Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 14: Đắc Đạo Và Nhập Niết-Bàn

(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷中,  tr. 16. Bài 9-Đắc đạo và nhập Niết-bàn, quyển trung, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 253-254).

I. Chánh văn

王言。假令得道人不能得離身苦者,是為 未得泥洹道耶。

Vua hỏi: “Giả sử như người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân, vậy là chưa được Niết-bàn chăng?”

那先言。人得道已無所恩愛身苦意安何用 為得道。

Na-tiên đáp: “Người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui. Như vậy còn mong cầu được đạo gì nữa?”

王言。假令人得道已成當復何留。

Vua nói: “Nếu như người đã đắc đạo rồi, vậy còn lưu lại cõi thế làm chi?”

那先言。譬如果物未熟不強熟也。已熟亦 無所復待。

Na-tiên đáp: “Ví như quả cây chưa chín, không thể ép được. Như khi đã chín, tất không cần phải chờ đợi nữa.

那先言。王屬所道者舍犁曰所說舍犁曰在 時言。我亦不求死我亦不求生我但須時可 時至便去。

Đại Vương có biết lời nói của Đại đức Xá-lợi-phất chăng. Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: “Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.”

王言。善哉善哉。

Vua khen ngợi: ”Lành thay! Lành thay!”

II. Đại ý

Luận về Niết-bàn rất rộng lớn trong tư tưởng học thuyết Phật giáo cũng như các tôn giáo liên quan, tuy nhiên vấn đề Niết-bàn được đề cập trong kinh Na tiên Tỳ-kheo hay Mi tiên vấn đáp là những chuỗi liên quan đến sự tu tập của 1 con người. Làm thế nào để dập tắc vĩnh viễn ngọn lửa tham, sân và si khi đang bùng cháy rạo rực trong tâm dục vọng của kiếp người? Bao hoài nghi của vua Di-lan-đà đã được hóa giải dưới ánh sáng Phật pháp thông qua bậc thoát tục thầy Na tiên. Trong giảng ngôn này, thầy Na tiên giải thích về hai đạo lộ Niết-bàn đó là: Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn, việc gì so sánh nhất khi “người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui”, và nơi đó người đắc đạo Vô dư sẽ không còn tái sinh nữa, mà cũng không tìm ra được dấu vết nơi nào. 

III. Nội dung

1. Định nghĩa Niết-bàn

a. Niết-bàn là gì?

Niết-bàn (S. Nirvāṇa; P. Nibbāna; C. 涅槃) là trạng thái giải phóng hay chấm dứt vòng luân hồi tái sinh.

Theo chiết tự Phạn ngữ, Nirvāṇa được kết hợp bởi 2 từ ‘nir’ và ‘vāṇa’, trong đó ‘nir’ là hình thức phủ định, không; ‘vāṇa’ là dệt, ái dục, ái dục này xem như sợi dây nối kết kiếp sống này với kiếp sống khác; hay ‘nir’ là ra khỏi ái dục và ‘vāṇa’ là sự thèm khát nhục dục, vậy Nirvāṇa là ra khỏi sự ham muốn dục vọng.

Giải thích khác, Niết (nir) ra khỏi; Bàn (vāṇa) rừng, tức là ra khỏi khu rừng mê tối, rừng phiền não.

Ngài Huyền Trang giải thích: 1-Nir có nghĩa là ra khỏi, ly khai, còn vāṇa là con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. Nirvāṇa là ly khai con đường quanh quẩn, chuyển dịch (phá vỡ vòng sinh tử luân hồi); 2-Nir nghĩa là không; vāṇa là hôi tanh, dơ bẩn, cấu uế, nhiễm ô, ác trược, xú uế, Nirvāṇa là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch); 3-Nir nghĩa là xa lìa, đào thải, vượt thoát; vāṇa là rừng rậm, Nirvana là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống).

Niết-bàn còn được giải thích là sự dập tắc của ngọn lửa tham lam (lobha) hay tham ái (ái dục), sân hận (dosa) và si mê (moha).

Theo nghĩa đơn giản nhất, Niết-bàn (Nirvāṇa) là đoạn tận các phiền não tham, sân và si.[1]

Niết-bàn là sự đoạn tận 10 kiết sử phiền não (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân (5 hạ phần kiết sử) dục ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh (5 thượng phần kiết sử)).

Niết-bàn là một phần của Chân lý thứ ba (diệt đế) về “sự chấm dứt của khổ” trong Tứ diệu đế, có nghĩa là chấm dứt tuyệt đối vĩnh viễn về nỗi khổ niềm đau trong vòng luân hồi.

Niết-bàn là sự giải thoát thông qua con đường Thánh đạo Tám ngành.[2]

Cách dùng từ Niết-bàn (Nirvāṇa) trong 2 bản chữ Hán và Pāli có khác, nhưng về ý nghĩa thì giống nhau, diễn tả trạng thái tâm tịch tịnh vắng lặng. Bản chữ Hán, Niết-bàn đạo, nghĩa là khi đã đi qua, không còn sanh hữu lại nữa (không còn tái sinh); bản Pāli : Niết-bàn là tịch diệt.

b. Các từ đồng nghĩa với Niết-bàn

Niết-bàn được ví dụ như ‘bờ bên kia’ (đáo bỉ ngạn), an toàn và vi diệu, còn bờ bên này tượng trưng cho sự nguy hiểm của luân hồi.

Niết-bàn (Nibbāna) tên gọi khác của sự giải thoát, giải phóng khỏi khổ đau, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, sự an ổn tuyệt đối khỏi sự ràng buộc, cứu cánh, thanh tịnh, giải thoát khỏi các bất tịnh, giải thoát khỏi các chấp mắc, chân lý cao thượng nhất, đoạn diệt tham ái, sự chấm dứt các uẩn, không dính mắc, vô ngã, vô sanh, sự chấm dứt các lậu hoặc của tâm, chấm dứt toàn bộ các phiền não, sự tiêu diệt hoàn toàn các bất thiện, sự chấm dứt của hữu, sự chấm dứt của sanh tử v.v…

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si; này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi… Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô lậu?… Sự Thật (Saccam)… Bờ Bên Kia (Pàram)… Tế Nhị (Nipunam)… Khó Thấy Ðược (Sududdasam)… Không Già (Ajajjaram)… Thường Hằng (Dhuvam)… Không Suy Yếu (Apalokitam)… Không Thấy (Anidassanam)… Không Lý Luận (Nippapam)… Tịch Tịnh (Santam)… Bất Tử (Amatam)… Thù Thắng (Paniitam)… An Lạc (Sivam)… An Ổn (Khemam) Ái Ðoạn Tận… Bất Khả Tư Nghì (Acchariyam)… Hy Hữu (Abhutam)…Không Tai Họa (Anìtika)… Không Bị Tai Họa (Anitakdhamma)…Niết Bàn….Không Tồn Tại (Avyàpajjho)… Ly Tham (Viràgo)… Thanh Tịnh….Giải Thoát (Mutti)…Không Chứa Giữ (Anàlayo)…Ngọn Ðèn (Dipa)…Hang ẩn (Lena)…Pháo Ðài (Tànam) …Quy Y (Saranam)…Ðến Bờ Bên Kia (Paràyanam).”[3]

c. Bản tánh của Niết-bàn

Niết-bàn là chân lý về trạng thái vắng mặt hoàn toàn nỗi khổ niềm đau, là mục đích tối hậu của con đường tâm linh Phật giáo ngay đời này.

Trong mô thức của bốn chân lý, Niết-bàn là trạng thái an lạc cao cấp nhất. Kinh Pháp cú nói:

Đói ăn, bệnh tối thượng,

Các hành, khổ tối thượng,

Hiểu như thực là vậy,

Niết-bàn, lạc tối thượng.”[4]

Niết-bàn được chứng đạt ngay trong đời sống hiện tại, thông qua sự thực hành toàn hảo đời sống đạo đức, thiền định và trí tuệ.

Niết-bàn là vượt ngoài danh và sắc hay bất cứ cái gì trên thế gian này.

Niết-bàn vượt ngoài tham ái.

Niết-bàn không liên hệ gì đến sanh hay hữu, không phải là cái được tạo tác bởi nghiệp, và cũng không phải cấu thành từ các hành (ý chí).

Niết-bàn là trạng thái không dao động, không bị uốn cong theo tham ái hướng đến bất kỳ đối tượng chấp thủ nào.

2. Thế nào gọi là đắc đạo?

a. Chánh văn

王言。假令得道人不能得離身苦者,是為 未得泥洹道耶。

Vua hỏi: “Giả sử như người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân, vậy là chưa được Niết-bàn chăng?”

b. Lược giải

Trong câu hỏi này mang 2 ý nghĩa, thứ nhất, đắc đạo là gì? thứ hai tại sao nói người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân? Chúng ta lần lượt tìm hiểu.

Quan điểm của vua Di-lan-đà đưa ra trong 1 giả thuyết đó là, nếu nói người đắc đạo tức là chứng đắc Niết-bàn mà vẫn còn bị đau khổ bởi thân thể tứ đại này, thì đó chưa phải là đắc đạo, có đúng như vậy không, thưa Đại đức Na tiên?

Trước khi bàn về cách lập ngôn này, chúng ta nên hiểu nghĩa của đắc đạo là gì? Lấy cái gì làm cơ sở để đắc đạo? và đắc đạo là đắc những gì? Phải có cái gì đó mới đắc (được), chứ không  phải xảy ra 1 cách ngẫu nhiên nói đắc mà không biết đắc cái gì? Phải có cái cơ sở nền tảng mới bước tới đạt được. Với con mắt tuệ quán, đắc đạo là thấy rõ đường đi nước bước đạo lộ giải thoát, mối nguy hại của tâm tham luyến, sợi dây vô hình ràng buộc ái ân, khiến con người vui trong tham ái rồi thọ quả khổ, cứ luẩn quẩn trong vòng tròn sanh tử, bằng cách tu tập tâm và chuyển hóa tâm từ trạng thái tiêu cực sang lãnh vực tích cực nhất, tâm hướng thượng siêu việt. Người đắc đạo tức là chứng ngộ Niết-bàn là kết quả của sự đoạn diệt khổ đau (nirodha dukkha) hay là sự phá vỡ 12 mắt xích nhân duyên, đoạn diệt tham ái, sự đắc đạo này đức Phật đã tuyên bố trong lời ca Khải hoàn:

“Lang thang bao kiếp sống,

Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh.”

“Ôi ! Người làm nhà kia,

Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa,

Đòn tay ngươi bị gẫy,

Kèo cột ngươi bị tan,

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.”[5]

Nói theo lý Bát nhã, cứu cánh Niết-bàn là vượt qua hết mọi khổ ách. Khổ ách là do chấp thủ, người và vật; nhân ngã và pháp ngã. Nếu nhờ trí tuệ thấy rõ năm uẩn là vô ngã thì sẽ cắt lìa chặt đứt mọi chấp thủ và đi ra hết mọi khổ ách đó. Như thế, vượt qua khổ ách, hay đắc Niết-bàn (đắc đạo), chính là sự chứng ngộ, chứng nhập đương thể vô ngã của các pháp. Đương thể ấy thì vô sinh (hay không sanh không diệt). Cho nên đắc Niết-bàn có nghĩa là đắc cái vô sanh. Vô sanh ở đây  không có nghĩa là phủ định cuộc đời này là hoàn toàn không có cái gì hết, mà các pháp không có cơ sở điều kiện để sanh hữu, ví như thân cây cọ (palm) đã cắt ngọn chặt rễ, không căn cứ vào đâu để đâm chồi sanh lại nữa, hay nhiên liệu đã hết thì lửa không còn  cháy nữa, mà đã là vô sanh cũng đồng nghĩa là vô đắc. Do đó, đắc Niết-bàn là không thấy có người đắc và pháp đắc. Khi hoàn toàn vô đắc thì gọi là Niết-bàn hay đắc Niết-bàn (đắc đạo).

Tất cả chấp thủ là nội dung ngăn ngại làm cản trở việc chứng đắc Niết-bàn. Cho nên, nội dung của chứng đắc ấy là nội dung của đoạn diệt chấp thủ, đoạn diệt điên đảo vọng tưởng mê lầm. Thế Tôn dạy Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Tại đức Phật Nhiên Đăng, Ta thật không có đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Do vì không có đắc A-nậu-đa-la-miệu-tam-bồ-đề nên đức Phật Nhiên Đặng đã thọ ký cho Ta sau này thành Phật, hiệu là Thích ca Mâu ni.”[6] Đây là lối diễn đạt nội dung chứng đắc Niết-bàn của Thế Tôn. Niết-bàn là nội dung của vô đắc ấy, khi hành giả lìa xa mọi chấp thủ chủ thể và đối tượng (nhân ngã và pháp ngã).

Kinh Pháp Hoa, chỉ bày “Tri kiến Phật”. Tri kiến ấy là tri kiến thấy như thật pháp. Thấy như thật pháp là sao? là thấy Vô ngã pháp, là duyên sinh. Đắc tri kiến ấy là đắc Niết-bàn; nói khác đi, tri kiến ấy là Niết-bàn. Niết-bàn chính là thực tại với sự vắng mặt hoàn toàn bóng dáng của chấp thủ, và đây cũng  là ý nghĩa của “Thập Như Thị” trong kinh Pháp Hoa.[7] Cho nên, “đắc đạo” là quay lại trở về với Thật pháp, trong nhà Thiền gọi là Phản bổn hoàn nguyên với Bản lai diện mục, trở về cái “Vô sinh”, “Tịch diệt”, vượt ra ngoài mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt. Trên là giải thích về nghĩa đắc đạo là gì?

Thứ đến, vua Di-lan-đà đã đặt ra 1 giả thuyết cho thầy Na tiên: “Giả sử như người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân, vậy là chưa được Niết-bàn chăng?”

Trong tâm tư của vua nghĩ rằng, hễ một khi người đắc đạo rồi thì không còn cái khổ về cả hai phương diện thân lẫn tâm nữa, lúc còn sống cũng như lúc chết, nếu người đắc đạo khi còn sống mà phải chịu cảnh khổ của thân tứ đại này, thì chưa hẳn là Niết-bàn cứu cánh được? Chúng ta có thể quán sát lấy 1 thí dụ thực tiễn để giải thích về vấn ngôn trên, khi một nhánh cây mà ta chặt lìa khỏi thân cây, nhánh không còn trổ ra thêm lá tươi hay hoa quả nữa, vì không còn nguồn tiếp nhận mủ, các dưỡng chất từ trong thân cây cũng như quang hợp ánh sáng mặt trời, nhưng lá và hoa đã sẵn có trên cành vẫn tồn tại thêm một thời gian nữa mới khô héo, chứ không phải khi nhành cây chặt lìa khỏi thân cây thì cành cây đó khô chết liền ngay.

Thêm 1 thí dụ khác, như cái bánh xe mà anh thợ lò gốm quay để uốn nắn món đồ sau khi nắn xong, giở tay ra, bánh xe vẫn còn quay cho đến lúc hết trớn mới dừng hẳn. Cũng vậy, 1 người đã chứng đắc quả vị Niết-bàn, trở thành 1 bậc Thánh A-la-hán thứ thiệt trong hiện đời, thì về phần tâm (danh) vị đó đã đoạn sạch hết trơn phiền não cấu uế rồi, nhưng còn thân thể vật lý (sắc) thì phải cần có sự ăn uống, bài tiết, không khí môi trường sống… và nghiệp lực tạo điều kiện cho vị ấy tái sanh trong kiếp sống hiện tiền chưa chấm dứt. Đây là giải thích tại sao nói người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân?

 3. Hai hình thức đạo quả Niết-bàn

a. Chánh văn

那先言。人得道已無所恩愛身苦意安何用 為得道。

Na-tiên đáp: “Người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui. Như vậy còn mong cầu được đạo gì nữa?”

王言。假令人得道已成當復何留。

Vua nói: “Nếu như người đã đắc đạo rồi, vậy còn lưu lại cõi thế làm chi?”

b. Lược giải

Sống ở đời con người luôn mong cầu nhiều điều, miễn sao mình thỏa mãn, thỏa nguyện được là được, mong muốn luôn có hạnh phúc dài lâu trong tấm thân hơn 1 thước và 60, 70 hay 80… năm cuộc đời này. Có 2 hình thức hạnh phúc đó là, hạnh phúc thế gian và hạnh phúc siêu thế gian. Hạnh phúc thế gian là có nhà cao sang trọng, giàu có, dư dật, vợ con đầy đủ sum vầy, muốn gì có đó, cần gì được nấy, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống, nhưng những thứ hạnh phúc tạm thời này 1 khi cơn phẫn nộ thiên nhiên, vô thường đến lấy mất đi, lúc đó con người trở nên đau khổ tuyệt vọng đối với của cải vật chất mà mình đã tạo ra; còn hạnh phúc siêu thế gian, hạnh phúc cao thượng hiếm ai có thể thực hiện được là do tâm buông xả, tu tập chuyển hóa tâm, làm chủ được mọi cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức, luôn sống trong chánh niệm khi còn hiện tiền, chứng đắc trú tâm trong các tầng thiền, vượt qua mọi ngũ dục, xa lìa tâm ham muốn ân tình luyến ái mà có được. Cho nên, còn gì quý giá hơn khi “người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui. Như vậy còn mong cầu được đạo gì nữa?” Đây là lời xác quyết khẳng định của thầy Na tiên. Người đệ tử Phật, học Phật, tu Phật phải tự mình lựa chọn, ý thức rõ ràng về cuộc đời của chính bản thân mình, làm gì đi đâu và về đâu? Đức Phật bậc Đạo sư là người thầy dẫn đường, chỉ lối Thánh hiền về phương pháp tu tập cho chúng ta đi đến đạt được Thánh đạo, phần lớn là hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc trí tuệ sẳn có trong con người của chính mình lên mà đi, đức Thế tôn luôn nhắc nhở các đệ tử:

“Đường này đến thế gian,

 Đường kia đến Niết-bàn,

Tỳ-Kheo, đệ tử Phật,

Phải ý thức rõ ràng,

Đừng đắm say thế lợi,

Hãy tu hạnh ly tham.”[8]

Vua Di-lan-đà có ý muốn hỏi, như người đã đắc đạo (đắc quả Niết-bàn) rồi, sao không nhập diệt mà còn lưu lại cõi thế gian làm chi nữa? “Vua nói: “Nếu như người đã đắc đạo rồi, vậy còn lưu lại cõi thế làm chi?” Để giải thích vấn ngôn trên, chúng ta lần lượt khảo sát về hai hình thức đạo quả Niết-bàn đó là: Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn.

+ Hữu dư y Niết-bàn (Niết-bàn khi còn sống),(P. Sa-upādi-sesa-nibbāna; upādi-sesa-(pari)-nibbāna), tương đương trong giải thoát của phái Vedanta là Hữu thân giải thoát (Jivanmukti).  Upādi= nhiên liệu, sesa=còn lại, là khi đạo quả Niết-bàn được thành tựu trong kiếp sống hiện tiền, nghĩa là người đạt được giải thoát khổ đau luân hồi, nhưng nhục thể (thân ngũ uẩn) vẫn còn tồn tại.

Bậc A-la-hán đã diệt sạch các lậu hoặc phiền não của tâm, đã sống cuộc đời thánh thiện, hoàn tất những gì cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được đích đến, chặt đứt hoàn toàn các trói buộc của tái hiện hữu, giải thoát bằng trí tuệ.

Năm giác quan vẫn còn. Do còn các giác quan, vị ấy vẫn còn phải kinh nghiệm qua các cảm giác, khổ hay hạnh phúc, thích hay không thích. Nhưng tham ái (rāga), sân hận (dosa) và vô minh (moha) đã chấm dứt.

Trong kinh Phật thuyết như vậy (Như thị ngữ – Itivuttaka), đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn có dư y. ”

+ Vô dư y Niết bàn (Niết-bàn sau khi chết),(P. Aupādi-sesa-nibbāna), tương đương trong giải thoát của phái Vedanta là Vô thân giải thoát (Ajivanmukti), là vị A-la-hán đã đạt Đại Niết-bàn, không còn phần nhục thể thân ngũ uẩn nữa.

Không còn phải chịu cảnh trở thành hay tái hiện hữu, vì cảm giác hay kinh nghiệm giác quan đã hoàn toàn dừng nghỉ.

Bậc giác ngộ đã chấm dứt hoàn toàn tham ái (taṇhā), chấp mắc (upādāna) và vô minh (avijjā), những chất liệu của sanh tử.

Dụ ngôn về một ngọn lửa đã bị dập tắt. Hướng tiêu mất của ngọn lửa đã tắt cũng không truy ra được là phương đông, tây, nam hay bắc.

Kinh Tập (Sutta-nipāta) nói: “Cũng như một ngọn lửa bị cơn gió thổi tắt không thể tính toán được. Cũng vậy, vị A-la-hán thoát khỏi danh và sắc.”

Trong kinh Phật thuyết như vậy (Như thị ngữ – Itivuttaka), đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn không có dư y.”

4. Ý nghĩa câu nói quý báu của ngài Xá-lợi-phất

a. Chánh văn

那先言。譬如果物未熟不熟也。已熟亦 無所復待。

Na-tiên đáp: “Ví như quả cây chưa chín, không thể ép được. Như khi đã chín, tất không cần phải chờ đợi nữa.

那先言。王屬所道者舍犁曰所說舍犁曰在 時言。我亦不求死我亦不求生我但須時可 時至便去。

Đại Vương có biết lời nói của Đại đức Xá-lợi-phất chăng. Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: “Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.”

b. Lược giải

Sống và chết là chuyện đương nhiên thường tình, không ai tránh khỏi quy luật tự nhiên này, tuổi thọ của con người luôn phụ thuộc theo phước đức việc làm chánh thiện hay tà xấu bất thiện mà người đó tạo ra, trong nhiều đời hay hiện đời để thọ báo. không hẳn người ăn sang mặc đẹp, hưởng thụ đủ đầy là sống lâu sống thọ đâu? và cũng không phải người ăn khổ, thiếu thốn, nghèo bần là sống giảm đoản thọ được? mà mọi người có mặt trong hiện đời này người sống lâu, người yểu mạng, tất cả đều do nghiệp tạo nên. Vạn vật trong thế gian này đều tuân theo sự vận hành biến hóa của vũ trụ, con người cứ sống thuận theo tự nhiên, sống vui, sống khỏe, sống trẻ, sống đẹp đó là cách sống của người có trí, bậc Đại nhân trong đời; cuộc sống chúng ta không nên quá cưỡng ép, gượng gạo trong cách ứng xử, thắc chặt trong khuôn khổ thì con người khó có thể tiến xa bước nhanh được, trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu Hữu ý tài hoa – hoa bất phát, vô tâm sáp liễu liễu thành âm.”[9] Nghĩa là: Dụng ý trồng hoa hoa chẳng mọc, vô tâm cắm liễu liễu lên um. Hãy sống với những gì con người chúng ta đáng sống; hãy tập sống không giận, không hờn, không oán trách, sống mỉm cười với thử thách chông gai, sống vươn lên theo kịp ánh ban mai, sống chan hòa với mọi người chung sống. Sống luôn luôn hỷ xả với tất cả mọi người dù lớn hay nhỏ, dù lão hay trẻ… Có được như vậy, đó là cách sống của bậc Thượng nhơn, con đường cận trụ Niết-bàn giới. Còn sống theo lối phung phí tài vật, sống vô tội vạ, không phân biệt phải trái đúng sai, bất chấp thượng hạ, sống xa xỉ vượt quá giới hạn đối với thân phận của mình, sống hưởng thụ quá mức cho phép, sống bê bối, bê tha… thì lối sống này gọi là cận trụ súc sanh giới hay ngạ quỷ giới.

Thầy Na tiên đã dùng pháp phương tiện (S. Upāya; E. Skillful) chỉ rõ dạy cho vua Di-lan-đà, hãy để mọi sự vật hiện tượng diễn ra một cách tự nhiên, không o ép, cưỡng bức sự sinh trưởng phát triển của chúng, “ví như quả cây chưa chín, không thể ép được. Như khi đã chín, tất không cần phải chờ đợi nữa.” Với 1 bậc đắc đạo quả vị A-la-hán, tiếp tục sống cho đến hết kiếp sống hiện tiền, nhưng không tạo nên nghiệp mới và cũng không hề quan tâm đến sự chết. Người đắc đạo đang sống thì thân vẫn còn cảm xúc nên phải chịu cảnh đau của thời tiết môi trường già và bịnh, nhưng về phần tinh thần, tâm ý đã thoát khỏi các phiền não, chướng ngại, nên được an nhiên, thảnh thơi, thong dong, tự tại. Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: “Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.” Trong câu nói quý báu ấy bao hàm 4 ý nghĩa:

a. Tôi chẳng cầu chết. Tại sao? Vì tấm thân hiện hữu còn đây chỉ là tấm thân dư y, sở dĩ còn sống là để trả nốt cho xong các dư nghiệp còn sót lại. Hơn nữa, cầu chết là biểu hiện thái độ trốn tránh nợ đời, khi nghiệp lực vẫn còn mà cầu lấy cái chết, thì theo vòng luân hồi phải tái sanh lại, để rồi lại phải chịu cái khổ dài dài. Lại nữa, mạng sống con người là điều vô cùng quý giá, còn người thì còn việc, còn nước còn non, nhờ nó mà ta mới có đủ cơ duyên biết đến Phật pháp và tu tập chuyển hóa những tập khí xấu xa bất thiện thành thanh tịnh thiện hảo tốt đẹp, mà cũng nhờ tấm thân mạng sống này chúng ta có điều kiện để tu tập theo con đường Thánh giải thoát.

 b. Tôi cũng chẳng cầu sống. Tại sao? Khi sanh ra, nào phải tự tôi cầu cho tôi được sanh ra đâu, vòng luân hồi cứ xoay chuyển mãi theo nghiệp lực cũ mà tái sanh. Trong cuộc sống hiện tại còn lại đây, mọi sự ham muốn đều chấm dứt nơi tâm tôi, còn có điều chi nữa khiến tôi cố đòi ham sống để hưởng? Tâm tôi an nhiên xem cả hai sự sống và sự chết đều ngang nhau, nào có chướng ngại chi? sinh ký tử quy – sống gởi thác về, có gì đâu mà ngại, mà cầu chứ?

c. Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi. Lúc nào mới gọi là đúng thời ra đi? Đó là lúc đã dứt sạch nghiệp, do một cái chết an nhiên và thanh thản mang đến. Tôi ra đi, chẳng chút luyến tiếc, cũng chẳng chút háo hức, an nhiên mà ra đi vào cõi vô tung bất diệt.

d. Đây là lời nói của một bực đắc đạo, hoàn toàn giác ngộ về lẽ sống chết trong vòng luân hồi và con đường giải thoát về nơi an lạc Niết-bàn.

5. Các khuynh hướng ngộ nhận về Niết-bàn

Niết-Bàn không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái tâm linh thanh tịnh siêu việt. Niết-bàn tồn tại giống như lửa tồn tại. Tuy nhiên, không có nơi cất giữ lửa hoặc cho Niết-bàn. Nhưng khi cọ xát các miếng gỗ với nhau, thì ma sát và nhiệt là điều kiện thích hợp để lửa phát sinh. Tương tự như vậy, khi bản chất trong tâm trí con người thanh tịnh thoát khỏi mọi phiền não, thì phúc lạc Niết-bàn sẽ xuất hiện.

Niết-bàn không phải là trạng thái diệt tận vĩnh viễn, lại càng không phải là một cảnh giới siêu nhiên hay thiên đường như các tôn giáo khác quan niệm, mà Niết-bàn khác với Phạm Thiên hay tiểu ngã (Brahman/ ātman) như trong kinh điển Áo nghĩa thư (Upaniṣads)hay là Thượng đế của các tôn giáo hữu thần.

Không nên đồng hóa một cách sai lầm Niết-bàn là đoạn diệt, tiêu diệt vĩnh viễn sự sống. Hễ ai đoạn trừ chuyển hóa được tham, sân, si thành giới, định, tuệ thì người đó hoàn toàn giải thoát khỏi ràng buộc khổ đau. Mang tính tích cực hóa.

Niết-bàn không phải tuyệt chủng hay Hư vô, là không không, không có gì hết. Như người mù kết luận trong đời không có ánh sáng. Ngụ ngôn rùa và cá.

Niết-bàn không phải nhìn về các hướng, đông, tây, nam, bắc, phía trên, phía dưới, trong hay ngoài, mà người thành tựu đạo quả Niết-bàn khi cuộc sống chân chính, giới hạnh trang nghiêm.

Niết-bàn không ở đâu xa, không thể bỏ cuộc đời này để tìm kiếm một nơi xa xôi nào khác, mà Niết-bàn có mặt ngay trong hiện tại cuộc đời này, khi con người hoàn toàn thoát khỏi triền phược tham ái và chấp thủ.

IV. Kết luận

Cuộc đối thoại giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên trong chủ đề này, xoay quanh các câu hỏi liên quan, làm thế nào để đắc Niết-bàn? Niết-bàn là gì? Khi người đắc quả vị Niết-bàn có còn khổ – vui nữa không? và rất nhiều vấn ngôn được đặt ra đối với 1 bậc Đế vương xứ Hy-lạp thông minh trí tuệ, khi hướng tâm đến lộ trình giải thoát của Thánh quả. Với cách ngôn của người trí giả thoát tục, thầy Na tiên đã dẫn dụ các hiện tượng như trái cây, ngọn lửa…, không nên cưỡng ép mà hãy để chúng diễn ra một cách thuận theo tự nhiên, đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất trong quá trình thanh lọc thân tâm, một khi củi hết lửa tắt thì trở về Bản lai diện mục vô tung bất diệt. 


Tham khảo & chú thích

[1] Xem chương 38: Tương Ưng Jambukhàdaka, […này Hiền giả Sàriputta, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Niết-bàn? Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn.]

[2] Sđd… [ Này Hiền giả, đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này Hiền giả, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy.]

[3] Chương IX,  Tương Ưng Vô Vi.

[4] Kinh Pháp cú, kệ 203.

[5] Kinh Pháp cú, câu 153 & 154.

[6] Kinh kim cương.

[7] Thập như thị: Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo và Như thị bản mạt cứu cánh đẳng. (Phẩm Phương tiện, kinh Pháp hoa quyển 1).

[8] HT Thích Thiện Siêu (Việt dịch), Những câu kệ trong Kinh Pháp Cú, câu 75.

[9]有意栽花花不发,无心插柳柳成阴。

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo