Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu – Hoàn Nguyện Khánh Tạ Tam Bảo Chùa Vĩnh Hưng PL: 2567; Quý Mão – 2023

Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu – Hoàn Nguyện Khánh Tạ Tam Bảo Chùa Vĩnh Hưng – Trai Đàn Chẩn Tế Chư Âm Linh Cô Hồn – Phóng Chư Sanh Loại – Cứu Tế Bần Nhân – Trai Tăng Cúng Dường – Nguyện Cầu Âm Siêu Dương Thái Bảo An Hậu Duệ Sự  – Ngày 11 & 12 tháng 07 năm Quý Mão (nhằm ngày 26 & 27 tháng 08 năm 2023)

Xin giới thiệu chùm ảnh liên quan sự kiện trong các ngày Đại lễ

Niêm Hương Bạch Phật – Sái Tịnh Trai Đàn – vào lúc 08 giờ 00’,  ngày 11 tháng 07 năm Quý Mão

Tặng Phẩm Chúc Mừng

Trai Tăng Cúng Dường

Đạo Tràng Phật Tử Thính Pháp

Chánh Thức Cử Hành Đại Lễ Vu Lan – Hoàn Nguyện Khánh Tạ Tam Bảo Chùa Vĩnh Hưng – vào lúc 09 giờ 00’,  ngày 12 tháng 07 năm Quý Mão

Ni Trưởng Viện Chủ Tuyên Đọc Diễn Văn Khai Mạc

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu – Hoàn Nguyện Khánh Tạ Tam Bảo

Chùa Vĩnh Hưng – Xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng -Ni.

Kính thưa quý quan khách cùng toàn thể quý Phật tử hiện diện.

Hôm nay, ngày 12 tháng 7 năm Quý Mão (27/8/2023), trong không khí trang nghiêm, thắm tình đạo vị và tràn đầy tình thương của mùa Vu lan Báo hiếu, chùa Vĩnh Hưng thành kính và long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – Hoàn nguyện Khánh tạ Tam Bảo. Trong giờ phút trọng thể này, trước hết chúng con thành kính đảnh lễ chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni đã từ bi quang lâm chứng minh. Xin trân trọng chào đón quý vị quan khách cùng toàn thể đồng bào Phật tử đang hiện diện tham dự buổi lễ sáng hôm nay.

Kính bạch quý Ngài, kính thưa liệt quý vị!

Trong kinh Đại Bổn thuộc Trường Bộ kinh, đức Phật đã dạy rằng: “Hãy ra đi, này các Tỳ Kheo. Hãy đem lại sự tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã, hãy phất lên ngọn cờ bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp, mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy là các Thầy đã hoàn tất nhiệm vụ.” Đây là lời dạy của đức Thế Tôn đối với các đệ tử, cũng chính là thông điệp của đạo Phật, thể hiện tinh thần từ bi và phụng sự nhân loại. Thấm nhuần lời dạy đó của đức Thế Tôn, mỗi người con Phật đều ý thức rằng, vai trò và trách nhiệm của mình là thấu đạt chân lý và làm lợi lạc nhân sinh.

Trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, từng thế hệ xuất gia đều ghi tạc lời dạy ấy, thực hiện vai trò của mình làm tròn nhiệm vụ sứ giả Như Lai, luôn ôm ấp hoài bảo “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài” mà “kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng”. Hoài bảo ấy đã định hướng rõ ràng rằng: xây dựng đạo tràng, kiến tạo tự viện ở nơi nơi, mục đích là để phá trừ màn lưới vô minh, tham lam, sân hận, si mê, nghi ngờ, chấp ngã … những yếu tố gây khổ đau cho bản thân và tha nhân, để kiến thiết tịnh độ nhân gian, đưa Phật pháp vào đời.

Trong suốt hơn hai nghìn năm đồng hành cùng với đất nước và dân tộc, hàng vạn ngôi chùa đã được hình thành, góp phần tô điểm cho quê hương và trở thành một biểu tượng quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong bài thơ “Quê tôi”, thi sĩ Nguyễn Bính đã viết thế này:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có Chùa quanh năm

Chuông hôm gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.

Chùa Vĩnh Hưng cũng là một trong những mái chùa tọa lạc ở một vùng quê hương âm thầm thanh đạm như thế. Trăng có khi tròn khi khuyết, gió có khi có khi không, nhưng mái chùa thì vẫn lặng lẽ hiện diện ở đây, cùng với nhân dân địa phương trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi.

Hơn 200 năm về trước, chùa Vĩnh Hưng đã được hình thành bởi những người dân địa phương làng Cẩm Vinh, cù lao Tân Triều. Trải bao độ xuân thu mưa nắng, qua mấy lượt kiến tạo trùng tu, từ một am tranh đơn sơ bình dị – nay đã trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm.

Giờ đây, chùa Vĩnh Hưng đã tạm hoàn thành viên mãn. Từ đây, chùa đã có đủ điều kiện để tổ chức tu học Phật pháp, làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trao đổi văn hóa và tìm hiểu giáo lý Phật đà cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo. Chùa Vĩnh Hưng là ngôi nhà chung cho tất cả mọi người tìm về suối nguồn an vui, hạnh phúc trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Như một đóa sen vươn lên trời cao giữa đầm lầy, diện mạo hoàn toàn mới mẻ của chùa Vĩnh Hưng ngày hôm nay, là thành tựu của một quá trình ấp ủ tâm nguyện, là kết quả của những năm tháng thực hiện ước mơ. Với tất cả tâm huyết nhiệt thành và đạo tâm kiên cố, Tăng Ni Phật tử chùa Vĩnh Hưng chúng con cũng như dân làng Cẩm Vinh đã hoàn thành được công trình đại trùng tu ngôi Phạm vũ. Trên là nhờ sự gia hộ của mười phương chư Phật, long thiên Hộ Pháp, chư vị thiện thần, thứ đến là sự chỉ dạy của chư tôn Thiền đức Tăng ni thâm tình, đặc biệt là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp Chính quyền và hơn thế nữa là sự phát tâm cúng dường, đóng góp, hỗ trợ sức lực cũng như tài lực của toàn thể dân làng và quý Phật tử gần xa.

Hôm nay, hòa cùng cảm xúc của toàn thể những người con Phật cùng hướng đến đại lễ Vu lan – Báo hiếu, tất cả đều chung một tâm niệm tri ân và báo ân, tưởng nhớ đến bốn công ơn sâu nặng, chùa Vĩnh Hưng chúng con thành kính thiết lễ Vu lan kết hợp Hoàn nguyện Khánh tạ Tam Bảo. Với tâm nguyện đem thành tựu này dâng lên cúng dường Tam bảo, cảm niệm ân đức hai đấng sinh thành, báo đền ơn giáo dưỡng của Thầy tổ và tri ân công đức quốc gia xã hội, đàn na tín thí đã góp phần làm nên thành tựu đầy hoan hỷ này.

Trước Tam Bảo chứng minh và sự hiện diện đông đảo của quý quan khách cũng như toàn thể dân làng và quý Phật tử xa gần, chúng con trân trọng tuyên bố khai mạc Đại lễ Vu lan – Hoàn Nguyện Khánh tạ Tam bảo Chùa Vĩnh Hưng. Thành tâm cầu nguyện buổi lễ thành công viên mãn.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Sơ Lược Quá Trình Trùng Tu Chùa Vĩnh Hưng

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

Kính bạch chư tôn Thiền đức Tăng Ni;

Kính thưa quý Quan khách cùng toàn thể quý Phật tử hiện diện;

Như quý vị cũng đã biết, chùa Vĩnh Hưng từ ngày được hình thành đến nay đã hơn 2 thế kỷ. Bắt đầu từ một am tranh nhỏ bé do dân làng lập nên, khi đó vốn là những người dân theo dòng di cư mở mang đất đai từ vùng Thuận hóa trở vào phía Nam, vốn đã mang trong người tín ngưỡng Phật giáo thuần túy. Điều này có thể thấy, trong khu vực Biên Hòa xưa nói chung có rất nhiều ngôi Cổ tự được hình thành vào đầu thế kỷ XVIII. Khu vực xã Tân Bình nói riêng cũng đã có đến 7 ngôi chùa, đều có lịch sử hình thành hơn 200 năm. Có thể nói ông bà ta hễ đi đến đâu là lập chùa, xây Đình thờ Phật, thờ Vua, thờ Thần… chùa Vĩnh Hưng cũng không ngoại lệ, với một quá trình hình thành lâu đời như thế, chắc chắn đã trải qua rất nhiều thay đổi.

Di theo lời các Cụ ông bô lão trong làng kể lại, từ lúc nhỏ các Ông đã thấy chùa hiện diện ở đây, cũng có các Sư Thầy ở chùa, trông coi nhang đèn sớm hôm. Tuy nhiên, điều kiện khi ấy là vô cùng khó khăn, cho nên việc phát triển cũng như việc ghi chép lại các sử liệu hầu như không có. Đến năm 1969 (Kỷ Dậu), khi cố Ni Sư đạo hiệu Thích Nữ Tắc Sanh về đây, thì chùa mới bắt đầu có thêm sự mở mang mới mẻ. Kế thừa là Ni trưởng Đạo hiệu Thích Nữ Chơn Hướng, nay là Viện chủ chùa Vĩnh Hưng, với uy đức và đạo phong của người, Ni trưởng đã phát huy việc trùng tu cơ sở vật chất cũng như thành lập Đạo tràng Phật tử, tổ chức các khóa tu học rất là đông đảo.

Thời kỳ ấy, xung quanh chùa vẫn là những cánh đồng lúa bát ngát, đất chùa cũng là một vùng đất trũng thấp. Ni trưởng đã cùng với dân làng kéo đất bằng những chiếc xe bò thô sơ san lấp mặt bằng, trải qua nhiều năm tháng mới hình thành được khuôn viên trang nghiêm như ngày hôm nay. Đến năm 2017 (Đinh Dậu), con (Đại Đức Thích Nguyên Châu) được sự chỉ dạy và chấp thuận của Hòa thượng Bổn Sư (Hòa Thượng Đạo hiệu thượng Liêm hạ Chính), về đây kế nhiệm Trụ trì chùa Vĩnh Hưng thay thế Ni trưởng. Nhận thấy cơ sở vật chất của chùa khi ấy đã quá cũ kỹ, tường nứt, cột xiêu, mối ăn, ngói dột. Ni trưởng đã tin tưởng  ủy thác, giao phó trách nhiệm, toàn quyền thiết kế xây dựng trùng tu tổng thể công trình chùa Vĩnh Hưng.

Bằng những kiến thức học hỏi từ các bậc Thầy đi trước như Hòa thượng Bổn Sư, cố HT đạo hiệu thượng Quang hạ Đạo – Viện chủ Tổ Đình Phước Viên – Thành phố Biên Hòa và chư vị Tôn đức, những bậc Giáo thọ sư … sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, chúng con cũng đã có được tổng thể kiến trúc, quy hoạch khuôn viên trùng tu chùa.

Sau khi trình qua Ni trưởng Viện chủ và được sự chấp thuận, chúng con bắt đầu kế hoạch bằng việc xây dựng giảng đường, tức là ngôi nhà tiền chế bằng sắt nằm bên tay trái Chánh điện ngày nay. Với diện tích gần 300 mét vuông, đây là nơi tổ chức các khóa lễ thường niên, đồng thời là nơi an trí tượng Phật, pháp khí chuẩn bị cho việc xây lại ngôi Chánh điện cũng như Tổ đường.  

Bước kế tiếp, vào năm 2018 (Mậu Tuất), chúng con tiến hành xây dựng Khách đường làm nơi tạm trú, cũng như có nơi nghỉ ngơi dành cho chư Tăng thập phương, trong thời gian xây dựng ngổn ngang.

Ngày mùng 02 tháng 02 năm Tân Sửu (2021). Dưới sự chứng minh của Hòa thượng Bổn sư cùng chư Tôn đức Tăng và toàn thể dân làng Phật tử, chùa Vĩnh Hưng thành tâm cử hành lễ động thổ khởi công xây dựng ngôi Chánh điện và Tổ đường. Cũng trong ngày hôm đó, rất đông dân làng đã về chùa phụ giúp tháo dỡ, hạ giải ngôi Chánh điện cũ và tiến hành xây dựng.

Sau 3 tháng thi công, ngôi Chánh điện mới đã được hình thành. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhân dân cả nước trải qua một ký ức kinh hoàng của đại dịch Covid-19. Công trình cũng theo đó mà tạm thời dang dở. Nhưng may mắn, mọi thứ vẫn ổn định và tiến triển theo đúng kế hoạch.

Tháng 3 năm 2022 (Nhâm Dần), chúng con tiếp tục sửa sang, làm mới lại khu vực nhà trù (bếp) và Trai đường theo đúng quy hoạch tổng thể.

Cuối năm 2022, chúng con xây dựng cổng Tam Quan cũng như tượng đài Quan Âm lộ thiên.

Đầu năm 2023 (Quý Mão), chúng con tiến hành xây dựng Bảo tháp Vô Ưu, với mục đích làm nơi thờ tự linh cốt chư Tôn đức Tăng Ni tiền bối và các Hương linh ký gửi tại chùa. Đây cũng là nơi thờ tự linh cốt về sau cho nhân dân Phật tử địa phương ký gửi về chùa khi có nhu cầu. Đây được xem là công trình mang tầm vóc cao nhất và cũng là nặng kinh phí nhất, và thi công trong vòng 6 tháng từ ngày 25 tháng giêng đến ngày 19 tháng 6 năm Quý Mão được thành tựu. 

Như vậy, tính từ năm 2017 đến nay, trải qua 6 năm kiến thiết trùng tu tổng thể, chùa Vĩnh Hưng cũng đã tạm ổn về mặt cơ sở vật chất. Tuy không nguy nga tráng lệ như những ngôi chùa khác, nhưng cũng tạm thấy là hài hòa và trang nghiêm, vẫn nhẹ nhàng và thanh thoát với kiến trúc mang đậm văn hóa dân tộc Việt Nam.

Quý vị có thể thấy kết cấu chính của chùa Vĩnh Hưng là bằng gỗ. Tất cả đều là gỗ cũ được sử dụng lại, như ngôi Chánh điện là kiểu nhà truyền thống Bắc bộ, Tổ đường là phần gỗ của Chánh điện cũ sử dụng lại, Tiền đường là nhà gỗ cổ lầu theo kiến trúc Cung đình – Huế. Nhà khách là một ngôi nhà sàn cũ của dân tộc Tày ở tỉnh Hòa Bình, phía bắc Việt Nam.

Nói chung tuy được làm mới, nhưng vẫn lưu giữ được hình hài của những kiến trúc xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, dân tộc Việt. Đây là công đức của Ni trưởng Viện chủ, là thành tựu của dân làng Cẩm Vinh cũng như quý Phật tử gần xa. Mặc dù trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhưng với đạo tâm kiên cố, bằng tâm nguyện hộ trì Phật pháp, dân làng Cẩm Vinh và quý phật tử xa gần đã dành dụm tích góp – nhín ăn nhín mặc, kẻ công người của, kẻ ít người nhiều, cúng dường đóng góp cho việc thành tựu nên hình hài hoàn toàn mới mẻ của chùa Vĩnh Hưng như ngày hôm nay.

Trên đây là sơ lược tổng thể quá trình trùng tu xây dựng chùa Vĩnh Hưng. Cuối lời, chúng con thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo chứng minh cho việc làm đầy phước báu lợi lạc nhân thiên này của toàn thể liệt Quý vị.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Lời Cảm Niệm Của Dân Làng Cẩm Vinh

Nhân Lễ Vu Lan Báo Hiếu và Hoàn Nguyện Khánh Tạ Tam Bảo Chùa Vĩnh Hưng

Kính bạch chư Tôn đức;

Kính thưa quý cấp lãnh đạo Chính quyền;

Kính thưa quý Phật tử và toàn thể dân Làng Cẩm Vinh;

Lời đầu tiên, tôi xin được thay mặt Ban Quý tế Làng Cẩm Vinh kính chúc toàn thể quý vị mạnh khỏe, vui tươi và hưởng một mùa Vu Lan an lạc.

Kính thưa quý vị! Tương truyền, ngôi chùa Vĩnh Hưng mà chúng ta đang hiện diện và tiến hành lễ Vu Lan – báo hiếu, đồng thời tổ chức Đại Lễ hoàn nguyện – khánh tạ Tam Bảo hôm nay, sau khi qua một thời gian trùng tu, đã có lịch sử khoảng 400 năm, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất Làng Cẩm Vinh thuộc Cù lao Tân Triều.

Những di dân xưa kia khi đặt chân đến vùng đất này để khai hoang, lập ấp đã mang theo tín ngưỡng Phật Giáo vào đây, tiến hành chọn nơi để xây chùa, dựng Đình. Có câu: “Đất vua, Chùa làng”, đã cho ta thấy cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng trong tình tự hài hòa gắn bó thể hiện trong nếp sống tình cảm chơn chất đơn thuần của người dân quê.

Trước kia, chùa Vĩnh Hưng được dân làng dựng lên cách Đình Cẩm Vinh không xa, khoảng vài trăm mét. Theo lời kể truyền miệng, chùa lúc này chỉ là một Am tranh, nằm sát đồng ruộng (khu vực hiện giờ người dân vẫn thường gọi là chùa cũ). Trải qua biến chuyển thăng trầm của thời cuộc, chùa được di dời về giữa làng Cẩm Vinh (vào khoảng năm 1776), tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng nữa ha do người Làng phụng cúng- chính là ngôi chùa Vĩnh Hưng hiện hữu mà chúng ta đang ở đây.

Những năm trước đây, qua thời gian, ngôi chùa Vĩnh Hưng đã xuống cấp dù đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Cột cây, mái ngói dần hư hại theo năm tháng. và rồi được sự cho phép của Chính quyền, sự đồng lòng của dân làng, sự tâm huyết của nhà chùa cùng với sự ủng hộ của quý Mạnh thường quân, của quý Phật tử gần xa mà giờ đây, ngôi chùa Vĩnh Hưng được uy nghi, thanh thoát đã hình thành, tạo ra một diện mạo mới khang trang, tươi đẹp như ngày hôm nay.

Từ nay, dân làng Cẩm Vinh, quý Phật tử gần xa cảm thấy rất hoan hỷ khi có được một mái chùa trang nghiêm hơn, rộng rãi hơn, sạch đẹp hơn để gửi gắm tâm linh, ước nguyện cầu mong an lành, hạnh phúc cho đất nước, cho quê hương, cho gia đình cũng như cho chính bản thân mình.

Thưa Quý vị! Đã từ lâu, hình ảnh ngôi chùa luôn là một hình ảnh thân thương, rất quen thuộc gần gũi với nếp sống hiền hòa của những người dân quê mộc mạc. Vì chùa là mái ấm che chở ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình. Dân làng xem ngôi chùa như là mái ấm gia đình chung. Do đó, cùng nhau quyết tâm đóng góp xây dựng bảo vệ và phát huy mạnh mẽ. Mái chùa là niềm an ủi, là nơi xoa dịu những nỗi buồn đè nặng trong tâm hồn. Đó là một tình cảm thật thân thiết đậm đà, nồng nàn.

Trong giờ phút long trọng này, một lần nữa tôi xin được thay mặt Ban Quý tế làng đương nhiệm, xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Quý Chính quyền, chư Tôn đức Tăng Ni, Ni trưởng Viện chủ, Đại đức Trụ trì  chùa Vĩnh Hưng, ban Quý tế các Làng bạn và Hương chức, dân làng Cẩm Vinh, quý Mạnh Thường quân và Phật tử gần xa đã có những hỗ trợ nhiệt tình thời gian qua để làng Cẩm Vinh có được ngôi chùa nghiêm trang, người dân làng Cẩm Vinh được thụ hưởng thành quả này.

Và để ngôi chùa Vĩnh Hưng mãi mãi trường tồn, khang trang, sạch đẹp như hôm nay, chúng ta cần phải bảo dưỡng và duy trì. Tôi tin rằng, ban Quý tế làng thường niên, Hương chức, dân làng Cẩm Vinh sẽ cùng với Ni trưởng, Thầy Trụ trì cùng quý đạo tâm Phật tử một lòng gìn giữ, bồi đắp cho ngôi chùa ngày được hưng thịnh rạng rỡ huy hoàng trong thời gian tới.

Xin chân thành cảm ơn toàn thể Quý vị.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Lời Cảm Tạ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật;

Kính bạch chư tôn Thiền đức;

Kính thưa Quý liệt vị;

Trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo vị. Giờ phút này, một lần nữa chúng con xin thành kính đối trước quý Ngài, đối trước quý vị dâng lời cảm niệm công đức.

Trước hết, chúng con xin đê đầu đảnh lễ Tam bảo chứng minh, trên có mười phương chư Phật, lịch đại Tổ sư, dưới có Long thiên Hộ pháp chư vị thiện thần, đã từ bi gia hộ cho các Phật sự chùa Vĩnh Hưng được thành tựu viên mãn. Thứ đến, chúng con xin thành kính đê đầu đảnh lễ Hòa thượng Bổn Sư, chư tôn Thiền đức Tăng Ni đã thương tưởng chỉ dạy dìu dắt chúng con những bước chân vốn còn chập chững trên con đường phụng sự Tam Bảo, lợi lạc quần sanh.

Chúng con thành kính đảnh lễ tri ân chư Tôn đức trong Thường trực BTS GHPG.VN huyện Vĩnh Cửu, các chùa trong địa bàn huyện nhà và các tỉnh thành lân cận đã thân lâm khánh chúc, cầu ngyện cho Bổn tự.

Chúng tôi thành kính tri ân lãnh đạo các cấp Chính quyền huyện Vĩnh Cửu, xã tân Bình, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ bổn tự hoàn thành Phật sự trùng tu xây dựng một cách suôn sẻ.

Chúng tôi xin đặc biệt tri ân và cảm niệm công đức sự cúng dường đóng góp, hỗ trợ công sức, tài vật của toàn thể dân làng Cẩm Vinh, Phật tử Đạo tràng chùa Vĩnh Hưng, cũng như quý Phật tử gần xa. Tất cả đã chung tay làm nên một việc làm tràn đầy hoan hỷ và vô lượng phước báu này.

Hôm nay, lại một lần nữa, chư tôn Thiền đức cũng như Quý liệt vị đáp lại lời thỉnh mời của Ban tổ chức chúng con, không quản ngại đường xá xa xôi, Phật sự đa đoan, công việc bận rộn quang lâm vân tập về đây, chứng minh chúc mừng, góp lời cầu nguyện trong buổi lễ Vu lan – hoàn nguyện khánh tạ chùa Vĩnh Hưng sáng hôm nay. Công đức của quý Ngài và liệt quý vị thật vô lượng vô biên, chúng con xin ghi lòng tạc dạ và xin nguyện cố gắng nỗ lực hết mình trong việc tu tập và hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, tốt đời đẹp đạo.

Thành tâm cầu nguyện chư Phật gia hộ chư Tôn thiền đức pháp thể khinh an, Phật sự viên thành. Kính chúc quý cấp lãnh đạo Chính quyền dồi dào sức khỏe, thăng quan tiến chức, cùng nhau xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Buỗi lễ hôm nay sở dĩ được thành tựu viên mãn tốt đẹp tất cả đều nhờ sự hiện diện của quý vị ở đây; quý Phật tử xa gần, quý vị trong ban Quý tế đình Cẩm Vinh đã hỗ trợ. Đặc biệt là Phật tử chùa Vĩnh Hưng, quý vị đã nỗ lực cố gắng hết mình trong các công tác chuẩn bị và phục vụ cho Đại lễ trong suốt mấy ngày qua, cũng như phát tâm cúng dường tịnh tài phẩm vật. Nguyện cầu Tam Bảo chứng minh gia hộ cho toàn thể quý vị: Bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn tu học và mãi là những Phật tử trung kiên hộ trì Tam Bảo; xin hồi hướng phước lành đến người còn kẻ mất âm dương lưỡng lợi.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hình Chùa