Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 7: Vì Sao Phải Lo Tu Hành (phần 2)

(tiếp theo & hết)

2. Nhân tu hành học đạo, quả hưởng phúc an vui

a. Chánh văn

王復問那先。苦乃在後世。何為豫學道作 沙門。

Vua lại hỏi: “Việc khổ não mà ngài nói đó là thuộc đời sau, vì sao đời này lại phải lo tu?”

b. Lược giải

Chúng ta biết rằng, không hẳn ngẫu nhiên mà vua Di-lan-đà hỏi những điều đó với thầy Na tiên, với 1 người mẫn tiệp, thông minh trí tuệ như vua Di-lan-đà không hiểu gì về những tư tưởng bình thường như vậy hay sao? hà cớ gì phải hỏi thầy Na tiên về điều ấy làm gì? nhưng cách hỏi của người trí và cách trả lời của người thông tuệ mang tầm sáng suốt quyết đoán vững vàng, phải rào trước đón sau, nói năng kín kẽ, dùng mọi lý lẽ một cách khéo léo. Thế thì, cái khổ của của đời trước và đời này có dính líu gì với đời tương lai chăng? nỗi khổ niềm đau của đời sau có liên quan gì đến đời hiện tại này? và vì sao đời này phải lo tu? đây là những hoài nghi, thắc mắc mà vua Di-lan-đà cần phải nhờ thầy Na tiên làm sáng tỏ, đả thông tư tưởng.

Nên biết việc làm của ngày hôm nay là đang gieo nhân để ngày mai thọ nhận quả, và việc làm của ngày mai là sẽ gieo nhân để cho ngày kia đón nhận quả, cứ như thế tương tục nối tiếp nhau. 

Người trí luôn lo sợ những việc làm, cái nhân mà mình đã gieo trong ý niệm hàng ngày, không biết có phù hợp với lời Phật, lời chư Tổ dạy hay không? có làm tổn thương đến người đến vật hay không? bởi sao vậy? vì Sa-môn, đệ tử Phật mà làm phiền muộn não hại đến người khác thì không phải là Sa-môn chính hiệu. Bởi lẽ:

Nhẫn nhục đệ nhất đạo,

Phật thuyết vô vi tối,

Xuất gia não tha nhân,

Bất danh vi Sa-môn.”

Đó là cách hành xử của người trí; còn người phàm phu kém trí thiếu hiểu biết thì trái lại, họ sợ cái quả đến với họ hơn là sợ nhân. Thế nên,  “Bồ-tát thì sợ nhân, còn chúng sanh thì sợ quả” nghĩa là vậy. Do đó, việc đời cũng như việc đạo, cái gì cũng phải lo chuẩn bị trước, chứ không thể để nước tới chân rồi mới chạy; thực tế cho chúng ta biết, tại các Tỉnh thành miền trung Việt Nam thường hay xảy ra nạn lũ lụt, nên mọi người phải lo chuẩn bị đề phòng chống lũ, đắp đê ke bờ, vì không biết thiên tai ập đến bất cứ lúc nào, quy luật tự nhiên thành trụ hoại không hay sanh trụ dị diệt; quy luật đối với kiếp sống con người gọi là sanh lão bịnh tử, cuộc đời là vô thường biến đổi mấy nỗi tang thương, như cánh bèo dạt mây trôi. Với ý nghĩa đó, Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018) nói:

Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ hoa tươi tốt thu qua rụng rồi,

Sá chi suy thịnh cuộc đời,

Thịnh suy như giọt sương mai đầu cành.

Vâng, không ai thoát khỏi cảnh tượng quy luật vô thường, tuy nhiên đối với người có trí, việc cần làm thì nên làm, sống trong đời này là chuẩn bị cho những gì tốt đẹp nhất, cảnh trí thảnh thơi, an nhiên thong dong nhẹ nhàng nhất cho đời kế tiếp. Việc tu hành cũng không ngoại lệ, lo tu tập làm nhiều việc phúc thiện, gieo thật nhiều hạt giống công đức trong đời này gọi là “vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Nghĩa là: Cửa muôn hạnh thì việc gì cũng phải làm, không bỏ dù một việc nhỏ; nhổ 1 cọng cỏ, nhặt 1 chiếc lá cũng là tu tập,  được như vậy để làm nhân tố tiền đề cho tương lai gặt hái thu lượm xứng đáng quả lành trái ngọt, đó là nói những người bậc trí, biết vun vén chăm bón cây phước đức của mình đang trồng, đang tu tập, đang gầy dựng.

Tuy nhiên, có điều không phải ai xuất gia làm Sa-môn cũng giống như vậy cả, thử nghĩ đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, trên  toàn quốc có hơn 90 triệu dân, vậy được bao nhiêu người xuất gia, bao nhiêu người trẻ xuất gia, chưa kể những người trung niên, lớn tuổi xuất gia, rồi được bao nhiêu người tham học nơi các trường Phật học, rồi được bao nhiêu người thực hành theo như lời của thầy Na tiên nói chuyện với vua Di-lan-đà cách đây 21 thế kỷ về trước. Có điều việc tu hành là do lòng tự nguyện, tự ý và tự giác phát tâm của mỗi người, trong giáo lý nhà Phật, tam tạng Thánh điển không có trường hợp nào gọi là bắt buộc xuất gia bao giờ. Cho nên, việc tu hành là “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”, “đường sanh tử hồn ai nấy giữ”. Đức Phật cũng đã từng minh thị xác quyết rằng: “Hãy tự mình nỗ lực thắp đuốc lên mà đi, đức Như Lai chỉ là người dẫn đường”.

3. Đời sau giải thoát, kiếp này gắng tu

Thay vì thầy Na tiên bằng cách trả lời trực tiếp những câu hỏi của vua Di-lan-đà đặt ra, xoay quanh vấn đề muốn thoát khỏi cảnh khổ của đời trước và đời sau, nên ngay trong đời hiện tại này phải lo tu, thì thầy Na tiên đã dẫn chứng 1 số ví dụ minh họa, cho vua Di-lan-đà thấy rõ, cái gì cũng phải có sự chuẩn bị, đề phòng trước, đó là phương pháp khả thi hiệu quả nhất.

Nói theo danh từ Tư pháp ngày nay, trong quân sự chiến trường, không thể đợi khi quân địch tiến sát biên giới, xâm nhập vào các làng mạc thành quách rồi vua mới cho các quân tướng triệu tập binh lính lại để lo tập luyện đánh trận. Không biết tới khi đó còn chuẩn bị kịp hay chăng? còn đủ tinh thần để tập luyện nữa không? Hay là hồn xiêu phách lạc.

Trong lĩnh vực đắp đê canh tác kinh tế, tăng gia sản xuất, đợi đến khi dân chúng chết đói rồi vua mới cho người lo việc cày ruộng, gieo mạ trồng lúa? thì thử hỏi có giải quyết được vấn nạn cứu đói kịp hay không?

Trong lĩnh vực thủy lợi cung cấp nguồn nước, đợi cho đến khi mọi người khát nước rồi vua mới sai khiến phải lo đào giếng để có nước uống, thì thử hỏi cung cấp được nguồn nước để uống liền hay không?

Cũng vậy, trong việc học hành, thi cử, không thể đợi đến giờ phút sắp thi rồi thí sinh mới lo soạn bài học bài hay sao? Việc không ngoại lệ, trong lộ trình tu tập giải thoát, đợi đến khi nào cận kề giờ phút sanh tử, cái chết trước mặt rồi mới lo tụng kinh niệm Phật lạy Sám hối hay sao? v.v… có rất nhiều trường hợp tương tự mà thầy Na tiên được nêu ra ở đây, để dẫn chứng minh họa cho vua Di-lan-đà hiểu rõ hơn việc đạo cũng như đời, và việc đời cũng không khác đạo; việc lớn cũng như việc nhỏ và việc nhỏ cũng như việc lớn, cái gì có sự chuẩn bị trước, sắp xếp lo tính trước thì mức an toàn hiệu quả luôn đạt được giá trị cao hơn. Bởi lẽ, việc đạo cũng như chuyện đời tuy hai nẻo nhưng cùng một thể viên dung.

Xưa nay việc nước việc nhà,

Cứu dân giúp nước sao mà chẳng nên.

Luật rằng phương tiện xảo quyền.

Từ bi lợi vật pháp truyền xưa nay.”

Việc tu hành con đường vượt thoát khổ đau cũng như thế, “sanh tử sự đại vô thường tấn tốc”, chúng ta không nên ngồi đó mà chần chứ tính thời gian trên ngón tay, lãng phí thời giờ, để thời gian luống qua 1 cách vô ích, sau này dù có muốn níu kéo lại đi chăng nữa cũng không kịp, “nhất tức bất hoàn thiên thu vĩnh biệt”, sống ngày nay biết việc tu hành làm tròn trách nhiệm khả năng của 1 người con Phật trong ngày nay, không biết rằng cách ấm đời này có còn trở lại thân người với 6 căn đầy đủ trong kiếp tương lai nữa hay không? “nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục”. Từ những quan điểm này ngài Tịch thiên (Shantideva) đã nói:

“Không có sự mê lầm nào tệ hơn. Nếu không sử dụng thân này để tu tập sau khi đã được thân người như một cơ may hiếm có. Không có sự mù quáng nào lớn hơn thế nữa.

Bởi thế bạn phải nỗ lực rút tỉa một ít tinh túy từ cuộc đời này ngay bây giờ. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn bạn sẽ phải chết, và bạn không biết được lúc nào thì cái chết đến với mình.

Hiện tại chúng ta đang theo học Pháp, nhưng trong vòng một trăm năm nữa, không ai trong chúng ta còn sống sót.”[1] 

Cho nên, việc gì thì chúng ta có thể còn hứa hẹn được, chứ việc tu hành không nên hẹn chờ chậm trễ trong mỗi ý niệm công phu, đó cũng là những lời luận đạo giữa thầy Na tiên và vua Di-lan-đà cách đây hơn 21 thế kỷ về trước. Đồng thời là lời cảnh tỉnh luôn nhắc nhở những người phát tâm xuất gia chúng ta để đời sau được giải thoát, an vui, cả thân lẫn tâm không còn chịu cảnh khổ sở nơi các nẽo đường bất an khổ lụy, thì kiếp này – đời này phải gắng công nỗ lực tu hành, để báo đền ơn đức Tam bảo, hầu đáp trả 4 ơn sâu nặng trong đời: “Muốn báo ơn Phật, thì ngay đời này, hãy cố nỗ lực, dũng mãnh tinh tấn, chịu khổ chịu nhọc, không tiếc thân mạng, hộ trì Tam bảo, truyền bá đại thừa, cảm hoá chúng sanh, đồng vào biển giác.”[2]

IV. Kết luận

Người xuất gia thực đúng như lời thầy Na tiên nói với vua Di-lan-đà: “Chúng tôi vì thấy những sự khổ não trong quá khứ, trong hiện tại, biết là sẽ khổ trong tương lai, nên muốn dứt sạch các nỗi khổ đó, không muốn phải thọ nhận trở lại nữa. Vì vậy mà xuất gia tu hành học đạo.”

Đó là những điểm có thể được coi là lòng thương tưởng, sự nhắc nhở của thầy Na tiên cho tất cả mọi người, không nên rơi vào những vết lầy bánh xe thời gian, nơi đó nỗi khổ niềm đau của kiếp quá khứ bị vấp phải, nên muốn có được sự giải thoát an vui trong đời này và tương lai, thì kiếp hiện tại này đây là chúng ta đang gieo nhân phải lo tu chỉnh thân khẩu ý, gột rửa tham, sân, si, trang nghiêm Giới, Định, Tuệ vậy.   


Tham khảo & chú thích

[1] Thích Nữ Trí Hải (dịch), Giải Thoát Trong Lòng Tay, (tập 1), Nxb: Thời đại, 2010, các tr. 41-42.

[2] Kinh Thủy Sám, tr. 48.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo