Bài 13: Giấc Mộng
(Tham chiếu: Bài 5-Supinapañho-Câu hỏi về giấc mơ, Milindapañhapāli, các tr. 493-500. Bài 168-Tại sao có chiêm bao? Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 738-745. Chapter 15-The Solving of Dilemmas (VIII), 75-Dreams, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, tr. 152).
I. Đại ý
Hiện tượng mộng có thể xảy ra đối với những ai khi chưa làm chủ được mọi cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức. Bậc thánh giả A-la-hán vẫn còn rơi vào trường hợp Dư sở dụ (mộng) này, huống chi là con người phàm phu, cái mà nhìn thấy chỉ là vọng tưởng không thật có. Khi con người chìm vào giấc ngủ, theo đó tâm hồn cũng trở về trạng thái an tĩnh lắng trong. Thông qua cách lý giải của thầy Na tiên về các nguyên nhân của mộng, lúc nào mộng xảy ra, liễu tri về mộng thật và mộng không thật và cách tu tập để đối trị mộng đã làm cho người đương cuộc, cũng như đời sống hiện tại luôn sáng soi mở bày chánh kiến hướng vào giác lộ.
III. Nội dung
1. Định nghĩa Mộng là gì?
Mộng (S. Svapna; P. Supina; E. Dream; C. 夢) được giải thích là một chuỗi liên tiếp của các cảm giác, cảm xúc, ý tưởng và hình ảnh xảy ra một cách không chủ ý trong tâm trí của một người trong các giai đoạn nhất định của giấc ngủ.
2. Sáu nguyên nhân của mộng
Mộng là 1 hiện tượng rất phức tạp, khó có thể suy tính và bàn luận đến cùng, nó được xem như là có liên lạc nhưng lại không thiết thực trong đời sống hiện tại. Có người còn cho rằng, giấc mộng là những điềm lành hay dữ, điều dự báo trước cho người đó biết sự việc tương lai sắp diễn ra, điều này khiến cho con người rơi vào tâm trạng bối rối, mừng vui, lo lắng, bồn chồn, sợ sệt…, con người thời xa xưa, quan niệm mộng hoặc linh hồn (ngã) khi lìa xác thân đi du lịch, hay cho đó là hiện tượng tương lai được trời, thần, quỷ, vật báo trước cho người ta biết, nên họ rất coi trọng hiện tượng trong mộng. Từ đó họ mới nảy sinh ra ý tưởng đoán mộng (mộng lành, mộng dữ; kiết mộng, hung mộng). Lịch sử giải thích về mộng, khoảng 5.000 năm trước ở Mesopotamia (Lưỡng hà, ngày nay tương ứng với phần lớn Iran-Iraq), những giấc mơ sớm nhất đã được ghi lại trên các viên đất sét. Trong thời kỳ La-mã và Hy-lạp, người ta tin rằng: giấc mộng là những thông điệp được gửi trực tiếp từ một hoặc nhiều vị thần, từ những người đã khuất và họ là những người tiên đoán về tương lai. Sau đó, có những nền văn hóa thực hành ấp ủ giấc mơ, mục đích của họ là nuôi dưỡng những giấc mộng tiên tri.
Theo quan điểm của thầy Na tiên giải thích cho vua Di-lan-đà về giấc mộng hay chiêm bao (giấc mơ), tất cả các hiện tượng nguyên nhân xảy ra mộng trong đời, không ngoài 6 nguyên nhân.
a. Chánh văn
“…Tại sao có người mộng lành, có người mộng dữ? Tại sao có người chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc đã có từ trước? Có người lại chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc chưa hề có? Lại có người nằm thấy chuyện hạnh phúc, vui tươi; có người nằm thấy chuyện sợ hãi, khiếp đảm? Lại có người thấy một việc mình đã làm, người khác lại thấy việc mình chưa hề làm? Rồi lại còn mộng thấy gần, thấy xa; có kẻ lại thấy chuyện đâu như hằng ức kiếp? Tất cả các loại chiêm bao ấy – nguyên cớ do đâu, đại đức?
– Tâu đại vương! Tất cả các loại chiêm bao ấy đều do từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, do chất gió (phong đại) trong cơ thể dấy động.
Thứ hai, do mật tác động.
Thứ ba, do đàm tác động.
Thứ tư, do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động.
Thứ năm, do chư thiên, quỷ hay ma tác động.
Thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ.”
b. Lược giải
Cuộc đàm thoại hôm nay giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên bàn về chủ đề giấc mộng. Nói về mộng là chỉ cho hiện tượng chung, nhưng trong đời mỗi người đều có 1 giấc mộng khác nhau, có người mộng thấy cảnh vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ; mộng thấy mình bay trên hư không, hay bơi lội trong nước… Theo ông Sigmund Freud (1856-1939) nhà tâm lý học người Áo cho rằng: Giấc mộng là biểu hiện của những lo lắng và mong muốn sâu sắc nhất của con người, thường liên quan đến những ám ảnh hoặc ký ức bị kìm nén thời thơ ấu. Ngoài ra, ông tin rằng hầu hết mọi chủ đề của giấc mộng đều thể hiện sự giải tỏa căng thẳng, thỏa mãn các cảm xúc giác quan.
Giải thích 6 nguyên do của mộng
Nguyên do 1 & 4: Giấc mộng thứ nhất do chất gió[1] (phong đại) trong cơ thể dấy động, và thứ tư: do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động. Khi thời tiết môi trường xung quanh bên ngoài thay đổi, có lúc trời chuyển sang mùa đông lạnh hoặc có khi vào mùa hè nóng nhiệt, sự chuyển đổi 1 cách thất thường như thế làm cho cơ địa trong con người cũng theo đó mà thay đổi, nếu con người chưa thích ứng kịp với môi trường thời tiết thì dễ gây nên cảm sốt, nóng lạnh, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu…, hay con người khi tiếp xúc môi trường quá lạnh hoặc quá nóng cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe giấc ngủ của mình, khiến cho cho người hay chập chờn khó ngủ, đây cũng là nguyên nhân xảy ra mộng. Trong những trường hợp lao động làm việc chân tay quá sức, hay thân thể đau ốm bịnh hoạn, sức khỏa tứ đại trong thân không ổn định, như người tiêm Vaccine Covid-19 làm cho thân thể uể oải, mệt mỏi, tinh thần bồn chồn… và đây cũng là triệu chứng nguyên nhân dẫn đến mộng.
Nguyên do 2 & 3: thứ hai, do mật[2] tác động và thứ ba, do đàm[3] tác động. Các nội tạng trong cơ thể con người được kết cấu theo 1 trật tự tuần hoàn của nó, như gan, túi mật, ruột non, ruột già, lá lách… mỗi bộ phận đều có chức năng xử lý thức ăn nước uống riêng, nhưng tuân theo quy luật hệ điều hành nối kết chung của nó, chẳng mai người bị ung thư gan hay viêm túi mật thì đối với người mắc bịnh hiểm nghèo này nổi lo lắng, thời giờ ngủ nghỉ không lúc nào yên ổn, thoải mái được. Tinh thần cứ phập phồng lo âu, ăn không được – ngủ không ngon, lúc mê lúc tỉnh, và đây là nguyên nhân dẫn đến mộng.
Nguyên do thứ năm, do chư thiên[4], quỷ hay ma tác động. Chư Thiên trong tiếng Phạn và Pāli đọc là ‘deva’, Anh ngữ là deity, có nghĩa là những chúng sanh sống trong cõi lục đạo, trong một tình trạng hạnh phúc, phước báu sung mãn, tuy nhiên vẫn nằm trong vòng luân hồi. Nhờ những nghiệp tốt đã tạo, chư thiên có thọ mệnh rất dài và rất sung sướng. Nhưng chính hạnh phúc này là chướng ngại trên đường giải thoát vì họ chưa giác ngộ được khổ đế trong Tứ diệu đế. Khi bàn về 5 việc của Đại thiên (S. Mahādeva; C. 大天):
“Dư sở dụ, vô tri,
Do dự, tha linh nhập,
Đạo nhân thanh cố khởi,
Thị danh chân Phật giáo.”[5]
Ở đây, vấn đề mộng là do chư thiên tác động khuấy nhiễu, chọc ghẹo nên người ấy xảy ra mộng, có nghĩa là đối với bậc A-la-hán tuy đã đoạn tận hết phiền não lậu hoặc, nhưng vì còn nhục thân nên về sinh lý vẫn có hiện tượng di tinh trong mộng mị (dư sở dụ).
Nguyên do thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ. Chủng tử trong tiếng Phạn gọi là ‘bīja’, tiếng Anh đọc là seeds, có nghĩa là mầm sống, hạt mầm, hạt giống. Những hạt giống thiện hay bất thiện mà chúng ta đã vô tình hay cố ý gieo trong nhiều đời sống quá khứ, và trong kiếp hiện tại này mình đang sống là phần lớn được thừa hưởng từ nhiều kiếp trước lưu lại, và con người đang tiếp tục tạo ra cũng như đang gieo trong đời hiện sinh này, hạt giống ấy nói theo giáo lý nghiệp đó là “tích lũy nghiệp”. Có những nghiệp báo trổ quả ngay trong hiện đời gọi là hiện báo, như đói thì ăn, dẫn đến no; có kẻ sát nhơn giết người thì không thể trốn thoát tội truy nã của Pháp luật nhà nước, có những nhân gieo trong đời này nhưng mãi đến nhiều đời sau mới nhận quả, gọi là sinh báo, và khi nhân gieo trong hiện tại đợi đến nhiều kiếp sau nữa mới trổ quả gọi là hậu báo. Cũng vậy, trường mộng được đề cập trong nguyên do thứ 6 này, “những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ”. Trong khi mộng là do chủng tử quá khứ nghiệp trỗi dậy, như trường hợp Hoàng hậu Thánh mẫu Ma-da, nằm mộng thấy voi trắng 6 ngà khai hông hữu chui vào bụng, từ đó thọ thai.
Ngoài ra, trong Trí độ luận quyển 6 nói: Mộng có 5 loại, 1- khi trong thân thể không điều hòa, nếu nhiệt độ quá cao thì mộng thấy lửa, thấy màu vàng, màu đỏ; 2- nếu nhiệt độ quá thấp thì mộng thấy nước, thấy màu trắng; 3- nếu phong khí nhiều thì thấy mình bay bổng lên, thấy màu đen; 4- nếu suy nghĩ về sự việc gì mà mình nghe, thấy thì sinh mộng; 5- muốn biết những việc trong tương lai cũng khởi mộng. Do dó, tất cả 5 loại mộng này đều là vọng kiến sai lầm, không phải sự thật.
Nghiêng về phương diện tu tập, Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy:
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng,
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng,
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”
Thông thường người ta nghĩ, mộng chỉ xảy ra trong lúc ngủ, nhưng sự thật không đơn giản 1 cách hời hợt như vậy, khi con người chưa giác ngộ được lý vô thường, vô ngã, ngũ uẩn giả hợp duyên sinh thì đồng nghĩa cuộc sống của con người đó đang sống trong mộng. Cho nên, mộng là 1 hiện tượng không thật có, như nước chảy hoa trôi, là bóng mây chìm nổi, nên người tu hành học Phật luôn luôn thức tỉnh không chấp vào cái mà mình đang có, đã thấy, được như vậy người đó mới vượt thoát ra ngoài cơn mộng mị. Có thơ rằng:
“Phải chăng đời là mộng, cho mắt anh hoen sầu.
Nếu đời không là mộng, vì sao ta yêu nhau”.
Cho nên, cuộc đời này vốn dĩ là mộng, gặp nhau cũng chỉ là giấc mộng. Mấy chục năm hiện hữu tung – hoành, ngang – dọc trên cuộc đời cũng là một giấc mộng mà thôi!
3. Mộng thật và mộng không thật
Trong lời lý giải của thầy Na tiên, phân biệt quá rõ ràng, trong 6 loại mộng thì mộng nào là thật và mộng nào là không thật?
a. Chánh văn
“Trong sáu nguyên nhân kể trên, chỉ có nguyên nhân thứ sáu là thật. Chiêm bao do nhân thứ sáu này tác động là chiêm bao có thật. Còn ngoài ra, các giấc chiêm bao do những nguyên nhân khác đều không thật.”
b. Lược giải
Thế nào gọi là mộng thật và mộng không thật? Thông thường nói đến hiện tượng mộng, có người tin là thật có, nhưng bên cạnh đó cũng có người không tin là có thật, vì đó là chuyện xảy ra trong tâm, chúng không hiện hữu ra bên ngoài, đây là cách lý giải thường gặp tùy theo cảm tính cá nhân. Trong các Luận cứ cũng đề cập đến hiện tượng mộng như Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa, quyển 12; Đại Tỳ Bà Sa Luận cũng như trong triết học Áo nghĩa thư của Ấn giáo, chưa có một lời giải đáp nào minh xác, nhưng trong bản kinh Mi tiến vấn đáp, thầy Na tiên đã chỉ ra rất rõ ràng trong 6 nguyên nhân kể trên, chỉ có nguyên nhân thứ sáu là thật: “Những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ”, còn lại 5 nguyên nhân đầu là không thật có.
4. Mộng xảy ra lúc nào?
a. Chánh văn
“Ngủ hay thức đều không thể chiêm bao. Nói rõ hơn, ngủ say quá hoặc tỉnh táo quá đều không thể chiêm bao được; chỉ khi nào nửa tỉnh, nửa mê, nghĩa là ngủ mà không say đắm, tỉnh nhưng mà mơ mơ màng màng; chính ở giữa trạng thái ấy, chiêm bao mới xuất hiện.”
b. Lược giải
Lời của thầy Na tiên giải thích rất thiết thực, trạng thái của người còn thức, tức là 6 căn chưa đóng cửa lại, vẫn hoạt động tiếp xúc với 6 cảnh trần, mắt nhìn thấy cảnh, mũi ngửi mùi hương, tai nghe âm thanh, thân thể xúc chạm vật dụng và ý tưởng nhớ nghĩ về 1 chuyện gì đó chẳng hạn, thì trạng thái còn thức này không thể nào xảy ra mộng được. Ví như động cơ đang hoạt động liên tục, máy chạy ầm ầm như thế này, thì căn cứ vào đâu gọi là máy hư được? ở đây HƯ dùng trong động cơ = MỘNG chỉ cho con người. Còn khi con người đang chìm sâu vào trong giấc ngủ ngon, có nghĩa là 6 căn đều đóng cửa lại không hoạt động, không hay biết gì với 6 trần cảnh bên ngoài nữa, thì lúc này ý thức chìm vào Hữu phần tâm hay Tâm hộ kiếp (Bhavangacitta),[6] nên hiện tượng chiêm bao không thể xảy ra. Điều này ví như khi động cơ ngừng hoạt động, không có nghĩa là động cơ ấy bị hư mà là thời gian để cho động cơ đó nghỉ ngơi.
Như vậy, con người còn thức và khi chìm sâu vào trong giấc ngủ thì mộng không đủ cơ sở nào để sinh khởi được. Vậy thì mộng hiện hữu xảy ra vào lúc nào? khi ngủ mà giấc ngủ chưa sâu, chưa ngon – thì ý thức lúc ấy chưa chìm vào hữu phần tâm, nên nửa tỉnh – nửa mê; mơ mơ màng màng; chập chờn; nửa thực – nửa hư; nửa huyền – nửa ảo; Hàn Mặc Tử nói: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà”[7] và nếu ngoại duyên tác động mạnh bởi âm thanh thì người ấy tỉnh lại hoặc có thể nhận biết, thì chính khoảng khắc giữa nửa mê – nửa tỉnh này hiện tượng mộng xuất hiện, còn mộng lành hay mộng dữ; mộng đẹp hay mộng xấu; mộng cười hay mộng khóc là tùy thuộc theo cá nhân, và đây cũng là lập luận của thầy Na tiên. Hơn nữa, trong vấn ngôn của vua Di-lan-đà, khi con người rơi vào là tâm trạng lờ đờ, mệt mỏi, ngáp, cơ thể mệt nhừ, muốn nằm và muốn ngủ hay ngủ chút chút như cái ngủ của con khỉ, thì lúc này mộng phát sinh. Chúng ta thường biết, so với các loài động vật, thì loài khỉ không dành nhiều thời gian vào việc ăn và ngủ. Thay vào đó, chúng thường xuyên leo trèo, nhào lộn, khám phá thế giới xung quanh để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Đây là đặc tính riêng của các loài vật.
5. Những loài nào hay mộng?
Chúng sanh trong 4 nẻo luân hồi thường xảy ra hiện tượng mộng, đó là cảnh giới thiên, nhơn, súc sanh và ngạ quỷ. Tại địa ngục không có mộng, vì chúng sanh nơi đó quá đau khổ, bị tra tấn hành hình liên tục không có chút thời giờ thoải mái thảnh thơi nào để thấy mộng cả, tuy nhiên có thuyết nói ở địa ngục hiếm hoi lắm khi có làn gió mát thổi qua, nỗi khổ dịu bớt thì lúc đó chúng sanh vẫn thấy mộng. Nhưng chung quy chúng sanh ở cõi người, phàm nhơn hay Thánh nhơn A-la-hán đều có mộng như trường hợp của Thánh giả Đại thiên vừa nêu trên, nhưng đức Phật thì hoàn toàn tuyệt đối không còn mộng ảo nữa, vì Phật đã xa lìa mọi tập khí lậu hoặc điên đảo mộng tưởng, tâm của Phật lúc nào cũng an trú trong chánh niệm và chánh định, nên không thấy mộng khởi, như lời của thầy Na tiên khẳng định: “…còn các bậc Thánh nhân (đức Phật) bao giờ cũng ngủ ngon và không bao giờ còn chiêm bao nữa.”
6. Phương pháp tu tập đối trị mộng
a. Chánh văn
“…Muốn đối trị với nó (mộng), cần thiết phải trang bị những thứ khí giới sau đây: tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp. Khi làm được thế, hành giả không bị chi phối bởi ngoại cảnh bên ngoài và những tư tưởng, ý niệm khởi động bên trong, tâm được an chỉ…”
b. Lược giải
Ở những phần trước chúng ta đã hiểu về các nguyên nhân gây ra mộng, lúc nào mộng xảy ra? thế nào gọi là mộng thật và mộng không thật, những loài nào thường hay khởi mộng? tiếp theo là phương pháp tu tập để đối trị mộng.
Chúng ta biết, đối với người tu tập thiền, trong khi hành thiền có những hiện tượng khác nhau xảy ra như: có người bị ngứa, có người cảm thấy như có kiến bò, hoặc cảm thấy được thư giãn rất sâu, cảm thấy mình bị nhỏ lại hoặc lớn ra hay trạng thái bị hôn trầm, thụy miên, ngủ gục hoặc cảm thấy nhẹ nhàng như muốn bay bổng lên khỏi mặt đất,… Những hành giả bước đầu thực tập thiền rất hồi hộp trước những cảm giác và các tiêu cực này. Tuy nhiên, chúng ta không quan ngại, đừng quá lo lắng, cái thân 50, 60, 70 ký này chưa thể bay lên được đâu! Khi tâm ta hoàn toàn thư giãn, hệ thống thần kinh của ta sẽ có khả năng tiếp nhận những tín hiệu của giác quan hữu hiệu hơn. Một số lớn những dữ kiện trước kia bị ngăn chặn giờ đây có thể chảy tuôn vào, làm khởi lên đủ hết những cảm xúc đặc biệt. Nhưng chúng không hề biểu trưng cho một điều gì đặc biệt hết. Chúng chỉ là những cảm giác mà thôi.
Nhằm đối trị những chướng ngại trong lúc hành thiền trên, thầy Na tiên chỉ ra cho chúng ta biết cần phải trang bị các vũ khí trí tuệ như: sự tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp, và 1 khi được trang bị các thứ vũ khí sắc bén tinh nhuệ như thế này thì cho dù các thế lực ngoại duyên bên ngoài nếu có tác động vào xâm nhập vào, chúng cũng không đủ khả năng, cơ sở để phá hủy ngôi nhà thiền trong lúc chúng ta đang xây dựng thiền tập và tâm chúng ta được an chỉ.
Thiền có 2 loại, Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana). Thiền chỉ, chỉ là dừng lại. Tịnh chỉ là dừng lại sự tán loạn, sự quên lãng, vọng niệm, chấm dứt sự đuổi bắt của tâm đến các đối tượng của trầncảnh. Thiền chỉ là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, là cách buộc chặt tâm ý vào một pháp làm cho tâm ý chuyên nhất đưa đến hỷ lạc và nhất tâm.
Thiền quán hay Thiền minh sát, có nghĩa là thấy mọi sự vật đúng như bản chất của chúng. Quán là xem xét thực tướng của mọi sự vật bằng ánh sáng tuệ giác phát sinh từ tâm. Thiền quán là tĩnh tâm tư duy, quán chiếu chân lý, là ý thức một cách rõ ràng những gì đang xảy ra trong bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm và pháp (Tứ niệm xứ).
Để có 1 giấc ngủ ngon, ngủ sâu, theo khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe cũng như kinh nghiệm thông thường, chúng ta không nên ăn quá no, uống nước quá nhiều vào buổi chiều hay buổi tối trước khi đi ngủ, càng không nên sử dụng các ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) lạm dụng quá mức sẽ gây mộng mị không tốt cho sức khỏa và giấc ngủ, cũng vậy điều này trong kinh Lăng nghiêm, quyển 8, đức Phật dạy: “Các chúng sanh cầu Thiền định không nên ăn các món cay nồng của thế gian. Các các món cay nồng đó ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì nóng giận.” Đồng thời trạng thái tâm không nghĩ đến những hình ảnh khác giới, không hướng tâm tưởng tượng đến khoái cảm từ các giác quan. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV từng nói: “Giấc ngủ chính là sự thiền định tốt nhất” (sleep is the best meditation).
III. Kết luận
Giấc mộng là hiện tượng có thể xảy ra trong lúc ngủ, bản chất của nó là giả tạm mong manh, vô thường biến đổi lắm nỗi truân chuyên. Người đã thấy mộng, nhận rõ chân tướng về mộng, hiểu được sự vận hành của mộng, không có lý do gì phải lo lắng tâm bồn chồn bất an, mà phải tỉnh táo an định tinh thần, vì đây chỉ là tri giác cái biết tạm thời không thật có. Thơ rằng:
“Mọi việc trên cuộc đời, như là bong bóng nước,
Đủ màu tươi lấp lánh, thu hút người đắm say,
Nhưng khi chạm bàn tay, tan tành điều mơ ước,
Người ngỡ ngàng thảm thiết, kêu khóc vì nhớ nhung,
Một mộng ảo mông lung, vốn nào đâu có thật.”
Trong cách ngôn của Bậc trí giả, người nắm rõ quy luật sự vận hành tâm chuyển, thầy Na tiên đã phân tích rất cặn kẽ chi li cho vua Di-lan-đà nghe về 6 nguyên nhân của mộng, chỉ rõ ra thế nào là mộng thật và mộng không thật? sau cùng là phương pháp tu tập để đối trị căn bịnh mộng, bằng cách là giữ tâm thanh tịnh, tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp ngày cũng như đêm sáu thời[8] tâm luôn được an lành.
Tham khảo & chú thích
[1] Phong=gió, P. Vātika; E. Wind.
[2] Mật, P. Pitta ; E. Bile.
[3] Đàm, P. Semhika; E. Phlegm.
[4] Chư thiên, P. Deva; E. Deity.
[5] 餘所誘無知, 猶豫他令入, 道因聲故起 , 是名真佛教.
[6] Tâm hộ kiếp theo nghĩa đen có nghĩa là “yếu tố của đời sống”. Tâm hộ kiếp duy trì sự liên tục trong một kiếp sống, cho nên những gì chúng ta gọi là một “chúng sanh” thì nó liên tục sống từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác.
[7] Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mặc Tử).
[8] Sáu thời. Người Ấn-độ xưa chia thời gian một ngày đêm (24 giờ) thành 6 thời, mỗi thời tương ứng với 4 giờ hiện nay. Sáu thời gồm: Đầu ngày, giữa ngày, cuối ngày (3 thời ban ngày) và đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm (3 thời ban đêm). Sáu thời tương ứng với cách tính giờ hiện nay như sau: Đầu ngày (từ 6 giờ đến 10 giờ), giữa ngày (từ 10 giờ đến 14 giờ), cuối ngày (từ 14 giờ đến 18 giờ) và đầu đêm (từ 18 giờ đến 22 giờ), giữa đêm (từ 22 giờ đến 2 giờ), cuối đêm (từ 2 giờ đến 6 giờ).