Bài 8: Thấy Phật (phần 1)
(Tham chiếu: Mục V- Buddhavaggo, Phẩm Đức Phật, Milindapañhapāli, các tr. 118-119. Bài 52 – Thấy Phật. Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, tr. 215. Chapter 5, The Buddha, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, tr. 59).
I. Chánh văn
Pháp mà đức Chánh Đẳng Giác đã thuyết, pháp ấy như thế nào?
Pháp mà đức Thập Lực Tuệ đã thuyết, ai nghe và thực hành đúng đắn pháp ấy, chứng đắc pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Phật và ai thấy pháp ấy tức là thấy Phật, tâu đại vương!
Đúng như thế sao?
Chính đức Thế Tôn đã thuyết: “Ai thấy pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp.” và khi ấy, người ấy sẽ không còn hoài nghi và đặt những câu hỏi về Niết bàn, về sự hiện thân của Đức Phật, về đức hạnh, trí tuệ và sự tối thắng, vô thượng của ngài nữa, tâu đại vương!
Trẫm cũng hy vọng như vậy! Nhưng Đại đức chớ nên mắng xéo trẫm như thế.
Không dám đâu, tâu đại vương !
II. Đại ý
Pháp mà đức Phật thuyết giảng trong suốt 49 năm (theo Bắc truyền, còn 45 năm theo Nam truyền) mục đích là khiến cho chúng sanh – con người giải thoát khỏi sanh tử khổ đau, pháp đó được minh thị là: “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”. Cho nên, những ai đệ tử Phật phải ý thức rõ ràng về con đường mà chư Phật, chư thánh A-la-hán đã đi, chúng ta là những hành giả đang đi trên con đường thánh ấy. Có nghĩa là trong Tam tạng Thánh điển (kinh, luật, luận); tam Vô lậu học (giới, định, tuệ). Hễ ai thường tụng kinh, hành trì luật, nghiên tầm luận và nghiêm chỉnh giới, siêng thiền định, tuệ phát sinh, thì chúng ta đang trang nghiêm pháp Phật, đang ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai, đó cũng đồng nghĩa là làm sống lại hiện thân của đức Phật cách đây 26 thế kỷ về trước. Cho nên, muốn thấy được Phật, chúng ta phải siêng học “Tam tạng” và trau dồi “Tam học”, theo lời khuyên dạy cuối cùng của đức Phật trước khi Ngài nhập Vô dư Niết-bàn tại rừng Ta-la song thọ, xứ Câu-thi-na: “Ai thấy pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp.”
III. Nội dung
1. Giải thích chữ Pháp?
a. Chánh văn
“Pháp mà Đức Chánh Đẳng Giác đã thuyết, pháp ấy như thế nào?”
b. Lược giải
Theo lịch sử, vào đêm mùng 8 tháng Chạp năm 594 Tr.TL,[1] Bồ-tát Tất-đạt-đa tại cội Bồ-đề đã tuần tự chứng đạo quả Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh, cuối cùng ngài chứng Chánh Đẳng Giác Vô Thượng Bồ Đề, tức là thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni (S. Śākyamuni Buddha), lúc này ngài tròn 30 tuổi. Kể từ đó Ngài vận chuyển bánh xe chánh pháp làm lợi lạc, đem phúc lợi cho chúng sanh trong suốt 49 năm, khắp xứ Ấn-độ.
Theo các nguồn kinh văn hệ Pāli cũng như A-hàm, 2 tiểu bang mà đức Phật thường thuyết giảng hoằng pháp, đó là: bang Bihar và bang Uttar Pradesh, nơi có các sự kiện liên quan đến Phật giáo được đề cập đến là Bodh Gaya – Bồ đề đạo tràng, đánh dấu sự kiện lịch sử nơi đức Phật thành đạo. Kushinagar (Câu-thi-na), nơi đức Phật nhập vô dư Niết-bàn, sau đó cử hành đại lễ trà tỳ và Sarnath – còn gọi vườn lộc uyển hay vườn nai, bởi vì ở đó rất nhiều nai, nơi mà đức Phật chuyển pháp luân độ cho 5 anh em Kiều-trần-như, những người trước đó tu khổ hạnh cùng đức Phật và con sông linh thiên đối với người dân Ấn đó là sông Hằng (Ganga).
Tiểu bang Bihar này cũng là nơi quê hương sinh ra và Niết-bàn của tôn giả Xá-lợi-phất (S. Śāriputra; P. Sāriputta; C. 舍利弗). Đại học viện Nalanda gọi là Nalanda Mahavihara, trong khuôn viên học viện này hiện còn rất nhiều di tích, nền và bảo tháp của tôn giả Xá-lợi-phất. Nalanda bị quân Hồi giáo tàn phá vào năm 1193. Nói về Đại học Na-lan-đà là nơi đào tạo những nhân vật lỗi lạc Phật giáo như: ngài Long Thọ (Nagarjuna) sống thế kỷ thứ IV S.TL, ngài Atisa (980-1054) nhân vật quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Thế kỷ thứ VI ngài Huyền Trang (602-664 S.TL) đã từng đến học và giảng dạy nơi này, hiện còn lưu lại di tích phòng và nơi làm việc của ngài Huyền Trang.
Điểm qua 1 vài sự kiện lịch sử trên để chúng ta thấy rằng, những lời dạy của đức Phật luôn xuyên suốt theo thời gian, gọi là “kinh”, nghĩa đen là sợi tơ thẳng, xuyên suốt (thằng mặc, kết man), về sau thế kỷ thứ II Tr.TL, cuộc vấn đạo giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên được diễn ra, luận đàm về “pháp” mà đức Phật thuyết giảng, pháp ấy thế nào?
Về phương diện văn bản học, chúng ta hiểu nghĩa của chữ “pháp” là gì?
Giải thích chữ Pháp?
Chữ “Pháp” (S. Dharma; P. Dhamma; e. Doctrine) có nguồn gốc ngữ căn là “Dhr”, có nghĩa là nắm giữ (trì), nắm lấy, giữ gìn, giữ chặt không thay đổi, rồi từ đó nó biến chuyển 1 cách tự nhiên mà thành nghĩa ‘trật tự’, ‘pháp tắc.’ Trong Duy thức, “pháp” gọi là “nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải.”[2] Nghĩa là: bất cứ cái gì giữ gìn tánh chất riêng, để từ đó người ta có thể biết, có thể phân biệt được vật này khác với vật kia.
Tuy nhiên, chữ “pháp” này được dùng làm thuật ngữ không phải bắt đầu từ Phật giáo mà đã có từ thời đại Lê-câu-vệ-đà (ṛgveda), liên quan đến Thần linh, nên chữ “pháp” có ý nghĩa là: Trật tự, thứ đệ, cấp bậc, thứ lớp, đặc tính (tính chất riêng, không giống với tính chất các sự vật khác), quy luật, quy tắc, điều lệ, luật lệ; rồi đến thời đại triết học Áo-nghĩa-thư (upaniṣad) thì chữ “pháp” này được dùng với ý nghĩa chỉ cho đạo đức (S. Guna; E. Ethic), nhân cách, còn nghĩa trật tự, thứ đệ, cấp bậc, thứ lớp thì liên quan đến 4 hoặc 5 giai cấp.
Để phân biệt giai cấp, người ta dựa trên “pháp” để phân biệt. Brahmā (Phạm thiên) -> dharma (trật tự, thứ đệ), mà để phân biệt trật tự này là y cứ dựa vào đâu? thường y cứ theo màu da, sắc tộc con người, từ đó mới sinh ra giai cấp.
Sau thời đại Áo-nghĩa-thư đến thời đại Kinh thư thì pháp tắc, đạo đức được dùng để chỉnh lý, san định xã hội Bà-la-môn giáo, được gọi là “Pháp kinh”.
Ngang đây, để hiểu theo tuần tự, chúng ta thấy, thời đại Vệ đà gồm 4 bộ: Vệ đà: (Lê-câu-phệ-đà (Ṛgveda); Sa-ma-phệ-đà (Sāmaveda); Dạ-nhu-phệ-đà (Yajurveda) và A-thát-bà-phệ đà (Atharvaveda)) -> Phạm thư (Brāhmaṇa) -> Sâm Lâm thư (Āraṇyaka) nghĩa là “các bài văn bí mật được tụng niệm trong rừng” hoặc Áo nghĩa thư (upaniṣad) -> Kinh thư.
Như vậy, tư tưởng chủ yếu của Vệ Đà được biến đổi từ Đa thần qua Nhất thần, từ Nhất thần sang lãnh vực Triết học ngang qua ba thời đại: Vệ Đà Thiên Thư (Veda), Phạm thư (Brāhmaṇa) và Sâm Lâm thư (Āraṇyaka) hoặc Áo nghĩa thư (Upanishad).
Do đó, chữ “pháp” này trong tư tưởng Vệ đà là chỉ cho luân lý, đạo đức (nhân sinh quan), nhưng đối với Phật giáo “pháp” không chỉ dừng lại ở đó mà còn bao hàm cả ý nghĩa vũ trụ (thế giới quan). Khi luận về vũ trụ thì nó tương đương với chữ “Đạo” trong triết học Trung hoa và vũ trụ (thế giới) trong triết học Phương tây. Nếu tìm 1 chữ tương đương với chữ “đạo” và “vũ trụ”, thì ở thời đại Lê-câu-vệ-đà, trong các sách bằng tiếng Phạm (Phạn), thường trịnh trọng dùng chữ “quy luật”, “quy tắc” (S. Ṛta; E. Rule). Nhưng trong Phật giáo “quy luật” này bao hàm cả ý nghĩa quy luật vũ trụ (thế giới quan) và quy luật đạo đức (nhân sinh quan). Theo quan điểm Phật giáo, dù vật nhỏ như cây kim, cọng cỏ (E. Blade of grass; C. 草葉), 1 vật nhỏ bé, vi tế, hay kể cả to lớn như trái núi… đều gọi là “pháp”.
Mặc dù chữ “pháp” có nguồn gốc xuất phát từ Bà-la-môn giáo, nhưng khi chuyển qua Phật giáo, nó có 1 ý nghĩa đặc thù.
Vậy chữ “pháp” được dùng trong Phật giáo như thế nào? “Pháp” có 4 nghĩa:
1- Giáo pháp, tất cả lời dạy của đức Phật bao gồm kinh, luật và luận, những gì Phật thuyết ra gọi là Chân lý.
2- Nhân duyên, cái gì, vật gì cũng có tính liên thuộc, tương quan lẫn nhau, chúng tạo thành vòng tròn khép kín, trong 12 nhân duyên – vô minh duyên hành…. sanh duyên lão tử. nguyên lý duyên sinh: “Do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt; do cái này không nên cái kia không và do cái này có nên cái kia có.” (Pāli: Imasmiṃ sati idaṃ hoti, Imassa-uppāda idaṃ upajjati, Imasmiṃ asiti- idaṃ na hoti-Imassa nirodha idaṃ nirujjhati),[3] nói chung cái gì cũng có nhân duyên của nó, chứ không hẳn ngẫu nhiên mà thành, tự nhiên mà có được.
3- Đạo đức, chỉ cho hành vi, tính cách con người, chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.
4. Hiện tượng, cảnh giới mênh mông sum la vạn tượng.
“Thành đạo giả, pháp dã. Tải pháp giả, kinh giả. Thích kinh giả, sớ giả.” [4] Nghĩa là: Thành đạo là nhờ vào pháp. Truyền bá giáo pháp là nhờ kinh. Giải thích kinh là nhờ vào sớ (luận) giải.
Mặc khác, để giải thích ý nghĩa trên, trong Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư,[5] giải nghĩa chữ “pháp” như sau:
Pháp, tức là phép tắc. Tất cả muôn sự muôn vật trong thế gian này, vật nào cũng đều có lý nhứt định và đều có khuôn mẫu của nó. Loài người cũng thế, nhưng khuôn phép của loài người càng chu đáo hơn. Cho nên các bậc Thánh nhơn trong mỗi nước. Vị Thánh nhơn nào cũng đều có những phương pháp làm cho con người đi vào con đường chơn chánh như : lễ giáo, pháp luật và quy ước v.v…
Còn phương pháp của Đức Thế Tôn chúng ta dạy không những thế thôi, đối với phương pháp dạy người đời, chỗ đại khái cũng rất giống nhau. Nhưng chỗ cốt yếu hơn hết là dạy chúng ta mỗi người cần phải giữ gìn năm giới cấm và thực hành theo pháp “Bát Chánh đạo”, để cho khỏi mất tư cách làm người. Vì lẽ ấy, chúng ta cần phải học Phật pháp.
Chúng ta biết, khi vua Di-lan-đà ngay buổi sơ kiến hội ngộ thầy Na tiên tại chùa San-khế-da, vua đã thử tài năng và trí thông minh của thầy Na tiên như thế nào rồi, thông qua cách hỏi con số hạ lạp năm xuất gia của thầy Na tiên. “Vua hỏi, con số 7 ấy là đếm luôn cả Đại đức vào trong, hay chỉ đếm cái hạ không thôi? Con số 7 là con số của Đại đức hay con số của hạ.” Một câu hỏi đặt ra quá hay, nếu như 1 người tầm thường, không vững giáo lý Phật giáo thì trả lời 1 cách lúng túng, không giải quyết dứt khoát được vấn đề nêu ra. Bằng sự khôn khéo pha lẫn chất thông minh của mình, thầy Na tiên không trả lời cho đức vua 1 cách trực tiếp mà đằng này thầy Na tiên trả lời bằng cách hỏi vặn lại nhà vua. “Tâu đại vương! Cái bóng và đồ trang sức rực rỡ trong chai nước kia là đại vương, hay người đang đối thoại với bần tăng đây mới là đại vương?.” Trẫm đây mới thật là trẫm, còn cái bóng kia nương nơi trẫm mà có. Nó có là bởi trẫm.
Vấn đề này chúng ta được hiểu với các khía cạnh, đó là: giữa con số 7 hạ lạp và tên của thầy Na tiên; vua Di-lan-đà và cái bóng của vua chiếu vào chai nước tức là hình và bóng của vua. Ở đây, nếu như không có thầy Na tiên thì con số 7 hạ lạp cũng không có, vậy con số 7 là thời gian xuất gia của thầy Na tiên, tính con đường mà thầy Na tiên tu tập đã trải qua 7 năm. Con số 7 ấy là nương vào thầy Na tiên để có. Cũng thế, hình ảnh của vua hiện trong chai nước do cái bóng phản lại từ hình mà có, do nơi hình (năng hiện) mà bóng (sở hiện) mà thấy, nếu không có hình thì không dựa trên cơ sở nào để có bóng. Cho nên, ngay đây chúng ta hiểu, “pháp” có nghĩa là nhân duyên là vậy.
Câu hỏi của vua Di-lan-đà đặt ra cho thầy Na tiên: “Pháp mà Đức Chánh Đẳng Giác đã thuyết, pháp ấy như thế nào?”
Chúng ta nghĩ, Phật pháp mênh mông như đại dương sâu thẳm, làm sao thể nhập ẩm thủy cho hết được nước đại dương rộng lớn này, cũng có nghĩa là làm sao diễn bày học cho hết cả tam tạng Thánh điển, pháp này được đức Phật ví như nắm lá ở trong tay nhiều hay lá trong rừng nhiều.[6] Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) cũng đã từng tán thán sự thậm thâm vi diệu của giáo pháp: “Lên tận nguồn Nho trông bát ngát, vào sâu biển Pháp thấy mênh mông”[7]. Thông thường chúng ta được học về những lời đức Phật dạy thông qua kinh, luật và luận. Theo Phật giáo Nam truyền, phân loại 3 tạng thánh điển. 1- kinh, gồm có 5 bộ Nikaya… 2- Luật, gồm có Phân tích giới bổn, Đại phẩm, Tiểu phẩm, Tập yếu. 3- Luận gồm 7 bộ, Pháp tụ, Phân tích, Chất ngữ, Nhân chế định, Ngữ tông, Song đối và Vị trí. Theo Phật giáo Bắc truyền tạng kinh, ngoài 4 bộ A-hàm và còn rất nhiều bản kinh Đại thừa khác như: Pháp hoa, Niết bàn, Hoa nghiêm, Kim cươnng, Lăng nghiêm, Bảo tích… Tạng luật như, Đàm-vô-đức Tứ Phần Luật,Di-sa-tắc bộ Hòa hê ngũ phần luật… Tạng luận thì rất nhiều bộ luận, đại để như: Trung luận, Câu-xá luận, Thành duy thức luận, Tam thập tụng, Nhị thập tụng, Đại thừa khởi tín luận…
Trong suốt 49 năm sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật, tất cả những lời dạy của Ngài về sau được các vị tôn giả thánh đệ tử biên tập lại gọi là 84 ngàn pháp uẩn (P. Dhammakkhandha), cụ thể là được thuật lại từ Tôn giả A-nan, (vị thị giả đức Phật 25 năm về sau, khi đức Thế Tôn 55 tuổi (519 Tr.TL) thì ngài A-nan phát nguyện làm thị giả). Con số này dễ ngộ nhận về 84 ngàn pháp môn. Pháp uẩn và Pháp môn khác nhau hoàn toàn, sự nhầm lẫn này có chăng là 1 phần do những vị dịch giả. Ở đây, trong ngữ cảnh vua Di-lan-đà hỏi thầy Na tiên, “Pháp mà đức Phật đã thuyết, pháp ấy như thế nào?” Chúng ta có thể y cứ vào lời kinh văn,[8] để hiểu về vấn ngôn này. “Ta nhận từ đức Phật, tám mươi hai ngàn pháp, còn nhận từ Tỷ-kheo, thêm hai ngàn pháp nữa, Tổng cộng tám tư ngàn, là pháp ta chuyển vận” (kệ 1025). Như vậy, pháp mà đức Thế Tôn thuyết ra trong 49 năm hành đạo, được chính tai ngài A-nan nghe và thuật lại là 82 ngàn bài pháp (pháp uẩn), còn lại 2 ngàn bài pháp khác là nghe lại từ các vị đệ tử Thánh của đức Phật, tổng cộng là 84 ngàn bài pháp hay pháp uẩn, chứ trong kinh văn không hề đề cập nói đến 84 ngàn pháp môn nào cả? Bởi vì ngoài lời dạy (pháp môn) Tứ diệu đế, trong đó Bát chánh đạo còn được gọi là Trung đạo, vốn được xem là con đường duy nhất (độc lộ; P. Ekamagga) đưa đến giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. Hay nói khác, ngoài Thánh đạo 8 ngành ra tìm không có pháp môn nào thứ hai, huống hồ là 84.000 pháp môn. Con đường duy nhất đó, đức Phật đã tuyên bố trong 3 bài kệ kinh Pháp cú, đó là:
Kệ 273. Tám ngành, đường thù thắng, Bốn câu, lý thù thắng. Ly tham, pháp thù thắng, Giữa các loài hai chân, Pháp nhãn, người thù thắng.
Kệ 274. Đường này, không đường khác, Đưa đến kiến thanh tịnh. Nếu Người theo đường này, Ma quân sẽ mê loạn.
Kệ 275. Nếu Người theo đường này, Đau khổ được đoạn tận. Ta dạy Người con đường. Với trí, gai chướng diệt.
Ngang đây, chừng này cũng đủ làm sáng tỏ quan điểm vấn ngôn đã được nêu ở trên. Bây giờ cũng từ ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu theo khía cạnh khác.
Đối chiếu trong bản Pāli: “Bhante nāgasena dhammo tayā diṭṭho”[9] ti?
“Thưa ngài Nāgasena, có phải Pháp đã được ngài nhìn thấy ?”
Trong ngữ cảnh cuộc đối thoại này, ý vua Di-lan-đà hỏi thầy Na tiên, từ khi Ngài xuất gia cho đến nay, trẫm đã được nghe là 7 hạ lạp rồi, thế thì trong thời gian 7 năm tu hành đó, thầy đã giác ngộ (nhìn thấy) pháp chưa?
Thầy Na tiên trả lời vua! “Tâu đại vương, các vị đệ tử cần phải thực hành theo sự hướng dẫn của đức Phật, theo điều quy định bởi đức Phật, cho đến trọn đời.”
Một người chấp nhận đời sống xuất gia, sống khép mình trong khuôn khổ giới luật; Thích tử Sa-môn, thì phải tuân theo “pháp” quy tắc, luật lệ, giới luật để phòng hộ các ác pháp tạp nhiễm xâm nhập, đồng thời cũng lấy giới để trang nghiêm pháp thân huệ mạng khi đang đi trên lộ trình thực hành pháp. Điều mà đức Phật luôn khuyên răn giảng dạy cho đệ tử và cũng là điều rất cấm kỵ nhất đó là, khoe khoang, thi thố, thể hiện công phu tu tập của mình với tha nhân, tức là khoe khoan chỗ sở tu sở chứng. Nhiều lần các đạo sĩ ngoại đạo cũng muốn khiêu khích với đức Phật thi thố thần thông,[10] nhưng rồi ngài từ chối. Theo đức Phật, chỉ có từ bi và trí tuệ mới mang lại an lạc hạnh phúc cho con người, còn Thần thông là chỉ làm cho người ta mê hoặc, không mang lại pháp tích cực an vui, phúc lạc trong đời. Câu chuyện kể về vì 1 chiếc bình bát được làm bằng gỗ trầm, nên Tôn giả Pindolabharadvaja (Tân-đầu-lô-phả-la-đọa) thi triển thần thông và sau đó bị đức Phật quở trách.[11] Đức Phật luôn khuyên dạy các đệ tử, hãy thu thúc, nhiếp phục các căn bằng giới (đạo đức), lấy giới làm thầy, lấy giới làm mô phạm, là con thuyền thanh lương để đưa đến pháp an lạc thanh tịnh Niết-bàn. Nói điều này cũng có nghĩa là nương nơi giới để thể nhập Thiền định và nhân nơi Thiền định mà phát sinh ra Trí tuệ vậy. Cho nên, người xuất gia đệ tử Phật, một khi có được pháp an lạc giải thoát tịch tịnh, tức là đang an trú trong thiền duyệt thực và pháp hỷ thực, cũng đồng nghĩa là hành giả đó đã đoạn tận các phiền não, lậu hoặc, thập triền (trói buộc),[12] thập sử (sai khiến).[13] Vì thế, giới luật nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng, không nên nói cho mọi người biết là mình đã đắc pháp, vì đây là điều tối cấm kỵ mà đức Phật đã dạy rất rõ trong luật, nên con đường của người tu là “hữu xạ tự nhiên hương”, “lãnh noãn tự tri”, đó là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Hơn nữa, đứng về mặt Giáo pháp để nói, thì Pháp mà đức Phật đã thuyết, pháp ấy có các đặc tính như sau: 1. Đến để mà thấy; 2. Thiết thực hiện tại; 3. Siêu việt thời gian; 4. Chỉ người trí mới thâm hiểu; 5. Có khả năng hướng thượng, đạt mục đích Thánh. Cho nên, cách 26 thế kỷ về trước và cho đến hiện tại ngày nay cũng như xuyên suốt theo thời gian, những lời đức Thế Tôn thuyết ra luôn mang lại giá trị hữu ích làm lợi lạc cho đời cho người, hễ ai thực hành và ứng dụng những lời dạy đó thì đem lại sự an vui phúc lạc ngay trong hiện tại này. Giáo pháp mà đức Phật đã giảng thuyết, là chỉ ra nguyên nhân của đau khổ là do đâu? và đưa ra phương pháp để nhổ tận, chuyển hóa diệt trừ khổ đau ấy; hiện bày rõ ràng, không che giấu, là sự thật, không hư ngụy “chân thật bất hư”; cái gì vật gì còn có thể thay đổi biến chuyển theo luật tương đối thời gian, chứ những lời mà đức Phật thuyết ra là sự thật chân lý. “Bạch đức Thế Tôn, mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống, núi Diệu cao có thể lay động, nhưng những lời của chư Phật nói ra không bao giờ sai được.”[14] Bởi lẽ Pháp ấy gọi là “pháp vốn như vậy”,[15] mời bạn đến để thấy, chứ không phải đến để mà tin (như 1 số tôn giáo khác). Bởi vì nếu tin lời Phật dạy mà không hiêu gì về lời dạy đó thì có khác nào phỉ báng đức Phật hay sao? Đạo Phật luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, gọi là: “Duy tuệ thị nghiệp”.[16]
Còn tiếp…
Tham khảo & chú thích
[1] Có 2 nguồn sử liệu về niên đại lịch sử đức Phật. 1- Theo Bắc truyền, đức Phật đản sinh vào 8/4/623 hoặc 624 Tr.TL. Đại hội Phật Giáo Thế Giới đổi và tổ chức ngày Đại lễ Phật đản vào ngày trăng tròn 15/4/Âm Lịch; xuất gia năm 19 tuổi ngày 8/2/605 Tr.TL; thành đạo năm 30 tuổi 8/12/594 Tr.TL; nhập Niết bàn năm 80 tuổi 15/2/544 Tr.TL. Bắc truyền cho rằng, 5 năm học đạo và 6 năm khổ hạnh, cộng lại thành 11 năm rồi Ngài thành đạo. 49 năm hoằng pháp lợi sanh. 2- Theo Nam truyền, đức Phật đản sinh vào năm 563 Tr.TL; xuất gia năm 534 lúc này ngài 29 tuổi, thành đạo vào năm 528 Tr.TL, lúc này ngài 35 tuổi, nhập Niết-bàn vào năm 483 Tr.TL, thọ 80 tuổi. Nam truyền cho rằng, thành đạo chỉ trong thời gian 6 năm thôi, 6 năm này là cộng luôn thời gian học đạo và khổ hạnh. Ngài hoằng pháp trong 45 năm. (Xem thêm Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, Nxb TP. HCM, 2000).
[2] 任持自性, 軌生物解.
[3] Indra Narain Singh, Philosophy of Universal Plux in Theravada Buddhism, Vidyavidhu Prakashan, Delhi, 2002, tr. 84.
[4] Đại Chánh Tạng, q.50, Kinh số 2061, tr. 735b.
[5]法, 即法則. 世間一切万物, 皆有定理, 皆有軌範, 人類亦然, 其法尤周密. 故各國聖人, 皆有使人行八正軌之法, 如禮教, 法律, 規約等是也.
我佛世尊所說之法, 雖不止此, 然於人生法, 亦大致相同, 其尤要者, 是在教吾人守五戒, 行八正道, 以不失人格, 故吾人應當學佛法.
[6] Xem Kinh Tạp A-hàm, kinh số 404 Thân – thứ.
[7] Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát, Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm.
[8] Xem Tập III – Trưởng Lão Tăng Kệ, Phẩm Ba Mươi Kệ.
[9] Diṭṭho, nhìn thấy; E. Seen, view.
[10] Xem Trường Bộ Kinh, 11. Kinh Kevaddha. (Có lần ngoại đạo biểu diễn phép thần thông đi trên mặt nước từ bờ bên đây sang bờ bên kia sông Hằng và thách thức Đức Phật làm như vậy. Đức Phật đã ôn tồn hỏi ngoại đạo sư kia tu luyện bao lâu mà có được thần thông như thế. Ngoại đạo sư đáp rằng ông ta đã mất 30 tu luyện mới có được khả năng phi hành trên mặt nước. Đức Phật mỉm cười bảo: “Ta chỉ cần ba xu để đi đò là qua được bờ bên kia sông Hằng”).
[11] Xem https://theravada.vn/chu-giai-kinh-phap-cu-quyen-iii-pham-phat-da-tich-the-hien-song-thong-nhiep-ngoai-dao/
[12] 1. Vô tàm, 2. Vô quý, 3. Tật, 4. Xan, 5. Hối, 6. Miên, 7. Trạo cử, 8. Hôn trầm, 9. Phẫn, 10. Phú.
[13] 1. Thân kiến, 2. Nghi, 3. Giới cấm thủ , 4. Tham, 5. Sân => 5 hạ phần kiết sử, 6. Sắc ái, 7. Vô sắc ái, 8. Mạn, 9. Trạo cử, 10. Vô minh => 5 thượng phần kiết sử.
[14] Thích Huyền Dung (dịch), Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức, Nxb Tôn giáo, 2002, tr. 81.
[15] Pháp nhĩ như thị (Kinh Pháp Hoa) .
[16] Kinh Bát Đại Nhân Giác. [唯 慧 是 業].