Hội Thảo “Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu: Sứ Mệnh và Tầm Nhìn”

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu – Ngôi Sao Sáng Trong Nền Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam

Tóm tắt:

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 2.000 năm qua, đã đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trong những thập niên của thế kỷ XX, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là nhà trí thức Phật giáo, vị thầy tài đức vẹn toàn. Bằng cả tâm lực, trí lực và nguyện lực, ngài đã gầy dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững. Những công trình đóng góp trí tuệ mà ngài đã để lại cho đời, rất có giá trị trên mọi lĩnh vực, phương diện.

Từ khoá: Cuộc đời và sự nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Hòa thượng Thích Minh Châu nhà giáo dục lỗi lạc.

1. Lời dẫn

Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) là bậc danh Tăng tôn quý của Phật giáo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thông qua những công trình đóng góp to lớn của ngài trên các phương diện thế học cũng như đạo học. Ngài là một bậc chân tu, nhà chiêm bái Phật tích, vị học giả trác tuyệt, nhà dịch thuật tài ba, nhà trước tác trứ danh, nhà đối ngoại xuất sắc và là nhà giáo dục lỗi lạc… Cho dù với những mỹ từ xướng ngôn ca tụng như thế nào đi chăng nữa, thì ngay đức hiệu “Minh Châu” cũng đã nói lên tất cả những gì trong sáng và cao quý nhất trong các thế hệ được truyền cảm hứng từ ngài.

Trong bài viết này, nhân dịp 35 năm thành lập Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024), kỷ niệm 106 năm ngày sinh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) và thành kính tưởng niệm 12 năm vắng bóng của Người. Với tất cả tâm thành chí kính, chúng con kính dâng lên ngài và nói về một vài công hạnh, sự cống hiến cao cả nhất mà ngài đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam.

2. Thời niên thiếu và các hoạt động

Về phương diện địa lý, miền Bắc Trung bộ – tỉnh Nghệ An là một trong những nơi hội tụ tinh hoa đất Việt, nơi ấy được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, đã xuất hiện các bậc anh dũng kỳ tài[1] chí công hiển hách, làm rạng rỡ giang sơn. Để khẳng định niềm tự hào này, Phan Huy Chú (1782-1840) đã viết:

“Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ, những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng… được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại”.[2]

Trong dòng chảy hào khí lịch sử, tinh thần dấn thân phụng sự cho đạo pháp và dân tộc, hình ảnh tôn quý vòi vọi của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu cũng không ngoại lệ. Ngài xuất thân trong “danh gia vọng tộc”[3] vốn có truyền thống yêu nước hiếu học. Bởi lẽ Tổ tiên nhiều đời của ngài đều là những vị tài đức trí tuệ, đỗ khoa bảng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn. Thân Phụ của ngài là cụ ông Đinh Văn Chấp (1882-1953), pháp danh Trừng Tuệ,[4] vốn gốc là người làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cụ ông Đinh Văn Chấp từng đỗ khoa bảng đệ nhị giáp Tiến sĩ vào năm Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân thứ 7, lúc bấy giờ cụ ông mới chỉ 21 tuổi.[5] Về văn học Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Văn Chấp là người đầu tiên dịch các tác phẩm thơ văn chữ Hán thời Lý – Trần sang chữ quốc ngữ. Các tác phẩm dịch thuật của ông đã đăng trên 200 bài và nhiều kỳ trên Tạp chí Nam Phong nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ trước, góp phần to lớn trong việc bảo tồn di sản thơ văn nói chung và văn học thời Lý – Trần nói riêng.[6] Thân Mẫu của ngài là cụ bà Lê Thị Đạt, pháp danh Trừng Tín.[7] Nội tổ phụ (ông nội) của ngài là Tiến sĩ Đinh Văn Chất (18431887), cụ đỗ Cử nhân tại trường thi Hương Nghệ An vào năm Mậu Thìn (1868),[8] vài năm sau đó cụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân vào năm Ất Hợi (1875).[9] Và Tằng tổ phụ của ngài là Tiến sĩ Đinh Văn Phác (1790-1833), cụ thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là khoa thi đầu của Triều Nguyễn vào năm Nhâm Ngọ (1822).[10]

Ngài Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu được hun đúc trong một môi trường giáo dục tốt, dòng tộc có truyền thống học sĩ, khoa bảng, lại còn thâm đạt nho giáo thấu rõ Phật lý, nên ngài có được tư chất thông minh mẫn tiệp ngay từ thuở thiếu thời, và phán xét mọi việc luôn công tư phân minh, liêm khiết chánh trực. Do đó, thiết nghĩ với một con người như ngài, không chỉ được giáo dục một cách vuông tròn, mà còn sống trong gia đình bề thế vọng tộc đáng quý như thế này, đây được xem như “viên ngọc sáng” của Việt Nam, và quả thật ngài đúng là một con người như vậy. Để ca ngợi về ngài, thơ rằng: “Nào ai biết được trời không ấy, một bậc chân nhân hiện giữa trần”.[11]

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, vào năm 1932, lúc này Hội An Nam Phật học ra đời, theo đó phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ khắp miền Trung. Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897-1969) là một Phật tử và cũng là nhà trí thức yêu nước, được bầu làm Hội trưởng kiêm Chủ bút tạp chí Viên Âm. Phong trào Phật học do Bác sĩ tổ chức có nhiều trí thức yêu nước tham dự như: Ngô Điền, Ngô Thừa, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường…[12] Ngoài ra, Hòa thượng cùng với người bào đệ là Giáo sư Minh Chi – Đinh Văn Vinh (1921-2006), đã đến tham gia với phong trào học Phật từ năm 1936, do Bác sĩ Lê Đình Thám tổ chức Hội An Nam Phật học, thời gian này Hòa thượng đảm nhiệm chức Chánh Thư ký của Hội, kể từ đó ngài luôn gắn kết với Hội và phát động tinh thần thanh niên tham gia nghiên cứu tu học Phật pháp. Hơn nữa, với tư cách là một Phật tử thành viên của Hội, Hòa thượng đã hoạt động rất tích cực về mọi mặt và cống hiến hết mình cho Giáo hội, trong đó giúp 17 Tỉnh hội Phật giáo miền Trung phát triển Phật sự ngày càng lớn mạnh.

Với tài năng xuất chúng và trí thông minh siêu việt của ngài, năm 1939, lúc này ngài 21 tuổi đã thi đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương  (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung.[13] Đến năm 1940, ngài đã thi đỗ Tú tài Toàn phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes) tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học – Huế). Cũng trong thời gian này, Hòa thượng được bổ nhiệm làm Thư ký tòa Khâm sứ, tỉnh Thừa Thiên, khi đó ngài mới chỉ 22 tuổi.[14]

Hơn thế nữa, với tâm huyết làm ích đạo lợi đời, ngài còn là một trong những người sáng lập ra Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ (nay gọi là Gia đình Phật tử Việt Nam).[15] Ngài còn là đồng tác giả của cuốn “cẩm nang Gia đình Phật tử” hay “Phật pháp”[16] từ những thập niên 1950, nhằm phục vụ cho việc giảng dạy thanh thiếu niên lúc còn sơ khởi của bước đầu học Phật. Sau này, mỗi khi đọc lại bài viết “Vì sao gia đình Phật tử ra đời” được Hòa thượng viết vào năm 1952,[17] chúng ta mới thấy rõ một nhân cách vĩ đại của bậc đạo sư, nhà thuyết giáo tài ba, nhà giáo dục mô phạm Phật giáo đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ trẻ, bởi lẽ xác định đó là nguồn mạch tương lai của Phật pháp. Nói với Gia đình Phật tử, ngài tuyên thuyết rằng: “Gia đình Phật tử ra đời nhằm giới thiệu cho thanh niên một lý tưởng biết sống với ý nghĩa căn bản của con người. Gia đình Phật tử giúp cho các huynh trưởng hiểu biết các em mình, thương các em, biết hy sinh cho các em. Gia đình Phật tử là sợi dây liên lạc thắt chặt tình anh em giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước, giữa thanh niên với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng phải biết sống trong tình thân hữu, nâng đỡ dìu dắt hy sinh cho nhau.”[18]

Có thể nói rằng, trong suốt thời gian tham gia cộng tác làm việc ở Hội quán, ngài đã huân dưỡng kiến thức giáo lý Phật học từ những bậc thầy mô phạm, và thân cận nhất là hằng ngày ngài tiếp xúc qua các sách vở bài viết do bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám cung cấp. Dó đó, không bao lâu ngài đã có được một lượng kiến thức Phật học vững vàng. Điều thú vị ở đây là trong những năm tháng này ngài ở hẳn trong Tổ đình Tường Vân và thực tập nếp sống thiền môn như một người xuất gia vậy. Từ đó duyên lành hội đủ phước huệ trổ hoa, vào 1946 (Bính Tuất), ngài được sự cho phép của hai đấng song thân và lời hoan hỷ hứa khả của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973) – đức đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, trụ trì Tổ đình Tường Vân (nay tọa lạc tại đường Trần Thái Tông, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), lúc này cư sĩ Phật tử Đinh Văn Nam chính thức thế phát xuất gia và được người thầy Bổn sư ban cho pháp danh là Tâm Trí.

Dần dà theo năm tháng tu học trong chốn Tổ đình, cũng như đảm nhận những trọng trách công việc của Hội giao phó, trên đôi vai của ngài không chỉ là một vị giảng sư mà còn thực hành theo quy củ của một người xuất gia để hướng đến một chân trời cao rộng. Mặc dù công việc có phần đa đoan, nhưng ngài luôn ý thức bổn phận của mình để chu toàn trong mọi phận sự. Do đó, nhìn thấy những tố chất cao quý ấy, nên vào năm 1949 (Kỷ Sửu), ngài được thầy Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới, tại giới đàn Hộ Quốc, chùa Báo Quốc (nay số 17 Bảo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế), do chính thầy Bổn sư Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu Hòa thượng, và ngài được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp hiệu Viên Dung, pháp tự Minh Châu, từ đây ngài chính thức nhập vào hàng ngũ Chúng trung tôn.

Khi đã mang trọng trách sứ giả Như Lai, ngài không kể gian lao chẳng từ khó nhọc, luôn dấn thân phụng sự cống hiến cho đạo pháp và đem lại phúc lợi cho đời. Trên tinh thần đó, năm 1951, lúc này Hội thành lập Trường Trung học Bồ Đề đầu tiên tại Huế, thì ngài vinh dự đã được mời giữ chức Hiệu trưởng của trường này.

Ngang đây chúng ta có thể nói rằng, trong những thập niên của thế kỷ XIX, XX lúc này đất nước còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, kinh sách Phật giáo cũng có phần giới hạn. Do đó, để có được một vị thầy năng lực hướng dẫn giảng dạy Phật pháp cho các giới Phật tử trong lúc này là điều không dễ dàng chút nào. Cho nên, nếu cho phép nói – sự xuất hiện của Hòa thượng đúng thời đúng lúc, như ngôi sao sáng trong bầu trời tâm linh khi Phật giáo Việt Nam đang cần. Tuy nhiên, nói ra điều này không hẳn duy nhất chỉ có một mình ngài mới thực thi được, mà cùng thời với ngài còn có các nhân sự cộng tác khác, như cố Hòa thượng Thích Thiên Ân (1925-1980), cố Hòa thượng Thích Đức Tâm (1928-1988), cố Hòa thượng Thích Chơn Trí (1927-2024), cố Giáo sư Trần Quang Thuận, pháp danh Tâm Đức, pháp tự Trí Không (1930-2017), v.v… Tất cả quý ngài đều cùng chung một chí hướng xiển dương chánh pháp, lợi lạc nhân sinh.

3. Xuất dương cầu pháp, nghiên tầm giáo điển

Vấn đề được đặt ra ở đây, là nguyên nhân động lực nào để Hòa thượng xuất dương du học, cần cầu nghĩa lý nghiên tầm giáo điển? Đâu đó có lẽ trong quá trình giảng dạy Phật pháp, ngài nhận thấy sự không thống nhất trong cách phiên âm chú giải của các từ ngữ Pāli, Sanskrit tùy theo mỗi người giải thích có phần sai khác, làm cho các bản kinh văn trở nên không đồng bộ, mà bản thân cụ thể đối với người xuất gia học Phật chánh thống cũng khó hiểu, thì làm sao hướng dẫn cho cộng đồng Phật tử hiểu biết Phật pháp một cách nhất quán được? Mục kích được các hoạt cảnh đất nước lúc bấy giờ cũng như tương lai của giáo dục Phật giáo, nên Hòa thượng đã quyết chí lựa chọn con đường xuất ngoại để nghiên cứu Tam tạng, hầu sau này cống hiến cho nền giáo dục Phật giáo nước nhà theo hướng đi lên đích thực. Bởi lẽ Ấn Độ là nguồn gốc của Phật giáo từ đó phát triển, mà thế kỷ thứ III trước tây lịch, hoàng đế A Dục (Aśoka) vị hộ pháp vương Phật giáo đã xiển dương chánh pháp, bằng cách đề cử 9 phái đoàn truyền giáo đến các quốc gia, trong đó có chư vị Trưởng lão Mahinda, Ittiya Uttiya, Sambala, Bhaddasàla và Sa di Sumana nhận trọng trách đi truyền giáo đến đảo Tích Lan (Sri Lanka).[19] Thiết nghĩ được truyền cảm hứng bởi chư vị Tổ sư Phật giáo, cùng với tâm nguyện cao cả của một sứ giả Như Lai, muốn gầy dựng nền giáo dục Phật giáo bền vững cần phải hội đủ các điều kiện nhân duyên tương thích. Chính vì các yếu tố này đã thôi thúc vị Tỳ kheo trẻ trí thức Thích Minh Châu chọn con đường du học Sri Lanka, và ước nguyện này đã được Giáo hội đồng tình, thầy Bổn sư hứa khả. Do đó năm 1952, ngài lên đường du học tại Sri Lanka, với mục đích “ẩm thủy tư nguyên”, nghiên cứu các bản kinh văn chánh thống của Phật giáo. Nhưng để có được kiến thức trình độ về ngôn ngữ đọc hiểu và xử lý các văn bản, thì cần phải biết ngoại ngữ, đây là điều bắt buộc, (chứ không phải dùng hỗ trợ công nghệ hiện đại như thời nay, bởi vì lúc này mạng lưới công nghệ thông tin chưa phổ biến rộng rãi). Hơn nữa, chúng ta biết khi còn ở trong nước, lúc trẻ ngài đã thông thạo tiếng Pháp rồi, và đây cũng là một lợi thế về ngôn ngữ. Nhưng ở đây các bản kinh tạng Nguyên thủy (Nam truyền) được truyền tải ghi bằng tiếng Pāli, nên để hiểu được nội dung kinh văn đức Phật đã dạy những gì, cũng như giao tiếp với thế giới và viết luận văn, luận án thì cần phải trao dồi tiếng Anh và cổ ngữ Pāli. Do đó, với sự nỗ lực bất bì quyện bằng mọi phương tiện là làm cách nào để thành thạo hai ngôn ngữ này, đây là điều tiên quyết trong sự học của Hòa thượng. Cũng trong trong thời gian này, ngài còn nghiên cứu học về giới luật (vinaya) và rèn luyện bản thân thành một vị Tỳ kheo, theo truyền thống Nguyên thủy Phật giáo như những gì ngài đang tu học tại Sri Lanka vậy.   

Trong những thập niên 50 của thế kỷ XX, là mở đầu cho thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Sri Lanka, theo đó có rất nhiều bài viết, kinh sách Phật giáo… được lưu hành truyền bá phổ biến rộng rãi, cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức lỗi lạc và nhiều học giả uy danh khác cũng đã đến nơi này để nghiên cứu.[20] Hơn nữa, Sri Lanka còn là nơi tổ chức truyền bá kinh tạng Pāli bằng tiếng Anh, gọi là “Pāli text society” (hội kinh điển Pāli).[21] Khi ngài sống trong một môi trường chuyên nghiên cứu học thuật, hàng ngày tiếp thu những tinh hoa mới mẽ từ các bậc thầy uyên thâm, cũng như các vị pháp hữu đồng học tinh thông.[22] Từ đó trong tâm tư của ngài nung nấu một ước nguyện lớn và có những suy nghĩ rằng, tương lai sẽ tạo nên một ngôi trường giáo dục Phật giáo tầm cỡ quốc tế tại nước nhà, và ước nguyện này đã trở thành hiện thực sau khi ngài về nước (vấn đề này sẽ được bàn luận trong phần kế tiếp). 

Thời gian thấm thoắt trôi qua, hai năm sau đó (1954) ngài tốt nghiệp chương trình cao học (M.A.) tại Sri Lanka. Kế tiếp một năm sau (1955) ngài đậu bằng Pháp sư (Sadhammacariyā).[23] Lúc bấy giờ ở Colombo chưa có chương trình Đại học cao cấp Phật giáo, nên ngài đã chuyển sang miền Đông bắc Ấn Độ để tiếp tục nghiên cứu học trình Tiến sĩ Phật học tại Đại học Nalanda (ngày nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ). Bởi lẽ nơi đây đã lưu ấn những dấu tích vàng son của Phật giáo một thời, đã xuất hiện các bậc luận sư, pháp sư đầy uy danh lỗi lạc. Đâu đó vẫn còn vang vọng âm ba tinh hoa hùng biện của triết học Tánh không – Trung Quán luận, mà nhà Đại luận sư Long Thọ (tk thứ II stl) đã giảng giải, mang đậm chất trí tuệ logic và chặt chẽ. Bộ luận Trung Quán được giới học giả hàng đầu thế giới đánh giá rất cao thâm mạc trắc, xuyên suốt trong hệ thống giáo dục Phật giáo của mọi thời đại, và ngài Long Thọ đã trở thành Viện trưởng viện Đại học Nalanda vào thời kỳ đỉnh cao Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh đó, còn có các ngôi sao sáng trong bầu trời giáo dục miền Đông bắc Ấn Độ như: ngài Thánh Thiên (tk thứ III stl), Vô Trước (khoảng tk thứ VI), Thế Thân (khoảng tk thứ IV), Aryabhata (476-550), Trần Na (khoảng 480-540 stl), Giới Hiền (529-645 stl), Tịch Hộ (725-788 stl), Nguyệt Xứng (khoảng tk thứ VI stl), Pháp Xứng (khoảng tk thứ VII stl), Liên Hoa Sinh (khoảng tk thứ VII stl), Liên Hoa Giới (740-795 stl), Atisha (982-1054), Naropa (956-1040), v.v… các ngài đã xiển dương truyền bá giáo nghĩa giải thoát khắp “vùng đất của sông Ấn” linh thiêng mầu nhiệm, cũng như khu vực Himalaya. Thế kỷ thứ VII stl, có ngài Tam tạng pháp sư Huyền Trang (602-664 stl) – nhà chiêm bái Phật địa, nhà nghiên cứu Phật lý, người sưu tầm kinh điển,[24] đến từ Đông thổ Đại Đường cũng đã tu học tại nơi này, dưới sự hướng dẫn chỉ dạy trực tiếp của ngài Viện trưởng Giới Hiền (Silabhadra). Để đánh dấu son trong lịch sử của Phật học viện Nalanda – ngôi trường Đại học đầu tiên trên thế giới, ngài Huyền Trang đã từng diễn tả như sau:

“… Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn đều là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang đến cả những nước ở ngoài. Đức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Quy luật của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều bắt buộc phải tuân theo. Cả nước Ấn Độ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị này. Cả ngày họ không có đủ thì giờ để hỏi và trả lời những câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Từ sáng cho đến tối, các vị này đều luôn luôn biện luận. Già và trẻ đều giúp đỡ lẫn nhau. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẩn tránh vì xấu hổ. Những nhà học giả từ các thành thị khác, muốn mau có danh tiếng trong các cuộc biện luận đều đến Nalanda rất đông, để được giải đáp những điểm mình còn nghi ngờ, và vì vậy danh tiếng của những vị ở Nalanda được lan truyền rất rộng. Cũng vì vậy mà có nhiều người muốn có danh của Nalanda để được người ta kính trọng. Các người ở các giới khác muốn dự các cuộc biện luận phải bị người giữ cửa hỏi vài câu khúc mắc, nhiều người không trả lời được phải trở về. Phải học giỏi cả tân và cựu kinh điển mới được thâu nhận. Những sinh viên lạ mặt phải tỏ sự biệt tài của mình trong những cuộc biện luận gắt gao, và số người bị hỏng so với những vị trúng tuyển độ 7, 8 phần 10.”[25] Những bút ký của ngài Huyền Trang còn lưu lại trong “Đại Đường Tây Vực ký”, nhằm tái khẳng định giá trị của một trường Đại học lừng danh Phật giáo vào thời kỳ Trung cổ.

Việc Tây du cầu pháp trong những thế kỷ trước của các nhà du hành Ấn Độ, trải qua không biết bao khó khăn, đầy gian nan thử thách và hiểm trở, phải vượt sa mạc nghìn trùng gió cát, có khi tưởng chừng như thất mạng không hay! Còn ngày nay du hành bằng đường hàng không, nhanh chóng tiện lợi vô cùng, nhưng cho dù dưới mọi phương tiện gì đi chăng nữa, thì việc xuất dương cầu pháp của Hòa thượng Thích Minh Châu đã tạo nên một bước ngoạt lớn, làm tiền đề cho Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.   

Phật học viện Nalanda được thành lập vào năm 427 stl, nơi đây có đến chín triệu cuốn sách, hai ngàn giáo sư và hơn mười ngàn sinh viên từ khắp vùng Đông và Trung Á đến cầu thị tham cứu theo học. Phải nói rằng, Đại học Nalanda, một trong số các trung tâm học thuật lớn nhất trên thế giới (hoạt động từ thế kỷ V đến thế kỷ XII stl). Nhưng điều không may mắn đã xảy ra, vào năm 1193, Đại học Nalanda chính thức bị hủy diệt bởi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự kỳ thị chỉ huy của Bakhtiyar Khilji (1150-1206).[26] Vào thế kỷ XIX, Nalanda bắt đầu được biết trở lại. Trong nỗ lực phục hồi uy danh và di tích của Trường Đại học Nalanda, vào năm 1951, một học giả ưu tú của Phật giáo, Hòa thượng Jagdish Kashyap (1908-1976), đã sáng lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Pāli và đạo Phật ở bên cạnh khu di tích nguyên ủy. Trung tâm ấy gọi là Nava Nalanda Mahavihara, hiện nay vẫn đang tồn tại và phát triển. Mười năm sau khi Nalanda được thành lập (1951-1961), Hòa thượng Thích Minh Châu, một du học tăng Việt Nam đầu tiên đã đến tham học tại nơi đây. Được biết, ngài đã từng đỗ cử nhân Pāli, cử nhân Anh ngữ và cũng đã từng đỗ thủ khoa cao học (M.A) về Vi diệu pháp hay luận tạng (Abhidhamma Pitaka), Pāli ngữ. Năm 1961, tại Trung tâm học thuật cao cấp thời cổ đại, Hòa thượng Thích Minh Châu là vị học giả đầu tiên tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Phật học với đề tài luận án: “So sánh Trung Bộ kinh chữ Pāli với Trung A-hàm chữ Hán” (The Chinese Madhyama Àgama and The Pāli Majjhima Nikāya). Đây là công trình nghiên cứu mang tính học thuật chuyên sâu, đòi hỏi phải thấu suốt nhiều lĩnh vực, ngữ đa chiều, đa phương diện. Ngài không chỉ thông thạo về Hán ngữ và cổ ngữ Pāli, mà còn am tường các sự kiện liên quan như: lịch sử, văn hóa, xã hội, con người… Điều này khẳng định, sự so sánh giữa hai hệ thống kinh điển nhằm mở ra một tầm nhìn khách quan thông thoáng, mà xưa nay con người bị khúc xạ bởi một hệ tư tưởng cá nhân nào đó. Phải nói rằng, công trình nghiên cứu khoa học của ngài là quý báu, hiếm có, được giới nghiên cứu Phật học đánh giá rất cao, có giá trị học thuật. Mà trước đó cũng như những năm về sau, hình như chưa có một công trình nào tương tự. Ngài Satkari Mookerjee, Viện trưởng Đại học Nalanda đã từng có lời tán thán:

“Công trình của ông quả thực đã mở rộng chân trời hiểu biết của chúng ta. Ông đã đề cập đề tài này với cái nhìn của học giả và với thái độ vô tư, cốt đề cao chân lý chứ không với mục đích dựng lên một giáo điều hay phân phái.” (…) “Tôi hết sức hài lòng vì tác phẩm này đã được hoàn tất trong khuôn viên Tân tòng lâm Nalanda. Chúng tôi sẽ mãi mãi hãnh diện về những gì Tiến sĩ Thích Minh Châu và những người cộng sự của ông đã làm.”[27]

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, đích thân ngài Viện trưởng Moohejree, một học giả nổi tiếng Sanskrit và Luận lý học,[28] đã đề xuất Chính phủ Ấn Độ mời Hòa thượng Thích Minh Châu dạy về bộ môn cổ ngữ Pāli và Phật học tại Viện đại học này. Và đây cũng là cơ hội điều kiện tốt để ngài đóng góp cho ngành giáo dục Phật giáo thế giới. Có lần Hòa thượng nói: “Muốn cho người ta biết đến Phật giáo Việt Nam, mình phải đóng góp gì về văn hóa với Phật giáo quốc tế”.[29] Có nghĩa rằng, thông qua việc nghiên cứu, sách vở, bài viết, giảng dạy, cách ứng xử giao tiếp… như những gì Hòa thượng đã làm cho cộng đồng thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa, thế giới sẽ biết về Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, Viện đại học Nalanda đã yêu cầu xuất bản Luận án Tiến sĩ và những tập sách nghiên cứu về Phật giáo của ngài để phổ biến rộng rãi. Đây không chỉ dành cho giới nghiên cứu học thuật, mà còn đến với số đông có nhu cầu học Phật.

Hơn nữa, khi đọc tác phẩm “Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pāli và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữ Hán” (Milindapañha and Na-Hsien Bhikshu Sūtra – A Comparative Study).[30] Chúng ta mới thấy, sự cẩn trọng trong từng từ ngữ mà ngài so sánh đối chiếu về tính tương đồng của hai bản kinh văn. Chẳng hạn, khi nói về “cảm thọ khổ đau của vị được giải thoát”. Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

Bản chữ Hán:

“Ta không kiếm tìm tử,

Ta chẳng tìm kiếm sanh,

Ta chỉ đợi đúng thời ta.

Khi thời ta đến, ta sẽ đi.

Bản Pāli:

“Ta không đón mừng tử,

Ta chẳng mừng đón sanh,

Ta đợi đúng thời ta,

Chánh niệm và tỉnh giác.”

Như vậy, trong hai bản dịch này, về mặt ý nghĩa, khi một người đã giác ngộ giải thoát rồi, thì có nên cầu sanh, cầu tử nữa không? Tôn giả đệ nhất trí tuệ Xá Lợi Phất nói: “Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi” (我亦不求死我亦不求生我但須時可 時至便去).

Trong câu nói quý báu ấy bao hàm 4 ý nghĩa:

a. Tôi chẳng cầu chết. Tại sao? Vì tấm thân hiện hữu còn đây chỉ là tấm thân dư y, sở dĩ còn sống là để trả nốt cho xong các dư nghiệp còn sót lại. Hơn nữa, cầu chết là biểu hiện thái độ trốn tránh nợ đời, khi nghiệp lực vẫn còn mà cầu lấy cái chết, thì theo vòng Luân hồi phải tái sanh lại, để rồi lại phải chịu cái khổ dài dài. Lại nữa, mạng sống con người là điều vô cùng quý giá, nhờ thân ngũ uẩn này mà chúng ta mới có đủ cơ duyên biết đến Phật pháp và tu tập chuyển hóa những tập khí xấu xa bất thiện thành thanh tịnh thiện hảo; mà cũng nhờ tấm thân mạng sống này chúng ta có điều kiện để tu tập theo con đường Thánh giải thoát.

 b. Tôi cũng chẳng cầu sống. Tại sao? Khi sanh ra, nào phải tự tôi cầu cho tôi được sanh ra đâu, vòng luân hồi cứ xoay chuyển mãi theo nghiệp lực cũ mà tái sanh. Trong cuộc sống hiện tại còn lại đây, mọi sự ham muốn đều chấm dứt nơi tâm tôi, còn có điều chi nữa khiến tôi cố đòi ham sống để hưởng? Tâm tôi an nhiên xem cả hai sự sống và sự chết đều ngang nhau, nào có chướng ngại chi? sinh ký tử quy – sống gởi thác về, có gì đâu mà ngại, mà cầu chứ?

c. Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi. Lúc nào mới gọi là đúng thời ra đi? Đó là lúc đã dứt sạch nghiệp, do một cái chết an nhiên và thanh thản mang đến. Tôi ra đi, chẳng chút luyến tiếc, cũng chẳng chút háo hức, an nhiên mà ra đi vào cõi vô tung bất diệt.

d. Đây là lời nói của một bậc đắc đạo, hoàn toàn giác ngộ về lẽ sống chết trong vòng luân hồi và con đường giải thoát về nơi an lạc Niết bàn.

Do đó, tác phẩm này là một công trình nghiên cứu rất kỳ công của Hòa thượng Thích Minh Châu, được đánh giá rất cao, đáng trân trọng, là tài liệu quý giá cho các trường Phật học. Giáo sư Nalinaksha Dutt (1893-1973) của Đại học Calcutta Ấn Độ, đã viết:

“Tác giả là một tu sĩ Việt Nam, đã tinh thông cả hai ngôn ngữ Pāli, Hán và đã hoàn thành mọi kiến thức về ngôn ngữ Pāli tại Học viện Pāli ở Nalanda. Vốn uyên bác cả hai ngôn ngữ ấy, Ngài có thể so sánh cả hai bản này tận gốc trong từng vấn đề và nêu ra các điểm tương đồng và dị biệt. Do vậy, các kết luận của Ngài rất có giá trị. Cách trình bày các tài liệu của Ngài thật sáng tỏ và gây ấn tượng. Qua tác phẩm này, Ngài đã có một cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp nghiên cứu Phật học.”[31]

Thực ra, nơi đây chúng con đã từng là lưu du học Tăng ở đất Ấn, và cũng không ít thì nhiều hành hương chiêm bái các Thánh địa Phật tích. Nhưng đây không phải là niềm tự hào khi đứng giữa Nalanda lừng danh cả hàng ngàn năm qua và nay, về một bậc chân tu Việt Nam, vị đại học giả lỗi lạc, đã làm rạng rỡ uy danh tại chiếc nôi học thuật Phật giáo cổ thuộc bang Bihar, mà ở đây chính là sự đóng góp vĩ đại của Hòa thượng Thích Minh Châu đối với nền giáo dục Phật giáo Việt Nam.       

4. Hồi quy bổn quốc, giáo dục Tăng Ni

Sau 12 năm du học Phật giáo ở Ấn Độ. Mùa hạ năm 1964, Hòa thượng Thích Minh Châu trở về bổn quốc, nguyện đem ngọn đèn chánh pháp từ quê hương cội rễ đất Ấn, để soi sáng truyền trao cho thế hệ Tăng Ni cũng như cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. Đây là giai đoạn mở ra một định hướng phát triển cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, nhằm tháo gỡ ranh giới giữa cái tên gọi ‘Tiểu thừa’, ‘Đại thừa’.[32]

Cũng trong thời gian này, Hòa thượng cùng nhị vị Đại lão Hòa thượng đạo hiệu Thích Trí Thủ (1909-1984), Hòa thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022), đã thừa lệnh Giáo hội, tạm mượn chùa Pháp Hội (nay tọa lạc ở số 702/105 đường Điện Biên Phủ, phường 10, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) mở trường Cao đẳng Phật học, do Hòa thượng thích Trí Thủ làm Viện trưởng, còn Hòa thượng được Giáo hội cử giữ chức Phó Viện trưởng điều hành học vụ.

Một năm sau (1965), được sự cho phép của Bộ Giáo dục, Trường mở thêm Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn (Văn khoa). Hòa thượng được cử giữ chức Khoa trưởng, sau đó mời Hòa thượng Thích Thiên Ân (1925-1980) đảm trách. Trong thời gian này, cũng tạm mượn chùa Xá Lợi (nay số 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) làm nơi giảng dạy. Đến cuối năm 1965, được đổi tên thành Đại học Vạn Hạnh. Đây là trường Đại học tư thục Phật giáo đầu tiên trực thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo sinh viên Việt Nam tiếp thu nền giáo dục Phật giáo và văn hóa Việt Nam, để cống hiến cho quê hương đất nước và phụng sự đạo pháp mãi trường lưu.

Danh hiệu ‘Vạn Hạnh’ là tên của một vị Thiền sư Việt Nam, ngài là Quốc sư, thầy của vua Lý Công Uẩn thời nhà Lý (1009-1225). Viện đại học này lấy tên Thiền sư Vạn Hạnh để đặt tên cho cơ sở giáo dục Đại học của mình. Với tư cách là Viện trưởng trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh kiêm Khoa trưởng Phân khoa Phật học, nhằm thực hiện con đường giáo dục như đã hoạch định, ngoài việc kiến thiết cơ sở mới tại 222 Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), ngài còn cổ xúy thành lập các khoa: Phật học, Văn học và Nhân văn, Phân khoa Khoa học Xã hội, Phân khoa Khoa học Ứng dụng, Trung tâm Ngôn ngữ. Xây dựng hệ thống thư viện, lập ra Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, xuất bản tạp chí Tư Tưởng, là những thứ cần có của Viện để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học tập của sinh viên lúc bấy giờ.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/04/1975) Bắc-Nam sum họp một nhà, trong buổi đầu thành lập Giáo hội, thực hiện tôn ý của Trưởng lão Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận (1897-1993), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cung cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ – Hà Nội vào năm 1981, (theo Quyết định số 19/QĐ/TGCP ngày 23/6/1997 của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, trường đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) nhằm đào tạo Tăng tài cho đất nước. Đến năm 1984, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II ra đời tại Phật học viện Vạn Hạnh (nay là Thiền viện Vạn Hạnh), cả hai đều do Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.

Có thể nói rằng, sự dấn thân truyền bá chánh pháp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, là những việc làm vô cùng to lớn, ý nghĩa, hiếm khi và có một không hai. Bởi lẽ một đường hướng giáo dục tốt luôn hướng tới mục tiêu thực dụng, đó là: đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Đúng vậy, để minh định cho một nền giáo dục thiêng liêng và nhân cách cho con người, xã hội. Trưởng lão Hòa thượng đã dõng dạc phát biểu về “ý nghĩa ra đời của Viện Đại học Vạn Hạnh” như sau:

“Giáo dục phải đánh thức cá thể giáo dục, gieo ý thức cho cá thể về sự tự do vô biên của tâm linh, của toàn thể khía cạnh đời sống. Giáo dục phải kêu gọi cá thể lên đường, liên tục lên đường và chối bỏ tất cả những nơi nương tựa yếu đuối. Đại học là nơi nuôi dưỡng những cá thể độc lập sáng tạo tự do không sợ hãi, không nô lệ vào địa vị, tiền tài, danh dự và tham vọng, những cá thể ấy không phải là trí thức tháp ngà, mà phải là những kẻ sáng tạo trong toàn diện đời sống, những kẻ phê phán những giá trị thời đại, những kẻ phê phán truyền thống và xã hội, những người sáng tạo ra những giá trị mới để nuôi dưỡng một cuộc hồi sinh toàn diện cho ý thức và tâm thức. Chỉ khi nào ý thức và tâm thức được chuyển hóa toàn diện thì tất cả sự mâu thuẫn nội tâm và sự mâu thuẫn xã hội mới chấm dứt; chiến tranh không còn lý do tồn tại và giáo dục trở thành ánh sáng chiếu trên con đường sinh thành của văn minh nhân loại. Ý nghĩa của Viện Đại học Vạn Hạnh là sự đánh thức mình trên con đường thiêng liêng ấy.”[33]

Sau đó vài năm (1989), Hòa thượng kiến nghị với Giáo hội xin phép Nhà nước cho mở Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nhằm tập trung giới nhân sĩ tri thức nghiên cứu Phật học. Khi Viện Nghiên cứu được thành lập, thì Hòa thượng được mời làm Viện trưởng. Hai năm sau (1991), Hòa thượng thành lập Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam do chính Ngài làm Chủ tịch. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội, và cũng từ đó Đại tạng kinh Việt Nam ra đời.

Vào năm 1997, hệ thống Trường Cao cấp Phật học Việt Nam chính thức đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, viết tắt là HVPGVN tại TP.HCM. (Vietnam Buddhist University, HCM City, viết tắt là VBU). Đây là dấu ấn lớn của nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam. Cho nên, trên mọi phương diện thì Trưởng lão Hòa thượng đã tốn biết bao nhiêu công sức, từ buổi khởi đầu đầy gian nan cực khổ cho đến ngày nay, Học viện Phật giáo Việt Nam luôn dương cao ngọn cờ trí tuệ, với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” hầu đem lại nhiều lợi lạc cho Tăng Ni và cộng đồng Phật tử. Có lần Hòa thượng dạy: “Những gì tôi làm được thì coi như là trách nhiệm và bổn phận của người con Phật thôi. Tôi không trông mong gì cả, chỉ mong quý vị, Tăng Ni Phật tử xa gần, cố gắng thực hành lời Phật dạy và duy trì môi trường văn hóa giáo dục tốt đẹp để quảng bá lời dạy trong sáng và thiết thực của đức Phật đến với mọi người để lợi ích cho đời.”[34]

Ý thức từ những lời dạy đó, giáo dục có thể được hiểu qua nhiều hình thái và môi trường khác nhau, nhưng không ngoài ý nghĩa “pháp học phải luôn đi đôi pháp hành”, thông qua con đường giáo dục Giới học, Định học và Tuệ học, mới làm sáng tỏ khai thông được đạo mạch trường lưu, suối nguồn thiên thu bất diệt, mà ngay nơi tự tánh con người ai cũng có. Do đó, không chỉ mỗi khi lật từng trang sách hành thiền mà ngài đã viết, trong thâm tâm chúng con luôn cảm nhận qua từng hơi thở là Pháp thân hiển hiện mười phương chan hòa. Ngài dạy: Thiền nguyên thủy hay pháp môn niệm hơi thở vô ra đơn giản và thuần nhất, không gây một tác hại cho thân tâm, không sợ bị điên loạn, nổ mắt, đau tâm thần. Trái lại là một phương pháp hiền thiện, điều hòa thân, điều hòa hơi thở, điều hòa tâm, giúp cho người hành thiền được phấn khởi, có sức khỏe, nhờ nếp sống lành mạnh, nhờ tâm tư an lạc nên ngủ ngon giấc, không có ác mộng, thân thể được khỏe mạnh, con mắt được sáng lên. Nhờ tu tập về niệm, trí nhớ được huấn luyện nên nhớ lâu, nhớ nhiều rất lợi cho thiền sinh và có khả năng phát triển trí tuệ rất lớn. Nhờ tu tập về thiền, người hành thiền được thiền lạc, thân tâm thường được hoan hỷ, sảng khoái, phấn khởi, tác động tốt cho sức khỏe thân và tâm. Nhờ tu thiền, người hành thiền có được thiền lực, dồi dào. chí và nghị lực, đối trị được sợ hãi và rụt rè, có sức mạnh để vượt qua những khó khăn và đạt cho được lý tưởng tối thượng.”[35]

Mặc dù, vẫn biết trên đôi vai của Trưởng lão Hòa thượng gánh vác rất nhiều công việc mà Giáo hội tin tưởng giao phó, cũng như Quốc hội thỉnh mời tham gia, nhưng Hòa thượng vẫn luôn tranh thủ dành thời gian, từng giờ từng khắc cho việc dịch thuật kinh điển, trước tác và giảng dạy. Có người hỏi: Hòa thượng giữ nhiều chức vụ quan trọng như thế, còn thì giờ đâu mà dịch kinh điển? Ngài khoan thai trả lời: “Mặc dù cuộc sống của chúng tôi bề bộn công việc điều hành Đại học Vạn Hạnh, nhưng chúng tôi không bỏ giờ tọa thiền vào buổi khuya và 2 giờ dịch kinh sau giờ tọa thiền mỗi ngày. Do vậy, việc phiên dịch kinh của chúng tôi không bị trở ngại hoặc gián đoạn…” Đó là sự thật, là phương pháp làm việc của Hòa thượng. Ở đây, cái hay nhất của ngài là biết cách sắp xếp bố trí thời gian công việc hợp lý, giờ nào việc nấy. Vì vậy, kể từ khi về nước, Hòa thượng đã đầu tư vào công trình phiên dịch kinh điển, và đã lưu lại cho đời năm bộ Nikāya cũng như những tác phẩm quý giá khác. [36] Trong đó, tâm huyết nhất là Trường Bộ Kinh (Dighanikāya), Trung Bộ kinh (Majjhimanikāya), Tương Ưng Bộ kinh (Samyuttanikāya), Tăng Chi Bộ kinh (Anguttaranikāya) và Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikāya). Tất cả những đóng góp trí tuệ này được xem là viên ngọc quý giá nhất trong Đại tạng kinh Việt Nam. 

Thật vậy, khi xem xét cẩn thận về những công trình trí tuệ của trưởng lão Hòa thượng, có vẻ như ngài đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục giảng dạy. Tuy nhiên, từ những quan điểm thực hành hằng ngày mà dường như Hòa thượng đã dành nhiều thời gian có thể, để hành thiền, phiên dịch và trước tác. Nhưng khi đọc các tác phẩm của ngài, có vẻ như Hòa thượng chỉ có thể duy nhất đọc và soạn những bài giảng của mình vậy. Ngang qua đó, chúng ta cảm thấy rằng, kỳ công lớn nhất của Trưởng lão Hòa thượng là đã làm được cả ba điều đó.[37]

Những bài pháp được lưu xuất từ tâm và tuệ giải thoát mà đức Hòa thượng đã từng sách tấn, giảng dạy cho mọi thế hệ Tăng Ni và những ai đã từng diện kiến ngài, nơi đây không làm sao để diễn tả – nói cho hết được. Bởi lẽ, đó là những bài pháp thiết thực, sống động, chân thật mà mỗi người có thể tự cảm nhận, minh định giá trị của Pháp ngữ ấy qua các nghiên cứu cụ thể. Đồng thời, chí nguyện của người học Phật là phải nỗ lực không ngừng, trong việc trao dồi văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, mà chư Phật tổ đã khai thông, Trưởng lão Hòa thượng dày công vun vén, chúng ta là người tiếp nối truyền thừa mạng mạch giáo dục đó. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là “bậc đạo sư quý”, là viên ngọc luôn sáng mãi trong tâm tưởng của hàng hậu học chúng con.

5. Thay lời kết

Từ sâu thẳm vô biên trong tạng thức, khi nghĩ về thời đại Trung cổ, xứ sở Thần Châu xuất hiện bậc Tam tạng pháp sư Huyền Trang (602-664 stl), một mình một ngựa, vượt xa mạc nghìn trùng gió cát, trên đôi vai mang trọng trách sứ giả Như Lai. Trong suốt 17 năm trường (ngài rời Trường An năm 25 tuổi (627) và về lại bổn quốc vào năm 646), ngài Huyền Trang du hành khắp miền đất sông Ấn, tham lễ cầu học với những bậc thầy uyên thâm lỗi lạc. Viện Đại học Nalanda là dấu ấn thiêng liêng gắn liền với bao thế hệ, với những bậc thầy trí tuệ xuất chúng. Có lẽ nghìn năm trước và nay cũng thế, nhìn xa xa phía trước là một cái hồ rất rộng, nước trong xanh và mát rượi. Đứng giữa kỷ niệm đường, đảnh lễ pho tượng của ngài Huyền Trang, chúng con liên tưởng hướng về một bậc thầy tôn kính – Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, người đã 12 năm du học, để đem những tinh hoa trí tuệ cống hiến cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ lịch sử đương đại. Quả thật, dấu ấn lớn nhất mà ngài để lại trong lòng người con Phật, là hình ảnh nhà giáo dục mô phạm tiêu biểu trong thời hiện đại vậy.

Tài liệu tham khảo

Thích Minh Châu, Hành thiền, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.

Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người (Con đường thử thách của văn hóa Việt Nam), Ấn quán Đại học Vạn Hạnh, 1969.

Thích Minh Châu (dịch),Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.

Thích Minh Châu (tác giả), Trần Phương Lan (dịch),Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pāli và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữ Hán, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.

Thích Minh Châu (tác giả), Thích Nữ Trí Hải (dịch), So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.

Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu, Đường về xứ Phật, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 1989.

Thích Minh Châu, Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 1989.

Minh Châu (đồng tác giả), Phật Pháp, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, (tập 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mỹ, Nxb Phương Đông, 2010.

Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Tổng Hợp, 1993.

C. Mauweuse, L’Inde du Bouddha vue par les pellerins chinois sous la dynastie Tang. (Nước Ấn của đức Phật dưới con mắt của các vị hành hương Trung Quốc triều đại nhà Đường), nhà xuất bản Calman Lévy, Paris, 1968.

Phạm Đức Thành Dũng – Vĩnh Cao, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2000.

GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014. 

Vũ Ngọc Khánh, Tìm hiểu nền Giáo dục Việt Nam trước 1945, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1985.

Thích Tâm Minh, A Dục Vương cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Tôn Giáo, 2004.

Satkari Mookerjee, The Nava-Nalanda-Mahavihara Research Publication, (Vol. I), S.C Chose at Calcutta Press: Private Limited, 1957.

Thơ văn Lý-Trần, (Tập 1), 1977.

Thích Quảng Trí, Luận văn tốt nghiệp: Tiến trình hình thành và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam, Huế, 2005.

Thomas Walker  Arnold,  The Preaching of Islam: A History of the Propagation of the Muslim Faith, Kessinger Publishing, 2010.


Chú thích

[1] Phan Bội Châu (1867-1940), Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), Lê Hồng Sơn (1899-1933), Tổng bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942), Hồ Tùng Mậu (1896-1951), Phan Đăng Lưu (1901-1941)…

[2] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, (tập 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 63.

[3] “Danh gia vọng tộc” là những gia đình, dòng họ có tiếng thơm về tài đức trí tuệ, được xã hội trọng vọng kính mến.

[4] Xem GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 14. 

[5] Xem thêm sđd, tr. 14.

[6] Xem thêm Thơ văn Lý-Trần, (Tập 1), 1977, tr.141. https://www.vi.wikipedia.org› wiki › Đinh Văn Chấp.

[7] Xem GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 14. 

[8] Xem Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Tổng Hợp, 1993, các tr. 387-388.

[9] Xem Phạm Đức Thành Dũng – Vĩnh Cao, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2000, các tr. 329-330.

[10] Xem thêm https://www.vi.wikipedia.org› wiki › Đinh Văn Phác.

[11] Xem GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 26. 

[12] Xem Sđd, tr. 15. 

[13] Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao đẳng tiểu học còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung học tức bậc tú tài. Các trường dạy bậc Cao đẳng tiểu học được gọi là Collège. Xem thêm Vũ Ngọc Khánh, Tìm hiểu nền Giáo dục Việt Nam trước 1945, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1985.

[14] Xem thêm GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 14. 

[15] Xem thêm Thích Quảng Trí, Luận văn tốt nghiệp: Tiến trình hình thành và phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam, Huế, 2005.

[16] Xem Minh Châu (đồng tác giả), Phật Pháp, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

[17] Xem GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 299. 

[18] Sđd, tr. 301.

[19] Xem thêm Thích Tâm Minh, A Dục Vương cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Tôn Giáo, 2004.

[20] Thời đó có các vị học giả, tu sĩ lỗi lạc như: HT. Ananda Metteyya (1872-1923), F. Max Muller (1823-1900), Bhikkhu Silacara (1871-1951), HT. Ernest Hunt (1876-1967), HT. Sangharakshita (1925-?), Bhikkhu Bodhi (1944-nay), v.v… Xem thêm Thích Trí Chơn, Các học giả Anh quốc và Phật giáo Âu Mỹ, Nxb Phương Đông, 2010.

[21] “Pāli text society” được thành lập vào năm 1881, bởi Thomas William Rhys Davids (1843-1922).

[22] Các vị pháp hữu đồng học với HT. Thích Minh Châu lúc bấy giờ như cố Giáo sư Trần Quang Thuận, pháp danh Tâm Đức, pháp tự Trí Không (1930-2017), Bhikkhu Bodhi (1944-nay).

[23] Sadhammacariyā (Pháp sư), chương trình gồm năm lớp: Mu-la-dan (lớp vỡ lòng), A-nge-de (lớp tiểu học), A-let-dan (lớp trung học), A-kyi-dan (lớp cao học) và Dhammacariyā-dan (lớp Pháp sư) là cấp độ khó nhất của 3 môn học: Pārajikapāḷi + Aṭṭhakathā, Sīlakkhanpāḷi + Aṭṭhakathā và Dhammasaṅghaṇīpāḷi + Aṭṭhakathā. Dù chỉ học ba môn, nhưng rất hiếm người thi đậu trong ba năm, thường thì phải mất 5, 6 hoặc 7 năm mới hoàn tất (ở đây chưa nói đến những vị có trí tuệ đặc biệt). Bằng Dhammacariyā, trường Đại học Sri Lanka sẵn sàng chấp nhận vị ấy học chương trình Thạc sĩ (M.A) hoặc Tiến sĩ (Ph. D).

[24] Xem Thích Minh Châu, Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 1989.

[25] Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu, Đường về xứ Phật, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, 1989. Xem thêm bản dịch của học giả C. Mauweuse trong quyển: L’Inde du Bouddha vue par les pellerins chinois sous la dynastie Tang. (Nước Ấn của đức Phật dưới con mắt của các vị hành hương Trung Quốc triều đại nhà Đường), nhà xuất bản Calman Lévy, Paris, 1968.

[26] Xem thêm Thomas Walker  Arnold,  The Preaching of Islam: A History of the Propagation of the Muslim Faith, Kessinger Publishing, 2010.

[27] Thích Minh Châu (tác giả), Thích Nữ Trí Hải (dịch), So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998, các tr.15-17.

[28] Xem thêm Satkari Mookerjee, The Nava-Nalanda-Mahavihara Research Publication, (Vol. I), S.C Chose at Calcutta Press: Private Limited, 1957.

[29] GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 125. 

[30] Thích Minh Châu (tác giả), Trần Phương Lan (dịch),Nghiên cứu đối chiếu Kinh Milinda vấn đạo chữ Pāli và Kinh Na-tiên Tỷ kheo chữ Hán, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 104.

[31] Sđd, tr. 14.

[32] Xem thêm Thích Minh Châu (dịch),Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, các tr. 6-8.

[33] Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người (Con đường thử thách của văn hóa Việt Nam), Ấn quán Đại học Vạn Hạnh, 1969, các tr. 19-20.

[34] GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 356. 

[35] Thích Minh Châu, Hành thiền, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr. 76.

[36] Xem thêm GHPGVN (biên soạn), Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nxb Hồng Đức, 2014, các tr. 19-20. 

[37] Ba điểm trọng yếu trong cuộc đời và sự nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: 1- Công tác Giáo dục và Hoằng pháp. 2- Lãnh đạo Giáo hội và 3- Tham gia Quốc hội.

Nghiên Cứu