Bài 2: Con Người Và Thuyết Vô Ngã
(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, tr. 4; Mục I – Mahāvaggo, Milindapañhapāli, tr. 38; Mục V – Hội ngộ, quyển thượng, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 33-41; Bài 1- Danh, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 104-110; Bài 1- Vô ngã hay danh, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 19-27; Chapter 1 – The Soul, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 32-34).
A. Giới thiệu
Trong ngôn ngữ hàng ngày, con người dùng chữ ta, tôi để xưng hô với nhau. Bây giờ nói vô ngã, tức là không có cái tôi, cái ta, nghe cũng rất vô lý. Phật giáo khi nói về Vô ngã vẫn thường nhấn mạnh là chúng ta phải nhận rõ về năm uẩn là vô ngã, không có gì là ta, của ta; chúng ta, hay ta, nói gì cũng cần phải có một chủ từ, vậy chủ từ “chúng ta, hay ta” là ai? Nói chúng ta vô ngã tức là chúng ta không có cái ta ở trong đó? Vậy nghĩa là sao? Tu hành để đạt được vô ngã có ích gì?
Những người không biết giáo lý đạo Phật, khi nghe nói về vô ngã, tức là không có cái Ta thì họ liền phản đối, đây là điều đương nhiên. Họ thắc mắc nếu vô ngã, không có Ta thì ai tu, ai chứng? ai ăn chay? ai niệm Phật? ai bố thí, cúng dường? ai làm phước? ai làm thiện? ai sát sinh? ai trộm cắp? ai tà dâm? ai nói dối? ai uống rượu? ai thành Phật? ai nhập Niết bàn? ai giải thoát?…
Về triết lý nầy, trong kinh Na tiên Tỳ-kheo, ngay buổi sơ kiến của vua Di-lan-đà gặp Thầy Na tiên đã diễn ra cuộc đối thoại triết lý sâu sắc, người trong cuộc cũng như ngoài cuộc nghe đều phải kính phục.
B. Nội dung
1. Cuộc đối thoại giữa thầy Na tiên và vua Di-lan-đà về vô ngã
Chánh văn
Đoạn: 王便問那先。卿字何等?
Vua hỏi Na-tiên. Bạch Đại đức, tên ngài là gì?
那先言。父母字我為那先。便呼我為那先。有時父母呼我為維先。有時父母呼我為首羅先。有時父母呼我維迦先。用是故人皆識知我世間人皆有是字耳。
Na-tiên đáp: “Cha mẹ đặt tên cho bần tăng là Na-tiên, nhân đó mọi người đều gọi là Na tiên. Nhưng cho dù cha mẹ có đặt cho là Duy-tiên, Thủ-la-tiên hay Duy-ca-tiên… cũng chỉ là một phương tiện dùng để nhận biết, phân biệt mà thôi. Tên gọi của mọi người ở thế gian cũng đều chỉ có ý nghĩa như vậy.”
Lược giải
Vào một ngày, tại chùa San khế da (Sankheyya) thầy Na tiên cùng với đại chúng[1] đang tu tập tại đây, đức vua Di-lan-đà cùng với đoàn tùy tùng đến tham vấn.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra, đó là gì? thông thường người ta hay hỏi về danh tánh? Ngay buổi sơ kiến, cái gặp ban đầu, được sự chứng kiến của hàng ngàn các vị tăng sĩ, (ở đây là 80 ngàn người) và 500 bề thần tùy tùng theo vua, vậy con số ở đây lên đến là 80.500 người trong một giảng đường rộng lớn, nhìn ai cũng như ai, một người chưa từng gặp mặt, nói chuyện, làm sao nhận diện biết được đó là ai?
Vì thế, có sự thử thách tài trí thông minh của nhà vua Di-lan-đà, các cận thần hỏi, giữa những vị tăng chúng đông như thế nầy, làm sao Đại vương biết được đâu là Na tiên. Vua trả lời: ta chỉ cần nhìn qua là biết được vị nào là Na tiên rồi. Có phải chăng, nhiều kiếp trước đã gặp nhau rồi sao? như trong kinh văn, phần ngoại thuyết đã đề cập, kiếp trước (tiền kiếp, previous lives) hai vị này, thầy Na tiên là bổn sư, còn Di-lan-đà là đệ tử Sa-di đã có lời nguyện ước với nhau.
Vua hỏi Na tiên. Bạch Đại đức, tên ngài là gì?
王便問那先。卿字何等? Wáng biàn wèn nà xiān. Qīng zì héděng?
Kinnāmo ’si bhante ti?
What sir, is your name? Thưa ngài, tên ngài là gì?
Na tiên trả lời: “Cha mẹ đặt tên cho bần tăng là Na tiên (那先; P. Nāgasena), nhân đó mọi người đều gọi là Na tiên. Nhưng cho dù cha mẹ có đặt cho là Duy tiên (維先; P. Vīrasena), Thủ-la-tiên (首羅先; P. Sūrasena) hay Duy-ca-tiên (維迦先; P. Sīhasena)… cũng chỉ là một phương tiện dùng để nhận biết, phân biệt mà thôi. Tên gọi của mọi người ở thế gian cũng đều chỉ có ý nghĩa như vậy.”
Con người trong đời cũng thế, phải có cái tên để xưng hô, phân biệt người A hay người B trong xã hội.
Đức Phật không chỉ có 1 tên gọi mà Ngài còn có đến 10 danh hiệu, gọi là thập hiệu Như Lai. Duy thức học gọi đó là “pháp” (S. Dharma; P. Dhamma), kể cả con người, loài vật, thực vật, cây cối, sông nước … đều gọi “pháp” là vậy: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải.”[2] Nghĩa là: bất cứ cái gì giữ gìn tánh chất riêng, để từ đó người ta có thể biết, có thể phân biệt được vật này khác với vật kia.
Cho nên, thầy Na tiên nhấn mạnh “Tâu đại vương, vả lại ‘Nāgasena’ cũng chỉ là từ phân biệt, là tên thừa nhận, là tên quy định, là tên gọi thông thường, bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây…” (Api ca kho mahārāja saṅkhā samaññā paññatti vohāranāmamattaṃ yadidaṃ nāgaseno ti. Na hettha puggalo upalabbhatī ”ti.)
Do đó, thầy Na tiên chỉ ra cho Vua Di-lan-đà thấy rõ rằng, “con người ở đời có 1 cái tên – danh xưng để gọi, phân biệt cho khỏi nhầm lẫn vậy.”
Đoạn: 王問那先,誰為那先者?王復問言,頭為那先耶?
那先言。頭不為那先也。
Vua liền hỏi: “Ai là Na tiên? Cái đầu là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải, đầu chẳng phải là Na tiên.”
王復問,眼耳鼻口為那先耶?
那先言。眼耳鼻口不為那先。
Vua lại hỏi: “Mắt, tai, mũi, lưỡi là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Mắt, tai, mũi, lưỡi chẳng phải là Na tiên.”
王復問。頸項肩臂足手為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Thế thì cổ, gáy, vai, cánh tay, tay chân, đó là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問。髀腳為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Thế thì như bắp đùi, bàn chân… phải là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問,顏色為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua hỏi: “Vậy hình sắc nhìn thấy đó có phải là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問,苦樂為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua hỏi: “Như vậy sự cảm thọ[3] vui, khổ là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
Lược giải
Vua Di-lan-đà là 1 vị vua có tài trí vẹn toàn, xưa nay chưa hề chịu khuất phục bất cứ một ai, khi chất vấn hỏi về đạo lý con đường hướng đến giải thoát với các đạo sư của những giáo phái, hễ chỗ nào có vị đạo sư dù lớn hay nhỏ, dù có tên tuổi trong xã hội hay vô danh, cứ nghe ở đâu có vị đạo sư tu tập thì vua liền đến tham vấn hỏi đạo ngay, thậm chí nhà vua đã làm cho các vị đạo sư phải rúng sợ, họ lẫn vào trong núi cao rừng sâu, thâm sơn cùng cốc để ẩn tránh, gọi là “ninh tọa thâm sơn cơ ngạ tử”[4] Nghĩa là: chẳng thà ngồi chịu chết trong núi sâu chứ không dám xuất hiện ra ngoài, vì những câu hỏi của nhà vua đặt ra quá hóc búa làm cho họ trả lời không được, gọi là “tiến thoái lưỡng nan”, chẳng hạn như vua hỏi vị đạo sĩ thuộc phái Nan Đà Ca Diếp (Pùrana Kàssápa)[5], “chúng sanh đầy khắp trong 3 cõi có sanh mạng, có chánh báo, có y báo, có mạng sống giống nhau, có mạng sống khác. Vậy, xin hỏi là cái gì nuôi dưỡng và hộ trì chúng? Vị đạo sư trả lời, chúng sanh được đại địa nuôi dưỡng và hộ trì chúng. Đức vua hỏi tiếp, chẳng hay trong giáo lý của ngài có nói đến chúng sanh chịu thống khổ trong các cảnh giới hay cõi địa ngục và ngạ quỷ chăng?
Vị đạo sư đáp: Thưa Đại vương trong giáo lý của chúng tôi có đề cập đến chúng sanh chịu thống khổ trong các cõi địa ngục và ngạ quỷ. Nghe đến đây, vua không hài lòng, vua nói: thầy bảo quả đất, (đại địa) nuôi dưỡng và bảo hộ chúng sanh, vậy mà để cho chúng sanh phải đọa lạc, trầm luân trong các cảnh giới thống khổ, chịu đầy đau thương thảm thiết đến thế sao?
Rồi một ngày nọ, vua đến tham vấn hỏi đạo với vị đạo sư pháiMạt Già Lê Câu Xá Lợi (Makkhali Gosàla).[6] Vua hỏi: theo thầy quan niệm như thế nào về thiện, ác, có nhân và có quả về thiện nghiệp và ác nghiệp không? Vị đạo sư lúc này rất là tự tin thẳng thắn trả lời 1 cách không do dự. Tâu đại vương, cuộc đời nầy, chẳng có thiện, chẳng có ác, hễ sinh ra làm vua kiếp nầy, thì kiếp sau cũng làm vua; kiếp nầy sinh ra làm nô tỳ, thì kiếp sau cũng giống như vậy.
Trong học thuyết Hindu giáo hay Ấn-độ giáo cho rằng: con người sinh ra đời đều do sự sắp xếp an bài của Brahma tức là đấng Đại phạm, Phạm thiên trong các giai cấp, cụ thể ở đây là 5 giai cấp.[7]
Rồi vua mới hỏi tiếp, nếu thầy cho rằng: không có phước, không có tội, không có nhân, không có quả,thì ví như người có tướng mạo đẹp, tướng mạo không được đẹp, rồi những người làm phước giúp đỡ người nghèo khổ, bố thí cúng dường… thì kiếp sau cũng giống vậy luôn sao? Vị đạo sư trả lời, đúng rồi. Nếu thầy nói đúng thì hãy chứng minh cái đúng đó đi, vị đạo sư cuối cùng không luận giải được.
Cho nên, “tiến thoái lưỡng nan”, tiến về phía trước cũng không được mà lui về phía sau cũng không xong, làm cho họ phải thất điên bát đảo, cuối cùng phải tìm nơi để ẩn tránh. Vua nghĩ, trong thiên hạ nầy, không còn đạo sư nào nữa chăng? không còn ai để ta hỏi đạo nữa sao? không còn ai để ta so tài trí tuệ nữa hay sao? Do đó, khi vua Di-lan-đà nghe 1 loạt câu trả lời của thầy Na tiên về tên của ngài, đức vua có vẻ rất lấy làm đắc chí.
Với 1 tràng câu hỏi vua đặt ra và 1 loạt câu trả lời phủ định (Negative sentences) của thầy Na tiên, nhà vua cũng chưa ngộ được thâm nghĩa Pháp là gì? Vua nói: cái gì ngài cũng cho là không phải, phủ nhận hết, mà tại làm sao trước đó, Đại đức nói là ngài là Na tiên, có phải thầy nói dối chăng? cái đầu cũng không phải, mắt, tai, mũi, miệng, tim, gan, phèo, phổi, thận, lá lách… cũng không phải, cái gì ngài cũng cho là không phải, phủ định tất cả. Như vậy, đoạn nầy thầy Na tiên phủ định cái tên gọi, các yếu tố trong và ngoài thân.
Đoạn: 王復問,善惡為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Vậy phân biệt thiện ác, đó là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問,身為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Như vậy, thân xác là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問,肝肺心脾脈腸胃為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua hỏi: “Vậy hết thảy các cơ quan trong nội tạng là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問,顏色苦樂善惡身心,合是五事,寧為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Như vậy, hợp cả năm yếu tố là hình sắc, cảm thọ khổ vui, thiện ác, thân, tâm, đó là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
王復問, 聲響喘息為那先耶?
那先言。不為那先。
Vua lại hỏi: “Như vậy âm thanh, tiếng vọng, cho đến hơi thở ra vào, có phải là Na tiên chăng?”
Na tiên đáp: “Không phải Na tiên.”
Lược giải
Vua lại hỏi để phân biệt giữa cái thiện và cái ác đó là Na tiên chăng? Na tiên cũng phủ định không phải.
Ngũ uẩn: Sắc (rūpa) Thọ (vedana) Tưởng (saṃjñā ) Hành (saṃskāra) và Thức (vijñāna) là Na tiên chăng? Tâu Đại vương, không phải. Do đó, ngũ uẩn không phải là Na tiên.
Lục căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý căn không phải là Na tiên.
18 giới (thập bát giới): lục căn + lục trần + lục thức = 18 giới[8]
Nói chung là 32 thể trược cũng không phải là Na tiên.
Vua muốn hiểu làm thế nào Na tiên chỉ ra rằng cái “ngã” đó là gì? đó là điều căn bản nhất, và đó cũng là điều mà con người luôn mong cầu tìm kiếm. Nhưng làm sao tìm ra được, bởi vì tất cả chúng là duyên sinh (Paṭicasamuppāda). Kinh thập thiện nghiệp đạo nói: “Nhi tâm vô sắc, bất khả kiến thủ, đản thị hư vọng, chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã ngã sở.”[9] Nghĩa là: Tâm không hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.
Vậy, cái gì là của chúng ta, “thuyết tạm thời” (temporary) con người cho là của mình, chứ thật ra không có cái gì là của ta, ngay thậm chí thân thể nầy cũng do cha mẹ sinh ra. Tổ quy sơn nói: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi vi thể, giả chúng duyên nhi cộng thành”.[10] Nghĩa là: nói đến sự thọ thân vì nghiệp lực, chưa ai tránh khỏi sự khổ lụy của hình hài. Thọ nhận từ tinh cha huyết mẹ, các duyên giả mà hợp thành. Vì thế, con người hay chúng sanh, hữu tình nào cũng do tứ đại, ngũ uẩn tạo nên. Kinh Bát đại nhân giác nói: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã”.[11] Nghĩa là: thế gian là vô thường, quốc độ thì mong manh không bền chắc, bốn đại là khổ không, năm ấm là vô ngã.
Do đó, tất cả các cảm xúc về tâm lý, thân thể vật lý, âm thanh, sắc tướng v.v… cũng không phải là Na tiên.
Đoạn: 王復問,何所為那先者?
那先問王言,名車,何所為車者? 軸為車耶?
Vua liền hỏi: “Như thế, thật ra đâu mới là Na tiên?”
Na tiên không đáp, hỏi lại vua rằng: “Đại vương gọi tên chiếc xe, thật ra đâu mới là xe? Cái trục xe là xe chăng?”
王言, 軸不為車。
那先言, 輞為車 耶。
Vua đáp: “Trục xe chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy vành bánh xe là xe chăng?”
王言, 輞不為車。
那先言,輻為車耶。
Vua đáp: “Vành bánh xe cũng chẳng phải là xe?”
Na tiên lại hỏi: “Vậy nan bánh xe là xe chăng?”
王言,輻 不為車。
那先言,轂為車耶。
Vua đáp: “Nan bánh xe chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy bánh xe là xe chăng?”
王言,轂不為車。
那 先言,轅為車耶。
Vua đáp: “Bánh xe cũng chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy càng xe là xe chăng?”
王言,轅不為車。
那先言,軛為 車耶。
Vua đáp: “Càng xe chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy cái ách có phải là xe chăng?”
王言,軛不為車。
那先言,輿為車耶。
Vua đáp: “Ách chẳng phải là xe.”
Na tiên lại hỏi: “Chỗ ngồi có phải là xe chăng?”
王言, 輿不為車。
那先言,扛為車耶。
Vua đáp: “Chỗ ngồi chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi tiếp: “Chỗ gác chân có phải là xe chăng?”
王言,扛不為車。
那先言,蓋為車耶。
Vua đáp: “Chỗ gác chân chẳng phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy mui xe là xe chăng?”
王言,蓋不為車。
那先言,合 聚是諸材木著一面寧為車耶。
Vua đáp: “Mui xe chẳng phải là xe.”
Na tiên lại hỏi: “Vậy hợp đủ tất cả các món ấy lại là xe chăng?”
王言,合聚是諸 材木著一面不為車也。
那先言,假令不合聚 是諸材木寧為車耶。
Vua đáp: “Dù hợp đủ tất cả các món ấy lại cũng không phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Giả sử như không hợp tất cả các món ấy lại, vậy là xe chăng?”
王言,不合聚是諸材木 不為車。
那先言,音聲為車耶。
Vua đáp: “Không hợp các món ấy lại, cũng không phải là xe.”
Na tiên hỏi: “Vậy âm thanh phát ra là xe đó chăng?”
王言,音聲不為 車。
那先言,何所為車者。
Vua đáp: “Âm thanh cũng chẳng phải là xe.”
Na tiên liền hỏi: “Nói như vậy thì thật ra đâu mới là xe?”
Lược giải
Những câu trả lời của thầy Na tiên đã làm cho nhà vua lúc nầy cũng chưa tỏ ngộ nhận ra được pháp duyên sinh tụ hợp đó là gì? Vua đã gặp phải vấn nạn khó khăn, sự nôn nóng muốn biết liền ngay lập tức, hãy chỉ ra cái gì là Na tiên và Na tiên tìm thấy ở chỗ nào trong con người đó?
Vua liền hỏi: “Như thế, thật ra đâu mới là Na tiên?” (何所為那先者?), lúc nầy thầy Na tiên hỏi vặn lại nhà vua, trời vào mùa hè nóng nực, oi bức, đường xá xa xôi, quốc sự đa đoan, đại vương đến đây chắc long thể có hơi chút phần bất an, sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bộ chứ. (đây là cách ứng xử của người trí).
Vua đáp: trẫm đến chùa bằng xe, chỉ đi bộ từ cổng, còn vào chùa là đi bộ mà thôi!
Đại vương đến đây bằng xe, vậy xin hỏi đại vương một vài đặc điểm về xe được không?
Vua đáp, được khanh cứ hỏi, trẫm đang lắng tai nghe!
Lần lượt những câu hỏi của thầy Na tiên nêu ra, nhà Vua cũng phủ nhận những món đó gọi là xe. Vậy thì ở đây cái gì là cỗ xe? (何所為車者? Ko panettha ratho?).
Như vậy, đến đây vua Di-lan-đà chưa nhận ra được Na tiên là gì? và cũng không tìm thấy cái gì gọi là cỗ xe.
Đoạn: 王便默然不語。
Vua lặng thinh không đáp được.
那先 言,佛經說之如合聚。是諸材木用作車因得 車。
Đại đức Na tiên bấy giờ mới thong thả nói: “Kinh Phật dạy rằng, nếu hợp tất cả các yếu tố ấy lại mà làm xe, người ta sẽ có cái vật được gọi là xe.
人亦如是。合聚頭面耳鼻口頸項肩臂骨肉手足肝肺心脾腎腸胃顏色聲響喘息苦樂 善惡合聚名為人。
Con người cũng vậy. Như hòa hợp tất cả các yếu tố đầu, mặt, tai, mũi, lưỡi, cổ, gáy, vai, tay chân, xương, thịt, nội tạng, nhan sắc, âm thanh, tiếng vọng, hơi thở ra vào, cảm thọ khổ vui, phân biệt thiện ác… sẽ hình thành một thực thể được gọi là con người.”
王言善哉善哉[12]。
Vua hiểu ra, tán thán rằng: “Hay thay, hay thay!”
Lược giải
Sau khi vua nghe thầy Na tiên giảng giải, phân tích cặn kẽ rõ ràng về các yếu tố, nào là tứ đại, ngũ uẩn, 6 căn, 6 trần, 6 thức, 18 giới, 32 thể trược[13] của con người, sự hình thành thực thể của 1 chúng sanh, 1 hữu tình (sattva) là do đâu! Từ đó cho chúng ta thấy được rằng: thân thể con người cũng như vật dụng (1 cỗ xe, 1 máy laptop, 1 cái điện thoại) tất cả đều do các duyên hòa hợp lại tạo thành. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sinh, nhân duyên biệt ly hư vọng danh diệt.” Nghĩa là: nhân duyên hòa hợp hư vọng có sinh, nhân duyên biệt ly hư vọng gọi là diệt. Một khi chúng ta nhận diện được các pháp vốn là duyên sinh, để rồi từ đó chúng ta “hiệp giác bối trần”.
Nói tóm lại, tất cả các pháp đều do duyên sinh “vạn pháp do duyên sinh”. “Nếu cái này tồn tại thì cái kia tồn tại. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không tồn tại. Cái này diệt thì cái kia diệt.”[14]
Cho nên, cái gì sanh ra thì cái đó đến lúc phải diệt, mất đi; vì chúng diệt nên vô thường; vì vô thường dẫn đến khổ, vì khổ nên dẫn đến vô ngã, đó là quy luật tự nhiên. Chúng sanh – con người khổ vì chưa giác ngộ được tính quy luật nầy. kinh pháp cú, đức phật dạy: “Con tôi, tài sản tôi, người ngu sanh ưu não, tự ta – ta không có, con đâu tài sản đâu.”[15] Do vậy, “tất cả pháp là vô ngã” (sabbe dhammà anattà), người tu học Phật pháp giải thoát hay không là ở chỗ nầy vậy.
(Còn tiếp…)
Tham khảo & chú thích
[1] 80 Tỳ kheo (bản dịch Cao Hữu Đính). 80 ngàn tăng chúng (bản dịch HT. Giới Nghiêm).
[2] 任持自性、軌生物解.
[3] 受cảm thọ, E. Feeling, emotion; P & S. Vedanā.
[5] Pùrana Kàssápa, phái nầy chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả. Phật giáo gọi phái nầy là “Phái vô nhân quả”.
[6] Makkhali Gosàla, phái nầy chủ trương thuyết tự nhiên, mọi sự vật không bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân nào cả. Phật giáo gọi phái nầy là “Tà mệnh ngoại đạo”, gọi là bất tín nhân quả.
[7] 5 giai cấp: 1- Bà-la-môn (Brahman) gồm những Giáo sĩ, những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Họ tự nhận mình là hạng cao thượng, sinh từ miệng của phạm thiên (Brahma) thay Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất. 2- Sát-đế-lỵ hay Sát-đế-lợi (Kshastriya) là hàng vua chúa quý phái, tự cho mình sinh từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. 3- Vệ-xá (Vaisya) là những hàng thương gia chủ điền, tin mình sinh ra từ bắp vế Phạm Thiên, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước. 4- Thủ-Đà-La (Sudra) là hàng tiện dân, tin mình sinh ra từ gót chân của Phạm Thiên, nên thân phận của họ là phải phục vụ các giai cấp trên. 5- Chiên-Đà-La (Ba-ri-a, Pariah = người cùng khổ, người cùng đinh, người bần cùng; người bị xã hội bỏ rơi, người cầu bơ cầu bất = 流離失所); giai cấp người cùng khổ, chủ yếu làm các nghề hạ tiện nhất, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như 1 thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người của các giai cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những người Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ.
[8] 18 giới, trong Nikāya gọi sáu căn là sáu nội xứ, sáu trần là sáu ngoại xứ, cộng lại 12 xứ và 6 tình thức.
[9] 而心無色。不可見取。但是虛妄。諸法集起。畢竟無主。無我我所。
[10] 夫業繫受身。未免形累。禀父 母之遺體。假衆緣而共成。
[11] 世間無常, 國土危脆, 四大苦空, 五陰無我。
[12] 善哉 Thiện tai = lành thay! P. Sàdhu Sàdhu.
[13] 32 thể trược là: 1- Kesā: Tóc mọc trên da đầu, 2- Lomā: Lông mọc toàn da thân, 3- Nakhā: Móng mọc 10 đầu ngón tay, 10 ngón chân, 4- Dantā: Răng mọc 2 hàm răng trên và dưới, 5- Taco: Da bao bọc toàn thân, 6- Maṃsaṃ: Thịt dính với xương, 7- Nahāru: Gân có toàn thân, 8- Aṭṭhi: Xương các bộ phận, 9- Aṭṭhimiñjaṃ: Tủy trong ống xương,10- Vakkaṃ: Thận, 11- Hadayaṃ: Trái tim, 12- Yakanaṃ: Gan, 13- Kilomakaṃ: Màng phổi, 14- Pihakaṃ: Bao tử,15- Papphāsaṃ: Buồng phổi,16- Antaṃ: Ruột già, 17- Antaguṇaṃ: Ruột non, 18- Udariyaṃ: Vật thực mới,19- Karīsaṃ: Phẩn, 20 Mattaluṅgaṃ: Óc, 21- Pittaṃ: Mật, 22- Semhaṃ: Đàm, 23- Pubbo: Mủ, 24- Lohitaṃ: Máu, 25- Sedo: Mồ hôi, 26- Medo: Mỡ đặc, 27- Assu: Nước mắt, 28- Vasā: Mỡ lỏng, 29- Khelo: Nước miếng (bọt), 30- Singhāṇikā: Nước mũi, 31- Lasikā: Nước nhớt (nhờn) trong các khớp xương. 32- Muttaṃ: Nước tiểu. 32 thể trược này gồm có 2 loại: 1- Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 thể trược, kể từ tóc (Kesā) cho đến óc (Mattaluṅgaṃ). 2- Āpodhātu: Thủy-đại có 12 thể trược, kể từ mật (Pittaṃ) cho đến nước tiểu (Muttaṃ).
[14] Pāli ngữ: Iti Imasmiṃ sati, idaṃ hoti/ imassuppādā, idaṃ uppajjati/ imasmiṃ asati, idaṃ na hoti/ imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. Anh ngữ: When there is this, that is/ With the arising of this, that arises/ When this is not, neither is that/ With the cessation of this, that ceases.
[15] Kinh Pháp Cú, kệ 62.