Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 11: Vòng Tròn Sanh Tử (Luân Hồi – Saṃsāra) (phần 1)

(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷中, dòng 2, tr. 11. Bài 5-Vòng tròn sanh tử, quyển trung, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 208-214; Bài 16-Thời gian, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 75-79;  Mục III, Vicāravaggo – III. Phẩm sở hữu tứ, Milindapañhapāli, các tr. 81-85; Bài 24-Thời gian và không còn thời gian; Bài 25-Nguyên nhân của thời gian; Bài-26 Thời gian tối sơ, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 162-167. Chapter 3-The Beginning of Time, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 48-50).

I. Đại ý

Luận về thời gian trong Phật giáo là vấn đề khó có thể truy nguyên được nguồn gốc khởi thủy của chúng, cũng không thể tìm ra được đầu mối và kết thúc của sanh tử ở chỗ nào? Bằng cách lập ngôn của bậc trí giả thoát tục, Tỳ-kheo Na tiên đã chỉ ra cho vua Di-lan-đà thấy được rằng: đối với những người chết đi rồi sau đó tái sanh thì có thời gian, còn đối với những người chết đi mà không còn tái sanh nữa thì không có thời gian, bởi vì người đó đã hoàn toàn được giải thoát nhờ đạt đến Niết-bàn (S. Nirvaṇa). Hơn nữa, thầy Na tiên còn cho biết về thông điệp căn nguyên của luân hồi sinh tử chính là vô minh (S. Avidyā), từ đó con người cứ triển chuyển luân hồi mãi trong 3 cõi 6 đường. Để ra khỏi cảnh trầm luân khổ thú này, con người phải nỗ lực đoạn trừ chặt đứt căn bản vô minh (S. Mùlavidyà) bằng nước pháp giải thoát Giới, Định và Tuệ.  

II. Nội dung

1. Thời gian theo quan điểm đạo Phật

a. Chánh văn

王復問那先何等為久者。

Vua lại hỏi Na-tiên: “Những gì là lâu dài?”

那先言。以過去[1]事為久。當來[2]事亦為久。 見在[3]事為無有久。

Na-tiên đáp: “Việc quá khứ là lâu, việc tương lai cũng là lâu. Những gì đang nhìn thấy trong hiện tại không lâu.”

王言。善哉。

Vua nói: “Hay thay!”

王復問那先言審為有久不。

Vua lại hỏi: “Thật ra, có thật có sự lâu dài hay chăng?”

那先言。或有久或無有久。

Na-tiên đáp: “Sự lâu dài ấy, hoặc có, hoặc không.”

王復言。何等為有久何等為無有久。

Vua hỏi: “Sao gọi là có? Sao gọi là không?”

那先言。其得道泥洹[4]者為無久。未得道當 復更死生者為有久。人於今世好布施孝於 父母於當來世當得其福。

Na-tiên đáp: “Những người đã đắc nhập Niết-bàn, không còn có sự lâu dài nữa. Đối với những ai chưa đắc đạo, còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài. Trong sự luân chuyển lâu dài ấy, những ai đời này hay làm việc bố thí, hiếu thuận với cha mẹ, đời sau chắc chắn sẽ được hưởng phước báo.”

王言。善哉善哉。

Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”

王復問那先言諸以過去事當來事今見在事 是三事何所為本者。

Vua lại hỏi: “Như trong các việc quá khứ, tương lai và hiện tại, ba việc ấy lấy gì làm gốc?”

那先言。已過去事當來事今見在事愚癡者 是其本也。

Na-tiên đáp: “Như xét cả ba việc quá khứ, tương lai và hiện tại, sự ngu si (vô minh) chính là gốc rễ.

b. Lược giải

Bàn về thời gian được nhìn nhận trên 3 phương diện, đó là: thời quá khứ (P. Atīta; E. past; C. 過去), thời hiện tại (P. Paccuppanna; E. Present; C. 見在) và thời tương lai (P. Anāgata; E. Future; C. 當來). Xét về thời quá khứ là chỉ cho những sự việc đã qua, thuộc về dĩ vãng. Về hiện tại là chỉ cho những việc đang diễn ra trước mắt của chúng ta, thông qua biểu hiện các giác quan, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và ý hình dung. Còn về thời tương lai là nhằm ước tính, suy đoán, tưởng tượng, dự báo, dự tính, dự định mọi sự việc hiện tượng đang chuẩn bị, sẽ chuẩn bị diễn ra. Thế nhưng, nhìn về 2 thời quá khứ và tương lai được xem là thước đo thời gian gọi là lâu dài, còn thời hiện tại xem sự việc như chúng đang diễn ra trong hữu hạn ngắn ngủi, như lời thầy Na tiên trả lời vua Di-lan-đà: “Việc quá khứ là lâu, việc tương lai cũng là lâu. Những gì đang nhìn thấy trong hiện tại không lâu.”

Theo lý Duyên khởi (S. Pratītya-samutpāda; E: Dependent co-arising) hay còn gọi là 12 nhân duyên (12 mắc xích sự sống) được chia làm 3 thời đó là, thời quá khứ, thời hiện tại và thời tương lai, chúng được vận hành theo hai chiều, chiều thuận và chiều nghịch hay chiều thuận và hoàn diệt.

* Theo chiều thuận, 12 mắc xích sự sống đc hiểu

Thời quá-khứ: (1) Vô-minh duyên Hành; (2) Hành duyên Thức => 2 chi đầu thuộc quá khứ.

Thời hiện-tại: (3) Thức duyên Danh-Sắc. (4) Danh-Sắc duyên Lục-nhập; (5) Lục-nhập duyên Xúc; (6) Xúc duyên Thọ; (7) Thọ duyên Ái; (8) Ái duyên Thủ; (9) Thủ duyên Hữu => tám chi thuộc hiện tại.

Thời vị-lai: (10) Hữu duyên Sanh; (11) Sanh duyên Lão-tử; (12) Lão-tử duyên Vô-minh, khép kín vòng tròn của Luân-hồi lại, để cứ tiếp tục quay chuyển mãi như thế.

* Chiều hoàn diệt: nhằm phá vỡ vòng Luân hồi, chẳng còn phải tái sanh nữa: (1) hễ Vô minh diệt, thì Hành diệt, (2) hễ Hành diệt, thì Thức diệt; (3) hễ Thức diệt, thì Danh-Sắc diệt; (4) hễ Danh-Sắc diệt, thì Lục nhập diệt; (5) hễ Lục nhập diệt, thì Xúc diệt; (6) hễ Xúc diệt, thì Thọ diệt; (7) hễ Thọ diệt, thì Ái diệt; (8) hễ Ái diệt, thì Thủ diệt; (9) hễ Thủ diệt, thì Hữu diệt; (10) hễ Hữu diệt, thì Sanh diệt; (11) hễ Sanh diệt thì Lão-tử diệt; (12) hễ Lão-tử diệt, thì Vô-minh diệt.

Vòng Luân hồi tựa như sợi dây xích có mười hai khoen, mỗi khoen là một Nhân duyên; hễ bẻ gãy được một khoen, vòng Luân hồi liền bị phá vỡ và chẳng lưu chuyển được nữa (tức là hành giả đạt đến quả vị vô sanh, k còn bị chi phối của luân hồi sanh tử nữa). 12 mắc xích sự sống được hiểu theo ba đời hai tầng nhân quả gọi là tam thế lưỡng trùng nhân quả như sau:

Như vậy, 12 nhân duyên được xem như 1 vòng tròn khép kín, làm sao tìm ra đầu mối của chúng? như bánh xe luân hồi quay tròn bất tận, làm sao chúng ta tìm ra được đầu mối của vòng tròn bánh xe luân hồi ấy. Nếu công nhận có điểm khởi đầu của thời gian, có nghĩa là công nhận thế giới có điểm khởi sinh. Nói thế thì điều đó trái với Lý Duyên khởi rồi. Bởi vì sao? Lý duyên khởi hay Pháp duyên sinh nói rằng: “Thử hữu tắc bỉ hữu, thử vô tắc bỉ vô, thử sinh tắc bỉ sinh, thử diệt tắc bỉ diệt.” [5]  Nghĩa là: Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, cái này phát sinh thì cái kia phát sinh, cái này hoại diệt thì cái kia hoại diệt.

Công nhận thế giới có điểm khởi đầu có nghĩa là thừa nhận có Đấng tạo sinh, là chủ tể, có quyền năng vô hạn đối với trật tự tự nhiên, cũng như đối với sự sống con người thưởng phạt. Nhiều lần đức Phật phủ nhận 1 linh hồn trường cửu và Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận có 1 đấng tạo hóa, tạo sinh bất luận dưới mọi hình thức nào, 1 năng lực hay 1 chúng sanh. Quan điểm thịnh hành đương thời đức Phật, người ta cho rằng, có 1 Đấng tạo hóa (Brahmā, ब्रह्मा) tạo nên thế giới và con người. Cho nên trong Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm) đức Phật đã nêu quan điểm sai lầm này: “Tất cả những thọ cảm của con người, dầu hạnh phúc, đau khổ hay vô ký, đều do một đấng Tối Cao tạo nên (Issaranim- manahetu).[6]

Theo quan điểm trên, chúng ta như thế nào dù thành bại hay lên voi xuống ngựa là do đấng Tạo Hóa muốn cho ta như thế ấy. Số phận của ta hoàn toàn nằm trong tay Tạo Hóa. Tất cả đều do Tạo Hóa định đoạt, an bài. Trong Túc Sanh Truyện Bhuridatta Jakata, số 543, Bồ-tát hỏi vị tạo hóa giả định, người mà thời bấy giờ được tin là cầm cán cân công lý của vũ trụ, như sau:

“Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống.
Tại sao Phạm Thiên không tạo một vũ trụ tốt đẹp
Nếu oai lực của Ngài là vô hạn?
Tại sao ít khi Ngài nâng tay lên để ban phước lành?
Tại sao tạo vật mà do chính Ngài tạo ra
Lại phải bị đọa đầy trong cảnh khổ?
Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả?
Tại sao đời sống lại dẩy đầy
Giả dối, lừa đảo, mê muội?
Tại sao gian tham lại thắng
Còn chân thật và công lý lại thất bại nặng nề?
Ta liệt Brahma (Phạm Thiên) vào hạng bất công
Đã tạo một thế gian hư hỏng.”
[7]

Trong Túc Sanh Truyện Maha Bodhi Jakata, Đại Bồ Đề, Bồ-tát phê bình giáo lý chủ trương rằng mọi việc đều do đấng Tối Cao tạo nên như sau:

“Nếu có một Thần Linh toàn quyền ban phước
Mà lại gieo họa cho tạo vật chính Ngài tạo ra.
Và cho chúng nó những hành động tốt hay xấu.
Vị Thần Linh ấy quả thật đầy tội lỗi.
Vì con người chỉ thừa hành ý muốn của Ngài.”
[8]

Thước đo thời gian là vô tận, không thể diễn tả nói cho đến cùng được, thời gian trong quá khư là bao nhiêu? tương lai bao nhiêu và hiện tại bao nhiêu?  “Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ” (sơn cùng thủy tận ngờ hết lối), ở đây ngụ ý hiểu rằng, cái gì còn có thể cân đo đong đếm thêm bớt bù trừ được, chứ thời gian thì khó mà đo lường tính toán chỉ ra được điểm khởi đầu của nó là gì? Bởi vì trong vòng quay của bánh xe thời gian chúng ta không xác định được đây là điểm khởi đầu, nên không thể khẳng định đây là điểm đầu và kia là điểm kết thúc, không thể tìm ra căn nguyên của nó, cho nên ý tưởng này vua Di-lan-đà hỏi thầy Na tiên rằng:

Vua lại hỏi: “Thật ra, có thật có sự lâu dài hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Sự lâu dài ấy, hoặc có, hoặc không.”

Ở đây nói về “hoặc có” là có với đối tượng nào và nói về “hoặc không” là không với đối tượng nào? Sở dĩ con người chúng ta đau khổ là bởi do tâm quyến luyến, níu kéo, dính mắt vào cái mình thích hay nói khác con người đau khổ là do đâu? đều do tâm tham sân si từ vô thỉ nó xỏ mũi dẫn dắt; nắm không được mà buông không đành, chấp chặt, bám víu, đôi khi làm nô lệ cho cái ‘có’ và cái ‘không’ này. Vẫn biết cái đó nó không thuộc về của mình mà tại sao cứ mãi lo lắng sợ mất, ăn không ngon ngủ không yên; ngay thậm chí có khi còn lo lắng đến cấp độ mà thành ngữ nói: “lo bò trắng răng”. Chúng ta vẫn biết vẫn hiểu về cuộc đời này là vô thường, là khôg bền chắc có đây rồi mất đó, mới gặp mặt phút trước, phút sau đã trở thành người thiên cổ rồi, vẫn biết đời vô thường là thế, nhưng mấy ai giác ngộ được cái lý vô thường này? Cho nên cứ chấp chặt (S. Abhinivesasamdhi; E. Close attachment) vào cái tạm thời gọi là tôi, của tôi và sở hữu của tôi, nhưng đôi lúc chúng ta cần phải buông những thứ đó, vì tính năng tâm sở hữu dính vào các pháp trần mà con người đang có, nên lâu ngày dài tháng (日久天長) xâu kết lại tạo thành thói quen gọi là Tập quán nghiệp, nên thành thử ra đau khổ vẫn mãi là khổ đau mà thôi, cái khổ này chồng chất khổ đau kia, khổ đến nỗi cùng tận, gọi là khổ-khổ (dukkha-dukkha) 1 trong tam khổ. Trong Trường Hận Ca có câu: “Thiên trường địa cửu hữu thời tận, thử hận mang mang vô tuyệt kỳ.”[9] Nghĩa là: Trời đất tuy tồn tại lâu dài, nhưng có lúc tận; nhưng mối hận thù thì mênh mông không bao giờ hết.

Đứng về phương diện Thiền học, “Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có, Bảo là “không”, thì tất cả (thế gian) đều không. “Có” và “không” như ánh trăng dưới nước, đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không.”[10] Đây là bài thơ ‘Hữu không’ của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072-1127). Hàm ý của 4 câu thơ nêu trên, vừa bàn về Bản thể luận cũng như bàn về Nhận thức luận. Hai câu thơ đầu là một giả thiết: Có thì đến cái nhỏ nhất (như hạt bụi, vi trần) cũng có, mà không thì đến cái lớn nhất (to như quả núi, tất cả hiện tượng vạn vật) đều là không. Tiếp đến là một hình ảnh ẩn dụ “trăng đáy nước” để nói đến vấn đề có, không vì nó vừa là thực vừa là ảo. Nó tùy thuộc vào cấp độ tư duy nhận thức của con người. Chẳng hạn như đối với một người một Bác sĩ ngành y, với các loại thuốc có tính năng chữa bịnh cho con người, cũng như những dụng cụ thiết bị máy móc dùng để khám và trị bịnh cứu người, rất có giá trị quan trọng hỗ trợ trong công việc của họ, nhưng những thứ này đối với 1 người tay ngang bình thường, khi họ cầm lên thì chẳng biết sử dụng như thế nào? Cũng vậy, đối với 1 người hành giả tu tập tay lận chuỗi hạt nhằm giữ chánh niệm, nhiếp tâm vào đối tượng đang hành trì, thì xâu chuỗi hạt đó ngoài công năng giúp hành giả nhiếp niệm, còn giúp cho họ chú nguyện vào xâu chuỗi này để có những ứng dụng khác, nhưng đối với 1 người bình thường khi cầm xâu chuỗi lên và xem như món đồ trang trí làm đẹp mà thôi. => đây là tùy thuộc vào nhận thức của từng đối tượng con người.    

Về phương diện thiếu hiểu biết mê mờ bởi vô minh tham ái ngăn che, trong kinh Pháp cú, đức Phật chỉ ra 3 lộ trình cho con người, hễ ai đi vào lộ trình nào, quỹ đạo nào, ranh giới nào thì tương thích với đường line đó: 

Đêm dài cho kẻ thức,

Đường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài cho kẻ si ,

Không biết chân diệu pháp.[11] 

Đối với đêm dài cho kẻ thức, cùng trong trạng thái trông mong chờ đợi cho trời mau sáng, 1 đêm đối với người không ngủ được con số thời gian đồng hồ quay rất là dài, lâu thật là lâu. Trong cuộc sống với tuổi trẻ khác giới pha lẫn sự bồng bột cộng với chút ngây dại, có những lúc tự hành hạ ép thân xác của mình thức suốt đêm để mơ tưởng nhớ về bóng hồng mà lúc chiều mới gặp, tình cờ cùng đi trên con đường trời mưa, rồi nhớ ai nhớ cả hồn ai, vào trông nhung nhớ ra ngoài nhớ mong, đôi lúc thức chẳng có mục đích gì nhưng vẫn cứ thức, có thơ rằng:

Thức đêm mới biết đêm dài,

Xa nhau mới biết nhớ hoài tình ai,

Yêu người chưa thắm đã phai,

Con tim đau nhói đắng cay cõi lòng,

Người ơi có biết hay không,

Nơi đây em vẫn ngóng trông đợi chờ,

Dù cho người có hững hờ,

Con tim ngây dại vẫn mơ chung tình.

Trong cuộc hành trình vô định không bờ bến “Lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình” hay “lang thang trong chốn hồng trần, nửa cho nửa nhận nửa nào là tôi”, sao đi hoài đi mãi mà không thấy đích đến ở chỗ nào, “đường sa mạc mịt mù trong đêm tối”, làm cho con người mệt nhoài vì đường đi quá dài, quá xa, “đường dài cho kẻ mệt”. Trong 1 cuộc thi chạy Marathon, có người đã về đích dành chiến thắng, nhưng bên cạnh đó, cũng có người phải đành chấp nhận bỏ cuộc nửa chừng, vì sức khỏe quá kém, không thể chạy thêm bước nào được nữa. Với con người vì vô minh dẫn dắt trong quá khứ, đời này sinh ra (hiện tại) chưa chuyển hóa thay đổi được nhận thức rồi đến lúc phải “nhất thất nhân thân”, cứ như thế luân hồi mãi trong tam giới bất an, khổ đau chằng chịt, “luân hồi dài cho kẻ si , không biết chân diệu pháp.” Trong kinh Lăng nghiêm, đức Phật dạy cho tôn giả A-nan rằng: “Nhất thiết chúng sanh, tùng vô thủy lai, sanh tử tương tục, giai do bất tri, thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng; thử tưởng bất chân, cố hữu luân chuyển.”

Giá trị ở chỗ là do con người nhận biết và không nhận biết được Chân diệu pháp là gì? Vì thế cứ mãi quay cuồng trong tam giới, cứ sống ăn làm việc rồi ngủ như 1 trục xoay dòng đời, sống rồi chết, chết rồi sống, kỷ hồi tử kỷ hồ sanh, sanh tử du du vô định dĩ, việc sanh tử kể sao cùng số, tử rồi sanh sanh tử lững lờ trôi. Cho nên, trong kinh Trường bộ, đức Phật dạy ngài A-nan rằng : “Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”.[12]

Để trả lời vấn ngôn của vua Di-lan-đà về cái ‘có’ và ‘không’, thầy Na-tiên đáp: “Những người đã đắc nhập Niết-bàn, không còn có sự lâu dài nữa. Đối với những ai chưa đắc đạo, còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài. Trong sự luân chuyển lâu dài ấy, những ai đời này hay làm việc bố thí, hiếu thuận với cha mẹ, đời sau chắc chắn sẽ được hưởng phước báo.”

那先言。其得道泥洹者為無久。未得道當 復更死生者為有久。人於今世好布施孝於 父母於當來世當得其福。

Niết-bàn là chỉ cho trạng thái tâm vắng lặng, nơi đó người đã thể nhập Niết-bàn tâm luôn an trú trong sự bất diệt, thời gian còn có thay đổi, có nhanh có chậm, có lâu có mau, nhưng cảnh giới Niết-bàn thì hoàn toàn như như bất động, phi thời gian, phi không gian, không có điểm khởi đầu và cũng không có hồi kết thúc. Vậy, có thể tìm thấy Niết-bàn ở đâu khi Niết-bàn không ở trong một không gian – thời gian cụ thể? Điều này đức Phật trả lời rằng, có thể tìm thấy Niết-bàn không phải ở nơi tận cùng của thế giới mà ở ngay trong tấm thân một thước mấy của con người. Cho nên, theo đức Phật, chính tư duy sai lầm đã ngăn cách không cho con người thấy được Niết-bàn trong thực tại. Bởi thế, để đạt được Niết-bàn, trước hết, con người phải khắc phục những sai lầm trong nhận thức của mình, thoát khỏi vô minh-thiếu hiểu biết, giác ngộ được lẽ “vô thường” và “vô ngã”. Vô ngã là Niết-bàn: “Niết-bàn là cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn là vô tướng – vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như Niết-bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang theo hành lý mà hy vọng vào được Niết-bàn. Cái thân đã không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết rằng: hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết-bàn.”[13]

Có người hỏi Phật: Sau khi chết, người giác ngộ sẽ đi về đâu? Phật sai người ấy lượm củi khô, nhóm lửa. Càng nhiều củi, lửa càng cháy mạnh, khi không bỏ thêm củi nữa thì đám lửa lụi tàn dần. Đức Phật hỏi: “Lửa đi về đâu?” “Không! Nó chỉ tắt”. Phật nói rằng, đó chính là điều xảy ra cho người giác ngộ. Dục vọng là nhiên liệu cho ngọn lửa cháy, truyền năng lượng qua các kiếp luân hồi triền miên. Nếu không nuôi dưỡng ngọn lửa đó nữa, nghĩa là không còn dục vọng, nó sẽ lụi tàn. Khi đó, Niết-bàn được hiểu như sự suối nguồn thanh lương, mát mẻ. Đôi khi, đức Phật nói tới Niết-bàn như là cái không sinh, không tăng trưởng và không giới hạn. Trong Kinh Trung bộ,[14] Niết-bàn được đồng nhất với chân lý tuyệt đối, vượt khỏi những ý niệm nhị nguyên, tương đối.

Giải phóng cái bản ngã là đạt tới Niết-bàn, nếu con người còn chấp ngã thì sẽ không thoát khỏi những khổ đau nhân thế. Niết-bàn là bản thể tuyệt đối với đặc tính Thường – lạc – ngã – tịnh (tứ tướng trong kinh Kim cương), trái ngược với vô thường – khổ – vô ngã – bất tịnh của thế giới thực tại. (vấn đề này sẽ bàn kỹ hơn trong bài Đắc đạo và nhập Niết-bàn). Như vậy, chúng ta thấy khi luận về thời gian đối với người đắc nhập Niết-bàn là không còn có sự lâu dài, là vô lượng không thể tính lường được, còn đối với những ai chưa đắc đạo, thì còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài, đó là lời giải thích tường tận rất rõ ràng của thầy Na tiên. Tuy nhiên, con đường hướng đến Niết-bàn đối với người bình thường rất khó khăn thiên nan vạn nan, khó có thể với tay bước chân đến được, đối với người xuất gia tu hành cả đời sống trong đạo cũng chưa dám tuyên bố từ bỏ mọi lậu hoặc phiền não tham sân si huống chi là đối với người Phật tử bình thường bận bịu hoàn cảnh gia duyên ràng buộc, vợ chồng con cháu…, để mở ra 1 hướng đi khác cận trụ Niết-bàn, thầy Na tiên đã khuyến khích con người nên thực hành các pháp phước đức, đó là mở tâm từ bi làm chiếc cầu nối tình thương giúp đỡ tình đồng loại thương yêu đến tất cả chúng sanh, bố thí cho những người gặp phải hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh, bất lực, vất vả, khó khăn trong đời thông qua việc làm cứu tế, từ thiện, phóng sanh… còn cúng dường thể hiện lòng tôn kính đối với những người cao cả trong đời, người xuất gia chọn con đường ly dục giải thoát, đồng thời con cái trong gia đình được xem như là tế bào của xã hội, hay xã hội thu nhỏ, phải hiếu thuận với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, hiếu thảo với người cao niên lớn tuổi, kính lão đắc thọ, trọng thầy mới được làm thầy, tất cả những việc làm thể hiện lòng tôn kính này thì người đó sẽ được tăng trưởng phước báo trong hiện tại cũng như sanh về thế giới an lành sau khi lâm chung. Thầy Na tiên nhấn mạnh: Trong sự luân chuyển lâu dài ấy, những ai đời này hay làm việc bố thí, hiếu thuận với cha mẹ, đời sau chắc chắn sẽ được hưởng phước báo.” Đây là những việc làm mà người bình thường, bình dân trong xã hội hay bất cứ ai cũng hội đủ khả năng làm được, nếu có từ tâm yêu thích việc làm thiện nguyện này ‘sáng cho người thêm niềm vui chiều giúp người bớt khổ’ và tin sâu vào nhân quả nghiệp báo. Cách thức tu hành trong cõi nhân gian việc làm này con người dễ thực hiện nhất, nếu như chưa đủ sự tinh tấn nỗ lực quyết tu chứng liễu ngộ trong 1 đời, thì tốt hơn hết nên chọn con đường sanh về cõi nhân thiên để tiếp tục tu tạo phước đức, mà 1 khi phước đức được kiện toàn thì quả ắt sẽ tự nhiên thành.

Còn tiếp…


Tham khảo & chú thích

[1] 過去, quá khứ; P. Atīta; E. Past.

[2] 當來, đương lai; P. Anāgata; E. Future.

[3]見在, hiện tại; P. Paccuppanna; E. Present.

[4] 泥洹, nê  hoàn= Niết-bàn (S. Nirvaṇa).

[5] 此有故彼有, 此生故彼生, 此無故彼無, 此滅故彼滅. Pāli: Imasmim sati idam hoti, Imasmimasati Idamna hoti, Imassuppãdã idam uppajjati, Imassa nidrdhãidam nirujjhati. Xem Kinh Tạp A-hàm  (Samyukta Agama), số 300-Kinh nói về Trung Đạo.

[6]Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, phần i, tr. 174; “Gradual Sayings”, i, tr. 158.

[7] Jataka Translation, tập vi, tr. 110.

[8] Jataka Translation, tập vi, tr. 122.

[9] , 綿綿

[10]

[11] Kinh  Pháp cú, kệ 60.

[12] Kinh Trường bộ-Digha Nikaya, số 15-kinh Ðại duyên (Mahànidàna sutta).

[13] Thích Thiện Siêu, Vô Ngã Là Niết Bàn, Tp.HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1990, tr. 65.

[14] Xem Trung Bộ Kinh, số 26-Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanà Sutta).

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo