Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 2: Con Người Và Thuyết Vô Ngã

(tiếp theo & hết)

2. Quan điểm ngã và vô ngã trong các học thuyết

Xưa nay con người vốn cho có 1 cái ngã (P. Attā; E. Soul, ego; C. 我, linh hồn) chi phối trong cuộc sống nầy, từ đó trong các ứng xử xưng hô luôn bày tỏ về cái tôi, cái ta, cái chính ta… tạo thành một thói quen hiểu biết thông thường, gọi là “thói quen thường thức”. Bây giờ lại nghe về vô ngã, nghĩa là không có cái tôi, cái ta, cái chính ta; nghe cảm thấy hơi ngược. Cho nên quan niệm nầy trong Phật giáo gọi là “ngã kiến” (我見), có nghĩa là cái thấy sai lầm (wrong view, tà kiến). Để hiểu rõ hơn vấn đề nầy, dưới nhãn quan của Phật giáo, chúng tôi sẽ  giải thích rõ ràng hơn.

a.  Ngã

Đức vua Di-lan-đà cho rằng chính cái Ta (Ātman) làm chủ, điều động toàn bộ cuộc sống của con người. Đoạn… ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập niết bàn? Nếu không có cái “ta” trong người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có…”[1]

Đây cũng là quan niệm của triết học Tây phương về Bản ngã (Ego), hay Tự ngã (Self).  Họ cho Ātman- आत्मन् (ngã) là chủ tể.

Theo các tôn giáo Tây phương, mỗi người đều có 1 linh hồn, do đấng chúa trời (God) hay Thiên chúa tạo ra để nhận dạng. Linh hồn ấy có cơ hội sống vĩnh viễn trên thiên đàng hay bị đọa đày mãi mãi dưới hỏa ngục. Họ quan niệm, khi có 1 người chết thì linh hồn đó về hầu nhang đức chúa, nếu khi còn sống người đó nghe theo hay tuân theo mệnh lệnh những lời chỉ dạy của các vị linh mục (priest) hay sứ giả của thiên chúa chỉ bảo; cái gì nói không hiểu, cố vặn óc ra để suy tư cũng không hiểu, thì cái đó gọi là “lời chúa mặc khải” . Ngược lại, nếu người tín đồ bất tuân lời chúa thì sẽ bị đọa trong địa ngục, đừng mong có ngày ra. Suy cho cùng, dù tín hữu cố gắng nỗ lực đến đâu, hoặc khi không còn hiện hữu trên dương gian nầy, người ta gọi bằng danh xưng “chúa gọi về”; cũng vậy, con người dù có phấn đấu tích cực đến đâu cũng không cơ hội như họ thầm mong muốn. Quan điểm như vậy, nói như vậy cũng có người nghe, nghe rồi khỏi cần suy nghĩ cứ tin, khi có 1 người theo đạo, có nhiều trường hợp để theo…gọi là “cứu vớt 1 linh hồn”, hay nói khác “cứu vớt 1 cái ngã”; nói như thế, thì ai cứu ai?

Theo Hindu giáo (Ấn-độ giáo), từ ‘Ātman’ có nghĩa gốc là ‘hô hấp’, chuyển thành nghĩa sinh mệnh, linh hồn, tự kỉ, thân thể, tự ngã, bản chất, tự tính, hoặc chỉ chung cho chủ thể độc lập vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc của mọi vật và chi phối cá thể thống nhất. Đây là 1 trong các chủ đề trọng yếu của giới tư tưởng Ấn-độ.

Danh từ Ngã đã được sử dụng từ thời đại Lê-câu-phệ-đà (S. Rig-veda, 1500 Tr.TL) trở đi, đến thời đại Phạm thư (S. Brāhmaṇas, 1000-800 Tr.TL) thì hơi thở (breath) trong chủ thể sinh mệnh con người dần dần diễn biến thành hiện tượng sinh mệnh mang ý vị cá thể. Thời đại Áo-nghĩa-thư (S. Upaniṣad,800-600 Tr.TL), chủ trương ngã sáng tạo ra vũ trụ, hoặc cho rằng ngã là cá nhân (tiểu ngã), thì tiểu ngã sau nhiều kiếp luân hồi và tu hành thì linh hồn, tiểu ngã này sẽ hợp nhất với đại ngã (Brahman, Phạm thiên, Thượng đế).

Trong triết học, bản ngã hay cái tôi (ego) được hiểu là ý thức cá nhân, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt “tôi” với những “cá nhân khác”.

Như vậy, ở đây ngã (我) còn được biết với các tên gọi khác, theo Đại Phẩm Bát Nhã, (ngài La Thập dịch, T8n223, tr.230c11),  gồm 16 biệt danh đó là: ngã, chúng sanh, thọ giả (chủ thể cảm nhận), mạng giả (chủ thể sinh mạng), sinh giả (chủ thể sự sống), dưỡng dục giả (chủ thể kéo dài sự nuôi dưỡng hay chủ thể  dưỡng dục), chúng số, (hình thành bởi nhiều yếu tố), nhân giả (chủ nhân) tác giả (chủ thể hành động, tạo tác), sử tác giả (chủ thể sai sử các hành động), khởi giả (chủ thể tạo ra 1 cái gì đó), sử khởi giả (chủ thể sai khiến hay tác động trong 1 cái gì đó), thọ giả (người tiếp nhận), sử thọ giả (chủ thể sai kiến tiếp nhận 1 cái gì đó hay người sai khiến tiếp nhận 1 cái gì đó) tri giả (người biết) và kiến giả (người thấy).

Đại Bát Nhã (T7n220, tr.29a29) do ngài Huyền trang dịch: hữu tình (có tình thức), mạng giả (người có mạng sống), sinh giả (người có sự sống), dưỡng giả (người có tiến trình nuôi dưỡng), sĩ phu (1 con người), bổ-đặc-già-la (S. Puḍgala- con người), ý sinh (do tâm thức sinh ra), nho đồng (cậu bé nhỏ), tác giả (chủ thể hành động, tạo tác), thọ giả, tri giả và kiến giả.  

Trong Duy thức học đề cập đến Bát thức tâm vương, trong đó thức thứ 7 gọi là Mạt na thức là chấp ngã (chấp vào cái ta) và ngã sở (cái sở hữu của ta), nó là hằng thẩm tư lương nên luôn chấp đó là ta, là của ta mà sinh ra tham đắm si mê. Nó tương ưng bốn phiền não gọi là: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái.

Như vậy, ở đây để đối lại cái ngã nầy, trong Luận ngữ có 4 vô ngã, gọi là tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố và vô ngã.

  1. “Vô ý” là xét việc gì thì không đem ý riêng (hoặc tư dục) của mình vào mà cứ theo lẽ phải.
  2. “Vô tất”, tức không quyết rằng điều đó tất đúng, việc đó tất làm được.
  3. “Vô cố”, tức không cố chấp.
  4. “Vô ngã”, tức quên mình đi, không cho cái ta làm mờ ám (hoặc không ích kỉ mà phải chí công vô tư).

Do đó, trong Duy thức có câu: “Công vi thủ, tội vi khôi”. Nghĩa là: nói về công thì thức nầy là hơn hết, còn luận về tội thì nó cũng đứng đầu. Được xem là kẻ nội gián.

Trên quan điểm đó, theo lập luận của vua Di-lan-đà cho rằng, chính cái ta nầy làm chủ, điều động toàn bộ cuộc sống của con người, và ông cũng cương quyết cho là trong con người nầy có 1 chủ tể, ông chủ để điều động, vận hành toàn bộ cử chỉ đi đứng nằm ngồi, nói cười, ngủ nghỉ… của sự sống.

b. Vô ngã

Câu hỏi được nêu ra?

* Vì sao con người tin vào bản ngã?

Về phương diện tâm lý học, có hai ý tưởng đã được ăn sâu vào trong tâm trí con người, đó là: sự tự bảo vệ (tự vệ) và tự bảo thủ (tự tồn).

+ Tự vệ: con người cho rằng mình là thực có, vì muốn tự vệ nên lập ra khái niệm Thượng đế, thần linh để nương tựa, để được che chở, được bảo vệ an toàn, yên ổn, giống như một đứa bé nương tựa, phụ thuộc vào cha mẹ vậy.

+ Tự tồn: vì muốn được tồn tại lâu dài, nên con người tư duy về một linh hồn bất tử hay một bản ngã (Ātman- आत्मन्) sẽ sống mãi, trường tồn, vĩnh cửu.

Vậy, vô ngã là gì? Vô ngã (S.  Anātman; P. Anattā[2]; E. Non-self; C. 無我) là giáo lý cốt lõi của Phật giáo; theo đó, đức Phật không cho rằng có 1 cái tôi hay bản ngã nào, tồn tại vĩnh cửu chi phối đời sống con người, mà sự tồn tại nầy có chăng chỉ theo thời gian ước tính tạm thời mà thôi, đó được gọi là “duyên hợp” hay “giả chúng duyên nhi cộng thành”.

Giáo lý nầy có khác so với các học thuyết truyền thống như: Thiên chúa chấp nhận có Thượng đế, có linh hồn (ego); Hindu giáo (Ấn-độ giáo) cho rằng có bản ngã cá nhân (Atman, tiểu ngã) và bản ngã vũ trụ (Brahman, đại ngã).

Vô ngã là 1 trong 3 Pháp ấn  (S.  Trilakṣaṇa – त्रिलक्षण; P. Tilakkhaṇa; E. The three dharma seals; C. 三 法印), vô thường (Anicca), khổ (Dukkha), vô ngã (Anatta).

Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh.

S. Anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam.

P. Sabbe saṅkhārā aniccā, Sabbe saṅkhārā dukkhā, Sabbe dhammā anattā.

Vô ngã, nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt và không có một đấng sáng tạo vĩnh cửu.

Vô thường và khổ đau là hai đặc điểm dễ được mọi người chấp nhận, nhưng vô ngã khó được người ta chấp nhận, vì sao? bởi vì ý niệm về Ngã được tạo thành từ vô minh và tham ái, từ ước vọng sanh tồn kể từ vô thỉ.

Ví dụ: bây giờ có ai lấy cắp chiếc điện thoại mới mua của quý vị, dành dụm bao nhiêu ngày tháng mới mua được nó, nhưng giờ người ta lấy mất, sanh ra rất buồn sầu thê thảm.

Chúng ta cho cái xe đó là của tôi, nhà, cửa, ruộng, vườn, đất đai, con tôi, chồng tôi, vợ tôi … nếu như những thứ đó bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực thì chúng gây ra đau khổ cho ta, nếu 1 người nạn nhân nào đó không làm chủ được cảm xúc, thì dễ gây ra đau khổ cùng cực, có khi dẫn đến tuyệt vọng nữa thì khác. Kinh Pháp cú, đức Phật dạy: “Con tôi, tài sản tôi, người ngu sanh ưu não, tự ta-ta không có, Con đâu-tài sản đâu.”[3]

* Vì sao đạo Phật chủ trương vô ngã

+ Vì tất cả đều do duyên sinh: theo đạo Phật, cái được gọi là ta, tôi chỉ là tên gọi để chỉ cho sự nhóm họp của 5 uẩn, chúng vốn vô thường, biến đổi, làm nhân, làm duyên cho nhau. Nếu năm uẩn là cái tôi thì chúng ta có thể điều khiển vận hành được chúng, nhưng khổ nổi chúng không phải là cái của tôi, cho nên dẫn đến Vô ngã là hệ luận tất yếu của ngũ uẩn và duyên khởi.

Vì để chỉ ra chủ trương về một linh hồn trường cửu, bất biến là sai lầm. Phật giáo là tôn giáo duy nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại đưa ra chủ trương, học thuyết vô ngã để phủ nhận sự hiện hữu của một cái ngã hay một cái tôi bất biến.

Theo đạo Phật, nhờ vào các duyên mà thức sinh khởi; vì thế, thức được gọi là “tùy thuộc điều kiện mà phát sinh”.[4]

c.  Vô ngã trong trong các học thuyết

Trong các trường phái của Phật giáo Nguyên thuỷ (P. Theravādin), có phái Độc tử bộ[5] cho rằng Bổ-đặc-già-la (S. Pudgala; C. 補特伽羅), (Pudgala = person = cá nhân, nhân thể) không giống cũng không khác với Ngũ uẩn (P. Panca-skandha; E. Five aggregates), có nghĩa là nhân thể không đồng nhất với các uẩn và cũng không dị biệt với các uẩn.

Đoạn vua hỏi: “…Như vậy, hợp cả năm điều là hình sắc, cảm thọ khổ vui, thiện ác, thân, tâm, đó là Na tiên chăng?

Na tiên đáp: Không phải Na tiên.

Vua hỏi: Giả sử như không có năm điều ấy, có thể đó là Na-tiên chăng?

Na tiên đáp: Không phải Na tiên…”

Cho nên, nó không hiện hữu trong các uẩn cũng không hiện hữu ngoài các uẩn. Con người đó là kẻ đi tái sinh, là kẻ chịu tất cả các nghiệp báo, thậm chí là kẻ tiếp tục hiện diện trong Niết-bàn. Trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta cũng có thể hiểu đây là chủ thể của các hoạt động tâm lý (tức là ngã tâm lý) cũng như thân thể. Hai chữ khác thường gặp là chúng sanh (S. Sattva; P. Satta) hoặc từ ghép danh sắc (P. Nāmarūpa), thì trong trường hợp nầy đặc biệt chỉ một “cá nhân được hợp thành”. Độc Tử bộ thừa nhận một Bổ-đặc-già-la, một  “cá nhân” và cá nhân nầy là chủ thể của sự tồn tại, sự chuyển biến và sự tịch diệt. Nếu nói như vậy, có khác nào Bà-la-môn giáo chấp nhận có một tự Ngã (Ātman) hay tôn giáo Tây phương (thiên chúa) chấp nhận có một linh hồn (soul). Vì vậy, học thuyết của phái nầy cũng chưa giải trình được những thâm ý lời Phật diễn bày, và quan điểm đó được mệnh danh là Bổ-đặc-già-la vô ngã (S. Pudgala-nairātmya; C. 人無我) .

3. Giải thích luận điểm đức Phật không cho uẩn là ngã, dẫn đến giáo lý vô ngã trong kinh Na tiên Tỳ-kheo

Đức Phật dạy rằng: không có ngã nào được tìm thấy trong ngũ uẩn, cũng không ngoài ngũ uẩn[6].

Ngài bác bỏ hai lập trường cực đoan[7] của một cái tôi vĩnh viễn, bất biến, tồn tại trong Luân hồi qua các kiếp liên tiếp, và về một cái tôi bị hủy diệt hoàn toàn khi chết, thay vào đó, Ngài thuyết về pháp duyên khởi (S.Pratītyasamutpāda; E. Dependent  co-arising). Cái ngã vốn nó không thật có, bởi vì nó là pháp duyên sinh. Kinh Kim Cương nói:“Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán.” [8] Nghĩa là: Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như chớp loé, hãy quán chiếu như thế. Cho nên, đức Phật giác ngộ là giác ngộ về Pháp duyên sinh (Pratītyasamutpāda): kinh Tương ưng bộ, đức Phật dạy:  

Từ duyên VÔ MINH khởi nên duyên HÀNH khởi.

Từ duyên HÀNH khởi nên duyên THỨC khởi.

Từ duyên THỨC khởi nên duyên DANH SẮC khởi.

Từ duyên DANH SẮC khởi nên duyên LỤC NHẬP khởi.

Từ duyên LỤC NHẬP khởi nên duyên XÚC khởi.

Từ duyên XÚC khởi nên duyên THỌ khởi.

Từ duyên THỌ khởi nên duyên ÁI khởi.

Từ duyên ÁI khởi nên duyên HỮU khởi.

Từ duyên HỮU khởi nên duyên THỦ khởi.

Từ duyên THỦ khởi nên duyên SINH khởi.

Từ duyên SINH khởi nên duyên ƯU BI,SẦU KHỔ, BỆNH TỬ khởi.

Từ duyên ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ khởi nên duyên VÔ MINH khởi.

Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này theo 12 duyên tập khởi…”

Do từ duyên Vô minh mà 12 nhân duyên nầy mới tập khởi được. Vì vậy sinh, già, bệnh, chết mới có. Chính sinh, già, bệnh, chết là nguồn gốc do duyên vô minh, chứ không phải tự mình hoặc người khác làm ra sinh, già, bệnh, chết. Cho nên, mọi sự đau khổ của đời người chỉ vì con người vô minh mà tạo ra sự đau khổ đó. Muốn cho thoát khổ, sinh, già, bệnh, chết chấm dứt thì phải đoạn diệt hoàn toàn vô minh. Muốn đoạn diệt vô minh chúng ta phải diệt cái gì trước. Vậy, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Từ VÔ MINH diệt các HÀNH diệt.

Từ HÀNH diệt nên THỨC diệt.

Từ THỨC diệt DANH SẮC diệt.

Từ DANH SẮC diệt LỤC NHẬP diệt.

Từ LỤC NHẬP diệt XÚC diệt.

Từ XÚC diệt THỌ diệt.

Từ THỌ diệt ÁI diệt.

Từ ÁI diệt HỮU diệt.

Từ HỮU diệt THỦ diệt.

Từ THỦ diệt SINH diệt.

Từ SINH diệt ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ diệt.

Từ ƯU BI, SẦU KHỔ, BỆNH TỬ diệt VÔ MINH diệt.

Như vậy toàn bộ khổ uẩn 12 nhân duyên này đoạn diệt. Thì tất cả các khổ của con người đều bị diệt”. 

a. Đức Phật không công nhận Uẩn tức là Ngã, nếu cho thế thì sẽ có một Uẩn làm chủ của Ngã đó. Các Uẩn còn lại sẽ đóng vai trò như thế nào trong chủ thể của thân? Nói rộng ra là thế giới. Nên đức Phật bác bỏ quan niệm Uẩn tức là Ngã. Vd: con người, chúng sanh hay 1 pháp nào đó, tìm trong con người nầy cái gì là của ta? chủ thể thật sự?

b. Đối với đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành (duyên khởi), tức chúng luôn hành chuyển biến, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay bất biến nào.  Vd: tâm lý con người thay đổi liên tục.

c. Đức Phật chỉ chấp nhận một cái tôi như là một ảo giác (delusion, illusion, hallucination ) do tâm thức tạo dựng (ngã tâm lý), cái tôi đó chỉ có giá trị trên phương diện quy ước. Vd: danh xưng bị đồng nhất là Ngã, (có nghĩa là cái tên gọi cũng giống như cái tôi, cái ngã). Trong cuộc sống hàng ngày thường xưng hô, tôi, ta … nó đúng về phương diện hiện thực (tức tục đế- Sammutti-sacca), nhưng về sự rốt ráo tận cùng (tức chân đế-Paramattha-sacca) của pháp thì nó không đúng.

d. Sự chấp trước một cái tôi hay cái ngã chỉ là cách đồng hóa những tổ hợp (ngũ uẩn), tạm thời tạo ra một cá thể, như là một “cái tôi” vững bền để bám víu vào đấy.

e. Sự bám víu đó chính là nguyên nhân mang lại khổ đau và trói buộc chúng ta trong cõi luân hồi.

Cho nên, vô ngã được nhìn nhận:

+ Vô ngã là không có một vật gì có thể tồn tại độc lập, mà phải nhờ nhiều nhân duyên, vì thế không có một linh hồn trường cửu, một thực thể bất biến.

+ Không thể cho các căn, trần, thức là ngã vì chúng luôn sanh diệt và vô ngã. Một khi chúng (nhân) là vô ngã thì con người và nhận thức được tạo thành bởi chúng (quả, pháp) cũng vô ngã.

+ Không thể cho rằng ngã là yếu tố trung gian giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức.

+ Không thể cho 5 uẩn là ngã, giống như đất là nơi nuôi dưỡng các hạt giống.

* Tầm quan trọng của thuyết vô ngã

Giáo lý vô ngã cho chúng ta biết bộ mặt thật của mọi sự vật hiện tượng.

Là nguyên lý đánh thức con người ra khỏi những giấc mơ hư tưởng về cái tôi, cái của tôi và cái tự ngã của tôi. Khi tự ngã không còn thì tham ái và chấp thủ sẽ biến mất.

Giúp chúng ta thấy rõ những nguyên nhân của những căn bệnh ích kỷ, tật đố, tham lam để từ đó chỉ ra lối sống chân chánh và cao thượng.

* Những nghi vấn của vua Di-lan-đà về thuyết vô ngã

Khi tiếp cận với nguyên lý vô ngã, vua Di-lan-đàthường khởi lên những nghi vấn như sau:

“Nếu nói là vô ngã thì ai đi tái sinh? Ai tạo nghiệp, ai chịu quả báo? Ai tu tập, ai giải thoát? ai chứng quả, ai nhập Niết-bàn?

Đoạn “…ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập niết bàn? Nếu không có cái “ta” trong người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có…”[9]

(Trả lời)

Khi năm uẩn tan rã thì có một dòng nghiệp thức đi tái sanh (thức tái sanh, kiết sanh thức).

Nếu tạo tác bất cứ điều gì qua thân, khẩu, ý trong đời nầy thì nó sẽ kết thành nghiệp hoặc nghiệp lực (năng lực vô hình), và chính nghiệp lực ấy sẽ tiếp tục trôi chảy và xuất hiện nơi ngũ uẩn trong đời sau. Nói một cách khác, chính tư tâm sở (cetanā) là “người tạo nghiệp”, và thọ tâm sở (vedana) là “người chịu quả”. Theo ngài Phật Âm, không có người tạo nghiệp mà chỉ có sự tạo nghiệp; không có người chịu quả mà chỉ có sự đau khổ. Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến của tâm-sinh-vật lý.

Không có ai tu mà chỉ có một hợp thể 5 uẩn tu, không có ai học mà chỉ có một hợp thể 5 uẩn học, không có ai giải thoát mà chỉ có sự giải thoát;  nghĩa là dòng nghiệp lực chấm dứt và tiếp tục trôi chảy sang đời sống khác. Cũng vậy, trong lĩnh vực giáo dục con người không chỉ về các phương diện trí lực, thể lực, đức lực mà để có 1 nền giáo dục toàn diện là giáo dục về con người 5 uẩn nầy.

Khi một hành giả tu tập và diệt trừ được cái ta thì chứng được thánh quả.

Không có ai nhập Niết-bàn, bởi vì Niết-bàn không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái tâm linh thanh tịnh siêu việt. Cho nên, một lần nữa đức Phật khẳng định, “Ngũ uẩn không phải là ngã”, nhưng khổ nổi, đời oái ăm thay! chúng sanh lại chấp nó là ngã, tất cả cũng bởi do Vô minh (ignorance) mà ra. Đây chính là cái gốc của khổ đau và đức Phật muốn nhổ cái gốc khổ đau đó bằng cách chỉ cho chúng sinh thấy biết rõ là trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có cái ngã nào trong đó cả. Để chứng minh sự Vô ngã trong ngũ uẩn, đức Phật dùng lý Nhân Duyên để giải thích rằng, ngũ uẩn là do các duyên hợp lại mà thành và trong 12 nhân duyên đó không có cái gì là Ta cả. Ở đây, đức Phật muốn chỉ rõ chân lý Vô ngã ở trong ngũ uẩn nghĩa là ngũ uẩn là ngũ uẩn chớ chẳng có gì là ngã, là Ta. 

Trong kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có chép rằng:

Năm uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người,

Cầm lấy gánh nặng lên,

Chính là khổ ở đời.

Còn bỏ gánh nặng xuống xong,

Tức là lạc không khổ,

Gánh nặng bỏ xuống xong,

Không mang theo gánh khác.

Nếu nhổ khát Ái lên,

Tận cùng đến gốc rễ,

Không còn đói và khát,

Được giải thoát tịnh lạc”.

Ngũ uẩn chính là gánh nặng, cho nên người trút bỏ được gánh nặng là người giải thoát trở thành Thánh giả A-la-hán (Arya-arahant). Khi đạt được trạng thái hoàn toàn giải thoát, vị A-la-hán sẽ nhìn lại tâm mình và thấy rằng: “Việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng xuống, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh nữa”, hay “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.[10]

4. Hai quan niệm Vô ngã, nhân vô ngã và pháp vô ngã

a.  Nhân vô ngã còn gọi là ngã không (S. Pudgala-nairātmya)

Chúng ta vốn đã có niềm tin bẩm sinh vào cái ngã (cái ta) từ khi chúng ta sinh ra. Đó gọi là “Câu sinh ngã chấp” (S.  Sahaja pudgala-rmagraha; C. 俱生我執). Do nghiệp quá khứ, khi thọ báo làm người, nên chúng ta hoàn toàn không biết nghiệp nầy, đến khi nghe nói không có một cái ta, liền nghi ngờ và phản ứng, lo âu và sợ hãi v.v…

Chúng ta sinh ra với một niềm tin có thật vào sự hiện diện của một cái “ta” và “tôi” kéo dài suốt đời mình.

Thường ngày chúng ta quen với nó, sống với nó, ăn uống đi đứng nằm ngồi trong mỗi mỗi tâm niệm, khoảng khắc thời gian sát na không rời nó, ngủ chung với nó, cứ nhận nó là quyến thuộc, con của mình, không khéo gọi là “nhận giặc làm con” mà cứ dửng dưng không hay không biết, và nó cứ hiện diện trong tâm của chúng ta dù trẻ hay lão. Niềm tin nầy rất mạnh và cảm thấy rất tự nhiên đối với chúng ta, nên rất khó loại bỏ.

Phải có nhận thức đúng đắn (chánh kiến) và tu tập hành trì miên mật mới loại bỏ được cái Ngã nầy, bởi vì nó bám rễ rất sâu trong tâm thức của con ngoài, gọi là “ngã căn.”

Nếu hiểu được, giác ngộ được tính vô ngã thứ nhất nầy, là có thể phá trừ được chấp ngã. Khi đó, hành giả đạt được “Ngã không”,  “Nhân vô ngã”  hay Bổ-đặc-già-la vô ngã (Pudgala-nairātmya). Như vậy, nhân vô ngã được hiểu ngắn gọn, tu tập 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới.

b. Pháp vô ngã còn gọi là pháp không (S. Dharma-nairàtmya)

Các  hiện tượng (phenomanon) không hiện hữu một cách độc lập, mà hiện hữu do tập hợp các yếu tố cùng nhau, gọi là Duyên khởi hay Duyên sinh (S. Pratītya-samutpāda; E. Dependent  co-arising).

Ngài  Tịch Thiên[11] (S. Śāntideva; E. 寂 天) nói: “Kẻ nào tin rằng sự vật hiện hữu  (tức là chấp có) là người ngu, nhưng kẻ nào tin vào sự không hiện hữu tức là (chấp không) của sự vật thì còn ngu hơn nữa.”

Từ quan điểm nầy, chúng ta nhìn nhận mọi vật, tạm thời cho cái bàn, cái ghế… chỉ là đặt để tạm thời mà thôi.

Śāntideva  cho thí dụ: “Một người mộng thấy có đứa con được sinh ra cho y và nó chết. Y rất tức giận, vì cho rằng đứa con ấy có thật.”

Cũng vậy, mặc dù chúng ta tin sự hiện hữu của các hiện tượng, thấy có cái Ngã tâm lý, nhưng  nên xem đó chỉ là những ảo ảnh (illusion), giống như những gì xuất hiện trong giấc mộng. Nếu chúng ta phủ nhận sự hiện hữu của các hiện tượng, phủ nhận Ngã tâm lý là một sai lầm trầm trọng hơn. Cho nên, khi chúng ta giác ngộ sự sai lầm này chính là trực nhận tính vô ngã vi tế của các pháp, tức quán niệm Pháp vô ngã (法無我).  

Trong Kinh  Xâu Chuỗi Vàng (Golden Rosary Sutra), ngài Long Thọ (Nāgārjuna) nói rằng: “Chúng ta phải bỏ sự chấp trước  các Uẩn là Ngã”.

Đối với cả năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Nếu con người đeo bám vào chúng như những Uẩn có thật, thì chúng ta sẽ có ý nghĩ “tôi” và “của tôi”. Thân nầy là tôi, thân nầy là của tôi, thân nầy là tự ngã của tôi.

Trong quan điểm đó, thầy Na tiên trả lời vua Di-lan-đà:  “5 Uẩn không phải là Na tiên”. 

Ngã chấp được nhìn nhận trên 3 phương diện đó là: tham (P. Lobha; E. greed), sân (P. Dosa; E. Anger) và si (P. Moha; E. Ignorance ).

a. Một khi chúng ta có sự chấp trước vào cái ngã nầy, chúng ta nghĩ đến những vật chúng ta ước muốn đạt được,  đó là THAM

b. Chúng ta  sẽ có những ham muốn và những ý nghĩ như: “Người đó đang hại ta” hay người kia chẳng thích ta, khiến chúng ta tức giận, đó là  SÂN 

c. “Người nầy đang cạnh tranh với ta” khiến sanh ra ganh tị. “Người này kém hơn ta” khiến sanh ra kiêu hãnh, xem thường họ v. v… đó là SI MÊ hay vô minh.

Đức Phật thuyết giảng về vô ngã trong rất nhiều bản kinh khác nhau,[12] nhưng tựu trung có 2 ý chính :

1. Ý thứ nhất là đả phá các ý nghĩ sai lầm (tức là ngã kiến) cho rằng “cái ấy của Tôi”, “Tôi là cái ấy”, “cái ấy là cái Ngã của Tôi”.

2. Ý  thứ hai là bác bỏ ý nghĩ cho rằng một tổ hợp hay một tổng thể (uẩn) gồm nhiều tổ hợp là cái Ngã.

Đối với cách giảng thứ nhất,  đức Phật liên kết vô ngã với khái niệm về  5 thứ tổ hợp (uẩn) tạo ra cá thể con người gọi là Ngũ uẩn (S. Pañca skandha; T. Phung-po lnga, ཕུང་པོ་ལྔ་; E. Five skandhas; C. 五蕴).

Trong cách thứ hai, đức Phật liên kết vô ngã với khái niệm về 12 mối dây kết nối gọi là Thập nhị nhân duyên (S. Dvādaśanidāna; C. 十二因縁).

Tất cả những suy nghĩ và kinh nghiệm đều phát sinh từ ngã chấp mà có.

Tính chủ quan, chấp trước, vị kỷ, tật đố, ganh tỵ v.v… sẽ phát xuất từ đây. Phiền não liền theo sau đó, được ví như bóng và hình, sóng và nước. Do đó, vấn đề mấu chốt là làm thế nào để loại bỏ ngã chấp là điều quan trọng nhất đối với người tu học Phật. Cần nhắc lại, phần lớn tu tập vô ngã là chỉ có người xuất gia mới đủ điều kiện hành trì, hầu mong phá được ngã chấp, đạt được giải thoát; người Phật tử tại gia khó mà hành trì pháp tu nầy.

C. Kết luận

 Giáo lý của đức Phật về Vô ngã (P. Anatta),  không có linh hồn, không có tự ngã không nên xem là tiêu cực, là phủ định, mang tính tự hủy diệt. Chính cái niềm tin sai lầm trong một cái bản ngã không có thật, do tưởng tượng mà ra, mới là tiêu cực.

Giáo lý về Vô ngã xua tan đi màn đêm bóng tối của những niềm tin sai lạc đó, và mang lại ánh sáng trí tuệ. Nó không tiêu cực phủ định, như ngài Vô Trước (S. Asanga) đã nói một cách rất khéo: “Có một lẽ thật là Vô ngã” (S. Nairātmyās-titā).

Như vậy, bài học đầu tiên mà thầy Na tiên tặng cho vua Di-lan-đà, là nhận ra bản ngã chính mình và vượt qua bóng đen của nó, đó là cách nhìn sáng suốt của bậc trí.


Tham khảo & chú thích

[1] Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo 2000, tr. 20.

[2] Anattā đồng nghĩa với Anātman (được kết hợp 2 từ, an + ātman; Chữ Anattà gồm có 2 phần: ana và attà. Ana có nghĩa là không; attà có 2 nghĩa: thứ nhất là chỉ cho sự hiện hữu của chính ta (đại danh từ), thứ hai là chỉ cho cái tôi, cái linh hồn trường cửu, thực thể bất biến. Như vậy, chữ Atta có ít nhất là hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là chỉ cho một đại danh từ ngôi thứ nhất như tôi ăn, tôi uống, tôi đi…; nghĩa thứ hai là một thực thể vĩnh cửu như linh hồn, tự ngã … Đức Phật phủ nhận tự ngã theo nghĩa thứ hai nầy. Ngoài ra, Anatta hay Anatma-vada còn được gọi là “học thuyết vô ngã” trong Phật giáo.

[3] Kinh háp cú, kệ 62.

[4] Nói như thế có nghĩa “thức” là 1 dòng chảy liên tục, không gián đoạn. Duy thức gọi là “độc đầu ý thức”,  “mộng trung ý thức”, “định trung ý thức”, “tán vị ý thức”, “cuồng loạn ý thức”. Tùy thuộc điều kiện mà phát sinh, nếu ở môi trường tốt, thì có những kết quả tốt và ngược lại.

[5] Độc Tử bộ (S. Vātsīputra-vada; C. 犢子部) là 1 trong những bộ phái lớn lúc bấy giờ, xuất hiện khoảng 200 năm sau Phật Niết-bàn, tức khoảng 280 Tr.TL, được khai sáng bởi một cao tăng tên Độc Tử (S. Vātsīputra; C. 犢子) thuộc Thượng Toạ bộ. Trước khi gia nhập Tăng đoàn, vị này theo giáo lý Bà-la-môn, cho nên mặc dù là vị Tăng Phật giáo, nhưng tư tưởng hơi hám vẫn còn ảnh hưởng của Bà-la-môn, khó mà tẩy rửa được.

[6] Uẩn=nhóm, (S. Skandhas; P. Khandhas; E. Aggregates; C. ); ấm=che đậy (陰).

[7] Này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh xa: Một là đắm say các dục vọng, tham muốn thấp hèn, thô bỉ, có tính cách phàm phu tục tử, không dẫn đến đức hạnh Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập, giác ngộ, giải thoát. Hai là tự mình ép xác, khổ hạnh quá mức, làm thân đau đớn, mệt mỏi, tâm không được thanh tịnh, sáng suốt, không xứng đáng là bậc hiền Thánh, không liên hệ đến mục đích tu tập, giác ngộ, giải thoát. Này các Tỳ kheo, ai tu theo đạo giác ngộ, giải thoát, cần phải có chánh trí, tránh xa hai cực đoan này, biết quay trở lại pháp tu trung đạo, làm cho thân tâm hài hòa để thành tựu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

[8] Kinh Kim Cương [一 切 有 爲 法, 如 夢 幻 泡 影, 如 露 亦 如 電, 應 作 如 是 觀 ].

[9] Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb: Tôn giáo 2000, tr. 20.

[10] Trung bộ kinh, số 112 – Kinh sáu thanh tịnh.

P. “Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyāti pajānāmī’ti”.

E.  “Birth is destroyed, the holy life is lived, what should be done is done. I know, there is nothing more to wish”.

[11] Sống vào thế kỷ VIII S.TL.

[12] Xem thêm: kinh Vô Ngã Tướng (P. Anattālakkhaṇasutta, Saṃyutta Nikāya 22.59, bản dịch của Thích Minh Châu); kinh Pháp Cú, kệ số 277, 278, 279; kinh  Ví Dụ Con Rắn (P. Alagadddùpama sutta, Trung bộ I).

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo