Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 3: Đi Tìm Tự Ngã (phần 2)

(tiếp theo)

Ngã không phải là cảnh trần, gọi là lục trần, vậy lục trần là gì?

Lục trần là gì? trần (塵), có nghĩa đen là bụi. Bụi thì nhơ nhớp luôn luôn dời đổi, lăng xăng, tụ tán không chừng. Nghĩa bóng, Trần tức là chỉ cho phần vật chất, cảnh vật chung quanh con người. Vậy sáu trần là: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

Sắc trần: Là những gì có hình tướng, đường nét hình dáng, dáng vẻ, những gì mà mắt có thể nhìn thấy được.

Thanh trần: Là tiếng do vật hữu hình hay vô hình phát ra, nghĩa là những âm thanh tiếng gọi, tiếng kêu mà tai nghe được.

Hương trần: Là mùi do vật hữu hình hay vô hình bốc lên, tỏa ra, vật mà mùi ngửi được.

Vị trần: Là những chất có mùi vị mà lưỡi nem, nếm được.

Xúc trần: Là những thứ mềm, cứng, trơn, nhám…của sự vật, những vật mà thân tiếp xúc, đụng chạm được.

Pháp trần: Là những hình ảnh, màu sắc, hương vị.. trừu tượng của năm trần lưu lại sau khi năm căn duyên với nhau, chính là cảnh bị duyên của ý căn.

Như vậy, màu sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm ở đây không phải là vật thật của ngoại cảnh mà chỉ là những hình bóng, âm vang, mùi hương… của ngoại cảnh sau khi đã lọt qua năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và đang bị ý căn duyên.

Chúng ta có thể làm một thí dụ thô thiển sau đây cho dễ hiểu: Sắc trần dụ như cảnh vật bên ngoài. Nhãn trần dụ như cái máy quay phim. Pháp trần dụ như những hình ảnh đã giữ được trong cuốn phim. Ý căn dụ như người xem hình trong cuốn phim chiếu lên.

Có thể làm một thí dụ thứ hai sau đây: Thanh trần dụ như các tiếng hát của một ca sĩ. Nhĩ căn dụ như cái máy ghi âm. Pháp trần dụ như cuốn băng nhựa hoặc đĩa đã ghi âm. Ý căn dụ như người nghe tiếng do cái máy phát ra.

Ngã không phải là cái biết từ nhận thức, tức là lục thức, vậy lục thức là gì?

Lục thức là gì? thức (識) là sự phân biệt, hiểu biết, phán đoán do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sinh. Nó thuộc về tâm pháp (vô hình). Vậy sáu thức là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Nhãn thức (S. Cakṣur-vijñana; E. Eye consciousness): Là sự phân biệt, hiểu biết do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà phát sinh.

Nhĩ thức (S. Śrotra-vijñana; E.  Ear consciousness): Là sự phân biệt hiểu biết do nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần phát sinh.

Tỷ thức (S. Ghrāṇa-vijñana; E.  Nose consciousness): Là sự phân biệt hiểu biết do tỷ căn tiếp xúc với hương trần mà phát sinh.

Thiệt thức (S. Jihva-vijñana; E. Tongue consciousness): Là sự phân biệt do thiệt căn tiếp xúc với vị trần mà pháp sinh.  

Thân thức (S. Kāya-vijñana; E. Body consciousness): Là sự phân biệt, hiểu biết do thân căn tiếp xúc với xúc trần mà phát sinh.

Ý thức (S. Mano-vijñana; E. Mind consciousness): Là sự phân biệt, hiểu biết, phê phán, đánh giá, nhận định, phê bình, chỉ trích,  phán đoán, suy đoán, so đo, tính toán, do ý căn tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh.

Chúng ta có thể làm một thí dụ cụ thể sau đây cho dễ hiểu: Sáu thức như một hội đồng giám khảo của cuộc thi về tìm kiếm tài năng (Got talent). Hội đồng này gồm có sáu người: Một ông chủ tịch và năm hội viên chuyên môn về năm ngành: Một người đảm nhận chuyên về màu sắc và hình ảnh. Một người chuyên về âm thanh. Một người chuyên về mùi hương. Một người chuyên về chất vị. Một người chuyên về xúc giác.

Năm hội viên này sau khi lấy khả năng chuyên môn của mình ra phân tích, phê phán rồi, liền trình sự nhận xét của mình lên ông chủ tịch. Ông này thu góp tất cả những nhận xét của năm hội viên, làm tổng kết và tuyên bố kết quả của cuộc thi ấy. Ông chủ tịch này chính là ý thức hay là thức thứ sáu.

Như vậy, lục Căn, lục Trần và lục Thức có sự liên hệ như thế nào?

Chúng ta vẫn biết căn là một nội sắc, nhưng nó có quan hệ mật thiết tương quan dung nhiếp lẫn nhau. Căn là phần chủ động, tức là gốc có khả năng duyên được với trần, còn trần là phần bị động “được duyên” với căn. Nhờ có căn phù trần và tịnh sắc, nên con người mới có thể nhận biết được các cảnh vật chung quanh trong sự sống hằng ngày.

Nếu không có căn, dĩ nhiên không có thức, thì con người không phải là con người. Họ không sáng tác, xây dựng, cải cách, tiến hóa, và thế giới này phải là thế giới “chết”, mờ mịt không có ý nghĩa.

Nếu không có trần, con người cũng không sống nổi. Ngoại cảnh là môi trường hoạt động của con người. Nó dạy khôn dạy khéo giáo dục huấn luyện cho con người trong cuộc sống sinh hoạt, và làm cho con người có ý thức về cuộc sống của mình.

Thức lại tác động vào căn và trần làm cho cuộc sống càng thêm tiến bộ, sung túc thịnh vượng hơn.

Ba yếu này được xem như là chiếc đỉnh (kiềng) ba chân, ảnh hưởng lẫn nhau như cái máy quẹt lửa, chất dẫn và đốm lửa; cũng vậy trong lãnh vực kinh doanh – con đường dẫn đến thành công phải kiện toàn 3 yếu tố đó là: khả năng lãnh đạo, phong thái sống và làm việc, đội ngũ và các mối quan hệ; trên lộ trình tu tập vượt thoát sanh tử cũng không ngoài Tam vô lậu học đó là giới (đạo đức), định (thiền định) và tuệ (trí tuệ). Sự liên quan này chứng minh một cách hùng hồn sự không độc lập của sắc pháp và tâm pháp, cả về phương diện cá thể lẫn phương diện tổng thể.

Ngã không phải là cái biết của lục căn (6 giác quan), lục trần (6 trần cảnh ngoại duyên) và lục thức

Chúng ta thấy cái ngã không thể do tổng hợp của căn, trần và thức mà có được một cách thuần nhứt. Ðến đây, chúng ta sẽ đi sâu vào một tầng nữa, quán sát xem cái ngã có thể có trong một phần nào của căn, trần và thức chăng?

Sáu căn là ngã căn?

Trước tiên, chúng ta hãy xét bản chất của sáu căn là gì? Chính là một khối xương da máu thịt, hợp lại có trật tự, có tổ chức, chứ không gì khác; mà đã là thịt da, xương máu thì không có gì là bền bỉ, thuần nhất. Từ khi “trắng răng đến thuở bạc đầu”, thử xem con người đã mấy lần thay đổi, và sau một trăm năm, thử hỏi thể xác ấy sẽ còn lại gì, ngoài “nấm cỏ khâu xanh rì”?.

…Người từ vô tận tái sinh,
Đi qua trần thế mang tình nhân gian,
Rồi từ giấc mộng vừa tan,
Quê hương một độ bàng hoàng ra đi,
Ngày về bạc tóc hài nhi,
Nắng chiều rủ xuống thầm thì trên vai,
Giã từ giấc mộng Thiên Thai,
Vô biên ngày ấy Như Lai gọi về. (Bùi Giáng)

Giả sử có một cái ngã ở sáu căn, thì thử hỏi: Nếu cái ngã ở nơi mắt, thì năm căn kia không phải là ngã. Nếu cái ngã ở nơi tai, thì năm căn kia không phải là ngã. Lần lượt xem xét cả sáu căn, chúng ta không thể nói được cái ngã ở một phần nào trong sáu căn. Nếu cho rằng sáu căn đều là ngã, thì thành ra con người có đến sáu cái ngã hay sao? Nói thế chắc không ai công nhận được.

Còn nếu bảo rằng: Do sáu căn hòa hợp lại mà có cái ngã, thì trái với định nghĩa về cái ngã, là thuận nhất, bất biến. Vả lại, khi đã cho rằng cái ngã do nhiều thứ hợp lại, thì cũng phải công nhận luôn là cái ngã ấy là không thật, giả hợp, duyên sinh. Do đó, Duy thức học gọi là “nhân vô ngã”.

Sáu trần là ngã căn?

Trần với căn không khác gì mấy. Bởi vì căn đã không tự tại trong cuộc sinh tồn, thì trần làm sao đứng vững. Giả sử, “ngã” nằm trong sắc, thì trên thế giới này phải không có sự đổi trắng thay đen; không có ban ngày chuyển sang ban đêm; Như hoa nở rồi tàn, người đẹp rồi úa phai, tình đến rồi tình đi, sớm còn tối mất, hết ngày rồi đêm, bãi bể biến thành nương dâu, cuộc đổi thay đã bày rành rành ra trước mắt.

Vậy “ngã” nằm trong âm thanh chăng? Cũng không có lý, âm thanh không bao giờ tự nhiên mà có. Nếu có không do vật hữu tình phát ra, thì cũng do sự va chạm của những vật vô tình mà có. Như thế, âm thanh rõ ràng là một pháp hữu vi, có tạo tác. Mà đã là hữu vi, thì thế nào cũng vô thường thay đổi. Vả lại, vật sinh ra nó là sắc kia đã là vô ngã, vô thường, thì nó không thể nào thường, là ngã được. Cho đến hương, vị, xúc, pháp cũng đều là vô thường, vô ngã như sắc, thanh cả. Chúng chỉ như làn gió thoảng qua, như màn sương phảng phất; đã vô hình lại bất định, nên sự vô ngã của chúng lại càng rõ rệt hơn sắc, thanh nhiều.

Sáu thức là ngã căn?

Như trên đã nói, thức là sự nhận biết do căn và trần duyên nhau mà có. Ðiều ấy đã chứng minh rằng thức không thật có. Nói một cách đơn giản thì Thức là do Căn và Trần duyên hợp nhau mà thành. Nhưng nếu chia chẽ một cách rốt ráo theo Duy thức học, thì thức sở dĩ có được còn là nhờ nhiều nhân duyên khác nữa. Chẳng hạn như nhãn thức, sanh khởi được là nhờ 9 duyên sau đây:

Không: là khoảng trống không, cách biệt giữa căn và cảnh vật.

Minh: là ánh sáng soi chiếu bởi mặt trời, trăng, sao, hay đèn đóm.

Căn: là chỗ nương tựa của thức.

Cảnh: là các sự vật mà căn duyên được.

Tác ý: là sự mong muốn được thấy.

Phân biệt y: là chỗ nương để phân biệt, tức là ý thức, hay thức thứ sáu.

Nhiễm tịnh y: là thức thứ bảy hay là tiềm thức.

Căn bản y: là thức thứ tám.

Chủng tử: Bản năng sẽ được phát sinh.

Khi mắt ta thấy một vật gì: Nó phải ở cách vật ấy gần hay xa (Không). Khi thấy là ban ngày, hay ban đêm có trăng, sao, hoặc pha đèn (Minh). Sự thấy ấy dĩ nhiên là phải từ con mắt mà có (Căn) và đồng thời, lúc đó phải có vật gì mới thành sự thấy (Cảnh). Trước lúc thấy, ta đã có ý muốn ngó rồi (Tác ý). Tác ý đây lại do ý thức đã khởi động trước (Phân biệt y). Ý thức lại phải nương thức thứ bảy, vì là căn của nó (Nhiễm tịnh y). Thức thứ bảy lại luôn luôn chấp thức thứ tám là ngã (Căn bản y). Thức này lại là nơi dung chứa các thức chủng tử. Chủng tử là cái nhơn chánh để có ra sự vật.

Xét từ trong đến ngoài, từ duyên đầu đến duyên cuối, nhãn thức đã không có mảy may gì là chơn thật cả. Các thứ kia như nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng như vậy cả, nhưng ít duyên hơn. Như nhĩ thức thì chỉ có tám duyên (vì không có Minh: nghe không cần có ánh sáng). Còn tỷ, thiệt và thân thức, thì chỉ bảy duyên (Vì không cần có Minh và Không). Ý thức thì chỉ có năm duyên là: Căn, cảnh, tác ý, căn bản y, chủng tử.

 Ngang đây, chúng ta cũng thấy rõ là sáu thức đều không thật có, nghĩa là cũng vô ngã như sáu căn và sáu trần. Cho nên, từ căn thân cho đến thế giới, gồm trong mười tám giới (thập bát giới) đều không thật có, không thật ngã. Hành tướng do nhân duyên hòa hợp ắt sanh, nhưng thực thể thì hoàn toàn không.

Như vậy, một lần nữa cần nhắc lại, Ngã cũng không phải là cái biết do khi các căn, trần và thức tiếp xúc với nhau, mà Ngã là sự tương tục của vô số niệm tưởng (S. Vikalpa), từ đời nầy đến đời kia, từ kiếp này qua kiếp nọ. Niệm tưởng như thế tiếp nối nhau mà sanh ra, tạo thành dòng luân chuyển mãi mãi. Ví như nước và sóng, sóng và nước, ngọn sau nối tiếp ngọn trước trong biển đại dương mênh mông bao la rộng lớn. Cho nên, trong 12 mắt xích của đời sống – gọi là 12 nhân duyên, chỉ cần chặt đứt 1 trong 12 mắt xích ấy là chúng tự tan rã, không còn xoay cuồng trong tử rồi sanh sanh tử lững lờ trôi nữa. Vì vậy, chúng ta tu, mục đích của người học Phật là đoạn trừ cái vô minh này, còn gọi là si mê (S. Moha; T. Gti-mug; E. Ignorance).

Cái gọi là Ngã, nó tương tục tạo thành dị thục[1] (S, P. Vipāka; C. 異熟) lưu giữ trong A-lại-da thức (thức thứ 8), còn gọi là nghiệp (S. Karma; P. Kamma; C.  業). Chính nghiệp (dị thục) nầy tạo nên dòng tương tục bất tận. Danh từ Phật học gọi là luân hồi (P. Saṃsāra).

Cho nên, tất cả những yếu tố nầy (6 căn, 6 trần, 6 thức, cái gọi là ngũ uẩn) tương duyên tương sinh mà hiện hữu (giả chúng duyên nhi cộng thành). Không có yếu tố nào chủ tể được gọi là Ngã. Cái Ngã đó chẳng phải là Uẩn, mà cũng chẳng phải lìa Uẩn mà có.

Tư tưởng này, Thầy Na tiên đã đứng trên quan điểm “phi tức phi ly uẩn Ngã”[2]  (C. 非即非離蘊我) để trình bày cho vua Di-lan-đà.

Vua Di-lan-đà đang phân vân đứng ở chỗ ngã hai đường, chọn con đường nào để đi đây bây giờ? “Phân vân đứng giữa 2 dòng nước, lặng lẽ nhìn hay để cuốn trôi”.

Thứ nhất, Ngã – chính là cái thân thể năm nhóm tập hợp, ngũ uẩn này đó cũng là kiến chấp thông thường của mọi người thế gian. nhà cửa ruộng vườn, đất đai, vợ con, xe cộ là của tôi…

“Đức vua hỏi:

Tất cả mọi nhận thức, hiểu biết dường như là do một tự ngã ở trong thân, phải vậy không, đại đức?”

Ý này được hiểu cách khác:“Vua Di lan đà hỏi Na tiên, ngũ uẩn có phải là Ngã chăng?”,  tức là ở chỗ này vua đang lưỡng lự, do dự, đắn đo câu trả lời phải hay không phải, không biết 5 uẩn có phải là ngã đúng hay không? cũng có thể 5 uẩn được đánh đồng với ngã. Vua cho uẩn tức là ngã và ngã tức là uẩn, trong toán học A=B, thì B=A, nhưng thực tế thì cũng chưa chắc như vậy, có thể A=B, nhưng B chưa chắc = A. Quan điểm này đức Phật đã bác bỏ. Uẩn không phải là ngã, ngã không phải là uẩn. Cho nên, để rồi từ đó dẫn đến giáo lý Vô Ngã.

Thứ hai, Ngã – ở ngoài cái thân năm uẩn, tức là thân thể vật lý và tâm lý (ly uẩn ngã), đó là quan điểm của các phái ngoại đạo như Số Luận (Samkhya), Thắng Luận (Vaisesika). Cho rằng, nếu không có Ngã trong thân 5 uẩn thì ngã ở ngoài 5 uẩn vậy.

Như vậy, Thầy Na tiên chỉ ra cho vua Di-lan-đà thấy rõ rằng, Ngã không phải là thân năm uẩn này, mà cũng không phải ở ngoài thân năm uẩn này (phi tức phi ly uẩn ngã). Đó cũng chính là chủ trương của phái Độc tử bộ[3] và Chánh Lượng bộ,[4] và cái ngã này cũng không hiện hữu nằm ở nơi 6 căn, 6 trần, 6 thức, ngã cũng không trú ẩn ở 18 giới.

Còn tiếp…


Tham khảo & chú thích

[1] Dị thục; dị có nghĩa là khác, còn thục nghĩa là chín.  Khi nghiệp đã tạo đi đến thời gian cho kết quả, nó biến đổi rồi mới chín, cho nên gọi là Dị thục. Nghĩa là, nghiệp sau khi được chín mùi (tức là đến lúc phát sinh quả báo), cái phát sinh từ đó được gọi là dị thục.

[2] Phi tức phi ly uẩn Ngã, vừa không phải năm uẩn, vừa không ở ngoài năm uẩn. Ngoài năm uẩn ra không có cái gì đã đành, nhưng ngay trong sự hòa hợp của năm uẩn cũng chẳng có cái gì cả.

[3] Độc Tử bộ (S. Vātsīputra-vada; C. 犢子部) là 1 trong những bộ phái lớn lúc bấy giờ, xuất hiện khoảng 200 năm sau Phật Niết-bàn, tức khoảng 280 Tr.TL, được khai sáng bởi một cao tăng tên Độc Tử (S. Vātsīputra; C. 犢子) thuộc Thượng Toạ bộ. Trước khi gia nhập Tăng đoàn, vị này theo giáo lý Bà-la-môn, cho nên mặc dù là vị tăng Phật giáo nhưng tư tưởng hơi hám vẫn còn ảnh hưởng của Bà la môn, khó mà tẩy rửa được.

[4] Chánh Lượng bộ (P. Sammitīya; S.  Saṅmatīyah), 1 trong 4 bộ (Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Mật lâm sơn bộ) được phân hóa bởi phái Độc tử bộ, chủ trương chấp nhận có Bổ Đặc Già La (Nhân thể) thường tồn để chịu nhân quả trong luân hồi.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo