Bài 9: 37 Phẩm Trợ Đạo (phần 1)
(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, dòng 13, tr. 6. Mục VII – quyển thượng, 4- Hiếu thuận, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 172-176. Bài 7 – Pháp lành, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 39-46. Bài 9 – Tất cả pháp lành lấy giới làm sở y, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 127-132. LakkhaṆapañhā, các câu hỏi về tướng trạng, Milindapañhapāli, các tr. 52-55. Chapter 1, The Soul, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 38-39).
I. Chánh văn
王言。何等為孝順者。
Vua hỏi: “Bạch đại đức, những gì được gọi là hiếu thuận?”
那先言。諸善者皆為孝順。凡三十七品經 皆由於孝順為本。
Na-tiên đáp: “Tất cả các điều lành đều là hiếu thuận. Phàm ba mươi bảy pháp trợ đạo đều do nơi hiếu thuận làm gốc.”
王言。何等為三十七品經。
Vua hỏi: “Những gì là ba mươi bảy pháp trợ đạo?”
那先言。有四意止有四意斷有四神足有五 根有五力有七覺意有八種道行。
Na-tiên đáp: “Đó là Bốn pháp dừng ý, Bốn pháp đoạn ý, Bốn pháp thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy giác ý và Tám chánh đạo.”
王復問那先言何等為四意止者。
vua lại hỏi: “Những gì gọi là bốn pháp dừng ý?”
那先報王言佛說一為觀身身止。二為觀痛 痒痛痒止。三為觀意意止。四為觀法法 止。是為四意止。
“Phật dạy rằng, một là quán thân thì thân dừng, hai là quán bệnh khổ thì bệnh khổ dừng, ba là quán ý thì ý dừng, bốn là quán pháp thì pháp dừng. Như vậy gọi là bốn pháp dừng ý.”
王復言何等為四意斷。
Vua lại hỏi: “Những gì là Bốn pháp đoạn ý?”
那先言。佛說已分別止四事不復念是為四 意斷。以得四意斷便自得四神足念。
Na-tiên đáp: Phật dạy, “khi đã phân biệt được bốn pháp dừng ý nói trên, không còn khởi niệm trở lại nữa, gọi là bốn pháp đoạn ý. Đã được bốn pháp đoạn ý, trong ý niệm liền tự nhiên được bốn thần túc.”
王復問何等為四神足念。
“Những gì là bốn thần túc trong ý niệm?”
那先言。一者。眼能徹視。二者耳能徹 聽。三者能知他人心中所念。四者身能飛 行。是為四神足念。
Na-tiên đáp: “Một là mắt có thể nhìn thấu khắp nơi, hai là tai có thể nghe thấu khắp nơi, ba là có thể biết được chỗ suy nghĩ trong tâm người khác, bốn là có thể bay đi trên không. Đó là bốn thần túc trong ý niệm.”
王復問何等為五根者。
Vua hỏi: “Còn những gì gọi là năm căn?”
那先言。一者眼見好色惡色意不貪著是為 根。二者耳聞好聲惡罵聲意不貪著是為 根。三者鼻聞香臭意不貪著是為根。四者 口得美味苦辛意不貪著是為根。五者身得 細滑意亦不喜身得麤堅意亦不惡是為五 根。
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy các hình sắc đẹp đẽ hay xấu xí, trong ý đều không tham đắm. Hai là tai nghe các âm thanh êm dịu hay lời nhục mạ, trong ý đều không tham đắm. Ba là mũi ngửi mùi hương thơm tho hay khó ngửi, trong ý đều không tham đắm. Bốn là lưỡi nếm các mùi vị ngon ngọt hay cay đắng, trong ý đều không tham đắm. Năm là thân thể xúc chạm êm dịu, trong ý cũng không vui thích; thân thể xúc chạm thô cứng, trong ý cũng không khó chịu. Như vậy gọi là Năm căn.”
王復問何等為五力者。
Vua lại hỏi: “Còn những gì gọi là Năm sức?”
那先言。一能制眼。二能制耳。三能制 鼻。四能制口。五能制身。令意不墮是為 五力。
Na-tiên đáp: “Một là chế ngự được mắt, hai là chế ngự được tai, ba là chế ngự được mũi, bốn là chế ngự được lưỡi, năm là chế ngự được thân. Nhờ đủ sức chế ngự được năm giác quan ấy nên tâm ý không bị sa đọa, như vậy gọi là Năm sức.”
王復問何等為七覺意者。
Vua hỏi: “Những gì là Bảy giác ý?”
那先言。一意覺意。二分別覺意。三精進 覺意。四可覺意。五猗覺意。六定覺意。 七護覺意。是為七覺意。
Na-tiên đáp: “Một là Ý giác ý, hai là Phân biệt giác ý, ba là Tinh tấn giác ý, bốn là Khả giác ý, năm là Ỷ giác ý, sáu là Định giác ý, bảy là Hộ giác ý. Đó là Bảy giác ý.”
王復問何等為八種道行。
Vua hỏi: “Những gì gọi là Tám món đạo hạnh?”
那先言。一直見。二直念。三直語。四直 治。五直業。六直方便。七直意。八直 定。是為八種道行。
Đáp: “Một là chỗ thấy biết chân chánh, hai là suy nghĩ chân chánh, ba là lời nói chân chánh, bốn là việc làm chân chánh, năm là đời sống chân chánh, sáu là tinh tấn chân chánh, bảy là chỗ nhớ nghĩ chân chánh, tám là định ý chân chánh. Đó gọi là Tám món đạo hạnh.
凡是三十七品經皆由孝順為本。
“Phàm ba mươi bảy phẩm trợ đạo này đều lấy hiếu thuận làm gốc.
那先言。凡人負重致遠有所成立皆由地 成。世間五穀樹木仰天之草皆由地生。
Na tiên nói: “Như người mang đồ nặng đặt để nơi xa, có thể vững vàng được là nhờ nơi mặt đất. Các loại ngũ cốc, cây cỏ trên thế gian này, đều sanh từ đất mà mọc hướng lên trời.
那先言。譬如師匠圖作大城當先度量作基 址已乃可起城。
Na tiên nói: “Lại như người muốn xây thành lớn, trước phải lo việc đo đạc làm nền móng, rồi sau mới có thể khởi công xây dựng.
那先言。譬如伎人欲作當先淨除地平,乃 作。佛弟子求道,當先行經戒,念善,因知 勤苦便棄諸愛欲,便思念八種道行。
“Lại như người muốn nhào lộn biểu diễn, trước phải lo dọn chỗ đất cho sạch và bằng phẳng, sau mới có thể nhào lộn trên đó. “Đệ tử Phật muốn cầu đạo, trước phải thực hành theo kinh giáo, trì giới, nhớ nghĩ điều lành, vì rõ biết sự cần khổ nên liền lìa bỏ được các mối ái dục, liền suy tưởng nghĩ nhớ đến Tám chánh đạo.”
王言。當用何等棄諸愛欲。
Vua lại hỏi: “Nên nhờ vào những điều gì để lìa được các mối ái dục?”
那先言。一心念道愛欲自滅。
Na-tiên đáp: “Một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.”
王言。善哉善哉。
Vua liền tán thán: “Hay thay! Hay thay!”
II. Đại ý
Điều kiện để hành giả đạt được các Thánh quả, luôn lấy Hiếu thuận (Giới) làm nền tảng căn bản trên lộ trình tu tập. Đức Thế Tôn luôn cân nhắc răn dạy các đệ tử, trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo: Giới là nền tảng của bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần và Tám Thánh đạo phần. Ví như đất là nền tảng, không có nó thì các loài động vật không thể di chuyển. Cũng thế, không có Giới thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo không thể được tu tập viên mãn. Ý nghĩa đó, thầy Na tiên đã xác quyết rằng: “Phàm ba mươi bảy phẩm trợ đạo này đều lấy hiếu thuận làm gốc.”
III. Nội dung
1. Giải thích Hiếu thuận (Giới) là gì?
a. Chánh văn
王言。何等為孝順[1]者。
Vua hỏi: “Bạch đại đức, những gì được gọi là hiếu thuận?”
b. Lược giải
Về phương diện văn bản học, “Hiếu thuận” trong bản dịch chữ Hán tương đương bản Pāli “trì giới”.
Điều mà đức Như Lai luôn cân nhắc đối với các đệ tử từ khi Ngài mới thành đạo cho đến trước lúc nhập Vô dư Niết-bàn, đó là “hiếu thuận”, được xem là nền tảng căn bản nhất của nhân đạo (nhân thừa), để làm thềm thang tiến lên các bậc Thánh quả, Bồ-tát, Phật. Cho nên, lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác, đức Phật trong khi ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài bắt đầu kiết giới Bồ-tát. Ngài dạy:
“Hiếu thuận với cha mẹ, Sư tăng, Tam bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn.”[2]
Như vậy, chữ ‘Hiếu thuận’ ở đây cũng có nghĩa như là Giới, đạo đức, nhân cách sống của con người. Trong Hiếu kinh đạo Nho có câu: “Ôi! Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất, là hạnh của dân vậy!” Cho nên, đạo làm người luôn đề cao hiếu hạnh, lấy hiếu dẫn đầu trong muôn việc. Nho giáo có câu: “Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.”[3] Nghĩa là: Trời có bốn mùa, xuân là mùa đứng đầu; người có trăm phẩm hạnh, hiếu là trước tiên.
Nói khác đi, nghĩa hẹp: Giới được hiểu là ranh giới, bờ cõi, phạm vi, trong 1 khuôn khổ nhất định nào đó. Còn luận về phạm vi rộng, Giới là bao trùm cả sơn hà đại địa. Bao nhiêu loài động, thực vật, con người cho đến cây cối, hoa cỏ, chim muông v.v… đều nhờ có đất mà đứng vững, sinh trưởng phát triển. Cũng vậy, người xuất gia nương theo Giới (tâm địa, đất tâm) để tăng trưởng Bồ-đề tâm (P. Bodhicitta), hướng đi đến mục đích cuối cùng là giải thoát, an lạc, thong dong, tự tại. Hơn thế nữa, không chỉ dừng lại ở đó, Giới được hiểu là ngăn ngừa điều xấu ác, dứt trừ các pháp bất thiện (phòng phi chỉ ác), hoặc ngưng điều ác và làm điều thiện (chỉ ác, tác thiện).
Trong Bát Chánh đạo, Giới gồm có: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Ở đây chỉ sự ngăn ngừa các hành động lỗi lầm của thân và khẩu. Khi các hành động lỗi lầm không tạo tác thì tránh được nhiều sự tổn hại cho những người khác. Ðây đã nói lên ý nghĩa “tác thiện” của giới.
Chữ Giới trong Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (S. Pràtimoksa; P. Patimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát (Xứ xứ giải thoát), Tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần; giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Tùy thuận giải thoát là giải thoát tùy thuộc vào quả hữu vi hay vô vi của hành giả.
Từ các giải thích trên, chúng ta hiểu, Giới giúp cho hành giả đạt được hai mục tiêu:
Thứ nhất, không làm các điều ác (chư ác mạc tác).
Thứ hai, thực hành các việc lành (chúng thiện phụng hành).
Một khi các việc ác không làm, mà tăng trưởng thực hành các pháp thiện lành và giữ tâm ý thanh tịnh, loại bỏ hết các lậu hoặc nhiễm ô (tự tịnh kỳ ý) và cũng là mục tiêu cứu cánh, điều này cần phải nhờ đến việc thực hành thiền định và trí tuệ.
Để trả lời câu hỏi của vua Di-lan-đà nêu trên, thầy Na tiên đáp.
a. Chánh văn
那先言。諸善者皆為孝順。凡三十七品經 皆由於孝順為本。
Na-tiên đáp: “Tất cả các điều lành đều là hiếu thuận. Phàm ba mươi bảy pháp trợ đạo đều do nơi hiếu thuận làm gốc.”
b. Lược giải
Tất cả các điều lành gọi là thiện pháp, đều y nơi hiếu thuận tức là giới để làm nền tảng, nền móng xây dựng vững chắc cho các thiện pháp nảy nở, lớn mạnh, tăng trưởng. Bồ-tát Tất-đạt-đa (S. Siddhārtha) sau khi thành đạo hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nương vào giới này để tu tập chứ không có gì khác: “Nhất thiết chư Phật bổn sở thừa cố, nhất thiết Bồ-tát giai thừa thử pháp đáo Như Lai địa cố.”[4]
37 pháp trợ đạo được nói trong phạm vi rộng, nhưng thật ra trong bài pháp đầu tiên tại Vườn nai, đức Phật thuyết cho 5 anh em Kiều-trần-như, đó là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (S. Dharmacakrapravartana-sūtra),[5] bài Pháp này tóm tắt các điểm chính yếu của Ðạo giải thoát, đó là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Trong phần Đạo đế bao gồm đầy đủ 37 pháp trợ đạo rồi. Ðây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Hành giả có thể đi vào giải thoát bằng ngõ Bảy Giác chi, Bốn Niệm xứ… nhưng tất cả những ngõ đường ấy đều được bao hàm trong Bát Thánh đạo.
2. 37 phẩm trợ đạo là gì?
a. Chánh văn
王言。何等為三十七品經。
Vua hỏi: “Những gì là ba mươi bảy pháp trợ đạo?”
那先言。有四意止有四意斷有四神足有五 根有五力有七覺意有八種道行。
Na-tiên đáp: “Đó là Bốn pháp dừng ý, Bốn pháp đoạn ý, Bốn pháp thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy giác ý và Tám chánh đạo.”
b. Lược giải
Đối chiếu trong 2 bản dịch, chữ Hán liệt kê: Bốn pháp dừng ý, Bốn pháp đoạn ý, Bốn pháp thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy giác ý và Tám chánh đạo => cộng thành 37 pháp. Còn bản Pāli: Ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, bốn thiền, tám pháp giải thoát, một pháp định, ba pháp nhập định=> cộng thành 45 pháp.
Sở dĩ gọi là “Trợ” (E. Supporting; C. 助), ở đây có nghĩa là hỗ trợ, giúp đỡ, nếu không có sự hỗ trợ của các thiện pháp này thì người hành đạo khó đạt đến Thánh đạo. Như người muốn qua sông sâu, biển lớn thì phải cần phương tiện ghe, thuyền, tàu bè… Cũng vậy, hành giả muốn đến đất Phật thì phải cần nương vào 37 phẩm này để làm tư lương giải thoát. Như người tu Phật, ngoài tự lực bản thân ra cần có sự tha lực gia hộ độ trì của chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư long thần hộ pháp, chư hiền Thánh tăng nữa. Các vị đại Luận sư, kinh thông bác học uyên thâm Phật lý, trước khi làm một việc gì, cũng phải nghĩ đến sự chứng minh gia hộ của chư Phật Tam bảo thì việc làm đó mới hoàn thành như sở nguyện. Mở đầu Luận Đại Thừa Khởi Tín (S. Mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) ngài Mã minh (khoảng 80-150 S.TL) đã thể hiện lòng thành kính của mình đối với Tam bảo bằng 3 bài tụng gọi là Quy kính tụng.[6]
Về tên gọi 37 phẩm trợ đạo còn được gọi khác:
Tam thập thất bồ-đề phần (S. Saptatriṃśad bodhipāk-ṣikā dharmāḥ; P. Sattatiṃsa bodhipakkhiyādhammā; C. 三十七菩提分).
Tam thập thất đạo phẩm (三十七道品).
Tam thập thất chủng bồ-đề phần pháp (三十七種菩提分法).
Tam thập thất bồ-đề phần pháp (三十七菩提分法).
Tam thập thất giác chi (三十七覺支).
Tam thập thất đạo phẩm (三十七道品).
Tam thập thất trợ đạo phẩm (三十七助道品) hoặc 37 phẩm trợ đạo là 37 thành phần hỗ trợ con đường giác ngộ, là những cách tu tập giúp hành giả đạt quả giải thoát.
37 phẩm trợ đạo được chia ra làm 7 phần:
- Bốn pháp dừng ý = Tứ niệm xứ (Tứ niệm trụ)
- Bốn pháp đoạn ý = Tứ chánh cần
- Bốn pháp thần túc = Tứ như ý túc
- Năm căn = Ngũ căn
- Năm sức= Ngũ lực
- Bảy giác ý = Thất giác chi
- Tám chánh đạo= Bát chánh đạo
Nội dung cụ thể của từng phần bao hàm các điều sau:
1. Bốn pháp dừng ý = Tứ niệm xứ (Tứ niệm trụ)
a. Chánh văn
王復問那先言何等為四意止者。
Vua lại hỏi: “Những gì gọi là bốn pháp dừng ý?”
那先報王言佛說一為觀身身止。二為觀痛 痒痛痒止。三為觀意意止。四為觀法法 止。是為四意止。
Na tiên đáp: “Phật dạy rằng, một là quán thân thì thân dừng, hai là quán bệnh khổ thì bệnh khổ dừng, ba là quán ý thì ý dừng, bốn là quán pháp thì pháp dừng. Như vậy gọi là bốn pháp dừng ý.”
b. Lược giải
Bốn pháp dừng ý còn gọi tứ niệm xứ, tứ ý chỉ, tứ chỉ niệm, tứ niệm hay tứ niệm trụ là hành phẩm thứ nhất trong 7 hành phẩm của 37 phẩm trợ đạo. Tứ niệm trụ (S. Catvāri smṛty-upasthānāni; P. Cattāro sati-paṭṭhānāni) nghĩa là bốn lãnh vực quán niệm mà ta cần giữ chánh niệm là: (1) quán thân; (2) quán thọ; (3) quán tâm và (4) quán pháp, với mục đích là đề phòng và đình chỉ những tạp niệm vọng tưởng khởi lên.
Lời giải thích này của thầy Na tiên đã dựa trên bản kinh Niệm xứ, một bản kinh rất quan trọng dạy cách giữ gìn chánh niệm, khi tu tập thiền quán.[7] Lại nữa, thầy Na tiên còn bảo, trong kinh Phật dạy: “Quán thân thì thân dừng…”, chữ “dừng” ở đây có nghĩa là các tư tưởng, niệm tưởng, tư duy, suy nghĩ, các ý nghĩ trong tâm, lúc đang quán thân, đều dừng, đều trụ lại, chẳng còn chạy lăng xăng, bị xao lãng, phân tâm về các vấn đề khác. Đấy là công năng của việc quán, khiến cho chánh niệm khởi lên và an trú ngay trong đề mục đang quán chiếu. Nói khác, khi quán thân thì giữ được chánh niệm an trụ lại trên ý niệm thân thể và vắng bóng các ý tưởng khác. Đó là phương pháp đào luyện sự tập trung tư tưởng trong các phép quán niệm, khiến cho tâm trở nên thanh tịnh để sớm đi vào thiền định.
Con người – chúng sanh phần lớn bị nghiệp lực chiêu cảm, nên có những tư duy cố chấp lệch lạc, tạo các hành động nghiệp nhân sai trái đưa đến quả khổ trong sinh tử luân hồi. Để đối trị lại bốn thứ tà chấp điên đảo cho rằng thân là trong sạch, cảm thọ là khoái lạc, tâm là thường hằng, các pháp là hữu ngã, nên đức Phật đã dùng bốn pháp quán thân là bất tịnh, cảm thọ là khổ, tâm là vô thường, pháp là vô ngã để phá trừ bốn thứ tà chấp điên đảo trên.
Vậy, bốn pháp dừng ý bao gồm:
1. Quán thân thì thân dừng, tức là quán sát tự tướng của thân là bất tịnh, nhơ nhớp, và cùng lúc quán sát cộng tướng thân của chúng ta là vô thường, là khổ đau, là không thật, là vô ngã để đối trị lại các bệnh chấp điên đảo cho là thanh tịnh.
2. Quán bệnh khổ thì bệnh khổ dừng, khổ thuộc về tâm lý, cảm thọ mà cảm thọ dựa trên 3 phương diện (khổ, vui, không khổ – không vui), tức quán sát nguyên do trong việc hân hoan mong cầu hưởng lạc, nếu không như ý muốn sẽ sinh ra khổ đau, đồng thời quán sát cộng tướng của nó là khổ đau, không thật hữu, để đối trị bệnh chấp điên đảo cho là lạc thú.
3. Quán ý thì ý dừng, tức quán sát tâm thường mong cầu của chúng ta luôn sinh diệt vô thường biến đổi, và quán sát mọi cộng tướng của chúng cũng như vậy, để đối trị bệnh chấp điên đảo cho là thường hằng vĩnh viễn.
4. Quán pháp thì pháp dừng, tức là quán sát tất cả các pháp đều nương vào nhân duyên mà sinh khởi, nên sự hiện hữu của chúng là không có tự tánh, và tất cả những cộng tướng khác cũng được quán sát như vậy, để đối trị bệnh chấp ngã điên đảo.
Như vậy, bốn pháp dừng ý mà đức Phật đã dạy trong kinh Tứ niệm xứ, bằng phương tiện pháp, thầy Na tiên đã trả lời rất rõ cho vua Di-lan-đà về 4 đề mục quán, nếu chuyên tâm tu tập hành trì thì sẽ đem lại hiện pháp an lạc ngay trong đời này, như lời đức Thế Tôn dạy: “… luôn luôn trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trú nơi Bốn niệm xứ thì nếu buổi sáng thực hành như vậy, nhất định buổi tối liền được thăng tiến. Nếu buổi tối thực hành như vậy, nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tiến.”[8] Ở đây, đức Đạo sư muốn nói đến sự thăng tiến đạt đến kết quả của cứu cánh Niết-bàn an vui giải thoát trong hiện quán, và đây cũng là 1 trong các nghĩa của Pháp là “thiết thực hiện tại” vậy.
còn tiếp…
Tham khảo & chú thích
[1] 孝順, hiếu thuận = giới (P. Sīla; E. Virtue).
[2] H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 17. [孝順父母師僧三寶,孝順至道之法。孝名為戒,亦名制止。]
[3] 天有四時春在首, 人生百行孝為先。
[4] Đại Thừa Khởi Tín Luận.
[5] Xem Kinh Tương Ưng, Tập V: Đại Phẩm, Chương XII: Tương Ưng Sự Thật.
[6] Quy mạng tận thập phương, Tối thắng nghiệp biến tri/ Sắc vô ngại tự tại, cứu thế đại bi giả/ Cập bỉ thân thể tướng, Pháp tính Chân như hải/ Vô lượng công đức tạng. Như thật tu hành đẳng/ Vị dục linh chúng sinh, trừ nghi xả tà chấp/ Khởi Đại chính tín, Phật chủng bất đoạn cố. Xem thêm H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Đại Thừa Khởi Tín Luận, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2018.
[7] Xem Trung bộ kinh, 10- Kinh niệm xứ (Satipatthàna sutta).
[8] Đại Tạng Kinh Việt Nam (1992), kinh Trung A Hàm tập 2, VNCPHVN, các tr. 577-578.