mệnh chung, nghĩ đến ta với tâm hoan hỷ và nhờ vậy được quả báo lớn, lợi ích lớn.

5. Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, không để bất lạc nhiếp phục ta.

6. Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta.

7. Mong rằng ta chứng được bốn Thiền không có khó khăn.

8. Mong rằng ta có thể cảm xúc với thân và sống an trú trong cảnh giới giải thoát tịch tịch tịnh, siêu thoát sắc giới, vô sắc giới.

9. Mong rằng ta trừ diệt ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, chắc chắn không còn bị đọa lạc, hướng đến Chánh giác.

10. Mong rằng trừ diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, chứng được Nhứt Lai.

11. Mong rằng, trừ diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, chứng được Niết-bàn không còn trở lui thế giới này nữa.

12. Mong rằng ta chứng được các loại thần thông.

13. Mong rằng ta chứng được thiên nhĩ thông.

14. Mong rằng ta chứng được tha tâm thông.

15. Mong rằng ta chứng được túc mạng thông.

16. Mong rằng ta chứng được thiên nhãn thông.

17. Mong rằng ta chứng được lậu tận thông, tâm giải thoát, tuệ giải thoát.[34]

Như vậy, ước nguyện của người xuất gia không phải vì cơm áo, danh dự, lợi dưỡng mà là ước nguyện đoạn trừ các kiết sử, hướng đến sự chứng đắc các tầng thiền mà đức Phật đã dạy: Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.[35]. Vì một khi đã đạt được Định, đồng thời trí tuệ và các thứ thần thông cũng đầy đủ,và đó cũng là phương tiện hóa độ chúng sanh, đáp đền ơn đàn na tín thí.

3.3.  Sinh hoạt trong cộng đồng Tăng lữ

Người xuất gia khi đã ý thức được trách nhiệm tự thân, nên trong Tăng đoàn luôn sống đời phạm hạnh, và để cho đời sống chúng Tăng ngày càng hưng thịnh cần phải áp dụng ‘sáu pháp hòa kính’ và thực hiện đúng nguyên tắc ‘bảy pháp bất thối’[36], để xây dựng tinh thần bền vững hòa hợp và thanh tịnh trong cộng đồng Tăng lữ. Nếu xét trên phương diện chân đế thì đó là con đường thẳng đếnNiết bàn; còn xét về phương diện tục đế thì đó là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, an vui. Bên cạnh đó, nếu một tổ chức, một quốc gia áp dụng được những điều này thì con người, xã hội luôn sống trong hòa bình, yêu thương, đầy nhân cách và đầy công bằng hợp lý.

3.4. Mối duyên hệ giữa người xuất gia với người Phật tử

Bản hoài của người xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”[37]. Nghĩa là, trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sanh. Từ ý nghĩa câu này, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ, nhiệm vụ của người xuất gia có hai công việc phải làm là ‘Tự giác’ và ‘Giác tha’. Tự giác có nghĩa là tự mình giác ngộ; giác tha là đem sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh. Cho nên, tinh thần ‘tự giác’ và ‘giác tha’ có mối duyên hệ mật thiết với nhau, giữa đời sống xuất gia và cư sĩ tại gia, tạo nên một sức mạnh tương trợ cho nhau trên con đường tiến tu đạo nghiệp. Đối với Phật tử tại gia, chỉ cần áp dụng tu tập một trong mười pháp trên, cũng đủ xứng đáng để cho mọi người tôn kính; trong gia đình quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái sẽ được hạnh phúc, an vui.

3.5. Người xuất gia góp phần bảo vệ môi sinh xã hội

Nhìn chung, ngày nay xã hội đang trên đà phát triển mạnh, con người luôn sáng tạo ra cái mới để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, đôi khi vì một lợi nhuận nào đó, mà con người quên đi tính nhân bản. Vậy, đứng trước thực trạng này, người xuất gia phải làm gì? Sự thật cho thấy, khổ đau có mặt là do lòng tham, sân, si ngự trị trong tâm hồn con người, vì lòng tham lam mà dẫn đến hủy diệt môi sinh, gây ra ô nhiễm môi trường, không những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cá nhân mà còn cho cộng đồng xã hội. Nếu chúng ta tu tập chuyển hóatham, sân, si thành Giới, Định, Tuệ thì xã hội hạnh phúc biết bao! Lý tưởng người xuất gia không chỉ ‘tự lợi’ mà còn ‘lợi tha’, vì chúng ta đang sống trong môi trường duyên sinh, nên góp phần bảo vệ môi sinh xã hội cũng chính là đang bảo vệ chính mình. Bằng cách thực hành Thiền định để thanh lọc thân tâm,đưa vào thiên nhiên một năng lượng trong sạch, năng lượng của từ bi. Đó là sức mạnh để kết nối sự yêu thương, thông cảm giữa người với thiên nhiên, hướng đến xây dựng một môi trường tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta. Lý thuyết Duyên sinh cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài. Cũng vậy, đức Phật dạy lòng từ có được những lợi ích như sau: “Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư thiên hộ trì…”[38] 

Như những gì đã được trình bày ở trên, mỗi khi đọc lại những lời Đức Phật dạy trong hệ kinh tạng Nikaya cảm thấy có sự gần gũi trong thực tế đời sống tu tập, tưởng chừng Đức Phật đang trực tiếp dạy cho hàng Tỳ-kheo phương pháp đoạn trừ phiền não và làm cho thiện căn được sung mãn.

Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm. Khi tu tập, khi làm cho sung mãn một pháp này, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh…  bị đoạn tận.”[39]

Vậy, khi nói đến lý tưởng tu học của người xuất gia cũng có nghĩa là đề cập đến những gì tốt đẹp nhất trong xã hội. Bởi vì ở đâu có đời sống phạm hạnh thì ở đó có đạo đức; ở đâu có đạo đức thì ở nơi đó xây dựng một cõi nhân gian tịnh độ, nơi đó con người biết yêu thương nhau, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống cho nhau. Hơn nữa, mỗi cá nhân chúng ta tinh tấn nỗ lực tu tập để cầu mong đạt được an lạc giải thoát, đồng thời tạo nên một sức mạnh năng lượng tâm linh từ trường tác động vào thế giới duyên sinh, hầu đem lại cho xã hội hòa bình và con người hạnh phúc.

C.  Kết luận

Tìm hiểu lý tưởng tu học của người xuất gia qua kinh Các Pháp, cũng có nghĩa là chúng ta đang tu tập, hành trì theo con đường Giới, Định và Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam,nơi nương tựa an ổn nhất trong đời sống của người xuất gia. Giới luật chính là vị đạo sư cao cả của chúng ta, nên trong Giới kinh viết: “Giới như đèn sáng lớn, soi sáng đêm dài tăm tối. Giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp. Giới như Ma ni châu, rưới của giúp người nghèo. Thoát khổ mau thành Phật, chỉ Giới này hơn cả.”[40] Như vậy, người xuất gia điều cần thiết nhất là nghiêm trì tịnh giới, nỗ lực tinh tấn không ngừng trau dồi giới đức, vì Giới là cội gốc Bồ đề (Bodhi), là nền tảng Niết-bàn, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là phao nổi để đưa người qua biển khổ sanh tử và cuối cùng là kho tàng công đức. Cũng như bất cứ bao giờ và ở đâu, nếu giới còn được tôn trọng và hành trì nghiêm túc thì chánh pháp mới được trường tồn mãi mãi. Một khi đã nhận thức rõ điều này, hàng xuất gia phải có nhiệm vụ bảo tồn chánh pháp tự mình tinh nghiêm giới luật, lấy giới làm mạch sống tu hành. Mỗi chúng ta là một nhân tố tạo lập ngôi Tam bảo, quyết định sự tồn tại của đạo pháp. Bởi nhờ có giới luật mà hàng tu sĩ được cơ duyên vun bồi phước đức, tâm thức hành nghi, hun đúc đạo đức thâm sâu, tâm hành thuần thục, cung cách oai nghi tỏ rạng, đem lại sự hưng thịnh cho Phật pháp, lợi lạc quần sanh, như trong Đại Trí Độ Luận đã nói:

“Khổng tước tuy có sắc thân đẹp,

Không bằng Hồng nhạn bay được xa,

Bạch y tuy có được phú quý,

Không bằng xuất gia công đức hơn.”[41]

Vâng, đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng, tìm hiểu lý tưởng tu học của người xuất gia qua kinh các Pháp, nghĩa là mỗi hành giả đang sống và tu tập theo lời Phật dạy, không gì hơn bằng sự thực tập Thiền định, chỉ có Thiền định mới đoạn tận mọi phiền não khổ đau, đem lại mạch sống suối nguồn an lạc. Xã hội con người có hạnh phúc hay không, phần lớn là nhờ vào sự nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành của hàng xuất gia. Chính vì vậy, tự thân mỗi người xuất gia chuyên cần tu tập để mong chứng đắc được đạo quả vô lậu, điều đó cũng có nghĩa là đang góp phần xây dựng cho xã hội và con người trở nên hạnh phúc an lạc giải thoát vậy.

Phụ Lục: Bản Pāli 

“Dasayime, bhikkhave, dhammā pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbā. Katame dasa?

Vevaṇṇiyamhi ajjhupagato’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Parapaṭibaddhā me jīvikā’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Añño me ākappo karaṇīyo’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Kacci nu kho me attā sīlato na upavadatī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Kacci nu kho maṃ anuvicca viññū sabrahmacārī sīlato na upavadantī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Sabbehi me piyehi manāpehi nānābhāvo vinābhāvo’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Kammassakomhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Kathaṃbhūtassa me rattindivā vītivattantī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Kacci nu kho ahaṃ suññāgāre abhiramāmī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Atthi nu kho me uttari manussadhammo alamariyañāṇadassanaviseso adhigato, yenāhaṃ [yohaṃ (sī. pī. ka.), sohaṃ (syā.)] pacchime kāle sabrahmacārīhi puṭṭho na maṅku bhavissāmī’ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ.

Ime kho, bhikkhave, dasa dhammā pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbā’’ti. Aṭṭhamaṃ”.


Tham khảo  chú thích

[1] Thực Dụng Phật Học Từ Điển, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tặng, 2013, tr. 505. (出家(術語)出離在家之生活修沙門之行也.維摩詰經弟子品曰: “我聽佛言,父母不聽,不得出家. 同方便品曰: “維摩詰言:然汝等便發阿耨多羅三藐三菩提心是即出家).

[2] HT. Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, quyển hạ; 1992, tr. 523.

[3] HT.  Thích Hành Trụ, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư; 1997, tr. 42.

[4] HT. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật học Hán Việt, quyển II; 1994, tr.1903. Xem thêm ‘xuất gia’ trong Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, quyển III; 1997, tr. 685.

[5] HT. Thích Trí Quang (dịch), Kinh Di Giáo; TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 9.

[6] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 314.

[7] Sđd, tr. 120.

[8] HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm mắng nhiếc (viii) (48) các pháp; TP.HCM, Viện NCPHVN ấn  hành, 1997, tr. 357.

[9] HT. Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập I; TP.HCM, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 562.

[10] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 75; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 25.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 54; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 20.

[12] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 14; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr.10.

[13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập II; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 362.

[14] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I; TP.HCM, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 599-600.

[15] HT. Thích Trí Quang (dịch), Kinh Di Giáo; TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 16.

[16] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập II; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 326.

[17] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 49; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 19.

[18] HT. Thích Trí Quang, Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia, tập 2; TP.HCM, Nxb VHSG, 2010, tr. 2030.

[19] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 29; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 13-14.

[20] HT. Thích Trí Quang (dịch), Thủy Sám; TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2007, tr. 52.

[21] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 50; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 19.

[22] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 57.

[23] HT.  Thích Trí Thủ, Yết Ma Yết Chỉ (tập 1); TP.HCM, TCCPH.VN ấn hành, 1991, tr. 242.

[24] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 62; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 22.

[25] HT. Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, tập V;TP.HCM, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, tr. 465.

[26] HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh, tập II;TP.HCM, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, tr. 543.

[27] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới; TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 9.

[28] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 339.

[29] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 86.

[30] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 30.

[31] Nghiêm trì tịnh giới, thực hành 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đúng cung cách của một Tỳ-kheo, đi nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên.

[32] Tám ngọn gió làm ảnh hưởng, rối loạn tâm thần con người là: Lợi, suy, vui, khổ, vinh, nhục, khen và chê.

[33] HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A Hàm, tập I; TP.HCM, Nxb Phương Đông, 2013, tr. 13.

[34] HT. Thích Minh Châu, tóm tắc Kinh Trung Bộ; TP.HCM, Nxb VHSG, 2010, tr. 33-34.

[35] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập I; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 60.

[36] Xin xem chi tiết trong Kinh Trường A Hàm, tập I, Tuệ Sỹ (dịch); TP.HCM, Nxb Phương Đông, 2013, tr. 79.

[37]上求佛道,下化眾生.

[38] HT. Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập III; TP.HCM, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, tr. 489.

[39] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I; TP.HCM, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, tr. 89.

[40] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới; TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 6.

[41]HT. Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ; TP.HCM, VNCPH.VN ấn hành, 1997, tr. 144.

Nghiên Cứu