Cuộc đời và sự nghiệp của đại Sư Nhất Hạnh

A- Lời dẫn

Triều đại nhà Đường (618-907 STL) xuất hiện đại sư Nhất Hạnh (C. 一行; J. Inchigyo, 683727 STL), được biết đến là một nhà thiên văn học, nhà cải cách lịch, chuyên gia về Kinh Dịch (經易) và là một tăng sĩ Phật giáo lỗi lạc, tinh thông về Thiền, Mật thừa (Mantrayāna) và Luật tạng (Vinaya). Trong bối cảnh Phật giáo, đại sư Nhất Hạnh được biết đến nhiều nhất với vai trò là dịch kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-sūtra) và sau đó viết những sớ giải cho bản kinh đó, thuyết minh rõ ràng, lập luận chặt chẽ; phát triển tư tưởng Bát nhã và phát huy tinh thần Bồ-tát hạnh. Trong bối cảnh thế tục, ngài được biết đến với việc cải cách lịch nhà nước Dayan-li (大衍暦) vào năm 727 STL. Do những vai trò lịch sử này, vào cuối đời Đường đã xuất hiện hình ảnh huyền thoại về đại sư Nhất Hạnh với tư cách là một nhà chiêm tinh lão luyện và người thực hành phép thuật thiên văn, với một số văn bản chiêm tinh được cho là của ngài.

B- Nội dung

1- Nguồn sử liệu

Một số nguồn sử liệu về cuộc đời của đại sư Nhất Hạnh cung cấp cả thông tin tiểu sử hợp lý và những câu chuyện huyền thoại. Từ các nguồn có dữ liệu sớm nhất là bản sao tấm bia tưởng niệm của ngài do ngài Không Hải (Kūkai, 空 海, 774-835 STL) làm, được bảo quản trong “Chân Ngôn Phó Pháp Truyền” (眞言付法傳); cũng có tựa đề “Lược Phó Pháp Truyền” ((略付法傳); Hoằng Pháp đại sư toàn tập (弘法大師全集), 1911, tập I, các tr. 63-65).[1]

Ở đây, ngài được mô tả là một bậc danh tăng uyên bác, tập trung vào sự nghiệp xuất gia của mình. “Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch phổ” (内證佛法相承血脈譜) năm 819 STL và “Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起) của Tối Trừng (最澄; 767-822 STL), đã cung cấp những câu chuyện về cuộc đời ngài, trong đó phần sau chi tiết hơn về “Truyền Giáo đại sư toàn tập” (傳教大師全 集), 1926, tập I, các tr. 238-242; tập IV, các tr. 387-393).[2] Chương 29,  Đường Tân Ngữ (唐新語)[3] của Lưu Túc (劉肅, sống khoảng năm 820 STL), liệt kê một số tác phẩm của ngài liên quan đến lịch và thiên văn học, ngoài việc cung cấp một số chi tiết tiểu sử tóm tắt.

Một nguồn chính về cuộc đời của ngài Nhất Hạnh được đưa vào Cựu Đường thư (舊唐書), và biên soạn vào năm 945 STL bởi Lưu Hú (劉昫, 887-946 STL).[4] Nó được liệt kê trong phần nghệ thuật  Phương kỹ  (方伎),[5] ghi nhớ những thành tựu của ngài trong thiên văn học. Các phần về cải cách lịch và thiên văn học (tập 32, 35) trình bày chi tiết công việc của ngài trong các lĩnh vực đó. Tân Đường thư (新唐書) năm 1060 của Âu Dương Tu (歐陽修, 1007-1072) và Tống Kỳ (宋祁, 998-1061) bao gồm nhiều tài liệu hơn về lịch của ngài (tập 27, 28). Tống cao tăng truyện (宋高僧傳; T. 2061, 732c7-733c24) năm 988 của Tán Ninh (贊寧, 920-1001) cung cấp thêm những câu chuyện về cuộc đời của ngài. Thích môn chánh thống (釋門正統,  X. 1513 [LXXV] 364b17-c22) năm 1257 của Tống Giám (宗鑑, ?-1206) cung cấp một tiểu sử gần giống với tiểu sử trong Tống cao tăng truyện (宋高僧傳),  nhưng nói rằng ngài viên tịch ở tuổi 55 (chứ không phải 45 như trong các nguồn khác), dẫn đến niên đại là 673-727 STL. Những ghi chép khác sau này về đại sư Nhất Hạnh đều dựa trên Tống cao tăng truyện (宋高僧傳). Những bức chân dung của ngài Nhất Hạnh dựa trên nguyên bản tiếng Trung Quốc của họa sĩ Lý Chân (李真, 780-805 STL) vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản (1976).

Học thuật hiện đại về đại sư Nhất Hạnh tập trung vào sự nghiệp Phật giáo hoặc công việc của ngài trong lĩnh vực thiên văn học. Về các nguồn thứ cấp chính, chuyên khảo của Osabe Kazuo (長部和雄 ) (1963)[6] là nghiên cứu chi tiết nhất cho đến nay, vì nó khảo sát sự nghiệp tôn giáo của ngài và thảo luận chi tiết về công việc của ngài với Kinh Dịch, nhưng nó thiếu phân tích chi tiết về đóng góp của đại sư cho thiên văn học. Lữ Kiến Phúc (吕建福) (1995) [7] trình bày về tiểu sử và sự nghiệp Phật giáo của ngài Nhất Hạnh. Chen (2000-2001) dựng lại gia phả của ngài Nhất Hạnh.[8] Một nghiên cứu ban đầu về công trình thiên văn học của ngài Nhất Hạnh bằng tiếng Anh được Needham và Wang Ling thực hiện trong tập III của Khoa học và Văn minh ở Trung Quốc (Needham & Wang, 1959, các tr. 37-38, 270-271, 282-283).[9] Yabuuchi (1989, các tr. 32-40) phác thảo công việc của ngài Nhất Hạnh trên lịch nhà nước. Ohashi (2011) nghiên cứu tính toán trong Dayan-li (大衍暦) của ngài Nhất Hạnh.[10] Kotyk (2017) thảo luận về vai trò của ngài Nhất Hạnh trong chiêm tinh học Phật giáo nhà Đường.[11] Nghiên cứu sâu hơn về công việc của ngài Nhất Hạnh với Kinh Dịch là cần thiết.

2- Thân thế của đại sư Nhất Hạnh

  Đại sư Nhất Hạnh, thế danh là Trương Toại (張遂) ở Xương Lạc (昌樂),[12]  Ngụy Châu (魏州), Nam Lạc (南樂) ngày nay ở Hà Bắc; mặc dù một số nguồn cho biết nơi sinh của ngài là Cự Lộc (鉅鹿),  Bình Hương (平鄉), Hà Bắc. Ngài là chăt của tướng lĩnh Trương Công Cẩn (張公謹, 584-632 STL), một nhân vật chính trị có ảnh hưởng trong những năm đầu của nhà Đường. Chen (2000-2001)[13] đã tìm hiểu về gia phả của ngài, điều này cho thấy rằng, đại sư Nhất Hạnh xuất thân từ một gia tộc danh giá có mối quan hệ sớm với Đôn Hoàng (敦煌). Hoàn cảnh gia đình của đại sư Nhất Hạnh cũng có thể là một yếu tố khiến ngài được Hoàng đế Huyền Tông (玄宗, 685-762 STL), người sau khi tái lập nhà Đường sau thời kỳ của Võ Tắc Thiên (武則天, 624-705 STL) trong thời gian ngắn ngủi của triều đại nhà Chu ( 周朝, 690-705 STL), tìm cách củng cố vị thế của mình bằng cách thu hút hậu duệ của những người trung thành với nhà Đường cũ. Cựu Đường thư (舊唐書) nói rằng, khi còn trẻ, ngài có tố chất rất thông minh mẫn tiệp, đọc các tác phẩm kinh điển và đặc biệt quan tâm đến thiên văn học, khoa học lịch và siêu hình học truyền thống Trung Quốc (thuyết âm dương, 陰 陽 và ngũ hành, 五行).

Trong “Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起) của Tối Trừng ghi lại rằng, khi đại sư Nhất Hạnh 21 tuổi, cả cha và mẹ của ngài đều qua đời, và sau đó ngài cảm thấy thiếu vắng chỗ nương tựa tinh thần, nên phải từ bỏ cuộc sống trần thế để hướng đến con đường xuất gia thoát tục. Đại sư Nhất Hạnh gặp Hoằng Cảnh (弘景, 634-712 STL; còn gọi là Hằng Cảnh (恆景) ở Kinh Châu (荊州) đã hướng dẫn và truyền cảm hứng cho ngài Nhất Hạnh trở thành một Tăng sĩ Phật giáo, không những vậy, ngài Nhất Hạnh còn nhận được sự hướng dẫn chỉ dạy của ngài Pháp Thành (法成, ?-865 STL)[14] ở chùa Hóa Cảm (化感寺). Năm 707 STL, đại sư Nhất Hạnh đến thủ đô phía đông Lạc Dương (洛陽) để lãnh thọ Đại giới. Người ta cho rằng, ngài đã mượn một bản Giới bổn (Prātimokṣa) và có thể đọc thuộc lòng nó sau một lần đọc; có thể nói, ngài Nhất Hạnh rất tinh tấn chuyên cần nghiêm trì Giới luật (Vinaya).

Trong Cựu Đường Thư (舊唐書), chúng ta được biết rằng, Võ Tam Tư (武三思, 649-707 STL), một quan đại thần quyền lực và là họ hàng của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên (武則天) đã ngưỡng mộ hành trạng của đại sư Nhất Hạnh và yêu cầu một cuộc gặp, nhưng ngài Nhất Hạnh đã tìm cách từ chối và ẩn cư. Chính là điều đã dẫn ngài đến Tung Sơn (嵩山), nơi ngài học Thiền dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Phổ Tịch (普寂, 651-739 STL), còn được gọi là Đại Chiếu Thiền Sư (大照禪師),Đại Tuệ Thiền Sư (大慧禪師), hay Hoa Nghiêm Hòa Thượng, (華嚴和尚), Hoa Nghiêm Tôn Giả (華嚴尊者). Bậc danh tăng được nhiều người công nhận là Tổ thứ bảy của Tông phái Bắc Thiền. Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (景德傳燈 錄; T. 2076, 224c12) liệt kê, đại sư Nhất Hạnh là một trong 46 người kế thừa pháp của Phổ Tịch (普寂).  “Thai tạng duyên khởi” nói rằng, ngài Nhất Hạnh không ngừng chuyên tâm tu tập Thiền định (Ekavyūha-samādhi; 一行三昧, nhất hành tam muội). Như Chen đã chỉ ra (2000-2001, các tr. 26-30), có bằng chứng cho thấy ngài Nhất Hạnh cũng là đệ tử của ngài Thần Tú (神秀, 606-706 STL), bậc thầy của ngài Phổ Tịch, dựa trên nội dung bức thư gửi cho Trương Thuyết (張說, 667-731 STL) được cho là của ngài Nhất Hạnh (năm 715-717 STL); trong đó người ta nói rằng, đã hơn mười năm trôi qua kể từ khi người thầy quá cố của họ viên tịch (全唐文, 914.9525b-26a). Bức thư là lời mời tham dự một buổi họp mặt tại chùa Độ Môn (度門寺),  một cơ sở thờ tự do Võ Tắc Thiên thành lập cho ngài Thần Tú (神秀).

Trong “Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起) của Tối Trừng cho biết, sau khi Hoàng đế Duệ Tông (睿宗, 662-716 STL) lên ngôi vào năm 710 STL, ngài Nhất Hạnh được lệnh gặp chính khách Vi An Thạch (韋安石, 651-714 STL), nhưng ngài Nhất Hạnh đã cáo lỗi, vì bịnh duyên nên không tiện tiếp đón được. Thời gian sau đó, đại sư Nhất Hạnh đã dành vài năm tiếp theo để tầm sư học đạo ở nhiều khu vực phía nam, và tìm kiếm những bậc chân sư lỗi lạc cầu học Phật pháp. Sau đó, ngài Nhất Hạnh đến núi Đương Dương (當陽山), nơi này ngài học “Phạm luật” (梵律) dưới sự hướng dẫn của ngài Ngộ Chân (悟眞, 673-751 STL), còn được gọi là Huệ Chân (惠眞). Có vẻ dường như vào khoảng thời gian này, ngài Nhất Hạnh đã nghiên cứu chuyên sâu các tác phẩm Luật tạng, biên soạn một tác phẩm giải thích những điều cốt yếu của Luật tạng có tựa đề “Điều phục tạng” (調伏藏)[15] thành 10 quyển, (nhưng rất tiếc đến nay đều không còn). Cựu Đường Thư (舊唐書) (191.5112) liệt kê một văn bản tương tự của ngài Nhất Hạnh có tựa đề “Nhiếp điều phục tạng” (攝調伏藏). Bên cạnh đó, ngài Nhất Hạnh cũng đã tham học Phật pháp dưới sự hướng dẫn của đại sư Đạo Nhất (道一, 679-754 STL), theo văn bia của Lý Hoa (李華, b. 715; Toàn Đường Văn (全唐文), 319.3233a-35a).

“Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起) kể rằng, vào năm 716 STL, đại sư Nhất Hạnh đang ở núi Ngọc Tuyền (玉泉山). Hoàng đế Huyền Tông (685-762 STL) ra lệnh cho Trương Hiệp (張洽) là người em họ của ngài Nhất Hạnh (Chen, 2000-2001, tr. 12) – đích thân đi mời ngài về kinh đô vào năm 717 STL. Sau đó, đáp lại lời mời đại sư Nhất Hạnh đến kinh đô, và trong Cựu Đường thư nói rằng, ngài thường được Hoàng đế đến thăm vấn, có lẽ là Hoàng đế – người hỏi về cách bảo vệ đất nước, trị quốc an dân.

Theo “Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起), vào mùa thu năm 727 STL, ngài Nhất Hạnh lâm bệnh và bắt đầu dùng thuốc, nhưng thuốc không có hiệu quả và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Các vị Tăng tôn túc cũng như cư sĩ tại gia của thủ đô đã long trọng thiết trí lễ cầu an, với tâm thành khẩn thiết nguyện cầu cho bịnh duyên của ngài sớm thuyên giảm, và sự thật nhiệm mầu đã thành hiện thực. Thời gian không bao lâu sau đó, đại sư Nhất Hạnh đã tháp tùng Hoàng đế trong một chuyến du hành, mọi việc không như mong muốn, đột ngột ngài viên tịch tại Tân Phong (新豐) ở tuổi 45. Hoàng đế Huyền Tông đã đích thân soạn văn bản cho tấm bia tưởng niệm của mình. Mặc dù các nguồn không phải Phật giáo chủ yếu nhắc lại những thành tựu của ngài trong lĩnh vực thiên văn học, nhưng tước hiệu Đại Tuệ thiền sư (大慧禪師) được Hoàng đế phong tặng cho ngài đã phản ánh địa vị của ngài như một nhà sư lỗi lạc.

3- Đại sư Nhất Hạnh ở Thủ đô Trường An

Ngài Nhất Hạnh đã trải qua thập kỷ cuối đời của mình ở thủ đô Trường An (長安) và Lạc Dương (洛陽). Trong thời gian này, mối quan tâm tôn giáo của ngài dường như chủ yếu là Mật thừa (Mantrayāna);  ngài cùng với người thầy của mình là ngài Thiện Vô Úy  (Śubhākārasiṃha, 善無畏, 637-735 STL) và Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 金剛智, 671-741 STL) đồng dịch kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-tantra) (7 quyển), Tô Bà Hô Đồng Tử kinh (蘇婆呼童子請問經),[16] Tô Tất Địa Yết La kinh (蘇悉地羯羅經; Susiddhikara-mahātantra-sādhanopāyika-paṭala)[17] (3 quyển), Kim Cương Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng Kinh (金剛頂瑜伽中略出念誦經)[18] (4 quyển)… Hơn nữa, ngài còn soạn thuật Đại Nhật Kinh Sớ (大日經疏)[19] (20 quyển). Văn bản nguồn tiếng Phạn mà ngài dịch là văn bản được mang từ Ấn-độ bởi một nhà sư Trung Quốc tên là Vô Hành (無行,  630-674 STL), người đã du hành đến Ấn-độ sau ngài Huyền Trang (596-664 STL) khoảng 40 năm. Những văn bản ngài mang theo đã được chuyển đến Trung Quốc (Yamamoto, 2012, tr. 88).[20] Khai Nguyên Thích Giáo Lục (開元釋教錄; T. 2154 [LV] 572a21-23)[21] giải thích rằng: ngài Nhất Hạnh và đại sư Thiện Vô Úy (Śubhakarasiṃha) đã tìm thấy kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-sūtra) trong số các bản kinh khác tại chùa Hoa Nghiêm (華嚴寺) ở Trường An. Năm 724 STL hai vị cao Tăng này chuyển đến Lạc Dương cư trú tại chùa Đại Phúc Tiên (大福先寺), nơi đây hai ngài đã lần lượt dịch các bản kinh văn từ Phạn ngữ sang Hán ngữ, trong đó các văn bản gốc tiếng Phạn được cho là bao gồm 100.000 kệ ngôn. Bản dịch tiếng Trung đã trích dẫn những phần chính của tác phẩm gốc. Ngài Bảo Nguyệt (Ratnacandra, 寶月, ?-724 STL) đã dịch những lời của ngài Thiện Vô Úy (Śubhakarasiṃha) và ngài Nhất Hạnh đóng vai trò là người ghi chép và biên tập.

Về phương diện này, điều đáng chú ý là trong Nghĩa Thích Mục Lục (義釋目錄) của Viên Trân (圓珍, 814-891 STL) có liệt kê Phạm Bổn Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sao Ký, (梵本毗盧遮那成佛經抄記; X. 438 [ XXIII] 522a21), dường như đã được ghi chú trong kinh Đại nhật (Mahāvairocana-sūtra) bằng Phạn ngữ. Điều này có thể bao gồm một số tài liệu được ngài Nhất Hạnh sử dụng để viết lời sớ giải có thẩm quyền về bản kinh đó, đây là tác phẩm kinh văn thuộc Kim cương thừa Phật giáo quan trọng nhất của ngài. Có hai phiên bản còn tồn tại của sớ giải này: Đại nhật kinh sớ (大日經疏; T. 1796) và Đại nhật kinh nghĩa thích (大日經義釋; X. 438). Ở Nhật Bản, bản sau theo truyền thống được cho là phiên bản chỉnh sửa của ngài Trí Nghiễm (智儼, 602-668 STL) và Ôn Cổ (溫古), mặc dù Shimizu (2008)[22] phản đối điều này. Ngài Nhất Hạnh được cho là đã “ghi chép” (記) lời sớ giải hơn là viết nó. Văn bản ghi lại những lời giải thích bằng miệng của ngài Thiện Vô Úy (Śubhakarasiṃha), mặc dù những sớ giải của chính ngài Nhất Hạnh cũng được chỉ ra (私謂), và lời sớ giải còn trích dẫn thêm các bản kinh văn Phật giáo Trung Quốc. Do đó có nhiều trích dẫn xuyên suốt tác phẩm.

Các học giả Nhật Bản có những ý kiến khác nhau về quyền tác giả của sớ giải. Osabe Kazuo lưu ý rằng, các tiểu sử và danh mục thời Đường không đề cập đến phần sớ giải (1954, tr. 41).[23] Chư A Xà Lê Chân Ngôn Mật Giáo Bộ Loại Tổng Mục (諸阿闍梨眞言密教部類總錄; T. 2176 [LV] 1114c20-1115a5)[24] của An nhiên (安然, ?-841) liệt kê chín bản chỉnh sửa của bài sớ giải, chỉ có một bản được cho là của ngài Nhất Hạnh. Kawamura (1959)[25] lưu ý sự hiện diện của các yếu tố dường như lỗi thời phản ánh những phát triển về sau, nhưng những yếu tố ấy có thể đã được thêm vào phần sớ giải sau này. Kameyama (2007)[26] chấp nhận quy kết cho ngài Nhất Hạnh và Thiện Vô Ý (Śubhakarasiṃha). Hai lời tựa còn tồn tại và một tác phẩm thời Đường đề cập đến việc ngài Nhất Hạnh viết một bài chú giải đi kèm với Kinh (Mano, 2015, các tr. 218-219).[27] “Thai tạng duyên khởi” (胎藏緣起) cũng đề cập đến điều này.

Bài sớ giải đã trích dẫn một số tác phẩm được dịch sang Hán ngữ. Ví dụ, chỉ riêng Đại Trí Độ Luận (大智度論; T. 1509)[28] được trích dẫn trong chương đầu tiên tổng cộng 52 lần (Katō, 1979, tr. 735).[29] Ngoài ra, còn có nhiều trích dẫn về Trung Luận (Madhyamakaśāstra; 中論) của ngài Long Thọ (Nāgārjuna).[30] Hơn nữa, bài sớ giải còn trình bày một số yếu tố được rút ra từ triết học Hoa Nghiêm (Buddhāvataṃsaka; 華嚴) (Endō, 2007).[31] Bốn điểm chính của luận giảng thảo luận về Phật quả trong một đời “Nhất sanh thành Phật”  (一生成佛); và tam mật (三密) đó là thân mật, khẩu mật và ý mật; phân loại bốn thừa theo con đường duy nhất “Nhất đạo tứ thừa phán giáo” (一道四乘判教); và đặc tính thực sự của tâm trí “Tâm thật tướng” (心實相) (Keyworth, 2011, tr. 343).[32]

Đại sư Nhất Hạnh cũng được cho là đã nhận sự chỉ dẫn từ ngài Kim Cương Trí (Vajrabodhi). Một nguồn tư liệu khác nói rằng, ngài Nhất Hạnh đã tìm kiếm kinh Kim cương đảnh (Vajraśekhara)[33] từ ngài Kim Cương Trí (Vajrabodhi) sau khi vị  thầy này đến Trường An vào năm 719  STL (T. 1798 [XXXIX] 808b25-26). Hơn nữa, ngài Nhất Hạnh đã hỗ trợ trong công việc dịch thuật của đại sư Kim Cương Trí (Vajrabodhi).

Cựu Đường thư (舊唐書) (191.5112) liệt kê một tác phẩm của ngài Nhất Hạnh có tựa đề “Thích thị hệ lục” (釋氏系錄) 1 quyển, có thể cho thấy đây là một tác phẩm lớn. “Đại đường trinh nguyên tục khai nguyên thích giáo lục” (大唐貞 元續開元釋教錄; T. 2156),[34] một danh mục soạn thích của ngài Viên Chiếu (圓照, thế kỷ thứ VIII), cho biết nó có bốn bài viết (T 2156 [LV) 765a6-10 ]: Cương duy tháp tự (綱維塔寺), Thuyết pháp chỉ quy (說法旨歸), Tọa thiền tu chứng (坐禪修證) và Tam pháp phục y (三法服衣), cùng với một bài viết về nghi thức quá đường (中齋法) .

4- Đại sư nhất hạnh – nhà thiên văn học

Đại sư Nhất Hạnh được biết đến trong lịch sử nhà Đường, vì những thành tựu của ngài về thiên văn học và khoa học lịch. Đóng góp lớn nhất của ngài cho thiên văn học là việc tạo ra một loại lịch mới đầy sáng tạo. Cựu Đường thư (35.1293) tường thuật rằng: vào năm 721 STL, việc thiếu dự đoán nhật thực chính xác đã khiến triều đình yêu cầu đại sư Nhất Hạnh cải cách lịch quốc gia. Ngài xác định nhu cầu tìm hiểu chuyển động của hoàng đạo (đường biểu kiến của mặt trời trên bầu trời) và thực hiện các phép đo liên quan đến nó, nhưng vấn đề là các nhà thiên văn học của triều đình dựa vào các phép đo của họ trên đường xích đạo thiên cầu và không có dụng cụ nào để đo hoàng đạo. Cùng với kỹ sư quân sự Lương Linh Toản (梁令瓚, 690-757 STL), ngài Nhất Hạnh đã chế tạo một hỗn thiên cơ học chạy bằng nước, việc chế tạo ra nó được hoàn thành vào năm 725 STL. Mặc dù cuối cùng nó đã bị rỉ sét và ngừng hoạt động, công cụ này đã được ngài Nhất Hạnh sử dụng để thu thập các phép đo quan trọng nhằm xây dựng lịch của ngài, lịch Dayan (大衍曆, đại diễn lịch). Thông điển (通典)[35] là cuốn sử do Đỗ Hựu (杜佑, 735-812 STL) biên soạn vào năm 801 STL. Kể lại ngài Nhất Hạnh và Nam Cung Thuyết (南宮說, ?) phân tích các quan sát thiên văn từ nhiều địa điểm khác nhau vào khoảng năm 724 STL (26.156c) . Lịch của ngài Nhất Hạnh dựa trên kết quả của những cuộc điều tra này trong khi tạo ra dựa trên công việc của các lịch trước đó đã phát triển nhanh chóng trong suốt thời nhà Tùy ( (581-618 STL) và đầu nhà Đường. Lịch của ngài có một số tính năng cải tiến bao gồm các phương pháp cải tiến để dự đoán nhật thực, tính toán vị trí hành tinh và thiết bị tính toán độ dài của bóng ban ngày cũng như ban đêm, ở các vị trí và mùa khác nhau. Lịch của ngài cũng có thể kết hợp một số yếu tố lịch Ấn-độ (Ohashi, 2011, tr. 172).[36]

Tân Đường thư (新唐書) (27a. tr. 587)[37] nói rằng, mặc dù các lịch khác sau đó đã được thông qua, nhưng chúng đều mô phỏng lịch Dayan (大衍暦); do đó lịch này là tác phẩm quan trọng nhất của ngài Nhất Hạnh về thiên văn học. Ngoài ra, nó còn tuyên bố rằng, đại sư Nhất Hạnh là người đầu tiên sử dụng cụ thể lý thuyết số bắt nguồn từ Kinh Dịch. Các danh mục văn bản cũng chỉ ra rằng, đại sư Nhất Hạnh đã viết rất nhiều về Kinh Dịch, và Osabe (1963, tr. 124)[38] xác định bảy văn bản không tồn tại được cho là của ngài nhất hạnh: Chu dịch luận (周易論), Tử hạ dịch truyền (子夏易傳), Kinh phòng dịch truyền (京房易傳), Dịch soạn (易纂), Đại diễn luận nghĩa quyết (大衍論義決), Đại diễn huyền đồ (大衍玄圖) và Đại diễn luận (大衍論). Một văn bản có tựa đề “Tử hạ dịch truyền” (子夏易傳) tồn tại, nhưng không rõ nó liên quan như thế nào đến những gì mà ngài Nhất Hạnh đã biên soạn. Cựu Đường Thư (191.5112) trích dẫn Đại diễn luận (大衍論) là một trong những tác phẩm của ngài.

Tân Đường thư (新唐書) (27a. tr. 587) tường thuật rằng, ngài Nhất Hạnh viên tịch vào năm 727 STL, khi lịch của ngài còn ở dạng phác thảo. Triều đình ra lệnh cho Trương Thuyết (張說, 667-730 STL) và Trần Huyền Cảnh (陳玄景) chỉnh sửa nó. Lịch Dayan (大衍暦) được sử dụng chính thức từ năm 729 STL cho đến năm 762 STL. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu về lịch Dayan của ngài Nhất Hạnh sau đó đã bị chỉ trích bởi nhà thiên văn học triều đình Cù-Đàm Soạn (瞿曇譔, 712-776 STL) là người vào năm 733 STL cùng với Trần Huyền Cảnh đã báo cáo với triều đình, cho rằng lịch Dayan đã đạo văn. Cửu diệu (Navagraha; 九曜) – Cửu chấp lịch ( 九執曆) là một tác phẩm về thiên văn toán học Ấn-độ được cha của ông là Cù-Đàm Tất-Đạt (Gautama Siddhārtha, 瞿曇悉達, thế kỷ thứ VIII) dịch vào năm 718 STL.[39] Để làm sáng tỏ về vấn đề quan trọng này, một cuộc điều tra đã kết luận những cáo buộc đó là sai, mặc dù học thuật hiện đại cho thấy ngài Nhất Hạnh trên thực tế có thể đã nghiên cứu một số ngành khoa học nước ngoài (Sen, 1995, các tr. 202-203).[40]

Ngoài công việc về lịch quốc gia, ngài Nhất Hạnh còn cải cách hệ thống chiêm tinh “phân bổ lĩnh vực” (分野) của người Trung Quốc bản địa, hệ thống này gán các phân đoạn của bầu trời cho các lãnh thổ cổ đại của Trung Quốc, thiết lập sự tương ứng giữa thiên văn và trái đất, từ đó dự đoán được đưa ra chủ yếu liên quan đến mối quan tâm của nhà nước. Điều này làm trái ngược với hệ thống chiêm tinh của Ấn-độ và Iran, vốn dĩ tập trung vào số phận của mỗi cá nhân. Vì lãnh thổ của Trung Quốc đã mở rộng từ thời cổ đại nên việc tính đến những vùng đất mới này trở nên cần thiết, và ngài Nhất Hạnh có vai trò cập nhật hệ thống (Pankenier, 2013, các tr. 278-279).[41]

Đại sư Nhất Hạnh viết về lịch sử thiên văn học. Cựu Đường thư (191.5113) tường thuật rằng, khi Trương Thái Tố (張太素, sống vào khoảng 667 STL) biên soạn Hậu Ngụy thư (後魏書), một cuốn lịch sử về triều đại nhà Ngụy, chương về thiên văn học (天文志, thiên văn chí) chưa được đầy đủ và sau đó ngài Nhất Hạnh đã hoàn thành nó.

Phạm Thiên Hỏa La Cửu Diệu (梵天火羅九曜; T. 1311)[42] là một cuốn cẩm nang chiêm tinh hoàn chỉnh với các câu thần chú và nghi thức, được cho là những lời dạy truyền lại (修述) từ ngài Nhất Hạnh, nhưng tác phẩm này chứa đựng các từ mượn tiếng Sogdian (tiếng Ba Tư cổ) và các biểu tượng của Iran khá khác với các biểu tượng Ấn-độ được tìm thấy trong Thai tạng mạn-đa-la (Garbhadhātu maṇḍala) của kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-sūtra). Bắc Đẩu Thất Tinh Hộ Ma Pháp (北斗七星護摩法; T. 1310)[43] và Túc Diệu Nghi Quỹ (宿曜儀軌; T. 1304)[44] cũng được cho là của ngài Nhất Hạnh trước thuật. Giáo sư Lü Jianfu (2009, các tr. 347-349)[45] xác định các yếu tố trong phần sau cho thấy niên đại sáng tác từ rất lâu. Theo đó, Osabe (1963, các tr.  256-261)[46] cũng bày tỏ sự nghi ngờ của mình, cho rằng những tác phẩm này là mẫu vật của Phật giáo Mật tông được phổ biến rộng rãi. Khán Mệnh Nhất Chưởng Kim (看命一掌金; X. 1043),[47] một cuốn cẩm nang bói toán được biên soạn vào thời nhà Minh với chủ đề Phật giáo và chủ yếu bao gồm các yếu tố Trung Quốc, cũng được cho là của ngài Nhất Hạnh.

5- Đại sư Nhất Hạnh – bậc huyền thoại

Địa vị nổi bật của đại sư Nhất Hạnh đã dẫn đến những câu chuyện huyền thoại về ngài. Các tài liệu của Nhật Bản kể rằng, khi mẹ của ngài Nhất Hạnh trong thời gian mang thai, người từ mẫu ấy có một quầng sáng trắng trên trán. Sau khi sinh con, vầng hào quang di chuyển đến trán của đứa trẻ; câu chuyện này được đề cập trong “Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch phổ” (内證佛法相承血脈譜) và “Chân ngôn phó pháp truyền” (眞言付法傳). Những câu chuyện về đại sư Nhất Hạnh như một  bậc cao Tăng phi thường cũng được tìm thấy trong văn học cuối đời nhà Đường, chứng tỏ rằng hình ảnh phổ biến của ngài đã mở rộng ra ngoài Phật giáo. Khai Thiên Truyền Tín Ký (開天傳信記) của Trịnh khể  (鄭綮, ?-899)[48] bao gồm câu chuyện về ngài Nhất Hạnh dùng phép thuật (thần thông) đến thăm Thiền sư Phổ Tịch (普寂, 651-739 STL). Đại sư Nhất Hạnh còn được tôn xưng bằng danh hiệu là “Thiên sư” (天師), thường được dùng đối với những người theo Đạo giáo. Câu chuyện này cũng xuất hiện trong Minh Hoàng Tạp Lục Bổ Di (明皇雜録補遺)[49] do Trịnh Xứ Hối (鄭處晦, sống khoảng 844 STL) biên soạn vào năm 855, và Tây Dương Tạp Trở (酉陽雜俎) do Đoạn Thành Thức (段成式, 803-863 STL) biên soạn vào năm 860.[50]

Cựu Đường thư (舊唐書) (191.5112) tường thuật rằng, ngài Nhất Hạnh đã gặp một đạo sĩ uyên bác tên là Doãn Sùng (尹崇,?) và mượn từ người này cuốn Thái Huyền Kinh (太玄經) của Dương Hùng (揚雄, 53 Tr.TL-18 Tr.TL)[51] là một cuốn sổ tay bói toán cổ xưa. Cuốn sách này kết hợp tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo, Âm dương để khám phá sự hình thành của vũ trụ và quy luật vạn vật sâu sắc và huyền bí. Ngài Nhất Hạnh mang theo cuốn sách trở về nhà và sau đó vài ngày quay lại thăm Doãn Sùng. Đạo sĩ Doãn Sùng thừa nhận rằng: “Cuốn sách này ý nghĩa rất sâu xa, ông phải dành thời gian đọc nhiều năm vẫn không hiểu. Nếu ngài nghiên cứu lại, tại sao lại nhanh như vậy trả lại cho ta?.”

Đại sư Nhất Hạnh nói rằng, ngài đã nắm vững các lời dạy, bí mật của cuốn sách, và dựa vào cơ sở tư tưởng đó ngài đã viết ra hai tác phẩm: “Đại Diễn Huyền Đồ” (大衍玄圖) và Nghĩa Quyết (義決) 1 quyển, điều này đã làm cho Doãn Sùng rất ngạc nhiên và trở nên đáng khâm phục đại sư Nhất Hạnh hơn. Từ đó về sau, Doãn Sùng nói với những người khác: Người này giống như Nhan Hồi (顏回, 521 Tr.TL-481 Tr.TL),[52] đó là lời khen ngợi cao cả nhất dành cho đại sư Nhất Hạnh, và cũng nhờ đó ngài trở nên nổi tiếng. Điều đã làm nên tên tuổi của ngài Nhất Hạnh nổi bật, không chỉ y cứ vào tài năng mà còn là sự tập trung và chăm chỉ. Bằng cách đầu tư thời gian và sức lực có hạn của mình vào kinh sách, điển tịch bao la và kiến ​​thức vô tận, từ đó ngài mới có thể có được tầm nhìn xa trông rộng, tích lũy kiến ​​thức và phát triển một tài năng đáng kinh ngạc đến như vậy.

Một câu chuyện khác liên quan đến năng lực trí tuệ của đại sư Nhất Hạnh được kể trong Cựu Đường thư (舊唐書) (191.5113): ngài Nhất Hạnh đã đến chùa Quốc Thanh (國清寺) trên núi Thiên Đài (天台山), sau một thời gian dài tìm kiếm sự hướng dẫn về lý thuyết số của Kinh Dịch (經易). Ngài Nhất Hạnh đứng ngoài cổng và từ bên trong nghe thấy những phép tính toán học đang được thực hiện. Một Tăng sĩ bên trong nói với đệ tử của mình: “Hôm nay chắc có một đệ tử từ xa đến tìm kiếm phép tính của ta. Tôi nghĩ người ấy đã tới cổng, không có ai cho người đó vào à?” Sau đó, vị Tăng sĩ ấy bèn lấy bàn tính ra và lại nói với thị giả: “Người đệ tử sẽ đến khi nước trước cổng quay ngược và chảy về hướng Tây”. Đại sư Nhất Hạnh thỉnh cầu giáo lý và sau đó đã được hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật này. Quả nhiên, nước ngoài cổng lại quay ngược và chảy về hướng Tây. Lời tường thuật này dường như xuất phát từ công việc của ngài Nhất Hạnh với Kinh Dịch hơn là những mối quan tâm về Phật giáo. Câu chuyện tương tự với những thay đổi nhỏ này cũng được kể trong “Tống Cao Tăng Truyện” (宋高僧傳) (T. 2061 [L] 732c26-733a5),[53] mặc dù nói rằng ngài Nhất Hạnh đang tìm kiếm số học (算術).

Nói về Chiêm tinh học nước ngoài ngày càng phổ biến, đầu tiên chiêm tinh Babylon được xem là hệ thống chiêm tinh ghi chép sớm nhất, và phát triển vào thế kỷ thứ II Tr.TL.[54] Ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ IX STL, một sự phát triển được phản ánh trong các ghi chép văn học và nghệ thuật khi các yếu tố Ấn-độ và Iran được hấp thụ vào các hệ thống chiêm tinh mới ở Trung Quốc. Song song với những sự phát triển này, một thực hành liên quan đến phép thuật (thần thông) thiên văn đã được tích hợp vào Phật giáo và Đạo giáo (Kotyk, 2016).[55] Phép thuật thiên văn vào cuối thời nhà Đường quan niệm những hành tinh và các chòm sao (nakṣatras) là những vị thần có tri giác và có thể được xoa dịu hoặc bị lừa dối. Trong bối cảnh này, hình ảnh huyền thoại của ngài Nhất Hạnh hiện lên không chỉ là một nhà chiêm tinh lão luyện mà còn là một Pháp sư có khả năng triệu tập các vị thần xuất sắc.

Một ví dụ điển hình về điều này là trong “Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp” (七曜星辰別行法; T. 1309).[56] Kể lại câu chuyện ngài Nhất Hạnh đi cùng Hoàng đế Huyền Tông vào năm đầu Khai Nguyên, một đêm đối phó với Đông Binh, lìa cung điện rồi hạ trại ở bên cạnh binh lính. Lúc đó Huyền Tông mang đại sư Nhất Hạnh theo hầu, đột nhiên ngài Nhất Hạnh làm Pháp hạ được các Quỷ do các Tinh Thần (ngôi sao, vì sao, tinh tú) cai quản, đều tụ tập lại, chịu sự bó buộc răn dạy của Sắc Pháp (Pháp thuộc sắc lệnh)… hết thảy đều được xét hỏi thời biết các Tinh Thần, 28 Tú Thần (nakṣatra) đều cùng cai quản loài Quỷ hành bệnh, tổng cộng có 30 Quỷ ngày đêm thường dạo ở chốn nhân gian, dựa vào người bị suy yếu liền được no say. Ở nhà của Chính Vương thì không do đâu mà được thức ăn uống ấy (T. 1309 [XXI] 452c5-14).

Kiến thức về cõi trung giới[57] được cho là nhờ sự mặc khải thần thánh, cũng là một đặc điểm thuộc văn học Jyotisha[58] của Ấn-độ, chẳng hạn như Sūryasiddhānta. [59] Câu chuyện này về ngài Nhất Hạnh rõ ràng là sự kết hợp giữa các vai trò lịch sử của ngài trong Mật thừa (Mantrayāna) và thiên văn học.

C- Thay lời kết

  Đại sư Nhất Hạnh không chỉ là một trong những người sáng lập Phật giáo Mật tông Trung Quốc, mà còn là một nhà thiên văn học và chuyên gia lịch xuất sắc, thông thạo các hiện tượng lịch, âm dương, ngũ hành và các nghiên cứu về văn bản chiêm tinh khác.

Ngoài các tác phẩm Phật giáo mà ngài đồng dịch “Nhiếp Điều Phục Tạng” (攝調伏藏), ngài còn có các tác phẩm về Phật giáo Mật tông, chẳng hạn như: “Đại Nhật Kinh Sớ” (大日經疏) 20 quyển, được xem là tác phẩm tiêu biểu của giáo lý Mật tông. Ngoài ra còn có “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Tiêu Tai Trừ Nạn Niệm Tụng Nghi Quỹ” (藥師琉璃光如來消災除難念誦儀軌),[60] “Đại Tỳ Lô Giá Na Phật Nhãn Tu Hành Nghi Quỹ” (大毘盧遮那佛眼修行儀軌),[61] “Mạn Thù Thất Lợi Diệm Mạn Đức Ca Vạn Ái Bí Thuật Như Ý Pháp”(曼殊室利焰曼德迦萬愛祕術如意法),[62] “Túc Diệu Nghi Quỹ”(宿曜儀軌).[63] Ngài cùng các đệ tử Tuệ Giác, Phổ Thụy, Độc Triệt, Mộc Tăng và Chính Chỉ đồng soạn “Hoa Nghiêm Kinh Hải Ấn Đạo Tràng Sám Nghi” (華嚴經海印道場懺儀),[64] 42 quyển. 

Hơn nữa, đại sư Nhất Hạnh được xem là ngôi sao sáng trong bầu trời tâm linh Phật giáo Trung Quốc thời nhà Đường, không chỉ để lại ảnh hưởng tích cực đến lịch sử Phật giáo Mật tông, mà những thành tựu khoa học của ngài còn được thế giới ghi nhận một cách sâu sắc. Ngày nay, trên bức tường của một thư viện ở Paris, bức chân dung của ngài Nhất Hạnh được đặt cạnh những bức chân dung của Isaac Newton (1642-1726) và các nhà khoa học khác. Họ đều là những nhà khoa học lịch sử vĩ đại. Mặc dù cuộc đời của đại sư Nhất Hạnh chỉ ngắn ngủi 45 năm, nhưng ngài đã đạt được những thành tựu phi thường. Những đóng góp của ngài cho Phật giáo và khoa học sẽ tồn tại mãi mãi trên thế giới với nhiều công trình của ngài, và sẽ được các thế hệ tương lai ngưỡng mộ.

Thích Nguyên Định (dịch)

Tham khảo & chú thích

[1] Xem Kōbō Daishi zenshū (弘法大師全集), 1911. Tokyo: Yoshi- kawa Kōbunkan.

[2] Xem Dengyō Daishi zenshū (傳教大師全集), 1926. 5 vols., Saka-moto: Hieizan Senshūin Fuzoku Eizan Gakuin (比叡山 專修院附属叡山學院).

[3] Xem Liu Su (劉肅), 1983. Tang xinyu (唐新語), in: Ying yin Wen yuan ge Si ku quan shu (景印文淵閣四庫全書), vol. MXXXV, Taipei: Taiwan Shangwu Yinshuguan, 287-402. 劉肅 (作者), 大唐新語(全2冊), 中國書店 出版社, 2018.

[4] Xem Liu Xu (劉昫), 1975. Jiu Tang shu (舊唐書), Beijing: Zhonghua Shuju.

[5] “Phương kỹ” là một thuật ngữ đề cập đến y học, bói toán, chiêm tinh và phương trình.

[6] Xem Osabe Kazuo (長部和雄), 1963. Ichigyō zenji no kenkyū (一行禪師の研究), Kobe: Kōbe Shōka Daigaku Keizai Kenkyūsho.

[7] Xem Lü Jianfu (吕建福), 1995. Zhongguo mijiao shi (中国佛教史), Beijing: Zhongguo Shehui Kexue Chubanshe. The History of Chinese Esoteric Buddhism, the first edition, China Social Science Press, 1995. Taiwan Kongting Reading Garden, traditional Chinese, 2010. The History of Tu Nationality, China Social Science Press, 2002.

[8] Chen, Jinhua, 2000-2001. The Birth of a Polymath: The Genealogical Background of the Tang Monk-Scientist Yixing (673-727),” TSt 18-19, 1-39.

[9] Needham, J. & Wang Ling, 1959. Science and Civilisation in China, vol. III: Mathematics and the Sciences of the Heavens and the Earth, Cambridge UK: Cambridge University Press.

[10] Xem Ohashi, Yukio, 2011. “Astronomy and Mathematics of Yixing,” in: Tsuko Nakamura, W. Orchiston, M. Soma & R. Strom, eds., Mapping the Oriental Sky: Proceedings of the Seventh International Conference on Oriental As- tronomy, Tokyo: National Astronomical Observatory of Japan, các tr. 171-178.

[11] Xem Kotyk, J., 2017. “Iranian Elements in Late-Tang Buddhist Astrology,” AM 30/1, 25-58.

[12] Xương Lạc (昌樂) là một quận ở Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, có tổng diện tích 1.101 km2 và dân số 600.000 người.

[13] Xem Chen, Jinhua, 2000-2001. “The Birth of a Polymath: The Genealogical Background of the Tang Monk-Scientist Yixing (673-727),” TSt 18-19, 1-39.

[14] Ngài Pháp Thành tên Tây Tạng: Gos-chos-grub, འགོས་ཆོས་གྲུབ་; ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Tubo-Tây Tạng. Năm 833 STL, ngài đến chùa Vĩnh Khang (永康寺) ở Sa Châu (沙州) (nay là Đôn Hoàng, Cam Túc) ​​để dịch kinh Phật. Năm 842 STL, ngài tới Cam Châu (nay là Trương Dịch, Cam Túc) ​​xây dựng nhiều chùa và dịch kinh. Năm 846 STL, ngài trở lại Sa Châu, tại chùa Khai Nguyên (開元寺) giảng dạy “Du già sư địa luận” (Yogācārabhūmi-śāstra; 瑜伽師地論). Năm 865 STL, ngài an trú ở chùa Linh Đồ (靈圖寺) và viên tịch ở đó.

[15] Xem 丁福保: 佛學大辭典. 調伏藏:(術語)三藏之一,毘奈耶藏也。義林章二本曰:「毘奈耶者,此云調伏。(中略)調和控御身語等業,制伏滅除諸惡行故。」

[16] [經文資訊]大正藏第 18 冊 No. 0895b 蘇婆呼童子請問經.

[17] [經文資訊]大正藏第 18 冊 No. 0893c 蘇悉地羯羅經.

[18] [經文資訊]大正藏第 18 冊 No. 0866 金剛頂瑜伽中略出念誦經.

[19] Đại Nhật kinh sớ là bản sớ giải về kinh Đại Nhật, được ngài Nhất Hạnh viết vào thời nhà Đường,  dựa trên sự giải thích của ngài Thiện Vô Úy và có tham khảo nhiều tác phẩm kinh điển. Nội dung của bản sớ giải chủ yếu bao gồm giải thích và thảo luận về âm thanh, ý nghĩa, phân loại, chức năng và phương pháp tu tập. Còn có các tên gọi khác: Đại nhật kinh bổn sớ (大日经本疏), Đại nhật kinh đại sớ (大日经大疏), Đại nhật kinh vô úy sớ (大日经无畏疏)… Bản kinh sớ này tích hợp Phật giáo Ấn-độ cổ đại và văn hóa Trung Quốc, cũng như hệ thống lý luận của Phật giáo Mật tông thời nhà Đường đều dựa trên kinh sớ này.

[20] Yamamoto Shōichirō (山本匠一郎), 2012. “Dainichikyō no shiryō to kenkyūshi gaikan” (『大日経』の資料と研 究史概観), GM 23, các tr. 73-102.

[21] Xem 大正新脩大藏經第五十五冊 No. 2154《開元釋教錄》.

[22] Xem Shimizu Akisumi (清水明澄), 2008. “Tōdo ni okeru Dainichikyō chūshakusho no seiritsu katei: Onko jo wo chūshin toshite” (唐土における『大日経』注釈 書の成立過程:『温古序』を中心として), MBu 221, 49-72.

[23] Xem Osabe Kazuo (長部和雄), 1954. “Dainichikyō no sensha to gishaku no saijisha ni kansuru gimon” (大日経疏の 撰者と義釈の再治者に関する疑問), MBu 27, 40-47. Ouyang Xiu (歐陽修) & Song Qi (宋祁), 1975. Xin Tang shu (新唐書), Beijing: Zhonghua Shuju.

[24] Xem 大正新脩大藏經第五十五冊 No. 2176《諸阿闍梨真言密教部類總錄》.

[25] Xem Kawamura Kōshō (河村孝照), 1959. “Dainichikyō sho Gishaku taishō kō” (大日經疏義釋對照考), IBK 7/2, 553-554.

[26] Xem Kameyama Takahiko (亀山隆彦), 2007. “Dainichikyōsho ni okeru senryakushaku shinpishaku ni tsuite” (『大 日経疏』における浅略釈・深秘釈について), IBK 56/1, các tr. 169-172.

[27] Xem Mano Shinya (真野 新也), 2015. “Kan’yaku Dainichikyō no chūshakusho seiritsu ni kansuru ichi, ni no mondai” (漢訳『大日経』の註釈書成立に関する一、二の 問題), IBK 64/1, các tr. 218-223.

[28] Xem T25n1509-064 大智度論 第64卷.

[29] Xem Katō Seiichi (加藤精一), 1979. “Dainichikyōsho to Daichidoron” (『大日経疏』と『大智度論』), IBK 27/2, các tr. 735-738.

[30] Xem 大正新脩大藏經第三十冊 No. 1564《中論》.

[31] Xem Endō Jun’ichirō (遠藤純一郎), 2007. “Dainichikyōsho ni mirareru kegon-teki yōso ni tsuite” (『大日經疏』に 見られる華厳的要素について), CG 56, các tr. 461-492.

[32] Keyworth, G.A., 2011. “Yixing,” in: C.D. Orzech, H. Sorensen & R.K. Payne, eds., Esoteric Buddhism and the Tantras of East Asia, Leiden: Brill, các tr. 342-344.

[33] Kinh Kim Cương Đảnh (Vajrasekhara; 金鋼頂經) Sanskrit gọi là: Sarvatathāgata-tattva-samgraha.  Hán dịch: 金剛頂一切如來真實攝大乘現證大教王經 “Kim Cương Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương kinh”. Xem T18n0865-002 金剛頂一切如來真實攝大乘現證大教王經 第2卷.

[34] Xem 大正新脩大藏經 第55冊. No.2156 大唐貞元續開元釋教錄 (3卷) [唐 圓照集].

[35] “Thông điển” (通典) là cuốn sử tổng quát đầu tiên của Trung Quốc, mô tả về hệ thống pháp luật. Nó được biên soạn vào năm Trinh Nguyên thứ 17 (801 STL) của nhà Đường và kéo dài hơn 30 năm. Thông điển ghi lại các sự kiện từ truyền thuyết cổ xưa về Hoàng đế đến cuối thời Thiên Bảo của Hoàng đế Huyền Tông vào thời nhà Đường. Hiện tại “Thông điển” có tổng cộng 200 tập, chia làm 9 quyển, trước tiên là lương thực, hàng hóa, tiếp theo là tuyển cử, chức vụ, lễ nghi, âm nhạc, quân sự, trừng phạt, quốc quận, biên giới mỗi loại; được chia thành các tiểu mục, trong đó có một mục có hơn 1.500 việc cần làm, các tiêu đề phụ được chia thành chi tiết. Cuốn sử được liệt vào một trong “Thập thông” (十通), cùng với “Thông chí” (通志) và “Văn hiến thông khảo” (文献通考), gọi chung là “Tam thông” (三通).

[36] Xem Ohashi, Yukio, 2011. “Astronomy and Mathematics of Yixing,” in: Tsuko Nakamura, W. Orchiston, M. Soma & R. Strom, eds., Mapping the Oriental Sky: Proceedings of the Seventh International Conference on Oriental Astronomy, Tokyo: National Astronomical Observatory of Japan, các tr. 171-178.

[37] Xem Ouyang Xiu (歐陽修) & Song Qi (宋祁), 1975. Xin Tang shu (新唐書), Beijing: Zhonghua Shuju.

[38] Xem Osabe Kazuo (長部和雄), 1963. Ichigyō zenji no kenkyū (一行禪師の研究), Kobe: Kōbe Shōka Daigaku Keizai Kenkyūsho.

[39] Xem 大正新脩大藏經第二十一冊 No. 1299《文殊師利菩薩及諸仙所說吉凶時日善惡宿曜經》.

[40] Sen, T., 1995. “Gautama Zhuan: An Indian Astronomer at the Tang Court,” China Report: A Journal of East Asian Studies, 31/2, các tr. 197-208.

[41] Pankenier, D.W., 2013. Astrology and Cosmology in Early China: Conforming Earth to Heaven, Cambridge UK: Cambridge University Press.

[42] Xem 大正新脩大藏經第二十一冊 No. 1311《梵天火羅九曜》.

[43] Xem 大正新脩大正藏經 Vol. 21, No. 1310. 北斗七星護摩法.

[44] Xem 大正新脩大藏經第二十一冊 No. 1304《宿曜儀軌》.

[45] Xem Lü Jianfu (呂建福), 2009. Mijiao lunkao (密教論考), Taipei: Kongting Shuyuan.

[46] Xem Osabe Kazuo (長部和雄), 1963. Ichigyō zenji no kenkyū (一行禪師の研究), Kobe: Kōbe Shōka Daigaku Keizai Kenkyūsho.

[47] Xem 卍新纂大日本續藏經 第59冊. No.1043 看命一掌金 (1卷) [唐 一行著] .

[48] Xem 鄭綮 (作者), 開天傳信記, 商務印書館, 1940.

[49] Xem Zheng Chuhui (鄭處晦), 1983. Minghuang zalu buyi (明皇雜録補遺), in: Ying yin Wen yuan ge Si ku quan shu (景印文淵閣四庫全書), vol. MXXXV, Taipei: Taiwan Shangwu Yinshuguan, các tr. 520-525.

[50] 段成式 (作者), 酉陽雜俎, 上海古籍出版社, 2012.

[51] Thái Huyền Kinh (太玄經) là tác phẩm được viết bởi Dương Hùng, một học giả thời Tây Hán, dùng để giải thích hệ thống triết học và vũ trụ học của ông. Nhằm tránh điều cấm kỵ về tên của Hoàng đế Khang Hy (康熙), nó được đổi tên thành “Thái Nguyên Kinh” (太元經).

[52] Nhan Hồi (顏回) là đệ tử đáng tự hào nhất của đức Khổng Tử (551- 479 Tr.TL), nổi tiếng với trí tuệ thông minh của mình.

[53] Xem 大正新脩大正藏經 Vol. 50, No. 2061. 《宋高僧傳》CBETA 電子版.

[54] Xem  James Herschel Holden (Author), 2006.  A History of Horoscopic Astrology,  American Federation of Astrologers Press.

[55] Kotyk, J., 2016. “Kanjiken no bungaku ni okeru saihōsenseijutsu no yōso: tōzai bunka kōryū ni okeru Bukkyō no yakuwari” (漢字圏の文学における西方占星術の 要素:東西文化交流における仏教の役割), Bukkyō bungaku kenkyū (佛教文學研究) 19, các tr. 85-110.

[56] Xem 大正新脩大藏經 第21冊. No.1309 七曜星辰別行法 (1卷) [唐 一行撰].

[57] Xem C. W. Leadbeater (Author), 2008. The Astral Plane: Its Scenery, Inhabitants And Phenomena, CreateSpace Independent Publishing Platform.

[58] Jyotisha bao gồm nghiên cứu về thiên văn học , chiêm tinh học và khoa học đo thời gian bằng cách sử dụng chuyển động của các thiên thể. Nó nhằm mục đích giữ thời gian, duy trì lịch và dự đoán thời điểm tốt lành cho các nghi lễ Vệ Đà. Xem James Lochtefeld, 2002. “Jyotisha” in The Illustrated Encyclopedia of Hinduism, Vol. 1: A-M, Rosen Publishing, các tr. 326-327.

[59] Sūryasiddhānta là một tác phẩm về thiên văn học Ấn-độ giáo, cũng như vũ trụ học, địa lý, được phổ biến rộng rãi ở miền bắc Ấn-độ. Tác phẩm được sáng tác từ năm 600 đến 1000 năm STL, có khoảng 500 câu thơ, được chia thành 14 chương.

[60] Xem T19n0922 藥師琉璃光如來消災除難念誦儀軌 (1卷) [唐 一行撰].

[61] Xem T19n0981 大毘盧遮那佛眼修行儀軌 (1卷) [唐 一行記].

[62] Xem 大正藏 No. 1219 曼殊室利焰曼德迦万爱秘术如意法 [唐 一行撰].

[63] Xem 大正新脩大藏經 第二十一冊 No. 1304《宿曜儀軌》.

[64] Xem X74n1470 華嚴經海印道場懺儀 (42卷) [唐 一行慧覺依經錄 宋 普瑞補註 明 讀徹參閱 明 木增訂正 明 正止治定].

Nghiên Cứu