Bài 8: Tam Mật Tương Ưng Tức Thân Thành Phật

1. Định nghĩa tam mật là gì?

Thân mật, nghĩa là phải giữ gìn thân thể luôn sạch sẽ. Trang nghiêm về hình tướng, thanh tịnh về giới đức, cẩn thận tránh vi phạm dù một lỗi nhỏ nếu xem thường coi nhẹ, phòng ngừa các nghiệp bất thiện (sát, đạo, dâm) và trong khi hành lễ mỗi động tác cử chỉ đều là khế ấn.

Khẩu mật, miệng phải thanh tịnh, phải kiêng cử các món ăn uống không lành mạnh, hợp vệ sinh; nói năng chân thật thiện cảm, không nói những lời gây mất đoàn kết, có ẩn ý chia rẽ nội ngoại bộ, xa lìa ô tội vọng ngữ; trong khi hành trì mỗi lời nói, âm thanh đều là thần chú.  

Ý mật, là giữ tâm ý trong sạch, trạng thái chánh niệm, xa lìa các ý nghĩ bất thiện như tâm tham lam, sân hận và tà kiến; lúc quán tưởng thì mỗi mỗi ý niệm đều nhiếp với Bổn tôn trong mạn đà la. Nói tóm lại, thân mật là giữ gìn tịnh giới trong sạch, khẩu mật là chuyên nhất trì tụng thần chú và ý mật là dứt trừ vọng niệm chuyên quán tưởng.

Tương ưng là ứng nhập với chư Phật, Bồ tát, bổn tôn, đạo sư, chư thần. Có nghĩa là một khi thân, khẩu và ý của hành giả trở nên thuần thục, thì mới đủ cơ sở điều kiện dung nhiếp với thân, khẩu và ý của Bổn tôn, cả hai là 1 thể bất khả phân ly, gọi là tương ưng. Thông thường chúng ta hiểu chữ ‘tương ưng’ ở đây là làm cho giống, tương xứng, khế hợp hay thành thân, khẩu, ý của chư Phật, Bổn tôn, đó là nói về lý, còn về sự thì phải chú tâm chuyên nhất thực hành. Cho nên, hành giả mật thừa phải dùng 3 phương tiện mật môn của mình để:

+ Chuyển  “Sắc thân” hiện tại này thành “Pháp thân”, đó là Thân mật.

+ Đưa cái ngôn ngữ giới hạn phàm tình này trở lại với thực tướng của nó, ly danh tự, ly ngôn ngữ, ly tư duy, ly phân biệt, ly tâm duyên, ly tướng trạng về chỗ xuất sanh vô lượng, vô biên nghĩa, vì rốt cùng âm thanh chính là thực tướng, và ngôn ngữ chính là chân lý, đó là Khẩu mật.

+ Chuyển “Thức” thành “Trí” vô lậu đó là ý mật.

Cho nên, tam mật là nền tảng căn bản trong hành trì mật tông; sự phản chiếu thân, khẩu và ý của hành giả và Phật vào nhau là bản chất của nguyên lý tức thân thành Phật. Nói khác, tương ưng là sự thống nhất giữa 3 phương tiện tác nghiệp thân, khẩu, ý và là sự hòa nhập giữa chủ và khách trong nghi thức hành trì. Nên biết rằng, trong tam mật thì thân, khẩu và ý mật đều có chức năng vai trò quan trọng như nhau, và đóng góp nhất định trong quá trình hành trì, nếu thiếu 1 trong 3 phương tiện đó thì pháp tu khó thành tựu được, có nghĩa là: thân thể tác động qua điệu bộ, nhất là của hai bàn tay, được diễn theo lời thần chú sẽ tạo nên thái độ tâm linh phù hợp theo một điểm. Miệng (khẩu) đọc các mantra (thần chú), âm thanh biểu tượng là hiện tượng thiêng liêng làm cho rung động nội tâm của hành giả. Tâm ý thì quán tưởng mạn đà la, tạo thành một thể thống nhất để thể nhập Tam mật của Phật.

Nên nói Tam mật tương ưng hay Tam mật du già là nguyên lý căn bản nhất của Mật tông có nghĩa là vậy.

2. Phân loại

Về phương diện cơ bản, có 2 cách để phân loại tam mật tương ưng như sau:

1- Dựa vào mối quan hệ chủ và khách, có 2 loại: nội tương ưng và ngoại tương ưng.

+ Nội tương ưng, chỉ cho sự hợp nhất giữa thân, khẩu và ý của hành giả. Tức là thân thanh tịnh tay kiết ấn, khẩu tụng chú và ý quán tưởng mạn đà là.

+ Ngoại tương ưng, chỉ cho mối liên hệ giữa hành giả với Bổn tôn, tức là thân, khẩu, ý của hành giả với thân, khẩu, ý của Bổn tôn hợp nhất, tuy hai nhưng mà một. Mọi tác nghiệp của hành giả luôn thuần tịnh, thiện mỹ như Bổn tôn và cũng chính là Bổn tôn ở trong hành giả. Nói khác đi, trong cái nhất chân pháp giới không hai hình tướng, ý niệm.

2- Dựa vào tính chất của tam mật, có 2 loại: tướng tương ưng và vô tướng tương ưng.

+ Tướng tương ưng là cấp độ thấp, khi hành giả còn phải nương vào khế ấn, thần chú và mạn đà la để hành trì.

+ Vô tướng tương ưng là cấp độ cao, khi hành giả thực sự thuần thục và mọi hành vi, ngôn thuyết và ý niệm đều là tương ưng với nhau. Nghĩa là, khi đạt đến vô tướng mật thì mọi văn tự, danh tướng, ngôn ngữ, hình dáng đều là chân ngôn, mọi cử động đều là khế ấn và mọi ý nghĩ đều là quán tưởng mạn đà la. Mỗi mỗi danh ngôn văn tự, hành động và tư duy của hành giả đều là Bổn tôn.

3. Mục đích

Đối với hành giả tu theo mật thừa, điều căn bản đầu tiên nhất là phải thanh tịnh tam mật (thân, khẩu, ý mật), mới có đủ cơ sở để tương ứng với Bổn tôn.Bất kỳ một tác nghiệp nào thông qua 3 phương tiện, hoặc thuộc về thân hoặc thuộc về miệng  hay thuộc về ý mà cấu nhiễm – khởi bất tịnh nghiệp thì sẽ không tạo được nguồn năng lượng kết nối với Bổn tôn. Vì sao? Vì thân, khẩu, ý của chư Phật, Bồ tát, Bổn tôn luôn thanh tịnh, mà hành giả bất tịnh thì không thể khế hợp được.

Trong quá trình hành trì, nếu hành giả miệng đọc thần chú mà tâm không nhập đàn quán tưởng mạn đà la, hoặc thân không duyên khế ấn, (có nghĩa là tâm bị xao lãng, thất chánh niệm) thì vẫn không thể gọi là thanh tịnh được, vì tam nghiệp không hợp nhất và chỉ có khẩu mật (tụng thần chú) mà thiếu đi thân mật (khế ấn) và ý mật (quán tưởng mạn đà la). Tương tự cho trường hợp thân mật (khế ấn) và ý mật (quán tưởng mạn đà la) mà khẩu không trì tụng thần chú. Nói khác hơn, thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong tam mật thì hành giả được coi là không thanh tịnh, chưa đủ thẩm quyền để thể nhập Bổn tôn.

Ngoài ra, Tam mật tương ưng được coi là cội nguồn của thành tựu mọi sở cầu. Hành giả nếu thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong Tam mật thì mọi nghi thức đều trở nên vô ích, không có hiệu quả, bởi lẽ thiếu ngữ mật chân thành, ý mật kiên quyết và thân mật nỗ lực tinh chuyên. Ba sự thiếu sót này sẽ dẫn đến mọi thất bại. Do đó, để không phí công vô ích thì hành giả mật tông khi trì chú cần phải duyên theo khế ấn và quán tưởng mạn đà la. Tương tự khi kiết ấn hay quán tưởng, đều phải kiện toàn đầy đủ yếu tố còn lại. Nếu khẩu trì tụng thần chú, mà ý phan duyên theo trần cảnh ngoại lai tham sân si các phiền não lậu hoặc, thì chẳng những công phu bất thành mà còn mang lại những tác hại nhất định.

Như chuyện kể về Hòa thượng Châu Lâm gia trì đàn tràng chẩn tế tại chùa Diệu Đế (Huế), khi tụng chú biến thực biến thủy đã chợt nghĩ đến chùm chìa khóa bị bỏ quên, nên toàn bộ thức ăn nước uống đều biến thành kim loại, loài quỷ đói không thọ nhận được. Lễ đàn thí thực đó trở thành vô ích, tiêu hao của Đàn na.

Một giá trị khác của tam mật tương ưng là giúp hành giả dừng chỉ các ác nghiệp bất thiện. Khi chuyên nhất vào Mật pháp đang hành trì, thì ba cơ quan tạo nghiệp (thân, khẩu và ý mật) sẽ luôn thành thục thiện pháp, nên loại bỏ được các hành bất thiện, lời nói không đúng, ý niệm xấu ác. Hành giả nhờ đó làm chủ được các tác nghiệp của mình. Thân, khẩu, ý của hành giả khi tương nhiếp với thân, khẩu, ý của Bổn tôn thì không đâu là không thuần thiện, giúp cho hành giả hiện đời thân tâm được an lạc. Điểm này làm nổi bậc sự khác biệt rõ rệt giữa Mật tông Phật giáo với tà thuật ngoại đạo.

Hành giả Mật tông không sử dụng chú thuật cho các mục đích làm tổn hại đến các loài quỷ thần hay tha nhân, mà phải vận dụng tâm từ bi để hóa độ cứu tế chúng sanh khổ, có được như vậy thì mới đúng với con đường chánh mật. Ngang đây, chúng ta cũng đủ cơ sở để thấy rằng, khi thân mật, khẩu mật và ý mật của hành giả được trở nên thanh tịnh, thì mọi ác pháp bất thiện, trần cảnh lao xao cũng không thể nào phá hoại xâm nhập được, bởi vì nội ma bất khởi thì ngoại ma làm sao quấy phá được.

Cuối cùng tu tam mật tương ưng để mau giác ngộ giải thoát, bởi hành giả sẽ tạo nền tảng cho tuệ giác mau chóng phát sinh. Bằng cách trưởng dưỡng tâm, an trụ tâm vào mọi hành vi cử chỉ và nói năng của mình thì làm chủ được các tham đắm, si mê, cho đến các chướng ngại khác trên con đường tu mật. Trì chú và kiết ấn giúp tâm quán tưởng chuyên nhất, chuyển hóa các si tâm loạn thức thành ngũ trí Như Lai.[1]

Quan trọng hơn hết, hành giả tu theo Mật tông là rút ngắn được lộ trình giải thoát, bởi trong tương ưng với Bổn tôn thì mọi hành nghiệp đều là Phật sự, tâm giải thoát. Mọi hành vi lời nói, ý nghĩ đều là của Bổn tôn. Hành giả đồngnhất với Tỳ lô giá na thông qua thân, khẩu, ý mà nhờ đó nhận ra được thực tánh của mình.[2] Tam mật vốn tương ưng từ vô thủy, là Phật tánh. Thân mật là chủng tử của Phật thân, khẩu mật là chủng tử của Phật ngữ và ý mật là chủng tử của Phật ý.

Về sự mà nói, khi thân và tâm tương ưng thì khí thể điều hòa, đạt định dễ dàng. Về lý, thân và tâm tương ưng đạt được bất tử, bởi do thân và tâm không tách biệt nhau.[3]


Tham khảo & chú thích

[1] Ngũ trí Như Lai là 5 vị Phật tối cao của Phật giáo Tây Tạng: 1, Đại Nhật Như Lai (Vairochana); 2, A Súc Bệ Như Lai (Akshobhya); 3, Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava); 4, A Di Đà Như Lai (Amitabha); 5, Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) .

[2] Baruah, Bibhuti, Buddhist Sects and Sectarianism, Delhi  Sarup & Sons, 2000, tr. 169.

[3]  Geshe Kelsang Gyatso, Tantric Grounds and Paths: How to Enter, Progress on and Complete the Vajrayana Path, Published by Motilal Banarsidass: Delhi, 2000, các tr. 115-116.

Mật Tông