Âm nhạc Phật giáo Tây Tạng được xem là một phần linh hồn quan trọng trong nghi lễ. Việc sử dụng âm thanh thiêng liêng như một phương pháp để chuyển đổi tâm thức con người thông qua câu Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn: “Án Ma Ni Bát Mê Hồng” (S. Oṃ maṇi padme hūṃ; T. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།) thể hiện năng lực diệu dụng của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Về nhịp điệu, các bài tụng kinh của Phật giáo Tây Tạng cần phải vượt ra khỏi ý tưởng nhóm các nốt theo nhịp hai và ba để xử lý các cách thức nhịp điệu cực kỳ đa dạng, có thể kéo dài đến hàng trăm nhịp (hình 1). Những nhịp điệu này không chỉ tạo thành một liên kết giữa giọng tụng, nghi lễ, vũ điệu và kịch mà còn dùng để biểu hiện các khía cạnh của vũ trụ quan Phật giáo. Trong nhiều buổi lễ hằng ngày, các vị Lạt-ma Gelugpa thường ngồi đối mặt với nhau thành hàng (hình 2), vị chủ lễ (T. Dbu-mdzad, དབུ་མཛད་།) không chỉ tụng dẫn mà còn gõ mõ, trống, chuông, chũm chọe.
Hình 1. Các ký hiệu trong âm nhạc Tây Tạng
Nghi thức khoá lễ tụng kinh, được chia làm ba loại: tụng niệm (‘don), tụng theo giai điệu (rta) và kinh hành tụng niệm (dbyangs). [1]. Trong ba cách tụng niệm này, dbyangs là âm thanh mà người nghe quen thuộc nhất. Nó được truyền tải theo cách mà người nghe có thể cảm nhận được một giai điệu rất sâu, một âm trung và một tiếng rít, sự phối hợp âm thanh (âm bội) được gọi là “tụng kinh hợp âm”.
Hình 2. Các vị Sư Tây Tạng trong thời khóa Tụng kinh, niệm chú
Kinh hành tụng niệm (dbyangs) thường được thực hiện cùng với nhạc cụ hoặc chũm chọe (rol-mo), [2] bao gồm chũm chọe (sil-snyan), [3] kèn ô-boa [4] (ryga-gling) và kèn dài (dung-chen). [5] Chũm chọe tạo ra một cách tượng trưng với sơ đồ mạn-đà-la thông qua cách chúng được thực hiện, một đường tưởng tượng được vẽ theo chiều kim đồng hồ bởi chũm chọe bên phải quanh vành của chũm chọe bên trái trong khi phát xung gia tốc. Sau đó, mô hình đi từ trái xuống trung tâm dưới cùng, sang trên bên phải, rồi từ dưới bên phải sang trung tâm trên cùng xuống dưới bên trái, cắt ngang một lần nữa. Chũm chọe cũng được thực hiện theo các công thức toán học giảm dần theo nhịp số chẵn 180, 170, 160, 150 v.v… và tăng dần theo số lẻ.
Những vị Lạt-ma biểu diễn kèn cũng thực hiện theo cách đi kinh hành của riêng họ, bao gồm áp lưỡi vào vòm miệng và vo ve môi, định hình khoang miệng của họ để tạo âm bội. Những chiếc kèn dài 6 mét và rung rất mạnh khi chạm vào hộp sọ của người biểu diễn, mà chỉ những người trẻ tuổi mới có thể thực hiện chúng (hình 3).
Hình 3. Các vị Lạt-ma thực hiện nhạc cụ kèn dài truyền thống
Âm nhạc tôn giáo của tông phái Gelugpa là nhạc ca tụng kinh với việc sử dụng các nhạc cụ đa dạng và đặc trưng của Tây Tạng. Có rất nhiều âm điệu để xướng tụng các bản kinh, nhưng các vị Lạt-ma đặc biệt chú ý đến các khái niệm về âm và dương. Âm là chỉ tốc độ, độ dài của nhịp điệu và dương đề cập đến các mức cao và thấp, lên và xuống của âm điệu. Thông qua việc điều khiển các âm bổng và trầm nắm bắt nhịp điệu độ dài nhịp nhàng, các Lạt-ma khiến cho âm nhạc ca tụng siêu phàm tràn ngập với một cảm giác tôn giáo liên quan đến tư tưởng và hình ảnh của các bản kinh. Tùy thuộc vào các bản nhạc kinh, cũng có thể có phần đệm bằng các nhạc cụ đặc trưng như trống, kèn xương, kèn trầm, ghanta và dorje.
Như vậy, nhạc lễ Phật giáo Tây Tạng rất đa dạng phong phú bởi âm thanh và việc sử dụng linh hoạt, nhịp nhàng các nhạc cụ cho phù hợp với từng bản kinh tụng. Nhạc lễ phản ánh tư tưởng tình cảm dồi dào, sâu lắng trong từng giai điệu du dương thanh thoát vào đời sống con người Tây Tạng.
Tham khảo & chú thích
[1]. Xem Harold Coward, Word, Chant, and Song: Spiritual Transformation in Hinduism, Buddhism, Islam and Sikhism, Albany: Published by State University of New York Press, 2019, tr. 73.
[2]. Rol-mo là những chiếc chũm chọe đôi, được đánh theo chiều ngang trong âm nhạc nghi lễ Tây Tạng cầm bằng cả hai tay. Xem thêm Dilip Ranjan Barthakur, The Music and Musical Instruments of North Eastern India, New-Delhi, Mittal Publications, 2003.
[3]. Sil-snyan là chũm chọe Tây Tạng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ sil hoặc gsil (đánh chuông) và snyan (hài hòa) và chỉ một cặp chũm chọe lớn (đường kính từ 30 cm trở lên) với một chỗ nhô lên nhỏ ở giữa. Xem thêm Mireille Helffer, MCHOD-ROL: Les instruments de la musique tibétaine, Paris, Éditeur: Éditions de la Maison des sciences de, 1994, các tr. 160-190.
[4]. Ô-boa là một loại kèn có miệng thổi bằng dăm kép. Xem thêm N.H. Fletcher & Thomas D. Rossing, Physics of musical instruments (ed.), New York, Berlin, Heidelberg: Springer Verlag Published, 1998.
[5]. Dung-chen là nhạc cụ được sử dụng rộng rãi trong văn hóa Phật giáo Tây Tạng, thường được biểu diễn theo cặp hoặc bội, âm thanh được ví như tiếng kêu của voi. Xem thêm Tsultrim, Allione, Women of Wisdom, Published by London: Arkana, 1986, tr. xiv.