Bài 9: 37 Phẩm Trợ Đạo (phần 3)
(tiếp theo & hết)
7. Tám chánh đạo
a. Chánh văn
王復問何等為八種道行。
Vua hỏi: “Những gì gọi là Tám món đạo hạnh?”
那先言。一直見。二直念。三直語。四直 治。五直業。六直方便。七直意。八直 定。是為八種道行。
Đáp: “Một là chỗ thấy biết chân chánh, hai là suy nghĩ chân chánh, ba là lời nói chân chánh, bốn là việc làm chân chánh, năm là đời sống chân chánh, sáu là tinh tấn chân chánh, bảy là chỗ nhớ nghĩ chân chánh, tám là định ý chân chánh. Đó gọi là Tám món đạo hạnh.
b. Lược giải
Bát chánh đạo là hành pháp thứ bảy trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Bát Chánh Đạo (S. Āryāṣṭāṅgika-mārga), là con đường chánh tám ngành đưa đến Niết-bàn giải thoát, còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi chánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát chủng đạo hành, Bát trực hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, Bát lộ hay còn gọi là Trung đạo.
Trong ngữ cảnh trên, thầy Na tiên na đã trả lời vua Di-lan-đà về Tám món đạo hành, song song với các yếu tố của con đường tám ngành Bát Chánh Đạo, được kể rõ ràng và đầy đủ trong kinh Chuyển Pháp Luân, là bản kinh đầu tiên của đức Phật, sau khi Ngài thành đạo, giảng tại vườn Lộc uyển cho năm anh em ông Kiều-Trần-Như bạn tu của Ngài trước đó để tránh xa hai thái độ sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và khoái lạc (hạnh phúc), đưa hành giả đến con đường Trung đạo không vướng mắc hai bên.
Bây giờ, chúng ta đối chiếu bát đạo hạnh và bát chánh đạo:
1. Trực kiến | 1. Chánh tri kiến |
2. Trực niệm | 2. Chánh tư duy |
3. Trực ngữ | 3. Chánh nghiệp |
4. Trực mạng | 4. Chánh ngữ |
5. Trực nghiệp | 5. Chánh mạng |
6. Trực phương tiện | 6. Chánh tinh tấn |
7. Trực ý | 7. Chánh niệm |
8. Trực định | 8. Chánh định |
Nhận xét về chữ Chánh trong Bát chánh đạo; chữ Trực trong Tám món đạo hạnh. Ý nghĩa của hai chữ tương đương nhau: chân chánh, ngay thẳng, đúng đắn. Về nội dung của mỗi ngành, ta nên xét từng môn: từ Chánh tri kiến cho đến Chánh định.
1. Chánh tri kiến (P. Sammàditthi), sự thấy biết chơn chánh, đúng đắn, có thể xem tương đương với Trực kiến.
2. Chánh tư duy (P. Sammàsankappa), sự suy nghĩ, tư duy, đúng đắn. Ở đây thầy Na tiên dùng Trực niệm, có nghĩa nhớ nghĩ thẳng thắn, cả hai cũng có nghĩa tương đương nhau.
=> Chánh tri kiến và Chánh tư duy được xếp vào môn thứ ba, Tuệ học, trong tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ.
3. Chánh ngữ (P. Sammàvàca), lời nói chân chánh; 4. Chánh mạng (P. Sammààjiva) mạng sống chân chánh; 5. Chánh nghiệp (P. Samm kammata), việc làm chân chánh, tương đương với Trực ngữ, Trực mạng, Trực nghiệp.
=> Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp được xếp vào môn thứ nhất, Giới học, trong tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ.
6. Chánh tinh tấn (P. Sammààyàma), nỗ lực siêng năng tinh cần. Ở đây thầy Na tiên dùng Trực phương tiện, có nghĩa là Phương tiện của Bồ Tát nhằm giúp chúng sinh giải thoát khổ đau, với nhiều cách thức khác nhau. Tinh tấn chuyên cần đoạn trừ phiền não; phương tiện cứu độ chúng sanh vượt thoát khổ hải luân hồi, cả hai nghĩa trên cùng hướng đến mục đích cuối cùng là giải phóng khổ đau.
7. Chánh niệm (P. Sammà satti), nhớ nghĩ chân chánh. Thầy Na tiên dùng Trực ý. Ở đây chữ Ý (意) có nghĩa ý nghĩ, còn chữ Niệm (念), nghĩa là nhớ nghĩ. Nghĩ về gì? nghĩ về các thiện pháp, tam bảo, giới, thí… Cho nên, cả hai cách dùng từ đều mang ý nghĩa là nhớ nghĩ chân chánh đúng chánh pháp về thiện và thiện giải thoát.
8. Chánh định (P. Sammà samàdhi), tập trung chân chánh. Thầy Na tiên dùng Trực định, vậy cả hai đều nói lên định lực chân chánh, giúp hành giả xa lìa pháp dục, bất thiện, thành tựu bốn pháp thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
=> Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định được xếp vào môn thứ hai, Định học, trong tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ.
Như vậy, Bát chánh đạo là tám chi phần cần và đủ để hành giả vượt qua khỏi bờ bên này tức là bờ đau khổ sang bờ bên kia nghĩa là bờ giác ngộ giải thoát.
8. Sự liên hệ giữa Bát chánh đạo và các hành pháp trợ đạo
Trong Bát chánh đạo, chúng ta nhận thấy có sự liên hệ mật thiết giữa hành pháp thứ bảy cùng với 6 hành pháp trợ đạo khác, như đã nói 37 phẩm trợ đạo được chia ra làm 7 phần. Sự có mặt liên hệ tương quan đó, đựoc nhìn nhận một cách tổng tổng quát cơ bản sau:
- Chánh tri kiến là tuệ căn, tuệ lực (ngũ lực).
- Chánh tư duy là trạch pháp giác chi (thất giác chi); cũng chính là quán như ý túc (tứ như ý túc).
- Chánh tinh tấn chính là ý nghĩa nội dung của tứ Chánh cần (diệt ác, ngăn ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện); cũng chính là tinh tấn như ý túc (tứ như ý túc); tinh tấn giác chi (thất giác chi).
- Chánh niệm trong Bát chánh đạo chính là ý nghĩa nội dung của tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp); cũng chính là niệm căn, niệm lực (ngũ căn, ngũ lực); cũng là niệm giác chi (thất Giác chi); và là nhứt tâm như ý túc (tứ như ý túc).
- Chánh định là hỷ, khinh an, định, xả giác chi (thất giác chi); sơ, nhị, tam, tứ thiền (tứ thiền).
=> Chính vì sự tương hệ này, nên đức Phật gọi là pháp trợ đạo cho Đạo đế, con đường Trung đạo đưa hành giả giải thoát khỏi khổ đau để chứng đắc thể nhập Niết-bàn.
3. Lấy tám món đạo hạnh làm căn bản tu hành
a. Chánh văn
凡是三十七品經皆由孝順為本。
“Phàm ba mươi bảy phẩm trợ đạo này đều lấy hiếu thuận làm gốc.
那先言。凡人負重致遠有所成立皆由地 成。世間五穀樹木仰天之草皆由地生。
Na tiên nói: “Như người mang đồ nặng đặt để nơi xa, có thể vững vàng được là nhờ nơi mặt đất. Các loại ngũ cốc, cây cỏ trên thế gian này, đều sanh từ đất mà mọc hướng lên trời.
那先言。譬如師匠圖作大城當先度量作基 址已乃可起城。
Na tiên nói: “Lại như người muốn xây thành lớn, trước phải lo việc đo đạc làm nền móng, rồi sau mới có thể khởi công xây dựng.
那先言。譬如伎人欲作當先淨除地平,乃 作。佛弟子求道,當先行經戒,念善,因知 勤苦便棄諸愛欲,便思念八種道行。
Na tiên nói: “Lại như người muốn nhào lộn biểu diễn, trước phải lo dọn chỗ đất cho sạch và bằng phẳng, sau mới có thể nhào lộn trên đó. “Đệ tử Phật muốn cầu đạo, trước phải thực hành theo kinh giáo, trì giới, nhớ nghĩ điều lành, vì rõ biết sự cần khổ nên liền lìa bỏ được các mối ái dục, liền suy tưởng nghĩ nhớ đến Tám chánh đạo.”
b. Lược giải
Như đã nói ở trên phần 1 – Giải thích Hiếu thuận (Giới) là gì? và trong phần 8 – Sự liên hệ giữa Bát chánh đạo và các hành pháp trợ đạo). Bây giờ sẽ bàn về quan điểm của thầy Na tiên chọn tám món đạo hạnh làm căn bản tu hành.
Thầy Na tiên nói: “… Đệ tử Phật muốn cầu đạo, trước phải thực hành theo kinh giáo, trì giới, nhớ nghĩ điều lành, vì rõ biết sự cần khổ nên liền lìa bỏ được các mối ái dục, liền suy tưởng nghĩ nhớ đến Tám chánh đạo.”
Như thế, trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, thầy Na tiên đã chọn lấy Bát Chánh Đạo làm căn bản tu hành. Bởi vì trong Bát Chánh Đạo đã gói gọn đầy đủ các pháp trợ đạo rồi (như đã trình bày trên). Ngang đây, thầy Na tiên đưa ra 3 thí dụ cho việc thực hành pháp đó là:
Thứ nhất, như người mang đồ nặng đặt để nơi xa, có thể vững vàng được là nhờ nơi mặt đất. Các loại ngũ cốc, cây cỏ trên thế gian này, đều sanh từ đất mà mọc hướng lên trời.
Thứ hai, như người muốn xây thành lớn, trước phải lo việc đo đạc làm nền móng, rồi sau mới có thể khởi công xây dựng.
Thứ ba, như người muốn nhào lộn biểu diễn, trước phải lo dọn chỗ đất cho sạch và bằng phẳng, sau mới có thể nhào lộn trên đó.
Từ 3 thí dụ trên, chúng ta thấy, đất làm nơi sinh y và phát triển cho muôn loài muôn vật, cũng vậy người tu hành luôn lấy Bồ-đề tâm (tâm giác ngộ) hay Tâm địa (giới) làm chỗ nương tựa để tăng trưởng các thiện pháp, nếu vong thất Bồ-Đề tâm, thì dẫu tu tất cả các thiện pháp cũng chỉ là ma nghiệp. Kinh hoa nghiêm: “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp.”[1] Trong tất cả pháp môn tu nói chung, được tóm gọn trong Tứ diệu đế, mà phần Đạo đế là Thánh đạo 8 ngành – con đường vượt thoát khổ đau, đó là quan điểm duy nhất mà thầy Na tiên đã chọn.
4. Nhất tâm niệm đạo, ái dục tự diệt
a. Chánh văn
王言。當用何等棄諸愛欲。
Vua lại hỏi: “Nên nhờ vào những điều gì để lìa được các mối ái dục?”
那先言。一心念道愛欲自滅。
Na-tiên đáp: “Một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.”
b. Lược giải
Vấn đề ái dục được đức Đạo sư thuyết rất nhiều trong tạng Kinh cũng như tạng Luật, “Sanh tử căn bản, dục vi đệ nhất.”[2] “Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi.”[3] Kinh pháp cú, Phẩm tham ái:“Ai sống trong đời này/ bị ái dục ràng buộc/ sầu khổ sẽ tăng trưởng/ như cỏ bi gặp mưa.”[4] Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật ví sánh sắc dục như là độ nước cần thiết để cho hạt giống thóc sinh trưởng ở mảnh ruộng nghiệp. Nước là yếu tố quan trọng để mầm sinh. Ái cũng vậy, là điều tiên quyết của Hữu: “Này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống và ái là sự nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị sắc dục trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy sẽ có sự tái sinh. Nghĩa là “hữu” có mặt.” Vướng mắc vào ái là vướng mắc vào sinh tử miên viễn, trong đó đam mê sắc dục là cụ thể và nguy hại hơn hết. Cũng vậy, trong kinh 42 chương, đức Phật đã nói rõ về sự nguy hại của ái dục: “Trong các ái dục, sắc dục là nguy hại hơn hết. Cũng may là chỉ có một. Nếu mà có cái thứ hai, có lẽ thiên hạ không ai hành đạo được.”
Vậy, người hành đạo muốn vượt thoát biển ái, đến bờ an vui, thì phải nương vào đâu để tu tập? Theo lời thầy Na tiên: “một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.” Có nghĩa là hành giả phải luôn luôn nhớ nghĩ về cuộc đời là vô thường, khổ đau, vô ngã; hàng ngày siêng năng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tham thiền, lễ lạy Tam bảo, sám hối nghiệp chướng… thì “tội nào không diệt, phước nào nào k sanh”[5], đồng thời phải thực hành các việc lành “vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Như lời đức Phật nhắc nhở các đệ vào mỗi kỳ Bố tát: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biến nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích mà sau nầy phải ăn năn.”[6] Có được như vậy, thì con đường giác ngộ sẽ sớm thành tựu đến với chúng ta.
IV. Kết luận
Cuộc luận đạo giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên trong lần này xoay quanh chủ đề 37 phẩm trợ đạo, con đường tu tập để chặt đứt sợi dây ái ân ràng buộc, bằng phương pháp tu tập, hành giả nên thực hành Bát chánh đạo, “một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.” Cũng vậy, một khi ngọn đèn được thắp sáng lên thì bóng đêm từ vô thỉ kiếp liền tự tiêu tan, và một khi trí tuệ phát sinh thì màn đêm u ám từ nghìn đời cũng tự tan biến đi, như lời Cổ đức đã dạy: “Nhất đăng năng trừ thiên niên ám, nhất trí năng diệt vạn niên mê.”
Tham khảo & chú thích
[1] Kinh Hoa Nghiêm.
[2] Sa di Luật nghi yếu lược.
[3] Kinh Bát đại nhân giác.
[4] Kệ 335.
[5] Từ Bi Thủy Sám Pháp.
[6] H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb: Tôn giáo, 2006, tr. 9.