Bài 1: Giới Thiệu Tổng Quan Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo (Milinda Vấn Đạo)
I. Sơ lược về địa lý, lịch sử của Ấn độ
Ấn độ, tên chính thức là “Cộng hòa Ấn-độ”, tiếng Hindi: Bhārat Gaṇarājya (भारत गणराज्य); Anh ngữ: Republic of India, còn các tên gọi khác như: Tiểu lục địa Ấn-độ, tiểu lục địa Nam Á (bởi vì nằm ở phía nam của Châu Á, nên gọi là Nam Á). Đây là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích[1] và đông dân thứ nhì[2] trên thế giới với hơn 1,33 tỷ người.
– Về vị trí địa lý: Nằm ở vùng Nam Á, tiếp giáp biển Ả Rập và vịnh Bengan, nằm giữa Pakistan và Myanmar[3] (Burman, Miến điện); phía Bắc giáp Trung Quốc, Nepan và Bhutan (là Đất nước nổi tiếng với tên gọi “Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới”, về điều kiện sống, vật chất và tinh thần); phía Đông – Bắc giáp Myanmar và Bangladesh; phía Tây – Bắc giáp Pakistan và Afghanistan (A-phú-hãn); phía Tây, Đông và Nam là Ấn-độ Dương bao bọc.
– Về khí hậu: Ấn-độ có 3 mùa rõ rệt, đó là: mùa nóng (từ tháng 3-6); mùa mưa (từ tháng 7-10) và mùa đông (từ tháng 11 – 2).
– Về ngôn ngữ: Tiếng Anh là ngôn ngữ trao đổi thông tin giao dịch thương mại. Tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức làm việc của Nhà nước liên bang, có khoảng 45% dân số sử dụng. Ngoài ra, còn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác.[4]
– Về tôn giáo: Ấn-độ giáo (còn gọi Hindu giáo, chiếm 80,5% dân số), Hồi giáo (chiếm 13,4%), Thiên chúa giáo (chiếm 2,3% ), Đạo Sikh (chiếm 1,9%); Phật giáo (0,7%), các tôn giáo khác chiếm khoảng 1,1%.
– Tổ chức nhà nước, gọi là Cộng hòa Ấn-độ hay Cộng hòa liên bang. Gồm 29 bang (bang Andhra Pradesh, Arunachal Pradesh, Assam, Bihar, Chhattisgarh, Goa, Gujarat, Haryana, Himachal Pradesh, Jammu và Kashmir (vùng này liên quan đến cuộc vấn đáp giữa vua Milinda và Tỳ kheo Na-tiên. Kashmir cách thành Xá-kiệt (Sagala) (bây giờ là Sialkot ở Punjab) khoảng 144 km), Jharkhand, Karnataka, Kerala, Madhya Pradesh, Maharashtra, Manipur, Meghalaya, Mizoram, Nagaland, Odisha, Punjab, Rajasthan, Sikkim, Tamil Nadu, Telangana, Tripura, Uttar Pradesh, Uttarakhand, Tây Bengal) và 7 lãnh thổ liên bang (Quần đảo Andaman và Nicobar, Chandigarh, Dadra và Nagar Haveli, Daman và Diu, Lakshadweep, Delhi, Pondicherry ).

– Lịch sử: Ấn-độ trải qua nhiều biến cố. Hồi giáo du nhập vào Ấn-độ vào đầu thế kỷ thứ VIII, xâm lấn từ Trung Á giữa thế kỷ thứ X-XV. Cuối thế kỷ XV, Bồ Đào Nha bắt đầu xâm lược Ấn-độ. Từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, Ấn-độ bị người Mô-gun (gốc Mông Cổ) thống trị. Từ năm 1746 đến năm 1763, Ấn-độ là nơi tranh chấp giữa Anh và Pháp. Tới năm 1856, đa phần Ấn-độ thuộc quyền kiểm soát (control) của Công ty Đông Ấn, Anh Quốc, thủ đô tại Calcutta (nay là Kolkata, là 1 trong 3 thành phố lớn của Ấn-độ Mumbai (Bombay), bang Maharastra, 20.426.991 dân; Delhi, bang Delhi, 18.031.488 dân; và Kolkata, bang Tây Bengal, 14.911.823 dân)). Một năm sau (1857), những cuộc nổi dậy quân sự diễn ra khắp nơi, người Ấn-độ gọi đó là Chiến tranh giành độc lập lần thứ nhất, cuộc nổi dậy không thành công đe dọa nghiêm trọng quyền cai trị của người Anh, vì thế Ấn-độ bị Đế chế Anh trực tiếp quản lý.
Đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra do Quốc hội quốc gia Ấn-độ tiến hành dưới sự lãnh đạo của những người Ấn-độ như Bal Gangadhar Tilak (1856-1920), Mahatma Gandhi (1868-1948), Sardar Vallabhbhai Patel (1875-1950) và Jawaharlal Nehru (1889-1964). Hàng triệu người chống đối đã tham gia vào những chiến dịch bất tuân dân sự. Gandhi dẫn dắt người dân Ấn-độ vào cuộc nổi dậy toàn quốc năm 1942 yêu cầu nước Anh “rời khỏi Ấn-độ”. Ấn-độ giành lại chủ quyền độc lập vào ngày 15/08/1947. Nhưng Anh đã chia Ấn-độ thành hai nước: Ấn-độ (chủ yếu bao gồm những người theo đạo Hindu) và Pakistan (chủ yếu bao gồm những người theo đạo Hồi); đồng thời tạo ra vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn-độ và Pakistan. Ngày 26/01/1950, Ấn-độ tuyên bố là nước cộng hòa.
II. Bối cảnh lịch sử Kinh Na tiên Tỳ-kheo
Nước Śāgala (S. Śākala; C. 舍竭, 奢羯羅 ) nay là Sialkot[5] (Tích-á-nhĩ-khoa-đặc, 錫亞爾科特).
Xa-yết-la (奢羯羅) là kinh đô cổ của vua Di-lan-đà (彌蘭陀, Milinda) vào thế kỷ II Tr.TL. Khoảng năm 327 Tr.TL, thành phố nầy được biết với tên Sagala. Sákala hay Sagala là một thành phố và là thủ đô của triều vua Menander I (Milinda), người Hy-lạp xâm nhập Ấn-độ, gây ảnh hưởng lớn ở vùng Punjab, khiến Ấn-độ chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp. Nghệ thuật kiến trúc, tạo hình tượng Phật…
Vua Menander I (Milinda) có ý tưởng quan tâm đến Phật giáo. Tỳ-kheo Na Tiên (那先, Nāgasena) luận đạo với vua chỉ trong một đêm, vua kính phục và sau đó phát tâm quy y Phật.

Có một điều chúng ta cần biết thêm, khi Bồ-tát Thế Thân (S. Vasubandhu; C. 世親) nhập diệt thì Sakala bị họa Hung Nô. Hung Nô đi đến đâu thì làm nghiêng ngả thành trì đến đó, chúng chiếm Sakala làm thủ đô, từ đó đánh chiếm các vùng lân cận. Với tài dùng binh bách chiến bách thắng của quân Hung Nô và không có chút thiện cảm nào với Phật giáo cả, nên đã hủy hoại chùa tháp và tàn sát tăng chúng rất nhiều. Đầu thế kỷ thứ VI S.TL, Hung Nô đã tàn phá gần hết Ấn-độ, mãi đến năm 530 mới bị đánh đuổi ra khỏi miền Hằng hà. Khi ngài Huyền Trang (602-664) đến đây thì xứ nầy vừa thoát nạn, nên Ngài được nghe kể rõ ràng, và Ngài đã thấy chùa tháp bị hư hoại rất nhiều.
Thông thường chúng ta ai cũng nghĩ: đạo Phật chỉ mới được truyền sang Tây phương trong các thế kỷ gần đây mà thôi, nhưng có một điều quên rằng, trong nhiều thế kỷ trước Tây lịch (Tr.TL) Phật giáo đã thấm nhuần vùng Tiểu Á[6] và Tây – Bắc Ấn, rồi ảnh hưởng trên cả nền triết học Hy-lạp và giáo lý của vài tôn giáo lớn có nguồn gốc Tây phương.
Phật tử Việt Nam chúng ta vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm giáo pháp truyền từ Trung Quốc,[7] nên ít biết đến sự giao hòa của hai nền văn hóa Hy-lạp và Phật giáo khởi đầu rất sớm ở vùng đất nầy.
Ngay cả khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, vùng đất xa xôi nầy đã tiếp xúc với Phật giáo rồi. Trong một bộ kinh của Thượng tọa bộ (Theravada) có ghi câu chuyện của hai thương nhân, tên Tapassu và Bhallika từ xứ Bactria[8] tìm đến viếng đức Phật và đã trở thành đệ tử. Lúc về xứ họ đã xây dựng nhiều đền đài thờ Phật.[9]
Khi Alexander (A-Lịch-Sơn đại đế) xâm chiếm Bactria[10] vào 329-327 Tr.TL (cùng khoảng với thời chiến quốc bên Tàu: 403-221 Tr.TL), thì vùng nầy đã thuần Phật giáo. Đến thời của hoàng đế Asoka Maurya (từ 269 – 232 Tr.TL), biên cương của Ấn-độ được mở rộng bao gồm luôn vùng Gandhara nhờ đuổi được quân Hy-lạp lui về bên kia dãy núi Hindu-Kush. Ông cũng đã gởi nhiều đoàn truyền giáo ra hải ngoại để truyền bá Phật pháp.[11] Do đó, Phật giáo đã được lan tràn mạnh mẽ hơn. Chính từ những hạt giống Phật giáo do hoàng đế Asoka gieo ở vùng nầy dần lớn mạnh và đã để lại ảnh hưởng khá sâu đậm trong vùng Tây-Bắc Ấn, và còn lưu mãi đến ngày nay, như ảnh tượng đức Phật theo mỹ thuật Hy-lạp, những ý niệm manh nha của Phật giáo Đại thừa phát sinh từ những trung tâm văn hóa Phật giáo có một thời rất vàng son, và một bộ kinh không kém phần quan trọng, đó là bộ “Milinda- Pañha” (E. Questions of Milinda) đã được Việt dịch là “Di-lan-đà vấn kinh” hay dưới nhiều tên gọi tương tự như “Milinda vấn đạo” (P. Milinda-Pañha hay Milindo-Pañho), “Na Tiên Tỳ kheo kinh” (S. Nāgasenabhiksu-sūtra).
III. Ảnh hưởng của Vua A-dục a(Asoka, 269-232 Tr.TL) đối với Vua Di-lan-đà (Milinda, 165-130 Tr.TL)
A-dục vương (阿育王) hay vua A-dục (Asoka, 269-232 Tr.TL) là con trai của vua Bindusara (320-273 Tr.Tl), mà vua Bindusara là con của Chandragupta (340-297 Tr.TL), người đã thành lập đế chế Maurya. Như vậy vua A-dục là cháu nội của Chandragupta.
Sau khi vua Bindusara băng hà, trong vòng 4 năm có sự tranh dành ngôi giữa thái tử Tissa đang làm phó vương ở Ujjeni[12] phía Nam và hoàng tử Asoka làm phó vương ở Taxila.[13] Sau khi thái tử Tissa bị giết trong trận chiến và Asoka lên ngôi hoàng đế vào năm 269 Tr.TL, cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Bengal đến Afghanistan, oai hùng nhất trong lịch sử Ấn-độ. Trong trận chiến đẫm máu nước Kalinga[14] (bang Orissa ngày nay), 8 năm sau khi lên ngôi, vua Asoka mới hối hận và thành tâm quy y Phật giáo, đã dốc lòng ủng hộ và truyền bá đạo Phật ra khắp nơi. Ông cũng đã gởi nhiều đoàn truyền giáo ra hải ngoại, trong số đó có đại sư Dharmaraksita (về sau là thầy của Tỳ-kheo Nagasena) hoạt động rất tích cực ở vùng tiểu Á.
Hơn nữa, vua Asoka có một mối quan hệ đặc biệt với vùng tây bắc Ấn, bởi ông đã từng làm phó vương ở đấy, và đóng dinh tại Taxila (thuộc Pakistan ngày nay), mà Taxila lúc bấy giờ đã là một trung tâm danh tiếng về thương mãi, triết học và thần học, đặc biệt là Ấn giáo và Phật giáo. Nhiều tư tưởng gia nổi danh đương thời đã lui tới tầm đạo, và ông đã từng gọi thần dân gốc Hy-lạp ở vùng ông cai trị là Yavanas (là tên của một bộ tộc). Đến khi ông trở thành hoàng đế và ủng hộ Phật giáo thì vùng nầy trở thành một trung tâm Phật giáo rộng lớn.
Ngày nay, người ta biết đến rất nhiều pháp dụ khắc bằng đá do ông sai người dựng lên khắp nước;[15] trong số đó những bia ký ở thung lũng Kabul[16] được ghi bằng tiếng Hy-lạp và Aramaic,[17] và nội dung còn cho biết là ông đã cho truyền bá chánh pháp đến các nước Ai-cập, Syria (Cộng hòa Ả Rập), Macedonia (Hy-lạp), Greece (Hellas và tên chính thức là Cộng hòa Hellenic là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu), Cyprus (Cộng hòa Síp là một quốc đảo ở phía đông biển Địa Trung Hải), Bactria, Kashmir, Gandhara, Himalayas, Sindh (Gujarat) v.v…
Sau khi Asoka băng hà vào năm 227 Tr.TL, triều đại Khổng Tước(Maurya) bắt đầu tan rã, cùng với lý tưởng tâm nguyện của ông là Dharmarajya (thuận trị theo Chánh Pháp = pháp trị), mặc dù các con của ông cố gắng giữ ngôi vị thêm khoảng nửa thế kỷ nữa.
Năm 185 Tr.TL, vị vua cuối của triều đại Maurya là Brihadratha (187 – 180 Tr.TL), bị tướng Pusyamitra Sunga[18] truất phế (tức là ám sát) và lập ra triều đại Sunga (185-78 ttl). Vua Pusyamitra Sunga liền thi hành chính sách ủng hộ Ấn giáo[19] (Hindu giáo) và tàn hại Phật giáo (anti-Buddhism). Vì thế, kể từ năm 180 Tr.TL các vua xứ Bactria, từ vua Demetrios I (200-171 Tr.TL), Demetrios II (161-125 Tr.TL) đến vua Menander (tức vua Di-lan-đà hay Mi-lan-đà, 165-130 Tr.TL) vốn tôn sùng Phật giáo đã liên tục xâm lăng Ấn-độ, mệnh danh là để giải cứu Phật giáo.
IV. Vua Di-lan-đà, Menander hay Menandros (165-130 Tr.TL)
Vua Di-lan-đà người gốc Hy-lạp (Greece). Khi vua Di-lan-đà (P. Milinda; E. Menander) lên kế vị, ông dời đô về Sagala[20] (Xá-kiệt) và ngưng cuộc vây hãm Pataliputra (Hoa thị thành).[21] Khi rút quân về lại Sagala, ông mang về lý tưởng thuận trị theo Chánh Pháp (S. Dharmaraja) của vua Asoka. Nhờ vậy Phật pháp lại được tiếp tục truyền bá mạnh đến cố đô Taxila[22] rồi vùng Trung Á và còn xa hơn nữa. Ông trị vì được 35 năm, nhưng sau khi ông băng hà thì vương quốc rộng lớn của ông bắt đầu bị chia xẻ thành nhiều tiểu quốc.
Xá-kiệt (Sagala) (ngày nay là Sialkot ở Punjab), kinh đô mới của nước Bactria, nơi có cuộc đàm đạo giữa vua Menander và Tỳ-kheo Nagasena tại chùa Sankheyya, mà Sagala là một vùng rất phì nhiêu, nằm giữa hai con sông Chenab và Ravi gần biên giới của Kashmir, mà trong bộ kinh Mi tiên vấn đáp (Milinda Panha) được ghi là cách Kashmir 12 do tuần (yojanas).[23]
Vua Menander trị vì khoảng từ 165 – 130 Tr.TL, là vị vua vĩ đại trong những vua Hy-Ấn (Indo-Greek), đã cai trị một vùng rộng lớn ở tây bắc Ấn, được gọi là vương quốc Bactria thuộc bán lục địa Ấn, chạy dài hướng tây đông từ thung lũng Kābul [24] đến sông Ravi[25], hướng bắc nam từ thung lũng Swat (Pakistan ngày nay) đến Arachosia (thuộc Afghanistan ngày nay), và vịnh Arab (Vịnh Ả Rập).
Vua Menander đã được thần dân ngưỡng mộ vì tư cách đạo đức, có tài điều binh khiển tướng, cách trị quốc công minh, lối đối xử bình đẳng với các truyền thống Hy-lạp, Phật giáo, Ấn giáo (Hindu giáo) và Bái Hỏa giáo[26] (đạo thờ lửa), làm cho nước mạnh dân giàu. Ông còn được mọi người kính trọng xem như là Vua Công Chính (Dharmaraja). Khi về già ông lại thường hay chú trọng đến việc thảo luận về triết và thần học. Ông hay tranh biện với những tư tưởng gia của nhiều đạo phái khác nhau[27] và thường làm cho họ sửng sốt (nể phục) về những sự hiểu biết rất thâm sâu của ông. Trong một cuộc gặp mặt như thế với Tỳ-kheo Nagasena, vua Menander đã bái phục và xin quy y theo Phật giáo. Ông đã cho xây một tăng viện (Sangha-vihara) lớn cho Nagasena tại kinh đô Sagala gọi là Milindavihara. Sau đó, ông đã nhiệt tâm hỗ trợ Phật giáo (gọi là hộ pháp – dharmapala đắc lực cho Phật giáo).
Bộ sưu tập cổ vật của Mir Zakah[28] gồm 521 đồng tiền dưới triều Menander đã được công bố gần đây, điều đó chứng tỏ rằng về triều đại lâu dài của ông và sự buôn bán thương mại phát triển thịnh vượng trong nước.
Nhiều đồng tiền đào xới được trong vùng từ Afghanistan đến trung Ấn dưới triều Menander đều có khắc hình ông qua nhiều thời kỳ, lúc trẻ và lúc già cùng với bánh xe pháp.
Những đồng tiền khác với chân dung của vua Menander mang dòng chữ “Vua cứu độ Menander” bằng chữ Hy-lạp “ΒΑΣΙΛΕΩΣ ΣΩΤΗΡΟΣ ΜΕΝΑΝΔΡΟΥ” Basileos Sothros Menandroy ở một mặt, và mặt kia mang dòng Maharajasa Dharmika Menandrasa “Vua vĩ đại Menander truyền bá Phật giáo” bằng chữ Prakrit[29] và Kharoshthi[30].

Theo văn học truyền thống của Phật giáo, ông đã nhường ngôi cho con để lui về ở ẩn trong một tăng viện (sangha-vihara), nhưng nhà tiểu sử học tên là Plutarch (46-119 S.TL) đã ghi là ông chết trên chiến trường trong cuộc viễn chinh tái chiếm Bactria bất thành khoảng 130 Tr.TL. Plutarch đã viết về vua Menander như sau: “Ông là một vị vua nổi danh rất chính trực và được lòng dân đến độ khi ông mất ở trận tiền (nơi chiến trận), nhiều thành phố đã tranh nhau tro cốt của ông; sau cùng đã đồng ý chia đều để mang về tôn thờ trong các ngôi tháp lớn”. [31]
V. Tỳ-kheo Na tiên
+ Tỳ kheo hay Tỷ kheo (比丘) còn gọi là Bí Sô (苾芻) (S. Bhikṣu; P. Bhikkhu; T. dGe-slong, དགེ་སློང།), Trung hoa dịch là Khất sĩ (乞士) “người khất thực”. Có 3 nghĩa: khất sĩ (乞士), phá ác (破惡), bố ma (怖魔).
+ Na tiên, 那先hay còn được gọi là Na-già-tê-na là một vị Tỳ-kheo Phật giáo đến từ vùng Kashmir và sống vào khoảng những năm 150 Tr.TL. Ngài được tôn làm Khoái-nhĩ-la-hán (挖耳羅漢)[32] là một trong thập bát La hán của Phật giáo Đại thừa.
Trong tiếng Phạn, Nāgasena được ghép bởi hai từ “naga” và “sena”. Từ “naga” có nghĩa là rắn hổ mang, rắn, hay con rồng.[33] Trong đó, “na” có nghĩa là Voi (elephant), vừa có nghĩa là Rắn (snake). Bản dịch tiếng Hán có nơi ghi là Long – quân và “sena” có nghĩa là quân đội. Do đó, tên của ngài có thể được dịch là “Quân đội của Nāga” hay “Đội quân rồng”, “đoàn quân rồng”, “đoàn binh voi”, nghĩa là một sự hiện diện siêu nhiên rất mạnh mẽ.
Tư liệu hiện lưu truyền về tiểu sử của ngài Nagasena đã ít lại rất mơ hồ, thậm chí còn có khi mâu thuẫn với nhau nữa. Có rất nhiều lý do để chúng ta giải thích việc này.
Thứ nhất: có thể vì truyền thống Phật giáo không coi trọng bản ngã và danh vọng nên đã không lưu lại nhiều chi tiết.
Thứ hai: đối với các nhân vật tôn giáo nổi danh ở vào thời đại của ngài Nagasena, câu chuyện thật nhiều khi được thần bí hóa bởi tín đồ để thành huyền thoại.
Thứ ba: cũng vào thời đại đó, sử liệu chỉ được chú trọng vào các nhà vua, và đã được lưu truyền nhờ vào những dấu tích xây dựng lâu dài của họ, (có nghĩa là dựa vào những dấu tích thông qua các bảo tháp, đền thờ… của họ để biết (truy nguyên) về nguồn gốc của ngài Nagasena).
Thứ tư: các dữ kiện nếu có về Tỳ-kheo Nagasena có thể đã bị tiêu hủy bởi những biến động về chính trị và tôn giáo đối kháng trong vùng, và những điều kiện khách quan khác nữa v.v…
Có quan điểm cho rằng, cùng thời với vua Di-lan-đà (Milinda) không thấy có ghi vị Tỳ-kheo đắc đạo nào tên là Na tiên (Nagasena) cả. Họ ức đoán rằng: có lẽ Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna), vị thánh tăng xuất hiện sau hơn hai thế kỷ, vì muốn soạn một quyển kinh bằng thể vấn đáp để dễ truyền bá Phật pháp, nên nhân có vua Di-lan-đà là người gốc Hy-lạp quy y theo Phật giáo và cai trị vùng Tây bắc Ấn-độ, bao trùm cả lãnh thổ Ba Tư (Persia) và A-phú-hãn (Afghānistān) trong thế kỷ II Tr.TL, ngài Long thọ bèn sáng chế ra tên “Nagasena”, mà cách phát âm na ná giống tên “Nagarjuna” để gửi gấm những ý tưởng tâm tư của riêng mình vào trong đó. Giả thuyết này từng được soạn giả Đoàn Trung Còn ghi lại trong bài tựa của “Na Tiên Tỳ Kheo Kinh” do ông phiên dịch.[34]
Theo tài liệu về Phật học sử, do các sử gia kê cứu thì Bồ-tát Long Thọ, xuất hiện vào đầu hoặc giữa thế kỷ II S.TL, mà kinh Milinda-panhà bằng tiếng Pāli thì đã từng được lưu hành trong khoảng thế kỷ đầu của Tây lịch. Như vậy, giả thuyết trên khó có thể chấp nhận được. Hơn nữa, truyền thống của Nam Tông (Theravada) theo văn hệ Pāli ít có thiện cảm với tư tưởng của ngài Long Thọ (vì ngài Long thọ đại diện cho tư tưởng Đại thừa, Mahāyāna), và những gì có nguồn gốc từ ngài Long Thọ đều bị truyền thống ấy gạt ra ngoài, không bao giờ nhắc nhở đến. Như thế, nếu Kinh Na tiên Tỳ-kheo là tác phẩm của ngài Long Thọ, thì e rằng các nhà Nam Tông dễ gì chịu kết tập lại, như họ đã từng không chịu chấp nhận các tác phẩm lừng danh trong học giới của vị Bồ-tát gọi là “Đệ Nhị Thích Ca” nầy như: Trung Quán luận, Thập Nhị Môn Quán, Đại Trí Độ Luậnv.v…
Do đó, chúng ta chỉ có thể chấp nhận giả thuyết về ngài Na tiên Tỳ-kheo là một người có thật trong lịch sử.
Theo bộ kinh Milinda-panha thì Ngài sinh tại làng Casangala (Kajangala), dưới chân Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya) ở vùng Tây bắc Ấn-độ, trong một gia đình Bà La Môn (S & P. Brāhmaṇa; C. 婆羅門).
Thân phụ tên là: Soñuttara.
Sư phụ (người thầy) là: Dại sư Dharmarakshita.
Ở đây có một điểm nghi vấn về đại sư Dharmaraksita thời vua Aśoka và đại sư Dharmaraksita thầy của Nagasena, có thể là hai vị khác nhau cùng pháp danh, bởi vì từ thời vua Aśoka (269-232 Tr.TL) cho đến vua Menander (165-130 Tr.TL) cách nhau hơn 100 năm. Chính đại sư Dharmaraksita đã từng được đại đế Aśoka phái đi truyền đạo ở Aparanta phía Tây nước Ấn-độ. Có một vị thầy khác là đại sư Āyupāla của tăng viện Sankheyya gần Sāgala. Khi vua Menander đến vấn kinh (tức là hỏi đạo) thì ngài đang trụ trì tại tăng viện Sankheyya có đến 80 ngàn Tỳ-kheo lưu trú,[35] nhưng Bản dịch của Cao Hữu Đính ghi chỉ có 80 Tỳ kheo[36] (nếu quả thật đúng như con số 80 ngàn người. Theo chúng tôi nghĩ, con số 80 người nầy được tuyển chọn ra để đại diện trong 80 ngàn Tỳ-kheo, và những vị nầy có trí tuệ uyên bác thâm sâu để tham dự trong cuộc đàm đạo giữa vua Di-lan-đà và Tỳ-kheo Na tiên).
VI. Một vài điểm đáng chú ý trong bản dịch tiếng Hán
a. Về niên đại
KinhNa Tiên Tỳ-kheo tuy mang tên là kinh, nhưng thật sự là một bản luận. Vì thế, Đại tạng kinh Đại chánh tân tu (ĐTK/ĐCTT) đã sắp vào Tạng Luận, thuộc bộ Luận tập, bộ thứ năm, bộ sau cùng của Tạng Luận, gồm toàn tập 32, từ số hiệu 1.628 đến số hiệu 1.692, tập hợp toàn bộ các luận, luận thích, các kinh nhưng nội dung là luận.
Kinh Na Tiên Tỳ-kheo hiện có hai bản Hán dịch, đều mang số hiệu 1.670:
N0 1.670: Bản A. Gồm 2 quyển (Q. Thượng, Hạ): ĐTK/ĐCTT, tập 32, từ tr.694 đến tr.703C.
N0 1.670: Bản B. Gồm 3 quyển (Q. Thượng, Trung, Hạ): ĐTK/ĐCTT, tập 32, từ tr.703C đến tr.719A.
Nơi phần người Hán dịch cả hai bản A, B đều ghi: Mất tên người Hán dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn (317-420 S.TL) (Thất dịch nhân danh. Phụ Đông Tấn lục/失譯人名附東晉錄).
Hoàn cảnh ra đời của bản kinh Na Tiên Tỳ-kheo vào thế kỷ thứ II Tr.TL, nhưng mãi thế kỷ thứ I Tr.TL mới được hình thành biên soạn hoàn chỉnh bằng tiếng Phạn (Sanskrit) ở miền bắc Ấn-độ, có một điều đáng tiếc là tác giả là ai? hiện còn chưa được các học giả về Phật học trên thế giới xác định rõ.
Thời gian diễn ra cuộc đàm luận giữa Vua Milinda và Tỳ-kheo Nàgasena khoảng 500 năm sau ngày đức Phật nhập Niết-bàn (S. Parinirvāṇa; P. Parinibbàna; C. 涅槃).
Ngôn ngữ được sử dụng trong cuộc đàm đạo giữa vua Milinda và Tỳ-kheo Na tiên, dùng ngôn ngữ nào lúc bấy giờ? Theo chúng tôi nghĩ, sử dụng ngôn ngữ Hy-lạp Bactria, nhưng sau đó được dịch sang Pāli ngữ và Phạn ngữ. Bởi vì vua Milinda sinh trưởng gốc người Hy-lạp. Còn Na tiên thì sao? cũng không ngoại lệ, mặc dù là người tây bắc Ấn, nhưng giữa Hy lạp và Ấn-độ có sự giao thương với nhau, nên việc trao đổi ngôn ngữ cũng không có gì khó khăn.
Ngày nay bản kinh nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như: Anh, Đức, Nhật, Pháp, Việt, Thái v.v… “Kinh Na-tiên Tỳ kheo” hay “Kinh Mi Tiên vấn đáp” được xem như là tư tưởng chung hợp nhất của các bộ phái Phật giáo, chứ không thuộc riêng của bất kỳ bộ phái nào.
b. Danh tự của “Kinh”
Bản kinh với tên gọi Pāli là “Milindapañhapāḷi” là một tác phẩm có giá trị trong nền văn học Phật giáo Theravāda. ‘Milinda’ là tên của một vị vua, còn từ ‘pañha’ có nghĩa là “câu hỏi” (question). Như vậy, tựa đề Milindapañhapāḷi được dịch sát nghĩa sang Việt ngữ sẽ là: “những câu hỏi của Milinda” hay “Milinda Vấn Đạo”.
Khi dịch sang Hán ngữ (tiếng Trung Quốc) lấy tên kinh là: “Na Tiên Tỳ-kheo kinh” (S. Nāgasenabhiksusūtra). Tức là lấy tên của Tỳ-kheo Na tiên làm chủ đạo, còn dịch sang Pāli lấy tên kinh là “Kinh Mi Tiên vấn đáp” (P. Milinda-Pañha hay Milindo-Pañho), tức là lấy tên của Vua Mi Tiên làm chủ đạo.
c. Ý nghĩa chữ kinh
– Chữ “kinh” (S. Sūtra; P. Sutta; C. 經; E. String, thread = sợi dây). Kinh: nghĩa đen là sợi tơ thẳng, xuyên suốt. Sách Phật gọi là kinh, vì chúng có tác dụng xuyên suốt lời dạy của Phật, giữ vững không để mất đạo lý của Phật dạy, trên phù hợp với đạo lý, dưới phù hợp với trình độ căn cơ của người nghe, thường gọi là khế kinh.
Kinh có sáu nghĩa: (1) pháp bổn, là chân lý, là sự thật không thay đổi được (2) vi phát hay xuất sanh, luôn luôn lưu xuất ra ánh sáng hào quang trí tuệ, công đức, phước báu (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị.
– Thông thường ‘Kinh’ là do đức Phật thuyết ra bao gồm 6 yếu tố thành tựu, gọi là “lục chủng thành tựu” (1. Tín thành tựu; 2. Văn thành tựu; 3. Thời thành tựu; 4 Chủ thành tựu; 5. Xứ thành tựu; 6. Chúng thành tựu).
Bộ kinh nầy được bắt đầu bằng dòng chữ (P) “Taṃ yathānusūyate”[37] (Thus has it been handed down – được truyền lại như sau), chứ không theo lối kinh gốc Pāli thông thường được khởi đầu bằng (P) “Evam me sutam” (Như thị ngã văn, 如是我聞; Thus have I heard, tôi nghe như vầy).
Trong văn học Pāli, bản “kinh Milinda vấn đạo” được Phật giáo Miến điện đánh giá rất cao, xếp vào tập thứ 18 trong Tiểu bộ kinh.[38]
d. Về thể loại
Nội dung của tác phẩm đã cho chúng ta thấy rõ về điều ấy.[39] Đây không phải là một bản kinh do đức Phật thuyết giảng, hoặc do các vị đại đệ tử của đức Thế Tôn thuyết giảng. Cũng không phải là một bản kinh thuộc loại tiêu biểu, rất nổi tiếng của Phật giáo Bắc truyền như: kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, kinh Đại Bảo Tích, kinh Diệu pháp liên hoa, kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, kinh Đại bát Niết-bàn v.v… mà đây chỉ là một cuộc hội thoại, giữa vua Di-lan-đà (người hỏi) và Tỳ-kheo Na Tiên (người phúc đáp) về một số vấn đề thuộc phần giáo nghĩa căn bản của Phật giáo như bàn về vô ngã, danh và sắc (ngũ uẩn), duyên khởi, vô thường, luân hồi, nghiệp và tái sinh, Niết-bàn; học thuyết tam thân Phật, tam pháp ấn, tứ pháp ấn, nhất pháp ấn, nói chung luận bàn về 37 phẩm trợ đạo.
Hết thảy nội dung được đề cập đến trong bản kinh đều được thể hiện một cách vô cùng sáng tạo, linh hoạt với rất nhiều ví dụ thích hợp luôn đi kèm theo mỗi vấn đề, làm cho vấn đề trở nên rõ ràng, dễ hiểu hơn và đồng thời tạo ra sức thuyết phục đối với người đọc. Hơn thế nữa, những tình tiết, dữ kiện, hình ảnh được sử dụng để trình bày các vấn đề giáo lý ở đây quả thật đã đạt đến một trình độ nghệ thuật biểu hiện rất cao, xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật giá trị, như trong phần giới thiệu Kinh Tỳ-kheo Na tiên.[40]
Các chủ đề được đề cập bao gồm hầu hết những câu hỏi mà người phương Tây thường hỏi như: “Nếu không có linh hồn, cái gì sẽ tái sinh?” hoặc là “Nếu không có linh hồn, ai đang nói chuyện với ngài bây giờ?”[41]
Thời điểm diễn ra cuộc hội thoại khoảng từ năm 163 đến năm 150 Tr.TL, tức là thời gian trị vì của vua Di-lan-đà. Sau đấy thì bản luận đã được kết tập vào đầu thế kỷ I Tr.TL bằng tiếng Pāli và tiếng Phạn. Bản luận được kết tập bằng tiếng Phạn là do phái Thuyết nhất thiết hữu bộ,[42] bấy giờ rất thịnh hành ở vùng Tây bắc Ấn-độ thực hiện, rồi truyền sang Trung Hoa và đã được dịch sang chữ Hán rất sớm. Tính chất rất sớm ấy đã được thể hiện một phần nơi chữ “kinh”trong danh xưng của tác phẩm: Kinh Na Tiên Tỳ-kheo. Nói cách khác, chữ “kinh”ở đây chỉ là một cách dịch của một số vị Hán dịch trong giai đoạn đầu. Ví dụ: Đại sư An Thế Cao (thế kỷ II S.TL đời Hậu-Hán), người được xem là mở đầu cho lịch sử phiên dịch ĐTK chữ Hán, nơi toàn bộ các dịch phẩm của mình (Kinh, Luật, Luận) đều mang tên là “kinh”. Các bản kinh được dịch là “kinh”, nhưng các bản Luật, bản luận cũng được dịch là “kinh”. Chẳng hạn hai kinh:
– Kinh Phật thuyết phạm giới tội báo khinh trọng (C. 佛說犯戒罪報輕重經)[43]
– Kinh Phật thuyết Xá Lợi Phất hối quá (C. 佛說舍利弗悔過經)[44]
Tuy mang tên là “kinh” nhưng đấy là các bản Luật ngắn, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luật (ĐTK/ĐCTT, tập 24: N01.467, 1 quyển, No1.492, 1 quyển). Hoặc như kinh A-tỳ-đàm Ngũ pháp hành (C. 阿毘曇五 法行經),[45] tuy mang tên là “kinh” nhưng là một bản luận ngắn thuộc A-tỳ-đàm, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luận, thuộc bộ A-tỳ-đàm (ĐTK/ĐCTT. Tập 28: No1557, 1 quyển). Một vài bản luật ngắn do cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ III S.TL, đời Đông Ngô) cư sĩ Nhiếp Đạo Chân (thế kỷ III hoặc IV S.TL, đời Tây Tấn) Hán dịch, tuy mang tên là “kinh” (Kinh Phật thuyết giới tiêu tai,[46] kinh Bồ-Tát thọ trai[47]) nhưng thật sự là Luật, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luật (ĐTK/ĐCTT, tập 24: No1477, 1 quyển, No1502, 1 quyển).
Như vậy, kinh Na Tiên Tỳ-kheo cũng giống như một số trường hợp vừa nêu trên, tức tuy mang tên là “kinh” nhưng thật sự là “luận”, nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng Luận, tập 32, No 1670B (3 quyển – thượng, trung, hạ)[48]
Ngoài ra, theo chúng tôi nghĩ, sở dĩ được tôn vinh là Kinh, có lẽ vì nội dung cao sâu tựa như lời của chư Phật hay Bồ-tát.
Riêng phần vấn đáp, trong Hán tạng có ghi vào khoảng 100 câu hỏi; còn Tạng Pāli, số câu hỏi thay đổi lên xuống tùy vào nơi xuất bản, khoảng hơn 260 câu; bản dịch Việt của Hòa Thượng Giới Nghiêm có 244 câu; bản soạn dịch của Cao Hữu Đính có 62 câu. Điều nầy cho thấy bản nguyên tác bằng chữ Phạn có thể bị thêm bớt hoặc thay đổi, tùy theo thời gian và nơi chốn đã xuất bản bộ Luận.
e. Nội dung Kinh văn[49]
時國中有佛寺。舍在山上名迦羅洹,
Xứ ấy có một ngôi chùa trên núi tên Ca-la-hoàn,
中有五百沙門共止其中。皆已得阿羅漢道。常以月六齋日誦經至明時.
Có 500 vị Sa-môn tu tập ở đó, tất cả đều đã đắc quả A-la-hán. Mỗi tháng 6 ngày các thầy thường tụng kinh từ đầu hôm đến sáng.
Chi tiết nầy bản Pāli (HT. Giới Nghiêm dịch không có ghi).
f. Lục trai theo Phật giáo Ấn-độ
Chữ trai (S. Upavasatha; C. 齋; E. Vegetarianism), thông thường chúng ta hay nói trại gọi là “chay”, mang tính cách thanh tịnh, trong sạch, thanh đạm, chuyên chú vào sự tĩnh lặng, không uống rượu, không ăn thịt cá v.v… trai tịnh (齋淨) hay chay tịnh cả hai đều đúng. Nói cách khác, ăn chay có nghĩa là ăn những vật thực không có máu thịt chúng sanh, không có tiếng kêu âm thanh của động vật.
Khổng tử nói: “Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”.
Theo tín ngưỡng của các tôn giáo như: Hồi giáo và Thiên chúa giáo, không có chủ nghĩa gọi là “ăn chay”, mà trong “mùa chay” của Công Giáo, tiếng Anh không gọi “Vegetarianism”, mà chỉ gọi “Fast” hay “Fasting”, dịch đúng nghĩa tiếng Việt là “kiêng ăn”, “kiêng cữ”, “giảm ăn”, “bớt ăn” hay gọi là “ăn kiêng”.
Theo Phật giáo Ấn-độ, sáu ngày ăn chay trong tháng:
Mồng 08, 14, 15, 23, 29 và 30 (八日/十四日/十五日/二十三日/二十九日/三十日)
Trong những ngày này Tứ Thiên vương[50] ghi lại tất cả phẩm hạnh tu hành, đồng thời ma quỷ cũng đang bận bịu việc quấy rối nhân-thiên, nên việc giữ gìn trai giới là điều cần thiết, không nên ăn quá ngọ.
Luận Đại Trí Độ, quyển 13, hỏi: “Vì sao ngày lục trai phải nên thọ giới, tu phước đức?”
Đáp: “Những ngày ấy ác quỷ theo người muốn đoạt mạng người, tật bệnh hung suy khiên người không an, cho nên từ kiếp sơ, Thánh nhân dạy người trì trai tu phước để tránh hung suy”.
g. Thập trai theo Phật giáo Tây tạng
- Mồng 1 là ngày vía Đức Phật Di Lặc (S. Maitreya)
- Mồng 8 là ngày vía Đức Phật Dược Sư (S. Bhaiṣajyaguru)
- Mồng 10 là ngày vía của Đức Liên Hoa Sinh (P. Padmasambhava)
- 14 là ngày cầu nguyện hướng về 1.000 Đức Phật
- 15 là ngày vía của Đức Phật A Di Đà (S. Amitā)
- 18 là ngày vía Đức Phật Quan Âm (S. Avalokiteśvara; T. Chenrizig)
- 23 ngày vía Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (S. Mahavairocana; C. 大日如来)
- 24 là ngày vía Bồ-tát Địa tạng (S. Kṣitigarbha),
- 25 là ngày vía Đức Phật mẫu Dakini (S. Ḍākinī, không hành nữ, là 1 trong những vị thần bảo hộ)
- 30 là ngày vía Đức Phật Đức Thích Ca Mâu Ni
Trong 10 ngày này đều là những ngày cát tường thù thắng (T. Tashi Delek; Losar Tashi Delek = happy new year= chúc mừng năm mới).
* Trong phần V – Hội Ngộ, Quyển thượng , tr. 34 ghi
那先語王言佛經說言: 人安隱最為大利。人知厭足最為大富。人有所信最為大厚。 泥洹道者最為大快。
Na tiên bảo vua rằng: “Kinh Phật có dạy: Mối lợi lớn nhất của con người là được an ổn. Sự giàu sang lớn nhất của con người là biết đủ. Có được niềm tin là việc lớn nhất của con người. Niềm vui lớn nhất là đạt đến Niết-bàn”[51]
* Bốn niềm tin bất hoại: 四不壞信 Tứ bất hoại Tín (S. Abhedyaprasāda):
1) Tin Phật: Believe in Buddha.
2) Tin Pháp: Believe in the Dharma.
3) Tin Tăng: Believe in the Sangha.
4) Tin thánh giới: Believe in Moral precepts.

h. Về số lượng Tỳ kheo
- Vua Di-lan-đà ngự đến chùa San-khế-da (Sankheyya), chỗ Đại đức Na Tiên bây giờ đang tạm trú với 80 Tỳ-kheo, ông tiến đến trước mặt Đại đức và cung kính vái chào. Đại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi né một bên. (Bản dịch, Cao Hữu Đính, tr. 19).
- Này Devamantiya! Tăng chúng ở đâu mà đông đúc kinh khiếp như thế?
Tâu, hạ thần cũng không biết nữa, chắc là họ dùng thần thông biến hóa ra!
Hoang đường!
Vậy thì hạ thần xin tâu rõ: 40.000 vị ngồi ở đằng sau đều là tân Tỳ- kheo, thọ đại giới từ 1 hạ đến 6 hạ! Bốn mươi ngàn vị ngồi đằng trước cao hạ hơn, từ 8 hạ đến 20 hạ…
Khanh khỏi cần giới thiệu. Giữa 80.000 vị Tỳ-kheo, trẫm có thể nhận ra ngay ai là Natiên Đại đức. (bản Pāli , HT. Giới Nghiêm dịch, 101-102).
* Trong kinh của cả hai truyền thống Nam Truyền (Theravada) và Bắc Truyền (Mahāyāna) đều có dạy dùng Ba Pháp Ấn (S. Trilakṣaṇa – त्रिलक्षण; P. Tilakkhaṇa; E. The three dharma seals; C. 三 法印), Bốn Pháp Ấn (S. Caturlakṣaṇa) hay Một Pháp Ấn để làm dấu ấn xác minh coi pháp đó có phải là do đức Phật thuyết không. Ấn là dấu in để ấn chứng.
– Ba Pháp Ấn là vô thường (P. Anicca), vô ngã (P. anatta) và Niết-bàn (P. Nibbana)
Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh
S. Anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam.
P. Sabbe saṅkhārā aniccā, Sabbe saṅkhārā dukkhā, Sabbe dhammā anattā.
Ba dấu ấn mang tính pháp định, dùng để chứng nhận tính xác thực của chánh pháp. Mọi giáo lý của đạo Phật đều phải mang các Pháp ấn, nếu thiếu một trong những Pháp ấn đó thì giáo lý ấy không phải lời Phật dạy. Chính vì tính chất quan trọng này mà ba Pháp ấn luôn được nhắc đến trong hầu hết kinh điển, từ kinh tạng Nam truyền đến kinh tạng Bắc truyền.
– Bốn Pháp Ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết-bàn hay vô thường, khổ, vô ngã và Không (Kinh Tăng Nhất A-hàm). Niết-bàn là tên gọi khác của vô ngã và “Không” cũng là một cách nhìn khác về lý duyên khởi. Các pháp đều do điều kiện, nhân duyên tạo thành, vì thế chúng vô ngã. Do đó, có thể xem Ba Pháp Ấn: vô thường, vô ngã và Niết-bàn là những nguyên lý cơ bản nhằm xác định chánh pháp, là một định thức chuẩn mực để tái thẩm định các lý thuyết, quan điểm và cả pháp môn tu tập của Phật giáo.
– Một Pháp Ấn cũng là Thật Tướng Ấn (S. Tathata; C. 實相印), tức là lấy thật tướng của các pháp làm gốc, nên nói nghĩa lý thật tướng của các pháp là ấn tín của hệ thống tư tưởng Phật giáo Bắc Truyền.
Dù với bất cứ kinh điển thuộc truyền thống nào, Nam Truyền cũng như Bắc truyền nếu có sự hiện diện của vô thường, vô ngã và Niết-bàn là xác định tính cách chánh pháp.
– Vô thường, vô ngã và Niết-bàn là ba phạm trù dùng để công nhận những kinh điển nào phù hợp với những lời dạy của đức Phật, phù hợp với sự thật thì những lời dạy ấy đích thật là có trí tuệ.
– Kinh nào có giá trị nói lên giáo lý vô thường, vô ngã và Niết-bàn thì chúng ta xem đó là kinh Phật.
– Trước khi đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài đã căn dặn các đệ tử rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” là vậy.
Sách tham khảo
- I. B. Horner, Milinda’s Questions, (Vol. I), Oxford: The Pāli Text Society, 1996.
- Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, published by Motilal Banarsidass, Delhi, 1998. (gồm 18 chương).
- Thích Minh Châu (tác giả), Trần Phương Lan (dịch), Nghiên cứu đối chiếu Milinda vấn đạo (chữ Pàli) và Kinh Na-tiên Tỷ-kheo (chữ Hán) Milindapanha & Na-Hsienbhikshusùtra (A Comparative study), Tp.HCM, 1999.
- Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng) (dịch), Milinda vấn đạo, Nxb: Ajith Printers (Pvt) Ltd, 2001.
- Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo 2000.
- HT Giới Nghiêm (việt dịch), Mi Tiên Vấn Đáp, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo, 2003.
- Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009. (gồm 3 quyển, q. thượng, q. trung, q. hạ).
- Thiện Nhựt (phỏng dịch và tìm hiểu)Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, tr. 706-753, Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên.
- Thích Thiện Siêu, Vô Ngã Là Niết Bàn, Tp.HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1990.
- Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Nxb: Tp.HCM, 1999.
- Trần Trúc Lâm, những hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn độ, Nxb: Phương Đông, 2007.
- H.T Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ (Tập I), Nxb TP.HCM, 1997.
- Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về 5 việc của Đại Thiên, Nxb Tôn giáo, 2006.
Chú thích
[1] 1. Nga, 17,098,246.00 km2 ; 2. Canada , 9,984,670.00 km2; 3. Trung quốc, 9,596,961.00 km2; 4. Hoa kỳ (Mỹ), 9,525,067.00 km2; 5. Brasil hoặc Brazil, 8,515,767.00 km2; 6. Úc, 7,692,024.00 km2; 7. Ấn độ, 3,287,263.00 km2)
[2] Đông dân thứ nhì sau Trung quốc (1.441.457.889 người). Tổng dân số thế giới trên 7 tỷ người (7.834.412.631).
[3] Naypyidaw (phiên âm: Nây-pi-đô) là thủ đô của Myanmar. Thủ đô cũ là Yangon hay Rangoon.
[4] Ấn-độ có hơn 22 ngôn ngữ đồng chính thức. Ngoài ra, còn có khoảng 2.500 ngôn ngữ nữa.
[5] Sialkot là một thành phố tọa lạc ở miền Bắc tỉnh Tây Punjab thuộc Pakistan, dưới chân đỉnh núi tuyết của Kashmir gần sông Chenab (Sông Chenab (Chen: Mặt trăng, ab: sông. Dòng sông trăng!) Chiều dài sông Chenab khoảng 960km), một trong những trung tâm kỹ nghệ lớn của Pakistan.
[6] Tiểu Á có nghĩa là mặt trời mọc. Phía đông là một bán đảo của Châu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí địa lý: bắc giáp với Biển Đen, nam giáp Địa Trung Hải, ở phía Tây giáp biển Aegea và biển Marmara, ở phía đông giáp với phần đất rộng lớn còn lại của châu Á.
[7] Theo các nguồn sử liệu chúng tôi có được, cho rằng: Phật giáo truyền vào Trung Quốc vào đời nhà Hán, Hán Minh Đế – năm 67 Tây lịch. Còn Phật giáo truyền vào Việt Nam vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, theo các tác giả PGVN Sử Luận-Nguyễn Lang; Lịch Sử PGVN tập 1,2,3- Lê Mạnh Thát.
[8] Bactria, Trung quốc phiên âm là 大夏 = Đại Hạ) là tên gọi cổ đại của một khu vực lịch sử tại Trung Á, nằm trong phạm vi của Hindu Kush (là một dãy núi nằm giữa Afghanistan và Pakistan) và Amu Darya (Oxus). Nó là một phần của vùng ngoại biên thế giới Iran và vùng lãnh thổ này ngày nay thuộc về Afghanistan.
[9] Tapassu và Bhallika là hai thương nhân đầu tiên cúng dường vật thực đức Phật sau khi Ngài giác ngộ, là người đầu tiên được nghe Phật thuyết giảng tại Rājagaha (Vương Xá) (lúc bấy giờ chưa thành lập Tăng đoàn), và những người đầu tiên trở thành đệ tử của đức Phật, đã xin đức Phật một kỷ vật để học có thể nhớ về Ngài khi trở về nhà. Đức Phật sau đó đã trao cho họ 8 sợi tóc của mình. Họ đã đem những sợi tóc đặt trong chiếc hộp vàng và mang về quê hương của mình (Balkh). Tại đó, một bảo tháp được xây dựng lên để tôn thờ những xá lợi tóc này. Theo ngài Huyền Trang, Phật giáo được truyền đến Trung Á ban đầu từ Balkh (1 trong 34 tỉnh của Afghanistan) chính là nhờ công của Tapassu và Bahalika.
[10] Bactria là một xứ màu mỡ nằm giữa dãy núi xanh Hindu-Kush và con sông Amu Darya (Oxus). Ngày nay là một phần của Afghanistan , Uzbekistan và Tajikistan.
[11] 9 đoàn truyền giáo của vua A-dục: 1- Phái đoàn thứ nhất. Theo truyền thuyết, các vị Trưởng lão Mahinda, Ittiya Uttiya, Sambala, Bhaddasāla và Sa-di Sumana nhận trọng trách đi truyền giáo ở đảo Tích Lan (Laṅkà, Laṅkādīpa, Laṅkātala). 2- Phái đoàn thứ hai. Ngài Trưởng lão Majjhantika nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Gandhāra và Kasmīr. 3- Phái đoàn thứ ba do Trưởng lão Mahādeva nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Mahisamandala. 4- Phái đoàn thứ tư. Do ngài Trưởng lão Rakkhita nhận trách nhiệm truyền giáo ở xứ Vanavāsa. Ðịa danh Vanavāsa là một quận, có lẽ là miền bắc của Kanara, nam Ấn Ðộ. 5- Phái đoàn thứ năm. Do ngài Trưởng lão Yonaka Dhammarakkhita nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp của Ðức Phật tổ Gotama ở xứ Aparantaka. 6- Phái đoàn thứ sáu. Do Trưởng lão Mahārakkhita nhận trách nhiệm đi hoằng dương chánh pháp tại Trung Á, miền bắc Iran. Ngôn ngữ Pāli gọi xứ này là Yonaka. Mahārakkhita là 1 trong những vị thầy của vua milinda. Phái đoàn thứ bảy. Do Trưởng lão Majjhima, Kassapagotta, Mūlakadeva, Durabhissara và Trưởng lão Deva Sahadeva nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp ở khu vực Himālaya. Phái đoàn thứ tám. Do hai Trưởng lão Soṇa và Uttara nhận trách nhiệm đi hoằng pháp ở xứ Suvaṇṇabhūmi. Phái đoàn thứ chín. Do Trưởng lão Mahādhammarakkhita lãnh trách nhiệm truyền giáo ở Mahāratthi. Về địa danh này, các học giả nhận định đó là xứ Marāthī, mà có lẽ ngày nay là phía đông bắc của thành phố Bombay, Ấn Ðộ.
[12] Ujjeni là thành phố lớn thứ năm ở bang Madhya Pradesh.
[13] Taxila tiếng Phạn Takshashila, gần Rawalpindi nằm ở tỉnh Punjab thuộc Pakistan bây giờ.
[14] Trong trận chiến nước Kalinga đã làm hơn 100.000 người chết và 150.000 người khác bị thương.
[15] Rất nhiều pháp dụ của Vua A-dục, theo các nhà khảo cổ cho biết có 33 bia ký được đề cập đến Phật giáo, cụ thể có 4 bia ký tại Lâm Tỳ Ni (vua A Dục, đứa con yêu của các vị thiên thần, hai mươi năm sau khi lên ngôi, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây… Lâm Tỳ Ni được giảm một phần sản lượng), Sarnath (Isipitana, Vườn Lộc Uyển) (Những người cư sĩ áo trắng có thể đến đây vào ngày trưởng tịnh để được tăng trưởng tính tâm vào sắc lệnh này), Girnar (Nếu quần chúng sau khi nghe được lời Phật dạy, thực hành, sẽ đạt được lợi ích trong Chính Pháp), Bairat, trước đây được gọi là Viratnagar, là một thị trấn ở phía bắc ấn quận Jaipur của bang Rajasthan (Bia ký cho biết vua A Dục (Thiên Ái Thiện Kiến) đã đến nơi đây, thăm viếng và đảnh lễ chư tăng. Ngài tiếp xúc với chư tăng với lời lẽ kính trọng của một người cư sĩ ủng hộ chính pháp đối với Tăng già).
[16] Thành phố ở phía Đông miền Trung của Afghanistan.
[17] Aramaic là một ngôn ngữ có nguồn gốc từ các khu vực cổ của Syria , vào cuối thiên niên kỷ trước Công nguyên thứ II và sau này trở thành một trong những ngôn ngữ nổi bật nhất của vùng Cận Đông cổ đại.
[18] Pusyamitra Sunga là trong những ông vua chống phá Phật giáo (anti-Buddhism) trong lịch sử Phật giáo Ấn-độ.
[19] Pusyamitra Sunga hỏi các thần, các tiên đế (đời vua trước) ủng hộ Phật giáo như thế nào, xây bao nhiêu bảo tháp? nay ta phá bấy nhiêu tháp.
[20] Sagala (साकला), tên của một thành phố ở Ấn-độ cổ đại, mà chính là tiền thân của thành phố hiện đại Sialkot, ngày nay là Pakistan phía bắc tỉnh Punjab (1 trong 29 bang của Ấn-độ).
[21] Hoa thị thành ngày nay là Patna, thành phố lớn nhất của tiểu bang Bihar ở Ấn-độ, Patna được thành lập vào năm 490 Tr.TL, nước Ma-kiệt-đà (Magadha) nơi diễn ra sự kiện kết tập kinh điển lần thứ ba. Đương thời đức Phật có 2 nước mạnh nhất, đó là: Ma-kiệt-đà và Kiều-tất-la (Kosala).
[22] Tên Taxila là phiên âm của tiếng Ba tư (Persian), (S. Takṣaśilā; P. Takkasilā; C. Đát-xoa-thỉ-la, 呾叉始羅). Thuộc vùng Rawalpindi (nằm ở tỉnh Punjab), gần thủ đô Islamabad của Pakistan. Những di tích Phật giáo đương thời còn tìm thấy tại Taxila và cả nền văn hoá Ấn giáo. Taxila còn một đặc điểm khác là có một Đại học cổ nhất trên thế giới là Takshashila University. Khi ngài Huyền Trang đến nơi đây chỉ còn lại một vài cảnh chùa và có tháp ghi di tích tiền thân của đức Phật.
[23] Yojana là thước đo khoảng cách đã được sử dụng trong thời cổ ấn-độ. Một yojana là khoảng 12-15 km. (12 yojana khoảng 144 km). Xem bài 52 “cùng đến một lượt”, Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo 2000, tr. 15; Bài 74 “Thời gian tái sinh”, HT Giới Nghiêm (việt dịch), Mi Tiên Vấn Đáp, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo, 2003, các tr. 256-257. Bài 5, VII – Phẩm xác định các pháp vô sắc, Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng) (dịch), Milinda vấn đạo, Nxb: Ajith Printers (Pvt) Ltd, 2001, các tr. 142-143.
[24] Kābul là thành phố ở phía Đông miền Trung của Afghanistan.
[25]Sông Ravi là một con sông xuyên biên giới qua tây bắc Ấn-Độ và Đông Pakistan . Một trong sáu con sông của Hệ thống Indus ở vùng Punjab.
[26] Zoroastrianism (còn gọi Hiên giáo, Hỏa hiên giáo) sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ VII Tr.TL tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Bái hỏa giáo là tôn giáo độc thần thờ Ahura Mazda, và trong nghi lễ xem lửa như là nguồn sáng tạo tinh khiết, là ánh sáng thánh thiện đối chọi với dục vọng đen tối độc ác, do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập (thực ra tên gốc Iran là Zarathushtra Spitama), và một thời nó đã là quốc giáo của đế quốc Ba tư (Persia). Nhiều học giả cho là Zoroaster sống trong khoảng (628 – 551 Tr.TL) và được thiên khải (天啓) rồi nổi danh ở Bactria vào tuổi 30. Ở đó ông đã sáng tạo nên những Thánh kệ trong quyển Gathas thuộc bộ kinh Zand Avesta (là cuốn sách thiêng liêng nói về vũ trụ quan, luật pháp và phụng vụ, những lời dạy của nhà tiên tri Zoroaster). Zend-Avesta theo nghĩa đen có nghĩa là “giải thích về Avesta”. Avesta có năm phần: Yasna ,Visp-rat, vendidad, Yashts và Khūrda Avesta.
Một điều thú vị khác là vài chục năm trước đây Kim Dung (1924 –2018), một nhà viết tiểu thuyết võ hiệp trứ danh của Đài Loan trong cuốn “Ỷ thiên Đồ long ký” ( 倚天屠龍記), còn được dịch ra tiếng Việt là Cô gái Đồ Long) đã đề cập đến sáu thanh Thánh hỏa lệnh của Bái hỏa giáo Ba Tư, và Trương Vô Kỵ trở thành giáo chủ Minh Giáo tức Bái hỏa giáo Trung Quốc. Thực ra Minh giáo (Manichaeism), có giáo thuyết gần giống Bái Hỏa giáo xuất hiện nhiều thế kỷ sau, do Mani (khoảng 216-76 ttl) ở Babylonia sáng lập, nhưng lại bị giết bởi giới tăng lữ đạo Zoroastrianism vì ra mặt đối kháng. Lúc còn thanh niên, ông đã từng đến Taxila học đạo và chịu ảnh hưởng Phật giáo. Trong vài trăm năm Minh giáo đã đối đầu với Ki-tô giáo trong vùng Trung đông.
[27] Trong “Kinh Mi tiên vấn đáp”, có mô tả rằng: trước khi vua Di-lan-đà diện kiến để vấn đạo nơi Tỳ-kheo Na tiên, ông đã gặp gỡ và hỏi đạo bởi các đồ đệ của 6 vị giáo chủ nổi tiếng vào thời đức Phật còn tại thế rồi, 6 vị giáo chủ đó là: 1- Phái Nan Đà Ca Diếp (Pùrana Kàssápa): Phái nầy chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả. Phật giáo gọi phái nầy là “Phái vô nhân quả”. 2- Phái Mạt Già Lê Câu Xá Lợi (Makkhali Gosàla): Phái nầy chủ trương thuyết tự nhiên, mọi sự vật không bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân nào cả. Phật giáo gọi phái nầy là “Tà mệnh ngoại đạo”. 3- Phái A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La (Ajitakesa Kambali): Phái nầy chủ trương thuyết Duy vật luận. Cho rằng con người do tứ đại “Đất, nước, lửa, gió” hợp thành, khi chết thì thân trở về tứ đại, không tôn trọng tinh thần, đạo đức, chủ trương hưởng khoái lạc của nhục thể là mục đích. 4- Phái Bà Phù Đà Ca chiên Diên (Pakudha Katyàyana): Phái nầy chủ trương sinh mệnh và vật chất thường trụ, các vật tạo thành nương vào sự hòa hợp của 7 yếu tố “Đất, Nước, Lửa, Gió, Khổ, Vui, Đời sống”. Vậy sinh tử chỉ là sự tụ tán của 7 yếu tố đó, còn 7 yếu tố thì bất diệt. 5- Phái Tán Nhạ Da Tỳ La Lê Tử (Sãnjaya Belatthiputta): Phái nầy chủ trương thuyết tu định, thuộc phái ngụy biện. Họ cho chân lý không phải là không biến đổi, nên việc tu đạo là vô ích mà chỉ lo tu thiền định. Giống như con lươn nắm đằng đầu, tuột đằng đuôi và ngược lại. 6- Phái Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nàtaputta): Phái nầy chủ trương tu khổ hạnh, cho rằng sướng vui họa phúc do tiền nghiệp, muốn thoát khỏi tiền nghiệp phải tu khổ hạnh để cầu giải thoát. Về sau phái này chia làm hai phái: bạch y và lõa hình (tức là mặc đồ không khí).
Những vị đạo sư nầy cũng không trả lời đáp ứng mong muốn tri thức của vua Di-lan-đà, ông đành phải từ giả để ra đi để tìm các vị đạo sư khác.
[28] Mir Zakah, là một cái hầm có từ thế kỷ thứ V Tr.TL ở Afghanistan.
[29] Prakrit là một nhóm ngôn ngữ bản ngữ Trung Ấn-Aryan được sử dụng ở Ấn-độ từ khoảng thế kỷ thứ III Tr.TL đến thế kỷ thứ VIII S.TL.
[30] Kharoshthi là một chữ viết cổ của Ấn Độ được sử dụng ở Gandhara (nay là Pakistan và đông bắc Afghanistan). Từ thế kỷ thứ III Tr.TL đến thế kỷ thứ IV S.TL.
[31] Trần Trúc Lâm, Những hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn độ, Nxb: Phương Đông, 2007, tr. 128.
[32] Pháp tu của ngài Na Tiên chuyên tu về nhĩ căn, tranh tượng của Ngài mô tả vị La-hán đang ngoáy tay một cách thú vị. Mọi âm thanh vào tai đều giúp cho tánh nghe hiển lộ. Từ nhĩ căn viên thông phát triển thiệt căn viên thông, trở lại dùng âm thanh thuyết pháp đưa người vào đạo, đó là ý nghĩa hình tượng của tôn giả Na Tiên.
[33] Rồng = Long (龍) là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong kinh Phật, Rồng là một trong tám bộ: Thiên, Long, Dạ xoa, Càn Thát bà, A tu la, Ca Lầu la, Khẩn Na la, Ma Hầu La già, là những thiên thần có những vị tướng đẹp, có những vị tướng xấu, nanh gút, đen đúa xấu xí nhưng tâm các vị rất tốt, các vị phát tâm quy y Phật, Pháp và hộ trì Phật pháp, khiến cho chánh pháp nhiệm mầu được phát triển, trường tồn, bất hoại. Cùng tên nāgā, trong Phật giáo Đại thừa có một vị Tổ nổi tiếng đó là ngài Long thọ hay Long thụ, 龍樹 (S. Nāgārjuna) sống vào I hoặc thế kỷ II S.TL, là một trong những vị luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Đát-đặc-la, tức là mật tông, (S. Tantra)). Đại thừa ấn-độ xếp ngài vào “Sáu Bảo Trang Nghiêm của Ấn-độ”; năm vị khác là Thánh Thiên (S. Āryadeva), Vô Trước (S. Asaṅga), Thế Thân (S. Vasubandhu), Trần na (S. Dignāga), Pháp Xứng (S. Dharmakīrti). Trong tranh tượng, ngài là vị duy nhất sau Phật Thích-ca được trình bày với chóp trên đỉnh đầu (肉髻), một dấu hiệu của một Đại nhân. Ngài là người sáng lập tông Trung quán (S. Mādhyamika). Ngài cũng được xem là Tổ thứ 14 của thiền tông Ấn-độ. Truyền thống Mật giáo của Tây tạng xếp ngài vào 84 vị Đại thành tựu (S. Mahāsiddha). Theo truyền thuyết cho rằng: ngài Long Thụ, bằng những bài thuyết pháp của mình đã thuyết phục một số loài rồng nên được mời xuống Long cung trao lại bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa (S. Prajñāpāramitāsūtra; C. 般若波羅蜜多經) để báo ân. Tương truyền là Phật đã phó chúc cho loài rồng này gìn giữ bộ kinh và chờ đến khi nào nhân duyên viên mãn, loài người đã đủ khả năng để tiếp thu giáo lý nầy. Truyền thuyết nầy đã mang tên tiếng Phạn gọi là “Nāgārjuna”, có nghĩa là “trong trắng như loài rồng” (nāga = Long; arjuna = màu trắng). Tuy nhiên, tên nầy được Người Trung Quốc hiểu là Long Thụ, tức là “một loài cây của rồng” (arjuna được hiểu là một loại cây). Khi đức Phật tọa thiền vào tuần thứ 6 tại Bồ đề đạo tràng (Bohgaya) lúc đó nước mưa dâng lên cao, đại mãng xà 9 đầu xuất hiện quấn lấy đức Phật, động tác bảo vệ và che chở cho ngài đến khi mưa tạnh nước rút.
[34] Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009, tr. 5.
[35] Xem thêm HT Giới Nghiêm (việt dịch), Mi Tiên Vấn Đáp, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo, 2003, tr. 104.
[36] Xem thêm Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo 2000, tr.19.
[37] “Việc ấy được nghe như thế nầy”. Xem thêm Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng) (dịch), Milinda vấn đạo, Nxb: Ajith Printers (Pvt) Ltd, 2001, tr. 3.
[38] Tiểu bộ kinh (P. Khuddaka Nikāya; E. Minor Collection) là bộ thứ năm trong tạng Nikaya. 1) Khuddaka Pàtha (Tiểu tụng); 2) Dhammapada (Pháp cú); 3) Udàna (Cảm hứng ngữ, Phật tự thuyết); 4) Itivuttaka (Phật thuyết như vậy); 5) Suttanipàta (Kinh tập); 6) Vimanavatthu (Chuyện Thiên cung); 7) Petavatthu (Chuyện Ngạ quỷ); 8) Theragàthà (Trưởng lão Tăng kệ); 9) Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ); 10) Jàtaka (Bổn sanh hay Chuyện tiền thân Ðức Phật); 11) Nidesa (Nghĩa tích); 12) Patisambhidàmagga (Vô ngại giải đạo); 13) Apadana (Thánh nhân ký sự); 14) Buddhavamsa (Phật sử); 15) Cariyà Pitaka (Sở hạnh tạng); 16) Nettippakarana (Hướng dẫn chú giải tam tạng); 17) Petakopadesa (Tìm hiểu chú giải tam tạng); 18) Milindapanha (Mi-lin-da vấn đạo).
[39] Xem thêm Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009, tr. 5.
[40] Xem thêm Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009, tr. 6.
[41] “If there is no soul, what is it that is reborn?” and “If there is no soul, who is talking to you now?”.
[42] Thuyết nhất thiết hữu bộ (S. Sarvāstivādin; C. 說一切有部), tách ra từ Thượng toạ bộ, hoạt động rất mạnh tại các vùng Kashmir và Gandhāra (Càn-đà-la). Chủ trương “Tam thế thật hữu, pháp thể hằng tồn” (三世實有, 法體恆存). Có nghĩa là 3 thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) là có thật, bản thể của các pháp tồn tại vĩnh viễn, không phải là giả có. Đức Phật đã nhập Niết-bàn, nhưng Pháp thân của Ngài vẫn còn hiện hữu.
[43] Xem tập 24, số 1467a (ĐTK/ĐCTT). 佛說犯戒罪報輕重經, (大正新脩大正藏經 Vol. 24, No. 1467a).
[44] Xem tập 24, số 1492 (ĐTK/ĐCTT). 佛說舍利弗悔過經, (大正新脩大正藏經 Vol. 24, No. 1492).
[45] Xem tập 28, số 1557 (ĐTK/ĐCTT). 阿毘曇五 法行經, (大正新脩大正藏經 Vol. 28, No. 1557).
[46] Xem tập 24, số 1477 (ĐTK/ĐCTT). 佛說戒消災經 (一卷), 大正新脩大正藏經 (Vol. 24, No. 1477).
[47] Xem tập 24, số 1502 (ĐTK/ĐCTT). 菩薩受齋經, 大正新脩大正藏經 (Vol. 24, No. 1502).
[48] Xem tập 32, số 1670B (ĐTK/ĐCTT). 那先比丘經, 大正新脩大正藏經 (Vol. 32, No. 1670B).
[49] Xem thêm那先比丘經, 大正新脩大正藏經 (Vol. 32, No. 1670B), tr. 1, (dòng 15 từ trên xuống). Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009, tr. 10.
[50] Tứ thiên vương (四天王) hay Tứ đại thiên vương (四大天王) (S. Catur-mahārāja) hộ trì Phật pháp, thường được thờ trong các chùa. Bốn vị Thiên Vương này ở bốn hướng: 1- Bắc Thiên vương, tên là Đa văn thiên (多聞天 ); 2- Nam Thiên vương, tên Tăng trưởng thiên (增長天); 3- Đông Thiên vương, tên Trì quốc thiên (持國天); 4- Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên (廣目天).
[51] Xem 那先比丘經, 大正新脩大正藏經 (Vol. 32, No. 1670B), tr. 4, (dòng 5 từ trên xuống). Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính), Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb: Tôn giáo Hà nội, 2009, tr. 34.