Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 7: Vì Sao Phải Lo Tu Hành (phần 1)

(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷下, dòng 28, tr. 19. Bài 7 – Vì sao phải lo tu hành, quyển hạ, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 282-283. Bài 30 – Phải sớm làm điều lành, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 101-102).

I. Chánh văn

王復問那先。卿曹用何等故行學道作沙門。

Vua lại hỏi: “Sa-môn các ngài vì sao phải xuất gia lo việc tu hành, học đạo?”

那先言。我以過去苦, 現在苦, 當來苦。欲棄 是諸苦。不欲復受更。故行學道作沙門。

Na-tiên đáp: “Chúng tôi vì thấy những sự khổ não trong quá khứ, trong hiện tại, biết là sẽ khổ trong tương lai, nên muốn dứt sạch các nỗi khổ đó, không muốn phải thọ nhận trở lại nữa. Vì vậy mà xuất gia tu hành học đạo.”

王復問那先。苦乃在後世。何為豫學道作 沙門。

Vua lại hỏi: “Việc khổ não mà ngài nói đó là thuộc đời sau, vì sao đời này lại phải lo tu?”

那先問王。王寧有敵國怨家欲相攻擊不。

Na-tiên hỏi: “Này đại vương, ngài có những kẻ thù địch nào thường muốn chờ dịp đến đánh phá chăng?”

王言。然。有敵國怨家。常欲相攻擊也。

Vua đáp: “Tất nhiên là có. Những nước đối nghịch với trẫm thường luôn chờ dịp thuận tiện để đem quân đánh phá.”

那先問王。敵主臨來時。王乃作鬥具備守 掘塹耶。當豫作之乎。

Na-tiên hỏi: “Vậy đại vương đợi quân địch đến, rồi mới lo chuẩn bị việc chống cự, hay phải lo dự phòng mọi việc từ trước?”

王言。當豫有儲待。

Vua đáp: “Phải lo dự phòng, chuẩn bị chờ sẵn.”

那先問王。用何等故豫作儲待。

Na-tiên hỏi: “Vì sao phải lo dự phòng, chuẩn bị chờ sẵn?”

王言。備敵來無時故。

Vua đáp: “Vì không thể biết quân địch sẽ đến lúc nào.”

那先問王。 敵尚未來何故豫備之。

Na-tiên hỏi: “Quân địch chưa đến chuẩn bị trước để làm gì?”

那先復問王。飢乃田種,渴乃掘井耶。

Na-tiên lại hỏi: “Này đại vương, có thể đợi khi đói mới đi cày ruộng, gieo giống; lúc khát mới đi đào giếng chăng?”

王言。皆當豫作之。

Vua đáp: “Không. Đều phải dự phòng, lo tính từ trước.”

那先言。尚未飢渴。何故豫作調度。

Na-tiên nói: “Quân địch còn chưa đến, sao phải lo chuẩn bị? Chưa đến lúc đói khát, sao phải lo dự phòng?”

王言。善哉。

Vua tán thán: “Hay thay!”

II. Đại ý

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều có suy nghĩ, tư duy khác nhau, có người giác ngộ cảnh vô thường chết chóc, tang thương của những người thân xung quanh rồi phát tâm xuất gia tu hành, cầu mong thoát ly sanh tử, hạng người này gọi là “giác ngộ trước rồi xuất gia sau”. Cũng có người xuất gia tu hành theo giáo lý Phật đà rồi sau mới giác ngộ lý vô thường, hạng người này gọi là “tu trước rồi giác ngộ sau”. Trong hai hạng người nêu trên, thì hạng người thứ nhất mà thầy Na tiên muốn nói đến trong bài kinh này, trước mắt chúng ta thấy bao nỗi khổ niềm đau, cái quả khổ trong hiện tại là nhân của quá khứ đã gây nên, do đó muốn quả đời sau (tương lai) hết khổ thì trong đời này phải lo gieo nhân lành giống ngọt, tạo dựng cho mình 1 cuộc sống lành mạnh, thánh thiện ngay trong kiếp hiện tại bây giờ, chứ đừng chần chừ khi cái chết cận kề gần đến rồi mới lo tu, kẻo không kịp.  

 III. Nội dung

1. Khái niệm Sa-môn là gì?

a. Chánh văn

王復問那先。卿曹用何等故行學道作沙門。

Vua lại hỏi: “Sa-môn các ngài vì sao phải xuất gia lo việc tu hành, học đạo?”

b. Lược giải

Con người sống ở đời, có những quan điểm cho rằng, chết là hết – là không còn gì để nói nữa, thân tứ đại trả về cho tứ đại, không còn lưu dấu gì trong cõi nhân gian này, quan điểm như vậy gọi là người chấp đoạn; còn có người cho rằng, linh hồn (thần thức theo Phật giáo) con người tồn tại mãi mãi, hễ kiếp này làm con nhà giàu thì kiếp sau cũng trở lại con nhà giàu, con quan thì lại làm quan, những suy nghĩ như thế này, khoa học ngày nay gọi là người sống lạc hậu, tư duy thiếu khoa học, kém tâm linh, yếu tinh thần, học hiểu về đạo lý như thế thì gọi là người chấp thường. Đây là những tư duy suy nghĩ tiêu cực tệ hại nhất, mà đức Phật đã từng bác bỏ lên án hơn 26 thế kỷ về trước, thay vào đó đức Phật đưa ra con đường Trung đạo hay 12 mắt xích sự sống (12 nhân duyên), nhằm giải thích rõ về sự sinh thành triển chuyển của kiếp người, đồng thời phá vỡ 2 thái cực, bất cập và thái quá dẫn đến sự lũng đoạn tâm trí mê mờ khổ đau.

Cho nên, chiếu theo luật nhân quả để nói về xưa và nay không hề khác: “hễ ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”; “đi với Phật mặc áo cà-sa, còn đi với ma thì mặc áo giấy”; nghiệp nhân ai làm thì nghiệp quả tự lãnh chịu lấy, đức Phật ra đời mục đích là gì? “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”[1], nhưng oái ăm thay, cuộc đời này nghiệp cảm của chúng sanh quá nặng nề, gọi là “nặc mùi dục giới” (S. Kāma-dhātu; C. 欲界). Đời này xuất gia tu hành học đạo, trai giới trang nghiêm, tịnh tu tam nghiệp chỉnh tề, giới luật không hề sứt mẻ, gieo nhân lành duyên tốt thì tin chắc chắn rằng 100% sẽ hưởng quả ngọt, chất lượng cao, đó là điều hiển nhiên, nếu hiện tại chưa nhận, thì tương lai sẽ đến, hạt giống thiện vẫn còn đó chứ không mất đâu hết. Cổ đức có câu: “Mưa xuân nhỏ hạt đất tâm ước, hạt đậu năm xưa hé miệng cười”.

Đệ tử Phật tuy có nhiều chúng, xuất gia và tại gia, theo giới luật thì chúng xuất gia gồm có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di ni. Đệ tử tại gia thì có Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Người xuất gia thì có nhiều thuận lợi điều kiện cơ duyên để tu hành học đạo hơn so người Phật tử tại gia, vì phần lớn vướng vào duyên trần ràng buộc gia đình chồng vợ con cái, nên ít có điều kiện thời gian thuận tiện tu tập như người xuất gia được.

Vì mục kích thấy rõ được mối nguy hiểm sợi dây ái ân vô hình ràng buộc con người trôi lăn trong biển khổ tam giới, nên Thái tử Tất-đạt-đa quyết chí vượt dòng sông A-nô-ma, cạo bỏ râu tóc xuất gia tu hành vào đêm 8/2/525 Tr.TL, tròn 19 tuổi (theo phật giáo Bắc truyền, còn Phật giáo Nam truyền 29 tuổi), mà động cơ – nguyên nhân khiến Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia làm sa môn đó là gì? Trước đó thái tử đã chứng kiến thấy những cảnh vô thường sanh già bịnh chết và vị Tu sĩ ở bốn cửa thành sau những lần đi dạo:

– Thái tử đi về cửa thành phía Đông gặp một người già.

– Về cửa thành phía Nam gặp một người bệnh.

– Về cửa thành phía Tây gặp một người chết.

– Về cửa thành phía Bắc gặp một vị Tu sĩ, Ngài quyết định rời bỏ ngôi báu, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, để lên đường tầm đạo.[2]

Chính vì lẽ đó, mà vào lúc nửa đêm trước khi rời hoàng cung, Thái tử vào phòng để từ giã vợ đẹp con ngoan. Thử hỏi lúc này nàng Da-du-đà-la có biết Thái tử vào không? Biết, nhưng đành phải gạt lệ, ngậm đắng nuốt cay hy sinh vì lý tưởng của người chồng. Thơ rằng:

“Da du ơi! xin em đừng khóc nữa,

Để anh đi tầm đạo cứu nhân sinh,

Tình ta đẹp mai sau khổ,

Lưu luyến làm chi một bóng hình,

Đêm nay khép cánh tình riêng lại,

Mở cánh tình chung rải ánh vàng”.

Sau đó Ngài cùng Xa-nặc hướng về cửa phía Đông vượt thành xuất gia. Khi vượt qua khỏi dòng sông A-nô-ma, Ngài tự cạo bỏ râu tóc và khoác lên mình chiếc áo Sa-môn.

Như vậy, ở đây danh từ Sa môn là chỉ chung cho những người xuất gia dù theo truyền thống hay tôn giáo đạo phái nào, vì tu sĩ Bà-la-môn cũng gọi là Sa-môn. Cho nên, để hiểu rõ, có sự phân biệt rạch ròi  hơn về cách dùng từ đặt đúng vị trí, chúng ta cần có khái niệm về Sa-môn là gì?

Sa-môn (S. Śramaṇa; P. Samaṇa; E. Recluse, monk; C. 沙 門), śramaṇa có động từ gốc là śram, nghĩa là  sự tinh tấn, nỗ lực trong đời sống phạm hạnh, nghiêm trì tịnh giới.

Trong  học thuyết Veda, danh từ Sa-môn là chỉ chung cho các tu sĩ hay đạo sĩ. Như vậy, nói đến Sa-môn là nói đến những đối tượng muốn thoát ly để tu tập. Nhưng đối với đức Phật, khái niệm Sa-môn không chỉ đơn thuần là những tu sĩ chung chung, mà là những tu sĩ có mục đích tu tập và đối tượng chứng đắc (giải thoát). Chính vì thế, trong phạm vi ý nghĩa này, Sa-môn được dùng để chỉ cho các Tăng sĩ Phật giáo hay nói đầy đủ phải là “Sa-môn Thích tử”, khác với Sa-môn của Bà-la-môn giáo là vậy.

Trong kinh Pháp cú câu 264, đức Phật chỉ rõ về hạng Sa-môn thông qua chiếc áo và đầu tròn đó gọi là ô trược Sa-môn hay lạm xí Sa-môn:

“Đầu trọc, không Samôn,

Nếu phóng túng nói láo.

Ai còn đầy dục tham.

Sao được gọi Sa-môn.[3]

Cũng trong Kinh này, kệ số 9, đức Phật đã phản ánh khá sinh động về những phần tử cả thân lẫn tâm chưa hề xuất gia, mà lúc nào cũng hiu hiu tự đắc cống cao ngạo mạn, gặp ai cũng tự cho mình là xuất gia:

Ai mặc áo ca-sa,

Tâm chưa rời uế trược.

Không tự chế, không thực,

không xứng áo ca-sa.

Thì hạng người này thông thường người ta gọi là “cáo mượn oai hùm”. Bên cạnh đó, cũng trong kinh này, kệ số 265, đức Phật đã tán thán khen ngợi những hạng người xuất gia làm Sa-môn về uy nghi hình tướng bên ngoài và tâm thoát tục bên trong cả hai đều xứng đáng đi trên con đường Thánh giải thoát an vui:

“Ai lắng dịu hoàn toàn,

Các điều ác lớn nhỏ,

Vì lắng dịu ác pháp,

Dược gọi là Sa-môn”.

Trongkinh 42 chươngcòn đưa ra một mẫu Sa-môn Thích tử lý tưởng và toàn bích đó là: “Từ thân xuất gia, thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp, danh viết Sa-môn.[4] Nghĩa là: Những người từ giã gia đình đi xuất gia phải nhận biết tự tâm, rõ biết bản tính, chứng ngộ pháp vô vi, mới xứng đáng là Sa-môn.

Đầy đủ và cụ thể hơn, trong kinh Tương Ưng đức Phật dạy một người Sa-môn mẫu mực sống đời phạm hạnh, đoạn tận các tùy miên, lậu hoặc, liễu tri các pháp, chứng ngộ đạo quả giải thoát, chúng ta hãy nghe đức Thế Tôn dạy về điều đó:

“Do mục đích đoạn tận tam độc, con đường đưa đến đoạn tận tam độc, phạm hạnh được sống dưới sa môn Gotama… Vì mục đích nhổ sạch các tùy miên, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì mục đích liễu tri hành lộ, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì mục đích đoạn tận các lậu hoặc, chứng ngộ được quả giải thoát, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không còn chấp thủ, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn.”[5]

Hơn thế nữa, đời sống phạm hạnh thanh tịnh của Sa-môn còn là một nếp sống thiểu dục, tri túc, tiết độ, tỉnh giác trong mọi hoạt động, luôn chú tâm quán tưởng nghĩ về chánh pháp. Bởi vì “Pháp là con đường sáng, dẫn người thoát cõi mê, đưa chúng con trở về, sống cuộc đời tỉnh thức”. Như đoạn kinh dưới đây mô tả:

“Vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói phô tạp nhạp. Luôn hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác. Không thờ ơ với hạnh sa môn, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí huệ.”[6]

Như vậy, để trả lời câu hỏi của vua Di-lan-đà nêu trên, thầy Na tiên đã ứng đáp 1 cách rất nghiêm túc, thẳng thắn không chút phần do dự, vừa mang tính thiết thực hiện tại lại xác quyết rõ ràng mục đích của người xuất gia tu hành học đạo.

那先言。我以過去苦,現在苦,當來苦。欲棄 是諸苦。不欲復受更。故行學道作沙門。

Na-tiên đáp: “Chúng tôi vì thấy những sự khổ não trong quá khứ, trong hiện tại, biết là sẽ khổ trong tương lai, nên muốn dứt sạch các nỗi khổ đó, không muốn phải thọ nhận trở lại nữa. Vì vậy mà xuất gia tu hành học đạo.”

Cái khổ của con người luôn theo chúng ta từ vô lượng kiếp, vì chúng ta chưa giác ngộ, vượt qua sự đối đãi của hơn thua, bỉ thử,  chi phối bởi thất tình lục dục, nên khổ đau vẫn mãi là khổ đau. Kinh Lăng nghiêm: “Nhất thiết chúng sanh, tòng vô thủy lai, sanh tử tương tục, giai do bất tri, thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng; thử tưởng bất chân, cố hữu luân chuyển. Nghĩa là: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay chịu sanh tử tương tục, do vì không nhận ra chơn tâm thường trụ, thể tánh vốn trong sạch sáng suốt, mà nhận lầm các vọng tưởng. Các vọng tưởng này vốn chẳng chân thật, thế nên bị luân chuyển.

Cái khổ này luôn xoay vần trong 3 thời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta nhìn về phương diện nhân – quả. Quá khứ là nhân và hiện tại là quả; hiện tại gieo nhân và tương lai là quả, cứ như vậy chúng xoay vần tạo nên 1 vòng tròn khép kín. Con người theo đó cứ triển chuyển mãi từ đời này qua đời khác, từ kiếp kia qua kiếp nọ. Chứng đạo ca, ngài Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713 S.TL) nói: “Kỷ hồi tử, kỷ hồi sinh; Sinh tử du du vô định chỉ…” Nghĩa là: Việc sinh tử kể sao cùng số; Tử rồi sinh, sinh tử lững lờ trôi…

Cho nên, cảnh tượng cuộc đời luôn diễn ra trước mắt cho chúng ta thấy bao nhiêu cảnh khổ, bao nhiêu con người thì bấy nhiêu nỗi khổ, khổ này chồng chất lên khổ kia. Trong 12 mắt xích sự sống, “vô minh duyên hành… duyên lão tử, sầu bi khổ ưu não”, chỉ cần đoạn trừ – chặt đứt 1 mắt xích thì vòng tròn sanh tử khổ đau sẽ vô hiệu hóa. Vì thế, người trí luôn luôn sống trong sự tĩnh thức, khôn ngoan trước cạm bẩy của giặc ngũ dục, phòng hộ các căn môn,[7] khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần không cho nó nảy sinh vọng tưởng điên đảo, cuồng tham, cuồng sân, cuồng si xỏ mũi dẫn dắt, mà phải sống tĩnh táo, cảnh giác trong từng sát-na ý niệm, như trong kinh Pháp cú, đức Phật thường khuyên dạy đệ tử  rằng:

Tinh cần giữa phóng dật,

Tỉnh thức giữa quần mê.

Người trí như ngựa phi,

Bỏ sau con ngựa hèn.”[8] 

Người trí phải biết được nhân mà mình đã tạo, đang tạo và sẽ tạo cho ra kết quả như thế nào trong đời này cũng như tương lai? Cho nên, “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”.  Đó là lý do của người xuất gia làm Sa-môn tu hành học đạo để thoát ly sanh tử luân hồi, không muốn thọ cảnh khổ đời này, đời sau và nhiều đời sau nữa, mà thầy Na tiên đã giải thích cho vua Di-lan-đà trong ý nghĩa này là vậy.

Còn tiếp…


Tham khảo & chú thích

[1] Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ hai.

[2] Xem Trung Bộ Kinh, 26. Kinh Thánh cầu.

[3] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb: Tôn giáo, 2006.

[4] 辭親出家。識心達本。解無為法。名曰沙門。Bản Anh ngữ: “Those who take leave of their families, and renounce the secular life, who know their mind, penetrate to its origin, and understand the unconditioned Dharma, are called shramanas.

[5] Tương Ưng Bộ V, các tr. 28-30.

[6] Tăng Chi Bộ II, tr. 206.

[7] Xem thêm Kinh Trung Bộ, 2- Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc.

[8] Kinh Pháp Cú, câu 29.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo