MỤC LỤC
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
PHÀM LỆ
LỜI NGƯỜI DỊCH
LỜI TRI ÂN
CHƯƠNG 1: DẪN NHẬP NGHIÊN CỨU
1.1. Bối cảnh
1.1.1. Quan hệ Nepal – Tây Tạng (khoảng năm 620-650)
1.1.2. Sức mạnh quân sự của Tạng vương Songtsen Gampo
1.1.3. Sự lan tỏa của Phật pháp
1.2. Khảo cứu các tư liệu gốc
1.2.1. Tập đại giáo pháp về Maṇi(Maṇi bKa’ ‘bum)
1.2.2. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng của Bu-ston (1322)
1.2.3. Biên niên sử đỏ (Hu-lan Deb ther, 1346)
1.2.4. Gương soi lịch sử hoàng gia (rGyal rabs gSal ba’i Me-long, 1388)
1.2.5. Thanh sử Tây Tạng (Deb ther sngon po) của Gos Lotsāwa gZhon nu dPal (1476)
1.2.6. Biên niên sử trắng (Deb ther dKar po, 1978)
1.2.7. Hạnh truyện hai hoàng hậu Gya (Trung Hoa) và Bal (Nepal) (rGya bza’ bal bza’i rNam thar, 1981)
1.3. Ghi chú về phương pháp luận
CHƯƠNG 2: BỐI CẢNH LỊCH SỬ
2.1. Những dấu vết đầu tiên của Phật giáo trước thời Lichchhavi
2.1.1. Hình bóng chư Phật quá khứ qua truyền thống bản địa Nepal
2.1.2. Dấu tích viếng thăm của Đức Phật Thích-ca tại Kathmandu
2.1.3. Phật giáo truyền nhập vào thung lũng Nepal từ thời Đức Phật
2.1.4. Sự kiện vua A Dục viếng thăm Kathmandu
2.2. Phật giáo thời kỳ Lichchhavi
2.2.1. Mānadeva I (464–505 stl)
2.2.2. Sivadeva I (590–604 stl)
2.2.3. Amshuvarma (605–621 stl)
2.2.4. Udayadeva (621–? stl)
2.2.5. Vua Narendradeva (643–679 stl)
CHƯƠNG 3: HÀNH TRÌNH PHẬT GIÁO ĐẾN TÂY TẠNG
CHƯƠNG 4: CUỘC ĐỜI CÔNG CHÚA BHRIKUTĪ DEVĪ
4.1. Vương tịch và xuất xứ cao quý
4.1.1. Ngày đăng sinh của công chúa Bhrikutī Devī
4.1.2. Nguyên quán và nơi đăng sinh
4.1.3. Dòng huyết thống vương giả và thân thế hoàng gia
4.2. Tôn hiệu và quốc xưng
4.3. Hành trạng buổi đầu nơi vương cung
CHƯƠNG 5: CUỘC HÔN PHỐI VƯƠNG TỘC GIỮA NEPAL VÀ TÂY TẠNG
CHƯƠNG 6: VAI TRÒ CỦA BHRIKUTĪ DEVĪ TRONG VIỆC THIẾT LẬP PHẬT GIÁO TẠI XỨ TẠNG
6.1. Khởi dựng cung điện trên Đồi Đỏ (T. dMar po ri; H. 赤山, Xích Sơn)
6.2. Sự hình thành các tu viện Thang Dul (唐都爾, Đường Đô Nhĩ), Yang Dul (央都爾, Ưng Đô Nhĩ) và Ru Bzhi (如智, Như Trí).
6.3. Việc xây dựng tu viện Ra-sa ’Phrul nang (Jokhang)
CHƯƠNG 7: NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI NƠI XỨ TUYẾT
CHƯƠNG 8: KẾT LUẬN
GHI CHÚ BỔ SUNG VỀ CÔNG CHÚA BHRIKUTĪ DEVĪ
PHỤ LỤC
THƯ MỤC THAM KHẢO
THUẬT NGỮ ĐỐI CHIẾU
CHỈ MỤC

BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
Nguyên văn Viết tắt
Sanskrit S.
Pāli P.
Tạng ngữ T.
Hán ngữ H.
Editor (chủ biên) ed.
Translated by (dịch giả) trans.
Trước Tây lịch ttl
Sau Tây lịch stl
Nhà xuất bản Nxb
Trang tr.
Sách đã dẫn Sđd
Vân vân v.v…
PHÀM LỆ
Để đảm bảo tính nhất quán, minh bạch và chuẩn mực học thuật cho toàn bộ bản dịch và phần chú giải kèm theo, xin tuân thủ các quy định sau:
1. Về trích dẫn tư liệu tiếng Hán và tiếng Nhật
Tất cả các trích dẫn từ kinh điển Hán văn và văn liệu Nhật Bản đều sử dụng bản khắc trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (大正新脩大藏經), gọi tắt là Đại Chính Tạng (大正藏), phiên bản tiêu chuẩn được công nhận trong giới nghiên cứu Phật học hiện đại.
2. Chú giải của dịch giả
Ký hiệu “[…]” được dùng để ghi chú giải, bổ sung hoặc diễn giải thêm nhằm làm rõ văn bản gốc hoặc cung cấp thông tin tham khảo.
Mọi nội dung trong ngoặc vuông không thuộc nguyên tác, được thêm vào với tinh thần trung thực và cẩn trọng, bảo đảm không làm sai lệch ý nghĩa nguyên bản.
3. Ngôn ngữ nguyên bản
Các thuật ngữ gốc tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn được in nghiêng khi xuất hiện trong văn bản (ví dụ: Maṇi bKa’ ‘bum – Tây Tạng, Vajra-śuddha – Phạn).
Sau khi chuyển sang tiếng Việt, các thuật ngữ được giữ ở dạng thường, không in nghiêng.
4. Chữ Hán phồn thể
Khi trích dẫn tên riêng, thuật ngữ hoặc địa danh Hán văn, chữ Hán phồn thể được đưa ngay sau phiên âm, kèm phiên âm Hán–Việt trong ngoặc đơn
(ví dụ: Thang Dul (唐都爾, Đường Đô Nhĩ)).
5. Về cách ghi niên đại Tây Tạng và Hán văn
Các niên đại được ghi trong văn bản Tây Tạng (ví dụ: sa mo phag lo – năm Nữ Trư Thổ) được đối chiếu với hệ thống Can Chi Hán văn (ví dụ: Kỷ Hợi, 己亥), căn cứ trên các bảng chuyển đổi lịch Tây Tạng – Hán được công nhận trong giới học thuật, đồng thời tham chiếu các sử liệu như Cựu Đường thư (舊唐書) và Tân Đường thư (新唐書). Niên đại Dương lịch (Tây lịch) được ghi kèm để thuận tiện tra cứu.
(ví dụ: sa mo phag lo = Kỷ Hợi (己亥) = năm 639 stl).
6. Thư mục tham khảo
Danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái (A–Z) dựa trên họ tác giả hoặc tên tổ chức.
Mỗi mục ghi đầy đủ: Tác giả, Tác phẩm (in nghiêng), Nơi xuất bản, Nhà xuất bản, và Năm xuất bản.
7. Hình ảnh minh họa trong sách
Hình ảnh được đưa vào nhằm hỗ trợ minh họa nội dung, gia tăng tính trực quan và tạo sinh động cho văn bản.
– Tên nhân vật, thuật ngữ gốc tiếng Tây Tạng hoặc Phạn được in nghiêng (ví dụ: Bhrikutī Devī, Bal-mo-bza’).
– Tên tổ chức hoặc nguồn tư liệu như Chinese Buddhism Encyclopedia, Wikimedia Commons cũng được in nghiêng.
– Chú thích ảnh phải ghi rõ: tên hiện vật/nhân vật, niên đại (nếu có), địa điểm lưu giữ, nguồn ảnh, và giấy phép sử dụng (nếu công khai).
(ví dụ: Tượng Công chúa Bhrikutī Devī, thế kỷ XVII, Bảo tàng Patan, Nepal. Ảnh: Wikimedia Commons, theo giấy phép CC BY-SA 4.0).
LỜI NGƯỜI DỊCH
Tây Tạng từ lâu được biết đến không chỉ như một vùng đất huyền bí với nền Phật giáo đặc sắc, mà còn là nơi ghi dấu những cuộc hội ngộ lịch sử giữa các dòng chảy văn hóa Phật giáo lớn của châu Á. Trong tiến trình hình thành Phật giáo Tây Tạng, công chúa Nepal Bhrikutī Devī – ái nữ của quốc vương triều Lichchhavi (thế kỷ VII) – đã đảm nhiệm một vai trò đặc biệt quan trọng. Cuộc hôn phối mang tính biểu tượng giữa công chúa Bhrikutī và quốc vương Tây Tạng Songtsen Gampo (617–650), không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ Nepal – Tây Tạng, mà còn đánh dấu bước khởi đầu cho sự du nhập và phát triển của Phật giáo tại cao nguyên này.
Tác phẩm The Life and Contribution of the Nepalese Princess Bhrikutī Devī to Tibetan History (from Tibetan Sources) của học giả Min Bahadur Shakya là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, được xây dựng trên nền tảng của nhiều tư liệu cổ Tây Tạng. Thông qua phương pháp phân tích phê phán và đối chiếu sử liệu, tác giả đã phục dựng hình ảnh công chúa Bhrikutī Devī, không chỉ như một nhân vật lịch sử, mà còn như biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và tâm linh giữa hai nền Phật giáo lớn trong thời kỳ sơ kỳ của Tây Tạng.
Nhận thấy giá trị học thuật cũng như ý nghĩa lịch sử sâu sắc của công trình này, người dịch đã nỗ lực chuyển ngữ và chú giải với tinh thần tôn trọng nguyên tác, đồng thời chú trọng tính sáng rõ và mạch lạc trong diễn đạt, nhằm giúp bạn đọc Việt Nam – đặc biệt là những ai quan tâm đến lịch sử Phật giáo Tây Tạng – có thể tiếp cận nội dung một cách thuận lợi và xác tín hơn.
Bản dịch và chú giải hiện nay được hoàn tất vào năm 2022. Trong quá trình chuẩn bị xuất bản năm 2025, người dịch đã tiến hành hiệu đính toàn văn, bổ sung thêm tư liệu tham khảo, đối chiếu các nguồn sử liệu liên quan, đồng thời điều chỉnh thuật ngữ chuyên ngành, danh xưng và hệ quy chiếu niên đại, nhằm bảo đảm tính chính xác, nhất quán và phù hợp với tiêu chuẩn học thuật hiện hành.
Tuy đã hết sức cẩn trọng trong khảo cứu và diễn đạt, bản dịch [chú giải] này ắt vẫn không tránh khỏi những điều khiếm khuyết; kính mong chư vị thức giả cùng quý độc giả lượng thứ và chỉ giáo để tác phẩm được hoàn thiện hơn trong tương lai.
Người dịch xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến học giả Min Bahadur Shakya – tác giả công trình quý báu này – vì những nỗ lực khảo cứu công phu và những đóng góp thiết thực cho học giới Phật giáo. Đồng thời, con xin chí tâm cảm niệm thâm ân và công đức của chư vị ân sư, pháp hữu cùng thân hữu đã khích lệ và trợ duyên trong suốt quá trình thực hiện bản dịch [chú giải] này.
Nguyện đem công đức nhỏ bé này hồi hướng đến tất cả hữu tình, như một nén tâm hương thành kính dâng lên cúng dường Tam Bảo, nhân mùa Đại lễ Phật đản Vesak – Phật lịch 2569 (Dương lịch 2025).
Mai Sơn Vĩnh An, ngày 20 tháng 5 năm 2025
Thích Nguyên Định
LỜI TRI ÂN
Con xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban SAARC, Bộ Ngoại giao, Chính phủ Hoàng gia Bhutan, đơn vị đã tài trợ học bổng cho công trình nghiên cứu của con về Cuộc đời và hành trạng của công chúa Nepal Bhrikutī Devī qua sử liệu Tây Tạng.
Con cũng xin tri ân Dasho Rigzin Dorji, Tổng Thư ký Hội đồng các vấn đề Tôn giáo và Ủy ban đặc biệt về các vấn đề Văn hóa, người đã tạo điều kiện cho con thực hiện các nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia Bhutan, Thimphu.
Con xin thành kính cảm ơn Thượng tọa Lopen Premala, Giám đốc Thư viện Quốc gia, người đã tận tình chỉ dẫn và giúp con làm sáng tỏ nhiều đoạn văn khó trong quá trình phiên dịch Maṇi bKa’ ‘bum (Tập đại giáo pháp về Maṇi). Con cũng chân thành ghi nhận sự hỗ trợ quý báu của ngài Gyonpo Tsering, Phó Giám đốc Thư viện, cùng toàn thể nhân viên thư viện – những người luôn tận tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công việc nghiên cứu của con.
Con xin ghi lại nơi đây lòng biết ơn sâu sắc đối với Tiến sĩ Yoshiro Imaeda, cựu cố vấn của Thư viện Quốc gia. Phần lớn công trình phiên dịch Maṇi bKa’ ‘bum của con đã được hoàn tất dưới sự hướng dẫn tận tụy và giám sát tỉ mỉ của Tiến sĩ. Mối quan hệ học thuật với Tiến sĩ không chỉ đem lại cho con nhiều thành quả quý báu, mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao trên hành trình nghiên cứu Phật học.
Con cũng xin thành kính tri ân pháp hữu của con – ngài Sengye Dorje, nhân viên Thư viện Quốc gia, người đã đồng hành sát cánh trong quá trình biên tập và trình bày toàn bộ bản thảo với một tinh thần chuyên nghiệp và sự chính xác đáng trân trọng.
Con đặc biệt cảm ơn ngài Achyut Bhandari, Giám đốc Ban SAARC, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc phê duyệt nhanh chóng chuyến công tác thực địa của con tới Lhasa, cũng như đã tạo điều kiện thuận lợi cho thời gian lưu trú của con tại Thimphu.
Con cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Tiến sĩ Panna Lai Pradhan, người đã hỗ trợ đắc lực trong việc hoàn tất chương trình Học bổng SAARC của con từ Văn phòng Giám học, Đại học Tribhuvan.
Cuối cùng, con vô cùng may mắn nhờ thiện duyên mà có thể hoàn thành cuốn sách này, với nguồn cảm hứng lớn lao từ Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV. Cuốn sách này xin được kính dâng lên ngài để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc.
Chakupat, Lalitpur, ngày 4 tháng 10 năm 1996
Min Bahadur Shakya

CHƯƠNG 1: DẪN NHẬP NGHIÊN CỨU
1.1. Bối cảnh
Việc truy tìm và xác định lịch sử sơ kỳ của Nepal là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Do thiếu vắng các tài liệu lịch sử xác thực, nhiều giai đoạn trong lịch sử sớm của Nepal vẫn còn nhiều khoảng trống. Không có một sự trình bày hệ thống về các sự kiện và nhân vật lịch sử theo một trình tự logic và có tổ chức. Thêm vào đó, các huyền thoại và câu chuyện dân gian được kết hợp với các sự kiện lịch sử, khiến cho việc phân biệt giữa thực tế và huyền thoại trở nên vô cùng khó khăn. Để tái hiện lại lịch sử sơ kỳ, chúng ta phải dựa vào các nguồn tài liệu đa dạng, chủ yếu là bia ký, biên niên sử hoàng gia, phần kết luận các văn bản và các ghi chép hành trình của các nhân vật lịch sử.
Nhiều tài liệu lịch sử sớm, bia ký và di tích lịch sử đã bị xói mòn hoặc mất mát do sự tàn phá của chiến tranh, các cuộc xâm lăng, thiên tai và sự phá hoại của các thế lực bên ngoài. Dù vậy, vẫn còn một số bia ký và tài liệu có giá trị cung cấp những manh mối giúp xây dựng một bức tranh lịch sử khả dĩ về giai đoạn cổ đại này. Từ các nguồn tài liệu Nepal, việc khôi phục và làm rõ cuộc đời công chúa Bhrikutī Devī là một nhiệm vụ đầy thách thức. Để thực hiện điều này, chúng ta phải phụ thuộc chủ yếu vào các tài liệu và ghi chép từ Tây Tạng, mà tôi đã cố gắng trình bày trong nghiên cứu này.
Như đã đề cập, sự mất mát của các tài liệu lịch sử chủ yếu là do các cuộc xâm lăng của Hồi giáo, thiên tai và sự phá hoại. Theo các bản Vaṃśāvalī, Sultan Shamsuddin đã tiến hành một cuộc xâm lược vào Thung lũng Kathmandu, dẫn đến sự tàn phá của nhiều di tích tôn giáo quan trọng. Bia ký Swayambhunath từ năm S.N. 492 (tức năm 1362 Tây lịch)[1] ghi nhận sự kiện Sultan Samsuddin xâm lược thung lũng Kathmandu, phá hủy và đốt cháy Stūpa Swayambhu vào ngày 23 tháng 11 năm 1346. Bia ký Pimbahal ở Lalitpur cũng ghi lại sự phá hủy Pimbahal caitya và công trình tái thiết của Mahapatra Sri Meghapala Varma.[2] Trong giai đoạn từ năm 1255 đến 1350, người dân Nepal đã phải chịu đựng nhiều thiên tai, mất mát về tài sản, di tích và tài liệu lịch sử quý giá. Một thảm họa lớn khác xảy ra vào năm 1934, khi một trận động đất mạnh đã tàn phá nhiều công trình và tài liệu. Thêm vào đó, trong suốt một thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ quý tộc Rana, rất nhiều kinh điển Phật giáo đã bị thiêu hủy, vứt xuống sông hoặc hủy hoại. Tuy nhiên, những sự kiện này không hoàn toàn tiêu diệt tất cả các kinh điển và tài liệu lịch sử. Một số tài liệu quý giá vẫn được bảo tồn và lưu giữ cẩn thận trong các tu viện và tại các gia đình người dân Nepal.
Trước khi các cuộc tấn công và phá hoại của Hồi giáo dẫn đến sự suy tàn của các đại tu viện như Nālandā và Vikramaśīla, đây từng là những trung tâm Phật học hàng đầu thế giới. Nhiều luận sư kiệt xuất như Ratnakaraśānti, Nāropa, Advayavajra và Atiśa đã để lại một khối lượng lớn trước tác triết học – luận giải Phật học, đồng thời trực tiếp giảng dạy cho các đệ tử và hành giả đến từ các vùng xa như Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, thậm chí cả Hàn Quốc. Những tu viện này không chỉ là nơi nghiên cứu học thuật, mà còn là những trung tâm truyền bá và phát triển các giáo lý Phật giáo, đóng góp vào sự phát triển chung của Phật giáo Đại thừa và các tông phái Phật giáo khác.
Nāropa (1016–1100) có bảy đệ tử xuất sắc, những người có khả năng thuyết giảng kinh điển và mật điển (Sūtra và Tantra) xuất chúng như chính ngài. Đó là Tôn giả Maitripa, Sri Santibhadra xứ Nepal, sPhyi-ther-pa xứ Nepal, Dhombhipa, Santipa, Akarasiddhi đến từ Kashmir, và Sa-di Prajnasimha. Ngoài ra, Nāropa còn có năm mươi tư vị du-già (yogi) tuân giữ các giới luật đặc biệt, trong đó có Paindapa người Nepal, cùng với một trăm nữ du-già (yogini) – tất cả đều thể hiện những dấu hiệu chứng đắc tâm linh.[3]
Ở phương diện này, thung lũng Nepal cũng quan trọng không kém các đại tu viện danh tiếng như Nālandā và Vikramaśīla của Ấn Độ. Phật giáo thời bấy giờ đang ở đỉnh cao huy hoàng.
Nói về thành Patan, học giả Snellgrove đã nhận xét:
“Patan từng được xem như một “đại học đô thị” quy mô rộng lớn, với đời sống xã hội và văn hóa không khác biệt nhiều so với các trung tâm học thuật tại châu Âu thời Trung cổ. Trên thực tế, từ kiến trúc đến truyền thống sinh hoạt, thành phố này rõ ràng được xây dựng theo mô hình các đại học tu viện lớn tại miền Trung Ấn Độ, nơi đã hình thành nên nền giáo dục Phật giáo truyền thống sâu sắc.” [4]
Ông lại nhấn mạnh thêm:
“Nơi đây từng là trung tâm linh thiêng và học thuật uyên thâm, thu hút các tăng sĩ và học giả từ nhiều vùng miền đến chiêm bái và nghiên cứu. Một số trong họ đến từ Ấn Độ với vai trò giảng dạy, trong khi đông đảo các học giả Tây Tạng tập trung về đây để tu tập và trao đổi học vấn.”[5]
Những nhận xét này còn được chứng thực qua văn bia niên hiệu NS 350 (tức năm 1230 sau Tây lịch), phát hiện tại tu viện Guita (Prasannashīla Vihāra) ở Patan, khắc trên tượng Phật Dīpaṅkara. Bia văn ghi: “Vikhyāta Lalitapurīti Nagarīdikṣu Sarvasvapy Vidyābhyām.”[6]
Tạm dịch: Lalitpur nổi tiếng khắp bốn phương là thành phố trọng điểm của học thuật và tu tập.
Trong cùng văn bia ấy, tên của Gautamaśrī [Gautamaśrī (thế kỷ XII) là một tăng sĩ học giả có ảnh hưởng tại Lalitpur, nổi bật trong việc duy trì truyền thống giáo dục Phật học tại khu vực này] cùng các đệ tử của ngài được ghi chép lại. Việc thành phố Patan (Lalitpur) từng là một trung tâm học thuật trứ danh vào thời Trung cổ, còn được củng cố thêm bởi sự kiện Marpa [Marpa Chokyi Lodro (1012–1097), còn gọi là Marpa Dịch giả – nhân vật then chốt trong tiến trình truyền bá Phật giáo Ấn–Nepal vào Tây Tạng, đặc biệt là các giáo lý Mật tông cao cấp][7] từng viếng thăm tu viện Ratnakara Vihāra [Ratnakara Vihāra là một trong những tu viện lớn tại Patan, nổi tiếng với truyền thống giảng dạy các bộ Mật điển thượng thừa – Anuttarayoga Tantra].
Trong ba năm lưu trú tại Patan và Kathmandu, Marpa đã chuyên tâm nghiên cứu Anuttara Yoga Tantra [Anuttara Yoga Tantra (Tối thượng du-già tantra) là tầng cao nhất trong hệ thống bốn cấp độ tantra của Phật giáo Kim Cương thừa][8] dưới sự hướng dẫn của các bậc đại sư nổi tiếng như Paindapa và sPhyi-ther-pa[9][Paindapa và sPhyi-ther-pa là những đại sư lỗi lạc xuất thân từ Nepal, từng truyền thụ Anuttara Yoga Tantra cho nhiều hành giả Tây Tạng trong thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh tại Kathmandu].
Trong suốt tiến trình lịch sử, các bậc A-xà-lê Phật giáo Nepal luôn duy trì mối giao lưu mật thiết với giới học giả Phật giáo Ấn Độ, thể hiện qua nhiều thế hệ nối tiếp truyền thống tu học và phiên dịch kinh điển. Trong số đó, hai vị đệ tử kiệt xuất của đại hành giả Nāropa (956–1041) là Paindapa [Paindapa, một trong những đệ tử danh tiếng của Nāropa, có nhiều đóng góp trong việc truyền bá giáo pháp Mật thừa tại Tây Tạng] và sPhyi-ther-pa [sPhyi-ther-pa, một đệ tử khác của Nāropa, có ảnh hưởng sâu sắc trong việc phát triển và truyền dạy giáo lý của thầy mình tại Nepal và Tây Tạng] đặc biệt nổi bật, không chỉ bởi sự uyên thâm trong Mật giáo, mà còn nhờ ảnh hưởng rộng lớn đối với các thế hệ truyền thừa Tây Tạng về sau.
Một minh chứng tiêu biểu là trường hợp của đại dịch giả Rwa Lotsāwa Tshul-khrims Seng-ge (1016–1198), một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã dành phần lớn đời mình để tu học dưới sự chỉ dạy của đạo sư người Nepal – Mahākaruṇā (tức “Đại Bi”), một bậc thầy uyên bác, thuộc dòng truyền thừa trực tiếp từ Nāropa.
Rwa Lotsāwa không chỉ tu học nhiều năm dưới sự chỉ dạy của Mahākaruṇā, mà còn thể hiện lòng sùng kính sâu sắc khi đích thân thỉnh mời vị đạo sư này sang Tây Tạng để truyền pháp. Hành động ấy mang ý nghĩa trọng đại trong tiến trình chuyển dịch và truyền thừa Phật giáo Kim Cương thừa từ vùng Ấn Độ – Nepal vào Tây Tạng,[10] đồng thời góp phần thắt chặt mối liên kết giữa các trung tâm Phật giáo trong khu vực Himalaya vào thời kỳ hậu truyền Pháp lần thứ hai (phyi dar).
Những ghi chép du hành của các hành giả Tây Tạng tới Nepal cho thấy rõ rằng, các tuyến hành hương từ cao nguyên Tây Tạng xuống các đại học viện Phật giáo tại Ấn Độ – vốn đi qua thung lũng Kathmandu – đã trở thành hành lang Phật học trọng yếu suốt nhiều thế kỷ. Một trong những hành giả tiêu biểu là Brog-mi Lo-tsā-ba Śākya Ye-shes (992–1072) [Brog-mi Lo-tsā-ba Śākya Ye-shes, một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng, người đã học tập với đạo sư Śāntibhadra tại Nepal và trở thành một trong những trưởng pháp tử của ngài], từng lưu trú tại Nepal trong một năm để thọ học với đại sư Śāntibhadra – vị đạo sư đã tiếp nhận giáo pháp từ cả Nāropa và Śāntipa [Śāntipa, một bậc luận sư danh tiếng thuộc đại học viện Vikramaśīla, nổi tiếng với kiến giải về Du-già và Trung quán].
Dưới sự dẫn dắt của Śāntibhadra, Brog mi đã tiếp thu trọn vẹn hệ thống giáo pháp Mật thừa và trở thành một Đại luận sư (Mahāpaṇḍita) [Mahāpaṇḍita: Một tôn xưng trong Phật giáo, chỉ những người có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực tri thức Phật học, như năm khoa học (ngũ khoa)], tinh thông cả năm môn minh học (pañcavidyāsthāna): nội minh (adhyātma-vidyā), nhân minh (hetu-vidyā), y phương minh (cikitsā-vidyā), công xảo minh (śilpa-vidyā) và thanh minh (śabda-vidyā).
Brog mi đã trở thành vị tổ sư ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Tây Tạng hậu kỳ; các môn đệ chính của ngài gồm có Marpa Lo-tsā-ba và Gos Lo-tsā-ba – những người sau này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống Kim Cương thừa bản địa tại Tây Tạng.
Tư liệu hành trình của hành giả Dharmasvāmin (Chos kyi btsan pa, 1197–1264), còn ghi chép chuyến viếng thăm của ngài tới trưởng lão Ratnarakṣita, nơi ngài dâng cúng pháp khí Kim Cương (vajra) và chuông (ghaṇṭā) [Vajra và Ghanta là hai pháp khí thiết yếu trong nghi lễ Kim Cương thừa, biểu trưng cho sự kết hợp bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ. Vajra (kim cương) tượng trưng cho phương tiện – bản thể bất hoại và kiên định của thực tại tối hậu; trong khi Ghanta (chuông) biểu hiện trí tuệ – năng lực trực nhận tánh Không và phân biệt chân – vọng một cách rốt ráo. Sự phối hợp đồng thời của hai pháp khí này trong nghi lễ phản ánh nền tảng cốt lõi của Kim Cương thừa: sự hợp nhất giữa phương tiện và trí tuệ trên con đường tu chứng giác ngộ] như biểu tượng của sự tôn kính và cầu pháp. Ngài thuật lại rằng, vị trưởng lão sở hữu đến ba trăm cặp pháp khí tương tự, điều này cho thấy ngài đã cử hành nghi lễ truyền pháp cho khoảng ba trăm đệ tử Tây Tạng.[11]
Dharmasvāmin cũng ghi chép về một vị tăng sĩ tên là Ravindra, người đang hành đạo tại khu vực Swayambhū.
[Swayambhū: một thánh địa Phật giáo nổi bật tại thung lũng Kathmandu, nơi tọa lạc di tích Swayambhunāth – bảo tháp cổ kính còn được gọi là “Chùa Khỉ” do sự hiện diện đông đảo của khỉ trong khu vực. Đây là một trong những trung tâm hành hương lâu đời và linh thiêng nhất của Nepal, được tôn xưng là “tự hiện thánh địa” – biểu tượng của Phật tính hiển hiện giữa thế giới ngũ trược, tức thế giới đầy nhiễm ô và phiền não].
Ghi chép của Dharmasvāmin [Tác phẩm tự truyện The Life of Dharmasvāmin (Chag lo tsā ba Chos kyi btsan pa): A Tibetan Monk’s Account of His Travels in India and Nepal, bản dịch của George N. Roerich, Harvard Oriental Series, Vol. 26, Cambridge, MA: Harvard University Press, 1959] đã cung cấp nhiều chi tiết quý giá chưa từng được đề cập trong các nguồn sử liệu bản địa của Nepal. Vì vậy, việc khai thác tư liệu ngoại quốc – đặc biệt là các văn bản Tạng ngữ và Hán văn [các nguồn tư liệu Tây Tạng và Trung Hoa, tiêu biểu như ký sự của ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh, vốn đã trở thành nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo châu Á. Phương pháp đối chiếu những tài liệu này với sử liệu địa phương để tái lập tiến trình lịch sử một cách khách quan đã được nhiều học giả hiện đại như Tucci, Snellgrove và Waddell vận dụng hiệu quả] – trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo khu vực Himalaya.
Cách tiếp cận liên văn bản và liên khu vực không chỉ góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống trong sử liệu bản địa, mà còn mở ra hướng tiếp cận sử học liên kết – một khuynh hướng học thuật đã được các học giả như Giuseppe Tucci, David Snellgrove và L. A. Waddell vận dụng thành công trong việc tái dựng một cách toàn diện tiến trình truyền bá và phát triển của Phật giáo tại các vùng biên phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ.
Việc truy cứu lịch sử Phật giáo trong thời kỳ trung đại vốn đã gặp nhiều trở ngại do tình trạng khan hiếm sử liệu, song việc lần theo tiến trình phát triển của Phật giáo dưới triều đại Lichchavi (464–880 stl) [Lichchavi: Một vương triều trị vì thung lũng Kathmandu từ thế kỷ V đến IX, được xem là thời kỳ định hình quan trọng cho cả Phật giáo lẫn Ấn Độ giáo tại Nepal] lại càng cho thấy nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn. Nhiều công trình tu viện (vihāra) và kiến trúc tôn giáo từng được ghi nhận trong các văn bia cùng thời – chẳng hạn như tòa Kailaskuta Bhavan [Kailaskuta Bhavan: Một kiến trúc cung điện được đề cập trong các bia ký Lichchavi, hiện đã hoàn toàn không còn dấu tích – minh chứng cho mức độ thất truyền nghiêm trọng các di sản Phật giáo trung đại tại Nepal] – nay đã không còn dấu vết, phản ánh sự đứt gãy nghiêm trọng trong dòng chảy văn hóa – tôn giáo thời kỳ này.
Việc thiếu vắng các chứng tích vật chất tại chỗ đã khiến công cuộc tái lập lịch sử Phật giáo Nepal thời sơ kỳ trở nên đặc biệt thử thách, đòi hỏi phải vận dụng đồng thời nhiều nguồn tư liệu ngoại biên. Trong đó, các văn bản Tây Tạng, Hán và Ấn Độ trở thành những cứ liệu thiết yếu, giúp tái hiện phần nào tiến trình truyền bá, chuyển hóa và bản địa hóa Phật pháp tại vùng Himalaya. Phương pháp liên văn bản và đối chiếu xuyên văn hóa – từng được các học giả như Giuseppe Tucci, David Snellgrove và L. A. Waddell vận dụng hiệu quả – đã chứng minh tiềm năng to lớn trong việc phục dựng các tầng lớp lịch sử tiềm ẩn, vượt khỏi giới hạn của sử liệu bản địa vốn rời rạc và đứt đoạn.
Từ sự giao thoa của các nguồn tư liệu xuyên khu vực này, một bức tranh lịch sử Phật giáo mang tính toàn cảnh dần được phác họa, trong đó Nepal không còn bị xem như một vùng ngoại biên, mà là một điểm kết nối trung tâm trong mạng lưới truyền bá Phật giáo từ Nam Á lên Tây Tạng và xa hơn nữa.
Mặc dù các văn bia thời Lichchavi được phát hiện tại thung lũng Kathmandu không cung cấp bằng chứng trực tiếp về công chúa Bhrikutī Devī, điều này không thể được xem là cơ sở để phủ nhận sự kiện hôn phối giữa công chúa và Tạng vương Songtsen Gampo (617–650). Việc thiếu vắng sử liệu đương thời phản ánh giới hạn của tư liệu hiện còn, chứ không đủ để bác bỏ sự hiện diện lịch sử của nhân vật này. Dưới góc độ truyền thống Tây Tạng, Bhrikutī Devī được xem là một nhân vật lịch sử quan trọng, người đã góp phần vào tiến trình du nhập Phật giáo vào Tây Tạng, với sự bảo trợ từ tầng lớp cầm quyền và vai trò liên kết văn hóa – tôn giáo giữa Nepal và Tây Tạng trong thế kỷ VII.
Công chúa đã cho xây dựng nhiều công trình tôn giáo và cung điện, trong đó nổi bật nhất là Jokhang [Jokhang: Một trong những ngôi tu viện linh thiêngvà có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Tây Tạng, được xây dựng dưới triều vua Songtsen Gampo với sự bảo trợ của công chúa Bhrikutī. Ngôi tu viện này không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa giữa Nepal và Tây Tạng][12] và Cung điện Potala [Cung điện Potala: Dù được hoàn thiện vào thời kỳ sau, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của nền văn hóa và tôn giáo được kiến lập từ thời Songtsen Gampo và công chúa Bhrikutī. Ngày nay, công trình này được xem là một biểu tượng lịch sử – văn hóa tiêu biểu của Tây Tạng].[13]Các di tích này hiện vẫn còn tồn tại và tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong sinh hoạt tôn giáo và văn hóa Tây Tạng cho đến ngày nay.
Truyền thống khẩu truyền cùng kho tàng kinh điển phong phú của người Tây Tạng, đều xác nhận vai trò trọng yếu của công chúa trong tiến trình hình thành và phát triển Phật giáo tại khu vực này. Xét trên cả bình diện lịch sử và bối cảnh ngoại giao – văn hóa đương thời, cuộc hôn phối giữa công chúa Bhrikutī Devī của Nepal và quốc vương Tây Tạng là một sự kiện rất có khả năng đã thực sự diễn ra, và không thể đơn thuần xem là sản phẩm của truyền thuyết dân gian. Nhiều học giả hiện đại cũng đã bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm này. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ trình bày các luận cứ xác đáng nhằm làm sáng tỏ tính khả tín về sự hiện hữu của công chúa Bhrikutī Devī, cũng như xác định mức độ khả thi cao của cuộc hôn phối giữa vị công chúa và quốc vương Tây Tạng Songtsen Gampo.
1.1.1. Quan hệ Nepal – Tây Tạng (khoảng năm 620-650)
Rõ ràng, Nepal là một quốc gia văn minh với nền văn hóa phát triển rực rỡ. Phật giáo tại đây từng trải qua thời kỳ hưng thịnh, với cộng đồng tăng ni lên đến hơn một nghìn người.[14] Nepal cũng được biết đến rộng rãi nhờ nghệ thuật và kiến trúc đặc sắc. Trong Tang Annals (Biên niên sử triều Đường), công trình kiến trúc tráng lệ Kailashkuta Bhavan (khoảng năm 598) được mô tả như một kiệt tác nghệ thuật hiếm có, vượt trội hơn bất kỳ công trình nào đương thời trên thế giới. Các phái đoàn và khách hành hương Trung Quốc khi chứng kiến kiến trúc này đều bày tỏ sự ngỡ ngàng và thán phục. Trong giai đoạn Lichchavi, vua Narendra Deva từng tiếp đón nhiều đoàn khách và phái bộ từ Trung Quốc trên hành trình đi Ấn Độ, minh chứng cho sự giao lưu văn hóa và tôn giáo đầy sinh khí giữa các khu vực Nam Á và Đông Á.
Một trong những nhân vật quan trọng được ghi nhận trong các tư liệu cổ là sứ thần Vương Huyền Sách (王玄策, ?-?),[15] người đã từng mục sở thị công trình kiến trúc tráng lệ Kailaskuta Bhavan – một kiệt tác được ông mô tả là không có đối trọng ngay cả tại Trung Hoa cùng thời. Sau khi quốc vương Harṣavardhana (590–647) băng hà [quốc vương của vương triều Vardhana, có vai trò quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo tại Bắc Ấn Độ thời hậu Gupta], sứ đoàn của Vương Huyền Sách đã bị quân đội của Arjuna (Aruṇasva) tấn công [Tiểu vương Ma Kiệt Đà, nổi dậy sau khi Harṣavardhana mất]. Trong tình thế nguy cấp, ông phải lánh sang Nepal và tại đây đã phối hợp với liên quân Nepal – Tây Tạng tiến hành phản công, đánh bại lực lượng của Arjuna, qua đó tái lập trật tự khu vực và bảo vệ lộ trình giao thương – truyền giáo giữa Tây Tạng và Ấn Độ.
Điều gì đã tạo nên mối quan hệ ngoại giao mật thiết giữa Nepal, Tây Tạng và Trung Quốc trong giai đoạn này? Có lẽ không có nguyên nhân nào thiết thực và sâu sắc hơn cuộc hôn nhân mang tính ngoại giao – chiến lược giữa công chúa Bhrikutī Devī của Nepal và quốc vương Tây Tạng Songtsen Gampo, sự kiện được ghi nhận vào đầu thế kỷ VII. Hơn nữa, chính quốc vương Tây Tạng đã viện trợ quân sự giúp vua Narendra Deva khôi phục ngai vàng, vốn bị thế lực Vishnugupta chiếm đoạt.
Vì thế, cuộc hôn phối của công chúa Bhrikutī Devī không chỉ là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa – tôn giáo, mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ quyền lực và ngoại giao khu vực Nam Á và Trung Á thời kỳ sơ trung đại.
1.1.2. Sức mạnh quân sự của Tạng vương Songtsen Gampo
Một số học giả Nepal đã phủ nhận khả năng diễn ra cuộc hôn phối giữa công chúa Nepal và Tạng vương Songtsen Gampo. Họ lập luận rằng vị vua Tây Tạng này, khi ấy còn là thủ lĩnh của các liên minh bộ tộc được xem là “man di”, không sở hữu một nền văn hóa đủ tầm vóc để được quốc vương Nepal – Od zer Go cha – coi là đối tác xứng đáng trong việc thiết lập liên minh hoàng tộc. Theo lập luận này, quốc vương Nepal là một vị kṣatriya (chiến sĩ thuộc đẳng cấp vương giả), tự xưng danh hiệu Maharājādhirāja – “Đại vương của các đại vương”, và hết mực tự hào về huyết thống cao quý của mình. Vì vậy, thật khó hình dung một vị quân vương kiêu hãnh như vậy lại chấp thuận gả công chúa của triều đình cho một thủ lĩnh bị xem là “man rợ” đến từ vùng cao nguyên xa xôi.
Ngoài ra, một số học giả còn nêu thêm các lý do khác để bác bỏ khả năng cuộc hôn nhân ấy đã diễn ra. Trước hết, đó là yếu tố địa lý – khoảng cách giữa Nepal và Tây Tạng vốn xa xôi hiểm trở, với những tuyến đường mòn bị bao phủ bởi nguy cơ từ cướp bóc và khí hậu khắc nghiệt. Họ lập luận rằng, một công chúa được nuôi dưỡng trong sự xa hoa, yểu điệu và tinh tế của kinh thành Kathmandu sẽ khó có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt của cao nguyên Tây Tạng. Vì thế, việc nàng trở thành hoàng hậu của Tạng vương Songtsen Gampo bị xem là điều khó có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, chính lập luận ấy lại gợi mở một nghịch vấn đáng suy xét: nếu Tạng vương quả thực không có thực lực hay danh vọng, vậy điều gì đã khiến vương quốc Nepal phải cân nhắc đến một liên kết hôn phối? Phải chăng, chính sự trỗi dậy nhanh chóng về mặt quân sự và thế lực quốc gia của Songtsen Gampo – một nhân vật đang định hình lại cục diện khu vực – mới là yếu tố khiến các triều đình lân cận, trong đó có Nepal, buộc phải nhìn nhận lại vai trò và vị thế đang lên của Tây Tạng trong không gian quyền lực vùng Himalaya?
[Tuy nhiên, nếu gạt bỏ những định kiến xuất phát từ ý thức hệ dân tộc và cấu trúc đẳng cấp xã hội, chúng ta có thể nhận thấy rằng: cuộc hôn phối giữa Tạng vương Songtsen Gampo và công chúa Nepal – người được truyền thống tôn xưng là Bhṛkutī Devi – mang một ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong tiến trình tiếp nhận Phật giáo vào Tây Tạng. Dưới góc nhìn lịch sử Phật giáo, đây không chỉ là một liên kết hôn nhân mang tính chiến lược vương quyền, mà còn là cột mốc quan trọng trong sự giao lưu văn hóa và tôn giáo giữa Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII.
Theo truyền thống Tây Tạng, công chúa Nepal được cho là đã mang theo những pho tượng Phật quý giá, các kinh văn và nghệ nhân Phật giáo khi đến Tây Tạng, góp phần trực tiếp vào việc kiến lập những cơ sở tu viện đầu tiên – tiêu biểu là Jokhang, ngôi tu viện linh thiêng bậc nhất tại Lhasa. Công chúa được xem là một trong hai vị vương hậu Phật tử có ảnh hưởng sâu rộng đến Tạng vương Songtsen Gampo, bên cạnh công chúa Văn Thành của triều Đường. Cả hai được ghi nhận là đã góp phần chuyển hướng khuynh hướng tín ngưỡng của triều đình Tây Tạng – từ các hình thái bản địa như Bon – sang việc tiếp nhận Phật giáo như một hệ hình tư tưởng và tôn giáo trung tâm của quốc gia.
Việc hai công chúa – đại diện cho hai trung tâm văn minh Phật giáo lớn ở phương Nam (Ấn–Nepal) và phương Đông (Trung Hoa) – cùng hiện diện trong triều đình Tạng vương Songtsen Gampo, đã tạo nên một biểu tượng hiếm có cho sự kết tinh giữa quyền lực thế tục và sức mạnh tâm linh. Sự hiện diện song hành này không chỉ phản ánh nỗ lực thiết lập liên hệ xuyên văn hóa của triều đình Tây Tạng, mà còn cho thấy một tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định vị thế tinh thần và ảnh hưởng khu vực của vương quyền Tây Tạng giữa hai nền văn minh lớn. Vì vậy, nếu phủ nhận cuộc hôn phối với công chúa Nepal chỉ dựa trên lập luận về sự cách biệt địa lý hay định kiến chủng tộc, thì cũng là bỏ qua một mắt xích quan trọng trong tiến trình định hình căn tính Phật giáo tại cao nguyên Tây Tạng].
Trong truyền thống văn hiến Tây Tạng, sự hiện diện của công chúa Nepal được ghi nhận trong nhiều văn bản lịch sử và tôn giáo quan trọng. Văn bản cổ dBa’ bzhed được xem là một trong những ghi chép sớm nhất về sự truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng – đã tường thuật rõ ràng rằng công chúa Bhṛkutī là người đã mang theo pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm? (Avalokiteśvara) đến Tây Tạng, cùng với các nghệ nhân Nepal và vật liệu xây dựng, để kiến tạo tu viện Jokhang – một trung tâm Phật giáo trọng yếu tại Lhasa. Trong văn bản này, công chúa được mô tả là một Phật tử thuần thành, có ảnh hưởng lớn trong việc cảm hóa nhà vua và hoằng dương giáo pháp.[16]
Tương tự, trong Maṇi bKa’ ‘bum, một văn bản tập đại thành về giáo lý Quán Thế Âm và Phật giáo Tây Tạng, công chúa Nepal được ca ngợi như một “hóa thân của Tārā” – một biểu tượng từ bi – và là người có công kiến lập nền tảng Phật giáo đầu tiên cho xứ sở này. Những truyền thống này không chỉ nhấn mạnh vai trò biểu tượng, mà còn phản ánh một thực tại lịch sử rằng: sự truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng đã bắt đầu bằng con đường ngoại giao – hôn nhân, từ đó mở rộng sang văn hóa và tôn giáo.
Học giả nổi tiếng Giuseppe Tucci, trong tác phẩm Tibetan Painted Scrolls, đã nhận định rằng: “Sự liên kết hôn nhân giữa Songtsen Gampo với hai công chúa – một từ Trung Hoa, một từ Nepal – không phải là sự kiện ngoại giao đơn lẻ, mà là dấu hiệu của một giai đoạn chuyển mình văn hóa toàn diện của Tây Tạng. Chính những ảnh hưởng từ Nepal và Trung Hoa đã đặt nền móng cho quá trình tiếp nhận Phật giáo có hệ thống.”[17]
Hugh Richardson, một trong những nhà sử học hàng đầu về Tây Tạng cổ đại, cũng khẳng định rằng: “Dù một số chi tiết có thể được huyền thoại hóa trong văn sử Phật giáo, nhưng khó có thể phủ nhận rằng các cuộc hôn nhân ấy đã đóng vai trò thiết yếu trong việc mở đường cho việc truyền bá kinh điển, nghệ thuật và biểu tượng Phật giáo vào triều đình Tây Tạng.”[18]
Tương tự, Matthew T. Kapstein trong tác phẩm The Tibetans cũng nhấn mạnh rằng, các truyền thống liên quan đến công chúa Bhrikutī và Văn Thành không nên bị xem nhẹ như những truyền thuyết mang tính huyền thoại. Trái lại, chúng phản ánh tiến trình định hình quyền lực và bản sắc văn hóa – tôn giáo của vương quyền Tây Tạng trong thế kỷ thứ VII, khi Phật giáo dần trở thành một yếu tố cấu thành của thiết chế nhà nước và nền văn minh bản địa.[19]
Tất cả những lập luận đó thoạt nhìn có vẻ hợp lý, nhưng thực chất lại thiếu cơ sở vững chắc. Chúng tôi sẽ bàn luận kỹ hơn về vấn đề này trong một chương sau. Trong các trang kế tiếp, chúng tôi xin trình bày một số bằng chứng cụ thể cho thấy sức mạnh quân sự đáng kể của Tạng vương Songtsen Gampo trong giai đoạn đang được khảo cứu.
Để hiểu rõ hơn bối cảnh, cần nhấn mạnh rằng chính trong giai đoạn Tạng vương Songtsen Gampo tập trung quyền lực và sở hữu ưu thế quân sự vượt trội, các cuộc hôn phối với công chúa từ những quốc gia lân cận đã được xúc tiến như một phần trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng và củng cố vị thế vương quyền. Theo Biên niên sử đỏ (Red Annals), vị quốc chủ này từng chinh phục toàn bộ vùng Thượng Thục[20](Zhang Zhung) – một vương quốc cổ đại nằm ở khu vực phía tây cao nguyên Tây Tạng, ngày nay tương ứng với khu vực Ngari (bao gồm núi Kailash và hồ Manasarovar). Trong sử liệu truyền thống Tây Tạng, Thượng Thục được xem là một nền văn minh bản địa lâu đời, có từ trước cả khi triều đại Yarlung vươn lên dưới thời Songtsen Gampo vào thế kỷ thứ VII. Việc chinh phục Zhang Zhung không chỉ là một dấu mốc trong tiến trình thống nhất lãnh thổ, mà còn mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần xác lập vai trò của Songtsen Gampo như một bậc minh chủ kiệt xuất, người đặt nền móng cho cơ cấu thể chế và định hướng văn hóa của vương triều Tây Tạng buổi đầu.
Trong khi đó, Tạng vương Songtsen Gampo đang đã chính thức cầu hôn công chúa Văn Thành – ái nữ của Đường Thái Tông (626-649). Tuy nhiên, cùng lúc đó, Tho-ki-ki, quốc vương của Thổ Dục Hồn (吐谷渾) cũng dâng biểu xin cưới công chúa này.[21] Điều đó mâu thuẫn với yêu cầu của Tây Tạng, khiến Songtsen Gampo phát động chiến dịch quân sự chống lại Thổ Dục Hồn (吐谷渾) và nhanh chóng giành thắng lợi. Sau đó, nhà vua tiếp tục khuất phục các bộ tộc Khương (羌, Chiang), Bạch Lan (Pailan) và Đảng Hạng (黨項, Tang Hsiang).
Theo ghi chép trong Cựu Đường thư (舊唐書), vào năm 634, triều đình nhà Đường đã thiết lập quan hệ bang giao với vương triều Tây Tạng và ban tặng nhiều phẩm vật hữu nghị. Tuy nhiên, khi Tạng vương Songtsen Gampo chính thức đề xuất thỉnh cầu một cuộc hôn phối với công chúa nhà Đường, lời thỉnh cầu này ban đầu đã không được chấp thuận. Sau đó, nhà vua Tây Tạng phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn với khoảng 200.000 binh sĩ, kéo dài trong nhiều năm nhằm gây áp lực lên triều đình nhà Đường. Cuối cùng, vào năm 641, công chúa Văn Thành được triều đình nhà Đường sắc phong và đưa sang Tây Tạng. Điều này cho thấy, cuộc hôn nhân không chỉ đơn thuần là kết quả của những đàm phán ngoại giao, mà còn phản ánh một tiến trình bang giao phức hợp, trong đó yếu tố quân sự đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình mối quan hệ giữa hai vương triều.
Đáng chú ý, trước khi thành hôn với công chúa nhà Đường, vào khoảng năm 633, Songtsen Gampo đã chính thức cầu hôn công chúa Bhrikutī Devī của Nepal. Căn cứ vào các ghi chép lịch sử hiện có, có thể nhận thấy rằng vào thời điểm ấy, thực lực quân sự và ảnh hưởng của Tây Tạng đã vượt trội so với Nepal. Trong bối cảnh đó, việc quốc vương Nepal chấp thuận cuộc hôn phối không chỉ mang ý nghĩa thiết lập quan hệ bang giao, mà còn được xem là một quyết định mang tính chiến lược nhằm duy trì ổn định và bảo toàn vị thế của vương quốc trước những chuyển biến sâu rộng trong cấu trúc quyền lực khu vực Nam Á và Trung Á thời sơ trung đại.
1.1.3. Sự lan tỏa của Phật pháp
Xét về vị trí địa lý, Tây Tạng nằm giữa hai quốc gia láng giềng có truyền thống Phật giáo lâu đời: Nepal và Trung Quốc. Vào thời kỳ đó, cả hai trung tâm văn hóa này đều đang chứng kiến sự phát triển rực rỡ của Phật giáo.
[Nepal – nơi được xem là vùng đất đản sinh của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni – giữ vai trò như một chiếc nôi nguyên thủy của Phật giáo, nơi mà tinh thần từ bi, trí tuệ và con đường giải thoát được bảo tồn và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Trong khi đó, Trung Quốc – thông qua tiến trình bản địa hóa sâu rộng và sự bảo trợ của triều đình – đã kiến lập một nền Phật học đồ sộ, kết tinh giữa tư tưởng Ấn Độ và truyền thống Nho – Đạo bản địa].
Giữa hai dòng chảy lớn ấy, Tây Tạng không chỉ giữ vị thế là cầu nối địa lý, mà còn là điểm hội tụ và tiếp biến tinh thần, nơi giáo pháp được tiếp nhận, chuyển hóa và phát triển thành hình thái đặc thù của một truyền thống Phật giáo bản địa. Chính điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó đã tạo nên cơ duyên thuận lợi cho sự lan tỏa sâu rộng của Phật giáo vào vùng cao nguyên, mở ra một chương mới trong hành trình truyền bá và toàn cầu hóa giáo pháp của Đức Phật.
Xét về mặt xã hội học, Tây Tạng thời sơ kỳ phần lớn vẫn duy trì trạng thái biệt lập, với một cấu trúc xã hội khép kín, ít chịu tác động trực tiếp từ các nền văn minh xung quanh. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, nhà vua đương thời – với tầm nhìn chiến lược và nhận thức sâu sắc về thời cuộc – đã sớm chú ý đến sự thịnh vượng của văn hóa Phật giáo đang nở rộ tại các quốc gia láng giềng.
Trước viễn cảnh phát triển lâu dài của quốc gia và nhu cầu thiết lập nền tảng tinh thần bền vững, Tạng vương đã chủ động đề xuất với triều thần việc thỉnh cầu hôn phối với hai công chúa – một từ Nepal và một từ Trung Hoa – như một phương thức hòa hiếu và giao lưu văn hóa. Qua đó, Phật pháp có thể được đưa vào Tây Tạng một cách hợp pháp và trọng thể, thông qua con đường hôn nhân hoàng tộc [vốn được xem là hình thức ngoại giao văn hóa cao cấp trong bối cảnh cổ đại].
Alexander Csoma de Koros – một trong những học giả tiên phong trong lĩnh vực Tây Tạng học – trong Essay Towards a Dictionary, Tibetan and English đã ghi nhận: “Songtsen Gampo, tên của một vị vua lừng danh ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII; dưới triều đại của ngài, Phật giáo lần đầu tiên được truyền vào Tây Tạng.” (Koros, bản in lại năm 1973).
Vị quân chủ này đã thực hiện công cuộc thống nhất các bộ tộc rải rác trên cao nguyên và bình định các thế lực biên viễn, từ đó thiết lập nền tảng cho một nhà nước trung ương tập quyền. Trên vai trò người khai sáng bước ngoặt phát triển của quốc gia, nhà vua sớm nhận thức rằng Phật giáo không chỉ là một hệ tư tưởng vượt lên trên mọi phạm trù thông thường, mà còn là động lực văn hóa – xã hội quan trọng, có khả năng dẫn dắt dân tộc bước vào một kỷ nguyên văn minh mới [với các cấu trúc pháp lý, giáo dục và đạo đức được tổ chức, vận hành và quy chiếu dựa trên nguyên tắc của Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya) trong Phật giáo, phản ánh sự đồng hành mật thiết giữa giáo lý và thiết chế nhà nước nhằm duy trì trật tự xã hội, củng cố bản sắc văn hóa, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội Tây Tạng sơ kỳ].
Quốc vương Nepal thấu hiểu sâu sắc giá trị văn hóa và tôn giáo phong phú của đất nước mình, thể hiện qua việc gìn giữ nhiều pho tượng Phật và kinh điển quý báu. Vua Tây Tạng biết rằng phụ hoàng của công chúa Bhrikutī sở hữu nhiều pháp bảo linh thiêng, gồm: tượng Phật A Súc Bệ (Akṣobhya) – một trong Ngũ Phương Phật, tượng trưng cho trí tuệ bất động phương Đông; tượng gỗ đàn hương của Bồ-tát Tārā [Bồ-tát Quán Thế Âm nữ, hiện thân của lòng từ bi trong truyền thống Đại thừa]; cùng các pho tượng Di-lặc (Maitreya) và Bhadrapāla (Watibhadra) [Bhadrapāla là một vị hộ pháp được tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng]. Khi lễ hôn sự được ấn định, quốc vương Nepal đã long trọng dâng hiến toàn bộ các pháp bảo này như lễ vật hồi môn gửi sang Tây Tạng, biểu trưng cho sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo giữa hai vùng đất – tuy phân lập về địa lý và chính thể, nhưng cùng chia sẻ một nền tâm linh chung bắt rễ từ giáo pháp Đức Phật.
Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, nhà vua không chỉ long trọng nghênh tiếp công chúa Bhrikutī, mà còn đón nhận đoàn tùy tùng đi theo nàng – gồm các nghệ nhân và học giả lỗi lạc thuộc nhiều lĩnh vực như điêu khắc, hội họa, kiến trúc và giảng dạy Phật pháp – dưới sự dẫn dắt của Thượng tọa Shilamanju. Sự hiện diện và đóng góp của những bậc này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng hai công trình mang tính biểu tượng: tu viện Đại Chiêu (Jokhang) và cung điện Potala – các công trình kiến trúc uy nghi, sau này trở thành trung tâm tín ngưỡng và biểu tượng văn hóa thiêng liêng của toàn thể dân tộc Tây Tạng.
Tại Jokhang – một trong những thánh địa trọng yếu bậc nhất của Phật giáo Tây Tạng – như chính người khảo cứu đã từng trực tiếp chứng kiến, vẫn lưu giữ rõ nét ảnh hưởng của mỹ thuật và kiến trúc Nepal cổ đại qua các yếu tố như kèo gỗ chạm khắc, cột trụ, vòm cuốn và cổng Torana Dvāra [Torana Dvāra: loại cổng vòm truyền thống có nguồn gốc từ Ấn Độ và Nepal, thường được đặt tại lối vào chính của các kiến trúc Phật giáo, mang ý nghĩa nghi lễ và biểu tượng sâu sắc]. Bên cạnh đó, truyền thống truyền khẩu Tây Tạng còn ghi nhận niềm tin rằng công chúa Bhrikutī Devī đã khởi xướng và chỉ đạo việc kiến tạo Jokhang cùng cung điện Potala như những trung tâm Phật giáo đầu tiên trên cao nguyên, với nguyện vọng tạo dựng nơi nương tựa tâm linh cho cộng đồng và dẫn dắt muôn dân quy hướng Chánh pháp.
Hơn nữa, luận điểm cho rằng tu viện Đại Chiêu (Jokhang) cùng cung điện Potala được xây dựng ngay từ thế kỷ thứ VII, dưới thời vua Songtsen Gampo, không chỉ là truyền thuyết dân gian lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng Tây Tạng, mà còn được khẳng định bởi nhiều học giả Tây Tạng học uy tín trong giới nghiên cứu hiện đại. Trong số đó có thể kể đến Giáo sư D.L. Snellgrove – một trong những nhà nghiên cứu phương Tây tiên phong về văn hóa và Phật giáo Tây Tạng; Tiến sĩ Zuhio Yamaguchi – chuyên gia về lịch sử cổ Tây Tạng và văn bản học song ngữ Hán – Tây Tạng; cùng với ông Stephen Batchelor – tác giả nhiều công trình tiêu biểu về Phật giáo truyền thống và hiện đại.
Những học giả này, thông qua việc khảo sát văn bản cổ, nghiên cứu khảo cổ học và phân tích kiến trúc, đều đi đến nhận định rằng: Hai công trình này có nguồn gốc từ giai đoạn khởi nguyên của Phật giáo Tây Tạng, gắn liền với chính sách truyền bá Phật pháp thông qua hôn nhân ngoại giao và giao lưu văn hóa dưới triều đại minh quân Songtsen Gampo. Đặc biệt, tu viện Đại Chiêu được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên trên cao nguyên Tây Tạng, nơi hội tụ các yếu tố kiến trúc, mỹ thuật và nghi lễ mang đậm dấu ấn Ấn Độ – Nepal, đồng thời trở thành biểu tượng quan trọng cho sự khởi đầu của tiến trình bản địa hóa Phật giáo tại vùng đất này.
Sự đồng thuận của giới học thuật quốc tế về niên đại thế kỷ thứ VII của những công trình biểu tượng này, càng làm nổi bật tầm vóc của giai đoạn sơ kỳ trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng – một thời đại mà Phật pháp bắt đầu bén rễ sâu sắc vào đời sống tinh thần của người dân bản địa, qua các hình thức nghệ thuật, nghi lễ và sự liên kết chặt chẽ với thiết chế vương quyền.
1.2. Khảo cứu các tư liệu gốc
1.2.1. Tập đại giáo pháp về Maṇi (Maṇi bKa’ ‘bum)
Công trình hiện tại chủ yếu dựa trên bản khắc gỗ (xylographic edition) Maṇi bKa’ ‘bum được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Bhutan (National Library of Bhutan), Thimphu, mang số hiệu lưu trữ 236/2/8 và 6552. Tác phẩm gồm hai tập (ký hiệu là E và Warn). Tựa đề đầy đủ của bộ sách là:
“Chos sKyong ba’i rGyal po Srong btsan sgam po’i bKa’ bum las stod kyi tsha thog mar bla ma rgyud pa’i gsol debs lo rgyus sogs”.
Tạm dịch: Phần mở đầu quyển thượng trong Tập Di Huấn của Đức Hộ pháp vương Songtsen Gampo, gồm các bản văn khẩn nguyện theo dòng truyền thừa đạo sư, truyện ký và những tư liệu liên quan khác.
Tựa đề rút gọn của bộ sách thường được gọi là:
“rGyal po Srong btsan sgam po’i Maṇi bKa’ ‘bum stod cha smad cha tshang grigs bshugs”.
Toàn tập Maṇi bKa’ ‘bum của vua Songtsen Gampo, gồm quyển thượng và hạ.
Tập thứ nhất (E) gồm 211 tờ (folio) và được chia thành năm phần chính như sau:
(a) Phần đầu tiên bao gồm 36 chương của Lo rgyus chen mo (Đại truyện ký), trong đó trích dẫn nhiều đoạn từ bộ kinh Đại thừa Arya Guṇakāraṇḍavyūha cùng với các hành trạng từ bi của Quán Thế Âm Bồ-tát (từ tờ 1 đến 97b).
(b) Phần thứ hai là tiểu sử có nhan đề Tường thuật về hành trạng của Songtsen Gampo trong việc hoằng dương giáo pháp của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (từ tờ 97b đến 140a), gồm 16 chương. Phần này trình bày chi tiết về dòng tộc, sự hoài thai và đản sinh của Songtsen Gampo, thời niên thiếu và lễ đăng quang của vua, sự thiết lập pháp luật thế gian, việc thỉnh Phật tượng, các cuộc hôn phối với công chúa Nepal và Trung Hoa (tờ 111a–132b), việc kiến thiết tu viện (tờ 132a–137b), công cuộc dịch thuật kinh điển Phật giáo và việc ẩn tàng mật pháp (gTer-ma), cùng nhiều sự kiện khác.
(c) Phần thứ ba, mang tên Tường thuật về hành trạng của Songtsen Gampo trong việc tiếp nhận giáo pháp từ các vị Phật khác, bao gồm mười truyện Jataka về các tiền thân của nhà vua (tờ 140a–167b).
(d) Phần thứ tư trình bày Jataka của Thái tử Lokesvara (tờ 167b–183b).
(e) Phần thứ năm tập hợp Hai mươi mốt hành trạng của nhà vua trong 21 chương (tờ 183b–211a).
Trong khuôn khổ nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đặc biệt chú trọng phân tích và lần đầu tiên chuyển dịch các đoạn văn mô tả hôn phối và việc kiến lập cung điện – tu viện của nhà vua, như là minh chứng rõ nét cho quá trình Phật giáo hóa vương quyền.
Phần tiếp theo của tập “E” gồm 102 tờ, với nhan đề đầy đủ như sau:
“Chos skyong ba’i rgyal po Srong btsan sgam po mdzad pa’i thugs rje chen po’i sgrub thabs kyi chos skor bshugs so”.
Tạm dịch: Tập pháp hành trì Quán Thế Âm Đại Bi, do Đức Hộ pháp vương Songtsen Gampo biên soạn, kính phụng dâng.
Phần này bao gồm nhiều nghi quỹ hành trì (sādhana) thiền định về Quán Thế Âm Bồ-tát (Avalokiteśvara), phản ánh phương diện tín ngưỡng và tu tập của truyền thống Đại bi tâm trong Phật giáo Tây Tạng.
Tập thứ hai, mang ký hiệu Warn, gồm 309 tờ, có nhan đề đầy đủ là:
“Chos skyong ba’i rgyal po Srong btsan sgam po’i bKa’ bum las smad kyi tsha shal gdams skor bshugs so”.
Tạm dịch: Phần huấn thị và chỉ dạy thuộc quyển hạ trong Tập Di Huấn (bKa’ bum) của Đức Hộ pháp vương Songtsen Gampo, kính phụng dâng.
Nội dung của tập này kết tập những lời giáo huấn mang chiều sâu triết lý mà đức vương truyền trao cho các hoàng hậu, bậc đại thần và toàn thể thần dân. Qua đó cho thấy vai trò của nhà vua không chỉ giới hạn trong cương vị một bậc quân chủ thế gian, mà còn thể hiện như một bậc đạo sư dẫn dắt tâm linh (spiritual guide) trong tiến trình giáo hóa và kiến thiết đời sống văn hóa – tôn giáo tại vùng cao nguyên.
Phần cuối cùng của tập Warn gồm 47 tờ, có nhan đề:
“Chos skyong ba’i rgyal po Srong btsan sgam po’i shal gdams ’phags pa Nam mKha’i rgyal po’i mNgon rtogs sogs phran ’ga’ bshugs so”.
Tạm dịch: Những lời giáo huấn khẩu truyền của Đức Hộ pháp vương Songtsen Gampo về tri kiến giác ngộ cùng các pháp môn thiết yếu của bậc Thánh Nam Mkhai Gyalpo, đã được ghi chép và truyền lưu qua các thế hệ.
Phần này bao gồm những lời chỉ dạy tương tự của nhà vua về sự chứng ngộ tâm linh, đặc biệt tập trung vào nội dung liên quan đến việc thể nhập tuệ giác của vị thánh Nam mKha’i rgyal po – một biểu tượng của sự thành tựu tâm linh siêu việt trong truyền thống Mật thừa.
Do đó, trong khuôn khổ nghiên cứu hiện tại, chúng tôi chủ ý tập trung khảo sát tập đầu tiên của bộ Maṇi bKa’ ‘bum – tức phần kinh văn (mDo skor), vì nơi đây tập hợp một số lượng đáng kể những truyện tích đặc sắc liên quan đến cuộc đời của Đức vua Songtsen Gampo. Theo truyền thống, toàn bộ văn bản được cho là do chính nhà vua biên soạn và truyền khẩu cho vị đại thần Thon-mi Sambhota vào những ngày cuối đời. Tuy nhiên, khi khảo cứu kỹ lưỡng, có thể nhận thấy văn bản không phải là một khối thống nhất, mà chứa đựng nhiều tầng lớp thông tin có niên đại khác nhau, phản ánh sự tiếp biến tư liệu từ nhiều thời kỳ. Với những dữ kiện hiện có, chúng tôi chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, toàn bộ văn bản là tác phẩm nguyên gốc của thế kỷ thứ VII như truyền thuyết lưu truyền.
Thêm vào đó, truyền thống Tây Tạng xếp văn bản này vào loại gter-ma (mật tạng), tức là những kho tàng pháp bảo được ẩn giấu và chỉ xuất hiện vào thời điểm thích hợp, và xác nhận rằng chính đại hành giả (mahāsiddha) Grub-thob dNgos-grub là người đầu tiên phát hiện ra. Theo truyền thuyết, ngài đã tìm thấy phần thứ hai của bộ sách, tức các nghi quỹ hành trì (sgrub skor, sādhana) trong chính ngôi tu viện linh thiêng Jokhang tại Lhasa.
Bộ Maṇi bKa’ ‘bum được chia thành ba phần lớn:
a) mDo skor (Phần Kinh văn, từ tờ 1 đến 211a)
b) sGrub skor (Phần nghi quỹ hành trì)
c) Shal gdams kyi skor (Phần giáo huấn triết lý)
Sau khi phát hiện phần sādhana, Grub-thob dNgos-grub đã truyền lại văn bản ấy cho mNga’ bdag Myang. Vị này tiếp tục khám phá ra 150 bản di huấn đã được vua Songtsen Gampo ẩn tàng. Myang sau đó trao toàn bộ những văn bản này cho Mi skyod rdo rje của vùng La stod, và từ đó được truyền đến rJe btsun bZang po. Chính Bzang po là người cuối cùng phát hiện ra phần mDo skor, nhờ đó hoàn chỉnh toàn bộ chu kỳ văn bản quý giá này. Trọn bộ Maṇi bKa’ ‘bum sau cùng được truyền trao cho Lha rje dGe ‘bum – người được xem là pháp tử cuối cùng trong dòng truyền thừa này.[22]
Hiển nhiên rằng nội dung của Maṇi bKa’ ‘bum không đồng nhất về niên đại, cho thấy đây là một tập hợp văn bản được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Về quá trình biên tập cuối cùng, các nguồn tư liệu cho biết, người có vai trò quyết định là Lha rje dGe ’bum – một vị đạo sư nổi tiếng hoạt động vào khoảng thế kỷ XII, với niên đại được xác định theo nghiên cứu của Giáo sư Haarh là khoảng 1160–1240. Chính ngài được cho là người đã hoàn thiện việc hệ thống hóa và ấn định bố cục cuối cùng của toàn bộ tập văn này, đưa Maṇi bKa’ ‘bum trở thành một chỉnh thể thống nhất, có ảnh hưởng sâu rộng trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Thêm vào đó, tiểu sử của Phajo Brug sgom zhig po (1184–1251) – một vị đạo sư kiệt xuất thuộc dòng truyền thừa Drukpa Kagyu, người đã có công lớn trong việc truyền bá giáo pháp từ miền trung Tây Tạng đến vùng Bhutan, đã cung cấp bằng chứng quan trọng cho thấy Maṇi bKa’ ‘bum đã được lưu hành rộng rãi từ thời thiếu niên của ngài.[23] Điều này không những khẳng định sự tồn tại của văn bản vào cuối thế kỷ XII, mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng và sự phổ biến của tác phẩm này trong đời sống tôn giáo và văn hóa Tây Tạng ngay từ thời kỳ đầu hình thành truyền thống Phật giáo vùng biên.
Vị hành giả phát hiện văn bản này – Grub thob dNgos grub, được cho là sống cùng thời với đại hành giả Karmapa đời thứ nhất Dus gsum Khyen pa (1110–1193) và Phag mo gru pa (1110–1170). Giáo sư Stein đã đề xuất một niên đại khả tín hơn cho Grub thob dNgos grub, khoảng từ năm 1136 đến 1204.[24]
Phần nội dung liên quan đến cuộc hôn phối của công chúa Nepal Bhrikutī Devī trong văn bản này có nhiều điểm tương đồng với các tư liệu khác như rGyal rabs gsal ba’i Me-long và rNam thar, ngoại trừ một số dị biệt nhỏ trong việc ghi lại tên của quốc vương Nepal. Trong Maṇi bKa’ ‘bum, ba danh hiệu được ghi nhận là: ‘Od zer Go cha, Ratna Deva và Sa-la bri-ho,[25] trong khi rGyal rabs chỉ ghi đơn giản là Devalha. Dù tên của quốc vương Nepal có khác biệt, nhưng nội dung liên quan đến sứ mệnh ngoại giao của vị đại thần Tây Tạng mGar trong cả ba nguồn đều hoàn toàn tương đồng. Những khác biệt nhỏ đã được ghi chú cẩn thận ở những chỗ tương ứng.
Điều đáng lưu ý là các sử gia hậu kỳ như Kun dGa’ rdo rje và Gos lo tsā ba hoàn toàn không đề cập đến những chi tiết này trong trước tác của họ. Tuy vậy, trong tất cả các nguồn văn hiến đã nêu, công chúa Nepal đều được ghi nhận là người chủ trì việc xây dựng đại tu viện Jokhang, cung điện Potala và nhiều công trình Phật giáo quan trọng khác, thậm chí còn trước cả khi công chúa đến từ Đông Thổ Đại Đường khởi công các kiến trúc tôn giáo về sau. Văn bản cũng cho biết rằng công chúa Nepal đã cho xây dựng một tòa lâu đài cao chín tầng mang tên Sog po mkhar trên núi Hồng, vốn được xem là nền móng sơ khai của cung Potala sau này.[26]
1.2.2. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng của Bu-ston (năm 1322)
Tác phẩm Chos ’byung (Lịch sử Phật giáo) do Bu-ston Rin-po-che biên soạn đã được hoàn thành vào năm 1322. Bu-ston Rin-chen-grub (1290–1364) là một trong những đại học giả lỗi lạc nhất của Phật giáo Tây Tạng, được đánh giá ngang hàng với Tshal-pa Kun-dga’ rdo-rje trong lĩnh vực giáo lý. Ngài còn là một trong những vị biên tập quan trọng cuối cùng của hai đại tạng Kanjur và Tanjur, góp phần định hình hệ thống kinh tạng tiêu chuẩn của Phật giáo Tây Tạng như ta thấy ngày nay.
Tác phẩm chủ yếu bàn về nguồn gốc và sự phát triển của Phật giáo, quá trình hình thành hai truyền thống Đại thừa và Tiểu thừa, cùng với tường thuật về sự du nhập của Phật giáo vào Tây Tạng. Bu-ston về sau còn được biết đến như là người sáng lập phái Zhalu (Zhalu pa) và đảm nhiệm cương vị viện chủ của tu viện Zhalu, gần khu vực gZhi-ga-rtse.
Tuy chỉ dành một đoạn rất ngắn để đề cập đến cuộc hôn nhân giữa công chúa Nepal Bhrikutī và quốc vương Tây Tạng Songtsen Gampo, nhưng văn bản vẫn ghi nhận một cách súc tích vai trò của công chúa cùng sính lễ mang theo từ Nepal, như một phần trong tiến trình tiếp nhận Phật giáo tại vùng đất Tây Tạng.
1.2.3. Biên niên sử đỏ (Hu-lan Deb ther, 1346)
Tác phẩm Hu-lan Deb ther (hay Deb ther dMar po – Biên niên sử Đỏ), được biên soạn vào năm 1346 bởi Tshal-pa Kun-dga’ rdo-rje (1309–1353), một học giả lỗi lạc thuộc vùng dBus và gTsang. Đây là một trước tác lịch sử quan trọng, dựa trên nhiều tư liệu Hán ngữ có giá trị, đặc biệt là bản dịch Tây Tạng của Cựu Đường thư (舊唐書, Jiu Tang shu) – còn gọi là rGya’i yig tshang – do bLa-ma Rin-chen grags-pa chuyển ngữ.
Tác phẩm này chủ yếu trình bày lịch sử Tây Tạng từ thời kỳ sơ khởi cho đến giai đoạn quyền lực tập trung trong tay phái Sa-skya. Trong đó, tác giả ghi chép rằng quốc vương Nepal ‘Od zer Go cha đã gả công chúa Bhrikutī cho vua Tây Tạng Songtsen Gampo. Trong sính lễ, nhà vua còn gửi tặng các tôn tượng Phật A Súc (Akṣobhya), Di-lặc (Maitreya) và Bồ-tát Tārā được tạc bằng gỗ đàn hương. Tôn tượng Phật A Súc từ Nepal được an trí tại đại tu viện Jokhang – một trong những thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng.
Ngoài ra, nhà vua còn thỉnh mời vị học giả uyên bác người Nepal là Silamanju đến Tây Tạng để tham gia công cuộc phiên dịch kinh điển Phật giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước khởi đầu cho việc thiết lập một truyền thống Phật giáo bằng văn ngữ bản địa, mà còn đặt nền móng cho sự hình thành hai bộ kinh tạng tiêu chuẩn của Phật giáo Tây Tạng: Kanjur (Bka’ ’gyur) và Tanjur (Bstan ’gyur) trong các thế kỷ tiếp theo.
1.2.4. Gương soi lịch sử hoàng gia (rGyal rabs gSal ba’i Me-long, 1388)
Tác phẩm “Gương soi lịch sử hoàng gia” (T. rGyal rabs gSal ba’i Me-long; H. 王统明镜)[27] là một bộ sử quan trọng về lịch sử Tây Tạng, được biên soạn vào năm 1388 bởi bSod nams rgyal mtshan, một vị tăng sĩ uyên bác thuộc phái Sa-skya. Khác với các biên niên sử trước đó vốn thiên về thần thoại hoặc ghi chép tản mạn, tác phẩm này có chủ đích rõ rệt trong việc xác lập một hình tượng lịch sử chính thống và liên tục của các vị vua Tây Tạng cổ đại, đặc biệt là ba vị vua được xem là “Tam vị hộ pháp vương” (chos rgyal gsum): Songtsen Gampo (609–650), Trisong Detsen (742–798) và Ralpacan (802–838).[28] Một phần đáng kể trong nội dung của tác phẩm dành cho việc ghi chép mối liên hệ giữa Phật giáo và hoàng quyền Tây Tạng, tiêu biểu là cuộc hôn nhân giữa vua Songtsen Gampo và công chúa Nepal Bhrikutī Devī, cùng sự kiện xây dựng đại tu viện Jokhang – một cột mốc then chốt trong tiến trình truyền bá và bản địa hóa Phật giáo tại cao nguyên Tây Tạng.
Chương thứ mười hai của tác phẩm ghi chép chi tiết về việc cầu hôn và kết hôn giữa Songtsen Gampo và công chúa Bhrikutī, cho thấy đây không chỉ là một sự kiện ngoại giao mà còn mang tầm vóc của một sự kiện Phật giáo. Chương mười bốn tiếp tục mô tả quá trình xây dựng các đại tu viện, đặc biệt là Jokhang – biểu tượng tôn giáo và văn hóa Tây Tạng về sau.
Tác phẩm này đã được học giả Nga Kusnetshov khảo đính và xuất bản lần đầu vào năm 1935.[29] Một ấn bản khác, được Mi-rigs dpe skrun khang (Nhà xuất bản Nhân dân Tây Tạng, 西藏人民出版社) phát hành tại Lhasa năm 1981, do rgyal sras Ngag dbang blo bzang và mgon po rgyal mtshan hiệu đính, là bản văn mà chúng tôi dựa vào để trình bày các tư liệu liên quan đến sự kiện xây dựng Jokhang.
Theo nội dung của tác phẩm, khi quyết định cầu hôn công chúa Nepal, vua Songtsen Gampo đã cử viên đại thần mGar (祿東贊, Lộc Đông Tán) – một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm – mang theo lễ vật quý giá gồm tiền vàng và một bộ áo giáp khảm đá mã não sang Nepal. Tuy ban đầu vua ‘Od zer Go cha từ chối lời cầu hôn, nhưng sau đó đã chấp thuận khi phái đoàn Tây Tạng đưa ra những luận đáp thỏa đáng cho ba câu hỏi lớn liên quan đến đạo đức nhân luân (thập thiện),[30] vai trò của tu viện và giá trị khoáng sản quý của Tây Tạng. Ngoài ra, hoàn cảnh căng thẳng về mặt bang giao, đặc biệt là mối e ngại trước khả năng bị Tây Tạng dùng binh, cũng góp phần thúc đẩy vua Nepal Devalha chấp thuận cuộc hôn phối với vua Tây Tạng.
Tương truyền rằng công chúa Bhrikutī, khi kết hôn với vua Songtsen Gampo, đã mang từ Nepal sang Tây Tạng nhiều thánh tượng Phật giáo có giá trị linh thiêng, trong đó có tượng Phật A Súc (Akṣobhya), Phật Di-lặc (Maitreya) – đều trong tư thế thủ ấn “Chuyển Pháp Luân” (Dharmacakra-mudrā) – cùng tượng Bồ-tát Tārā được tạc từ gỗ đàn hương thiêng, vốn được tin là thấm nhuần năng lực gia trì và thường chỉ được dùng để tạc tượng những vị Bổn tôn cao cấp trong Mật thừa.
Sau khi đến Tây Tạng, công chúa không chỉ trở thành hoàng hậu mà còn là người bảo trợ đắc lực cho Phật pháp: Công chúa cho xây dựng cung điện Potala trên đỉnh dMar po ri và đại tu viện Jokhang[31] bên vùng đất Thang,[32] một khu vực đồng bằng ở trung tâm Lhasa. Nhiều thợ thủ công, nghệ nhân tài hoa từ Nepal cũng được công chúa mời sang Tây Tạng để kiến tạo tượng Phật và kiến trúc tu viện. Trong số những người được mời đến có cả các học giả Phật giáo lỗi lạc, trong đó nổi bật là Acharya Shilamanju – người góp phần quan trọng trong việc dịch các kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng.[33]
[Với những tư liệu quý báu và ghi chép chi tiết, Gương soi lịch sử hoàng gia không chỉ là một bộ sử hoàng gia Tây Tạng, mà còn là nguồn tư liệu không thể thiếu cho việc nghiên cứu tiến trình giao lưu Phật giáo Ấn – Tạng, vai trò của nữ giới trong hoằng pháp, và sự hình thành các trung tâm Phật giáo đầu tiên trên đất Tây Tạng].
1.2.5. Thanh sử Tây Tạng (Deb ther sngon po) của Gos Lotsāwa gZhon nu dPal (1476)
Tác phẩm Deb ther sngon po, thường gọi là Thanh sử Tây Tạng (The Blue Annals), là một trong những biên sử Phật giáo Tây Tạng quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Tác phẩm được biên soạn vào năm 1476 bởi Gos Lotsāwa gZhon nu dPal (1392–1481), một vị cao tăng, học giả lỗi lạc thuộc truyền thống Bka’-brgyud (Kagyu). Với tầm vóc sử học bao quát và phương pháp biên niên khách quan, Deb ther sngon po không chỉ là kho tư liệu đồ sộ về sự hình thành và phát triển của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng từ thời kỳ phục hưng trở đi.
Khác với nhiều biên sử mang màu sắc tông phái cục bộ, tác phẩm nổi bật với tinh thần bao dung học thuật và phương pháp biên soạn có tính hệ thống, khách quan. Deb ther sngon po ghi chép toàn diện lịch sử hình thành và phát triển của các tông phái chính yếu như Nyingma, Kadam, Sakya và Kagyu, đồng thời trình bày tiểu sử nhiều bậc đạo sư lỗi lạc tại Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ. Đặc biệt, tác phẩm nhấn mạnh mối tương giao Phật giáo xuyên vùng Himalaya, trong đó vai trò của các đại sư Nepal tại Ấn Độ và Tây Tạng được đề cập nổi bật, góp phần cung cấp những cứ liệu quan trọng cho nghiên cứu lịch sử giao lưu tôn giáo – văn hóa trong khu vực.
[Tác phẩm này từng được học giả George Roerich chuyển dịch sang tiếng Anh với nhan đề The Blue Annals, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận rộng rãi cho giới nghiên cứu quốc tế. Không đơn thuần là một biên sử theo trình tự thời gian, Deb ther sngon po còn là minh chứng sống động cho dòng truyền thừa liên tục của trí tuệ và tâm linh Phật giáo Tây Tạng. Tác phẩm phản ánh tinh thần học thuật khai phóng, vượt lên trên khuynh hướng tông phái, thể hiện lý tưởng dấn thân vì sự bảo tồn và truyền bá Chánh pháp].
1.2.6. Biên niên sử trắng (Deb ther dKar po, 1978)
Tác phẩm Deb ther dKar po (hay còn gọi là The White Annals – Biên niên sử trắng), được hoàn thành năm 1978, là một trong những công trình lịch sử tiêu biểu của học giả – tu sĩ dGe ’dun Chos-’phel (1905–1951), bậc trí giả Tây Tạng nổi tiếng thế kỷ XX. Tác phẩm tập trung nghiên cứu về thời đại của Tạng vương Songtsen Gampo, người được xem là vị quân chủ khai sáng vương triều thống nhất Tây Tạng, đồng thời đóng vai trò nền tảng trong quá trình thiết lập và phát triển Phật giáo tại vùng đất này.
Điểm đặc sắc của Deb ther dKar po nằm ở phương pháp tiếp cận sử học tân tiến, trong đó dGe ’dun Chos-’phel đã tiên phong vận dụng các kết quả nghiên cứu khảo cổ học và tư liệu từ kho thư tịch quý hiếm khai quật tại Đôn Hoàng (Touen Houng, 敦煌). Việc đối chiếu giữa sử liệu dân gian truyền khẩu và các chứng cứ văn bản học cổ đại đã giúp ngài phục dựng lại nhiều giai đoạn lịch sử một cách chính xác, từ đó mở ra một phương thức biên soạn sử mới, kết hợp giữa trực giác văn hóa bản địa và tinh thần học thuật phê phán.
[Tác phẩm không chỉ tái hiện bối cảnh lịch sử triều đại của Tạng vương Songtsen Gampo, mà còn phản ánh sâu sắc các chuyển biến trong cấu trúc xã hội, thiết chế tôn giáo và vai trò lãnh đạo thiêng liêng của vương quyền Tây Tạng dưới ảnh hưởng Phật giáo. Trong giai đoạn trị vì của ngài, các cuộc giao lưu văn hóa – tâm linh giữa Tây Tạng và các quốc gia láng giềng như Nepal, Ấn Độ, và Trung Hoa được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính từ đây, Phật giáo được du nhập và dần trở thành hệ tư tưởng trung tâm, hình thành nên nền tảng văn hóa – tâm linh đặc thù của xã hội Tây Tạng về sau.
Deb ther dKar po không đơn thuần là một biên sử theo lối ghi chép biên niên, mà còn là kết quả của tư duy sử học tự do, dung hội giữa truyền thống và hiện đại, giữa trực quan văn hóa bản địa và tinh thần học thuật khai phóng. Tác phẩm cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa đạo pháp và vương quyền, giữa tôn giáo và thiết chế điều hành xã hội trong bối cảnh lịch sử Tây Tạng trung đại. Qua đó, người đọc có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về vai trò trọng yếu của Phật giáo trong tiến trình định hình căn tính văn hóa, hệ giá trị đạo đức và cấu trúc xã hội Tây Tạng.
Tác phẩm của dGe ’dun Chos-’phel là một minh chứng tiêu biểu cho việc vận dụng phương pháp sử học liên ngành – kết hợp sử liệu văn bản, khảo cổ, truyền thuyết dân gian và đối chiếu liên văn hóa – để làm sáng tỏ các giai đoạn trọng yếu trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Đồng thời, Deb ther dKar po truyền cảm hứng cho những thế hệ học giả kế tiếp tiếp tục gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản trí tuệ cổ truyền trong một tinh thần cởi mở, học thuật và liên văn hóa].
1.2.7. Hạnh truyện hai hoàng hậu Gya (Trung Hoa) và Bal (Nepal) (rGya bza’ bal bza’i rNam thar, 1981)
Một trong những nguồn sử liệu có giá trị đặc biệt đối với việc nghiên cứu thời kỳ sơ kỳ Phật giáo Tây Tạng là tác phẩm Hạnh truyện hai hoàng hậu Gya (Trung Hoa) và Bal (Nepal) (rGya bza’ bal bza’i rNam thar), được biên tập bởi học giả Li-dag Thinley và xuất bản bởi Nhà xuất bản Nhân dân Tây Tạng (Bod ljongs mi dmangs dpe skrun khang) tại Lhasa năm 1981.[34]
Tuy là một tác phẩm hiện đại, nhưng văn bản này được biên soạn công phu trên cơ sở tham chiếu và tổng hợp từ nhiều tư liệu cổ điển uy tín, như Maṇi bKa’ ‘bum [một trong những tập văn cúng dường quan trọng liên quan đến Đức Liên Hoa Sinh và Bồ-tát Quán Thế Âm], rGyal rabs gSal ba’i Me-long và mKhas pa’i dGa’ ston, cùng nhiều nguồn khác.
Nội dung cốt lõi của tác phẩm này có thể được tóm lược như sau:
Tạng vương Songtsen Gampo đăng cơ khi mới mười ba tuổi. Tuy vậy, ngay từ khi mười sáu tuổi, nhà vua đã thỉnh một tôn tượng Quan Âm thập nhất diện bằng gỗ đàn hương và dâng lời cầu nguyện lên Bồ-tát, để mong quốc thái dân an. Đáp lại lời nguyện, từ tâm tôn tượng phát ra hai luồng hào quang chiếu về phương Nam và phương Đông, soi đến Nepal và Trung Hoa. Tại Nepal, hào quang chiếu rọi đến công chúa Lha gcig Khri-btsun – ái nữ của vua ‘Od zer Go cha; còn tại Trung Hoa, luồng sáng ấy chiếu đến công chúa Văn Thành – ái nữ của hoàng đế Đường Thái Tông. Cả hai công chúa khi ấy đều ở tuổi mười sáu, và được xem là hiện thân linh thiêng, đáp lại lời nguyện chí thành của đức vua, một dấu hiệu của sự gia hộ từ nơi đức Quán Thế Âm, vị Bổn tôn được tôn kính rộng rãi trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Vị hoàng đế Tây Tạng đem lòng ngưỡng mộ dung mạo và đức hạnh của hai công chúa – một từ Trung Hoa, một từ Nepal, và mong muốn họ trở thành phối ngẫu của mình. Vì thế, ngài đã cử hai vị đại thần lỗi lạc là mGar và Thon-mi Sambhota[35] mang theo sính lễ quý báu sang cầu hôn. Nhà vua trao cho họ các lễ vật gồm châu báu, một trăm kỵ binh, một trăm đồng tiền vàng, một bộ áo giáp bằng vàng khảm ngọc cùng một hộp đựng ba bức thư mật.
Sau hành trình dài, hai sứ thần tiến vào thung lũng Kathmandu và dâng lễ vật cầu hôn công chúa Bhrikutī Devī của vương quốc Nepal. Phụ vương của công chúa, vua ’Od zer Go cha, thoạt tiên do dự và đưa ra ba câu hỏi liên quan đến đạo đức trị quốc, kiến trúc tôn giáo và tài nguyên khoáng sản của xứ Tây Tạng.[36] Ba bức thư do sứ giả mang theo đã cung cấp những lời hồi đáp thỏa đáng. Cảm phục tài trí và uy đức của vua Songtsen Gampo, nhà vua Nepal chấp thuận gả con gái cho vị quân vương xứ tuyết.
Về phần mình, công chúa Bhrikutī Devī ban đầu cũng tỏ ý ngần ngại trước khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng cuối cùng đã thuận theo lời khẩn cầu tha thiết của phụ vương, với điều kiện được mang theo ba pho tượng linh thiêng: Phật Bất Động (Akṣobhya), Bồ-tát Di-lặc (Maitreya), và Tôn tượng Tārā bằng gỗ đàn hương.[37] Vua cha chấp thuận và ban truyền những lời giáo huấn theo Chánh pháp, để công chúa có thể đem ánh sáng Phật giáo truyền bá tại Tây Tạng với tư cách là hoàng hậu chính cung.
Cuộc rước dâu được tổ chức long trọng: công chúa lên đường cùng đoàn hộ tống gồm đội quân tinh nhuệ, mang theo vô số bảo vật, cưỡi trên lưng bảy con voi đến khu rừng Bheta (nay có thể là vùng Banepa ở miền Đông Nepal). Đoàn tùy tùng Nepal gồm đại thần và kỵ binh hộ giá đến biên giới Nepal–Tây Tạng, gần đèo sKyid-grong. Tại đây, do đường núi hiểm trở, binh lính và voi Nepal quay trở về, còn các bảo vật được giao lại cho đoàn hộ tống Tây Tạng. Công chúa tiếp tục hành trình trên lưng một con lừa trắng (dre-hu dkar mo), dẫn đầu đoàn kỵ binh gồm năm trăm người.
Tượng thánh Arya Karuṇāmaya Watibhadra (hóa thân của Bồ-tát Quan Thế Âm)[38] được an vị tại sKyid-grong như biểu tượng thiêng liêng của cuộc hôn phối. Khi đến Lhasa, đức vua Songtsen Gampo tiếp đón công chúa bằng nghi lễ huy hoàng tráng lệ. Trong lễ cưới, công chúa Bhrikutī dâng lên đức vua ba hộp châu báu cùng các loại hương liệu quý. Truyền thuyết kể rằng sau đó, nhà vua cho xây dựng cung điện đỏ (Red Palace) trên núi dMar po ri,[39] đánh dấu khởi đầu một chương mới trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng.
(Toàn văn bản dịch về công chúa Bhrikutī Devī được trình bày đầy đủ trong Phụ lục).
1.3. Ghi chú về phương pháp luận
Người ta thường cho rằng, có hai hướng tiếp cận mà một nhà sử học có thể lựa chọn khi khảo cứu một hệ thống các truyền thuyết và truyện tích. Cách thứ nhất xem một sự kiện là khả tín nếu được xác nhận bởi các văn bản đồng đại. Tuy nhiên, trong trường hợp của chúng ta, cách tiếp cận này rất khó áp dụng, bởi các tài liệu cùng thời với giai đoạn được nghiên cứu (600–650) hiện còn lại rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có. Phần lớn những gì chúng ta có thể tiếp cận đều là những văn bản được biên soạn về sau. Các tài liệu đồng đại nếu còn thì cũng chỉ tồn tại ở dạng rời rạc, mảnh vụn và không cung cấp được ánh sáng rõ ràng cho chủ đề đang xét. Do vậy, việc nghiên cứu tiểu sử huyền thoại và thánh truyện (biographies and hagiographies) là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn đối với nhà sử học. Nhân vật trung tâm trong các văn bản ấy, thường được mô tả như những bậc có năng lực siêu việt, mang chiều kích thần kỳ vượt khỏi con người thông thường. Nhà nghiên cứu lịch sử, trong trường hợp này, cần phải phân biệt rạch ròi giữa các dữ kiện lịch sử và yếu tố niềm tin – mà yếu tố sau cũng không thể bị bỏ qua, bởi nó tạo nên cơ tầng tư tưởng cho toàn bộ truyền thống.
Cũng cần lưu ý rằng, hầu hết các văn bản thuộc thể loại Chos-‘byung (Phật sử),[40] rGyal rabs (vương sử Tây Tạng)[41] hay Vaṃśāvalī (sử hệ truyền thừa)[42] ở Nepal đều do các tăng sĩ hoặc tu sĩ[43] biên soạn. Đây là tầng lớp trí thức gần như duy nhất trong xã hội đương thời. Khái niệm về lịch sử của họ rất khác so với tiêu chuẩn hiện đại: những sự kiện thế tục, xã hội hay kinh tế – vốn được các sử gia hiện đại đặc biệt chú trọng – thường không được xem là trọng yếu hay đáng ghi chép. Thay vào đó, các văn bản ấy tập trung nhấn mạnh vào hoạt động siêu thế (supramundane)[44] của các vị Lạt-ma, quân vương hay những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng.
[Do đó, việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo – đặc biệt trong bối cảnh Tây Tạng – đòi hỏi một phương pháp luận vừa phản biện vừa dung hợp: không phủ định hoàn toàn giá trị tư liệu của các bản hạnh truyện, nhưng cũng không thể tiếp nhận chúng một cách giản đơn như là các ghi chép lịch sử theo nghĩa nghiêm ngặt. Chỉ thông qua tiếp cận liên ngành – kết hợp sử học, văn bản học, tôn giáo học và nhân học – đồng thời ý thức rõ tính chất tư tưởng và chức năng tôn giáo của các nguồn tư liệu, nhà nghiên cứu mới có thể dần dần phác dựng được một chân dung lịch sử có cơ sở khả tín về các nhân vật và thời kỳ đã được truyền thống thần thoại hóa].
Trong cách tiếp cận thứ hai, chúng tôi khảo sát các huyền thoại và truyền thuyết như một phương tiện để nhận diện những yếu tố lịch sử cũng như hệ thống tín niệm đang hiện hữu trong xã hội đương thời. Mục tiêu nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ hiện trạng của Phật giáo tại Nepal và Tây Tạng vào thế kỷ VII, đồng thời truy nguyên các dữ kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời công chúa Bhrikutī Devī xứ Nepal—những dữ kiện vẫn còn được phản ánh một cách rõ nét trong các nguồn tư liệu hiện tồn.
Các ghi chép liên quan đến vị công chúa đáng kính này được tìm thấy trong nhiều văn bản Tây Tạng thuộc các thể loại khác nhau. Việc khảo sát phê phán các văn bản ấy, hiển nhiên, đòi hỏi một khối lượng nghiên cứu vượt quá khuôn khổ của một dự án kéo dài một năm. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu hiện tại, chúng tôi tập trung vào hai tác phẩm đồ sộ nhất – Maṇi bKa’ ‘bum (Tập đại giáo pháp về Maṇi) và rGyal rabs gSal ba’i Me-long (Gương soi lịch sử hoàng gia) – do đây là hai văn bản được xem là chứa đựng nguồn tư liệu đối chiếu phong phú nhất.
Chúng tôi đã tiếp cận các tư liệu liên quan đến cuộc đời công chúa Bhrikutī Devī, phần nào theo một hướng tuyến lịch sử, dù không tránh khỏi nhiều khó khăn. Song song đó, chúng tôi vẫn luôn ý thức duy trì hình ảnh thiêng liêng về vị công chúa xứ Nepal – như được khắc họa sống động trong truyền thống khẩu truyền và văn hiến Tây Tạng, vốn đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Một phần quan trọng của công trình nghiên cứu hiện tại được dành cho việc phiên dịch trực tiếp tác phẩm Maṇi bKa’ ‘bum, đặc biệt là những nội dung liên quan đến cuộc hôn nhân và đóng góp của công chúa Bhrikutī Devī. Chúng tôi đã đi vào chi tiết, trong một số khía cạnh, về bối cảnh lịch sử của Phật giáo tại Nepal vào thế kỷ thứ VII. Đối với độc giả hiện đại, phần miêu tả về thời kỳ Tiền-Lichchavi có thể khiến họ cảm thấy bối rối hoặc thậm chí không cần thiết. Tuy nhiên, phần này được trình bày ở đây nhằm mục đích khẳng định rằng, Phật giáo tại Nepal đã tồn tại như một lối sống liên tục kể từ thời Đức Phật, mặc dù thiếu vắng các bằng chứng vững chắc. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, những nguồn tư liệu mới sẽ được phát hiện tại các góc khuất của các tu viện và bảo tháp Nepal để xác nhận giả thuyết này.
Qua quá trình khảo cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, mặc dù hiện không có văn bản gốc đương thời tại Nepal ghi nhận trực tiếp về công chúa Bhrikutī, tức các tư liệu được biên soạn ngay trong thế kỷ VII, nhưng vẫn tồn tại những bằng chứng xác thực về sự hiện diện lịch sử của vị công chúa này tại Tây Tạng trong cùng thời kỳ.
[Việc thiếu vắng tư liệu gốc ở Nepal không nên được hiểu như sự phủ định vai trò lịch sử của công chúa, mà phản ánh thực tế rằng các văn bản Nepal cổ đại về thế kỷ VII rất khan hiếm hoặc không còn nguyên vẹn, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bối cảnh lịch sử biến động, cũng như truyền thống bảo tồn văn bản đặc thù của khu vực Himalaya cổ đại].[45]
Một minh chứng thuyết phục cho giả thuyết về vai trò trọng yếu của công chúa Bhrikutī Devī, là ảnh hưởng rõ nét của nghệ thuật và kỹ thuật điêu khắc Nepal, trong cấu trúc kiến trúc của đại tu viện Jokhang – trung tâm tôn giáo cốt lõi của Phật giáo Tây Tạng tại Lhasa.
[Các yếu tố kiến trúc, bố cục không gian, kỹ thuật tạc tượng và phong cách chạm khắc tại đây mang đậm đặc trưng của truyền thống nghệ thuật Licchavi – Nepal, và được cho là kết quả từ bàn tay các nghệ nhân mà công chúa Bhrikutī đưa theo trong đoàn tùy tùng. Nhận định này đã được nhiều học giả phương Tây như Giuseppe Tucci và David Snellgrove xác nhận trong các công trình nghiên cứu của mình, khi so sánh các mẫu hình nghệ thuật giữa Kathmandu và Lhasa].[46]
Cũng cần lưu ý rằng, Phật giáo được du nhập vào Tây Tạng từ Nepal qua hai giai đoạn lịch sử. Giai đoạn đầu tiên diễn ra dưới triều đại vua Yarlung – Lha Thothori Nyantsen (?–?) và giai đoạn thứ hai dưới thời trị vì của Songtsen Gampo (617–650).
[Phải đến thời đại của Songtsen Gampo, Phật giáo mới thực sự được triều đình bảo trợ, các tu viện được xây dựng, kinh điển được phiên dịch, và Phật giáo trở thành một yếu tố then chốt trong cấu trúc quyền lực và tín ngưỡng của vương triều Tây Tạng. Đặc biệt, sự chuyển mình này được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vai trò của hai vương hậu: Bhrikutī từ Nepal và Văn Thành công chúa từ Trung Hoa. Cả hai đều là những nhân vật biểu tượng cho sự hòa nhập văn hóa và tín ngưỡng dưới triều đại Songtsen Gampo].[47]
(còn tiếp…)
Tham khảo và chú thích
[1] S.N. 492 là niên hiệu địa phương, có thể thuộc hệ thống niên hiệu của Nepal hoặc một hệ thống niên hiệu khác. Trong bản dịch này, năm 1362 được sử dụng để dễ hiểu hơn, vì đây là cách diễn đạt phổ biến trong văn học học thuật quốc tế.
[2] Văn bia Swayambhunath, niên đại NS 470 (tức năm 1350 Dương lịch), ghi chép: “Trên đất nước Nepal, được tôn vinh là kho tàng của hai phẩm chất cao quý là phúc đức và trí tuệ, thánh vương Sri Jayaraja Deva đã cho thiết lập tháp thờ thanh tịnh tại Swayambhu, nơi từ lâu đã được các bậc tiền bối dựng lập và lưu truyền trong thế gian. Vào năm 470 theo lịch Nepal [Lịch Nepal (Nepal Samvat, viết tắt NS): Một hệ thống lịch cổ bắt đầu từ năm 879/880 stl. NS 470 tương đương năm 1350 Dương lịch]. Ngày mùng 10 của nửa tháng tối [Nửa tháng tối (Pakṣa): Chỉ giai đoạn từ ngày trăng tròn đến ngày không trăng (âm lịch Ấn-Độ giáo và Phật giáo cổ)] tháng Mārgaśīrṣa [Mārgaśīrṣa: Tên gọi một tháng trong lịch Ấn cổ, tương ứng khoảng tháng 11–12 Dương lịch], nhằm ngày thứ Năm, binh lực từ xứ Bengal [Binh lực từ Bengal: Các cuộc xâm lược thời kỳ này thường do các đội quân Hồi giáo từ Bengal kéo sang khu vực Nepal] đã kéo đến, phối hợp với một số binh sĩ bản địa Nepal, gây nên cảnh phá hoại và thiêu hủy gần như toàn bộ.” Nguyên văn Sanskrit: “Asiddharmanidhidvayaika jaladhimnepala bhumandale/ khyatah shrijayaraja devanrpatih tenaiva rajnikrte/tasminneva virajati sma-vimalah stupo memehketanah/srisamhe sikhaari prasiddha bhuvane prasthapitah purvakaih/ saptatyabhyadhike shriman nepalabda catuh sate/ margasirse site pakshe dasamyam guru-vasare/ suratranasamasdino bangalbahulairbalaih/ sahagatya ca Nepalo bhagno dagdhasca sarvasah.”
Văn bia Pimbahal cũng xác nhận biến cố ấy: “Vào ngày quân vương Yavana [Yavana: Từ gốc chỉ “người Hy Lạp” thời cổ, nhưng đến thời Trung cổ Nam Á, thường dùng để chỉ “người nước ngoài” (đặc biệt là Hồi giáo phương Tây như Bengal)] xâm nhập, thành phố Nepal bị thiêu rụi thành tro bụi; chứng kiến thảm họa đó, tướng quân Varapāla Siṃha đã lập chí xây dựng lại công trình mới.” Nguyên văn Sanskrit: “Srutansamasdino yavanadhirajah/ Nepal sarvanagaram bhasmi karoti tasminksane patitmidam ca drstva/ jimnakaroti navakam varapa(lasim)hah”.
[3] Xem Hervert V. Guenther, The Life and Teachings of Nāropa, Oxford University Press, 1963, tr. 9.
[4] Xem D. L. Snellgrove, Buddhist Himalaya, Oxford, 1957, tr. 102-103.
[5] Sđd., tr. 95.
[6] Phần ghi niên đại của văn bia này đã bị hư hại, do đó việc xác định niên đại chỉ mang tính ước lượng.
[7] Xem thêm Thích Nguyên Định, Nghệ thuật và văn hóa Phật giáo Tây Tạng, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2025, tr. 67-69.
[8] Xem thêm sđd., tr. 133-137.
[9] Xem The Life of Marpa, The Translator, trans. by the Nalanda Translation committee under the direction of Chogyam Trungpa, Boulder: Prajna Press, 1982.
[10] Xem George Roerich, The Blue Annals of Gos lotsawa, New Delhi: Motilal Banarsidas, Reprint 1976, tr. 375-378.
[11] Xem Chos-dar, The Biography of Dharmasvami, Patna: K.P. Jayasawal Research Institute, and also The Blue Annals, 1959, tr. 1047-1048, 1056-1059.
[12] Xem Thích Nguyên Định, Nghệ thuật và văn hóa Phật giáo Tây Tạng, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2025, tr. 328-329.
[13] Xem Sđd., tr. 330-331.
[14] Vào năm 627 stl, nhà hành hương Trung Quốc Huyền Trang đã viết về Nepal như sau: “Vương quốc Nepal nằm cách 4000 lý (khoảng 1300 dặm) về phía bắc. Nó tọa lạc trên một ngọn núi. Kinh đô có chu vi khoảng 20 lý. Quốc gia này đầy núi non và thung lũng. Khí hậu ở đây thuận lợi cho việc trồng trọt và phong phú với các loài hoa, quả, đồng thời có nhiều đồng, bò Tây Tạng và loài chim có tên gọi là ‘ming ming’. Trong thương mại, người dân sử dụng tiền đồng. Khí hậu nơi đây lạnh giá… Trong dân cư có cả những người theo tà thuyết lẫn những tín đồ của tôn giáo chân chính. Các tu viện Phật giáo và các ngôi đền gần kề nhau. Có khoảng hai ngàn tăng sĩ sinh sống trong các tu viện, thuộc cả hai phái (Tiểu thừa và Đại thừa) …”
[15] Wang Huen Che (王玄策): Sứ thần nhà Đường, nổi tiếng với các chuyến đi sứ Ấn Độ. Xem thêm Tang shu (唐書), quyển 198.
[16] dBa’ bzhed, bản dịch của Pasang Wangdu và Hildegard Diemberger, Vienna: Verlag der Osterreichischen Akademie der Wissenschaften, 2000.
[17] Giuseppe Tucci, Tibetan Painted Scrolls, Rome: Instituto Italiano per il Medio ed Estremo Oriente, vol. 1, 1949, tr. 8–11.
[18] Hugh Richardson, Tibet and Its History, Boulder: Shambhala Publications, 1984, tr. 16–18.
[19] Matthew T. Kapstein, The Tibetans, Oxford: Blackwell Publishing, 2006, tr. 55–58.
[20] Trong Lịch sử cổ Tây Tạng (dBa’ bzhed) – tức Tường thuật của dòng họ dBa’, một trong những văn bản sớm nhất ghi chép về quá trình truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng, đồng thời phản ánh các sự kiện quân sự và cục diện quyền lực dưới triều đại Songtsen Gampo – có đoạn: mi rgan zhang zhung gi mnga’ bdag mtshams ma lus par bka’ btab. Nghĩa là: Ngài đã ban chiếu chỉ đến mọi lãnh thổ, không trừ cả biên giới của các lãnh chúa Thượng Thục (Zhang zhung). Dẫn liệu này phản ánh rõ sức ảnh hưởng và quyền lực quân sự tuyệt đối của Songtsen Gampo trên toàn cõi vùng biên viễn phía Tây – nơi từng là trung tâm của vương quốc Zhang zhung, một nền văn hóa bản địa cổ đại có ảnh hưởng sâu sắc đến tôn giáo Bon truyền thống. Xem Pasang Wangdu & Hildegard Diemberger, dBa’ bzhed: The Royal Narrative Concerning the Bringing of the Buddha’s Doctrine to Tibet, edition with annotated translation and critical apparatus, Austrian Academy of Sciences Press, Vienna, 2000; Kapstein, Matthew T, The Tibetans, Oxford: Blackwell Publishing, 2006.
[21] Xem Tsepon W.D. Shakappa, Tibet, A Political History, New York: Potala Publications, 1984, tr. 26.
[22] Xem Michael Aris, Bhutan, tr. 9.
[23] Sđd., tr. 11.
[24] Sđd., tr. 11.
[25] Maṇi bKa’ ‘bum, tờ 111a, 115a, 194b.
[26] Xem Jacque Bacot, Le Mariage de Srong btsan sgam po, Melanges Chinois Bouddhiques, Bruxelles, 1936, tr. 41.
[27] Xem Luciano Petech, Tibetan Historiography: An Essay and a List of Tibetan Histories, Rome: ISMEO, 1950, tr. 22–24.
[28] Xem Giuseppe Tucci, Deb T’er Dmar Po Gsar Ma, Rome: IsMEO, 1971, tr. 87–95.
[29] Xem V.A. Kuznetsov, Istorija Tibeta, The History of Tibet, Moscow: Nauka, 1935.
[30] Truyền thuyết về việc vua Nepal đặt ra ba câu hỏi cho sứ đoàn Tây Tạng cũng được tìm thấy trong một số bản văn dân gian truyền khẩu ở vùng Kathmandu.
[31] Xem Per Kværne, “The Jokhang Temple of Lhasa: Definition and History,” Tibetan Studies, Vol. 1, 1995, tr. 123–137.
[32] Thang, tiếng Tạng nghĩa là “đồng bằng”, “bãi đất bằng”. Trong một số bản dịch Hán-Tạng xưa, từ này bị nhầm hoặc phiên âm thành “hồ”, nhưng kỳ thực không chỉ vùng nước mà là khu vực bằng phẳng nơi tọa lạc các công trình Phật giáo trọng yếu của Tây Tạng như Jokhang và Potala.
[33] Xem David Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism, Vol. 1, Boston: Shambhala, 1987, tr. 221–223.
[34] rGya bza’ bal bza’i rNam thar, do Thinley (Lhodak) biên tập, xuất bản bởi Nhà xuất bản Nhân dân Khu tự trị Tây Tạng (Bod ljongs mi dmangs dpe skrun khang), Lhasa, 1981. Tác phẩm này được biên soạn dựa trên các tư liệu Tây Tạng cổ như Maṇi bka’ ‘bum, rGyal rabs gsal ba’i Me-long và Mkhas pa’i dga’ ston.
[35] mGar và Thon-mi Sambhota là hai vị đại thần danh tiếng dưới triều vua Songtsen Gampo. Thon-mi Sambhota thường được xem là người sáng lập ra hệ thống chữ viết Tây Tạng dựa trên mẫu chữ Devanāgarī của Ấn Độ. Xem thêm Thích Nguyên Định, Nghệ thuật và văn hóa Phật giáo Tây Tạng, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2025, tr. 49.
[36] Ba câu hỏi của vua Nepal: Theo các văn bản truyền thống Tây Tạng, đây là những câu hỏi nhằm khảo sát đạo đức, tín ngưỡng và tài nguyên của đất nước mà công chúa sẽ kết hôn, phản ánh sự thận trọng trong việc thiết lập liên minh thông qua hôn nhân.
[37] Akṣobhya, Maitreya, Tārā: Ba hình tượng Phật giáo quan trọng. Akṣobhya là một trong Ngũ Phật của Mật giáo, tượng trưng cho trí tuệ bất động. Maitreya là vị Phật tương lai, sẽ xuất hiện để giáo hóa chúng sinh. Tārā, đặc biệt là hình tượng làm bằng gỗ đàn hương, là hiện thân từ bi cứu độ, rất phổ biến trong tín ngưỡng Tây Tạng.
[38] Arya Karuṇāmaya Watibhadra: Một hóa thân của Bồ-tát Quan Âm (Avalokiteśvara) thịnh hành tại Nepal. Việc đưa tượng này sang Tây Tạng thể hiện nỗ lực truyền bá tín ngưỡng Đại thừa từ Nepal sang Tây Tạng.
[39] Red Palace trên dMar po ri: Chính là phần trung tâm cổ xưa của cung điện Potala ngày nay tại Lhasa. dMar po ri nghĩa là “Núi Đỏ”, nơi vua Songtsen Gampo cho xây cung điện để cưới hai công chúa và đặt nền móng cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.
[40] Chos-‘byung: “Phật sử” hay “Sự khởi sinh của Giáo pháp” – là thể loại sử văn đặc trưng trong truyền thống Tây Tạng, ghi chép sự truyền bá và phát triển của Phật giáo, thường pha trộn yếu tố lịch sử và truyền thuyết.
[41] rGyal rabs: “Vương sử” – biên niên sử về các vị vua Tây Tạng, thường kết hợp với yếu tố thần thoại hóa và lý tưởng hóa vương quyền gắn với Phật pháp.
[42] Vaṃśāvalīlà một thể loại văn bản đặc trưng trong truyền thống Ấn – Tạng, thường được gọi là “sử hệ truyền thừa”, ghi chép liên tục các thế hệ vương quyền hoặc các bậc tổ sư Phật giáo. Các văn bản này thường kết hợp giữa sử liệu lịch sử và truyền thuyết tôn giáo, phản ánh vai trò của ký ức tập thể trong việc thiết lập chính thống văn hóa và tín ngưỡng.
[43] Ở đây, “tu sĩ” có thể bao gồm các giáo sĩ Bà-la-môn, đạo Bon, hoặc các vị đảm trách nghi lễ trong các truyền thống tôn giáo địa phương như Tây Tạng tiền Phật giáo hay Ấn–Nepal thời cổ.
[44] Supramundane: Tạm dịch là “siêu thế” hoặc “siêu việt trần thế”, chỉ những hành trạng vượt ngoài kinh nghiệm thông thường của con người – như thần thông, chuyển thế, hay năng lực tâm linh phi thường – vốn là trọng tâm trong cách trình bày tiểu sử các vị lama và thánh nhân trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
[45] David Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism: Indian Buddhists and Their Tibetan Successors, Boston: Shambhala, 1987, tr. 72–74; Giuseppe Tucci, Tibetan Painted Scrolls, Rome: Istituto Italiano per il Medio ed Estremo Oriente, vol. I, 1949, tr. 15–16; Alex McKay, “The Historical Context of Bhrikutī,” The Tibet Journal 18, no. 3, 1993, tr. 3–21.
[46] Giuseppe Tucci, Tibetan Painted Scrolls, vol. I, 3rd edition, Otto Harrassowitz Verlag, 1956, tr. 21–23; David Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism: Indian Buddhists and Their Tibetan Successors, Shambhala, 1987, tr. 75–76. Tucci đã khảo sát chi tiết các chi tiết điêu khắc tại Jokhang và cho rằng “không thể phủ nhận ảnh hưởng rõ nét từ phong cách nghệ thuật Kathmandu thế kỷ VII”.
[47] Hugh Richardson, Tibet and Its History, Boulder: Shambhala, 1984, tr. 25–30; Matthew Kapstein, The Tibetans, Oxford: Blackwell, 2006, tr. 47–49.