Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 3: Đi Tìm Tự Ngã (phần 1)

(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, dòng 17, tr.12. Mục III- Vicāravaggo – Phẩm Sở Hữu Tứ, Milindapañhapāli, các tr. 90-95. Bài 8, quyển trung, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 67-72.  Bài 30, Tự ngã trong thân, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 174-178. Bài 19, Linh hồn, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr.8488. Chapter 3, The Beginning of Time, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, tr. 50).

A. Đại ý

Đối thoại giữa thầy Na tiên và vua Di-lan-đà xoay quanh vấn đề ngã và vô ngã; không thể tìm thấy bản ngã nào trong các giác quan nơi thể tướng của một con người; dưới lăng kính của Chánh pháp, thầy Na tiên đã khai ngộ cho vua Di-lan-đà thấu rõ được bản chất và sự hiện hữu của ngã.

B. Nội dung

1. Quan điểm của vua Di-lan-đà cho rằng có một bản Ngã thực sự đang điều động sinh mạng con người

Như chúng ta biết, cuộc sống vốn dĩ không chỉ đơn thuần, gói gọn trong nhu cầu ăn mặc ngủ nghỉ, hưởng thụ v.v… Tuy nhiên,  con người muốn tìm cầu cho mình 1 cái gì đó gọi là sống lâu sống khỏe, sống trẻ không già hay sống trường sinh bất tử; có nghĩa là sống hoài không chết, nhưng có mấy ai trong đời được như vậy đâu? Ví như “Bành Tổ[1] niên cao kim hà tại, Nhan Hồi[2] thọ yểu diệc quy không, kham thán lão thiếu bất đồng đồ, sanh tử đáo đầu quy nhất lộ”, thì cũng không vượt khỏi cửa sanh tử được.

Cho nên, với mẫu số chung, con người chúng ta luôn khao khát muốn tìm cầu 1 cái gì đó mà cho là tồn tại trường cửu mãi mãi trong đời, rồi đến 1 lúc nào đó thân tàn sức kiệt, lực bất tòng tâm, không thể nào làm được, thành ra ôm hận dài dài, gọi là: “Đa tình tự cổ nan di hận, dĩ hận miên miên bất tuyệt kỳ hay Thiên trường địa cửu hữu thời tận, Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”. Có nghĩa là trời đất dài lâu cũng có lúc hết, hận này dằng dặc, không thủa nào cùng!

Trong kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta) Trung bộ kinh, đức Phật dạy trong đời có hai loại tìm cầu: thứ nhất là phi thánh cầu, là những gì tự mình bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não lại đi tìm cái bị sanh, cái bị già, bệnh, chết, sầu, bi… và thứ hai là thánh cầu, tìm cầu sự giải thoát tối thượng (giác ngộ). Sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi… tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.

Trong tâm tư suy nghĩ của vua Di-lan-đà cho rằng: cuộc đời này, con người này phải có 1 cái ngã ở trong thân, gọi là “tự ngã” (by self), cái ngã chính nó, nên phải cố công đi tìm.

 Vua hỏi Na tiên: “Người thế gian  thật có cái bản ngã hay chăng? ”.

王復問那先, 世間人寧為有人無。

Na tiên đáp: “Thế gian không thể xác định rõ được có bản ngã hay không. Thật ra, theo đại vương thì cái gì là bản ngã?”

那先言: 世間不能審有人也適當呼誰為人。

Đây là phương pháp trả lời bằng cách hỏi vặn lại vấn đề.

Bản ngã hay tự ngã (S. Ātman; E. self – tôi, spirit – thần linh, hoặc soul – linh hồn). Theo Ấn-độ giáo, văn học Upanishad cho rằng: “Ātman là bản chất tinh thần trong tất cả các sinh vật, bản thể thực sự bên trong nhất của chúng, chúng ngự trị và điều khiển mọi hoạt động giác quan (cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức). Nó là vĩnh cửu, nó là bản thể, nó là trường tồn, là mức độ tồn tại sâu nhất của một người.”

Quan điểm này trong Kinh Kim cương (E.  Diamond sutra) nói rằng, “Hành giả không nên nhìn nhận một ‘tự ngã’ (S. Ātman), một ‘chúng sinh’ (S. Sattva), một ‘linh hồn’ (S. Jīva, thọ mệnh giả) hoặc một ‘cá nhân’ (S. Pudgala, Bổ-đặc-già-la) nào cả. Gọi là tứ tướng (ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả). Tuy 4 tên gọi khác nhau, nhưng đều chỉ chung cho Tự ngã (Ātman).

“…Tu-bồ-đề, chừng nào còn chúng sinh trong cõi chúng sinh, được tóm lại bằng từ “chúng sinh”, hoặc sinh từ trứng (noãn sanh), hoặc sinh từ bào thai (thai), hoặc sinh từ chỗ ẩm thấp (thấp sinh), hoặc sinh từ sự biến hoá (hóa sinh), hoặc có thân sắc, hoặc không có thân sắc, hoặc có thụ tưởng hoặc không có thụ tưởng, hoặc không có thụ tưởng mà cũng không phải không có thụ tưởng, chừng nào còn một ai có thể được nhận thức trong cõi chúng sinh được nhận thức — tất cả chúng sinh ấy đều được Ta dẫn đến cõi vô dư y niết-bàn. Dù đã dẫn vô lượng chúng sinh đến niết-bàn như thế nhưng không một chúng sinh nào được dẫn đến niết-bàn cả.

Vì sao? Tu-bồ-đề, vì được nói rằng: Nếu Bồ Tát còn có thụ tưởng “chúng sinh” thì ông ta không phải là Bồ Tát. Vì sao? Người mang thụ tưởng “tự ngã” – Tu-bồ-đề, mang thụ tưởng “chúng sinh” hoặc mang thụ tưởng “sĩ phu, thân mạng” hoặc một thụ tưởng “bổ-đặc-già-la”, người ấy không được gọi là Bồ Tát…”

Vua Di-lan-đà cho rằng, có một bản Ngã thực sự đang điều động sinh mạng con người.

Thầy Na tiên trả lời bằng cách gạn hỏi, rồi phủ nhận (từ đoạn 2 đến đoạn 14; 那先問:王人身中命能用眼視 色。Na-tiên hỏi lại vua: “Thân thể con người với mạng sống có thể dùng mắt để nhìn thấy hình sắc chăng?… 那先言:如人沽美酒著大器中急塞一人口倒置酒中令酒其人寧知酒 味不。Na-tiên nói: “Như có người lấy rượu ngon đổ vào trong bồn lớn, lại thả một người vào trong bồn ấy, nhưng rượu không lên tới miệng. Người ấy có biết rượu ngon chăng?). Cái biết của các giác quan trong thân không phải là Tự ngã, sự sống trong thân cũng không phải là Tự ngã. Để điều chỉnh quan niệm sai lầm đó. Thầy Na tiên trình bày quan niệm Uẩn không phải là Ngã.

Bởi lẽ, Vua Di-lan-đà chịu ảnh hưởng của triết học phương Tây, cho rằng phải có 1 Tự ngã điều động, chi phối toàn bộ cuộc sống con người.[3] 

Quan niệm về Ngã nó đã ngự trị trong nền triết học phương Tây khá dài. Đến thế kỷ thứ XVII, triết gia người Pháp,  Rene Descartes (15961650)  gọi cái Ngã đó là: “Tư duy, cái suy nghĩ, sự nhận thức, cái biết”.

Tuyên bố trên xuất hiện lần đầu vào năm 1637 trong tác phẩm nổi tiếng của ông với nhan đề “Discours de la Méthode” (Luận về phương pháp).

Với phương châm nổi tiếng: “Tôi tư duy, tức là Tôi hiện hữu”, 

Congito  ego sum (La tinh)

 Je pense, donc je suis (Pháp)

 I think, therefore I am,

I am thinking, therefore I exist (Anh)

 Chính vì câu nói này đã thống trị nền triết học thế giới qua nhiều thế kỷ, và sau đó là nhà Toán học người Pháp Blaise Pascal (1623 -1662), với nhận định nổi tiếng đã tô đậm nên tên tuổi của ông: “Con người là cây sậy yếu ớt, nhưng biết suy tư”.

Cho nên, Mahatma Gandhi (thường gọi là thánh Gandhi, 1869 – 1948) đã tuyên bố với câu nói: “Sức mạnh của con người không nằm ở thể chất mà đến từ ý chí bất khuất” (Strength does not come from physical capacity. It comes from an indomitable will).

Giáo lý Duy thức cho chúng ta biết, cái suy nghĩ đó chỉ là tác dụng của Độc đầu ý thức[4] (E. Solitary consciousness; C. 獨頭意識) hay thức thứ 6 (ý thức) mà thôi.

Do đó, vua Di-lan-đà cho rằng, cái Biết của các giác quan (mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi ném, thân xúc chạm và ý hình dung) là Bản Ngã. Nên thầy Na tiên đã chỉ cho Vua thấy quan điểm của đạo Phật bằng cách phủ định từng lập luận của Vua đưa ra.

Thầy Na tiên chỉ ra cho vua Di-lan-đà thấy rằng: Ngã không phải là cái biết từ các giác quan (6 căn). Vậy 6 giác quan (lục căn) là gì?

Lục căn là gì? căn () tức là chỗ nương tựa, làm gốc, làm nền tảng cho những cái khác nẩy nở, phát sinh. Theo tâm lý học gọi là giác quan. Vậy, lục căn ở đây tức là: Nhãn căn (cakkhu), nhĩ căn (sota), tỷ căn (ghaha), thiệt căn (jivha), thân căn (kaya) và ý căn (mano).

Nhãn căn (giác quan của con mắt): Tức là hai con mắt, bộ phận để làm chỗ nương tựa cho sự nhận thấy của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với cảnh vật chung quanh. Tính năng hoạt dụng của con mắt là để nhìn thấy.

Nhĩ căn (giác quan của con tai nghe): Tức là hai lỗ tai, bộ phận làm chỗ phát sinh cho sự nghe biết của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với tiếng động nhỏ lớn, trầm bổng, dịu êm, chát chúa, rùng rợi  ở chung quanh. Tính năng hoạt dụng của tai là để nghe âm thanh.

Tỷ căn (giác quan của lỗ mũi): Tức là lỗ mũi, bộ phận làm chỗ nương tựa cho sự ngửi biết được xác thực, khi tiếp xúc với các mùi như thơm, xú… ở chung quanh. Tính năng hoạt dụng của lỗ mũi là để tiếp xúc cảm giác mùi vị.

Thiệt căn (giác quan của cái lưỡi):  Tức là cái lưỡi, bộ phận làm chỗ nương tựa của sự nếm biết của người được rõ ràng khi tiếp xúc với các chất như chua, mặn, ngọt, đắng, cay  v.v… bên ngoài. Tính năng hoạt dụng của cái lưỡi là để nếm cảm nhận các chất ngoại cảnh.

Thân căn (giác quan của thân thể):  Tức là da bao bọc thân người, bộ phận làm cho nhận biết được cảm giác, nóng, lạnh, cứng, mềm của các vật chung quanh. Tính năng hoạt dụng của thân thể là để cảm nhận sự đổi thay của thời tiết, cảnh trần bên ngoài.

Ý căn (giác quan của sự nhận thức):  Tức là bộ phận để cho sự phân biệt phát sinh, tức là thức thứ Bảy. Phần này rất tinh tế thuộc về tinh thần. Cho nên không có hình sắc như năm giác quan trước.

Như vậy, ngoại trừ ý căn (tâm lý, tinh thần) ra thì năm căn đầu là năm bộ phận thuộc về thể chất (vật lý, vật chất) nằm ở bên ngoài, dễ tiếp xúc với ngoại vật, trần cảnh. Chúng có hình tướng do tứ đại hợp thành. Duy thức học liệt chúng về nội căn sắc pháp, mà nội căn sắc pháp này được chia ra làm hai phần đó là: Phù trần căn (扶塵根) và Tịnh sắc căn còn gọi thắng nghĩa căn (勝義根).

Phù trần căn là chỉ cho hình tướng thô phù biểu hiện ra bên ngoài, như tròng mắt, vành tai, lưỡi đỏ, thân thể trắng đen, gầy guộc, ốm o. Có thơ rằng:

“Phù vân một đóa bay đi,

Khi thì áo trắng, khi thì muông đen,

Còn như phú quý phù vân kể gì.”

Còn tịnh sắc căn hay thắng nghĩa căn là chỉ cho phần ẩn phục của năm căn, tức là phần ứng dụng, phần tính năng hoạt động, phần sống của năm căn. Nói một cách rõ ràng đơn giản hơn, tức là những dây thần kinh hệ của con người vậy.

Cho nên, phù trần thì thô thiển còn tịnh sắc lại tế ẩn. Nếu như hai phần này rời nhau, tách biệt nhau năm căn sẽ vô tác dụng hoặc ngược lại, như người có xác mà không hồn. Hàn Mặc Tử nói: “Người đi 1 nữa hồn tôi mất, một nữa hồn kia bỗng dạy khờ”.

Còn tiếp…


Tham khảo & chú thích

[1] Bành Tổ, tức Bành Khang, là một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa được cho là sống lâu gần 800 tuổi.

[2] Nhan Hồi hưởng dương trần thế 33 tuổi, là 1 trong những học trò quý của đức Không tử. Khổng tử còn gọi là Khổng Phu Tử – 孔夫子, sinh 551 Tr.TL,  tự Trọng Ni – 仲尼, người nước Lỗ, thời Xuân thu (771-476 Tr.TL), được người đời tôn kính với danh hiệu “Vạn thế sư biểu” –  萬世師表 (bậc thầy của muôn đời sau). Có câu thơ: “Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ”: 天不生仲尼,萬古如長夜. Nghĩa là: Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm dài tăm tối. Ông được cho là sinh cùng thời với đức Phật.

[3] Thông thường người phương Tây thường đưa ra các câu hỏi như: “Nếu không có linh hồn, cái gì được tái sinh?” và “nếu không có linh hồn, ai đang nói chuyện với bạn bây giờ?” (If there is no soul, what is it that is reborn?” and “If there is no soul, who is talking to you now?).

[4]  Độc đầu ý thức: Nghĩa là chỉ một mình Ý thức khởi lên, không có chung cùng với 5 thức trước. Như khi mắt không thấy cảnh, tai chẳng nghe tiếng v.v… mà vẫn khởi vọng tưởng phân biệt các cảnh vật.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo