Bài 9: 37 Phẩm Trợ Đạo (phần 2)
(tiếp theo)
2. Bốn pháp đoạn ý = Tứ chánh cần
a. Chánh văn
王復言何等為四意斷。
Vua lại hỏi: “Những gì là Bốn pháp đoạn ý?”
那先言。佛說已分別止四事不復念是為四 意斷。以得四意斷便自得四神足念。
Na-tiên đáp: Phật dạy, “khi đã phân biệt được bốn pháp dừng ý nói trên, không còn khởi niệm trở lại nữa, gọi là bốn pháp đoạn ý. Đã được bốn pháp đoạn ý, trong ý niệm liền tự nhiên được bốn thần túc.”
b. Lược giải
Bốn pháp đoạn ý còn gọi Tứ ý đoạn, Tứ chánh đoạn, Tứ chánh thắng, Tứ đoạn, Tứ chánh cần (S. Catvāri prahāṇāni; P. Cattāri sammappadhānāni). Chữ “cần” và chữ “đoạn” ở đây theo Pāli có nghĩa là Pahāna-padhāna (tinh cần để đoạn trừ) tức là dùng bốn pháp này trong việc siêng năng tinh tấn để có thể đoạn trừ ác pháp cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của con người trong việc hành thiện.
Do đó, bốn pháp đoạn ý hay Tứ chánh cần là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo của ba mươi bảy phẩm đạo, là bốn phương tiện siêng năng tinh cần trong nỗ lực hằng ngày, đó là:
- Điều ác đã sanh, phải cố dứt trừ.
- Điều ác chưa sanh, phải cố ngăn ngừa đừng cho sanh.
- Điều thiện chưa sanh, phải cố làm nẩy sanh ra.
- Điều thiện đã sanh, phải cố làm tăng trưởng thêm.
Như vậy, qua lời phúc đáp của thầy Na tiên cho vua Di-lan-đà về bốn pháp đoạn ý, nơi đây hành giả nếu tu tập trong hiện quán theo chỉ ác hành thiện (dừng hẳn điều ác làm các việc thiện lành) thì quả vị của các bậc Thánh đang nằm trong tầm tay của mọi hành giả qua việc thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý vậy.
3. Bốn pháp thần túc = Tứ như ý túc
a. Chánh văn
王復問何等為四神足念。
“Những gì là bốn thần túc trong ý niệm?”
那先言。一者。眼能徹視。二者耳能徹 聽。三者能知他人心中所念。四者身能飛 行。是為四神足念。
Na-tiên đáp: “Một là mắt có thể nhìn thấu khắp nơi, hai là tai có thể nghe thấu khắp nơi, ba là có thể biết được chỗ suy nghĩ trong tâm người khác, bốn là có thể bay đi trên không. Đó là bốn thần túc trong ý niệm.”
b. Lược giải
Bốn pháp thần túc hay Tứ như ý túc, ở đây có nghĩa là mọi thành tựu được theo như sở nguyện của hành giả khi tu tập bốn pháp này. Tứ thần túc (S. Catvāra-ṛddhipādāḥ; P. Cattāro iddhi-pādā) là bốn pháp làm nền tảng, nơi nương tựa phát sinh ra các thứ công đức thiền định cho hành giả, và kết quả của chúng theo như ước muốn của người tu tập.
Tứ thần túc là hành pháp thứ ba sau Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần thuộc bảy hành phẩm trong ba mươi bảy phẩm đạo. Hai hành phẩm đầu nghiêng hẳn về phần phát triển trí tuệ hơn là định, để cân bằng về hai mặt định – tuệ nên cần phải phát triển định trong chiều hướng quân bình này.
Trong ngữ cảnh trên, câu trả lời của thầy Na tiên lại liên quan đến bốn thần thông, mà các bực Thánh giả A-la-hán đã chứng đắc, điều này không chỉ riêng Phật giáo mà các đạo sư ngoại đạo cũng có thể đạt được 4 loại thần thông đó. Một là mắt có thể nhìn thấu khắp nơi (thiên nhãn thông), hai là tai có thể nghe thấu khắp nơi (thiên nhĩ thông), ba là có thể biết được chỗ suy nghĩ trong tâm người khác (tha tâm thông), bốn là có thể bay đi trên không (thần túc thông). Đó là bốn thần túc trong ý niệm; muốn đắc được như thế, theo lời thầy Na tiên có nói trước đó, là khi “đạt được bốn pháp đoạn ý, trong ý niệm liền tự nhiên được bốn thần túc.”
Thế còn Tứ Như ý túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo là những gì? Đó là bốn điều tâm nguyện khi tu hành mong đạt được sự thành công đầy đủ trọn vẹn:
- Dục như ý túc: mong muốn được thành tựu hoàn toàn chí nguyện tu hành của mình.
- Tinh tấn như ý túc: nỗ lực thật dõng mãnh để đạt trọn vẹn chí nguyện tu hành của mình, dầu phải hy sanh thân mạng.
- Nhứt tâm như ý túc: một lòng chuyên chú đến chí nguyện tu hành, chẳng hề để cho tâm tán loạn, bị ngoại duyên chi phối.
- Quán như ý túc: dùng trí huệ quán sát chí nguyện tu hành của mình, thấu rõ sự nguy hiểm của đường ác và sự lợi lạc của đường lành.
Như vậy, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa Bốn pháp thần túc trong kinh Na tiên Tỳ-kheo với Tứ như ý túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo.
4. Năm căn và năm lực
a. Chánh văn
王復問何等為五根者。
Vua hỏi: “Còn những gì gọi là năm căn?”
那先言。一者眼見好色惡色意不貪著是為 根。二者耳聞好聲惡罵聲意不貪著是為 根。三者鼻聞香臭意不貪著是為根。四者 口得美味苦辛意不貪著是為根。五者身得 細滑意亦不喜身得麤堅意亦不惡是為五 根。
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy các hình sắc đẹp đẽ hay xấu xí, trong ý đều không tham đắm. Hai là tai nghe các âm thanh êm dịu hay lời nhục mạ, trong ý đều không tham đắm. Ba là mũi ngửi mùi hương thơm tho hay khó ngửi, trong ý đều không tham đắm. Bốn là lưỡi nếm các mùi vị ngon ngọt hay cay đắng, trong ý đều không tham đắm. Năm là thân thể xúc chạm êm dịu, trong ý cũng không vui thích; thân thể xúc chạm thô cứng, trong ý cũng không khó chịu. Như vậy gọi là Năm căn.”
王復問何等為五力者。
Vua lại hỏi: “Còn những gì gọi là Năm sức?”
那先言。一能制眼。二能制耳。三能制 鼻。四能制口。五能制身。令意不墮是為 五力。
Na-tiên đáp: “Một là chế ngự được mắt, hai là chế ngự được tai, ba là chế ngự được mũi, bốn là chế ngự được lưỡi, năm là chế ngự được thân. Nhờ đủ sức chế ngự được năm giác quan ấy nên tâm ý không bị sa đọa, như vậy gọi là Năm sức.”
b. Lược giải
Ngũ căn và ngũ lực là hai hành pháp thứ tư và thứ năm thuộc bảy hành phẩm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Thế nào là năm căn và năm lực? để trả lời câu hỏi này, thầy Na tiên đã dùng năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân) làm năm căn và năm sự chế ngự các giác quan làm năm lực, để trả lời. Thầy Na tiên nói:
Thứ nhứt, mắt thấy sắc đẹp, sắc xấu, ý chẳng dính mắc. Thứ hai, tai nghe tiếng tốt, nhục mạ, ý chẳng dính mắc. Thứ ba, mũi ngửi mùi hương thơm hay xú uế ý chẳng dính mắc. Thứ tư, lưỡi nếm ngon ngọt, đắng, cay… ý chẳng dính mắc. Thứ năm, thân thể xúc chạm sự êm dịu, thô cứng, ý chẳng dính mắc, đó là năm căn. Còn năm lực là: Một, chế ngự mắt thấy, hai chế ngự tai nghe, ba chế ngự mũi ngửi, bốn chế ngự lưỡi nếm, năm chế ngự thân xúc chạm, đó là năm lực.
Nhưng trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, ngũ căn, ngũ lực, lại được kể ra như sau:
- Tín căn, niềm tin nơi Chánh pháp và Tín lực, sức mạnh của niềm tin đó, có được nhờ sự tu tập.
- Tấn căn, nỗ lực diệt trừ điều ác để gia tăng điều thiện và Tấn lực, sức mạnh của sự cố gắng bền bỉ đó.
- Niệm căn, tâm nhớ nghĩ luôn luôn đến lục niệm: (1) niệm Phật, (2) niệm Pháp, (3) niệm Tăng, (4) niệm Giới, (5) niệm Thí, (6) niệm Thiên. Còn Niệm lực là sức mạnh của niệm căn được tu tập thêm vững bền.
- Định căn, tâm luôn an trú trong chánh niệm. Định lực là sức mạnh đưa tâm an tịnh vào các cõi thiền định.
- Tuệ căn, trí sáng phát giác các phiền não, vọng tưởng. Tuệ lực là sức mạnh của trí huệ đoạn sạch vọng tưởng, chặt đứt phiền não.
So sánh giữa năm căn và năm lực ở hai nơi, kinh Na tiên Tỳ-kheo với ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, chúng ta thấy có sự khác biệt; nhưng nếu xét theo “nghĩa gốc” của chữ căn (根) là căn nguyên, nguồn gốc làm phát sanh, thì cả hai nơi đều hợp lý cả: Thứ nhất, năm giác quan được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát sanh ra sự hay biết về cảnh bên ngoài. Thứ hai, từ tín căn đến tuệ căn được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát sanh ra các điều lành.
Mặt khác, lời đáp của thầy Na tiên nói: năm lực là năm sự chế ngự các giác quan, chẳng để cho ý bị dính mắc và sa đọa, khiến chúng ta nhớ lại sự phòng vệ các căn, sự hộ trì các căn đã được đức Phật dạy rất rõ trong kinh Tất cả các lậu hoặc.[1] Trong 12 nhân duyên, nơi hai duyên Xúc và Thọ, khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) được phòng vệ, hộ trì, thì sự tiếp xúc (Xúc) với cảnh vật bên ngoài chẳng lôi kéo cảm thọ (Thọ) chạy theo con đường bất thiện; điều này cho chúng ta thấy rõ sự chế ngự đó là năm lực ở các giác quan, tạo nên sức mạnh điều phục bất thiện pháp và tăng thêm điều lành.
Như vậy, năm căn và năm lực theo quan điểm của thầy Na tiên đưa ra, là khi 5 giác quan tiếp xúc với 5 cảnh trần không bị dính mắc, bởi vì có 5 lực được phòng vệ và hộ trì. Ở đây năm căn là nền tảng có khả năng sản sinh và tăng thượng các thiện nghiệp, thì năm lực chính là sức mạnh để chặn đứng, triệt tiêu các thế lực vô minh phiền não bất thiện và làm tăng thượng các thiện pháp.
6. Bảy giác ý = Thất giác chi
a. Chánh văn
王復問何等為七覺意者。
Vua hỏi: “Những gì là Bảy giác ý?”
那先言。一意覺意。二分別覺意。三精進 覺意。四可覺意。五猗覺意。六定覺意。 七護覺意。是為七覺意。
Na-tiên đáp: “Một là Ý giác ý, hai là Phân biệt giác ý, ba là Tinh tấn giác ý, bốn là Khả giác ý, năm là Ỷ giác ý, sáu là Định giác ý, bảy là Hộ giác ý. Đó là Bảy giác ý.”
b. Lược giải
Thất giác chi là hành pháp thứ sáu thuộc bảy hành pháp trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Thất giác chi còn gọi là Thất Bồ đề phần, Thất đẳng giác chi, Thất biến giác chi, Thất giác phần, Thất giác ý, Thất giác chí, Thất giác chi pháp. Thất giác chi (S. Saptabodhyaṅgāni). ‘Sapta’ ở đây là chỉ cho số bảy thuộc về số đếm; ‘Bodhy’ có nghĩa là giác ngộ, tỏ rõ, hiểu rõ; ‘aṅgāni’ là chỉ cho chi phần. Vậy, theo nguyên ngữ của Saptabodhyaṅgāni thì được định nghĩa như là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thoát.
Trong ngữ cảnh trên, thầy Na tiên kể bảy yếu tố của sự giác ngộ, gọi là thất Giác ý và trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, được gọi là thất Giác chi:
Đối chiếu thất giác ý và thất giác chi
Ý giác ý | 1. Trạch pháp giác chi |
Phân biệt giác ý | 2. Tinh tấn giác chi |
Tinh tấn giác ý | 3. Hỷ giác chi |
Khả giác ý | 4. Khinh an giác chi |
Ỷ giác ý | 5. Niệm giác chi |
Định giác ý | 6. Định giác chi |
Hộ giác ý | 7. Xả giác chi |
Nhận xét về bản đối chiếu trên, thứ tự trước sau của mỗi yếu tố chẳng giống nhau ở hai cột. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của mỗi yếu tố, dựa theo tên gọi trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo.
1. Trạch pháp giác chi, là sự lựa chọn, phân biệt như thật pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; pháp nào có tội, pháp nào không tội; pháp nào đáng tu, pháp nào không đáng tu; pháp nào hạ liệt, pháp nào thắng diệu. Yếu tố trạch pháp này lại bao gồm cả hai yếu tố: (1) ý giác ý và (2) phân biệt giác ý trong lời giải đáp của thầy Na tiên: (1) “ý giác ý”, chữ “ý” (意) chỉ cho ý nghĩ, ý định, chưa diễn tả đầy đủ nghĩa lý; (2) Phân biệt giác ý, là chỉ cho pháp nào thiện và pháp nào bất thiện. Còn chữ Trạch, vừa lựa và vừa chọn lấy một pháp tu. Sau khi hành giả đã lựa chọn pháp tu rồi thì cần phải có sự siêng năng nỗ lực trong pháp tu của mình.
2. Tinh tấn giác chi, lại được thầy Na tiên xếp vào yếu tố thứ ba. Sau khi đã biết lựa chọn, pháp nào thiện, pháp nào ác rồi trong thực hành chỉ ác hành thiện thì phải tinh tấn dùng phương pháp Tứ chánh cần để tu tập.
3. Hỷ giác chi, sự vui mừng, vì thấy pháp mình chọn đưa đến các kết quả khả quan. Hỷ giác chi được thầy Na tiên gọi là Khả giác ý, xếp vào yếu tố thứ tư. Theo nghĩa của chữ Hán, Hỷ là mừng; Khả là có thể, vừa ý, đáng thích, thì cũng tương ứng với nhau.
4. Khinh an giác chi, sự nhẹ nhàng, sảng khoái trong các tầng thiền (sơ, nhị, tam tứ thiền). Khinh an tương đương với yếu tố thứ năm ỷ giác ý. Chữ ỷ (猗), có nghĩa là nương cậy, nương tựa, dựa vào; ở đây, có nghĩa là tâm dựa vào sự sảng khoái thông qua các cõi thiền mà có được định lực.
5. Niệm giác chi, tức là chánh niệm trong các đề mục quán về thân, thọ, tâm và pháp.
6. Định giác chi, được nói đến ở cả hai bản Bảy Giác ý và Thất Giác chi. Đó là định lực trong các cõi thiền, để từ đó tuệ phát sinh, chặt đứt đoạn trừ phiền não, đưa đến giác ngộ.
7. Xả giác chi, tức là tâm bình đẳng, buông xả, chẳng dính mắc, gặp việc thuận chẳng luyến thích, gặp chuyện nghịch chẳng oán trách, than vãn. Thầy Na tiên dùng chữ “hộ” (護) vào trong Hộ giác ý, yếu tố sau cùng của Bảy giác ý.
Như vậy, bảy Giác ý là những pháp để hỗ trợ cho hành giả làm tăng trưởng thiện pháp trên lộ trình hướng đến giác ngộ. Chúng vừa là nhân mà cũng làm duyên liên đới hỗ tương cho nhau. Chỉ cần tu một giác chi thì các giác chi khác chúng cũng tự hoàn thiện, như lời đức Thế Tôn đã khẳng định: “Tu tập một giác chi đã có thể thành tựu mục đích của đời sống phạm hạnh, huống nữa là tu tập cả Thất giác chi.”[2] Vì chính ngay trong mỗi một giác chi, chúng đã hiện diện nhân và duyên một cách đầy đủ trọn vẹn bảy chi trong một chi.
còn tiếp…
Tham khảo & chú thích
[1] Xem Trung Bộ kinh, 2- kinh Tất cả các lậu hoặc. [Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.]
[2] Kinh Tương Ưng (tập V), Chương II, Tương Ưng Giác Chi.