Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 11: Vòng Tròn Sanh Tử (Luân Hồi – Saṃsāra) (phần 2)

(tiếp theo & hết)

 Các triết gia Tây phương đều tìm kiếm và đưa ra nhiều giả thuyết về khởi nguyên của Thời gian. Nhưng đều thiếu tính thuyết phục và xa lạ đối với cái nhìn Phật giáo. Ngang đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về quan niệm thời gian trong đạo Phật như thế nào?

Quan niệm Thời gian theo Phật giáo Nguyên thủy:

Đức Phật dạy Khổ đế (bản chất cuộc sống là khổ–Duḥkha), nên biết  các pháp đều vô thường (Anitya). Tất cả các pháp  (Dharma) đều do Duyên hợp mà sinh khởi, chúng được kết hợp bởi các yếu tố khác nhau. Tất cả các pháp đều có bốn đặc tính, đó là: thành (jāti), trụ (sthiti), hoại (jarā), vô thường (anitya). Theo ngài Thế Thân (Vasubandhu) thì bốn đặc tính này là những đặc tính cơ bản của vạn pháp. Bốn đặc tính này đã đưa đến sự phát sinh tất cả các luận thuyết của Phật giáo Nguyên thủy. Sự phân chia bộ phái của Phật giáo, không phải làm cho giáo đoàn suy yếu, mà đó là một động lực phát triển.

Khái niệm thời gian được diễn tả trong Phật giáo Nguyên thủy bằng thuật ngữ ‘samaya’, bao hàm cả ý nghĩa về ‘điều kiện; condition’ và ‘thời gian; time’. Thời gian cụ thể được gọi là Kāla (thời phần). Miêu tả sự tiếp nối của một hoàn cảnh. Ví dụ như khoảnh khắc của sự lạnh lẽo hay sự đau ốm… chỉ diễn ra thời gian ngắn ngủi nào đó, nếu như sự lạnh lẽo kéo dài từ giờ này qua giờ nọ, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm kia… thì con người chỉ có vẫy tay chào cõi nhân gian này sớm. Như thế Phật giáo Nguyên thủy xem thời gian là cụ thể và có thật.

Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá(Abhidharmakośa) thì một sát-na là bằng 0,01333 giây. Trong Luận A-tỳ-đàm (Abhidhārmika) thì khoảng thời gian mà một lực sĩ khảy móng tay (đàn chỉ; 彈指) là bằng 65 sát-na (Kṣaṇa) => Đây là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết đối với những đặc điểm của sát-na để có thể đạt đến những hoạt dụng của nó. Nếu không có khoảng thời gian tối thiểu cần thiết này thì các pháp (Dharma) không bao giờ được hình thành.

Quan niệm Thời gian của tư tưởng Đại thừa:

Theo các nhà tư tưởng Đại thừa cho rằng, “Ba thời (quá khứ, hiện tại và tương lai) hiện hữu và thường còn trong khi đó những thực thể do duyên sinh và biến chuyển qua ba thời thì vô thường”. Bằng cách lý giải này, họ đưa ra phép loại suy về ba căn nhà liền kề nhau. Từ căn nhà thứ nhất một người xuất hiện và đi qua căn nhà thứ hai, có nghĩa là người đó đã từ bỏ hiện tại và đi vào tương lai, rồi người đó đi từ căn nhà thứ hai sang căn nhà thứ ba, có nghĩa là anh ta đã đi từ hiện tại đến quá khứ. Người ấy là vô thường và là nhân tố chuyển đổi, trong khi ba căn nhà (quá khứ, hiện tại và tương lai) là thời gian cố định và vì ở yên 1 chỗ, nên luôn luôn sẵn sàng đón nhận dòng chảy liên tục của vô thường => Từ đó, có thể nói: Quan niệm về Thời gian của Đại thừa  là có tính Tương đối.

Kinh Hoa Nghiêm diễn tả: Một kiếp (kalpa), vô số năm bằng 1 ngày 1 đêm ở thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà. Cảnh giới của đức Phật A-di-đà (Amitābha), 1 kiếp thì bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Kim Cang Tát-đỏa (Vajrasaṃhata). Một kiếp (kalpa) ở cõi Kim Cang Tát-đỏa thì bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Pháp Tướng (Dharmaketu), và cứ như vậy cho đến hàng trăm, hàng triệu cảnh giới chư Phật.

Trong hệ thống tính thời gian của Phật giáo, từ ‘kalpa’ có nghĩa là 1 ‘chu kỳ hay 1 aeon’ đc dùng để chỉ những giai đoạn thời gian hay thời kỳ nào đó theo thứ tự chu kỳ.

Kiếp (S. Kalpa; P. Kappa; E. Aeon; C. 劫) là khoảng thời gian dài giữa điểm  khởi đầu hình thành và hoại diệt của vũ trụ.

1 kiếp = 4,32 tỉ năm.

Kinh luận Phật giáo chia kiếp theo cách khác:

 1 kiếp=16.798.000 năm

1.000 kiếp  =1 tiểu kiếp

20 tiểu kiếp = 1 trung kiếp

4  trung kiếp = 1 đại kiếp  (3 a-tăng-kỳ kiếp) = 1.28 tỉ tỉ năm

Như vậy, khái niệm kalpa của Phật giáo chỉ một thời gian rất dài. Một kiếp được mô tả như sau: cứ 100 năm có người dùng một tấm lụa chùi 1 khối đá lập phương, mỗi bề 1 mile (dặm) tức (1,6 km x 1,6 km), khi nào khối đá mòn hết, đó là 1 kiếp. (Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện).

Mỗi kiếp có bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt. Trong giai đoạn sinh thành của thế giới, sinh vật bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Trong giai đoạn hai, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng) được sinh ra, sinh vật phát triển và bắt đầu có dạng đời sống xã hội. Trong giai đoạn hoại diệt, các yếu tố lửa, nước và gió phá hủy toàn bộ thế giới. Bốn giai đoạn nói trên hình thành 1 đại kiếp (S. Mahākalpa). 

Trong thời gian 1 tiểu kiếp thành hình, thọ mệnh của con người cứ kéo dài thêm, cứ mỗi 100 năm thêm một tuổi, cho đến lúc con người thọ 84.000 năm. Trong giai đoạn hoại diệt, đó là giai đoạn của chiến tranh, bệnh dịch, thiếu ăn lan tràn, thì thọ mệnh con người ngắn dần, chỉ còn 10 năm (kiếp giảm). Như vậy, khi xét về thọ mạng của con người tuổi thọ cao nhất là 10 năm, lúc này con người ta đến 2 tuổi đã lập gia đình rồi.

  A-tăng-kì kiếp (S. Asaṃkhya; P. Asankheyya-kappa; E. incalculable; C. 阿 僧 祇 劫) ngắn hơn so với 1 đại kiếp. A-tăng-kì kiếp: an incalculably long aeon  (một thời gian rất dài không thể tính đếm được).

Ba vô lượng kiếp (a-tăng-kì)=Đại kiếp. Về phương diện tu tập,  52 giai vị tu tập của hàng Bồ-tát  được chia thành 3 a-tăng kì kiếp.

A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng.

A-tăng-kỳ kiếp thứ hai: Từ  Sơ địa đến đệ thất địa (Viễn hành địa)

A-tăng-kỳ kiếp thứ ba: địa thứ tám (Bất động địa) đến địa thứ mười   (Pháp vân địa) của Bồ-tát thập địa.[1] Đẳng giác (51) và Diệu giác (52)

Quan niệm kiếp thiên Phật cho thấy khái niệm thời gian gắn liền với sự xuất hiện và thường trụ của chư Phật tại thế gian. (Kinh Vị lai Tinh Tú Kiếp Thiên-Phật Danh . Kinh Hiện tại  Hiền Kiếp Thiên-Phật Danh).

Quá khứ Trang nghiêm kiếp: (S. Vyuhakalpa; E. Glorious aeon),

Hiện tại Hiền kiếp (S. Bhadrakalpa; E. Auspicious aeon),

Vị lai Tinh tú kiếp (S. Naksatrakalpa E. Constellation aeon). Mỗi kiếp (kalpa) có 1.000 đức Phật. KinhHoa Nghiêm còn chỉ ra rằng, khi đức Phật nhập vào chánh định (samādhi) thì Ngài thấy tất cả ba thời đều bằng nhau và như nhau=> Như vậy chỉ có đức Phật, đấng Chánh biến tri, người có được năng lực siêu phàm thông qua thiền định (samādhi) mới thấu hiểu được.

Quan niệm Thời gian của triết học cổ đại Ấn-độ:

Một trong những triết gia Ấn-độ đã diễn tả khái niệm thời gian qua quá khứ, hiện tại và tương lai là Giác Thiên (Buddhadeva, 覺天, còn gọi là Phật-đà Đề-bà, Luận sư Nhất thiết hữu bộ,  khoảng thế kỷ thứ I S.TL). Một pháp (dharma) lưu chuyển trong 3 thời gian, đó là quá khứ, hiện tại, tương lai. Nó phụ thuộc lẫn nhau từ sát-na trước đến sát-na sau, giống như cùng một người phụ nữ, khi thì được gọi là “mẹ”, khi thì gọi là “con gái” (Câu-xá luận ) => Quan niệm thời gian của triết học Ấn-độ vừa có tính tương tục vừa có tính tương đối.

Thời gian trong kinh Na tiên Tỳ-kheo:

Thời gian được diễn tả trong kinh Na tiêncho chúng ta thấy có sự tiến bộ rõ rệt về mối quan tâm mật thiết đến vấn đề thời gian. Đối với những người đã đắc nhập Niết-bàn thì không có thời gian, còn có thời gian là dành cho những ai chưa đắc đạo,  còn bị tái sinh lưu chuyển trong vòng sanh tử khổ đau.

王復問那先言諸以過去事當來事今見在事 是三事何所為本者。[2]

Vua lại hỏi: “Như trong các việc quá khứ, tương lai và hiện tại, ba việc ấy lấy gì làm gốc?”

那先言。已過去事當來事今見在事愚癡者 是其本也。

Na-tiên đáp: “Như xét cả ba việc quá khứ, tương lai và hiện tại, sự ngu si (vô minh) chính là gốc rễ.

Theo quan điểm của thầy Na tiên, đi tìm căn nguyên của thời gian chính là vô minh (avidyā). 1 niệm bất giác (vô minh) mà sinh ra muôn hình vạn trạng sai biệt, từ đó con người cứ luân hồi mãi trong lục đạo, cũng có nghĩa là khi khởi 1 niệm tưởng (S. Vikalpa) phân biệt thì tức khắc dòng chảy lục đạo hiện hữu. Hay nói khác, Do chúng sinh Nhất niệm Bất giác Chân như nên thành Tàng thức A-lại-da, tại Tàng thức có 2 môn: Chân như và Sinh diệt, mỗi môn đều có khả năng dung nhiếp tất cả các pháp trong tam giới không phân biệt nhiễm hay tịnh. Từ đó Căn bản vô minh phát sinh Chi mạt vô minh là Tam tế và Lục thô mở đầu Sinh diệt Lưu chuyên môn.”[3]

2. Căn nguyên của luân hồi

a. Chánh văn

愚癡[4]生即生神神生身身生名名 生色色生六知。

Ngu si sanh ra, tức sanh thần thức. Thần thức sanh tức có sanh ra thân. Thân sanh ra danh, danh sanh ra sắc. Sắc sanh ra sáu sự nhận biết.

b. Lược giải

Căn nguyên của luân hồi sinh tử chính là vô minh (S. Avidyā). Thay vì nói vô minh  duyên (sanh) hành theo 12 nhân duyên, ở đây thầy Na tiên dùng thần thức (vô minh sinh thần thức), hành là chỉ cho ý chí, tư tưởng, mà thần thức cũng chỉ cho tư tưởng con người, vậy hành = thần thức, không có gì phải xa lạ. Trong chuỗi xích 12 nhân duyên: vô minh duyên hành… sanh duyên lão tử, mà căn nguyên luân hồi sinh tử cũng là căn gốc của thời gian, theo tinh thần Phật giáo, chính là vô minh (S. Avidyā). Nên chúng ta không ngạc nhiên gì khi thầy Na tiên trả lời cho vua Di-lan-đà, căn gốc của thời gian  là vô minh (ngu si).

Con người sở dĩ bị luân hồi sanh tử là bởi không nhận chân giác ngộ được bản tánh sáng suốt xưa nay vốn có (tức Phật tánh, chân như, như lai tàng, bản lai diện mục), cứ chạy theo ráng nắng (thức) của buổi trưa hè phía trước tưởng chừng là nước, cho nên chạy hoài chạy mãi khiến cho thân mỏi xác mòn mà nước vẫn không thấy nước ở đâu. Cũng thế, sống trong vọng thức con người mãi điên đảo mộng tưởng hơn thua, phải trái, bỉ thử thì làm sao giải thoát đạt đến bờ cứu cánh Niết-bàn được? Phước đức được gặp ánh sáng Phật pháp Tam Bảo; gặp được bậc Đạo sư đưa đường dẫn lối Thánh hiền, chỉ rõ cho chúng ta thấy được căn nguyên của luân hồi là do đám mây ngu si mịt mù che lấp, chính nó đã dẫn dắt lôi kéo con người đảo lộn trong lục đạo từ vô thỉ kiếp, ngày nay chúng ta không muốn chịu cảnh ngục tù ngu si đó nữa, bằng cách tự thân phải nỗ lực tu học, thực hành pháp Phật để cho bớt cái bịnh ngu tiền kiếp này. Có được như vậy, chúng ta mới “ hiệp giác bối trần”. 

3. Cái gì luân hồi?

a. Chánh văn

一為眼知。二為耳知。三 為鼻知。四為口知,五為身知。六為心 知。是為六知。是六事皆外向。

何等為外 向眼向色,耳向聲,鼻向香,口向味,身向 滑,心向貪欲,是為六外,向名為沛[5]

沛者 合沛者知苦知樂。從苦樂生恩愛。從恩愛 生貪欲。從貪欲生有致便生因老。從老因 病從病因死從死因哭從哭因憂從憂因內心痛。凡合是諸勤苦合名為人。人以是故生 死無有絕時。人故本身不可得也。

(Sáu sự nhận biết ấy là) một, mắt nhận biết; hai, tai nhận biết; ba, mũi nhận biết; bốn, lưỡi nhận biết; năm, thân nhận biết và sáu, ý nhận biết. Sáu sự nhận biết này đều hướng ra bên ngoài.

“Thế nào là hướng theo bên ngoài? Mắt hướng theo hình sắc, tai hướng theo âm thanh, mũi hướng theo hương thơm, lưỡi hướng theo mùi vị, thân hướng theo xúc chạm, ý hướng theo tham dục. Đó là sáu sự hướng theo bên ngoài, gọi là sáu nhập.

Nhập là hiệp lại, là biết khổ, biết vui. Từ khổ vui mà sanh ra ân ái, lại theo nơi ân ái mà sanh ra tham dục, từ tham dục sanh ra chấp hữu, liền làm nhân sanh ra sự già yếu. Già yếu là nhân sanh ra bệnh khổ. Bệnh khổ là nhân sanh ra sự chết. Do sự chết sanh ra buồn đau sầu khổ trong tâm. “Vậy nên sự hiệp lại ấy đều là khổ não, do hiệp lại mà giả tạm gọi là người (ngã). Người do đây mà luân chuyển mãi trong sanh tử, không có lúc dừng. Muốn tìm lại cái thân trước đây thật là không thể được.

b. Lược giải

Theo quan điểm của thầy Na tiên cũng như các nhà Duy thức giải thích rằng: khi sáu căn hay 6 nội xứ tiếp xúc (hòa nhập) với 6 trần cảnh hay 6 ngoại xứ (xem hình 1)

Sáu căn (sáu nội xứ)Sáu trần (sáu ngoại xứ)
1. Mắt (nhãn xứ)Sắc (sắc xứ)
2. Tai (nhĩ xứ)Âm thanh (thanh xứ)
3. Mũi (tỷ xứ)Hương (hương xứ)
4. Lưỡi (thiệt xứ)Vị (vị xứ)
5. Thân (thân xứ)Xúc, chạm (xúc xứ)
6. Ý (ý xứ)Pháp (pháp xứ)

thì các tâm sở nảy sinh. Ví dụ, khi tai và âm thanh hiện hữu, thức (P. Viññāṇa) của tai nảy sinh. Sự nảy sinh của cả 3 yếu tố đó là: tai, âm thanh, thức của tai – dẫn đến cái mà được gọi là “Xúc” (P. Phassa) và cũng là cái khiến cho lạc, bất lạc, bất khổ bất lạc “Thọ” (P. Vedanā) sinh khởi. Từ “Thọ” mà “Ái” (Taṇhā) sinh khởi (xem hình 2).

Cho nên, sáu căn tiếp xúc sáu trần mà khởi niệm tưởng tức là chúng sanh, phàm phu, còn không khởi niệm tưởng thì đó là Phật, Thánh, Bồ-tát => vô minh và giác ngộ khác nhau ở chỗ này, hễ vô minh=phàm phu; mà giác=Phật. Thầy Na tiên nhấn mạnh, “Người do đây mà luân chuyển mãi trong sanh tử, không có lúc dừng.” Cái đi luân hồi sinh tử chính là niệm tưởng tương tục, mà nhiều hệ thống triết học, các tư tưởng cho rằng Tự ngã (ātman) hay con người, hoặc Uẩn (skandha), Nghiệp (karma) đi tái sinh.

4. Chấm dứt luân hồi

a. Chánh văn

那先言。譬如人種五穀生根從根生莖葉實 至後得穀已。後年復種得穀甚多。

Na tiên đáp: “Ví như người trồng lúa, gieo hạt xuống, sanh lên thành cây, ra lá, đơm bông, ngậm hạt, cho đến khi có lúa gặt về. Năm sau lại gieo trồng nữa, lại được nhiều lúa nữa.”

那先問王如人種穀歲歲種穀寧有絕不生時 不。

Na-tiên hỏi: “Như người trồng lúa ấy, năm nào cũng gieo trồng, vậy có khi nào dứt đoạn không có lúa chăng?”

王言。歲歲種穀無有絕不生時也。

Vua đáp: “Nếu như năm nào cũng gieo trồng, tất không có khi nào dứt đoạn không có lúa.”

那先言。人生亦如是。展轉相生無有絕 時。

Na-tiên nói: “Con người cũng vậy. Luân chuyển nối tiếp mà sanh ra, không có lúc nào gián đoạn.

那先言。譬如雞生卵卵生雞從卵生卵從雞 生雞。人生死亦如是無有絕時。

“Ví như con gà sanh ra cái trứng, cái trứng nở ra con gà… nối tiếp mà sanh mãi. Việc sanh tử của con người cũng vậy, nên không có khi nào gián đoạn.”

那先便畫地作車輪問王言。今是輪寧有角 無。

Đại đức Na-tiên nhân đó cúi xuống vẽ một bánh xe tròn trên mặt đất, hỏi vua rằng: “Này đại vương, như trong cái bánh xe này, có chỗ nào là góc cạnh chăng?”

王言。正圓無有角。

Vua đáp: “Là hình tròn, nên không có góc cạnh.”

那先言。佛經說人生死如車輪展轉相生無 有絕時。

Na-tiên nói: “Kinh Phật dạy rằng, việc sanh tử của người ta cũng như cái bánh xe tròn này, liên tục xoay vòng, không có lúc nào chấm dứt.

那先言。人從眼萬物色識即覺知是三事 合。從合生苦樂從苦樂生恩愛從恩愛生貪 欲從貪欲生因有致從有致因生從生因作善 惡從善惡便生。

“Người ta do nơi mắt, thấy được cảnh sắc vạn vật, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh  ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

耳聞聲識即覺知三事合。從合生苦樂從苦 樂生恩愛從恩愛生貪欲從貪欲生因有致從 有致因生從因生作善惡從善惡便生。

“Do nơi tai, nghe được âm thanh, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

鼻聞香識即覺知三事合。從合生苦樂從苦 樂生恩愛從恩愛生貪欲從貪欲生因有致從 有致因生從生因作善惡從善惡便生。

“Do nơi mũi, ngửi được mùi hương, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nhân nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

口得味識即覺知三事合。從合生苦樂從苦 樂生恩愛從恩愛生貪欲從貪欲生因有致從 有致因生從因生作善惡從善惡便生。

“Do nơi lưỡi, nếm được mùi vị, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

身得細滑識即覺知三事合。從合生苦樂從 苦樂生恩愛從恩愛生貪欲從貪欲生因有致 從有致因生從生因作善惡從善惡便生。

“Do nơi thân, xúc chạm các thứ mềm mại hoặc thô nhám, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

意有所念識即覺知三事合。從合生苦樂, 從苦樂生恩愛,從恩愛生貪欲,從貪欲生因有致,從有致因生,從因生作善惡,從 善惡便生。

“Do nơi ý, suy nghĩ các việc, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

那先言。人展轉相生無有絕。

Na tiên đáp: “Người ta cứ như vậy, nối tiếp tương tục mà sanh ra, không có lúc dừng lại.”

b. Lược giải

Sở dĩ con người bị triển chuyển trong 6 nẻo luân hồi là do tâm dính mắt vào các trần cảnh bên ngoài, như tổ Quy Sơn dạy trong Văn Cảnh Sách: “Tham luyến thế gian, ấm duyên thành chất”. Nghĩa là: chúng ta vì tham luyến thế gian này nên mới có thân, tức hợp năm uẩn lại thành sắc chất. Như vậy, có thân đây cũng do gốc từ luyến ái mà ra. Đến đây, thầy Na tiên giải thích cho vua Di-lan-đà thấy rõ về sự vận hành của Lục nhập đó là gì? Căn gốc rễ từ nơi 6 giác quan nội xứ hòa nhập (tiếp xúc) với 6 cảnh trần ngoại xứ theo đó mà nhận biết (6 thức), có nghĩa là căn->trần->thức 3 món này hợp lại mà sinh ra khổ vui, từ khổ vui này rồi sinh sôi nảy nở ra hàng loạt chuỗi phiền não dẫn dắt tái sinh trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi mắt -> mắt ưa xem huyễn cảnh hàng ngày.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi tai -> tai thích tiếng mật đường dua nịnh.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi mũi -> mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi lưỡi -> lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi thân -> thân ham dùng gấm vóc sa sô.

Tái sinh luân hồi sanh tử nơi ý, tâm tưởng, vọng động -> ý mơ tưởng bao la vũ trụ.

Thầy Na tiên đã giải thích cho vua Di-lan-đà về chiều Lưu chuyển của chuỗi Thập nhị nhân duyên, đó là:

 (1) Vô-minh duyên Hành (2) Hành duyên Thức (3) Thức duyên Danh-Sắc (4) Danh-Sắc duyên Lục-nhập (5) Lục-nhập duyên Xúc (6) Xúc duyên Thọ (7) Thọ duyên Ái (8) Ái duyên Thủ (9) Thủ duyên Hữu (10) Hữu duyên Sanh (11) Sanh duyên Lão-tử (12) Lão-tử duyên Vô-minh => khép kín vòng tròn của Luân-hồi lại, tiếp tục quay chuyển mãi như thế.

Để chấm dứt luân hồi, đức Phật chỉ ra con đường ngược lại là chiều Hoàn diệt, nhằm phá vỡ vòng Luân hồi, chẳng còn phải tái sanh nữa: (1) hễ Vô minh diệt thì Hành diệt (2) hễ Hành diệt thì Thức diệt (3) hễ Thức diệt thì Danh-Sắc diệt (4) hễ Danh-Sắc diệt thì Lục nhập diệt (5) hễ Lục nhập diệt thì Xúc diệt (6) hễ Xúc diệt thì Thọ diệt (7) hễ Thọ diệt thì Ái diệt (8) hễ Ái diệt thì Thủ diệt (9) hễ Thủ diệt thì Hữu diệt (10) hễ Hữu diệt thì Sanh diệt (11) hễ Sanh diệt thì Lão-tử diệt (12) hễ Lão-tử diệt, thì Vô-minh diệt => là tiến trình thanh tịnh hóa. 

III. Kết luận

Thời gian trong 3 thời  là thước đo vô tận, không thể đo lường cân đo đong đếm được. Câu trả lời của thầy Na tiên cho thấy, không có khả năng (hoặc không nên) tìm ra điểm khởi đầu của thời gian, hoặc là điểm tột cùng trong quá khứ, điều này được làm rõ thông qua nạn vấn: hạt giống→ trái cây→ hạt giống; quả trứng→ con gà → quả trứng cái nào có trước? Thế nên trong kinh Kim Cương phản ảnh quan niệm về thời gian như sau: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Ngài Long Thọ (Nāgājuna) cho rằng, thời gian được xem như là một Pháp (S. Dharma), vì các pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều không có tự tánh, chúng là không (S. Śūnya; E. Empty).

Cho nên, thời gian cũng là không. Chính vì lẽ này, lý Duyên khởi cho chúng ta biết, không thể tìm thấy điểm khởi đầu hay điểm kết thúc của thời gian. Hơn nữa, trong kinh điển Đại thừa, chúng ta không thể nào nhận ra được thời gian tuyệt đối, vì nó vượt lên trên khả năng nhận biết thuộc ý thức của chúng ta, chỉ có tuệ giác của Phật, đấng Chánh biến tri, người có được năng lực siêu phàm thông qua Thiền định (S. Samādhi) mới thấu hiểu được.


Tham khảo & chú thích

[1] Hoan Hỉ địa,  Ly Cấu địa, Phát Quang địa, Diệm Huệ địa, Nan Thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa, Pháp Vân địa. 

[2] 王復問那先言諸以過去事當來事今見在事 是三事何所為本, Tương đương bản Pāli : “Bhante nāgasena atītassa addhānassa kiṃ mūlaṃ? Anāgatassa addhānassa kiṃ mūlaṃ? Paccuppannassa addhānassa kiṃ mūlan ”ti? Bản dịch Anh ngữ, “What is the root, Nàgasena, of past, present and future time?” (P. Kiṃ; E. What; C. 何所; P.  Mūlaṃ; E. Root; C. 本)

[3] H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Luận Đại Thừa Khởi Tín, Nxb Tôn giáo, 2018, các tr. 30-31.

[4] 愚癡, ngu si; P. Avijjā; E. Ignorance.

[5] 沛, phái, bái, có nghĩa là Hòa hợp: Sáu căn hướng ra sáu trần (sáu cảnh) hòa hợp nhau, thành 12 nhập (ngài Huyền Trang, dịch là thập nhị  12 Xứ (S & P. Ayatana; E. Locus; C. 處).

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo