Bài 1: Nguồn Gốc Tịnh Độ

Tư tưởng Tịnh độ trong Phật giáo được bắt nguồn từ một trong những tư tưởng sanh Thiên (Abhyudaya)[1] của Ấn-độ cổ đại và niệm Phật (Buddhānussati). Đại trí độ luận quyển 22 nói: “Trong pháp Thanh văn nói niệm trời là chỉ trời cõi Dục, còn trong pháp Đại thừa nói niệm trời là niệm hết thảy trời trong ba cõi. Hành giả khi chưa đắc đạo, hoặc tâm đắm trước năm dục của nhân gian, niệm Phật hay niệm trời, nếu dứt được dâm dục thời sanh lên hai cõi trên, nếu không dứt được dâm dục thời sanh trong cõi trời Lục dục, trong đây có dục tế diệu thanh tịnh.”[2] Ở đây, đức Phật vì những người chưa đạt đạo còn quyến luyến ngũ dục, nên ngài chỉ ra phương pháp thoát khổ hay con đường giải thoát thống khổ hiện thực. Khi đức Phật còn tại thế, đệ tử theo ngài quy y rất nhiều, và khao khát tín ngưỡng sùng bái nhân cách vĩ đại của ngài, nhưng thâm tâm mỗi vị đệ tử theo Phật, chỉ cùng chung một ý chí là học Phật truy cầu giải thoát, do đó mới hình thành hai chúng: tại gia và xuất gia.

 Ở Ấn-độ từ xưa đến nay, giới tư tưởng đối với nhân sinh quan cùng một quan điểm đó là “khổ”. Quan niệm “đời là khổ” hay “đời là một vũ đài của đau khổ”, nó đã ăn sâu vào trong tâm khảm máu thịt và hơi thở của người dân, tạo thành một lao ngục tư tưởng truyền thống khó có thể phá vỡ. Loại tư tưởng này vẫn cứ lưu truyền cho đến hiện nay và ảnh hưởng sang các nước. Vì vậy, mọi người cùng một nguyện vọng tìm con đường giải thoát thống khổ của hiện thực, để đem lại hạnh phúc cho nhân sinh. Các Tông phái thành lập, Tăng Ni – Phật tử dấn thân vào đời, cũng vì mục đích tối hậu là giải thoát thống khổ cho con người. Do đó, tư tưởng sanh Thiên cũng nảy mầm, lưu truyền lan tỏa khắp Ấn-độ.

Đức Phật dạy các đệ tử phải quy y Tam bảo, chính là thực hiện tam niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, rồi thêm niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên.[3] Lục niệm này đều thích hợp với căn cơ của mọi chúng sanh. Các phương pháp giải thoát đau khổ không có giống nhau nên trong tam niệm có tư tưởng niệm Phật; trong lục niệm có tư tưởng sanh Thiên. Lại do tư tưởng sanh Thiên, diễn biến thành tư tưởng vãng sanh; tiến thêm một bước nữa do kết hợp hai tư tưởng niệm Phật và vãng sanh, hình thành một tư tưởng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Trong kinh Phật có ghi chép vãng sanh Tịnh độ, bắt đầu từ cõi Tịnh độ của ngài Di-lặc ở cung trời Đâu-suất. Đây chính là mở đầu cho sự niệm Phật, niệm Thiên, sanh Thiên tiến triển trở thành vãng sanh Tịnh độ. Vì thế chúng ta mới thấy được rằng, tư tưởng của Tịnh độ xuất phát bắt nguồn từ thời đại Phật giáo Nguyên thuỷ.

Nguồn gốc tư tưởng của Tịnh độ, tuy bắt nguồn vào thời đức Phật, nhưng cụ thể thành lập chính là từ trong kinh điển, tức là bắt đầu trong kinh Hoa Nghiêm Đại thừa Phật giáo, sau là kinh Pháp Hoa. Vào thời đại Nguyên thuỷ Phật giáo và các bộ phái, tư tưởng Tịnh độ hết sức chìm lặng không có hiển bày rạng rỡ. Nhưng tín ngưỡng Tịnh độ lại ăn sâu vào trong tâm khảm của người tại gia, còn xuất gia thì chú trọng giải thoát sanh tử chứng niết-bàn. Bởi lý do đó mà trong kinh điển Nguyên thủy có ghi chép liên quan đến tư tưởng Tịnh độ không nhiều, chỉ có một vài nét nho nhỏ mà thôi. Cho đến sau khi kinh Bát nhã xuất hiện,[4] trong các lời nguyện của kinh Bát nhã cùng với tư tưởng Tịnh độ, hai bên tương ứng với nhau mới có một chút ánh sáng le lói. Kinh Bát nhã phẩm Hạnh nguyện, Hội thứ hai nói: “Ngã đương tinh cần vô sở cố biến, tu hành lục chủng ba-la-mật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Phật độ.”[5] Nghĩa là: con nên tinh cần vô sở cố biến, thực hành sáu pháp ba-la-mật, thành thục hữu tình, để trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Cho nên kinh Bát nhã dùng lục độ để nói rõ việc trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Đến khi xuất hiện kinh Hoa nghiêm, ghi chép Thiện Tài Đồng Tử đến phương Nam tham học nơi Tỳ-kheo Đức Vân, mới nói rõ  đến việc niệm Phật tam muội và thấy Phật.[6] Lại trong kinh Hoa nghiêm phẩm Nhập pháp giới nói: “Thiện Tài tự kiến kỳ thân vãng thập phương thập Phật sát vi trần thế giới trung, đáo thập Phật sát vi trần số chư Phật sở, kiến bỉ Phật sát cập kỳ chúng hội, chư Phật tướng hảo, chủng chủng trang nghiêm.”[7] Nghĩa là: Thiện Tài tự thấy thân mình đi đến trong các thế giới 10 phương nhiều như số vi trần của 10 phương chư Phật, đến chỗ các đức Phật nhiều như số vi trần của 10 cõi Phật, thấy cõi các đức Phật đó và các chúng hội của các ngài, thấy tướng tốt của chư Phật đủ thứ trang nghiêm.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Hoá thành dụ thứ bảy đều nói đến đức Phật A-Súc và đức Phật A-Di-Đà, và nói: “Hai vị Sa-di làm Phật ở phương Đông: vị thứ nhất tên là A- Súc ở nước Hoan Hỷ, vị thứ hai tên là Tu Di Đảnh… hai vị làm Phật ở phương Tây: vị thứ nhất tên là A-Di-Đà, vị thứ hai tên là Độ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não.”[8] Đây là nói rõ 10 Đại vương tử theo ngài Đại Thông Trí Thắng Như Lai xuất gia học đạo, sau đến các phương thành Phật. Phẩm Dược vương Bồ-tát bổn sự thứ 23 nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của đức Phật A-Di-Đà cùng chúng Bồ-tát vây quanh, mà sanh trên tòa báo trong hoa sen.”[9] Như vậy, trong kinh đã nói rõ sự thực về vãng sanh Cực lạc Tịnh độ.

Chúng ta thấy trong các kinh văn Đại thừa hay tán dương đức Phật A-Di-Đà và thuật lại sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực lạc Tịnh độ. Phật thuyết A-Di-Đà kinh giới thiệu tổng quát về cõi cực lạc của đức Phật A-Di-Đà:

“Xá-lợi-phất! Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, giai thị tứ bảo châu táp vi nhiễu. Thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc.”

Nghĩa là: Xá-lợi-phất! thế giới cực lạc có 7 lớp lan can, 7 lớp lưới giăng, 7 hàng cây, toàn bằng 4 vật liệu quý (vàng, bạc, lưu ly và pha lê) bao quanh khắp nơi.

“Xá-lợi-phất! Cực Lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa. Tứ biên giai đạo, kim, ngân lưu ly, pha lê, hiệp thành. Thượng hữu lâu các, diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, nhi nghiêm sức chi…”

Nghĩa là: Xá-lợi-phất! cực lạc còn có hồ 7 báu, trong hồ chứa đầy nước có tám tính chất quý. Đáy hồ trải cát vàng. Bốn phía chung quanh hồ 4 bậc cấp thì bằng vàng bạc lưu ly pha lê kết hợp mà thành. Trên hồ có lâu đài trang hoàng bằng vàng bạc lưu ly xa cừ xích châu và mã não…

 “Xá-lợi-phất! Bỉ Phật quốc độ thường tác thiên nhạc, huỳnh kim vi địa, trú dạ lục thời vũ thiên Mạn-đà-la hoa. Kỳ độ chúng sanh, thường dĩ thanh đán, các dĩ y kích, thạnh chúng diệu hoa, cúng dường tha phương thập vạn ức Phật…”

Nghĩa là: Xá-lợi-phất! thế giới cực lạc ấy thường trỗi thiên nhạc, đất có màu vàng đẹp, ngày và đêm có 6 lần mưa hoa Mạn-đà-la. Chúng sanh ở thế giới cực lạc, thường hứng nhiều hoa quý dâng cúng 1 tỷ đức Phật ở các thế giới khác.

 “Xá-lợi-phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu: bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lỵ, ca lăng-tần-già, cộng mạng chi điểu. Thị chư chúng điểu trú dạ lục thời xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn xướng Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp. Kỳ độ chúng sanh văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…”

Nghĩa là: Xá-lợi-phất, thế giới Cực Lạc còn các loài chim lạ đẹp, nhiều màu sắc: Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca-lăng-tần-dà, chim cộng mạng. Các loài chim ấy đêm và ngày sáu thời hót lên những âm thanh tuyệt nhã. Âm thanh ấy nói lên các pháp Ngũ canh, Ngũ Lực, Thất giác chi và Bát thánh đạo, các pháp như thế. Chúng sinh ở thế giới Cực Lạc nghe được âm thanh ấy thì đều niệm tưởng về Phật, về Pháp và về Tăng.

 “Xá-lợi-phất! Bỉ Phật quốc độ vi phong xuy động chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu tác. Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm.”

Nghĩa là: Xá-lợi-phất, thế giới Cực Lạc có gió nhẹ lay động các hàng cây quý và lưới quý làm phát ra các âm thanh tuyệt diệu, tựa như có trăm nghìn nhạc cụ hòa tấu. Người nghe âm thanh ấy tâm tư khởi niệm tưởng đến Phật, Pháp, Tăng.

Vì vậy, thế giới ấy được gọi là “Cực lạc” (Sukhāvatī); đối với những hành giả có nhân duyên căn lành hành trì pháp tịnh độ, đức Phật A-Di-Đà là đối tượng mà họ luôn tôn kính sùng bái, và nguyện sau khi lâm mạng chung thời được sanh về thế giới cực lạc của đức Phật A-Di-Đà. Điểm khác biệt về đức Phật giữa tư tưởng Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo, theo Nguyên thủy chỉ duy nhất có 1 đức Phật Thích Tôn mà thôi, còn Đại thừa  thì có vô số vô lượng chư Phật, theo đó cũng có vô lượng vô biên Tịnh độ của các vị Phật.[10]

Trong kinh điển Đại thừa diễn tả hằng hà sa số chư Phật, Bồ-tát ở cõi Tịnh độ, cũng chính từ đây thành lập. Mười phương chư Phật và vô lượng vô số cõi Tịnh độ Bồ-tát, không phải một vị thành lập, mà cùng với chúng sanh kiến lập, do đó có tư tưởng vãng sanh Tịnh độ. Tất cả chúng sanh vãng sanh về quốc độ chư Phật, Bồ-tát, không chỉ hưởng thọ khoái lạc riêng tư, mà tất cả đều cùng nhau lập một ý chí mạnh mẽ phát Bồ-đề tâm, trên cầu thành Phật dưới hoá độ chúng sanh (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh), nhân nơi đó xây dựng nên một cõi Tịnh độ mới; họ luôn mong mỏi thành đạt được nguyện vọng là tiếp dẫn chúng sanh, cứu độ chúng sanh, giáo hoá chúng sanh. Từ cõi Tịnh độ này nảy sanh thành cõi Tịnh độ mới, đây cũng chính là thành tựu vô lượng vô biên cõi Tịnh độ.


Tham khảo & chú thích:

[1] Sanh thiên tiếng Phạn gọi là Abhyudaya, nghĩa là sanh lên cõi trời. Trong Ấn-độ cổ đại đã có ý tưởng tái sinh trên thiên giới từ xa xưa. Người ta tin rằng, nếu con người tích lũy những việc làm tốt và công đức trong đời này thì sau khi lâm chung sẽ được tái sinh vào thiên giới. Theo Rigveda, sau khi chết, thể xác có xu hướng bị hủy diệt nhưng linh hồn thì bất tử. Linh hồn của người chết đi đến thiên giới được cai trị bởi thần dạ ma (yama,  閻摩, diêm ma), nghĩa là vua của cái chết. Thiên giới này là một cõi lý tưởng tràn ngập ánh sáng, ca hát, nhảy múa và âm nhạc. Để được sinh vào ở cõi thiên giới ấy, người ta phải hiến tế cho các vị thần hoặc bố thí cho các Bà-la-môn, tuân theo nhiều lời nguyện (s. vrata; e. vow) khác nhau và thực hành các khổ hạnh (tapas; 苦行). Và những chiến binh chết trên chiến trường cũng có thể được tái sinh ở thiên giới (tùy thuận vào lời nguyện của họ). Hơn nữa, trường phái Thắng luận (vaiśeṣika) cho rằng, nếu một người tuân theo các quy tắc của kinh Vệ Đà, người đó sẽ được tái sinh vào thiên giới (abhyudaya) sau khi chết, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự luân hồi. Vì vậy, người ta phải nghiên cứu lục cú nghĩa (thật, đức, nghiệp, đồng, dị và hòa hợp) và tu tập Du-già (yoga) để đạt được giải thoát. Phật giáo tiếp thu thuyết nhân quả của Ấn-độ và nói về ba thuyết: thuyết bố thí (dānakathā), thuyết giới luật (sila-kathā) và thuyết luân hồi (sagga-kathā). Để hướng dẫn những người chưa có kiến ​​thức về Phật giáo tin vào chánh đạo; đức Thế Tôn dạy rằng, nên bố thí và giữ giới không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, v.v… do tích lũy công đức, mà người đó sẽ nhận được phước báo sau khi chết được tái sinh vào cõi trời. Thuyết luân hồi là phương pháp giảng dạy tất cả chúng sinh hãy tin vào nhân quả, hễ hành thiện thì nhận được phước báo sanh thiên, an vui; còn làm ác thì chịu quả báo khổ đau cùng cực, đọa lạc địa ngục. Nói khác đi, những người làm mười việc tốt tức là thực hành thập thiện nghiệp sẽ được tái sinh vào thiên giới sau khi chết.

[2] HT. Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ (tập II), Nxb TP.HCM, 1998, tr. 79.

[3] Xem ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một pháp, phần Niệm Phật, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 64.

[4] Theo Edward Conze (1904-1979) nhà nghiên cứu thẩm quyền về kinh điển Bát nhã cho biết kinh hệ Bát nhã xuất hiện từ thế kỷ thứ I Tr.TL cho đến thế kỷ thứ IV S.TL, trong hình thức gồm nhiều kinh dài ngắn khác nhau.

[5] [我當精勤無所顧戀,修行六種波羅蜜多,成熟有情、嚴淨佛土]. 大般若經第二三會(中品般若):第401卷至第537卷/卷517.

[6] Xem ĐTKVN Hán truyền, Kinh Hoa Nghiêm, (tập bốn), Nxb Tôn giáo, 2014, các tr. 519-532.

[7]  [善財自見其 身往十方十佛剎微塵數世界中,到十佛剎微塵數諸佛所,見彼佛剎 及其眾會、諸佛相好、種種莊嚴]. 大正藏第 10 冊 No. 0279大方廣佛華嚴經卷第六十四.

[8] HT Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Pháp Hoa, Nxb Tôn giáo, 2001, các tr. 241-242.

[9] Sđd, tr. 501.

[10] Theokinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tự Tại Vương Như Lai chỉ ra 21 cõi tịnh độ cho Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Tịnh Độ