A. Lời dẫn
Các tu viện Phật giáo Tây Tạng được xem là nguồn sống quan trọng trong bản sắc văn hóa, nghệ thuật và phong tục của người dân Tây Tạng. Trong các tông phái được chia thành nhiều nhánh phái khác nhau, mỗi tông phái đều lưu giữ các bản kinh văn về dòng truyền thừa của mình và có bậc thầy tôn kính Lạt-ma lãnh đạo riêng của họ. Về mặt ngôn ngữ – tính dị đồng, truyền thống của các tông phái tuy có những điểm giống nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có một vài đặc điểm riêng biệt. [1] Mặt khác, ngoài các hệ thống tu viện của Phật giáo còn có truyền thống tu viện thuộc tôn giáo Bön (T. བོན་།), [2] trong các truyền thống này có những tu viện lớn cũng như nhiều tu viện nhỏ nằm ở xa.
Trên thực tế, ước tính có hơn 6.000 tu viện và đền thờ trên khắp vùng, lãnh thổ Tây Tạng, hầu hết chúng được xây dựng trên đỉnh núi cao hoặc trong những ngọn núi xung quanh. Về cơ bản, các tu viện này nhằm đáp ứng sự truyền bá Phật giáo, giảng dạy, nghiên cứu và tu học Phật pháp cũng như các lễ hội tôn giáo lớn hằng năm được diễn ra trên quy mô rộng lớn. Ngang đây, trong bài nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu một vài tu viện nổi tiếng linh thiêng thuộc tông phái Gelugpa, chúng được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo ở “vùng đất tuyết”.
B. Nội dung
1. Tu viện Jokhang
Tu viện Jokhang (T. ཇོ་ཁང་།), tọa lạc ở trung tâm thành phố Lhasa cũ, được xây dựng vào năm 647 S.TL, bởi đức vua Tùng-Tán-Cán-Bố (Songtsen Gampo, 618-649 S.TL), cũng là một trong những ngôi tu viện tôn nghiêm về các nghệ thuật kiến trúc vào triều đại nhà Hán, Tây Tạng và Nepal. Jokhang đã lưu trữ nhiều tác phẩm điêu khắc kỳ diệu và linh thiêng khác nhau cùng nhiều di tích văn hóa vô giá, vào hằng năm Đại lễ cầu nguyện được diễn ra tại đây. Ngôi tu viện từng được gọi là Tsulag Khang (ngôi nhà trí tuệ), nhưng ngày nay được gọi là Jokhang có nghĩa là “ngôi nhà của đức Phật”.
Trải qua nhiều thế kỷ, mặc dù Jokhang đã bị người Mông cổ xâm chiếm nhiều lần nhưng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Bên trong khuôn viên của tu viện Jokhang còn có một số cây liễu được gọi là Jowo Utra (tóc của Jowo) và một cây cột được người Trung Quốc dựng lên vào năm 1793 trong một trận đại dịch variola [3] (bệnh đậu mùa). Ngoài ra, còn có các bức tượng nổi tiếng của Bồ-tát Quán Thế Âm, ngài Liên Hoa Sinh, vua Tùng-Tán-Cán-Bố và hai người vợ ngoại quốc của ông. Đối với hầu hết người dân Tây Tạng, Jokhang là ngôi tu viện linh thiêng và cần thiết nhất ở Tây Tạng.
2. Tu viện Samye
Tu viện Samye (T. Bsam-yas, བསམ་ཡས་།), tọa lạc ở phía nam thành phố Lhasa, được xây dựng vào năm 775 S.TL, bởi đức vua Ngật-lật-song Đề-tán (Trisong Detsen, 755-797 S.TL), vị Pháp vương thứ hai của Tây Tạng. Vua được sự trợ giúp của Đạo sư Liên Hoa Sinh và Đạo sư Tịch Hộ, vị sư Phật giáo Ấn-độ từ Đại học Nālandā. Một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử của Samye, đó là cuộc tranh luận giữa các trường phái Phật giáo, Đại sư Kamalaśīla Ấn-độ và Hòa thượng Ma-ha-diễn Trung Quốc, do vua Ngật-lật-song Đề-tán tổ chức vào những năm 790 S.TL.
Tu viện Samye được thiết kế theo kiểu hình tròn, là một biểu tượng đại diện cho mô hình vũ trụ như mạn-đà-la, với ngôi chánh điện tượng trưng cho núi Meru. Cách bố trí của các công trình xung quanh chánh điện theo bố cục của tứ châu [4] trong Phật giáo. Samye được bao bọc thêm bởi bốn Chorten [5] tượng trưng cho bốn thế giới. Bốn nhóm công trình và bốn Dagoba [6] màu khác nhau, xanh lá cây, đen, đỏ và trắng được đặt lần lượt ở các phía đông, tây, nam và bắc.
Samye có tổng cộng 108 ngôi tu viện, một con số cát tường phù hợp với chuỗi tràng hạt Tây Tạng, được sử dụng để cầu nguyện và thiền định. Bên trong có những bức bích họa đẹp, được trang trí phủ kín các bức tường và một loạt các vị thần bao gồm cả đức Phật đã được tôn thờ một cách trang nghiêm.
3. Cung điện Potala
Cung điện Potala (T. Pho-brang-potala, ཕོ་བྲང་པོ་ཏ་ལ་།) tọa lạc ở thành phố Lhasa, được xây dựng bởi đức vua Tùng-Tán-Cán-Bố vào thế kỷ VII S.TL. Trong tiếng Tây Tạng Potala được đặt tên theo ngọn núi Potalaka là nơi ở huyền thoại của đức Quán Thế Âm Bồ-tát [7] (S. Avalokiteśvara bodhisattva; T. Spyan-ras-gzigs, སྤྱན་རས་གཟིགས་།). Theo thời gian, cung điện Potala bị hư hỏng nặng bởi sét và chiến tranh. Thời gian sau, vào năm 1645 đã được đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V (Ngawang Lobsang Gyatso, 1617-1682) trùng tu và nó trở thành trụ sở của Đạt-lai Lạt-ma, đây cũng được coi là trung tâm hành chính của Tây Tạng.
Cung điện Potala chủ yếu bao gồm cung điện Đỏ, tòa nhà tôn giáo và cung điện Trắng, tòa nhà tổ chức; Potala nổi tiếng với những tòa nhà lớn, công trình phức tạp, bầu không khí trang nghiêm cùng các tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy. Cung điện Đỏ bao gồm các phòng khác nhau để thờ Phật và các phòng trưng bày tám bảo tháp chứa hài cốt của các vị Lạt-ma từ thứ V đến thứ XIII. Cung điện Trắng bao gồm các hội trường tu viện và sân trong, đóng vai trò là khu vực sinh sống của đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khác trong cung điện Potala như trường phái Phật giáo Luận lý, nhà in, dòng truyền thừa, vườn, sân v.v… Trong hơn 300 năm cung điện Potala đã tích lũy nhiều di tích văn hóa như thangka, tranh tường, bảo tháp, tượng và kinh điển quý hiếm.
4. Tu viện Ganden
Tu viện Ganden (T. ལྡན་དགོན་།) tọa lạc ở thành phố Lhasa, được xây dựng vào năm 1409, đây là tu viện Phật giáo sớm và lớn nhất của Gelugpa ở Tây Tạng. Sự thành lập tu viện Ganden liên quan đến lời tiên tri của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Trong Mật điển đức Phật nói: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp của ta bị ẩn mất, khi trái đất trở nên hoang vắng, người sẽ mang hình thức của một đứa trẻ và thực hành hạnh nguyện của một vị Phật, lúc đó sẽ có một đại tu viện tên là Rabga (T. Rab-dga, རབ་དགའ་།) trong vùng đất tuyết.” ‘Ga’ là âm tiết đầu tiên của Ganden.
Tu viện Ganden luôn gắn liền với những kỷ niệm của Đại sư Tông-khách-ba, lúc sinh tiền cũng như khi viên tịch, hài cốt của ngài đã được lưu giữ và tôn thờ ở đó. Thời gian sau, tu viện bị xuống cấp hư hoại, đến năm 1980 tu viện tiếp tục trùng tu và Lhakang [8] được sơn đỏ ở chánh điện. Ganden là trụ sở của Ganden Tripa (T. Dga’-ldan khri-pa, དགའ་ལྡན་ཁྲི་པ་།), người nắm giữ ngai vàng của Ganden và người đứng đầu truyền thống Gelugpa. Truyền thống này bắt nguồn từ Đại sư Tông-khách-ba, còn gọi là truyền thống Ganden được đặt theo tên Tu viện Ganden. “Lug” có nghĩa là truyền thống và “Gelug” là tên viết tắt của “Ganden Lug”.
Tu viện Ganden bao gồm hai trường Đại học, Jangtse (T. Byang-rtse grva-tshang) và Shartse (T. Shar-rtse grva-tshang), cả hai đều có một chương trình nghiên cứu kết hợp giữa Kinh điển và Mật điển. Theo thống kê, tu sĩ ở tại đây lên đến 7.500 vị, hiện tại thì tu viện đang được trùng tu một phần ở Tây Tạng. Tại Ấn-độ, một ngôi tu viện mang tên Ganden cũng được thành lập ở Mundgod thuộc bang Karnataka.
5. Tu viện Drepung
Tu viện Drepung (T. ‘Bras-spungs, འབྲས་སྤུངས་།) tọa lạc ở thành phố Lhasa, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1416, với số lượng 13.000 tu sĩ vào thời hoàng kim. Nhìn từ xa tu viện giống như một đống gạo, theo ngôn ngữ Tây Tạng tên thực sự có nghĩa là thu thập gạo. Drepung nổi tiếng với các tiêu chuẩn học thuật cao, cũng là một trong những trường Đại học Phật giáo hàng đầu ở Lhasa trong nhiều thế kỷ, thường được gọi là Tu viện “Nālandā của Tây Tạng”, nó liên quan đến trường Đại học tu viện Phật giáo ở Ấn-độ. Tu viện sau đó được chia thành bảy trường Đại học, đó là: 1. Gomang, 2. Loselling, 3. Deyang, 4. Ngagpa, 5. Shagkor, 6. Gyelwa hoặc Tosamling và 7. Dulwa; những tu viện này đã đào tạo ra các nhà Phật học lỗi lạc của thời đại trong hơn 400 năm, với hệ thống phân cấp tổ chức vô cùng đa dạng.
Drepung có một số di tích văn hóa, nơi tôn thờ tu viện đã trở nên tuyệt vời hơn, những bức tượng của Bồ-tát Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát (S. Mañjuśrī-sattva) và Phật Đảnh Đại Bạch Tản Cái (S. Sitātapatrā; T. Gdugs-dkar, གདུགས་དཀར་།; H. 佛頂大白傘蓋) được tìm thấy trong chánh điện Coqen; [9] kinh điển hiếm hoi về câu chuyện thứ hai và vỏ ốc xà cừ Jamyang Qoigy do ngài Tông-khách-ba đưa ra ở câu chuyện thứ ba, tất cả thêm vào kỳ quan của tu viện. Những bức tượng tinh xảo của ngài Tông-khách-ba, Phật A-Di-Đà, Quan Âm Bồ-tát, Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát và Jamyang Qoigyi trong các chánh điện khác; những bức tranh tường hoa mỹ cũng thể hiện đầy đủ trí tuệ của người Tây Tạng.
6. Tu viện Sera
Tu viện Sera (T. སེ་ར་།) tọa lạc ở vùng ngoại ô phía bắc Lhasa dưới chân núi Pubuchok, được thành lập vào năm 1419 bởi ngài Shākya Yeshe (T. ཤཱཀྱ་ཡེ་ཤེས་།, 992-1072), một trong những người đệ tử xuất sắc của Đại sư Tông-khách-ba. Vào thời kỳ hoàng kim, tu viện Sera đã tổ chức 5 Đại học tu viện giảng dạy riêng biệt với số lượng từ 8.000 đến 10.000 tu sĩ, nhưng so với hiện nay tu viện nhỏ hơn đáng kể, có khoảng vài trăm tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, họ cũng tái lập cuộc sống học tập và nghi lễ của các Đại học tu viện theo các dòng truyền thống trước đây. Mỗi ngày, nhiều tu sĩ mặc áo đỏ tập hợp thành các đội nhỏ và theo dõi các kỹ năng tranh luận của họ, bằng cách vỗ tay, xoay người và tung chuỗi tràng hạt.
7. Tu viện Tashi Lhünpo
Tu viện Tashi Lhünpo (T. བཀྲ་ཤིས་ལྷུན་པོ་།) được thành lập bởi đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên Gedun Drupa (1391-1475) vào năm 1447, đây cũng là một trong sáu tu viện quan trọng nhất về mặt lịch sử và văn hóa ở Shigatse. [10] Tashi Lhünpo được coi là là trụ sở của Ban-thiền Lạt-ma, người xếp hạng thứ hai trong hệ thống phân cấp Phật giáo Tây Tạng Gelugpa sau Đạt-lai Lạt-ma.
Vào thời hoàng kim, tu viện là nơi sinh sống hơn 4.000 tu sĩ, nhưng ngày nay có khoảng 900 vị sống ở đó, và trong sinh hoạt thường nhật các vị sư Tashi Lhünpo thường đi giày đỏ đặc trưng. Trong khuôn viên của tu viện có bốn trường Đại học, những vị Trụ trì của các trường Đại học có trách nhiệm tìm kiếm các Ban-thiền Lạt-ma kế tiếp; tu viện còn lưu giữ các di tích và hài cốt của các đức Ban-thiền Lạt-ma từ vị thứ V đến IX, và một số tác phẩm điêu khắc đức Phật Di Lặc dài 22,4 mét. Đứng trên lối vào của Tashi Lhünpo chúng ta có thể nhìn thấy những tòa nhà lớn với mái vàng và những bức tường trắng. Bức tường thangka nổi bật cao chín tầng, hiển thị hình ảnh của đức Phật vào ngày 14, 15 và 16 tháng năm hằng năm theo lịch âm của Tây Tạng. Tashi Lhünpo còn trưng bày những bức thangka, tranh treo tường với nhiều hình dạng, màu sắc rực rỡ quý giá trong tu viện.
8. Tu viện Labrang Tashikyil
Tu viện Labrang Tashikyil [11] (T. བླ་བྲང་བཀྲ་ཤིས་འཁྱིལ་།) là một trong những tu viện lớn của tông phái Gelugpa nằm ở quận Sangchu (T. བསང་ཆུ་།), thuộc tỉnh Amdo của Tây Tạng và hiện đang nằm trong khu tự trị Tây Tạng Kanlho (KTTTT) ở tỉnh Cam Túc. Tu viện được thành lập vào năm 1709 bởi ngài Jamyang Shepa Ngawang Tsöndrü (T. ‘Jam-dbyangs bzhad-pa ngag-dbang brtson-‘grus, འཇམ་དབྱངས་བཞད་པ་ངག་དབང་བརྩོན་འགྲུས༌།, 1648-1721) đầu tiên, tại thời điểm các tổ chức Gelugpa đang phát triển mạnh.
Tu viện Labrang có sáu trường Đại học tu viện Phật giáo hàng đầu, lớn nhất là Mejung Tosamling (T. ཊོསམ་ལིང,་རྨད་བྱུང་ཐོས་བསམ་གླིང་།), với các giáo trình giảng dạy chuyên về kinh điển, tranh luận, nghệ thuật, triết học, nghi lễ và y học; trong số các môn học hoàn toàn khác nhau. Danh xưng “Labrang” có nghĩa là nơi ở của một vị đại Lạt-ma, theo đó nó đã thu hút các sinh viên đến từ nhiều cơ sở tu viện thay thế trên khắp Tây Tạng. Trong khoảng thời gian ngắn, một số tu viện lân cận đã phát sinh xung quanh Labrang, như hình bên dưới.
Quang cảnh vệ tinh của Tu viện Labrang Tashikyil và các tòa nhà xung quanh
Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1957, Labrang có gần 4.000 tu sĩ. Khoảng 3.000 người trong số họ đã ở trường Mejung Tosamling, phần còn lại được phân bổ đều giữa năm trường Đại học khác. Khoảng ba phần tư các vị sư là người Tây Tạng. Phần còn lại chủ yếu là ngoại và nội Mông cổ, Kokonor Mông cổ, người Mông cổ từ phía bắc Amdo, người Yugur vàng (H. 裕固族) từ Cam Túc, người Kalmyk (Can mức) Mông cổ và người Trung Quốc. Labrang có 138 tu viện chi nhánh. Bắt đầu từ năm 1958, tu viện tạm ngưng sinh hoạt, đến năm 1970 được hoạt động trở lại bởi đức Ban-thiền Lạt-ma thứ X, Chokyi Gyaltsen Trinle Lhundrub (1938-1989).
9. Tu viện Namgyal
Tu viện Namgyal (T. Rnam-rgyal, རྣམ་རྒྱལ་།) tọa lạc ở thành phố Lhasa bên cạnh cung điện Potala, nơi đây là chỗ ở của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đức Đạt-lai Lạt-ma. Namgyal [12] được thành lập vào năm 1565 bởi đức Đạt-lai Lạt-ma thứ II, Gendun Gyatso (T. Dge-‘dun rgya-mtsho – དགེ་འདུན་རྒྱ་མཚོ་།, 1475-1542). Kể từ khi thành lập các vị sư Namgyal đã hỗ trợ đức Đạt-lai Lạt-ma trong các công việc tôn giáo và thực hiện các nghi lễ cầu nguyện, đem lại phúc lạc cho người dân Tây Tạng và đây cũng được coi là trung tâm nghiên cứu, thiền định về các chuyên luận sâu sắc của Phật giáo.
Tại thành phố Dharmsāla, [13] miền đông bắc bang Himachal Pradesh – Ấn-độ, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, Tenzin Gyatso (1935-nay) và hơn 8.000 người Tây Tạng đang sinh sống tu tập và hoằng pháp ở nơi đây. Trong số những người lưu vong ban đầu có 55 vị Lạt-ma ở tu viện Namgyal. Sau đó, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV cùng với các Lạt-ma Namgyal đã nỗ lực để tái thiết lập tu viện Namgyal và duy trì phát triển các truyền thống tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật cũng như nghiên cứu ngôn ngữ Tây Tạng và tiếng Anh, các bản Kinh điển và Mật điển; triết học Phật giáo, tụng kinh nghi lễ, kiến tạo đồ hình mạn-đà-la cát, điêu khắc bơ và cúng dường bánh Torma được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay.
C. Thay lời kết
Các tu viện Phật giáo Tây Tạng đã tạo thành một bản sắc dân tộc quan trọng của đất nước. Đối với người Tây Tạng, tu viện là một địa điểm chính cho việc tạo ra và bảo tồn văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần. Có vô số tu viện của truyền thống Phật giáo Tây Tạng nói chung và các tu viện của tông phái Gelugpa nói riêng. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số tu viện nổi tiếng có lịch sử truyền thừa như đã đề cập ở trên. Đặc biệt có ba đại tu viện Gelugpa ở vùng lân cận Lhasa, tất cả được thành lập vào đầu thế kỷ XIV. Drepung trong thời kỳ đỉnh cao có 13.000 tu sĩ, là tu viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Sera có khoảng 10.000 tu sĩ và Ganden có khoảng 7.500 tu sĩ. Ba tu viện lớn này đã đáp ứng ở nhiều khía cạnh như là trung tâm bảo vệ văn hóa biết chữ cho thế giới Nội Á, thu hút sinh viên từ tất cả các vùng của Tây Tạng cũng như Ladakh, Nepal, nội và ngoại Mông cổ, và các khu vực Mông Cổ của Liên Xô liên minh như Buryat và Kalmuck. Những chàng trai trẻ thường là con trai thứ hai của gia đình họ sẽ được giáo dục về đọc và viết tại một tu viện địa phương trước khi vào Lhasa, nơi họ sẽ đăng ký vào một trong những trường Đại học của các trường Đại học tu viện, và cùng sinh hoạt chung với các nhà sư khác từ khu vực nhà của họ. Bên cạnh đó, các tu viện không chỉ là trung tâm mang tính triết học cao siêu mà còn là trung tâm nghiên cứu về hội họa, điêu khắc, thêu, âm nhạc, khiêu vũ, tụng kinh và nghi lễ v.v… Chúng là nơi lưu trữ của kho tàng nghệ thuật, cũng như các thư viện văn học Tây Tạng rộng lớn. Mỗi tu viện là một biểu tượng văn hóa giáo dục tâm linh, mang lại cho mọi người sự bình an và hạnh phúc trong đời sống thánh thiện.
Tham khảo và chú thích
[1]. Xem Vijay Kumar Singh, Sects in Tibetan Buddhism – Comparison of Practices Between Gelugpa and Nyingmapa Sects. Published by D.K. Printworld (P) Ltd., New Delhi, India, 2006.
[2]. Hiện nay có khoảng 300 tu viện Bön ở Tây Tạng và không thể liệt kê tất cả chúng ở đây. Xem thêm Samten G. Karmay & Yasuhiko Nagano (ed.), A Survey of Bonpo Monasteries and Temples in Tibet and the Himalaya, Saujanya Publications, Delhi, 2008.
[3]. Xem K.J. Ryan & C.G. Ray (ed.), Sherris Medical Microbiology, 4th ed. McGraw Hill Medical Publishing Division, New York, NY, 2004, các tr. 525-528.
[4]. Tứ châu: 1. Bắc Câu-lô châu (S. Uttara-kuru; T. Byang-gi sgra-mi snyan, བྱང་གི་སྒྲ་མི་སྙན་།), 2. Nam thiện bội châu (S. Jambudvīpa; T. Dzam-bu-gling, འཛམ་བུའི་གླིང་།), 3. Tây ngưu hóa châu (S. Godāna) và 4. Đông thắng thân châu (S. Pūrvavideha; T. Lus-‘phags-po, ཤར་གྱི་ལུས་འཕགས་།).
[5]. Chorten hay Stupa (bảo tháp) là một di tích tôn giáo quan trọng trong Phật giáo, tượng trưng cho sự hiện diện của đức Phật. Nơi đây, cũng lưu giữ những di vật Phật giáo quý giá và đôi khi còn lưu giữ hài cốt của các vị Lạt-ma nổi tiếng.
[6]. Dagoba, thuật ngữ sinhalese (sri lanka) nghĩa là Bảo tháp hoặc Chorten.
[7]. Xem R. A. Stein , Tibetan Civilization, Stanford University Press, 1972, tr. 84.
[8]. Lhakhang có nghĩa là “ngôi nhà của các vị Thần”.
[9]. Xem Buckley Michael & Strauss Robert, Tibet: A travel survival kit, Lonely Planet Publications, 1986, tr. 244.
[10]. Shigatse (T. གཞིས་ཀ་རྩེ་, H. 日喀則) là thành phố lớn thứ hai ở miền trung Tây Tạng, với dân số hơn 700.000 người. Xem thêm Michael Henss, The Cultural Monuments of Tibet, (Vol. I), The central Tibetan province of Ü, Prestel Munich, London, New York, 2014, các tr. 640-665.
[11]. Lạp-Bặc-Lăng Tự (拉卜楞寺). Tên chính thức gọi là Genden Shédrup Dargyé Trashi Gyésu khyilwé Ling (T. དགེ་ལྡན་བཤད་སྒྲུབ་དར་སུ་འཁྱིལ་བའི་གླིང༌།).
[12]. Namgyal, tên gọi ban đầu là Phende Lekshe Ling. Vào năm 1571 khi vua Altan Khan (A-Nhĩ-Thản-Hãn) của Mông Cổ bị ốm nặng và yêu cầu người thầy của ông, Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ III (T. Bsod-nams-rgya-mtsho – བསོད་ནམས་རྒྱ་མཚོ་།, 1543-1588), cử hành lễ cầu nguyện trường thọ cho ông. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã chỉ dạy cho chư Tăng cử hành lễ cầu nguyện trường thọ thiêng liêng của nữ thần Namgyälma, kể từ thời điểm đó Phende Lekshe Ling còn được gọi là Tu viện Namgyal. Xem thêm Bryant Barry, Wheel of Time Sand Mandala: Visual Scripture of Tibetan Buddhism (2nd. ed.). Ithaca, NY: Snow Lion Publications, 2003, các tr. 95-96.
[13]. Dharmsāla (T. དྷ་རམ་ས་ལ་།) có nghĩa là nơi tôn nghiêm hay chỗ ở tâm linh, nằm trong thung lũng Kangra của dãy Himalaya có độ cao 1.800 mét, được chia làm hai khu vực Kotwali Bazar và các vùng phụ cận gọi là hạ Dharmsāla, khu vực thứ hai là thị trấn McLeod Ganj gọi là thượng Dharmsāla, nơi đây người Tây Tạng sinh sống với dân số trên 8.000 người.