Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 6: Mục Đích Xuất Gia

(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, dòng 22, tr. 5. Mục VII – quyển thượng, Vấn đáp – Mục đích xuất gia, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 165-167. Mục I. Mahāvaggo – Đại phẩm, Milindapañhapāli, các tr. 48-50. Bài 5 – Cứu cánh của Sa môn hạnh, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 120-122. Bài 5 – Cứu cánh đích thực của bậc xuất gia, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 36-37. Chapter 1, The Soul, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 36-37).

I. Chánh văn

王言。卿曹道何等最要者?用何等故作 沙門。

Vua hỏi: “Theo ngài nên đàm luận chuyện gì là cốt yếu nhất? Vì muốn cầu điều chi mà các ngài xuất gia làm sa-môn?”

那先言。我曹欲棄世間勤苦,不欲更後世勤 苦。用是故我曹作沙門。我曹用是為最要 善。

Na-tiên đáp: “Chúng tôi xuất gia làm sa môn là muốn trừ hết những khổ não trong đời này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm sa-môn. Chúng tôi xem đó là điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”

王言。諸沙門皆不欲,更今世後世勤苦,故作 沙門耶。

Vua lại hỏi: “Có phải hết thảy các vị sa môn đều vì muốn diệt khổ não đời này và đời sau nên mới xuất gia làm sa-môn hay chăng?”

那先言。不悉用是故作沙門。沙門有四 輩。

Na-tiên đáp: “Không phải vậy. Thật ra, những người xuất gia làm sa-môn có bốn hạng khác nhau.”

王言。何等四。

Vua hỏi: “Thế nào là bốn hạng khác nhau?”

那先言。中有負債作沙門。中有畏縣官作 沙門者。中有貧窮作沙門者。中有真欲棄 滅今世,後世,勤苦故作沙門。

Na-tiên nói: “Trong số những người xuất gia làm sa-môn, có người do nơi mắc phải nợ nần nên xuất gia để tránh né; có người vì phạm phép nước nên sợ mà xuất gia để lẩn tránh; có người vì quá nghèo khổ nên xuất gia để được có cơm ăn, áo mặc; những bậc chân chánh xuất gia, vì muốn trừ diệt hết khổ não đời này và đời sau, nên mới xuất gia làm sa-môn.”

那先言。我本至心求道,故作沙門耳。

Na-tiên nói: “bần tăng vốn chí tâm cầu đạo nên xuất gia làm sa môn”

王言。今卿用道故作沙門耶。

Vua hỏi: “Như đại đức, có phải vì cầu đạo mà làm sa-môn chăng?”

那先言。我少小作沙門,有佛經道及弟子。 諸沙門皆多高明。我從學經戒入我心中。 以是故棄今世,後世,勤苦故作沙門。

Na-tiên đáp: “Bần tăng vốn xuất gia khi còn nhỏ tuổi, nhờ có kinh điển của Phật, cùng các vị sa-môn đều là những bậc cao minh giáo hóa cho. Bần tăng học kinh, thọ giới, thâm nhập vào trong tâm. Vì thế mà lập chí nguyện quyết trừ dứt khổ não trong đời này và đời sau vậy.”

王言。善哉。Vua tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay!”

II. Đại ý

Cuộc trò chuyện giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên trong lần này xoay quanh chủ đề: “mục đích xuất gia”. Có 1 vài thắc mắc hoài nghi của vua Di-lan-đà đối với thầy Na tiên: cuộc sống thế gian biết bao nhiêu con người, họ có thể chọn cho mình 1 mục đích, đường hướng và lý tưởng sống để đi theo, tuy nhiên con đường xuất gia là hiếm khi ít có ai lựa chọn để đi trên con đường ấy. Ngang đây, thầy Na tiên đã trình bày cho vua Milinda hiểu rõ hơn về 4 hạng người xuất gia ở đời. 1- có người do nơi mắc phải nợ nần nên xuất gia để tránh né; 2- có người vì phạm phép nước nên sợ mà xuất gia để lẩn tránh; 3- có người vì quá nghèo khổ nên xuất gia để được có cơm ăn, áo mặc; 4- những bậc chân chánh xuất gia, vì muốn trừ diệt hết khổ não đời này và đời sau, nên mới xuất gia làm Sa-môn.

III. Nội dung

1. Mục đích xuất gia là gì?

a. Chánh văn

王言。卿曹道何等最要者?用何等故作 沙 門。

Vua hỏi: “Theo ngài nên đàm luận chuyện gì là cốt yếu nhất? Vì muốn cầu điều chi mà các ngài xuất gia làm sa-môn?”

那先言。我曹欲棄世間勤苦,不欲更後世勤 苦。用是故我曹作沙門。我曹用是為最要 善。

Na-tiên đáp: “Chúng tôi xuất gia làm sa môn là muốn trừ hết những khổ não trong đời này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm sa-môn. Chúng tôi xem đó là điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”

b. Lược giải

Vấn đề xuất gia là sự phát tâm, tự nguyện, tự giác của mỗi người. Đối với người nhỏ tuổi, khi chưa đủ nhận thức về xuất gia là gì? thì phải cần sự chỉ bảo, nhắc nhở, giúp đỡ của người lớn, ông bà cha mẹ khuyến dẫn để người đó đi vào đạo.

Đất nước Tây tạng được coi là “nóc nhà của thế giới” (roof of the world; 世界屋脊), với độ cao trung bình 4.900m, so với đỉnh Everest với độ cao 8.849 m. Phật giáo chính thức được truyền vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ VIII (S.TL) bởi bậc thầy Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) thời trị vì của vua Trisong Detsen (755797 S.TL), Trung quốc phiên âm là Ngật-lật-song Đề-tán, và  cho đến ngày nay với dân số theo thống kê năm 2019 có khoảng 3,506 triệu dân. Trong đó Phật giáo chiếm khoảng 79%. Tuy nhiên, phần lớn được xuất gia là nhờ vào sự động viên, khích lệ, tác động của cha mẹ, người thân trong gia đình. Cho nên các vị trẻ tuổi này có điều kiện sớm vào sinh hoạt tu tập trong tu viện.

Trong cuộc luận đạo giữa vua Di-lan-đà có ý muốn hỏi thầy Na tiên, xuất gia với mục đích gì? và cầu mong điều gì phải xuất gia làm Sa-môn? đó là 1 câu hỏi rất đơn giản nhưng không dễ trả lời thuyết phục đối phương được, vì trước đó vua Di-lan-đà đã nêu lên câu hỏi nầy với vị Sa-môn Dã-hoà-la, nhưng câu trả của Sa-môn Dã-hoà-la chưa mang tính thuyết phục rốt ráo đối với nhà vua, chỉ xoay quanh vấn đề phước hữu lậu và vô lậu mà thôi, nên làm cho vua khó hiểu và sau đó cũng câu hỏi ấy, vua Di-lan-đà đặt lại vấn đề với thầy Na tiên.

Vậy, nơi đây chúng ta cũng cần nên hiểu nghĩa xuất gia là gì?

a. Xuất gia là gì? (S. Pravraj; P. Nekkhama; E. Renunciation; C. 出家) có nghĩa là khước từ cuộc sống thế gian, từ bỏ những mơ ước ảo huyền thế tục để chọn đời sống tu sĩ, thanh bần, đạm bạc. Nekkhama cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua các phiền não tham, sân, si làm che lấp Niết-bàn, bằng cách thực hành con đường tu tập Giới, Định và Tuệ. 

Thuật ngữ ‘nekkhama’ được bắt nguồn từ chữ ‘nikkhamma’, với ý nghĩa là từ bỏ đời sống thế tục và sống nhiếp phục phòng hộ các căn môn,[1] không bị tham muốn khát ái chi phối, buộc ràng.

 Trong Sa Di Luật Giải,[2] xuất gia có hai nghĩa:

(1) Ra khỏi nhà thế tục, bước chân ra khỏi cảnh trần, xa tìm ông Trí thức.

(2) Ra khỏi nhà phiền não, dứt vọng chứng chơn, vượt khỏi ba cõi. Nói rộng hơn, xuất gia có ba nghĩa: (1) xuất thế tục gia (ra khỏi nhà thế tục); (2) xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não tham, sân, si); và (3) xuất gia tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới). 

Ngôi nhà tam giới gọi là:

Dục giới (kamaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Thô ngã sinh.

Sắc giới (rupaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Ý thành ngã sinh.

Vô sắc giới (arupaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Tưởng sở thành ngã sinh.

Thực Dụng Phật Học Từ Điển:[3] Xuất gia (thuật ngữ) là ra khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh của Sa-môn. Kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ tư nói: “Tôi nghe Phật dạy, cha mẹ không cho thì không được xuất gia.” Cũng kinh này, Phẩm Phương Tiện, “Duy Ma Cật nói: Các vị đã phát tâm A-Nậu-Đa-La-Tam-Miệu-Tam-Bồ-Đề, như vậy tức là Xuất gia.”

Mặc khác, xuất gia có 4 loại:[4]

1.  Thân xuất gia, tâm không xuất gia: đó là hạng người thân tướng đầu tròn áo vuông nhưng tâm vẫn còn lưu luyến thế tục.

2. Thân tại gia, tâm xuất gia: là hạng người tuy có gia đình nhưng tâm luôn tinh tấn tu học, không bị đam mê nhiễm trước.

3. Thân tâm đều xuất gia: hạng người thân đầu tròn áo vuông, tâm không lưu luyến các dục, kính mộ Tam bảo, giữ giới thanh tịnh, tinh tấn tu học, quyết tâm dứt trừ phiền não, đắc qủa Bồ-đề.

4. Thân tâm đều không xuất gia: hạng người bận rộn vợ con, say đắm dục lạc, nhiễm các phiền não. Trong bốn loại này, hạng người thứ ba thân tâm đều xuất gia chính là hạng người cao quý nhất. Cho nên, chí nguyện cao thượng của người xuất gia là mong ra khỏi ngôi nhà tam giới khổ đau này. Kinh Pháp hoa nói: “Tam giới bất an do như hỏa trạch”. 

  b. Hảo tâm xuất gia (động cơ xuất gia chân chánh)

Thầy Na tiên đã trả lời vua Di-lan-đà rằng: “Chúng tôi xuất gia làm Sa-môn là muốn trừ hết những khổ não trong đời này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm Sa-môn. Chúng tôi xem đó là điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”

Có lẽ trong đời chúng ta thường biết, bao nổi khổ niềm đau luôn theo như hình với bóng, từ đời này qua đời khác; từ kiếp này qua kiếp nọ, nếu như chúng ta không nhổ tận gốc và chuyển hóa chúng thì khổ đau chồng chất khổ đau mà thôi, danh từ Phật học gọi là  “khổ khổ” (dukha-dukha), 1 trong 3 khổ; mà muốn nhổ tận gốc khổ đau đó là gì? phải lo tu. Kinh Pháp cú, kệ 13 và 14, đức Phật đưa ra hai vế đối lập nhau, đó là:

“Như mái nhà vụng lợp,

Mưa liền xâm nhập vào.

Cũng vậy tâm không tu,

Tham dục liền xâm nhập.

“Như ngôi nhà khéo lợp,

Mưa không xâm nhập vào.

Cũng vậy tâm khéo tu,

Tham dục không xâm nhập”.

Khổ thân não tâm trong đời này là quả quá khứ của nhiều kiếp về trước mà chúng ta vô tình hay cố ý tạo ra, dựng nên, mà đời này chúng ta không dập tắt ngọn lửa khổ đau đó thì hệ quả đời sau càng bùng cháy dữ dội mạnh mẽ hơn nữa. Cũng vậy, trong kinh Pháp cú, kệ 15 và 16, đức Phật đưa ra 2 vấn đề cùng 1 cảnh đó là:

“Nay sầu, đời sau sầu,

Kẻ ác, hai đời sầu,

Nó sầu, nó ưu não,

Thấy nghiệp uế mình làm.”

“Nay vui, đời sau vui,

Làm phước, hai đời vui,

Nó vui, nó an vui,

Thấy nghiệp tịnh mình làm.”

Vì những mục đích đó, nên thầy Na tiên nói: “chúng tôi xuất gia làm Sa-môn, xem đó là điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất”.

Trong ý nghĩa trên, người hảo tâm xuất gia là dứt lìa sợi dây ân ái, trừ bỏ lòng ham muốn nhỏ nhoi như chút mật dính trên lưỡi dao chẳng đáng là bao, cần đoạn trừ tính vị kỷ, ngã chấp để dõng mãnh chuyên tâm tu hành, thấy rõ được nguồn cội của 3 độc dược tham, sân, si; nhận rõ được đầu mối của sanh tử, mà sống đời phạm hạnh xuất gia, thanh bần, đạm bạc. Cho nên, chúng ta thấy trong lịch sử của đức Phật, sau khi ngài quyết chí vượt sông A-nô-ma để cạo bỏ râu tóc xuất gia, những cái gì liên quan đến cuộc sống nơi Hoàng cung thì Ngài xin trả lại hết cho Xa-nặc (channa) đem về. Thơ rằng: “Chiếc áo cẩm bào xin hoàn lại, thay vào chiếc áo khách điêu linh, tình ta đẹp mai sau khổ, lưu luyến làm chi 1 bóng hình”.

Trong truyền thống Bà-la-môn giáo, quy định người xuất gia là đợi khi tuổi xế chiều về già, lão niên rồi mới xuất gia. Trong đời người họ chia làm 4 giai đoạn:

a) Phạm hạnh kỳ (Brahmacharga): giai đoạn từ 7 -12 tuổi, theo thầy học tập kinh Vệ-đà, khi thành tựu ddc trở về nhà.

b) Gia cư kỳ (Grhastha): sống cuộc sống thế tục ở gia đình, lấy vợ sanh con, làm các ngành nghề trong xã hội để mưu cầu cuộc sống. không vi phạm chống lại bổn phận của một tín đồ Bà-la-môn, tiến hành việc thờ cúng ở gia đình và bố thí.

c) Lâm cư kỳ (Vanaprastha): sau khi làm xong nghĩa vụ gia đình, bản thân xuất gia vào ẩn cư trong rừng, sống đời khổ hạnh thiền định.

d) Du hành kỳ (Parivrajaka carin): đây là giai đoạn tu hành thời lão niên, nhà khất sĩ, hành giả phải du phương tham học hay hành hóa thật nhiều để trước khi trở về với đấng Phạm thiên.

Còn đối với Phật giáo, xuất gia là không đợi tuổi, lựa chọn tuổi mà tùy theo sự phát tâm, ý nguyện của mỗi người, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, hễ ai cảm thấy muốn được giải thoát khỏi khổ đau thì đều được chấp nhận cho xuất gia. Đó cũng là điểm bất đồng giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo là vậy.

Tuy nhiên, theo Phật giáo, xuất gia cần phải có sự quyết tâm, quyết chí, tinh tấn dõng mãnh mới được, động cơ chính là hướng đến mục đích giải thoát rốt ráo. Cạo đầu thì dễ, cạo tâm thì khó. Vào đạo thì dễ, hành đạo thì khó. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng không có chiếc áo thì khó mà thành ông thầy được! Để giải thích rõ về động cơ xuất gia chân chính này, chúng tôi xin kể về trường hợp 1 người đệ tử Phật tên là Lại-tra-hòa-la,[5] người nướcc Câu-lâu-sấu (P. Kurusa), là con 1 trong gia đình trung lưu giàu có, sau khi nghe giáo pháp giải thoát của đức Phật, xin cha mẹ cho phép xuất gia, nhưng rất tiếc những lời thưa thỉnh này cha mẹ không đồng ý cho phép, vì nghĩ cho con đi xuất gia rồi thì sau này ai sẽ là người nối dõi tông đường cai quản gia tài này. Lại-tra-hòa-la đã 5 lần 7 lượt xin, nhưng cha mẹ cũng không đồng ý, đến mức đường cùng bèn cách tuyệt thực, không ăn không uống suốt nhiều ngày; do vì sợ người con trai yêu quý nhịn đói như vậy sẽ kiệt sức chết mất, nên cha mẹ cuối cùng cũng phải chấp nhận cho Lại-tra-hòa-la xuất gia theo Phật.

c. Ố tâm xuất gia (động cơ xuất gia bất chánh)

Những hạng người xuất gia không chân chính này, thời Phật còn tại thế cũng như đến ngày nay không thời nào mà không có. Xuất gia vì mục đích cá nhân, có thể vì những lý do không may mắn nào đó trong đời; bị phụ tình chẳng hạn, nên xuất gia chờ thời cơ; cũng có người xuất gia vì mượn đạo tạo đời, coi như 1 nghề để kiếm sống nuôi gia đình v.v…

2. Bốn hạng người xuất gia

a. Chánh văn

Vua lại hỏi: “Có phải hết thảy các vị sa môn đều vì muốn diệt khổ não đời này và đời sau nên mới xuất gia làm sa-môn hay chăng?

Na-tiên đáp: “Không phải vậy. Thật ra, những người xuất gia làm sa-môn có bốn hạng khác nhau”.

Vậy, 4 hạng người xuất gia đó là gì, chúng ta lần lượt tìm hiểu.

b. Lược giải

Thứ nhất, có người do nơi mắc phải nợ nần nên xuất gia để tránh né.

Đối với hạng người này, vì quá đam mê việc buôn bán kinh doanh lợi nhuận; mượn chỗ này đắp qua chỗ kia, vay chỗ này bù qua chỗ nọ, đến lúc không còn chỗ để vay để bù nữa, làm ăn thua lỗ, con nợ đến đòi, không có tiền trả, bèn nghĩ ra 1 cách là cạo đầu vào chùa để núp bóng từ bi nơi cửa Phật, để xóa đi nợ cũ, con người cũ, hiện tại như là 1 con người mới, coi như trước kia chưa hề hấn nợ nần ai bao giờ, suy nghĩ 1 cách cạn cợt, thiểu trí, đơn giản đùa chơi như thế. Nhưng Pháp luật nhà nước, đâu hồ dễ gì cho phép để yên như vậy được. 

Thứ hai, có người vì phạm phép nước nên sợ mà xuất gia để lẩn tránh.

Thời đức Phật còn tại thế, hàng ngũ tu sĩ Phật giáo hay Tăng đoàn đều quy y nương tựa theo Phật, các bậc vua chúa cũng là đệ tử tại gia thâm tín của đức Phật, như vua Tần-bà-sa-la hay Bình-sa vương và vua Ba-tư-nặc. Cho nên, có vị tăng nào phạm phải điều gì, nhưng khi nghe đến đệ tử xuất gia hay Sa-môn của đức Cồ đàm thì họ kính nể đức Phật liền tha thứ bỏ qua. Vì vậy chúng ta thấy, số lượng Tăng đoàn ngày càng đông, nên theo đó cũng sinh ra nhiều tệ nạn.

Ngày nay, có những người phạm phải Pháp luật nhà nước, như lừa đảo, lường gạt, trộm cắp, giết người cướp của trốn lệnh truy nã, bèn cách người này thay hình đổi dạng, thay tên đổi họ, đóng kịch biểu hiện khuôn mặt hiền lành, siêng năng tháo vác, xin vào chùa xem như là nơi an toàn để lẩn tránh xuất gia.

Thứ ba, có người vì quá nghèo khổ nên xuất gia để được có cơm ăn, áo mặc.

Vấn đề cơm áo gạo tiền là nỗi vất vả lo toan của con người trong cuộc sống hàng ngày. Thời đức Phật, ngài luôn thâu nhận đệ tử 1 cách bình đẳng, không phân biệt giai cấp, trong đó có giai cấp cùng đinh Thủ-đà-la và Chiên-đà-la. Điều nổi bậc, đáng được noi gương vị tôn giả Ưu-ba-ly, người đại diện cho giai cấp nghèo khổ, bằng sự tinh tấn nỗ lực hành trì Thiền định, nên Ngài đã chứng đạt quả vị A-la-hán và được tôn là “Trì giới đệ nhất” (1 trong thập đại đệ tử Phật, theo Nam truyền).[6] Với tinh thần từ bi bình đẳng trên con đường giải thoát, đức Phật đã cho phép và nhận người xuất gia trong các tầng lớp trong xã hội, nên đôi lúc đức Phật đã bị hàng vua quan không hài lòng, xem như là đảo ngược trật tự xã hội thời bấy giờ, truyền thống Ấn-độ hàng ngàn năm, nhưng sau đó hiểu được lời giải thích của Phật, họ hoan hỷ tán thán, chấp nhận.

Về sau, có những gia đình vì con quá đông, kinh tế gia đình chật vật khó khăn, quanh năm suốt tháng làm không đủ ăn, áo không đủ mặt, nên cho con đi tu, được xem như là nhẹ bớt phần trong bữa ăn cho gia đình, chứ chẳng tha thiết cầu đạo giải thoát gì? Tuy nhiên tại các vùng quê, dù gia đình có khó khăn, con đông, nhưng họ cũng không muốn cho con họ vào chùa; bố thí cho thì họ xin cảm ơn, chứ nói cho con đi tu thì họ khước từ, đây là trường hợp được xem như là do phước báu căn cơ nhân duyên của mỗi người vậy. 

Thứ tư, những bậc chân chánh xuất gia, vì muốn trừ diệt hết khổ não đời này và đời sau, nên mới xuất gia làm Sa-môn.

Trường hợp thứ tư, là vì theo 5 đức cao cả[7] nên xuất gia để cầu mong giải thoát sớm vượt ra sanh tử luân hồi, khổ đau. Không muốn khổ trong đời này và đời sau, đời hiện tại và đời tương lai. Như vậy, y theo Giới luật mà đức Phật đã chế định, thì người xuất gia chân chánh là người có cuộc sống đời phạm hạnh, 3 y 1 bình bát, thiểu dục tri túc, nhưng trong tâm vẫn thấy an lạc hạnh phúc thảnh thơi, yên vui giải thoát; sống đời vô ngã, không giận không  hờn không oán trách, rải tâm từ luôn yêu thương hỷ xả với tất cả mọi người, dù người thân hay kẻ sơ, mọi loài chúng sanh, sống đời vô dục, ngày cũng như đêm luôn luôn niệm nghĩ về con đường chân lý Thánh, nhớ nghĩ Phật Pháp Tăng, Tam bảo quý vô cùng, tâm ý luôn tư duy quán tưởng hướng đến chân trời cao rộng. Đừng để tâm rong chơi nơi miền hoang dã quá độ, mà phải “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”[8]. Như lời Tổ Quy Sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, pháp túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiệp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.[9]  Nghĩa là: Luận người xuất gia là người cất bước đến cõi siêu việt, thân tâm khác tục, nối thạnh dòng Phật, nhiếp phục ma quân, mong đền bốn ơn, cứu giúp ba cõi.

Như vậy, trong 4 hạng người mà thầy Na tiên nói ở trên, thì hạng người xuất gia thứ tư, gọi là người hảo tâm xuất gia, hay còn gọi là động cơ của sự xuất gia chân chánh; 3 hạng người còn lại gọi là xuất gia với động cơ không chân chánh, còn gọi là ố tâm xuất gia.

Về phương diện so sánh đối chiếu văn bản học, thì chúng ta thấy trong các bản dịch, có sự thêm bớt đôi chút, nhưng sự thêm hoặc bớt ấy cũng không đáng kể, không làm mất đi tầm quan trọng nội dung tư tưởng của kinh.

Chẳng hạn như bản Pāli và bản dịch Anh ngữ, liệt kê có 5 hạng xuất gia: 1. Một số xuất gia vì sợ hãi đức vua. 2. Một số xuất gia vì sợ hãi kẻ đạo tặc. 3. Một số xuất gia vì bị hành hạ bởi nợ nần. 4.  Một số xuất gia vì mục đích nuôi mạng. 5. Những người nào xuất gia chân chánh, những người ấy xuất gia với mục đích này.

Bản dịch HT Giới Nghiêm, có 7 hạng: 1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước. 2. Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang. 3. Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng. 4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo. 5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch. 6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ. 7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não. Còn bản chữ chữ Hán thì có 4 hạng xuất gia như đã nêu trên.

IV. Kết luận

Mục đích xuất gia hay đi tu không phải là để trốn chạy cuộc đời thực của mình, để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng xa xăm nào đó, mà là tự mình tu hành giải thoát và trợ giúp người khác cùng giải thoát trong đời này và đời sau; lấy việc tự độ – độ tha cùng giải thoát làm mục đích lý tưởng. Cho nên, “xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải việc quan tướng có thể làm được”. Điều này cho thấy, xuất gia là việc làm vô cùng trọng đại như thế nào? Bởi lẽ, “xuất gia hoằng Thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân”.


Tham khảo & chú thích

[1] Xem Trung Bộ kinh, 2- Kinh Tất cả các lậu hoặc.

[2] HT. Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, (quyển hạ), 1992, tr. 523.

[3] Thực Dụng Phật Học Từ Điển; Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tặng, 2013, tr. 505. (出家(術語)出離在家之生活修沙門之行也.維摩詰經弟子品曰: “我聽佛言,父母不聽,不得出家. 同方便品曰: “維摩詰言:然汝等便發阿耨多羅三藐三菩提心是即出家).

[4] HT. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật học Hán Việt, (quyển II), 1994, tr.1903. Xem thêm Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, (quyển III), 1997, tr. 685.

[5] Xem thêm Tuệ Sỹ (dịch & chú), Trung A Hàm, 132-Kinh Lại-tra-hòa-la, nxb: Phương đông, 2013, các tr. 1287-1314.

[6] Thập đại đệ tử Phật: 1, Tôn giả Đại Ca Diếp, Đầu đà đệ nhất. 2, Tôn giả Xá Lợi Phất, Trí tuệ đệ nhất. 3, Tôn giả Mục Kiền Liên, Thần thông đệ nhất. 4, Tôn giả Ca Chiên Diên, Luận nghị đệ nhất. 5, Tôn giả A Nan Đà, Đa văn đệ nhất. 6, Tôn giả A Na Luật, Thiên nhãn đệ nhất. 7, Tôn giả La Hầu La, Mật hạnh đệ nhất. 8 Tôn giả Tu Bồ Đề, Giải không đệ nhất. 9, Tôn giả Phú Lâu Na, Thuyết pháp đệ nhất. 10, Tôn giả Ưu Ba Ly , Trì giới đệ nhất. Xem thêm Thích Minh Tuệ, Thập Đại Đệ Tử Phật, Nxb: Sàigòn, 1991.

[7] Ngũ đức xuất gia: Nhất giả phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố; nhị giả hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố; tam giả cát ái từ thân, vô thích mạc cố; tứ giả ủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố; ngũ giả chí cầu đại thừa, vị độ nhân cố. Xem thêm: 大正新脩大正藏經 Vol. 16, No. 707. 佛說出家功德經.

[8] Kinh Di Giáo.

[9] 夫出家者。發足超方。心形異 俗。紹隆聖種。震懾魔軍。用 報四恩。拔濟三有。

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo