Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 3: Đi Tìm Tự Ngã (phần 3)

(tiếp theo và hết)

2. Quan nim ngã (ātman) trong  tư tưng Ấn-đ cđi

Ātman (आत्मा) là một từ tiếng Phạn có nghĩa là bản chất (essence), hơi thở (breath), linh hồn (soul).

Theo triết học  Phệ-đà[1] (S, P. Veda; C. 吠陀), tư tưởng cổ đại Ấn-độ. Đối tượng đi đầu thai, hay chịu luân hồi (S. Saṃsāra; E. Metempsychosis)  chính  là  Ngã (ātman).

Căn cứ vào các nguồn thư tịch cổ xưa nhất thì Ātman có nghĩa là hơi thở (breath), như trong  Lê-câu-phệ-đà (S. Ṛg-veda; C. 棃俱吠陀)  X, 16, 3, có đoạn: “Sūryam cākṣuḥ gacchatu, vātam ātmā”. Đây là lời kinh đọc trước người chết, có nghĩa là “Nguyện cho con mắt người đi cùng với mặt trời, hơi thở (ātmā) đi về cùng với gió”. Thế nên, Ātman có nghĩa là hơi thở sinh động, sức sống. Vì thế, tinh thần hay hơi thở, thường được dùng trong ý nghĩa mà chúng ta gọi là linh hồn (soul). Từ đó, ātman thường được hiểu là sự sống (life), tinh thần (spirit).

Từ linh hồn (soul) chỉ có một bước nhỏ để rẽ sang ngã (self), và bước đó thường có ý nghĩa cấu trúc ngữ pháp hơn là thực tế.

Trong A-thát-bà-phệ-đà (S. Atharva-veda; C. 阿闥婆吠陀) IX, 5, 30 có đoạn: “Ātmānaṃ pitāraṃ putraṃ paiitraṃ pitllmahaṃ, Jāyāṃ jānitrim mātāraṃ ye priyās tān ūpa hvaye”. Có nghĩa là: “Chính tôi, (đối với) cha, con, ông nội, vợ, mẹ, bất cứ người nào cũng là thân thiết. Tôi mong họ được như vậy”. Nhưng ở đây ngã (self) còn có thể được dịch là linh hồn (soul); trong kinh Kim Cương gọi là Thọ giả tướng hay người (person); Nhân tướng hay Bổ-đặc-già-la (pudgala).

Trong Ṛg-veda IX, 113 có đoạn: “Balām dādhānaḥ ātmāni”. Có nghĩa là: “Đặt sức mạnh trên chính mình”, và đến đây Ātman trở thành đại danh từ (pronoun) chuẩn mực chỉ cho tự thân (我,  I, self, ego) và từ đó có quan niệm chính Ātman (tự ngã), tức cái Ta chịu luân hồi (saṃsāra), trong Kinh Kim Cươnng gọi là Chúng sinh tướng.

Ātma ở đây có thể dịch là tinh thần của cuộc sống, nhưng trong một đoạn văn khác, Ātman đơn giản biểu thị cho bản chất nội tại của vạn vật và đặc biệt hơn là bản chất nội tại của con người, Kinh Kim Cương gọi là Ngã tướng.

 Để cuối cùng Ātman nó có nghĩa rất giống những gì các triết gia thời Trung cổ gọi là bản thể (quiddity), hay các triết gia Ấn-độ gọi là “Idantā of things” (sự đâm chồi của vạn vật).

Trong ý nghĩa này, Ātman về sau được dùng như là danh xưng của nhân vật cao nhất, là linh hồn của thế giới, đệ nhất nhân (paramātman), chính là Brahman (phạm, đại phạm hay đại ngã), như trong Śatap Brāhmaṇa XIV, 5,5,15 có đoạn: “Sa vā ayam ātmā, sarveṣāṃ bhūtānām adhipatiḥ, sarve-ṣāṃ bhūtānāṃ rājā”. Có nghĩa là: “Cái ngã đó là quyền lực tối cao của mọi hữu tình, nó là vua của tất cả các loài”. Cái Ngã này (tức là Brahman) là quyền lực tối cao của mọi hữu tình, nó là vua của tất cả các loài, và khi Ātman thể nhập vào Brahmā, đạt đến Đại diệu lạc (C.大妙樂), là hoàn tất tiến trình luân hồi (saṃsāra). Còn gọi là thể nhập tự ngã, Tiểu ngã (Ātman) nhập vào Đại ngã (Brahama).

3. Duy ngã được hiểu trong các bản kinh Nam truyền và Bắc truyền

Vấn đề Ngã (Ātman), đức Phật có quan niệm khác hẳn với những gì trước đó, mà cái Ngã nầy đức Phật đã tuyên bố vào lúc Đản sanh, đó là:

Pāli ngữ:  “Aggo ham asmi lokassa
Jettho ham asmi lokassa  
Settho ham asmi lokassa
Ayam antimā jāti
Natthi dāni punabbhavo”.

Anh ngữ:I am the highest in this world

I am foremost in this world

I am the best in this world

This is the last birth

There is no further becoming here”.

(Ta là bậc tối thượng trong thế gian này

Ta là bậc tối tôn trong thế gian này

Ta là bậc tối thắng trong thế gian này

Đây là lần sinh cuối cùng

Không còn tái sinh trở lại nữa).

(Kinh Đại Bổn – Trường bộ kinh- Diggha Nikāya)

Lời tuyên bố này, được ghi chép lại trong rất nhiều kinh điển thuộc Hán tạng.

“Thiên thượng thiên hạ /Duy ngã vi tôn/ Yếu độ chúng sanh/ Sanh lão bệnh tử”.  

(Trên trời dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý. Việc cần yếu là độ chúng sanh thoát khỏi sanh già bệnh chết).

Có  bản chép:

“Thiên thượng thiên hạ/ Duy ngã độc tôn/ Nhất thiết thế gian/ Sinh lão bệnh tử”.

Tu Hành Bản Khởi Kinh (C. 修行本起經)

“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn/ Tam giới vi khổ/ ngô đương an chi”.

(Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất/ Ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm cho chúng sanh an lạc). (Đại Chính Tân Tu ĐTK, T3, tr. 463C).

Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh (C. 太子瑞應本起經), quyển Thượng chép:

 “Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn/ Tam giới giai khổ/ hà khả lạc giả?”

(Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?) (ĐCTT, T3, tr. 473C).

Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả ghi:

 “Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ”.

(Ta đối với tất cả hàng trời người là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử từ nay chấm dứt). (ĐCTT, T3, tr. 625A).

Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi thuật ghi:

“Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả”

(Trên trời dưới trời, bậc tôn quý nhất không ai bằng Ta).  (ĐCTT, T3, tr.618A).

Kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi:

“Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận”

(Ở trong thế gian, Ta là bậc cao nhất. Từ nay, việc sanh tử của Ta đã đoạn tận). (ĐCTT, T3, tr. 687B).

Thật ra câu “duy ngã độc tôn” nhằm thần thánh hóa cho một ý nghĩa triết học nào đó hơn là giá trị lịch sử. Bởi vì lịch sử đã cho chúng ta biết, khi Thái tử Tất-đạt-đa (S. Siddhārtha Gautama) chào đời (đản sinh, 誕生; E. Buddha’s birthday, ở Nepal gọi là  Buddha Jayanti ( Jayanti là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là chiến thắng) – sinh nhật đức Phật) chưa chắc Ngài sẽ đi tu, vì tiên tri A-tư-đà (Asita) tiên đoán, có hai con đường để Thái tử lựa chọn: “Ở đời làm chuyển luân thánh vương;[2] xuất gia làm Phật”.

Qua các đoạn kinh trích dẫn trên, chúng ta được hiểu chữ Ngã trong các ngữ cảnh trên là chỉ đức Phật (Ngã = Ta = Phật). Có người dựa vào chữ ngã mà cho rằng đức Phật kiêu ngạo, mà biết rằng tánh kiêu ngạo là những phiền não, chướng nạn, (phẫn hận phú não…) còn có ngã thì làm sao thành Phật được?

Cho nên, câu: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. “Duy ngã độc tôn” ở đây là hoàn toàn vắng mặt cái Ta, đã đoạn sạch chấp ngã, chấp pháp, (kinh Kim cương nói: vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả) vì đức Phật đã chứng đắc và thành tựu tuệ giác vô thượng, gọi là Vô thượng Chính Đẳng Chính Giác, A-nậu-đa-la -tam-miệu-tam-bồ-đề (P. Anuttara – sammàsambodhi; C. 阿耨多羅三藐三菩提), A-nậu-đa-la dịch ý là Vô thượng; Tam-miệu-tam-bồ-đề, dịch ý là Chính giác. Do đó,  chúng ta có thể hiểu câu này theo hai phương diện cơ bản như sau:

Khẳng định, xác chứng, minh chứng một sự thật của người đã thành tựu giải thoát tối hậu. (Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa; P. Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyāti pajānāmī’ti; E. Birth is destroyed, the holy life is lived, what should be done is done. I know, there is nothing more to wish).

Đức Phật tuyên bố cho chúng sanh trong ba cõi (tam giới) biết rằng: Ngài đã đoạn tận phiền não, hoàn toàn giải thoát, là bậc thù thắng nhất, bậc tôn quý nhất ở thế gian, không có chúng sanh nào có thể sánh với phước đức và trí tuệ của bậc Như Lai.

Theo kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng,  ghi tiến trình ra đời của một vị Phật thì sẽ đi qua 7 bước:

1. Thị Đông phương, vị chúng sanh vi đạo thủ cố (Thứ nhất, triển khai trí tuệ cho chúng sinh tu đạo là trên hết, nên nhìn về phương Đông mặt trời mọc).

2. Thị Nam phương, vị chúng sanh lương phước điền cố (Khi đã phát triển trí tuệ thì mới thấy rõ hành nghiệp nào xấu ác thì trừ bỏ, hành nghiệp nào thiện hảo thì thực hành (tức là xả ác, hành thiện).

3. Thị Tây phương, vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố (hướng đến giải thoát bằng tịnh hóa tâm hồn, nên dụ cho hướng đến phương mặt trời lặn).

4. Thị Bắc phương, vị chúng sanh, Ngã đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (Khi thành đạo rồi, Đức Phật bằng tuệ giác giải thoát, hết lòng giáo hóa  chúng sanh).

5. Thị Hạ phương, vị chúng sanh dị dục hàng ma cố (Thứ năm là khi giáo hóa chúng sanh, đức Phật như vị thầy thuốc giỏi, nên ai bệnh nặng thì được Ngài cấp cứu trước; giúp cho chúng sanh thoát khỏi ma lực của tham  sân  si; qua khỏi tam đồ).

6. Thị Thượng phương, vị chúng sanh quy y thiên nhân cố (Thứ sáu, đức Phật chỉ con đường vượt thoát Tam đồ: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh bằng cách sống đúng năm nhân cách căn bản (Ngũ giới) và 10 nghiệp lành (Thập thiện).

7. Thiên thượng thiên hạ duy ngã đôc tôn, Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ (Bước thứ 7, đức Phật một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, cho chúng sanh biết dòng nghiệp lực bởi động cơ chấp ngã của tình thức,  đã làm cho Ngài trôi dài trong 3 cõi sáu đường đến đây đã chấm dứt).

Như thế, “Duy Ngã Độc Tôn” nên được hiểu là: Tuệ giác, Pháp thân, Phật tánh (Buddha nature), Bản lai diện mục, Pháp tánh, Viên giác tánh, Chơn như và giáo pháp của Như Lai là tôn quý bậc nhất, không điều gì trên thế gian có thể vượt thắng, không gì có thể so sánh.

Duy ngã  trong kinh Niết-bàn gọi là Tứ đức: Chân Thường, Chân lạc, Chân ngã, Chân Tịnh. Vậy, Ngã  được tuyên bố trong lúc Đản sanh chính là  Chân Ngã, là 1 trong các tên gọi khác của Tuệ giác, Pháp thân, Phật tính, Bản lai diện mục, Pháp tánh v.v…

Trong Kinh hệ Nam truyền có ghi: “Một người, này các Tỷ-khưu, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác.”[3]

Ở đây có hai vấn đề nên hiểu: cũng là độc tôn cái Ngã, đối với chúng sanh thì bị trầm luân, còn đối với đức Phật, bậc Thánh giả A-la-hán thì giải thoát.

Chúng sanh độc tôn cái Ngã nên thành người mê.

Chư Phật độc tôn cái Ngã nên Phật là người Giác ngộ.

Đản sanh là hiện hữu một cái Ngã của một bậc Thánh từ cung trời Đâu-suất. Thật sự là trên trời dưới trời, chỉ có mình Ngài (đức Phật là  tôn quý.)

Về một phương diện khác, “Duy Ngã Độc Tôn” là sự khám phá toàn triệt về tự ngã.

Vì vô minh, bị trói buộc và sai khiến của tự ngã nên chúng sanh mãi chìm đắm, trôi lăn trong sáu đường sanh tử (gọi là lục đạo luân hồi). Nên khi thành Đạo, Đức Phật tuyên bố:

“Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh
Ôi! Người làm nhà kia [Ái]
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Ðòn tay [Thân] ngươi bị gẫy,
Kèo cột [Phiền não] ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong”. (Kinh Pháp Cú: kệ 153, 154)

Pāli ngữ:  “Anekajāti saṁsāraṁ 
sandhāvissaṁ anibbisaṁ. 
Gahakārakaṁ gavesanto
dukkhā jāti punappunaṁ.
Gahakāraka diṭṭho’ si
puna gehaṁ na kāhasi
Sabbā te phāsukā bhaggā
gahakūṭaṁ visaṅkhitaṁ
Visaṅkhāragataṁ cittaṁ
taṇhānaṁ khayam ajjhagā”.

Anh ngữ: “Through many of samsara’s births
I hasten seeking, finding not
the builder of this house:
pain is birth again, again.
O Builder of this house, you’re seen!
you shall not build a house again;
all you beams have given away,
rafters of the ridge decayed,
mind to the Unconditioned gone,
exhaustion of craving has it reached.”

Tham ái, chấp ngã chính là kẻ làm nhà, xây nên căn nhà ngũ uẩn với chằng chịt phiền não, nhiễm ô, nay đã bị bậc trí khám phá và chinh phục, đánh tan chúng, đoạn trừ chúng.

Thế nên, vua Di-lan-đà cho rằng, cái biết các giác quan trong thân, mạng sống con người làm chủ là Tự ngã.

Thầy Na tiên đã lần lượt hóa giải bằng cách phủ nhận tất cả.

Vì vậy, “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, ở đây nó không hề mang ý nghĩa tự tôn, cao hạ, mà là sự khám phá và chinh phục tự ngã (ātman).Ai đã đoạn trừ, chinh phục được chúng (phiền não) thì người đó là bậc trí, đại nhân. 

Cái Ngã này đã ngự trị cả ngàn đời trong tâm thức người dân Ấn-độ, khó mà loại trừ bỏ nó được.

Cái Ngã đã độc tôn vai trò thống trị của Phạm thiên (Brahma).

Cái Ngã đã tạo nên 4 giai cấp (1, Brahmins – Bà-la-môn; 2, Kshatriyas – Vương công quý tộc; 3, Vaishyas – Thợ thủ công, thương nhân, nông dân; 4, Shudras – Cấp nô lệ).

Cái Ngã khiến con người phải phụ thuộc vào một đấng quyền năng bên ngoài mình.

Nên tuyên bố của đức Phật lúc Đản sanh là sự  khẳng định và xác chứng quả vị giải thoát tối hậu quả vị Phật (Buddhahood). Đồng thời đó là biểu hiện tâm từ bi vô lượng nhằm giải thoát chúng sinh, thoát khỏi sự chi phối của Ngã.


Tham khảo & chú thích

[1] Phệ-đà, Hán dịch là trí, minh, minh trí, minh giải, có nghĩa là bộ sách tỏ rõ sự thực, phát sinh trí-tuệ. Phệ-đà là tên kinh của Bà-la-môn-giáo, Ấn-độ giáo.

[2] Chuyển luân thánh vương là gì?  Chuyển luân thánh vương gọi tắt là Luân vương (S. Cakra-varti- rajan), nghĩa là người chủ của bánh xe báu xoay chuyển, là vị có phước báo bậc nhất ở thế gian. Luân vương có bảy món quý báu đặc biệt mà tất cả mọi người không ai có. 1. Kim luân bảo (bánh xe báu bằng vàng). Đó là bánh xe với cả ngàn cây căm, toàn bằng chất vàng, vua cùng với bốn đội binh voi, ngựa, xe, và bộ, đều ngồi trên đó; du hành bốn thiên hạ, đem 10 nghiệp lành giáo hóa các quốc vương ở các nước. 2. Bạch tượng bảo (voi báu trắng). Đó là con voi thuần trắng, vừa sinh ra đã có sáu ngà, dùng cho vua cưỡi trong những lúc tuần du các nơi. 3. Cám mã bảo (ngựa báu xanh). Đó là con ngựa màu thanh thiên, có thể bay trên không mà đi, dành cho vua cỡi. 4. Thần châu bảo (ngọc báu mầu nhiệm). Đó là viên ngọc tám góc, treo trên cao, tuy ở ban đêm, nó vẫn tỏa sáng như ban ngày. 5. Ngọc nữ bảo (ngọc nữ báu). Đó là người phối ngẫu của vua, nhan sắc diễm lệ đoan trang, mình thơm như trầm hương, hơi miệng như hoa sen, thân thể ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, hầu hạ khéo léo, rất hợp ý vua. 6. Chủ tạng thần bảo (quan chủ kho báu). Đó là một người có nhiều công đức, do phước báo mà có được thiên nhãn, thấy suốt tất cả các vật dụng cất giữ trong kho, vua cần dùng vật gì là lấy ra ngay. 7. Binh thần bảo (tướng quân báu). Đó là một người thông hiểu quân cơ, biết rành sách lược, có tài dùng binh. Chuyển luân thánh vương có 4 đức lớn không ai sánh bằng. 1. Sống lâu, 2. Không tật bệnh, 3. Tướng mạo đoan trang và 4. Kho đầy của báu. Xem thêm ĐTK, Trường Bộ Kinh 26, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavati Sihanada Sutta), tương đương Hán, Trường  A-hàm 6, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành.

[3] Kinh Tăng Chi Bộ I, phẩm Một người.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo