Trên lộ trình hướng đến chân trời giải thoát giác ngộ, “Tam Vô Lậu học”; Giới-Định-Tuệ được xem là xương sống, điểm quy chiếu của chánh pháp và cũng là hướng đi duy nhất để đưa hành giả từ phàm phu trở thành một bậc Thánh (Ārya). Trong nội dung của Tam Vô Lậu học thì Giới (Sīla) được xem là yếu tố quan trọng nhất đối với một hành giả sơ cơ, là bậc thang căn bản để đi vào Định (Samādhi) và Tuệ (Paññā). Trong kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Hà Nghĩa, số 42, đức Phật dạy:
“…Này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định. Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa’.
Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.”
Như vậy, chúng ta thấy từ duyên khởi ban đầu là giữ Giới (Sīla) một cách tinh chuyên và trãi qua một quá trình dài cho đến khi đắc được Định (Samādhi) và hành giả tiếp tục chuyển hoá, lần lượt diệt trừ các kiết sử phiền não (Kleśa) cho đến khi thành tựu Tuệ giải thoát, trở thành bậc thánh vô lậu, A-la-hán (Arhat). Đây là một lộ trình chuẩn mực của người đệ tử Phật bắt buộc phải kinh qua; mà ở trong ấy yếu tố khởi duyên ban đầu là Giới (Sīla) giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Vì thế, trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật dạy:
“Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa ác thú. Người đó thường sanh nơi nhàn cảnh, hưởng phước trí thù thắng, thường gặp Thiện tri thức, vĩnh viễn không thoái chuyển, thường gặp chư Phật được Phật thọ ký, ngồi tòa kim Cang thành bậc Đại giác.”
Với tầm quan trọng và sự thù thắng đó của giới luật (Vinaya), cho nên các bậc cổ đức thường nói: “Giới có công năng như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới là cửa ngõ vào cảnh Niết-bàn (Nirvāṇa). Thế nên, trong mười tông phái của Phật giáo, dù chúng ta tu theo tông phái nào cũng phải lấy giới làm thầy. Cho nên, người muốn được quả vui, dứt trừ mầm mống của khổ đau mà không giữ gìn tịnh giới thì không thể được.”
Lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinirvāṇa–sūtra), đức Phật dạy:
“Giới là thềm thang của tất cả pháp lành, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp: như quả đại địa là cội gốc của tất cả thảo mộc phát sanh. Giới là một đấng Đạo sư tối cao của các thiện căn: là vị thượng chủ dẫn dắt đàn thương nhân. Giới là thắng tràng của tất cả các thiện pháp: như thắng tràng của Thiên Đế Thích. Giới là công năng đoạn trừ vĩnh viễn tất cả ác nghiệp và tam ác đạo, như các dược thảo có công năng trị liệu tất cả các thứ ác bệnh. Giới là tư lương trên đường hiểm sanh tử. Giới là chiếc áo giáp đồng, là cây gậy thần trừ diệt ác thần kiết sử. Giới là một thần chú tối linh, diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu để qua khỏi hạnh nghiệp tội ác.”
Hơn thế nữa, về sự lợi ích và thù thắng của việc giữ gìn giới, đức Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường bộ I) rằng: Người giữ Giới sẽ có được 5 sự lợi ích lớn, đó là: 1) có tiền của dồi dào; 2) tiếng tốt đồn xa; 3) khi đi vào giữ các hội chúng, không sợ hãi, không bối rối: 4) khi chết, tâm hồn không rối loạn; và 5) khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào thiên thú.
Ngang đây, có thể khẳng định rằng: dù chúng ta có thực hành pháp môn nào; hoặc Thiền quán, Tịnh độ hay Mật chú v.v… bất luận đoạn phiền não hay chứng chơn thường, đối với giới pháp của đức Phật dạy, đều phải có tính cách quyết định thọ mạng của hành giả. Nếu không giữ Giới (Sīla) được tinh nghiêm thì tất cả các việc công phu hành trì đều không thể thành tựu được.
Với tính chất quan trọng đó, một lẫn nữa trong kinh Di Giáo, đức Phật nhắc nhở các đệ tử: “Sau khi Như Lai diệt độ, hãy lấy giới luật làm thầy…” là để nói lên tầm quan trọng của Giới luật trong việc giúp hành giả vượt qua mọi phiền não chướng, hướng đến bờ giác ngộ giải thoát, Niết bàn. Hay nói cách khác, muốn thâm nhập vào biển tuệ giải thoát, thì bước căn bản đầu tiên và cũng vô cùng quan trọng đó là hành giả phải tinh chuyên, nghiêm trì giới luật, hãy lấy giới luật làm thầy của chính mình vậy.