Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 8: Thấy Phật (phần 2)

(tiếp theo & hết)

2. Làm thế nào để thấy Phật?

a. Chánh văn

“Pháp mà Đức Thập Lực Tuệ đã thuyết, ai nghe và thực hành đúng đắn pháp ấy, chứng đắc pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Phật . Và ai thấy pháp ấy tức là thấy Phật, tâu đại vương!”

 b. Lược giải

Về danh hiệu của đức Phật, gọi là thập hiệu Như lai[1] còn có các danh hiệu khác, thập lực Như lai,[2] đó là: 1. Xứ phi xứ trí lực; 2. Nghiệp dị thục trí lực; 3. Tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực; 4. Căn thượng hạ trí lực; 5.  Chủng chủng thắng giải trí lực; 6. Chủng chủng giới trí lực; 7. Biến thú hạnh trí lực; 8. Túc trụ tùy niệm trí lực; 9. Sinh tử trí lực; 10. Lậu tận trí lực.

Đoạn đối thoại này, thầy Na tiên trả lời vắn tắt cho vua Di-lan-đà nghe về câu hỏi đã được nêu! hễ bất cứ người nào dù là Phật tử, người hữu duyên với Phật giáo hay không phải Phật giáo mà khi nghe pháp với tâm tôn kính, thực hành đúng đắn, tin tưởng về sự thật đưa đến giải thoát an vui trong đời thì người đó đồng nghĩa là đang ra khỏi tam giới “hiệp giác bối trần”: “… ai nghe và thực hành đúng đắn pháp ấy, chứng đắc pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Phật…”

Vậy, Thanh văn  hay Thinh văn là người nghe pháp Phật rồi giác ngộ giải thoát. Trong tam thừa[3] (S. Triyāna; C. 三乘) Phật giáo bao gồm: 1. Thanh văn thừa (S. Śrāvakayāna), Duyên Giác thừa (S. Pratyekabuddhayāna) và Bồ-tát thừa (S. Bodhisattvayāna). Nhưng theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa,[4] hành trình đi đến sự giải thoát chỉ có duy nhất một con đường là Phật thừa hay Nhất thừa (S. Ekayāna). Tuy nhiên do căn cơ, trình độ, trí tuệ hiểu biết của chúng sinh có khác, mà từ một Phật thừa, phương tiện phân biệt giảng nói ra thành ba thừa để cho chúng sanh, hữu tình đều có thể giác ngộ.

Các pháp tu:

+ Nhơn thừa: thọ trì và thực hành Tam quy, ngũ giới.

+ Thiên thừa : tu tập 10 điều lành( thập thiện).

+ Thanh văn thừa: nghe và thực hành 4 chân lý Thánh (Tứ diệu đế). Hành giả Thanh Văn thừa có thể đốn ngộ (chứng đạt Niết-bàn ngay tức khắc) hoặc tiếm ngộ (chứng đạt Niết-bàn qua một quá trình dài lâu). Có bốn cấp bậc đạo quả mà hành giả đạt được khi tu theo Thanh văn thừa (tức Tứ thánh quả), bao gồm:

1/ Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotāpatti), Nhập Lưu hay Thất Lai, đoạn trừ ba kiết sử: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi.

2/ Nhị quả Nhất Lai (Sakadāgāmī), Tư-đà-hàm, làm mỏng đi tham, sân. Tái sinh thêm một lần nữa thì đắc quả A-la-hán.

3/ Tam quả Bất Lai (Anāgāmī),  A-na-hàm, đoạn tận kiết sử tham, sân và không tái sinh cõi người nữa mà sinh lên tầng thiên rồi tu đến khi đắc đạo.

4/ Tứ quả A-la-hán: tức quả vô học, không chi phối luân hồi, hưởng sự tĩnh tịch nơi Niết-bàn.

Tuy nhiên, theo quan niệm Đại thừa thì quả vị A-la-hán chưa phải là sự giác ngộ viên mãn, tột cùng.

+ Duyên Giác thừa: tu theo  Thập Nhị Nhân Duyên (Duyên khởi) mà đắc đạo. Khi đạt đến quả vị cao nhất gọi là Bích Chi Phật của tiểu thừa. Bích Chi Phật có hai: Duyên Giác Phật và Độc Giác Phật.

+ Bồ-tát thừa: thực hành Lục ba hay thập Ba la mật, Tứ nhiếp pháp, Tứ vô lượng tâm, Tứ hoằng thệ nguyện… Tuy nhiên, Bồ-tát có nhiều cấp độ, theo kinh Phạm Võng, kinh Anh Lạc thì có 52 cấp bậc của Bồ-tát, đó là: Thập Tín vị, Thập Trụ vị, Thập Hạnh vị, Thập hồi hướng, Thập Địa, Đẳng Giác Bồ Tát, Diệu Giác (tức Phật Chính Đẳng Chính Giác).

Thời đại ngày nay chúng ta đang sống cách đức Phật quá xa đã 26 thế kỷ về trước, trong quy luật tự nhiên thời gian xoay vần đó, ngẫm lại bởi do nghiệp duyên của chúng ta còn nhiều lỗi lầm mắc phải, nên có mặt trong đời này và đây cũng là 1 trong 8 chướng nạn[5] (sinh trước Phật và sau Phật). Xúc cảm khi nhìn thấy những nền Thánh tích của đức Phật còn lưu lại, ngài Huyền trang  (602–664) đã cảm tác thi kệ:

“Phật tại thế thời ngã trầm luân,

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ,

Áo não thử thân đa nghiệp chướng,

Bất kiến Như Lai kim sắc thân.”[6]

Nghĩa là:

Thuở Phật ở đời con chìm đắm,

Nay được thân người Phật diệt độ,

Buồn thay thân  này nhiều nghiệp chướng,

Không thấy thân vàng đức Như Lai.

Trên thực tế, chúng ta có nhiều cách để thấy Phật.

a. Thấy Phật qua tôn tượng, tranh họa: Hình tượng đức Phật biểu hiện qua nhiều dáng, thiền định…

b. Tượng Phật bằng gỗ đầu tiên được tạc từ khi nào?

Kinh Tăng Nhất A Hàm có kể lại một câu chuyện chi tiết và Đường Tây Vực Ký thuật lại như sau:

Trong 1 kỳ  an cư, không ai thấy Phật ở đâu cả. Họ bèn đến hỏi tôn giả Ananda, nhưng Ananda cũng không biết. Ananda đề nghị họ nên đến cầu cứu Ā-na-luật (Aniruddha), người có thiên nhãn thông cao nhất. Aniruddha dùng thần thông thấy Phật đã đến cõi trời Đao Lợi để giảng Pháp cho người mẹ quá cố của ngài là Hoàng hậu Maya => Đây là sự kiện thứ nhất.

 Vì sao Đức Phật lại đi đến cõi trời Đao Lợi mà không cho ai biết? Có ba lý do. Thứ nhất là đức Phật vẫn luôn muốn được giảng Pháp cho người mẹ quá cố của ngài để cám ơn bà đã sinh ngài ra đời. Thứ hai, vì đức Phật vẫn có mặt thường xuyên để chỉ dạy, nên một số đệ tử của ngài đã trở nên tự mãn và giải đãi trong việc tu học. Thứ ba, trong tăng đoàn đã xảy ra nhiều chuyện cãi vã, đức Phật muốn những người liên hệ có thì giờ để suy xét lại hành vi của họ => Đây là sự kiện thứ hai.

Trong những người tưởng nhớ đến đức Phật nhiều nhất, có vua  Ưu-điền (Udayana) của xứ Kausambi. Khi vắng Phật, ông mất tinh thần và lâm  bệnh. Triều đình bàn  cách chữa  bệnh cho nhà vua, bằng cách  tìm một nghệ nhân tài giỏi nhất trong xứ tạc tượng đức Phật.

Nhà vua rất vui, ngay lập tức ông cho mời tôn giả Mục-kiền-liên, người có thần thông nhất trong các đệ tử của Phật, đến giúp họ làm việc này. Mục-kiền-liên dùng thần thông đưa nghệ nhân tạc tượng đến cung trời Đao Lợi để chiêm ngưỡng tướng hảo quang minh của Đức Phật. Sau 3 lần đến thăm cõi trời, nghệ nhân cuối cùng đã tạc được một bức tượng cao như người thật, bằng gỗ đàn hương, giống hệt đức Phật.

Khi bức tượng này được hoàn thành và đưa tới, nhà vua vui mừng khôn tả, hết bệnh ngay. Sau ba tháng, đức Phật trở về với thế giới Ta-bà. Khi ngài trở về, bức tượng bỗng sống dậy và đến đảnh lễ đón chào đức Phật => Đây là sự kiện thứ ba.

Chuyện pho tượng cử động đảnh lễ đức Phật ngụ ý rằng đức Phật vẫn luôn luôn hiện hữu trong chúng ta. Khi ta chiêm ngưỡng tượng Phật, tức là ta đang thấy bản chất tinh yếu của Phật. Điều này cũng có nghĩa, trong đời sống tu tập hàng ngày của mỗi chúng ta là đệ tử Phật, khi lạy Phật, đi ngang qua tượng Phật phải xem như đức Phật đang còn tại thế, đang đối diện với Ngài, đảnh lễ Ngài, chứ đừng nghĩ đó là tượng bằng xi măng hay kim loại. Mượn hình tượng Phật bên ngoài để soi rọi nhắc nhở làm sống lại Phật bên trong (Phật tâm) đã bị ngủ ngầm từ bấy lâu nay => Đây là sự kiện thứ tư.

Như vậy, từ 4 sự kiện nêu trên, ngụ ý nói lên điều gì? muốn thấy được Phật thì phải làm gì? bằng cách thông qua hình tượng, xem như hiện thân của đức Phật vậy.

c. Tượng Phật bằng kim loại đầu tiên

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm có kể lại xuất xứ của câu chuyện này, và theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng nhắc đến như sau:

Vua Ba-tư-nặc (Prasenajit) muốn tỏ lòng cung kính đối với đức Phật, hơn nữa, muốn vượt trội vua Udayana. Thế nên, vua Prasenajit cho người tạc tượng Phật bằng vàng ròng. Tượng này cũng cao và giống như người thật, đánh dấu sự mở đầu sáng tạo hình tượng  đức Phật.

Cũng trong thời điểm ấy, trưởng giả Cấp-cô-độc (Anathapindaka) cũng tỏ ý muốn đúc một bức tượng Phật.

Ông thỉnh cầu:  Kính bạch đức Thế Tôn, khi đức Phật ở với chúng con, mọi người đều cung kính và mọi sự đều có vẻ tốt đẹp và trang nghiêm. Nhưng không may là, khi đức Phật phải đi xa giảng Pháp, chúng con đều cảm thấy trống vắng và tăng đoàn không còn giữ được tình trạng như khi có đức Phật.

d. Tranh vẽ đức Phật đầu tiên

Theo kinh A Hàm, một trong những bức họa sớm nhất về đức Phật được hoàn thành khi đức Phật sắp nhập Niết-bàn.

Lúc ấy, tôn giả Ma-Ha-Ca-Diếp lo ngại rằng vua Ajatasatru (A xà thế) của xứ Magadha (Ma kiệt đà) sẽ bị khủng hoảng khi nghe tin Đức Phật nhập diệt, vì vậy, quyết định mướn người vẽ một bức họa Phật để giúp nhà vua vượt qua nỗi buồn.

Trung Hoa trong thời nhà Hán, gần 1.000 năm sau khi đức Phật nhập diệt Niết-bàn. Có nhiều Tăng sĩ từ Trung Hoa đã qua Ấn-độ để học Phật. Họ được xem bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương, và mong được thỉnh bức tượng đó về Trung Hoa cho Phật tử chiêm ngưỡng dung nhan đức Phật.

Tuy nhiên, các vị vua Ấn-độ nhất quyết từ chối, không muốn rời xa những bức tượng quý báu của họ. Vì thế, họ đã mướn người làm những bức họa vẽ lại bức tượng này, để các tăng sĩ Trung Hoa có thể đem về xứ. Khi hoàng đế triều Hán xem những bức họa này, ông rất vui mừng và ra lệnh rằng một bức họa Phật phải được trưng bày trên cổng chính của thành phố Lạc Dương và cho phép dân chúng được thờ kính đức Phật.

Ngày nay, chúng ta đệ tử Phật cũng thường trưng bày các bức họa Phật trong các tự viện hoặc nhà ở, tỏ lòng tôn kính.

e. Pháp Thân vô tướng của Phật

Ngày nay, chúng ta có thể thấy hình tượng đức Phật ở khắp nơi. Dù cho đức Phật đã nhập Niết-bàn 26 thế kỷ về trước, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong cõi thế gian này. Vậy, cái gì là thân thật của đức Phật? Tướng thật của Phật là Pháp thân (S. Dharmakāya). Pháp thân là tinh tuý thực sự của Phật, không có hình tướng. Ngay cả các vị Bồ-tát đã đạt đến cửu địa[7] cũng không thể thấy Pháp thân của Phật được, huống hồ là chúng ta, những người còn mờ mịt trong sự đối đãi phân biệt bỉ thử, vô minh, làm sao thấy được?

Pháp thân là không có hình tướng, không đến cũng không đi, không có khởi đầu, cũng không có chấm dứt. Với những đặc điểm như vậy, làm sao ta thấy Pháp thân của Phật được?

Nhưng trong kinh nói: “Bớt được một chút vô minh, là cảm nghiệm được một chút Pháp thân.” Như thế, ta có thể thấy rằng, Pháp thân không phải là điều gì có thể thấy qua vật chất được, không thể cân đo đong đếm, cầm nắm được, xúc chạm được, vì Pháp thân là có liên hệ trực tiếp đến sự giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Pháp tánh vốn không rỗng, tịch lặng; không thể nắm lấy được, cũng không thể thấy được. Sự không rỗng của Pháp tánh là trạng thái của Phật, vượt ra ngoài ngôn ngữ luận bàn, không thể đo lường được”. Cổ đức có câu:

“Một mai băng tuyết tiêu tan,

Trăm năm như cũ xuân ngàn đẹp tươi,

Trời trong bướm liệng hoa cười,

Pháp thân hiển hiện sáng ngời mười phương.”

Có câu nói rằng: “Nếu ai muốn chứng được trạng thái của Phật, tâm người ấy phải trong lặng như hư không.” Cho nên, khi tâm ta thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh; “Tâm tịnh thì độ tịnh”.[8]  Ngược lại, khi tâm ta ô nhiễm thì cuộc đời trở nên vẩn đục nhiễm ô. Mỗi người ai cũng có Pháp thân, nhưng điều quan trọng là làm sao chúng ta làm cho Pháp thân ấy được hiển bày. 

3. Lời dạy: “Ai thấy pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp”

a. Chánh văn

 “Chính Đức Thế Tôn đã thuyết: “Ai thấy pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp.” Và khi ấy, người ấy sẽ không còn hoài nghi và đặt những câu hỏi về Niết bàn, về sự hiện thân của Đức Phật, về đức hạnh, trí tuệ và sự tối thắng, vô thượng của ngài nữa, tâu đại vương!”

b. Lược giải

Bất cứ 1 hoài nghi nào cũng đều xuất phát từ sự phân biệt mà ra, cụ thể là hoài nghi về giáo pháp, không biết tu như thế này có được giải thoát hay không? con người sinh ra và sau khi chết sẽ đi về đâu? câu hỏi Niết-bàn là gì? về sự hiện thân của đức Phật, về đức hạnh, trí tuệ và sự tối thắng, vô thượng của Ngài? rồi phân biệt về giữa người – ta ; bỉ – thử; có – không.. khi tâm ta bất tịnh thì chư Phật nhập diệt, còn khi tâm ta thanh tịnh thì chư Phật xuất thế, không sanh không diệt đó là pháp “vô vi” (chân như, Phật tánh). Một khi tâm ta thanh tịnh gọi là “phản bổn hoàn nguyên”,[9] thì lúc đó trở về với Bản lai tự tánh (tánh giác) bộ mặt thật xưa kia của nó, bao nhiêu sự hoài nghi trước đó đều tiêu tan rơi rụng tự bao giờ. Cho nên, đối với 1 bậc Thánh giả A-la-hán, không còn hoài nghi về pháp nữa, bởi vì, vị ấy: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[10] Khi mê thì đó là chúng sanh, nhưng khi giác ngộ thì trở thành Bồ-tát, Phật. Cũng 1 con người này, chúng ta trước kia chưa biết Phật pháp tu hành thì bị cuốn hút chạy theo bởi các món ham muốn dục tình thế gian. Trong bài Sám phát nguyện Quy y Tam bảo: “… Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày, tai thích tiếng mật đường dua nịnh, mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh, lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go, thân ham dùng gấm vóc sa sô, Ý mơ tưởng bao la vũ trụ…” Khi con người còn phàm phu thiếu hiểu biết, nhưng khi giác ngộ hiểu biết Phật pháp, thấy rõ được lỗi lầm quá khứ, quay về bến giác, thì lúc này mình trở thành con người gọi là “xứng danh áo Sa-môn.” Cho nên, cũng 1 con người 6 căn đầy đủ, khi mê đó là phàm, nhưng khi giác thì là Thánh; Thánh và phàm vô nhị lộ (không phải 2 con đường, chỉ là 1 mà thôi), cách nhau không bao xa, tích tắc trong chừng gang tấc, 1 khởi niệm, 1 sát na tâm mà thôi, trong nhà Thiền gọi là: “mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”.  Vì thế, Lục tổ Huệ năng đã thưa với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn rằng: “Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh. Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt. Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc. Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu. Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.”[11] Nghĩa là: Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, Nào ngờ tự tánh Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, Nào ngờ tự tánh vốn không lay động, Nào ngờ tự tánh có thể sanh muôn pháp. Đây là giải thích về sự hoài nghi về giáo pháp; giữa mê và ngộ; phàm và Thánh.

Bây giờ, bàn về cuộc đối thoại được diễn ra tại vương triều kinh đô Sagala (ngày nay là Sialkot ở Punjab). Câu hỏi của vua Di-lan-đà nêu ra đã đc thầy Na tiên trả lời bằng cách dẫn ngôn lời Phật dạy: “Ai thấy pháp tức thấy Như lai, ai thấy Như lai tức thấy Pháp.”[12]

Nguyên nhân đức Phật nói bài pháp này, vì tôn giả Vakkali ở nhà thợ gốm, đang bị bịnh nặng, sắp lâm chung, nhưng lòng rất muốn diện kiến dung nhan đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài lần cuối trước khi nhắm mắt lìa đời, nhưng không thể nào đến nơi Thế Tôn ở được, cho nên Tôn giả Vakkali đã cho thị giả đến cung thỉnh đức Thế Tôn đến nơi mình ở. Vì lòng từ mẫn đức Thế Tôn đã thân hành đến thăm Tỳ-kheo Vakkali. Sau khi đến đức Thế Tôn hỏi:

– Này Vakkali, nếu ông không có gì trách mình về giới luật, vậy có gì phân vân hay hối hận không ? 

– Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn, nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.. 

– Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali. “Ai thấy pháp, người ấy thấy Ta, ai thấy Ta, người ấy thấy pháp.”

Trên đây là đoạn đối thoại giữa Thế Tôn và Vakkali. Qua mẫu đối thoại này, gợi ý cho chúng ta hiểu rõ một vài vấn đề căn bản trong Phật pháp. Vấn đề trước tiên mà chúng ta cần xác định đó là, đức Phật và Tỳ-kheo Vakkali đứng hai vị trí khác nhau. Tỳ-kheo Vakkali đứng từ góc độ tình cảm, có lòng kính ngưỡng, muốn đảnh lễ và tận mắt nhìn dung nhan đức Phật lần cuối trước khi nhắm mắt lìa trần. Thế nhưng, đức Thế Tôn không đứng từ góc độ tình cảm này, an ủi Vakkali. 

Ngược lại, Ngài đã đứng từ góc độ một vị Đạo sư đến thăm Vakkali lần cuối và giáo giới Vakkali nhận chân được chân lý để được giác ngộ và giải thoát, cho nên Ngài đã nói câu: “có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này.” 

Chúng ta biết rằng, khi nói đến thân thể vật lý con người thì ai cũng cần có sự ăn uống ngủ nghỉ, vậy một khi có ăn uống thì phải bài tiết, đây là lẽ tự nhiên, nên đức Phật nói cho Vakkali: “Có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này.” Bởi lẽ Vakkali là người sống quá nặng nề về tình cảm, quá chú trọng về mặt hình thức bên ngoài của Như Lai, không thấy cái giá trị đích thực từ bên trong mà Ngài đã chứng được dưới cội cây Bồ-đề. Cái giá trị của đức Thế Tôn là chân lý, chứ không phải là 32 tướng tốt hay 80 vẻ đẹp bên ngoài. Thế thì Vakkali muốn diện kiến cái thân tướng của Thế Tôn để làm gì? Có ích gì cho sự thuyên giảm cơn bịnh trầm trọng mà ông đang gánh chịu? Có giúp gì cho cái chết sắp cận kề mà Vakkali đang đối mặt? 

Trước nỗi đau khổ này, chỉ có giáo pháp mà Thế Tôn đã chứng đắc mới có thể làm chấm dứt hay tối thiểu cũng làm giảm bớt sự đau khổ của Vakkali, cái pháp đó, chân lý đó Vakkali cần phải diện kiến thấy được trước khi qua đời, nếu không sống đời sống xuất gia vô ích, không có lợi gì cho mình huống gì là làm lợi lạc chúng sinh. 

Thế thì, điểm nổi bật của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là sự giác ngộ giải thoát, chứ không phải là 32 tướng tốt hay 80 vẻ đẹp, nguyên tắc để trở thành bậc giác ngộ giải thoát chính là thấy được Pháp duyên khởi, vô thường, khổ, vô ngã. Như vậy, ai muốn thấy Phật thì người ấy phải thấy được Pháp, cũng vậy, ai đã thấy được Pháp duyên khởi, vô thường, khổ, vô ngã cũng có nghĩa là người ấy đã thấy Phật, vì khái niệm Phật với khái niệm Pháp chỉ cho người thấy chân lý sự thật vạn pháp. 

Trở lại câu: “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta, ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp.” Ở đây, “Ta” chỉ cho đức Phật và câu này được hiểu là: “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Phật, ai thấy Phật, người ấy thấy Pháp.” Pháp ở đây chính là giáo pháp Duyên khởi. Ai thấy được pháp Duyên khởi, người ấy cũng thấy được trạng thái vô thường, khổ, vô ngã của vạn vật và ngay cả bản thân mình. Ai đã thấy được vô thường, khổ, vô ngã thì người ấy không thể chấp: “Cái này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi”, như vậy, người ấy được giác ngộ và giải thoát.

Trong ngữ cảnh trên, Tỳ-kheo Vakkali nếu muốn diện kiến đức Thế Tôn cần nên diện kiến sự giác ngộ và giải thoát, nếu như Vakkali muốn tỏ lòng ngưỡng mộ đức Thế Tôn thì Vakkali nên thực hành giáo pháp của Ngài, nếu như Vakkali muốn đoạn trừ những nổi khổ đau cho mình thì Vakkali chính mình phải giác ngộ lý duyên khởi vô thường, khổ và vô ngã, còn nếu như Vakkali muốn hóa độ chúng sanh thì trước tiên Vakkali phải giác ngộ chân lý. Đó là nội dung và ý nghĩa câu: “Ai thấy pháp, người ấy thấy Phật; ai thấy Phật, người ấy thấy pháp” khi Ngài khuyên Tỳ-kheo Vakkali lúc lâm bệnh. 

Từ những quan điểm nêu trên, vấn đề thực tế là khi chúng ta muốn đi đến địa điểm nào đó thì điều trước tiên phải xác nhận các thông tin nơi cần đến đó là gì? muốn đến với đạo – chân lý Thánh thì chúng ta phải nhận thấy sự giải thoát đó như thế nào? đem lại pháp an lạc gì cho mình, có thể nói vì thích đời sống xuất gia, nên mới vào chùa! muốn bắt được trâu thì trước tiên phải nhìn thấy trâu bằng cách lần theo dấu chân của nó (thập mục ngưu đồ).  

IV. Kết luận

Dẫu cho thời gian có thay đổi, nhưng những lời đức Thế Tôn đã thuyết vẫn còn sống mãi như ngày nào đối với người đệ tử học và thực hành theo giáo lý giải thoát của Ngài. Pháp này (duyên khởi) đã được đức Phật chứng ngộ bên cội Bồ-đề, thân tướng của Ngài đã nhập vô dư Niết-bàn 26 thế kỷ về trước, điều tiên quyết là chúng ta muốn thấy được hảo tướng của Ngài thì phải thấy được Pháp, thông qua lời đọc tụng hàng ngày kinh, luật và luận. Cũng thế, 500 năm sau khi Phật Niết-bàn, tại kinh đô Sagala đã có cuộc gặp gỡ giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên, luận đàm về giáo pháp Phật, tạo nên một ấn tượng sâu đậm trong xã hội đối với bậc Quân vương đã quan tâm học hỏi theo con đường Thánh giải thoát.


Tham khảo & chú thích

[1] Thập hiệu Như lai bao gồm: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

[2]  Xem Kinh tạp A-hàm, kinh 684. Thập lực.

[3]  Thừa, có nghĩa là cổ xe, phương tiện  (vehicle).

[4] Xem kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm 2 – Phương tiện.

[5] Tám nạn bao gồm: 1. Nạn địa ngục; 2. Nạn ngạ quỷ; 3. Nạn súc sinh; 4. Nạn sinh lên cõi trời Trường thọ; 5. Nạn sinh ở Uất đan việt hay còn gọi là Bắc cu lô châu; 6. Nạn đui điếc câm ngọng; 7. Nạn thế trí biện thông; 8. Nạn sinh trước Phật và sau Phật.

[6] 佛在世時我沉淪,今得人身佛滅度。懊惱自身多業障,不見如來金色身。

[7] Địa thứ 9 gọi là Thiện huệ địa, trí huệ Bồ-tát viên mãn, đạt Thập lực, Lục thông, Tứ vô sở uý (1, Năng trì vô sở uý; 2, Tri căn vô sở uý; 3, Quyết nghi vô sở uý; 4, Đáp báo vô sở uý), Bát giải thoát (xem Trường Bộ Kinh, 16. Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Tụng phẩm III). Biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.

[8] Kinh Duy Ma Cật sở thuyết, phẩm Phật Quốc.

[9] Phản bổn hoàn nguyên (反本還原), xem Thập Mục Ngưu Đồ, tranh 9. Trở về nguồn cội. “Phản bản hoàn nguyên đã phí công, đâu bằng thẳng đó tợ mù câm, trong am chẳng thấy ngoài vật khác, nước tự mênh mông hoa tự hồng.”  

[10] Trung Bộ Kinh, 112. Kinh Sáu Thanh tịnh.

[11] Kinh Pháp bảo đàn.

[12] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ (tập III), Viện Nghiên cứu Việt Nam Ấn hành, 1993, tr.  219. Xem Trung Bộ Kinh I, 28. Ðại kinh Dụ dấu chân voi; Tương Ưng III, 87. Vakkàli và Tiểu Bộ I, tr. 48, chép lời Thế Tôn: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”. [Yo paticcasamuppadam passati, so dhammam passati; Yo dhammam passati, so paticcasamuppadam passati].

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo