Đại Lễ Khánh Thành Chùa Vĩnh An – Trai Đàn Chẩn Tế – Bạt Độ Giải Oan

Đại lễ khánh thành chùa Vĩnh An – Trai đàn chẩn tế – Bạt độ giải oan chư âm linh cô hồn, siêu tiến chư Hương linh nguyện cầu âm siêu dương thái sự: ngày 03 và 04 tháng 04 năm 2004 (nhằm ngày 14 và 15 tháng 02 nhuận năm Giáp thân)

Cung Nghinh Chư Tôn Đức Trưởng Lão Giáo Phẩm Quang Lâm

Dâng Lễ Thỉnh Sư

Chư Tôn Đức Trưởng Lão Niêm Hương

Chư Tôn Đức, Quý Quan Khách & Chánh Quyền Tham Dự Lễ

Lời Đạo Từ Của Hòa Thượng Chứng Minh

Hành Đàn Bạt Độ

Hòa Thượng Pháp Sư Thuyết Pháp Độ Linh

Chẩn Tế Chư Âm Linh Cô Hồn

Tặng Quà

Ngày 04 tháng 04 năm 2004 (nhằm ngày 15 tháng 02 nhuận năm Giáp thân), tại buổi Lễ khánh thành chùa Vĩnh An, Hòa Thượng Trụ Trì phát biểu:

Trong khung cảnh trang nghiêm, hương trầm ngào ngạt, chánh điện Mai Sơn Vĩnh An Tự vô cùng uy nghi và thanh tịnh, sau hai năm xây dựng, nay đã được hoàn thành. Thừa lệnh Hòa thượng viện chủ Tổ Đình Thiền Tôn đại diện Tông phong Tổ Đình Thiền Tôn – Huế, cho phép chúng tôi tổ chức lễ Khánh thành chùa Vĩnh An. Đặc biệt, đã được chư tôn Thiền đức Tăng Ni cùng toàn thể liệt quý vị, hoan hỷ đáp lại lời thỉnh mời của BTC chúng tôi, đồng quang lâm về đây để Chứng minh, chứng kiến và chia sẻ niềm hân hoan vui mừng trong ngày trọng đại này.

Lời đầu tiên, thay mặt BTC, chúng tôi xin gởi đến toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và quý liệt vị lời chào trân trọng nhất, lòng biết ơn sâu sắc nhất cùng lời cầu chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi.

Kính thưa quý Ngài và quý vị!

Chúng tôi thường nghe trong kinh Pháp Hoa – phẩm Phương tiện, đức Phật dạy rằng:

“Chư Phật lưỡng túc tôn, tri pháp thường vô tánh, Phật chủng tùng duyên khởi, thị cố thuyết nhất thừa”.

Tạm dịch: Chư Phật là Đấng phước đức và trí tuệ vẹn toàn, thể nhập Thật tánh của các pháp là Vô tánh, chủng tử Phật tánh ấy do nhân duyên mà sanh khởi. Thế nên, Phật dạy đó là đạo Nhất thừa. Nói cách khác, tất cả các pháp Thế gian và Xuất thế gian đều phải hội đủ thắng nhân thắng duyên mới có thể hình thành và phát triển. Thánh giáo đó gọi là thập như thị, còn gọi là Thập giới thiên như. Thật vậy, chùa Vĩnh An cũng không ngoài định lý Duyên sinh, phải hội đủ thắng duyên mới có thể thành tựu mỹ mãn như hôm nay.

Vĩnh An Tự hiện hữu theo kiến trúc cổ kính trang nghiêm mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam, có thể nói phần nào xứng đáng là một công trình thế kỷ. Văn hóa Phật giáo và văn hóa Dân tộc luôn gắn liền như nước với sữa không thể tách rời. Ý thức được như thế, nên thi sĩ Huyền Không đã nói:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

 Tuy nhiên, ngôi chùa thành tựu như ngày hôm nay có nhiều nhân duyên khác nhau. Nhân duyên tuy rất nhiều, nhưng theo chúng tôi thấy có ba nhân tố chính :

1. Trước nhất là sự thùy từ gia hộ của chư Phật, chư đại Bồ-tát, sự gia tâm chú nguyện của chư Tôn thiền đức niên cao lạp trưởng và chư Tôn Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nhất là những chùa lớn tại TP. HCM đã yểm trợ tối đa và liên tục, nhờ đó mà công trình xây dựng chùa Vĩnh An sớm được hoàn thành.

2. Kế đến là được sự tận tình giúp đỡ, luôn tạo điều kiện thuận lợi của qúi Ủy ban, Ban Tôn giáo và Dân tộc, UB MTTQVN, Sở địa chính, Sở xây dựng, cùng các ban ngành đoàn thể từ Tỉnh đến Huyện, đặc biệt thị trấn Vĩnh An là đơn vị địa phương gắn bó từ bấy lâu nay. Nhờ sự giúp đỡ đó, nên chúng tôi đã sớm hoàn thành ý nguyện thiêng liêng và cao cả này.

3. Cuối cùng, chính là Nhân duyên không thể thiếu, nếu không muốn nói là yếu tố mang tính quyết định, đó là sự phát tâm tùy hỷ công đức của toàn thể nam nữ Phật tử xa gần, chủ yếu là các Đạo tràng tại TP. HCM và Đạo tràng Pháp hoa bổn Tự, đã thể hiện đầy đủ lòng tôn kính Tam Bảo, truyền thống cao quý của người Phật tử Việt Nam, cộng với tình cảm Thầy trò thắm thiết của tất cả Phật tử địa phương ngày đêm mong ước nguyện cầu cho ngôi chùa sớm được hoàn thành, có thể nói tất cả Phật tử lớn nhỏ xa gần, ai ai cũng đều mơ ước như thế, sự mơ ước tuy rất bình dị, nhưng nói lên tín tâm sâu thẳm tận đáy lòng của người con Phật, luôn tha thiết với tiền đồ Đạo pháp; và hôm nay mơ ước ấy đã thành hiện thực, tất cả đều hướng về ngày lễ Khánh thành, hiện diện dưới mái chùa Vĩnh An thân thương biết bao kỷ niệm vui buồn suốt thời gian mười bốn năm qua, để cùng nhau chia sẻ niềm vui khôn tả này! Đây là một sự kiện lớn chỉ diễn ra một lần trong cuộc đời chúng ta mà thôi.

Trên đây chúng tôi đã mạo muội trình bày ba trong những nhân duyên chính yếu không thể thiếu trong sự hình thành và phát triển của ngôi Đại Hùng Bảo Điện Vĩnh An.

Như quý vị đã biết, Phật giáo đã có mặt rất sớm trong lòng dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm, Phật giáo đã cùng chung số phận thăng trầm với đất nước. Một dân tộc vốn giàu lòng nhân ái và vị tha, nhưng cũng rất kiên cường và bất khuất, phải chăng đây chính là tinh thần Từ bi và Trí tuệ của Phật giáo đã thấm sâu vào lòng Dân tộc Việt Nam, do đó ngôi chùa vừa là minh chứng lịch sử, vừa là di tích văn hóa mang đậm nét văn hiến 4.000 năm. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi có thể nói rằng: Tạo dựng một ngôi chùa tức là khơi dậy tâm đức Từ Bi và Trí Tuệ, tô đậm thêm đường nét văn hóa Lạc Hồng của Tổ Tiên chúng ta. Để thể hiện ý nghĩa này, chúng tôi đã viết hai câu đối tôn trí tại Chánh điện chùa Vĩnh An như sau:

“Vĩnh Hưng Hiền Thánh Đạo, Phạm Vũ Biến Trang Nghiêm, Thế Thế Trùng Quang, Mãn Địa Tận Thành Hoa Tạng Giới”;

“An Trụ Đại Thừa Tông, Phật môn Thường Xán Lạn, Nhơn Nhơn Quy Ngưỡng, Phổ Thiên Viên Nhiếp Diệu Thiền Cơ”.

Tạm dịch: Đất Vĩnh Cửu từ nay hưng phát đạo Thánh Hiền, cảnh chùa thật trang nghiêm, Đời đời thêm rạng rỡ, mặt đất rộng bao la nơi nơi đều thành cảnh giới Phật.

Chùa Vĩnh An sớm hôm truyền bá pháp Đại thừa, cửa chùa thường thanh tịnh, Người người đều quy ngưỡng, bầu trời cao thăm thẳm, tóm thâu muôn pháp Diệu Cơ Thiền.

Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng, chùa Vĩnh An đã và sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trong sáng và cao đẹp ấy! Để luôn xứng đáng với lịch sử Phật giáo nói riêng và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Kính bạch chư tôn Thiền đức chứng minh!

Trong giờ phút thiêng liêng, người người thành tâm hướng về ngôi Tam Bảo, chúng con thành kính đem công đức xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện này, trước dâng lên cúng dường mười phương chư Phật. Đồng dâng lên cúng dường Tôn sư của chúng con, Ngài là vị Bổn sư cao cả đã dày công nuôi dưỡng và tác thành Giới thân Huệ mạng cho chúng con. Nam Mô Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Thiền Tôn Tổ Đình Đường Thượng, Húy Thượng Trừng Hạ Thủy, Hiệu Giác Nhiên, Tự Chí Thâm Cố Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh Tôn sư Thùy Từ Chứng Giám, và cũng xin hồi hướng công đức này khắp pháp giới chúng sanh, đồng triêm lợi lạc.

Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa liệt quý vị!

Trước khi trình bày khái quát về kinh phí xây dựng chùa Vĩnh An, chúng tôi xin quý Ngài vài phút để giải thích tên gọi của ngôi chùa này như sau: Sở dĩ lâu nay chùa có tên là Vĩnh An, vì trước đây theo đơn vị hành chánh, địa phương này gọi là thị xã Vĩnh An, nay là thị trấn Vĩnh An, lấy tên địa danh đặt tên chùa nên gọi là Vĩnh An. Nhưng nay gọi là Mai Sơn Vĩnh An Tự vì theo truyền khẩu nhân gian, nơi đây nguyên trước kia là một đồi núi hoang vu ít người đặt chân đến, có rất nhiều cây mai rừng to lớn, cành lá sum xuê, cứ mỗi độ xuân về, rừng mai khoe sắc làm vàng ánh cả bầu trời trông thật là rạng rỡ huy hoàng. Năm 1975, khi nhà nước Quyết Định xây dựng nơi này thành vùng kinh tế mới Cây gáo, từ đó dân chúng khắp nơi đổ về đây khai hoang cải hóa, mở làng lập ấp kiếm kế sinh nhai, thì cũng từ đó rừng mai chịu chung số phận với những cây rừng khác đã tàn lụi trước sự khai phá của con người. Đến lúc chúng tôi về đây được nghe kể lại như thế, nên tôi đã cố gắng khôi phục lại rừng mai của ngày xưa và để ghi lại kỷ niệm này lưu truyền cho con cháu mai sau, tôi đã thêm vào 2 chữ Mai Sơn, thành tên chùa là Mai Sơn Vĩnh An Tự. Nghĩa là: Chùa Vĩnh An trên núi Mai.

Kính thưa liệt quý vị!

Trước khi dứt lời, một lần nữa thay mặt Ban tổ chức, chư Tăng và Phật tử địa phương chúng con thành tâm đón nhận ân đức cao dày của chư tôn Thiền đức Tăng Ni. Nguyện cầu quý Ngài Pháp thể khính an Đạo quả viên thành. Chúng tôi xin niệm ân Chính quyền các cấp, nhất là Ủy ban nhân dân huyệnVĩnh Cửu và thị trấn Vĩnh An đã tận tình giúp đỡ. Xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi.

Sau cùng, kính mong chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư và toàn thể chư Tăng Ni hiện diện, thùy từ Chứng minh, Tán dương và ghi nhận Công đức của toàn thể nam nữ Phật tử xa gần đã từng đóng góp cúng dường tịnh tài tịnh vật,  để ngôi Mai Sơn Vĩnh An Tự hoàn thành một cách mỹ mãn, tất cả mọi người đều được phước thọ miên trường. Chúng tôi cầu chúc quý Phật tử Đạo tâm kiên cố, tinh tiến tu hành, quý gia quyến đồng an khang thịnh vượng.

Kính chào

Cảm ơn liệt quý vị!

Hình Chùa