Bài 12: Trí Nhớ
(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, dòng 31, tr. 18. Bài 4-Phát khởi trí nhớ, quyển hạ, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 273-279. Bài 4-Mười sáu cách nhớ, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 126-129. Mục VII. Arūpadhammavavatthāna vaggo, Phẩm xác định các pháp vô sắc, Milindapañhapāli, các tr. 134-137. Bài 70-Có bao nhiêu loại trí nhớ, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 242-247. Chapter 7-Memory, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 66-67).
I. Đại ý
Trí nhớ là khả năng hoạt dụng nhận thức tạo nên nhân cách sống của con người, cũng như các thiết bị điện tử computer nếu không có dữ liệu bộ nhớ thì chẳng sử dụng vào mục đích nào được cả? con người cũng không ngoại lệ, không có bộ óc trí nhớ thì có khác nào như gỗ đá hay sao? Với tư chất thông minh của bậc trí giả thoát tục, thầy Na tiên đã khéo léo trong cách tiếp cận trả lời các vấn ngôn của vua Di-lan-đà, nhằm làm sáng tỏ các chức năng thông tin trong các loại trí nhớ đối với 1 con người.
II. Nội dung
1. Định nghĩa trí nhớ là gì?
Trí nhớ (S. Smṛti; P. Sati; E. Memory; C. 念)
Theo Tâm lý học nhận thức:
Trí nhớ thuộc về thần kinh, tinh thần là một tập hợp các kết nối thần kinh được mã hóa trong não. Đó là sự tái tạo hoặc tái tạo lại những trải nghiệm trong quá khứ bằng cách kích hoạt đồng bộ các nơ-ron có liên quan đến trải nghiệm ban đầu.
Từ định nghĩa này cho chúng ta hiểu về 1 vài thông tin: trí nhớ là tập hợp lại và nối kết bởi các dây thần kinh được chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác và ngăn những người không phận sự tiếp cận vào lĩnh vực cá nhân, có nghĩa là trí nhớ của người A chỉ có người A hoặc người đồng sự với mình biết mà thôi, còn lại những người khác khó biết được. Ví dụ: bức thư được mã hóa giữa 2 người; trí nhớ được nhớ lại bằng cách là kích hoạt đồng bộ các nơ-ron có liên quan đến trải nghiệm lúc đầu.
Trí nhớ là quá trình tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh chúng ta, xử lý nó, lưu trữ nó và sau đó nhớ lại thông tin đó, đôi khi là nhiều năm sau đó. Trong Phật giáo khi tiếp xúc với 1 vấn đề nào, nghe pháp, đọc sách… gọi là ‘văn’ (nghe), ‘tư’ (tư duy, suy nghĩ, trầm tư, tưởng nhớ, nhớ nghĩ) = xử lý nó, được lưu vào bộ nhớ Tàng thức A-lại-da = lưu trữ (data) và khi gặp việc tương thích như các sự kiện, hoàn cảnh, môi trường thời gian không gian nào đó, liền tức khắc hồi tưởng lại, nhớ lại sự việc đã xảy ra trước đây trong quá khứ. Bộ nhớ của con người thường được ví như hệ thống bộ nhớ của máy tính (computer) hay tủ đựng hồ sơ.
2. Các loại trí nhớ
Về phương diện văn bản học so sánh trong các bản Pāli và bản dịch Anh ngữ, liệt kê gồm có 17 loại trí nhớ, còn trong bản chữ Hán liệt kê chỉ có 16 loại trí nhớ. Tuy nhiên, vài cách dùng từ ngữ có phần khác nhau, nhưng không kém tầm quan trọng tinh thần chủ đạo của ngữ cảnh cuộc đối thoại này. Y cứ vào kinh Mi tiên vấn đáp đưa ra 17 loại trí nhớ như sau:
a. Chánh văn
– Vậy có bao nhiêu loại trí nhớ, thưa đại đức ?
– Có tất cả mười bảy loại trí nhớ, tâu đại vương .
– Xin cho nghe?
– Vâng, xin đại vương hãy nghe:
Một là trí nhớ phi thường.
Hai là trí nhớ do cất đặt của cải, tài sản.
Ba là trí nhớ các ngày trọng đại hay hạnh phúc lớn.
Thứ tư, trí nhớ do kỷ niệm vui.
Thứ năm, trí nhớ do từng bị khổ đau.
Thứ sáu, trí nhớ do những hình ảnh quen thuộc.
Bảy là trí nhớ được tái hiện do mùi vị, âm thanh v.v…
Tám, trí nhớ do được nhắc lại.
Chín, trí nhớ do làm dấu, dấu hiệu.
Mười, trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân.
Mười một, trí nhớ do nhìn mặt chữ.
Mười hai, trí nhớ do ghi chép.
Mười ba, trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh.
Mười bốn, trí nhớ do từ kinh sách, sử sách.
Mười lăm, trí nhớ do nhớ ý nghĩa.
Mười sáu, trí nhớ do huân tập, thói quen
Mười bảy, trí nhớ do nhờ học thuộc lòng.
b. Lược giải
17 loại trí nhớ được thầy Na tiên nêu ra và sau đó lần lượt giải thích từng loại một.
Thế nào là trí nhớ phi thường? Đây là loại trí nhớ của ngài Ànada (A-nan), chỉ nghe đức Thế Tôn thuyết một lần là có thể thuyết lại giống y như thế, như sao y nguyên văn bản chính về các kệ ngôn, đoản ngôn, ví dụ, so sánh v.v… Lại còn nhớ lâu, không quên. Trí tuệ của ngài A-nan được ví như nước trong đại dương biển cả. Ngài A-nan được xếp vào ngôi tôn vị 1 trong thập đại đệ tử Phật, gọi ‘trí tuệ đệ nhất’, có kệ rằng:
“Tướng như thu mãn nguyệt,
Nhãn tợ thanh liên hoa,
Phật pháp như đại hải,
Lưu nhập A-nan tâm.”
Nghĩa là:
Tướng như trăng thu tròn,
Mắt biếc tợ sen xanh,
Phật pháp rộng như bể,
Đều rót vào tâm A-nan.
Vậy, nước pháp được rót từ bình này (đức Phật) sang bình kia (A-nan tâm) không rơi mất 1 giọt nào. Chứng tỏ trí nhớ của Ngài A-nan quá phi thường tuyệt vời.
Về danh tánh và quan hệ tộc họ, ngài A-nan là con của Bạch Phạn Vương,[1] anh em con nhà chú bác với Tịnh Phạn Vương.[2] Khi đức Phật về tuổi 55 (519 Tr.TL), ngài A-nan phát nguyện làm thị giả[3] cho đến sau này cuối đời đức Phật tròn 80 tuổi (544 Tr.TL) nhập Vô dư Niết-bàn.
Nói về trí nhớ của ngài A-nan, về sau được dự vào Hội kết tập kinh điển lần thứ nhất tại thành Vương xá (Rajagaha) sau 3 tháng đức Phật nhập Niết-bàn, dưới sự bảo trợ của vua A-xà-thế, ngài A-nan phụ trách biên tập tạng Kinh theo trí nhớ (vì lúc này chưa thống nhất chữ viết). Bên cạnh đó, cũng có trí nhớ siêu phàm của cận sự nữ Khujjuttarā,[4] chỉ nghe đức Đạo Sư thuyết một lần là thuyết lại được.
=> Đây là loại trí nhớ phi thường, hiếm trong đời có được những người như thế.
Thế nào là loại trí nhớ do cất đặt của cải tài sản? Đây là loại trí nhớ của những người giàu có quen chu đáo, cẩn thận, ngăn nắp; họ chôn dấu, cất đặt tài sản, vật quý chỗ này chỗ kia, nhưng khi cần lấy để sử dụng, họ nhớ ngay. Thông thường trong đời, có những vật dụng hàng ngày như tiền, vàng, những vật thường dụng đượ đặt để chỗ nào thì nhớ đến khi cần sử dụng thì có ngay.
Thế nào là trí nhớ bởi những ngày trọng đại, hạnh phúc lớn? Ví dụ như đức vua nhớ ngày đăng quang của mình, thống lãnh đất nước, người xuất gia nhớ ngày thọ Đại giới, bậc Thánh nhớ lại hạnh phúc đầu tiên khi đắc quả Tu-đà-hoàn v.v… Tức là những kỷ niệm trọng đại ở trong đời, bất kể dù người xuất gia hay tại gia? Khi người xuất gia đủ duyên thọ đại giới Tỳ-kheo, rồi cứ mỗi kỳ Giới đàn tổ chức, điều không cần ai nhắc nhở nhưng mình vẫn nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong đời, vào ngày tháng năm đó tôi đã thọ giới Tỳ-kheo, có những sự kiện đáng nhớ, đáng trân trọng.
Thế nào là trí nhớ do kỷ niệm vui? Niềm vui bình thường với tình huynh đệ pháp lữ có những ấn tượng đẹp, nhớ mãi không quên, trải qua năm tháng xa cách, tình cờ khi trùng phùng hội ngộ thì những niềm vui quá khứ được kích hoạt làm cho ta nhớ lại.
Thế nào là trí nhớ do từng bị đau khổ? Là những người từng bị đau khổ ê chề, lao lung, hoạn nạn trong khoảng đời nào đó đã hằn sâu trong tâm khảm, bây giờ dễ dàng nhớ lại mỗi lần hồi ức, hồi tưởng. Về thân phận nàng Kiều, 15 năm lưu lạc đoạn trường làm “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Trong khi thức cũng như trong lúc mơ, lúc nào cũng ám ảnh tâm bất an cảm thấy sợ sệt lo lắng “giật mình mình lại thương mình xót xa”. Chúng ta trong đời ít nhất ai cũng có 1 lần đau khổ? mỗi khi nhớ lại những trận đòn, làn roi in trên da trên thịt, và có những nỗi khổ niềm đau thuộc về phần tâm lý tình cảm, mỗi khi nhắc đến như nỗi ám ảnh, đừng nhắc lại làm chi cho thêm buồn, lời bài hát Tình lỡ: “thôi rồi còn chi đâu anh ơi, có còn lại chăng dư âm thôi…” Câu chuyện kể về vào ngày 20/08/2019, tại Thái Lan xảy vụ ân oán ghim gút kéo dài suốt 53 năm và được nhắc lại trong một bữa tiệc họp lớp, chuyện vụ án thuật lại, năm 16 tuổi khi còn là học sinh Trung học Phổ thông, 2 người bạn có 1 vài lời mâu thuẫn xảy ra… tiếp theo đó, 53 năm sau gặp lại nhắc về quá khứ, người bạn bị hàm oan không làm chủ được cảm xúc, đã ra tay sát hại người bạn cùng lớp năm xưa với mình bằng một phát súng; người xưa thường nói: “Quân tử trả thù 53 chưa muộn”.
Thế nào là trí nhớ do hình ảnh quen thuộc? Đây là do những người mình đã từng quen mặt chẳng như cha mẹ, anh em, bè bạn…, nay gặp lại hình ảnh những người xưa sau nhiều năm xa cách, lòng hớn hở mừng rỡ, tay bắt mặt mừng nên nhớ lại, hoặc là khi thấy nhà cửa, cây cối, ruộng vườn những cảnh vật tương tự, khói lam chiều nơi đất khách mà lòng sực nhớ lại hình ảnh cảnh quê nhà. Quê hương khuất bóng hoàng hôn,trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. “Nhật mộ hương quan hà xứ thị,yên ba giang thượng sử nhân sầu!”[5]hay “đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, quê nhà một góc nhớ mênh mang”, “dù xa cách mấy trùng dương, ở đâu cũng có quê hương trong lòng”, “trăng đâu chẳng phải là trăng, mà sao vẫn nhớ vầng trăng quê nhà.” Đây là nhìn hình ảnh để gợi nhớ lại cảnh xưa. Trong Duy thức học, trường hợp này gọi là “Lạc Tạ Ảnh Tử”.
Thế nào là trí nhớ do tái hiện mùi vị, âm thanh? Không những mùi vị, âm thanh mà cả màu sắc nữa, nói rộng ra là cả ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc); nếu con người đã từng cảm xúc, thích thú từ quá khứ, nay gặp lại màu sắc ấy, mùi vị ấy, âm thanh ấy… thì cả một trời liên tưởng lại hiện ra mà phát sanh trí nhớ. Chẳng hạn như khi mũi chúng ta tiếp xúc ngửi mùi dầu hương xả, ý thức chúng ta nhớ lại mùi này giống như mùi cây xả nhà trồng. Trong những trường huấn luyện chó nghiệp vụ truy tìm tội phạm, người ta cho những chú dog này, nếm, ngửi mùi vị của ma túy, tạo thành thói quen, đến khi truy bắt những tội phạm buôn bán ma túy, người ta chỉ cần ra dấu hiệu, thì ngay liền lập tức chú dog này xông thẳng vào cuộc, và tìm kiếp rất nhanh gọn lẹ, ít tốn nhiều thời gian, thì đây gọi là trí nhớ được tái hiện lại bởi các mùi vị âm thanh. Hoặc khi chúng ta nghe tiếng hát của ai đó tưởng chừng như là ca sĩ thứ thiệt mà mình đã từng nghe, ngày nay trường hợp này rất phổ biến trong giới showbiz, hát giả giọng ca sĩ nổi tiếng.
Thế nào là trí nhớ được nhắc lại? như người nào có bản tính hay quên, được những người khác liên tục nhắc nhở lại, chẳng hạn như người có thói quen hay quên uống thuốc, được các người thân xung quanh hay nhắc nhở lại “nhớ uống thuốc đúng giờ”. Cũng vậy, trong việc học tập, các công thức bài toán khó cần được nhắc lại cho ta nhớ bằng cách viết ra giấy rồi dán nơi tường hay cửa, nơi mà chúng ta thường đi tới lui qua lại nhiều lần hằng ngày, cứ lặp tới lặp lui nhiều lần trong ngày.
Thế nào là trí nhớ do làm dấu, dấu hiệu? Có những người buôn bán nhỏ, họ không biết chữ, biết viết nhưng họ lại làm dấu bằng son, bằng than nơi tường nhà. Nhờ làm dấu, họ biết rõ ai còn nợ bao nhiêu, ai đã trả bao nhiêu v.v… Ví dụ, những chủ trang trại nuôi trâu bò thường hay làm dấu nơi trâu, nơi bò của mình để khỏi nhầm lẫn với đàn trâu bò của người khác. Chúng nhơn khi sống trong môi trường tập thể, có thể là trong trường học hay trong quân ngũ, thường hay làm dấu trên vật dụng cá nhân hằng ngày, từ quần áo, chén bát, ly uống nước… cho khỏi lẫn lộn với những đồ của người khác, và đây cũng là cách đảm bảo sự an toàn hợp vệ sinh, tránh những điều bất như ý muốn xảy ra.
Thế nào là trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân? Đây là trường hợp những người có trí nhưng hay quên. Khi được nhắc nhở, không cần nhắc nhở toàn bộ sự việc, chỉ nhắc nhở nguyên nhân là họ có thể biết. Ví dụ như, người kia cầm bó đuốc trên tay đi qua một xóm nhà lá, có người thấy vậy nói rằng: “Coi chừng bó đuốc trên tay kìa!”. Chỉ cần nghe vậy là người kia sực nhớ rằng: “Ông A vì sơ ý nhen lửa mà làm cháy cả cánh đồng. Ông B vì đốt đèn sơ ý mà cháy nhà, cháy lan cả xóm v.v…”. Đây là loại trí nhớ nhắc nhở nguyên nhân.
Thế nào là trí nhớ do nhìn mặt chữ? là vì viết hoài nên quen tay, quen mặt chữ, sau này chỉ nhìn mặt chữ là biết viết, biết luôn cả nghĩa của nó. Đối với người học ngoại ngữ, phải viết thường xuyên các từ mới, thì lâu ngày dài tháng thâm nhập in vào trong đầu trong não, khi nhìn mặt chữ là chúng ta biết chữ đó là chữ gì và nghĩa như thế nào.
Thế nào là trí nhớ do ghi chép?những người làm thư ký, làm sổ sách kế toán với những con số nhỏ, con số lớn. Nhờ ghi chép vào sổ sách cụ thể, rõ ràng mới nhớ được. Người học chúng ta khi đọc sách cũng nên ghi lại những lời hay ý đẹp, các câu danh ngôn, trích cú để nhớ.
Thế nào là trí nhớ lâu xa do đắc Túc mạng minh? Ở đây, vị Tỳ-kheo nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: “…Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.”[6] Đây là loại trí nhớ sanh lên do việc tu tập có nghĩa là như vậy.
Thế nào là trí nhớ do từ kinh sách, sử sách? là trí nhớ do đọc kinh sử của nhiều đời, nhiều thời đại trước viết lại, chép lại ở trong kinh sử ấy. Chúng ta ngày nay sở dĩ biết được các nguồn thư tịch, sử sách xưa của nhiều triều đại thời kỳ là thông qua việc đọc các văn bản mà các sử gia lưu lại. Thành ngữ có câu “ôn cố tri tân”, nghĩa đen là xem lại cái cũ, biết cái mới; còn nghĩa bóng là lời khuyên nên nhắc lại cái cũ để hiểu biết hơn cái mới. Ôn lại quá khứ để tiên đoán việc tương lai. Trong bài Bả tửu vấn nguyệt của Lý Bạch có 2 câu thơ rất hay:
“Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.”[7]
Nghĩa là: Người nay chẳng thấy trăng xưa, Trăng nay soi rọi người xưa tinh tường.
Thế nào là trí nhớ do nhớ ý nghĩa? Đây là loại trí nhớ của người thông minh, sáng láng, đọc kinh sách họ có thể quên hết câu, chữ mà chỉ nhớ ý nghĩa của câu, chữ ấy. Khi cần viết lại câu, chữ họ sẽ từ ý nghĩa ấy mà viết ra theo cách diễn đạt của mình, tức là mượn ý văn của người khác mà viết lại thành lời của mình. Khi chúng ta nhìn nhận 1 quan điểm nào đó, bằng cách hiểu biết của riêng mình để viết lại thành lời văn, hoàn toàn độc lập không lập ngôn của người khác, không copy, không đạo văn.
Thế nào là trí nhớ do huân tập, thói quen? Bất cứ môn học nào, dù trí thức hay chân tay, mà chúng ta học mãi, làm hoài lâu ngày nó sẽ huân tập thành thói quen, là loại trí nhớ này. Thường ở đời có câu, “trăm hay không bằng tay quen”. Nghĩa là: cho dù người có tài giỏi trăm công nghìn việc như thế nào trên mặt lý thuyết, nói cái gì cũng hay cũng biết hết, nhưng không bằng thường xuyên làm. Ví dụ 1: như một người lao động trí óc, thường làm việc văn phòng, nên khi thử lao động ở ngoài trời thì khó mà thích hợp với công việc được. Ví dụ 2: trong công trình xây dựng, dù các kỹ sư tính toán kết cấu vật liệu rất kỷ, nhưng trên thực tế kết quả công việc có những lúc xảy ra không như ý muốn mà họ đã tính trước. Cho nên, phải thực tế trong công việc mới quen được việc. người xưa thường nói: nghề dạy nghề như “thước dạy thầy, cây dạy thợ” nghĩa là vậy. Tương tự, trong công phu tu tập Thiền tọa là việc thực hành cần phải có thời gian lâu ngày chầy tháng, chứ xem trên kinh sách, giảng giải mà thiếu sự thực tập này thì chẳng có lợi ích thiết thực gì cho bản thân. Giáo pháp mà đức Phật đã thuyết là thiết thực hiện tại, hễ thực tập Thiền trong 1 giờ thì có niềm an lạc ngay trong hiện tại, cũng vậy chúng ta thực hành trong 1 ngày, 1 tháng, 1 năm và nhiều năm – cả đời thì chúng ta luôn sống trong pháp lạc.
Thế nào là trí nhớ do học thuộc lòng? Nhờ thuộc lòng, người ta nhớ được nhiều bản văn rất dài và rất khó nhớ. Đây giống như luật trả vay, hễ có vay thì có trả, có thuộc lòng thì có nhớ. Có những người chỉ cần đọc qua 1 đến 3 lần văn bản là nhớ vanh vách, như photocopy – y sao bản chính nguyên gốc, trong Phật giáo thời Đông tấn có ngài Đạo An (312–385), trí nhớ của Ngài cực kỳ tuyệt vời, siêu phàm.
Trong các kỳ thi, nếu như không dùng phương pháp học thuộc lòng thì khó mà thực hiện bài thi tốt được, thuộc lòng là chiếm 80%, cộng thêm sự thông minh và tài viết lách đạt 20% nữa. Trong thời đại ngày nay, có những vị Đạo sư thông thuộc Tam tạng kinh của Myanma rất uyên bác, được xem vị đó như là Quốc bảo (bảo vật quý giá của đất nước).
Tipitakadhara= Tam Tạng Kinh Sư (tụng đọc hết Tam Tạng Kinh)
Tipitakakawida= Tam Tạng Kinh Sư (đọc và viết hết Tam Tạng Kinh )
Maha-tipitakakawida= Đại Tam Tạng Kinh Sư (vấn đáp tinh thông bằng đọc và viết hết Tam Tạng Kinh, ở những lần Tập Kết kinh điển)
Dhammabhandagarika= Pháp Sư Tam Tạng Kinh
Những danh hiệu trên được công nhận và trao cho những tu sĩ Phật Giáo là thí sinh tham dự và vượt qua thành công kỳ sát hạch rất khó khăn. Các thí sinh phải tụng đọc bằng miệng được hết 8.026 trang Tam Tạng Kinh Phật giáo, và cũng phải vượt qua được vòng thi viết, bao gồm những Luận Giảng và những Tham Luận, Tiểu Luận Giảng. Kỳ Thi Tuyển Chọn Bậc Tinh Thông Tam Tạng Kinh là một kỳ thi được tổ chức rộng lớn, khó khăn nhất và cao nhất. Không có ai vượt qua để được trao bất cứ một Danh Hiệu nào nêu trên trong kỳ thi năm 1948 lần đầu tiên được tổ chức tại Rangoon (Yangon) ngay sau khi đất nước giành lại được Độc Lập.
Mục tiêu của kỳ thi nhằm khuyến khích và chọn những người xuất chúng, người có khả năng ghi nhớ, thuộc và tụng đọc lại toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka (8.026 trang hay khoảng 2.4 triệu từ bằng tiếng Pāli theo giọng Myanmar (Myanmar Pali).
Đó là cuộc thi dài nhất trên thế giới và toàn bộ kỳ thi kéo dài liên tục 5 năm (tụng, đọc, nói, viết). Trong năm thứ Nhất và thứ Hai, các thi sinh thi sát hạch về Luật Tạng Vinaya Pitaka (2.260 trang) kéo dài liên tục trong 20 ngày – (mỗi bộ sách Luật Tạng được sát hạch trong 3 ngày liên tục, thi hết 5 bộ sách Luật Tạng mất tổng cộng 15 ngày liên tục, cộng với 5 ngày là phần thi sát hạch thi viết về những Luận Giảng và những Tham Luận, Tiểu Luận Giảng). Năm thứ Ba, các thí sinh thi sát hạch 3 tuyển tập Nikayas của Kinh Tạng Sutta Pitaka (779 trang). Vào năm thứ Tư và năm thứ Năm, các thí sinh thi sát hạch trên 5 bộ đầu (1.390 trang) và 2 bộ cuối (3.597 trang) trong tổng cộng 7 bộ của Diệu Pháp Tạng Abhidhamma Pitaka. Trước đây, tổng thời gian của toàn cuộc thi là 4 năm.
Thí sinh thành công đầu tiên là Đại Đức Thiền Sư U Vicittasarabhivamsa, người sau này được gọi bằng cái tên nổi tiếng và quyen thuộc là Mingun Sayadaw (1911 – 1993) trong nhiều sách vở và tư liệu. Ngài đã vượt qua kỳ sát hạch về Luật Tạng trong Kỳ Thi 1950. Năm 1953, Ngài đã hoàn thành phần thi cuối cùng của phần sát hạch Kinh Tạng là kinh Pathika Vagga(Phẩm nói về Patikaputta, tên một tu sĩ ngoại-đạo) thuộc Trường Bộ Kinh và trở thành người đầu tiên được trao danh hiệu ‘Tipitakadhara”: Người Tinh Thông Tam Tạng Kinh ở Myanmar (Burma) vào năm ngài 42 tuổi, và thành tích của ngài được lưu danh vào Sách Những Kỷ Lục Guiness của thế giới. Từ đó đến này, càng ngày càng có thêm nhiều tu sĩ (Tỳ-kheo) xuất chúng, với trí nhớ phi thường, đã được trao một hay nhiều trong tất cả 5 danh hiệu nói trên. Từ sau 1948, những tu sĩ thí sinh sau đây đã được trao những danh hiệu ‘Tipitakadhara.’
Ven. Vicittasarabhivamsa – năm 1953 – tuổi 42
Ven. Nemainda – năm 1959 – tuổi 32
Ven. Kosala – năm 1953 – tuổi 42
Ven. Sumingalalankara – năm 1963 – tuổi 36
Ven. Sirinandabhivamsa – năm 1973 – tuổi 27
Ven. Vayameindabhivamsa – năm 1984 – tuổi 42
Ven. Kondanna – năm 1995 – tuổi 39
Ven. Silakhandabhivamsa – năm 1997 – tuổi 55
Ven. Vamsapalalankara – năm 1998 – tuổi 32
Ven. Indapala – năm 2001 – tuổi 40
Ven. Sundara – năm 2001 – tuổi 45
Như vậy, chúng ta nghĩ, xét về mặt vật lý, đầu óc của con người có to lớn được bao nhiêu đâu mà tại sao dung chứa cả hàng ngàn quyển sách, nhớ đến hàng ngàn trang kinh Phật? Thời quá khứ có ngài A-nan, còn ngày nay có những vị tu sĩ đã thuộc lòng toàn bộ hoặc từng phần kinh điển và điều đó giúp cho các ngài có thể thuyết giảng cho Tăng, ni, Phật tử, cư sĩ bằng những bài Kinh và bài thuyết giảng của Phật, nhanh hơn, sinh động hơn và truyền tải được nhiều hơn bất kỳ thiết bị nào, ngay cả ổ đĩa CD-ROM cũng phải cần có hệ thống của nó để bật màn hình lên để đọc chữ hay nghe âm thanh phát ra từ nó.
3. Trí nhớ theo Tâm lý học
Trong khoa Tâm lý học ứng dụng vào việc giáo dục, có vài cách để dạy sinh viên, học sinh nhớ dai, được liệt kê ra đây để phụ vào 17 “cách nhớ” của thầy Na tiên đã được nêu ở trên.
Cách để nhớ dai đầu tiên là phải chịu khó ôn tập lại điều đã học, dầu được ghi chép cẩn thận, nếu chẳng giở ra xem lại, thì có thể quên đi mất. Vì thế, phương châm của giáo dục là sự lặp đi lặp lại thật nhiều lần, thường ôn lại cho nhuần nhuyễn.
Muốn nhớ kỹ một từ ngữ lạ, mới thì phải vận dụng kết hợp các giác quan cùng một lúc: tai nghe tiếng thầy dạy, miệng lẩm bẩm nhắc lại tiếng đó, tay viết lên giấy chữ đó, và mắt nhìn vào cho kỹ, hay kết hợp mắt nhìn chữ, tay viết, miệng đọc, tai nghe và óc suy nghĩ cố nhớ. Như thế, sau nầy rủi có quên, thì cả mấy giác quan đó sẽ giúp cho việc cố nhớ lại.
Khi muốn nhớ dai nhiều điều cùng một lúc, nên sắp xếp các điều ấy thành cách nhớ liên tưởng, hoặc ghép thành câu thơ ký hiệu riêng cho dễ nhớ, chẳng hạn như trong kinh Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya) được chia thành 15 bộ, cách nhớ như sau:
Khuddakapatha (không)
Dhammapada (được)
Udana (uống)
Itivuttaka (ít)
Suttanipata (sữa)
Vimanavatthu (vì)
Petavatthu (phải)
Theragatha (tốn)
Therigatha (tiền)
Jataka (jiờ)
Niddesa (này)
Patisambhidamagga (phải)
Apadana (ăn)
Buddhavamsa (bánh)
Cariyapitaka (canh)
Trí nhớ ở đầu ngón tay: việc học cổ ngữ chữ Hán, Phạn, Pāli, Tạng một chữ có nhiều nét ngoằn ngoèo, khi học chữ mới, đưa ngón tay trỏ vẽ chữ ấy lên trên hư không nhiều lần, sau này muốn nhớ lại, lấy ngón tay cứ vẽ lại, sẽ dễ nhớ.
III. Kết luận
Trí nhớ giúp chúng ta nhớ lại những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, mỗi người có 1 cách nhớ riêng, mã hóa riêng tùy theo khả năng dữ liệu bộ nhớ của họ. Tuy nhiên, trí nhớ có được không chỉ trong đời này mà nó được huân tập từ nhiều đời sống quá khứ trước; có người học hoài mà không nhớ, nhớ trước quên sau; có người chỉ cần nhìn qua hay được người khác nói chỉ bày 1 lần là nhớ suốt đời. Muốn có trí nhớ tốt, nhớ dài nhớ dai thì phải cần tập nhớ, vận dụng khả năng tập trung hết mức có thể để cố nhớ, nhiều lần như vậy thì sẽ nhớ. Qua 17 cách nhớ theo luận điểm của thầy Na tiên nêu trên, được xem là tương đối đầy đủ nhất, một con người ai cũng hội đủ khả năng của các loại trí nhớ này, để ứng dụng trao đổi thông tin trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cùng với tinh thần hướng thượng.
Tham khảo & chú thích
[1] Bạch phạn vương có 2 người con trai Đề-bà-đạt-đa và A-nan.
[2] Tịnh phạn vương có 2 người con Thái tử Tất-đạt-đa (đức Phật) và Nan-đà.
[3] Ngài A-nan có 5 điều kiện khi phát nguyện thị giả đức Phật. 1-không nhận y áo Phật cho dù mới hay cũ. 2- không nhận thức ăn của Phật cho. 3- không thọ biệt thỉnh. 4- được đến gặp Phật hoặc lui phải lúc. 5- được sắp xếp thứ tự đệ tử vào hầu Phật.
[4] Khujjuttarā là người hầu của Hoàng hậu Samavati, vợ vua Udena (ưu điền) xứ Kosambi. Vì hoàng hậu không thể trực tiếp đi nghe đức Phật thuyết pháp, bà đã cử Khujjuttarā đi thay thế và trở nên tinh thông đến mức có thể ghi nhớ những lời dạy và thuyết lại cho Hoàng hậu cùng 500 cung nữ nghe, tất cả đều đạt đến quả vị Sơ quả Tu-đà-hoàn (P. Sotapanna).
[6] Trung Bộ Kinh, 36 – Ðại kinh Saccaka (Mahàsaccaka sutta).
[7] 今人不見古時月, 今月曾經照古人.