I- Giới thiệu
Mật tông là 1 trong 10 tông phái của Phật giáo,[1] bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, được hình thành vào khoảng thế kỷ V, VI stl tại Ấn Độ.
Trong bài này, người học sẽ tiếp cận Mật tông trong các Quốc gia tiêu biểu, để có một cái nhìn nhất quán về Mật tông Phật giáo.
II- Nội dung
1. Tây Tạng
Trước khi Mật giáo được truyền vào Tây Tạng, người dân bản địa chưa có một tôn giáo nào đậm nét. Lúc đó, vùng đất chỉ có đạo Bön là đạo giáo cổ truyền của dân bản xứ. Thời bấy giờ, người ta chỉ biết thờ cúng chư thần kể cả hung thần, ác quỷ, cầu xin van vái mới được yên ổn. Pháp môn Mật tông truyền vào Tây Tạng muộn hơn Trung Quốc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII stl, Tạng vương Khri-srong-lde-brtsan (740-786 stl) đã thỉnh mời 2 vị cao tăng Ấn Độ là Đại Sư Padmasambhava và Śāntarakṣita sang Tây Tạng.
Tại đây Kim Cương thừa đã hòa nhập với Phật giáo Đại thừa sẵn có của Tây Tạng và được gọi là Lạt ma giáo.
Tây Tạng có 5 tông phái Mật tông chính đó là:
1. Phái Nyingmapa (phái mũ đỏ) còn gọi phái Cổ mật của Phật giáo Tây Tạng, có lâu đời nhất trong số năm tông phái và lớn thứ hai sau tông phái Gelugpa. Nyingmapa trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “cổ đại” và có nguồn gốc từ thế kỷ VIII stl, khi tôn giáo Bön bản địa được người Tây Tạng tôn sùng mạnh mẽ. Tông phái Cổ mật còn được gọi là phái mũ đỏ (red hat), bởi vì các Lạt ma của tông phái này mặc y phục và đội mũ màu đỏ. Tư tưởng, giáo lý của tông phái Nyingmapa chủ yếu dựa trên những lời dạy của Đại sư Padmasambhava; được gọi là Đạo sư Guru Rinpoche và Đại sư Śāntarakṣita, người được mời đến Tây Tạng thông qua triều đại của Hoàng đế Khri-srong- lde-brtsan. Tông phái này được chia nhỏ thành một số tông phái “dựa trên việc áp dụng các các mật điển khác nhau.” Nổi bật trong số đó là Dorje-tak-pa, Nindol-lin-pa, Kar-tok-pa và Na-dak-pa. Về mặt truyền thống, Nyingmapa có ba dòng truyền chính: 1. Dòng lịch sử Kama[2] (Bka-ma); 2. Dòng trực tiếp Terma[3] (Gter-ma) và 3. Dòng kiến chứng Dagnang[4] (Dag-snang).
Đầu tiên là dòng truyền thừa lịch sử Kama, được truyền đi mà không bị gián đoạn từ thầy đến đệ tử, từ đức Phật nguyên thủy, Phổ Hiền Bồ tát (S. Samantabhadra; T. Kun-tu bzang-po) qua Đạo sư Padmasambhava và các bậc thầy vĩ đại khác. Thứ hai là dòng Terma, được truyền bởi Đạo sư Padmasambhava cho các thế hệ đệ tử trong tương lai. Sau khi ban những phép quán đảnh (S. Abhiṣeka; T. Rang-dbang), chỉ các hướng giải thoát cho các đệ tử của mình, Đạo sư Padmasambhava đã giao phó những giáo lý đặc biệt cho mỗi người và bí truyền một cách kỳ diệu ở những nơi khác nhau như: đền thờ, hình tượng, bầu trời, đá và hồ. Ngài tiên tri rằng, trong tương lai những đệ tử này sẽ tái sinh, đem những giáo lý từ nơi bí truyền của họ để truyền bá đến những nơi xa và rộng làm lợi ích cho chúng sinh, những vị Lạt ma tái sinh như vậy được gọi là Terton. Trong thời gian thích hợp, một Terton có tầm nhìn hoặc dấu hiệu chỉ ra cách thức và nơi để tái sinh. Ngoài ra, trong trường hợp về mặt “tâm trí” những lời dạy không được khai quật về thể xác mà phát sinh trong tâm trí Terton, những bậc thầy như vậy đã xuất hiện trong suốt nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Trong trường hợp thứ ba, đó là dòng Kiến chứng Dagnang, Đạo sư Padmasambhava xuất hiện với Terton và đích thân nói chuyện với vị đó.
Tông phái Cổ mật chia toàn bộ Phật pháp từ kinh điển đến mật điển thành chín phần đó là ba Hetulaksanayānas và sáu Phalavajrayānas. Ba Hetulaksanayānas là Thanh văn thừa (S. Śravakayāna), Duyên giác thừa (S. Pratyekabudhayāna) và Bồ tát thừa (S. Bodhisattvayāna). Sáu Phalavajrayānas là ba Mật điển bên ngoài và ba Mật điển bên trong. Ba Mật điển bên ngoài[5] là sự mật (Kriyāyoga), hành mật (Caryāyoga) và du già mật (Yogātantra); ba Mật điển bên trong[6] là Mahāyoga (Đại du già), Anuyoga (A nậu du già) và Atiyoga (Đại viên mãn).
Nhiều ngôi sao sáng đã xuất hiện trong dòng truyền thừa Cổ mật, trong số đó có Gyalwa Longchen Rabjampa (1308-1363), người đầu tiên viết ra và biên soạn một cách có hệ thống những giáo lý của Đại toàn thiện,[7] những giáo lý tối thượng của Mật điển về bản chất của tâm và pháp. Minling Terchen Gyurme Dorje (1646-1714) cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và thu thập toàn bộ dòng truyền Cổ mật về kinh điển. Ngoài ra, còn có các vị Đại sư khác rất nổi tiếng như: Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798), Patrul Rinpoche (1808-1887), Lama Mipham (1846-1912), Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và Jamgön Kongtrül Lodrö Thayé (1813-1899). Phái Cổ mật cảm thấy rằng dòng truyền thừa của họ đại diện cho những giáo lý chân thực, và đầy đủ nhất của những vị Đạo sư đầu tiên đã truyền bá Phật giáo đến “vùng đất tuyết”.
Một số Tu viện (Dgon-pa) lớn của tông phái Cổ mật được biết đến như:
(a) Tu viện Dorje drak (T. རྡོ་རྗེ་བྲག་།).
(b) Tu viện Dzogchen (T. རྫོགས་ཆེན་།).
(c) Tu viện Kathok (T. ཀཿ་ཐོག་།).
(d) Tu viện Midroling (T. སྨིན་གྲོལ་གླིང་།).
(e) Tu viện Palyul (T. དཔལ་ཡུལ་།).
(f) Tu viện Shechen (T. ཞེ་ཆེན་།).
Dòng truyền thừa Cổ mật được cho là có “sáu tu viện mẹ”, mặc dù các tu viện đã thay đổi theo thời gian. Cũng cần lưu ý, tu viện Samye (T. Bsam-yas; H. 桑耶寺) là tu viện đầu tiên ở Tây Tạng, được thành lập bởi Đạo sư Padmasambhava (T. Pad-ma byung-gnas) và Đại sư Śāntarakṣita (T. Zhi-ba ‘tsho).
2. Phái Sakyapa (phái mũ xám) của Phật giáo Tây Tạng khởi nguồn từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nguồn giáo pháp quan trọng nhất của truyền thống Sakyapa là hành giả vĩ đại người Ấn Độ Virupa (tk IX stl), một trong tám mươi bốn Đại thành tựu[8] (S. Caturaśītisiddha; T. Drup-top-gyé-chu-tsa-zhi) và sự thành tựu vi diệu nhất thông qua Đạo sư Gayadhara (994-1043) tới đệ tử người Tây Tạng là Drokmi lotsawa Shakya Yeshe (992-1072). Đạo sư Drokmi lotsawa đã truyền lại cho đệ tử là Khön Könchok Gyalpo (1034-1102), người đã xây dựng tu viện vĩ đại ở vùng T-sang, miền trung Tây Tạng. Khu vực này có rất nhiều đất màu xám, nên về sau vị trí này được gọi là “Trái đất xám” Sakya.
Đạo sư Khön Könchok Gyalpo là người thành lập tông phái Sakyapa vào năm 1073 và pháp tử của ngài là Künga Nyingpo (1092-1158), đóng một vai trò quan trọng trong việc hệ thống hóa giáo lý Sakyapa. Hơn nữa, dòng truyền thừa Sakyapa nhấn mạnh các khía cạnh Mật giáo và Hiển giáo. Có thể nói rằng, phái mũ xám phần lớn còn nhiều hạn chế so với tông phái mũ đỏ và mũ vàng. Nhưng dù sao đi nữa, dòng truyền thừa Sakyapa vẫn còn tồn tại đến ngày nay và dòng truyền thừa này bao gồm ba truyền thống chính đó là:
(a) Dòng truyền thừa chính Sakya
Tông phái Sakyapa thuộc dòng truyền thừa Khön là dòng truyền gốc, sau đó phân nhánh thêm hai phái là Ngorpa và Tsarpa. Đây là ba truyền thống hoặc tông phái chính trong truyền thống Sakyapa được gọi là “Sa-Ngor-Tsar-Sum”.
(b) Dòng truyền thừa Ngorpa
Đạo sư Ngorchen Kunga Zangpo (1382-1457) và các bậc thầy liên tiếp như Könchok Lhundrup (1497-1557), Thartse Namkha Palsang và Drubkhang Pelden Dhondup là những bậc thầy chính của dòng truyền thừa Ngorpa, trong đó dòng truyền này nhấn mạnh đến truyền thống tu viện và những pháp thực hành về giới luật.
(c) Dòng truyền thừa Tsarpa
Đây là dòng truyền thừa xuất phát từ Đạo sư Tsarchen Losal Gyatso (502-1566), còn được gọi là “dòng truyền thừa khẩu truyền Tsar”. Điểm chính không kém phần quan trọng của dòng truyền thừa này là nói về 13 bản kinh vàng của Tsar, bao gồm các học thuyết bí mật của Mahākāla (T. Nak-po chen-po) lớn hơn hoặc nhỏ hơn, Vajra Yogini (T. Rdo-rje rnal-byor ma), Jambhala và những Bổn tôn (T. Yi-dam) khác, đây được gọi là truyền thống Tsar. Dòng Sakyapa cũng thành lập một số tu viện nhấn mạnh việc nghiên cứu kinh điển Phật giáo như tu viện Sakya là vị trí của Đạo sư Sakya Trizin, đặc biệt trong số những người nghiên cứu có Đại sư Tsongkhapa, người sau này sáng lập tông phái Gelugpa.
3. Phái Kagyupa (phái mũ trắng), là tông phái lớn thứ ba của Phật giáo Tây Tạng. Giáo lý của tông phái này được phiên dịch và truyền đến Tây Tạng bởi Đạo sư Marpa (1012-1096) vào thế kỷ XI (hình 3), người đã du hành đến Ấn Độ để học và thụ nhận giáo pháp từ người thầy Yogin Nāropā (1016-1100) (hình 4).
Trên hành trình tìm cầu Phật pháp, ngài đã trải qua không biết bao nhiêu gian lao thử thách, có lúc tưởng chừng như thất mạng, nhưng với lòng quyết tâm ngày đêm tinh tấn hành trì mật pháp, mọi sự cát tường luôn gia hộ cho ngài. Người đệ tử xuất sắc nhất mà sau này kế thừa giáo pháp của thầy mình là Milarepa (1040-1123).
Vào thế kỷ XII, ngài Gampopa Sönam Rinchen (1079-1153) đã tổng hợp những lời dạy của Marpa và Milarepa thành một tông phái độc lập, như tên gọi Kagyupa, chú trọng vào việc truyền dạy các giáo lý từ người thầy sang đệ tử, và thực hành thiền định gọi là “Đại thủ ấn” (S. Mahāmudrā; T. Phyag-rgya chen-po), nó cũng nhấn mạnh các thực hành Hatha yoga[9] để điều hòa giữa hai nguồn năng lượng chính trong cơ thể con người và năng lượng của vũ trụ. Ngoài ra, tiến xa hơn nữa, tông phái mũ trắng còn thực hành về sáu pháp yogi của Đạo sư Nāropā (1016-1100) được đặt theo tên của bậc thầy Ấn Độ, sáu yogi là: (1) nhiệt bên trong (Tum-mo); (2) thân giả tạm (Gyu-lü); (3) ánh sáng rõ ràng (Od-gsal); (4) giấc mơ (Rmi-lam); (5) thân trung ấm (Bar-do) và (6) vận chuyển tâm thức vào lúc chết (Pho-ba),[10] đó là những phương pháp thiền định một phần trùng hợp với những lời dạy trong “Tử thư Tây Tạng” (T. Bardo thodol).[11] Truyền thống Kagyupa còn cho chúng ta biết thêm về các tu viện ở tỉnh Kham miền đông Tây Tạng cụ thể là:
(a) Tu viện Palpung, chỗ ngồi của Tai Situpa và Jamgon Kongtrul.
(b) Tu viện Ralung, chỗ ngồi của Gyalwang Drukpa.
(c) Tu viện Surmang , chỗ ngồi của Trungpa Tülkus.
(d) Tu viện Tsurphu, nằm ở trung tâm Tây Tạng chỗ ngồi của Gyalwa Karmapa.
4. Tông phái Kadampa của Phật giáo Tây Tạng xuất hiện vào thế kỷ XI, vô cùng tích cực và đầy tính sáng tạo, thể nghiệm bằng con đường nuôi dưỡng lòng từ bi. Đạo sư Ấn Độ Atisha (982-1054) là người sáng lập nên tông phái này. Tuy nhiên, về phương diện thời gian chúng không tồn tại bền vững như một truyền thống độc lập, mà nó đã thâm nhập vào các trường phái khác và để lại tầm ảnh hưởng lâu dài.
Thuật ngữ “Kadampa” bắt đầu được sử dụng vào thế kỷ XII, để nói về các đệ tử của Đạo sư Atisha. ‘Ka’ có nghĩa là tất cả lời dạy của đức Phật; ‘dam’ là một bài pháp thoại thực tế về những lời dạy của đức Phật, có thể áp dụng trực tiếp cho xã hội hiện đại; và ‘Pa’ là chỉ cho con người. Vì vậy, Kadampa là người tích hợp những giáo lý của đức Phật vào cuộc sống hằng ngày của họ và cũng được xem là một phần di sản chung của tất cả người Tây Tạng, bao gồm cả việc truyền bá tín ngưỡng về Quán Thế Âm (S. Avalokiteśvara; T. Spyan-ras-gzigs), dù bất kỳ lịch sử nào của Kadampa cũng đều bắt đầu từ Đạo sư Atisha.
Đại sư Atisha (982-1054) là một nhà sư, học giả nổi tiếng đại diện của Phật giáo Ấn Độ. Ngài đến Tây Tạng bằng lời mời vào khoảng năm 1030 sau những người đệ tử xuất sắc của ngài, các đệ tử của ngài Atisha được biết đến như những người sáng lập tông phái Kadampa của Phật giáo Tây Tạng. Atisha là một vị tăng của phái Thuyết xuất thế bộ (S. Lokottaravāda; H. 說出世部) thuộc Đại chúng bộ (S. Mahāsāṃghika; H. 大眾部). Đặc biệt, ngài được đánh giá là một bậc thầy có tấm lòng nhân ái và thích hòa đồng, bằng tâm lực và nguyện lực, ngài luôn dành tất cả thời gian cho việc giảng dạy Giới luật (S & P. Vinaya; T. Dul-ba) tại tu viện Nyétang. Nhưng điều đáng tiếc không bao lâu sau đó, việc giảng dạy này bị hoãn lại bởi một lệnh cấm trước đây, đối với việc dạy bất kỳ Giới luật nào ngoài Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (S. Mulasarvāstivāda; H. 根本說一切有部).
Tông phái Kadampa không có hệ thống truyền giới Luật tạng của riêng họ, vì vậy đã làm cho những người đệ tử theo Kadampa đầu tiên phải phụ thuộc vào các truyền thống khác, do đó ít ảnh hưởng hơn vào thời điểm này. Trong suốt thời gian Đại sư Atisha hoằng truyền chánh pháp ở “vùng đất tuyết”, một số tu viện Kadampa do ngài thành lập và một số ít tu viện phụ thuộc vào Luật tạng phương Đông cũng được chấp nhận. Đặc biệt, ngài Atisha luôn nhận sự bảo trợ giúp đỡ của Luật tạng phương Đông, trong chuyến du hành của mình ở Tây Tạng, đây là điều rất quan trọng cho sự thành công của ngài trong thời gian về sau.
Hơn nữa, Đại sư Atisha cũng được xem là một bậc thầy sáng giá nhất trong bầu trời tâm linh của Phật giáo Tây Tạng, với những lời giáo huấn và tác phẩm kiệt xuất của ngài đã mang vào Tây Tạng “Đèn soi nẻo giác”[12] (S. Bodhi-patha-pradīpa; T. Byang-chub-lam-gyi-sgron-ma H. 菩提道燈論; E. The lamp for the path of awakening), đặt nền móng cho nhiều thế kỷ nghiên cứu, sự quán chiếu, chứng đắc và giác ngộ được dựa trên 84.000 bài pháp hay pháp uẩn (P. Dhamma-khandhas; T. Chos-kyi phung-po); H. 法蘊) mà đức Phật đã thuyết. Từ những lời dạy tinh túy của ngài Atisha nó sẽ trở thành xương sống của truyền thống Kadampa. Không những thế, sau này tông phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng đã kế thừa phát triển rộng rãi.
Thông qua những nỗ lực to lớn của Đại sư Atisha trong việc truyền bá Phật pháp ở “vùng đất tuyết”, tông phái Kadampa của Phật giáo Tây Tạng, cuối cùng đã được thành lập bởi đệ tử xuất sắc Dromtönpa.
Dromtönpa hoặc Dromtönpa Gyelwé Jungné (T. ‘Brom-ston-pa rgyal-ba’i ‘byung-gnas, 1004-1064) là một vị cư sĩ đệ tử xuất sắc của Đại sư Atisha. Dromtönpa đã từng học Trung quán (S. Mādhyamika; T. Dbu-ma-pa), các nghi lễ và Mật tông của phái Nyingmapa với một vị Lạt-ma tên là Trumkyi Khenbu Chenpo Setsun (grum-gyi mkhan-bu chen-po se-btsun). Ngài học tiếng Phạn và ngữ pháp với người thầy Paṇḍita Ấn-độ, đạo hiệu Smṛti-Jñānakīrti (T. Dran-pa ye-shes grags-pa; Chánh Niệm Tuệ Xứng, tk XI). Dromtönpa cũng là người thành lập tu viện Reting (热 振 寺) vào năm 1056 ở miền trung Tây Tạng phía đông bắc Lhasa.
Các đệ tử của Dromtönpa có khoảng 60 đến 80 người theo học tại Reting, trong đó có ba vị đệ tử được xem là xuất sắc nhất Punchungwa Zhönu Gyeltsen (1031-1109), Chenga Tsultrim-bar (1038-1103) và Potaba Rinchen-sel (1027-1105); ba vị này đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo Tây Tạng vào thời kỳ phục hưng. Đặc biệt, người thầy Dromtönpa mặc dầu với hình thức là cư sĩ, nhưng đầy đủ các tố chất thẩm quyền cho việc thành lập tu viện Reting và tiếp nhận đệ tử, có thể nói đây là điều rất đặc biệt và hiếm gặp trong Phật giáo Tây Tạng.
Các tu viện Kadampa
Thế kỷ XI là điểm mốc thời gian nhanh chóng cho việc xây dựng tu viện của tông phái Kadampa (cam-đam). Người ta đã ước tính rằng, vào giữa thế kỷ XI, có khoảng 30 đến 40 tu viện đã được xây dựng. Bởi vì truyền thống Kadampa không bao giờ thiết lập hệ thống Giới luật của riêng họ, phần lớn các tu viện này về chương trình giảng dạy và vấn đề xuất gia đều tùy thuộc vào các truyền thống khác.
Vào cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII, chúng ta thấy sự gia tăng không thể phủ nhận về tầm quan trọng của tông phái Kadampa ở Tây Tạng. Một nỗ lực xây dựng các tu viện Kadampa đồ sộ đã bắt đầu vào giữa thế kỷ XI và tiếp tục không ngừng xây dựng trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Các tu viện Kadampa vĩ đại trong thời kỳ phục hưng bao gồm tu viện Nyétang (T. Snye-thang), tu viện Sangpu Néütok (T. Gsang-phu neu-thog; H. 桑普寺),[13] tu viện Solnak Thanpöché (索纳塘波且寺) và tu viện Reting (热振寺). Hầu hết các tu viện này trở nên nổi tiếng nhờ vào sự nghiên cứu về các hệ thống triết học mới nhất và sự cống hiến của họ cho học thuyết Đại thừa (S.Mahāyāna). Đặc biệt là Tu viện Sangpu Néütok, những tu viện Kadampa thường được xem là nơi để nghiên cứu tư tưởng triết học cũng như thảo luận Phật pháp của Tây Tạng.
Tuy nhiên, đáng chú ý tu viện Reting không được liệt kê vào các tu viện Kadampa vào thế kỷ XI, vì không thuộc dòng truyền thừa Luật tạng phương Đông, nhưng nó có tiếng là tu viện nơi các nhà lãnh đạo Kadampa đã truyền bá thành công Phật giáo Tây Tạng, đó cũng là một khía cạnh quan trọng của Tây Tạng hóa Phật giáo trong thời kỳ phục hưng. Về sau, tu viện Reting sáp nhập trở thành mọi hoạt động Tăng đoàn của tông phái Gelugpa.
5. Gelugpa, (phái mũ vàng) do ngài Tsongkhapa (1357-1419), quê ở miền bắc Tây Tạng lập ra vào thế kỷ XIV. Lúc đó, Phật giáo bị mê mờ vì nhiều tín điều sai lầm và huyễn hoặc. Ngài đã dùng tư tưởng cao sáng khuyên nhủ người tu hành nên tinh tiến tu, tham thiền hỏi đạo, trai giới đạo hạnh, giới luật nghiêm trang. Cuộc cải cách tôn giáo của ngài có hiệu quả vững bền. Về sau, phái của ngài đổi tên là Lạt ma giáo và trở thành người đứng đầu nhà nước Tây Tạng do đức Đạt Lai Lạt Ma nắm giữ quyền cai trị dân chúng và giảng dạy Phật pháp.
Ở Tây Tạng, đệ tử chỉ được thu nhận vào Mật tông thông qua một nghi lễ khai ngộ (initiation), đặc biệt được tiến hành bởi một Lạt ma có tên tuổi. Mật tông cũng chủ trương sự tự giác ngộ thông qua việc thiền định (meditation) và niệm chân ngôn (mantra). Dòng truyền thừa vào Tây Tạng xuất phát từ trung tâm Phật học Vikramasila.[14]
2. Trung Quốc
Mật Tông du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ VII và thịnh hành vào thế kỷ VIII, với sự xuất hiện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp, đó là:
1- Ngài Thiện Vô Uý (S. Śubhākārasiṃha, 637-735 stl), được xem là một trong 8 vị tổ của Mật tông. Ngài sinh trưởng trong một hoàng tộc thuộc vùng Orissa, kế thừa ngôi vào năm 13 tuổi, nhưng từ bỏ khi các người anh khởi binh bạo loạn tranh quyền kế vị. Ngài xuất gia làm Tăng tại Trúc lâm tinh xá (S. Veṇuvanavihāra) trong viện Na lan đà. Theo chỉ đạy của thầy là Đạt Ma Cúc Đa (S. Dharma-gupta), ngài thông suốt tư tưởng du già (yoga), chân ngôn (dhāraṇī) và ấn quyết (S. Mudrā; T. Chakgya). Ngài khởi hành đi từ Kasmir và Tây Tạng, cuối cùng đến Trường An vào năm 716; nơi đó Thiện Vô Úy được vua Đường Huyền Tông (685-762) tiếp đón rất mực nồng hậu, và bắt đầu dịch kinh tại chùa Tây Minh; khi vua trùng tu lại chùa năm 724, ngài dời đến chùa Đại Phúc Tiên ở Lạc Dương, cộng tác với Nhất Hạnh (一行) dịch Đại Nhật kinh (S. Vairocanābhisambodhi; C. 大日經). Dù đã nổi tiếng với việc dịch kinh ấy, ngài còn dịch những nhiều kinh văn Mật tông quan trọng khác như Tô tất địa kinh (S. Susiddhi; C. 蘇悉地經). Ngài còn tổ chức những nghi lễ cho triều đình và giảng thuyết; một trong những pháp ngữ nầy là Vô Uý Tam Tạng Thiền Yếu (C. 無畏三藏禪要). Đến năm gần cuối đời, ngài thỉnh nguyện được trở về Ấn Độ, nhưng bị từ chối và sau đó viên tịch tại Lạc Dương (735) (hình 6).
2- Ngài Kim Cương Trí (S. Vajrabodhi, 671-741 stl), người nam Ấn, ngài học đạo tại Na lan da từ năm lên 10 tuổi. Năm 15 tuổi ngài sang tây Ấn trong suốt 4 năm học Nhân minh luận với ngài Pháp xứng (Dharmakīrti); học Luật và Trung quán luận với ngài Santabodhi trong suốt 6 năm. Sau đó ngài đi qua các xứ khác của Ấn Độ và đã học rất nhiều giáo lý Đại Thừa như: Duy Thức Luận, Biện Trung Luận, Du Già Luận. Năm 31 tuổi, ngài đi đến Tích Lan. Tại đây thọ nhận pháp Mật Tông từ Đại sư Long Trí (Nagabodhi).
Sau khi lưu lại 7 năm và đã am tường Mật Giáo, ngài trở về trung Ấn. Một thời gian sau, ngài lại lên một chiếc thuyền buôn tại cảng Polici, Tích Lan để đi đến Java (là một đảo của Indonesia, giáp Ấn Độ dương ở phía nam và biển Java ở phía bắc). Tháp tùng theo ngài còn có một đệ tử 14 tuổi, chính là ngài Bất Không Kim Cương sau này. 5 tháng sau, ngài tiếp tục du hành sang Trung Quốc và đến nơi vào cuối năm thứ 7 Khai Nguyên (719) nhà Đường. Tại đây ngài lưu lại ở các chùa Tư Thánh và Đại Tiến để dịch kinh. Trong đó có các bộ kinh Kim Cương Đảnh Du Già được lưu truyền phổ biến.
Mỗi khi ngài lập đàn tràng và cử hành pháp sự khoa nghi, đều cảm ứng nhiều điềm lành, sự cầu mưa, sai thần khiến quỷ, bình định chướng nạn tai ương là những việc thông thường của ngài.
3- Ngài Bất Không Kim Cương (S. Amoghavajra, 705-774 stl), là đệ tử xuất sắc của Kim Cương Trí, người bắc Ấn, thọ sa di năm 15 tuổi và đến Quảng Đông cùng với thầy, thọ đại giới năm 20 tuổi; trong 12 năm ngài thấu suốt cả giáo tướng và sự tướng của mật tông; sau khi thầy của ngài viên tịch, Bất Không sang Tích Lan cùng với các đệ tử cả thảy 37 người, đến chùa Phổ Hiền để nghiên cứu về giáo lý của Kim Cương Đảnh Du Già và Đại nhật thay tạng, ngài trở về Trường An năm 746 với 1 số kinh điển phong phú đồ sộ.
Ngài Bất Không Kim Cương là Quốc sư của cả 3 triều vua: Huyền tông (685-762), Túc tông (711-762) và Đại tông (726-779). Ngài dịch tất cả 110 bộ kinh, gồm 143 quyển, trong đó quan trọng nhất là bộ kinh Kim Cương Đảnh.
Ngài Bất Không truyền pháp cho 5 vị đệ tử: Hàm Quang, Huệ Lãng, Đàm Trinh, Giác Siêu, Huệ Quả; sau đó ngài Huệ Lảng truyền cho Thiên Trúc, Trúc Huyền, Đức Mỹ, Huệ Cẩn, cư sĩ Triệu Chánh. Ngài Huệ Quả truyền cho Nghĩa Quán, Chí Thanh, Nghĩa Tháo và Không Hải, một đại sư người Nhật, sau này về nước truyền Mật giáo rất mạnh.
4- Ngài Nhất Hạnh (Inchigyo, 683–727 stl) là đệ tử của ngài Thiện Vô Úy; nhà thiên văn học (astronomer), chuyên gia về Kinh Dịch (經易), tinh thông về tam luận, thiền, thiên thai và lịch pháp toán số; ngài cùng với thầy của mình là ngài Thiện Vô Úy và Kim Cương Trí đồng dịch kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-tantra) (7 quyển), Tô Bà Hô Đồng Tử kinh (蘇婆呼童子請問經),[15] Tô Tất Địa Yết La kinh (蘇悉地羯羅經; Susiddhikara-mahātantra-sādhanopāyika-paṭala)[16] (3 quyển), Kim Cương Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng Kinh (金剛頂瑜伽中略出念誦經)[17] (4 quyển)… Hơn nữa, ngài còn soạn thuật Đại Nhật Kinh Sớ (大日經疏)[18] (20 quyển), tích hợp tất cả các khía cạnh của Phật giáo Mật tông vào “Pháp giới duyên khởi”; Phật giáo Mật tông cũng tiếp nhận pháp giới bổn tịnh, bao trùm vạn vật. Vì thế, dù trên mọi phương diện nào cũng không rời Trung đạo, và tất cả các pháp đều là giáo lý của Phật giáo. Đại Nhật Kinh Sớ phát triển tư tưởng Bát nhã và phát huy tinh thần Bồ-tát hạnh. Từ động cơ tiện lợi và vị tha, kết hợp với môi trường thực tế ở Ấn Độ lúc bấy giờ, đã hình thành một tông phái Đại thừa khác với Phật giáo nguyên thủy.
Có thể nói, đời nhà Đường là thời kỳ vàng son và thịnh hành nhất của Mật tông tại Trung Quốc, nhưng không như mong muốn, Mật tông dần dần thoái trào và về sau này thì tưởng như suy vi hẳn.
3. Nhật Bản
Phật giáo được truyền vào Nhật Bản từ Triều tiên vào năm 538 hoặc 552; khoảng 50 năm sau khi du nhập chính thức, Thánh Đức Thái Tử (574-622) lên ngôi nhiếp chính và ngài đã cho xây dựng rất nhiều ngôi tự viện ở Nại Lương (Nara) và các vùng phụ cận. Thái tử là 1 học giả và đã sớ thích nhiều bản kinh như Pháp Hoa kinh, Thắng Man Kinh và Duy Ma Cật kinh.
Cuối thế kỷ thứ VIII, Hoàn Vũ Thiên Hoàng (桓武天皇, 736-806 stl) dời đô từ Nại Lương đến kinh đô Tokyo. Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo mới Phật giao như Truyền giáo đại sư và Hoằng pháp đại sư được xem là 2 ngôi sao sáng trong bầu trời tâm linh Phật giáo Nhật Bản truyền bá Mật tông dòng Chân Ngôn thừa, từ đó Mật giáo khởi đầu hưng thịnh.
a- Truyền giáo Đại Sư hay Tối Trừng (Dengyodaishi, 767-823 stl) là sơ tổ của Thai Mật (hình 10).
b- Hoằng Pháp Đại Sư hay Không Hải (774-835 STL) (hình 11), sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả (746-805 stl) (hình 12).[19]
Sau khi về nước và lập ra tông phái Chân ngôn tông (J. shingon-shū) rất hưng thịnh và là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.
Các yếu tố quan trọng của Mật tông là phép niệm chân ngôn, khế ấn (S. Mudrā) và sử dụng mạn-đà-la cũng như các lần Quán đảnh (S. Abhiṣeka). Mật tông là giáo pháp mà thầy truyền lại cho đệ tử bằng lời (khẩu quyết) và đó là lý do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi.
Ở Nhật có đến 2 phái Mật giáo: Thai mật được truyền từ Thiên thai tông bởi Truyền giáo đại sư cũng là sơ tổ và Đông mật được truyền bởi Hoằng pháp đại sư, ngài là 1 bậc thiên tài, 1 học giả uyên áo, 1 nhà khổ hạnh, 1 du khách lịch lãm, 1 nghệ sĩ lỗi lạc và 1 thư pháp gia cừ khôi. Cả 2 cũng không khác nhau lắm, nhưng về sự tướng thực hành thì Đông mật là 1 tông phái đặc biệt, vì nó phổ biến hơn Thai mật; còn về giáo tướng thì không có gì khác nhau giữa 2 phái cả, như cả 2 đều đồng quan điểm về đức Phật Thích Ca và Đại Nhật Như Lai.
Ngày nay Chân ngôn tông tại Nhật có hơn 10.000 ngôi tự viện và tín đồ Phật tử lên đến hàng chục vạn người.
4. Việt Nam
Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền Uyển Tập Anh, vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì tại chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu, Bắc Ninh ngày nay). Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền. Vào thời Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 – dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành (tiền lê) – đều khắc bản kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni (Uṣṇīṣa-vijaya dhāraṇī), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.
Dĩ nhiên Mật tông thịnh hành không chỉ do mỗi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà còn từ Phật giáo Chiêm Thành, những Tăng sĩ ngoại quốc và những vị tăng Việt Nam thọ học từ Ấn Độ. Trong đó, ngài Mahamaya (Đại ảo tượng), gốc Chiêm Thành, thuộc đời thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, từng theo học với ngài Pháp Thuận (914-990) – thực hành sám và trì tụng chú Đại bi – cũng rất nổi tiếng về phép thuật. Thiền Uyển Tập Anh cho rằng ngài đắc pháp Tổng trì Tam muội, thi triển nhiều phép thuật khiến cho vua Lê Đại Hành (491-1005) và dân chúng đều kính nể phục. Một Thiền sư Việt, ngài Sùng Phạm (mất năm 1087), đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã đến Ấn Độ 9 năm, sau mở trường dạy tại chùa Pháp Vân. Đệ tử của ngài có đại sư Từ Đạo Hạnh (1072 -1116) nổi tiếng về phù chú. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép về một vị Tăng sĩ Ấn Độ, vào năm 1311, đến nước ta, xưng là 300 tuổi, theo Mật giáo, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước. Năm 1318, vua Anh Tông mời một Tăng sĩ Ấn Độ, tên Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi đến dịch một bộ kinh Mật giáo tên là Bạch Tán Thần chú kinh.
Trong Nam, có Hòa Thượng Nhẫn Tế thế danh Nguyễn Văn Tạo sanh năm 1889 tại thôn An Thánh (nay là thị trấn Lái Thiêu), tỉnh Bình Dương, hâm mộ đạo Phật từ nhỏ, năm 1904, năm 16 tuổi ngài đến chùa Thiên Tôn trong vùng, quy y với Hòa Thượng Ấn Thành – Từ Thiện, pháp danh Chơn Phổ. Sau khi học hành xong, ngài đi làm việc nhưng vì có bệnh nên xin nghỉ dưỡng bệnh.
Năm 1926, chùa Thiên Thai ở Bà Rịa có giới đàn, ngài đến xin thọ giới do đàn đầu Hòa Thượng Huệ Đăng truyền giới, ngài được ban pháp danh Trừng Liễn, pháp hiệu Minh Tịnh thuộc đời thứ 42 Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Năm 1933, chùa Thiên Tôn mở Đại giới đàn, ngài xin thọ giới do đàn đầu Hòa Thượng Ngộ Định – Từ phong truyền giới, ngài được ban pháp hiệu Nhẫn Tế, đệ tử nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh chùa Thiên Tôn.
Ngày 17-4-1935, ngài lên tàu đi sang Ấn Độ, chiêm bái và học Phật, có sang Nepal nhận được Xá lợi Phật, rồi sang Tây Tạng ngày 28-6-1936, được yết kiến Nhiếp chánh Quốc vương Tây Tạng, được Lạt ma Nhiếp chánh nhận là tu sĩ Tây Tạng, ban cho pháp danh Thubten Osall Lama (Huệ Phát), ngài đắc pháp Mật Tông Tây Tạng. Đến ngày 29-10-1936, ngài rời khỏi Tây Tạng, trở lại Ấn Độ học hỏi thêm một thời gian rồi mới trở về nước. Ngài đặt chân lại am thất cũ của mình tại Bình Dương ngày 30-6-1937.
Tại Phú Cường có ngôi chùa Bửu Hương, Phật tử tại đây quy ngưỡng nên dâng cúng chùa cho ngài. Ngài đổi tên thành Tây Tạng tự, từ đó ngài tu và truyền bá Mật tông, nhưng vì Phật giáo thời đó, nên Mật Tông của Hòa Thượng Nhẫn Tế không lan rộng, không lập nên Giáo Hội. Hòa thượng Nhẫn Tế viên tịch ngày 17-5-1951, thọ 63 tuổi đời, 25 hạ lạp, là một Lama Việt Nam đầu tiên, được chính Nhiếp chánh quốc vương Tây Tạng ấn chứng (hình 13).
Sau Thiền sư Nhẫn Tế đến vài chục năm, một Tăng sĩ Việt Nam khác cũng đã có nhân duyên đi cầu pháp Mật tông Tây Tạng, đó là cố TT. Thích Viên Thành (1950-2002) (hình 14). Năm 1992, nhân duyên cát tường hội đủ, theo lời mời riêng của ông John (Đại sứ Anh tại Bhutan lúc bấy giờ), Thượng tọa Thích Viên Thành – Viện chủ chùa Hương và chùa Thầy, đã đến Bhutan và thọ pháp với đức Pháp chủ Je Khenpo Chabje Threzur Ngawang Tenzin Deondrup Rinpoche (1925-2020), thuộc dòng truyền thừa Drukpa Kagyu. Được sự gia trì và ban phước của Pháp chủ Bhutan, nên dù chưa trải qua thời kỳ nhập thất và hành trì dài lâu, Thượng tọa vẫn được phép truyền thụ lễ Quán đảnh cho đệ tử nhằm “đem sự thực hành này để phát triển tâm linh cho Tăng Ni Phật tử trong nước.”
Ở Huế Mật tông được lưu truyền vào thập niên 60, Hội Phật Học Nam Việt có thỉnh chư Tăng từ Huế vào chùa Xá Lợi để hành lễ Trai Đàn Chẩn Tế, những vị Tăng nầy đã hành lễ theo nghi thức Mật Tông Trung Hoa.
Hòa Thượng Thích Viên Đức có dịch một Bộ Mật Tông[20] gồm những sách: Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm yếu, Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni Hội Thích (hay Kinh Thất Câu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết), Kinh Mạt Pháp Nhất Tự Đà La Ni.
III- Lời kết
Dù trên mọi phương diện nào đi chăng nữa, điều cốt tủy đối với hành giả tu mật trước tiên phải trải qua nền tảng cơ bản tu tập giáo lý của Nguyên thủy và Đại thừa, rồi mới tiến vào giai đoạn của Kim Cương thừa. Đại sư Tulku Nyima Rinpoche (1942-nay) nói: “Ai cũng muốn đi cho nhanh, nhưng phương pháp mau chóng nhất để thành tựu là đừng đốt giai đoạn, cũng đừng nhen nhúm ý tưởng muốn đốt giai đoạn. Vì đốt giai đoạn xong thì sẽ vấp ngã; vấp ngã xong thì uổng phí biết bao thời giờ, cuối cùng sẽ còn đi chậm hơn nhiều kiếp nữa!” Tuy mỗi dòng truyền thừa có phần khác nhau đôi chút, hay tùy thuận vào tập tục văn hóa của của các vũng lãnh thổ địa phương quốc gia, mà không làm loãng đi tính nhất quán truyền thống mật thừa; với các pháp sự về nghi lễ, cúng dường mạn đala… hành giả phải thực hiện các pháp này mỗi pháp là 100.000 lần với tâm chí thành, chí kính và toàn lực.
Đại sư Tulku Nyima Rinpoche nhấn mạnh: “Trong Mật tông, không còn cách nào nhanh chóng hơn để thành tựu! Thầy có thể đoan chắc với các con là như vậy! Nếu có ai nói với các con là có một phương pháp khác nhanh chóng hơn thì cũng đừng tin lời họ!”.
Thích Nguyên Định (biên soạn)
Tham khảo & chú thích
[1] Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông , Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông và Thành Thật tông. Xem thêm Tuệ Sỹ, Tinh hoa triết học Phật giáo, Nxb Phương Đông, 2007.
[2] Xem Sogyal Rinpoche, Dzogchen và Padmasambhava, Published by Rigpa Fellowship: U.S, 1989, tr. 73.
[3]Xem Tulku Thondup Rinpoche và Harold Talbott (ed.), Masters of Meditation and Miracles, Shambhala Publications: Boston, 1996.
[4] Xem Tulku Thondup Rinpoche, Hidden Teachings of Tibet, Wisdom Publications: Boston, 1986, các tr. 61-62.
[5] Longchen Rabjam, The Practice of Dzogchen, Snow Lion Publications: Ithaca, New York, 1989, các tr. 15-29.
[6] Sđd, các tr. 36-41.
[7] Đại toàn thiện còn gọi Đại viên mãn, Đại cứu cánh (S. Mahāsaṅdhi; T. Rdzogs-pa chen-po, རྫོགས་པ་ཆེན་པོ་།). Xem thêm Sogyal Rinpoche, The Tibetan Book of Living and Dying, Harper SanFrancisco Publications, 1992, tr. 155.
[8] Xem Keith Dowman, Masters of Mahāmudrā: Songs and Histories of the Eighty-four Buddhist Siddhas, State University of New York Press: Albany, 1986.
[9] Xem Swami Sivananda Radha, Hatha Yoga: The Hidden Language Symbols, Secrets & Metaphor, Library and Archives Canada Cataloguing in Publication, 2006.
[10] Xem thêm John Powers, Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publications, 1995, tr. 405.
[11] Xem Padmasambhava (author); Terton Karma Lingpa; Robert A.F. Thurman (trans.), The Tibetan Book of the Dead, Published by Bantam Books, 1993.
[12] Xem Thích Nữ Trí Hải (dịch), Đèn Soi Nẻo Giác và Luận Giải, Nxb Tổng Hợp, 2006.
[13] Xem Ronald M. Davidson, Tibetan Renaissance: Tantric Buddhism in the Rebirth of Tibetan Culture, Motilal Banarsidass Publishers: Private Limited, Delhi, 2005, các tr. 111-112.
[14] Vikramasila là một trong ba tu viện Phật giáo quan trọng nhất ở Ấn Độ trong thời Đế chế Pala (750-1161) là một đế quốc trong thời kỳ hậu cổ điển ở Tiểu Lục Địa Ấn Độ, có nguồn gốc ở vùng Bengal), cùng với Nalanda và Odantapuri .
[15] 大正藏第 18 冊 No. 0895b 蘇婆呼童子請問經.
[16] 大正藏第 18 冊 No. 0893c 蘇悉地羯羅經.
[17] 大正藏第 18 冊 No. 0866 金剛頂瑜伽中略出念誦經.
[18] Đại Nhật kinh sớ là bản sớ giải về kinh Đại Nhật, được ngài Nhất Hạnh viết vào thời nhà Đường, dựa trên sự giải thích của ngài Thiện Vô Úy và có tham khảo nhiều tác phẩm kinh điển. Nội dung của bản sớ giải chủ yếu bao gồm giải thích và thảo luận về âm thanh, ý nghĩa, phân loại, chức năng và phương pháp tu tập. Còn có các tên gọi khác: Đại nhật kinh bổn sớ (大日经本疏), Đại nhật kinh đại sớ (大日经大疏), Đại nhật kinh vô úy sớ (大日经无畏疏)… Bản kinh sớ này tích hợp Phật giáo Ấn Độ cổ đại và văn hóa Trung Quốc, cũng như hệ thống lý luận của Phật giáo Mật tông thời nhà Đường đều dựa trên kinh sớ này.
[19] Huệ Quả (746–805 stl) là một Đại Sư Mật tông người Trung Hoa. Ngài là đệ tử của Bất Không Kim Cương và là thầy của Không Hải. Dưới triều nhà Đường, Huệ Quả làm quân sư cho các triều vua Đại Tông, Đức Tông và Thuận Tông. Sư có rất nhiều đệ tử nổi tiếng, trong đó có Đại Sư Không Hải là tổ sư của Chân ngôn tông Nhật Bản.
[20] Xem Thích Viên Đức (soạn dịch), Bộ Mật Tông, Nxb Tôn giáo, 1995.