1. Đạo sư du già
Tất cả các tông phái Phật giáo Tây Tạng đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm một vị đạo sư có trình độ. Một vị đạo sư như vậy là người đã thành công trên con đường và đạt được mức độ chứng ngộ cao nhất. Vì điều này đạo sư có thể hướng dẫn đệ tử vượt qua những chướng nạn mà họ sẽ gặp phải, cảnh báo họ về những nguy hiểm, sửa chữa lỗi lầm và giúp đỡ họ một cách khéo léo để hiện thực hóa tiềm năng Phật quả của mình.
Trong văn học mật điển của Tây Tạng có tuyên bố rằng, người ta không thể thành công theo con đường Mật tông nếu không có đạo sư, và ngài Tilopa (988-1069) cho rằng:
“Người thiểu trí (si mê) có thể biết rằng dầu mè tinh chất có trong hạt vừng, nhưng vì không biết cách nên họ không thể chiết xuất được dầu. Trí tuệ nền tảng bẩm sinh cũng tồn tại trong trái tim của tất cả hữu tình; nhưng trừ khi nó được đạo sư chỉ ra, nó không thể được nhận biết. Bằng cách giã hạt và loại bỏ vỏ trấu, người ta có thể chiết xuất được tinh chất dầu mè. Tương tự như vậy, khi nó được vị Lạt ma chỉ ra, ý nghĩa của chân như được soi sáng đến mức người ta có thể thâm nhập vào nó.”[1]
Vị đạo sư du già thanh lọc nhận thức của một người thông qua các thực hành liên quan đến việc quán tưởng vị thầy như một hiện thân của trí tuệ thanh tịnh, cao quý của Phật quả. Không giống như một vị thần được tạo ra trong tâm trí trước mặt một người, khởi lên từ tánh không và lại tan biến vào tánh không vào cuối thời khóa, đạo sư ở bên một vị thần như một biểu tượng của mục tiêu giác ngộ. Ngài Kalu Rinpoche nói rằng: “Theo quan điểm của từng hành giả, đạo sư thậm chí còn tử tế hơn chư Phật và Bồ tát, bởi vì đạo sư là người thực sự tiết lộ giáo lý cho họ.”[2] Hầu hết chúng ta không bao giờ có may mắn được gặp một vị Phật trực tiếp, nhưng nếu chúng ta có thể quán tưởng đạo sư như một bậc giác ngộ thì kết quả cũng giống như chúng ta đã có. Đạo sư truyền bá giáo lý Phật giáo, hướng dẫn chúng ta cách áp dụng chúng một cách thích hợp và đưa ra tấm gương về một người áp dụng chúng vào thực hành. Do đó, mối liên hệ của một hành giả Mật tông với đạo sư còn mật thiết hơn nhiều so với mối liên hệ với chư Phật.
Việc quán tưởng đạo sư của mình như một vị Phật cung cấp một ví dụ cụ thể về trạng thái giác ngộ mà người ta đang cố gắng đạt được. Ngài Lama Yeshe nói rằng: “Thông qua đạo sư du già, các hành giả có thể dần dần cắt đứt những cách hời hợt của chúng ta trong việc liên hệ với thế giới và tiếp xúc với trí tuệ bẩm sinh ở trong tâm con người chúng ta.”[3] Thực hành Kim Cương thừa thành công đòi hỏi khả năng nhìn thấy đạo sư như một vị Phật, và hiểu rằng bất kỳ lỗi lầm rõ ràng nào mà đạo sư có thể mắc phải chỉ là sự phản ánh sự thiếu sót của chính mình. Đạo sư là sự phản ánh tâm trí của chính mình, và một mật giả nhận thấy đạo sư có lỗi sẽ phát triển những sai sót tương ứng. Người xem đạo sư như vị Phật sẽ hiện thực hóa tiềm năng bẩm sinh của Phật quả trong mỗi chúng sinh. Ngài Jikmé Lingpa cho rằng: “Đây là phương pháp tốt nhất để nhận ra trí tuệ bẩm sinh (Phật tánh) bên trong chính mình. Nó được thực hiện thông qua niềm tin của chính mình, và nhờ phước báu của bậc đạo sư. Tất cả các bậc giác ngộ hoàn toàn đều an trụ không thể tách rời trong sự bao la của bản giác; bậc đạo sư là hiện thân hợp nhất tất cả trí tuệ, từ bi và sức mạnh của một bậc giác ngộ. Hiểu được điều này với lòng tôn kính và niềm tin mạnh mẽ sẽ đưa đến trải nghiệm trực tiếp về bản chất giác ngộ. Bằng những phương tiện này, những phiền não cảm xúc được tịnh hóa, cũng như sự tích lũy công đức và trí tuệ được hoàn thiện.”[4]
2. Dòng truyền thừa
Ngoài việc cung cấp cho các hành giả những tấm gương sống động của những bậc chứng ngộ, các đạo sư còn thuộc về các dòng truyền thừa giáo lý và thực hành có nguồn gốc từ thời kỳ đầu của Phật giáo. Dòng truyền thừa là sự bảo đảm cho tính xác thực của giáo lý. Phật giáo Tây Tạng là một hệ thống truyền thống, và các nhà lãnh đạo của nó được tôn kính không phải vì những đổi mới của họ mà vì họ gần giống với những lý tưởng của nó đến mức nào. Những vị đại sư và bậc thông sư được thể hiện trong văn học Tây Tạng như những tấm hình nguyên mẫu, và tiểu sử của họ có xu hướng nhấn mạnh cách thức mà họ thể hiện những giá trị chung của truyền thống.
Để phù hợp với những thái độ này, vai trò của các đạo sư rất quan trọng, bởi vì họ thuộc về những dòng truyền thừa đã được xác lập, và những đệ tử nhận lễ quán đảnh từ một đạo sư được kể về sự kế tục của những vị thầy giác ngộ đã truyền lại giáo lý đặc biệt đó. Điều này một phần là do sự tôn trọng tiền lệ và định hướng lạc hậu được tìm thấy trong tất cả các hệ thống truyền thống, nhưng cũng là sự thừa nhận rằng Kim Cương thừa không được truyền chủ yếu qua các văn bản và kinh điển, mà từ tâm này sang tâm khác, từ thầy đến trò. Các bậc thầy không chỉ đơn giản học kinh điển và thực hành các bài thiền liên quan, mà họ còn nhận được một di sản truyền miệng phong phú từ chính các vị thầy của mình, và mỗi thế hệ kế tiếp sẽ phát huy di sản này, đồng thời cố gắng duy trì mối liên hệ nhận thức được với quá khứ.
“Mỗi vị Bổn tôn Mật tông đều có dòng truyền thừa không gián đoạn của các hành giả. Để xác thực và đáng tin cậy, dòng truyền thừa này phải có nguồn gốc từ kinh nghiệm giác ngộ viên mãn của một đạo sư chân chính. Hơn nữa, kinh nghiệm này chắc hẳn đã được truyền lại cho chúng ta thông qua một chuỗi liên tục các bậc Đạo sư, mỗi người trong số họ đều đạt được chứng ngộ bằng cách hoàn thành các thực hành của vị thần này. Sức mạnh của Mật tông có nghĩa đen là ‘liên tục’ hay ‘liên tiếp’, nằm ở việc bảo tồn và truyền bá kinh nghiệm giác ngộ thông qua một dòng truyền thừa liên tục, không gián đoạn của các hành giả.”[5]
Sự truyền thừa bằng khẩu truyền này là điều cần thiết đối với những đệ tử mới nhập môn để bước vào hệ thống, vì nhiều văn bản Mật thừa có chủ ý khó hiểu. Những giáo lý Mật thừa là bí mật, và các bản văn giả định rằng, lời lẽ của chúng sẽ được giải thích bởi một đạo sư đủ tư cách, người đã nghiên cứu và tiếp thu kiến thức Kim Cương thừa từ các vị thầy của mình, và việc thiền định của họ đã đưa đến những trạng thái phát triển tâm linh cao cấp. Vị đạo sư lý tưởng là người thông suốt vào truyền thống, người đã nghiên cứu rộng rãi các bản văn và luận giảng, người đã tiếp thu sâu sắc những chỉ dẫn khẩu truyền từ các đạo sư giác ngộ và là người đã áp dụng giáo lý vào thực hành trong thiền định. Các văn bản Mật tông cũng nhấn mạnh rằng, đạo sư phải là người mà việc thiền định của họ đã mang lại kết quả, vì chỉ những người đã thanh lọc dòng tâm thức của chính mình mới có thể nhận thức được những khiếm khuyết và nhu cầu tâm linh của người khác, đồng thời điều chỉnh giáo lý của họ cho phù hợp với chúng. Một người đạo sư như vậy cung cấp cho hành giả một hình mẫu để noi theo, một chúng sanh từng bình thường giống như chính họ, nhưng nhờ thực hành thiền định đã trở nên phi thường. Những tấm gương về hành vi giác ngộ là điều cần thiết để những người mới bắt đầu có thể quán tưởng mình là những bậc thầy thức tỉnh, hiện thân của trí tuệ và lòng từ bi, làm việc không ngừng vì lợi ích của tha nhân.
3. Vấn đề khuyết điểm của những bậc thầy
Mặc dù lý tưởng nhất là đạo sư phải là một mật giả cao cấp, người thể hiện những lý tưởng cao nhất của dòng truyền, nhưng nếu đạo sư của một người không phải là người như vậy thì người ta không nên tỏ thái độ khinh thường hay coi nhẹ vị thầy đó. Ngài Kalu Rinpoche (1905-1989) nói rằng: “Một khi mối tương quan gắn kết chính thức của phép quán đảnh và lời giáo huấn đã được thiết lập và chúng ta đã chấp nhận một vị thầy cụ thể nào đó làm đạo sư thì… điều cực kỳ quan trọng đối với chúng ta là không có gì ngoài những quan điểm thanh tịnh đối với vị thầy. Ngay cả trong trường hợp phát hiện ra những phẩm chất nơi vị thầy mà chúng ta thấy ghê tởm, mối tương quan đã được thiết lập và thuần túy từ quan điểm cá nhân về việc đạt được tiến bộ tâm linh, thái độ duy nhất có lợi là xem vị thầy đó như một hóa thân của đức Phật. Nếu có ý nghĩ thấp kém, xem vị thầy như một người bình thường và trở nên chỉ trích, không giúp ích gì cho chúng ta, có lẽ trên thực tế có thể là một trở ngại nghiêm trọng.”[6]
Hơn nữa, ngài Kalu Rinpoche còn giải thích điều này, thái độ tôn kính đúng đắn đối với đạo sư dựa trên những cân nhắc thực tế. Ngay cả khi đạo sư hoàn toàn thiếu những phẩm chất tốt, đệ tử vẫn nên cố gắng quán tưởng ngài ấy như một vị Phật. Những người thành công trong việc nhận thức đạo sư theo cách này sẽ phát triển những phẩm chất tương ứng, bất kể tình trạng tâm linh của đạo sư như thế nào, và có rất nhiều câu chuyện trong văn học Mật thừa về những đệ tử đạt được sự thức tỉnh hoàn toàn nhờ lòng tôn kính thanh tịnh đối với đạo sư, mặc dù họ là một hình mẫu kém lý tưởng.[7] Cũng có những câu chuyện về những người chê bai đạo sư của họ và sinh ra trong những “địa ngục kim cương” khủng khiếp được dành riêng cho những hành giả Mật tông vi phạm giới nguyện của họ.
Trong Kim Cương thừa, người ta nỗ lực vượt qua sự bình thường thông qua sự quán tưởng sáng tạo, và những người tập trung phê bình vào khuyết điểm của đạo sư vẫn bị mắc kẹt bởi những điều bình thường, sa lầy trong những hình tướng giả dối của luân hồi. Những mật giả học cách xem đạo sư và chính họ như những vị thần đã giác ngộ hoàn toàn sẽ thay đổi thực tại của chính họ phù hợp với sự quán tưởng và phát triển những phẩm tính của một vị thần. Trong suốt thực hành này, người ta nên ý thức rằng, tâm của đạo sư về bản chất là tánh không, cũng như tâm của chính mình. Cả hai đều có bản chất không thể phân biệt được với tâm của một vị Phật. Bằng cách kết hợp nhận thức về đạo sư của mình như một vị Phật với ý nghĩ rằng, tâm của đạo sư và của chính mình không thể phân biệt được ở chỗ cả hai đều có Phật tánh thanh tịnh, người ta nhanh chóng tịnh hóa những phiền não trong tâm trí và dần dần tiến đến gần trạng thái Phật quả.
4. Quán tưởng đạo sư như một vị Bổn tôn
Khi một người đã nhận được quán đảnh vào thực hành một vị thần cụ thể, người ta sẽ nỗ lực tạo ra một hình ảnh trong tâm trí về vị thần này, cũng như đoàn tùy tùng và mạn đà la của vị thần đó. Quá trình quán tưởng cũng gắn liền với đạo sư du già, và những hành giả Mật thừa phát triển khả năng nhận thức đạo sư không thể phân biệt được với vị Phật. Một thực hành điển hình thuộc loại này bao gồm việc tạo ra một hình ảnh của Bổn tôn thiền định trước mặt chính mình, được bao quanh bởi sự nối tiếp của các đạo sư thuộc dòng truyền thừa trong một dòng không gián đoạn, bao gồm cả đạo sư của chính họ. Sau đó, người ta nguyện cầu các đạo sư và chư thần ban phước lành và trợ giúp cho sự tiến bộ của mình. Vấn đề quan trọng là hành giả phải tin rằng điều này thực sự xảy ra.
Tại thời điểm này trong nghi lễ các vị thần và đạo sư hòa nhập vào nhau, sau đó họ nhập vào cơ thể của một người qua khe hở trên đỉnh đầu và đi xuống kinh mạch trung ương. Chúng hòa tan vào trung tâm năng lượng (cakra, luân xa) ở tim. Tại thời điểm ấy, mọi hình tướng nhị nguyên quy ước đều tan biến vào tánh không. Thông qua thực hành này, người ta nên phát triển cảm giác kết nối chặt chẽ với đạo sư, người được coi là đồng nhất với vị thần thiền định và với tâm thức của chính mình. Người ta nên thường xuyên suy ngẫm về trí tuệ vĩ đại của đạo sư và lòng từ ái của đạo sư trong việc giảng dạy con đường giác ngộ. Đạo sư là hiện thân của mục tiêu của giác đạo, được phát triển đầy đủ lòng từ bi và trí tuệ, nên được xem vị đạo sư như một vị Phật. Nhưng sự xem xét trừu tượng này chỉ là bước đầu tiên; người ta cũng phải nhận ra rằng những phẩm tính cao quý của chư Phật hiện diện trong tâm mình. Do đó, người ta tu tập sự hiểu biết rằng đạo sư, vị thần thiền định và chính mình là một. Trong thiền định này, cần phải có niềm tin vững chắc vào đạo sư. “Bởi vì nếu khi chúng ta thực hành nó mà lòng kính ngưỡng của chúng ta có giới hạn thì nó sẽ không có tác dụng. Để thực hành đạo sư yoga đích thực, chúng ta phải nghĩ từ sâu thẳm trái tim mình về thiện tâm của các đạo sư tôn kính, và truyền thừa cũng như những phẩm chất tốt đẹp của thân, khẩu và ý của họ. Sự kính ngưỡng này mãnh liệt đến nỗi lông trên cơ thể chúng ta sẽ dựng lên, nước mắt của chúng ta sẽ tuôn trào và giọng nói sẽ phát ra. Trong tâm chúng ta chỉ có vị Lạt ma; tâm trí chúng ta bị thu hút bởi vị Lạt ma; sau đó chúng ta mong muốn cầu nguyện ngày và đêm với Lạt ma. Cho đến khi những kinh nghiệm rực rỡ như vậy về đạo sư yoga đích thực xuất hiện, điều này chúng ta phải chuyên cần nỗ lực.”[8]
Niềm tin vào đạo sư là điều kiện tiên quyết thiết yếu để giác ngộ, và trong văn học thiền Tây Tạng có nhiều câu chuyện về những hành giả đạt được tiến bộ nhờ niềm tin, cũng như những câu chuyện cảnh giác về những người có tiềm năng to lớn mà quá trình tu tập của họ bị đình trệ do thắc mắc về Lạt ma. Tất nhiên, một hệ thống như thế này, vốn nhấn mạnh đến lòng kính ngưỡng tuyệt đối, không nghi ngờ đối với Lạt ma, sẽ dễ bị lạm dụng và có những ví dụ đáng chú ý về các Lạt ma lợi dụng chức vụ của họ và lợi dụng niềm tin của các đệ tử của họ. Vì lý do này, những người tìm kiếm tâm linh nên lựa chọn hết sức cẩn thận, không khéo bỏ cả một cuộc đời của mình tu tập theo vị đạo sư đó, mà cuối cùng phải chấp nhận “xôi hỏng bỏng không” thì thật là uổng công vô ích.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là mục đích tôn vinh đạo sư không phải là khen ngợi thầy của mình. Người giác ngộ không cần khen ngợi và không bị ảnh hưởng bởi sự chỉ trích. Các bậc thầy được tôn vinh và quán tưởng như những vị thần để nâng cao sự thực hành tâm linh của chính mình. Học cách nhận thức một chúng sanh có vẻ bình thường, như một vị thần giúp con người vượt qua sự chấp thủ vào những cảm giác tầm thường, chuyển hóa tính phàm tục thông qua sự quán tưởng sáng tạo. Bằng cách này, người ta học cách vượt qua những hạn chế của chính mình và tái tạo lại thế giới phù hợp với các biểu tượng và thực hành của Mật tông.
5. Mười bốn lỗi căn bản sa đọa phá bể samaya
“Khi thọ nhận quán đảnh, các hành giả Mật tông thường thọ một loạt giới nguyện (S. Samaya; T. Dam-tshig), trong đó họ thệ nguyện sẽ thực hiện một số hành động nhất định và tránh những hành động và thái độ có hại cụ thể. Việc giữ gìn những giới nguyện này được coi là điều cần thiết để thực hành Mật thừa thành công, và những ai vi phạm chúng sẽ tự gây tổn hại lớn cho bản thân. Những hành giả Mật tông được yêu cầu phải giữ gìn Bồ tát giới (bao gồm 18 giới trọng (gốc) và 46 giới khinh (phụ)). Những hành giả của Vô thượng du già mật cũng phải hoàn thành 14 giới nguyện mật tông gốc và 10 giới nguyện bổ sung. Hơn nữa, việc điểm đạo vào một thực hành Mật thừa cụ thể thường bao gồm nhiều giới nguyện hơn.”[9]
Việc không giữ vững 14 giới luật Mật tông căn bản sẽ dẫn đến “mười bốn tội lỗi căn bản”.[10] Chúng thường được liệt kê theo thứ tự mức độ nghiêm trọng giảm dần, với mức độ đầu tiên là nghiêm trọng nhất, mức độ thứ hai ít nghiêm trọng hơn.
Sự sa đọa căn bản đầu tiên là mâu thuẫn với đạo sư, làm suy yếu mối liên kết chặt chẽ cần thiết để thực hành Mật thừa thành công. Trước khi một người thọ nhận quán đảnh, điều được coi là thích hợp là phải xem xét kỹ lưỡng các đạo sư tiềm năng để xác định xem họ có phải là những vị thầy chân chính đang thực hành những gì họ thuyết giảng hay không? Điều quan trọng nữa là xác định xem một đạo sư cụ thể có phải là người mà người ta cảm thấy tôn trọng và gần gũi hay không? nhưng sau khi được quán đảnh, thái độ thích hợp duy nhất là thái độ tôn kính và tin tưởng không nghi ngờ gì. Dù vị thầy có thực sự giác ngộ hay không, đệ tử nên xem vị ấy như một vị Phật. Những người chưa phát triển thiện cảm với đạo sư, nói điều không tốt hoặc làm họ khó chịu hay thậm chí nhận ra những phẩm chất tiêu cực mà vị thầy của họ thực sự sở hữu vi phạm giới nguyện Mật tông và phạm phải những vi phạm gốc rễ nghiêm trọng nhất.
Sự sa đọa căn bản thứ hai liên quan đến việc mâu thuẫn hay bôi nhọ giáo lý của chư Phật hoặc của đạo sư. Điều thiết yếu là những người theo Kim Cương thừa phải ghi nhớ lời dạy và áp dụng chúng vào thực hành một cách tinh cần siêng năng. Họ nên tránh tìm kiếm lỗi lầm trong chính giáo lý hoặc ở những người trình bày chúng.
Bởi vì Kim Cương thừa được thiết lập dành cho những người có lòng từ bi và trí thông minh đặc biệt, những người mong muốn trở thành Phật vì động cơ vị tha, nên việc tranh cãi với những người khác trên cùng một lý tưởng là điều không nên làm. Nó không chỉ làm giảm giá trị những người thực hành Mật tông trong mắt người khác mà còn dẫn đến sự chia rẽ giữa họ và những phẩm chất tinh thần tiêu cực. Do đó, sa đọa căn bản thứ ba là tranh đấu với những hành giả Mật tông khác, và đồng tu thệ nguyện sẽ nuôi dưỡng những tình cảm tích cực đối với họ và phát triển những mối quan hệ cùng có lợi và hài hòa với họ. Do đó, ngài Kalu Rinpoche thường hay nhắc nhở rằng:
“Cãi vã, hận thù, cạnh tranh, thái độ ác ý với nhau, cãi vã và bất hòa giữa chúng ta và những người này hoàn toàn không nằm trong quan điểm của samaya (lời nguyện). Chúng ta phải tôn trọng mối liên kết rất quan trọng mà chúng ta có với những người này thông qua cam kết của chúng ta với Kim Cương thừa. Sự ràng buộc tồn tại và chúng ta phải cố gắng thúc đẩy sự hòa hợp và hòa hợp lẫn nhau, giúp đỡ và mang lại lợi ích lẫn nhau càng nhiều càng tốt giữa Tăng đoàn kim cương.”[11]
Khi một người nhận quán đảnh Mật thừa, người đó trở thành một phần của cộng đồng và phải coi những người Mật tông khác như “cộng đồng đạo hữu Kim Cương thừa” của mình. Cộng đồng trực tiếp của một người bao gồm những người thuộc dòng truyền thừa cụ thể của họ, những người đã nhận quán đảnh từ cùng một Lạt ma, và những người thường xuyên thực hiện cùng một nghi quỹ. Cảm giác thuộc về có thể khác nhau đáng kể giữa các nhóm, và một số người nhận quán đảnh có thể xem chúng như một hình thức ban phước và không thực hiện các cam kết thực hành Mật thừa. Tuy nhiên, hầu hết những hành giả nghiêm túc đều coi bản thân họ được liên kết chặt chẽ, bởi những mối liên hệ của họ với những người khác, những người đã nhận những quán đảnh tương tự từ cùng một vị Lạt ma, và nhiều nhóm thường xuyên tụ tập để thực hành chung. Đối với nhiều người theo Mật tông, các thành viên trong cộng đồng của họ tạo thành một nhóm hỗ trợ cho việc thực hành tôn giáo.
Những hành giả Mật tông nên cam kết sâu sắc với Bồ tát giới để làm việc vì lợi ích của tất cả chúng sinh không có ngoại lệ. Những ai đi sai lệch khỏi nguyên tắc này sẽ phạm tội sa đọa căn bản thứ tư. Đây là một giới nguyện đặc biệt khó giữ, bởi vì nó bị vi phạm không chỉ bởi những hành vi có hại, mà ngay cả bởi những ý nghĩ hay ý định tiêu cực. Bồ tát nên tìm cách giúp đỡ người khác trong mọi hoàn cảnh và tránh làm hại họ, điều này đòi hỏi chánh niệm thường xuyên và lòng bi mẫn kiên định.
Sự sa đọa căn bản thứ năm có liên quan đến sinh lý thần bí của Mật tông, vốn cho rằng sự tồn tại của những giọt vi tế cư trú trong các luân xa. Hai giọt quan trọng nhất trong số này là giọt đỏ và giọt trắng mà mỗi người lần lượt thừa hưởng từ cha và mẹ. Những người làm tổn hại những giọt này là phạm tội sa đọa căn bản thứ năm. Điều này xảy ra theo nhiều cách, và đặc biệt là do ham muốn thỏa mãn giác quan. Vì điều này, những hành giả Mật tông nên tránh hoạt động thỏa mãn bất hợp pháp, những người tìm cách truyền năng lượng của ham muốn thỏa mãn như một sự trợ giúp trong lộ trình tu tập.
Để phù hợp với bản chất phi giáo phái của Kim Cương thừa, các hành giả nguyện không bôi nhọ giáo lý và sự tu tập hành trì của các dòng truyền khác. Nếu không được như vậy là người phạm vào tội lỗi căn bản thứ sáu.
Mật tông là một hệ thống bí mật chỉ nên được tiết lộ cho những người chứng tỏ rằng họ phù hợp để thọ nhận giáo lý, và sau đó chỉ được tiết lộ bởi một đạo sư Kim Cương thừa đầy đủ phẩm chất. Những người tiết lộ những bí mật cho những người chưa đồng tu, những người chưa sẵn sàng tiếp nhận chúng hoặc những người sẽ bị chúng làm hại là phạm tội căn bản thứ bảy.
Mặc dù chúng sinh bình thường có thân thể vô thường, dễ bị thoái hóa, bệnh tật, già và chết, nhưng họ có thể thực hành Kim Cương thừa và trở thành Phật. Như vậy, vi phạm tội lỗi căn thứ tám liên quan đến việc xem năm uẩn tạo nên nhân cách tâm sinh lý là bất tịnh và ô nhiễm. Những hành giả Mật tông nên rèn luyện cách xem mình như những vị Phật giác ngộ viên mãn, với thân, khẩu và ý hoàn hảo của một vị Phật. Nghĩ về cơ thể như bị ô nhiễm sẽ là một trở ngại cho quá trình quán tưởng và vì thế nên tránh điều ấy. Đó là một tội lỗi lớn.
“Bởi vì Kim Cương thừa coi mọi thứ đều thiêng liêng. Mọi hình tướng đều là một dạng thần thánh, mọi âm thanh đều là âm thanh của Thần chú, và mọi ý nghĩ và nhận thức đều là thực hành thiêng liêng của nhận thức siêu việt… Tiềm năng thiêng liêng đó tồn tại trong khuôn khổ hiện tại của chúng ta… của năm uẩn. Thừa nhận các uẩn tâm-vật lý của một cá nhân là tiềm năng của chư Phật… là nhận ra rằng, trong Mật tông, tiềm năng chuyển hóa đó tồn tại trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Đánh giá thấp tiềm năng đó như một cái gì đó vô dụng, bất tịnh hay bất thiện là một sự tội lỗi căn bản, một mâu thuẫn cơ bản, theo quan điểm của thực hành Mật thừa.”[12]
Bởi vì Mật tông đòi hỏi sự lập nguyện kiên cố và nỗ lực bền bỉ, nên con người ta bắt đầu hứa nguyện sẽ duy trì niềm tin vững chắc. Những ai nảy sinh nghi ngờ về quyết định nhập vào Kim Cương thừa của mình thì phạm tội căn bản thứ chín.
Đôi khi các vị Bồ tát thượng thủ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn vì lợi ích của người khác. Có những câu chuyện trong văn học Phật giáo về các vị Bồ tát thượng thủ có khả năng biết được tâm người khác và nhận ra rằng một số người chắc chắn sẽ phạm phải những hành động bất thiện lớn lao, dẫn đến đau khổ cho chính họ và tha nhân. Những vị Bồ tát như vậy đôi khi chọn cách cứu chúng sinh xấu ác bằng cách sát tặc để ngăn cản chúng thực hiện kế hoạch của mình. Điều này được gọi một cách hoa mỹ là “sự giải thoát”. Bởi vì người bị sát được giải thoát khỏi những tiêu cực trong hoàn cảnh sống hiện tại của mình. Nếu việc giải thoát được thực hiện trên tinh thần từ bi chân thật thì sẽ mang lại một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn cho người được giải thoát. Điều này chỉ nên được thực hiện bởi những người đã đạt đến trình độ nhận thức cao, để họ có thể trực tiếp nhận thức được dòng tâm thức của người khác và dự đoán chính xác tương lai của họ. Khi những chúng sinh như vậy nhận ra một tình huống có khả năng tai hại và không hành động để ngăn chặn nó, họ đắc tội căn bản thứ mười.
Văn học Phật giáo thường hay đề cập không nên giữ quan điểm cực đoan, vì chúng gây ra thành kiến và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Điều quan trọng nhất trong số này là quan điểm về sự thường hằng và quan điểm về chủ nghĩa cực đoan (thường kiến và đoạn kiến). Người trước ngây thơ tin rằng mọi thứ người ta trải nghiệm đều là thật, trong khi người kia hiểu sai khái niệm về tánh không khi nghĩ rằng nó có nghĩa là không có gì tồn tại. Quan điểm thứ hai nguy hiểm hơn, vì nó có thể khiến người ta tin rằng hành động của mình không có kết quả, phủ nhận khả năng giải thoát, và do đó từ bỏ con đường và tham gia vào các hoạt động có hại. Những ai nắm giữ một trong hai quan điểm cực đoan này sẽ phạm vào tội lỗi căn bản thứ mười một.
Điều tội lỗi căn bản thứ 12 là do những hành giả Mật tông từ chối dạy cho những người tìm kiếm sự hướng dẫn từ họ và những người đủ tư cách thọ nhận. Khi ai đó có niềm tin chân thành và động lực đúng đắn yêu cầu được hướng dẫn, nhiệm vụ của những bậc lão thông Mật thừa là dạy họ. Không làm như vậy là phạm vào sự sa đọa căn bản thứ mười hai.
Những người nhập môn Mật tông rèn luyện sự hiểu biết rằng, không có gì vốn là ô uế hay thanh tịnh, và rằng tất cả ý tưởng của chúng ta về những điều như vậy chỉ dựa trên quan niệm sai lầm. Để làm suy yếu sự bám víu của chúng ta vào những ý tưởng như vậy, các nghi lễ Mật thừa đôi khi liên quan đến việc tiêu thụ một lượng nhỏ các chất thường được coi là bất tịnh. Những người từ chối tham gia vào các điều này vẫn bị dính chấp vào một quan điểm hạn chế về thực tại. “Bởi vì họ đã không đánh giá cao quan điểm của Mật tông vốn cố gắng vượt qua sự thanh tịnh và bất tịnh, nỗ lực vượt qua suy nghĩ nhị nguyên… Chìm đắm trong kiểu bám víu hời hợt, nhị nguyên này vào các hình tướng trong quá trình thực hiện một nghi lễ Mật thừa là phạm vào sự sa đọa căn bản thứ mười ba này và đi ngược lại tinh thần thực hành Mật thừa của chúng ta.”[13]
Trong văn học Mật thừa, phụ nữ gắn liền với trí tuệ, và vì vậy những người thực hành Mật tông được cảnh báo không nên chê bai bất kỳ người phụ nữ nào, bằng lời nói hoặc tinh thần. Những người làm như vậy sẽ phạm tội căn bản thứ mười bốn.
Tham khảo & chú thích
[1] Khenchen Konchog Gyaltshen Rinpoche (Author), Katherine Manchester Rogers (Editor, Translator), The Garland of Mahamudra Practices, New edition Publications: Shambhala, 2002, tr. 58.
[2] Kalu Rinpoche, The Gem Ornament of Manifold Oral Instructions, Snow Lion Publications: Ithaca, 1986, tr. 73.
[3] Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra, Wisdom Publications: Boston, 1987, các tr. 97.
[4] Jikmé Lingpa, The Dzogchen Innermost Essence Preliminary Practice, Library of Tibetan Works and Archives: Dharamsala, 1982, tr. 64.
[5] Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra, Wisdom Publications: Boston, 1987, các tr. 101.
[6] Kalu Rinpoche, The Gem Ornament of Manifold Oral Instructions, Snow Lion Publications: Ithaca, 1986, tr. 69.
[7] Một ví dụ là câu chuyện về vị thầy Ấn Độ Santipa (khoảng thế kỷ XI stl, là 1 trong 84 vị đại thành tựu), người có kiến thức sâu rộng về văn học Phật giáo, nhưng không thể áp dụng giáo lý vào thực hành. Một trong những đệ tử của ngài đã nhận được những chỉ dẫn của ngài và sau đó nhập thất thiền định xuyên suốt trong ba năm, trong thời gian đó vị đệ tử ấy đã giác ngộ nhờ các thực hành bao gồm: việc quán tưởng Santipa, đạo sư tôn kính của hành giả ấy, như một vị Phật giác ngộ hoàn toàn. Mặc dù không phải vậy, nhưng bản thân người đệ tử đã giác ngộ nhờ thực hành và sau đó vị ấy quay lại thăm thầy Santipa. Tuy nhiên, Santipa thậm chí còn không nhớ đến người đệ tử, nhưng khi nhận ra rằng người đệ tử đã giác ngộ nhờ thực hành những lời dạy của mình, thầy Santipa có vẻ hối hận vì đã không thực hành những gì mình đã thuyết giảng, và sau đó đã có lời yêu cầu người đệ tử cho phép mình trở thành đệ tử. Sanntipa cuối cùng cũng đã thức tỉnh. Xem thêm Keith Dowman (Author), Abhayadatta (Author), Hugh Downs (Illustrator), Masters of Mahamudra: Songs and Histories of the Eighty-Four Buddhist Siddhas, State University of New York Press, 1986.
[8]Khenchen Konchog Gyaltshen Rinpoche (Author), Katherine Manchester Rogers (Editor, Translator), The Garland of Mahamudra Practices, New edition Publications: Shambhala, 2002, các tr. 37-38.
[9] Daniel Cozort, Highest Yoga Tantra, Snow Lion Publications: Ithaca, 1986, các tr. 36-37.
[10] Mười bốn lỗi căn bản sa đọa phá bể samaya: 1. Về hành động hay lời nói, làm tổn hại Kim cương thượng sư, hay chất chứa sự hiểu lầm về ngài. 2. Đi ngược giáo lý của đức Phật và những chỉ dẫn của đạo sư. 3. Phát triển mạnh mẽ các phiền não, xúc tình tiêu cực hướng về chúng sinh đặc biệt là cộng đồng đạo hữu Kim cương thừa. 4. Từ bỏ tâm Bồ đề và sự thực hành từ bi đối với chúng sinh. 5. Đi lạc vào sự bám chấp về dục lạc và từ bỏ Bồ đề tâm. 6. Bác bỏ các truyền thống, truyền thừa hoặc tôn giáo khác vì động cơ muốn được nhiều sự tôn kính cho bản thân. 7. Tiết lộ bí mật Mật thừa cho những người chưa chín muồi về mặt tâm linh, dẫn đến kết quả là sự hiểu lầm giáo pháp. 8. Làm tổn hại thân thể mình và chúng sinh khác. 9. Nghi ngờ chân lý tuyệt đối. 10. Từ chối không làm những hoạt động mạnh mẽ khi cần thiết để tránh những kết quả mang tính hủy diệt do năng lực xấu gây ra, như là không sẵn sàng cứu giúp chúng hữu tình mặc dù bản thân có khả năng. 11. Những nghi ngờ liên quan đến ý nghĩa của Như thị. 12. Phiền nhiễu chúng sinh khác do những điều liên quan đến cái Tôi. 13. Kiềm chế những hành xử chính đáng khi thích hợp, như là không sẵn sàng chấp nhận thực hành thích hợp, thiết yếu khi được yêu cầu. 14. Lạm dụng phụ nữ hoặc coi họ như kẻ thấp kém.
[11] Kalu Rinpoche, The Gem Ornament of Manifold Oral Instructions, Snow Lion Publications: Ithaca, 1986, tr. 123.
[12] Sđd, các tr. 124-125.
[13] Sđd, tr. 126.