Bài 4: Cuộc Đối Thoại Triết Học Của Bậc Trí Giả (phần 1)
(Tham chiếu: 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷上, dòng 24, các tr. 4-5. Mục V – Hội ngộ, quyển thượng, Kinh Tỳ kheo Na tiên, Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải – Nguyễn Minh Hiển hiệu đính, các tr. 156-159. Mục I. Mahāvaggo – Đại phẩm, Milindapañhapāli, các tr. 44-45. Bài 3 – Đàm đạo như một bậc Trí giả hay như một Vương giả? Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT Giới Nghiêm dịch, các tr. 112-114. Bài 3 – Cách nói chuyện của hiền giả và vương giả hay điều kiện đối thoại, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Cao Hữu Đính soạn dịch, các tr. 29-32. Chapter 1, The Soul, Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, các tr. 35-36).
I. Chánh văn
王復問那先能與我共難經說道不。
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, ngài có thể cùng với trẫm đối đáp về nghĩa lý trong kinh điển hay chăng?”
那先言。如使王持智慧與我相問者能相 難。王持驕貴者意不能相難。
Đại đức Na-tiên đáp: “Nếu như đại vương theo cách nói chuyện của bậc trí giả mà cùng bần tăng vấn đáp thì có thể được. Bằng như theo cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo thì không thể được.”
王問那先言:智者諸何等類?
Vua hỏi: “Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế nào?”
那先言:智者談極相詰,語相解,語相上,語相下,語有勝有負,正語不正語,自知是非是。
Na-tiên đáp: “Bậc trí giả khi nói chuyện thì chất vấn lẫn nhau đến cùng cực, giải thích cho nhau để cùng hiểu được vấn đề, khi tranh luận sẵn lòng chấp nhận có hơn có kém, có thắng có bại, có đúng có sai, tự biết nhận ra lý lẽ đúng đắn nhất, sáng suốt nhất.
為最智智者,不用作瞋怒,智者如是。
Bậc trí giả không hề có sự giận dữ, nóng nảy khi tranh luận. Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế.”
王復問那先言王者語何等類。
Vua lại hỏi: “Còn cách nói chuyện của hàng vương giả là như thế nào?”
那先言:王者 語自放恣敢有違戾不如王語者王即強誅罰之,王者語如是。
Na-tiên đáp: “Hàng vương giả kiêu ngạo khi nói chuyện thì hoàn toàn theo ý mình, chẳng cần biết đến luật lệ. Nếu không theo với ý mình, tất sẽ dùng sức mạnh mà đàn áp, trừng phạt. Cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo là như thế.”
王言:願用智者語,不用王者語 。
Vua liền nói: “Vậy trẫm xin chọn cách nói chuyện của bậc trí giả, không theo cách nói chuyện của hàng vương giả”.
莫復持對王者意與我語與我語。當如與諸沙門語。當如與諸弟子語。當如與諸優婆 塞語。當以與眾沙門給使者語。無得懷恐怖極正心。當相開悟。
Xin đại đức cũng đừng nên nghĩ là mình đang nói chuyện với một vị vua chúa quyền uy. Hãy xem như là ngài đang nói chuyện với các vị sa-môn, với các vị đệ tử, hoặc với hàng cư sĩ học đạo, hoặc như đang dạy dỗ cho hàng sa-môn vậy. Xin đừng sanh tâm lo sợ, xin lấy tâm chân chánh mà chỉ bày cho trẫm.”
那先言大善。Đại đức Na-tiên khen rằng: “Thật tốt đẹp biết bao.”
II. Đại ý
Trong văn hóa giao tiếp ứng xử có nhiều cách để đắc nhân tâm, tùy theo mỗi đối tượng nhận thức để diễn bày thu phục được lòng người. Với cái nhìn của bậc trí tuệ khi tiếp cận sự việc luôn giữ tâm trong chánh niệm, khi vui không nói quá lời, mà khi buồn cũng không bày tỏ tâm trạng quá mức. Bằng cách ngôn của bậc trí giả thoát tục, Thầy Na tiên đã phương tiện cảm hóa vị vua Di-lan-đà, người được xem là tài trí thông minh – văn võ song toàn, trở thành một Đại hộ pháp Vương Phật giáo trong thế kỷ thứ II Tr.TL.
III. Nội dung
1. Phong thái của một bậc Đế vương
Chúng ta biết rằng, vua Milinda trị vì trong khoảng từ năm 165 – 130 Tr.TL, là 1 vị vua vĩ đại trong lịch sử những vị vua Hy-Ấn, đã cai trị một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Ấn, được gọi là vương quốc Bactria thuộc bán lục địa Ấn-độ, ngày nay là một vùng đất kéo dài từ Pakistan đến Afghanistan. Ông còn được mọi người kính trọng vì có những hiểu biết thâm sâu với các tư tưởng độc đáo của nhiều đạo phái. Ông thường có những cuộc thảo luận về triết học, thần học, đạo đức và tâm lý học, đặc biệt là cuộc trò chuyện đàm luận với vị cao tăng thông thái tên là Nagasena (sống vào khoảng năm 150 Tr.TL).
Ngay tại chùa San-khế-da (Sankheyya), khi cuộc gặp gỡ được diễn ra trong 1 giảng đường rộng lớn, với số lượng tham dự giữa tăng và tục; giữa vua tôi bề thần và chư vị xuất gia con số cho biết là 80.500 người (tăng sĩ 80 ngàn người, đoàn tùy tùng của vua là 500 người), theo bản dịch Cao Hữu Đính ghi chỉ có 80 Tỳ kheo.[1]
Khi cuộc đàm luận giữa 2 người được diễn ra về chủ đề “ngã và vô ngã”, thì thầy Na tiên đã chỉ dẫn làm sáng tỏ những quan điểm thiên kiến sai lầm trước đây của vua Di-lan-đà, và đã tặng cho nhà vua 1 bài học rất quý giá, được xem như là 1 món quà tinh thần, hành trang trên lộ trình hướng đến đỉnh cao vinh quang trí tuệ. Với sự cầu thị học hỏi giáo pháp, đạo lý giải thoát, cùng với trí tuệ tài năng lãnh đạo của 1 bậc Đế vương, xen lẫn 1 vài tính cách hài hước, dí dõm, hóm hỉnh gọi là thử tài trí tuệ, hệ IQ.[2] Vua Di-lan-đà nói với thầyNagasena rằng: “Ta định hỏi ngài một câu này, ngài có thể trả lời ta không?”
Nagasena trả lời, “Xin bệ hạ cứ hỏi”.
“Ta vừa mới hỏi rồi”, đây là nhà vua muốn làm khó thầy Nagasena.
“Bần đạo cũng vừa mới trả lời đấy thôi”, Nagasena hóm hỉnh trả lời như thế.
“Ngài đã trả lời thế nào vậy?”, nhà vua Milinda vẫn chưa buông tha cho thầy Nagasena.
“Vậy bệ hạ đã hỏi gì?”, Nagasena cũng thong thả hỏi lại.
“Ta chẳng hỏi gì cả”.
“Vậy thì bần đạo cũng chưa trả lời gì cả”.
Trong đoạn kinh Pāli
Rājā āha: “Bhante nāgasena pucchissāmī ”ti?
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trẫm sẽ hỏi?”
“Puccha mahārājā ”ti. Tâu đại vương, xin hãy hỏi.”
“Pucchito ’si me bhante ”ti. “Thưa ngài, ngài đã được trẫm hỏi rồi.”
“Vissajjitaṃ mahārājā ”ti. “Tâu đại vương, đã được trả lời rồi.”
“Kimpana bhante tayā vissajjitan[3] ”ti? “Thưa ngài, vậy chớ điều gì đã được ngài trả lời?”
“Kimpana mahārāja tayā pucchitan[4] ”ti? “Tâu đại vương, vậy chớ điều gì đã được đại vương hỏi?”
Đoạn này, chỉ lập lại đoạn trước (ở bài 1-danh), khi vua Di-lan-đà mới gặp thầy Na tiên chào hỏi thân mật, thể hiện phép lịch sự của con người.
Sau khi nhà vua nhận được món quà tinh thần cao quý từ bài học “vô ngã” của thầy Na tiên ban tặng, thì lúc này tâm ý và thái độ của vua đã thay đổi rất nhiều, càng nể phục và kính trọng thầy Na tiên nhiều hơn. Cuộc đàm luận giữa 2 bậc trí giả diễn ra trong thời gian khá lâu, có lẽ thời giờ cũng có giới hạn, không cho phép kéo dài, bởi vì 1 người còn phải lo việc tu tập tụng kinh, trì chú niệm Phật, tham thiền; còn 1 người phải lo việc triều chính, vận nước, an quốc trị bang. Cho nên, cuộc trò chuyện lý thú này, nhà vua có sự hứa hẹn với thầy Na tiên vào ngày mai (tomorrow) sẽ tiếp tục trò chuyện cùng thầy tại vương triều, nơi trị vì của vua Di-lan-đà, nhưng có 1 điều đặc biệt diễn ra, mang tính chất muốn test lại tài năng trí tuệ thông minh của thầy Na tiên như thế nào? để trước khi vua Milinda hồi cung, vua đã hỏi thầy Na tiên mà không có câu hỏi, còn thầy Na tiên cũng trả lời vua Milinda nhưng không có câu trả lời; 1 bên hỏi mà chẳng nêu câu hỏi? còn bên kia Đáp mà chẳng nói ra lời? Như vậy cuộc đấu trí so gươm trí tuệ này diễn ra trong nhiều tình huống rất thú vị, người hỏi rất sáng suốt thông minh, mà người trả lời cũng không kém phàna là rất tài ba lỗi lạc.
Như vậy, ở đây chúng ta thấy, đối với vua Di-lan-đà, người nêu ra câu hỏi gọi là năng vấn, mà không có câu hỏi; còn người trả lời câu hỏi là thầy Na tiên mà không có câu trả lời gọi là sở vấn. Thế thì chúng ta thử suy ngẫm, ở đây có ẩn ý gì? khi cả hai năng và sở đều không, nhằm nói lên cái gì? Trở lại lời dạy của đức Phật, trong kinh Hoa nghiêm: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào”. Bởi vì sao? Vì Pháp (P. Dhamma; S. Dharma) xưa nay vốn vắng lặng, không thể dùng ngôn từ lời nói để diễn tả Pháp, nói lên nghĩa của Đạo lý được, gọi là “Đạo bổn vô ngôn, ngôn năng tải đạo”. Cho nên, bản thể của Pháp là “ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng”. Chỗ này, vua Di-lan-đà rất tinh tế, đã bộc lộ tính sáng suốt, thông hiểu về giáo pháp, bởi vì pháp mà còn dùng lời nói để hỏi, ngôn ngữ danh từ để diễn đạt thì đó không phải là Pháp; và thầy Na tiên dẫn ngôn để trả lời đối đáp diễn bày về pháp thì đó cũng không phải là Pháp. Vì vậy, năng vấn và sở vấn cả 2 đều vắng lặng; người nêu ra câu hỏi mà không có câu hỏi, và bên người trả lời mà không có câu trả lời.
Xuyên suốt các buổi trò chuyện giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên, chúng ta thấy nội dung luôn được xoay quanh liên quan đề cập đến 2 vấn đề chính yếu, đó là bàn về con người và thế giới dưới lăng kính của Phật giáo hay nói khác là luận về nhân sinh và vũ trụ quan Phật giáo.
2. Cách ứng xử của Tỳ kheo Na tiên trong mọi tình huống
Thầy Na tiên luôn đứng trên quan điểm lập trường của 1 nhà hoằng pháp, lãnh đạo tinh thần, dùng ánh sáng trí tuệ để soi rọi phá tan vào những bức màn đêm bóng tối, vô minh u ám, ngài luôn sẵn sàng trả lời những nghi vấn câu hỏi mà nhà vua đặt ra, nêu ra, dù câu hỏi đưa ra như thế nào, đối với thầy Na tiên khi trả lời đều làm cho đối phương – nhà vua phải cúi đầu thuyết phục.
Nếu nhà vua thật lòng thành tâm, thành ý tha thiết học đạo, hỏi đạo và cầu đạo, thì tôi đây tức là thầy Na tiên luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tiếp, đón nhận và giải trình những khúc mắc, hoài nghi trong tâm tư của nhà vua; còn nếu hỏi đạo mang tính chất hỏi cho vui – hỏi thử, hỏi đố, mang tâm cống cao, ngạo mạn, chê bai, thì đều đó không đem lại lợi ích gì cho đôi bên cả, tốn công mất thời gian. Vì không ai rảnh rang bỏ thời gian, nơi quốc triều, việc nước bề bộn đa đoan, đường xá xa xôi, xe ngựa cùng cận thần tùy tùng đi lại khó khăn mà đến đây hỏi chuyện không đâu vào đâu? Thì đây là điều không phù hợp. Vậy, ở đây nhà vua nếu có tâm ý muốn hỏi (tức là lời giả thuyết) thì tôi tức là thầy Na tiên sẽ trả lời cho vua, nhưng câu trả lời này với 1 trong 2 điều kiện.
Thứ nhất, Xin vâng nếu đức vua sẽ thảo luận như một học giả,
Thứ hai, nhưng nếu thảo luận như một nhà vua thì không.
“If your majesty will discuss as a scholar, yes; but if you will discuss as a king, no.”
Đoạn này trong bản chữ Hán,
那先言。如使王持智慧與我相問者 能相 難。王持驕貴者意 不能相難。
Đại đức Na-tiên đáp: “Nếu như đại vương theo cách nói chuyện của bậc trí giả mà cùng bần tăng vấn đáp thì có thể được. Bằng như theo cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo thì không thể được.”
Trong bản Pāli:
“Sace tvaṃ mahārāja paṇḍitavādā[5] sallapissasi, [6] sallapissāmi. Sace pana rājavādā sallapissasi, na sallapissāmī ”ti.
“Tâu đại vương, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của bậc trí thì tôi sẽ trò chuyện. Tuy nhiên, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của vị vua thì tôi sẽ không trò chuyện.”
Vậy, theo đại vương chọn 1 trong 2 phương án nào bây giờ “nếu ở lại thì nên kiên trì ý chí, còn ra đi thì tiếp tục đấu tranh”, lúc này nhà vua Di-lan-đà không còn do dự, đắn đo gì cả, bởi vì ngay lúc đầu đức vua đã nhận ra được chỗ ưu điểm của thầy Na tiên về trí tuệ, sự uyên thâm hiểu biết thông thạo, tính linh hoạt thông minh của thầy Na tiên như thế nào rồi, không phải là người tầm thường.
Thầy nói rằng lập luận giữa 1 bậc trí giả và vương giả là thế nào? tôi cũng chưa hiểu kỹ lắm ở chỗ này, xin thầy hãy rộng lòng từ bi hoan hỷ giải thích rõ hơn được không? vua nghĩ, tại sao đối với 1 bậc trí giả thì ngài chấp nhận (accept), còn đối với hàng vương giả thì ngài lại từ chối không đồng ý?
Đoạn này trong bản chữ Hán ghi,
王問那先言:智者諸何等類?
Vua hỏi: “Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế nào?”
王復問那先言:王者語何等類。
Vua lại hỏi: “Còn cách nói chuyện của hàng vương giả là như thế nào?”
Trong bản Pāli:
“Kathambhante nāgasena paṇḍitā sallapantī ”ti?
“Thưa ngài Nāgasena, các bậc trí trò chuyện như thế nào?”
“Kathampana bhante rājāno sallapantī ”ti?
“Thưa ngài Nāgasena, thế còn các vị vua trò chuyện như thế nào?”
Trong bản dịch Anh ngữ,
“How is it then that scholars discuss?”
“Học giả thì thảo luận như thế nào?”
“Then how is it that kings discuss?”
“Còn các nhà vua thì thảo luận như thế nào?”
Có 2 trường hợp được trình bày, nêu ra ở đây:
Thứ nhất, đối với cách lập luận, lý giải của 1 bậc trí giả, tức là chỉ cho hàng nhân sĩ, trí thức và
Thứ hai, đối với cách lập luận, lý giải của bậc vương giả tức chỉ cho hàng vua hàng chúa, quan quyền, người lãnh đạo cán công công lý, cầm cân nãy mực.
Để trả lời những thắc mắc, hoài nghi cho vua Di-lan-đà biết về cách nói chuyện – ứng xử của người trí thức là sao? Điều kiện cần và đủ đó là gì? còn đối với cách nói chuyện của hàng vua chúa, quan lại trong lúc trò chuyện đạo lý là như thế nào? Ở đây thầy Na tiên đã vận dụng phương pháp gọi là “loại suy”, có nghĩa là trong câu trả lời đã có hàm ý loại bỏ vế thứ hai, cách nói chuyện của người trí thức là như thế đó, nên tôi đồng ý trả lời trò chuyện với đại vương; còn cách nói chuyện của bậc vương giả là như vậy, nên tôi không bàn luận vấn đề này ở đây với đại vương. Bởi vì thầy Na tiên biết chắc rằng, nếu lý giải theo cách của hàng nhân sĩ trí thức, học giả thì phần thắng sẽ nắm trong tay, luôn đứng trên thế thượng phong, lợi thế nhiều hơn cho thầy Na tiên; còn trò chuyện theo cách của bậc vương giả – vua chúa, thì không khéo ngài sẽ mất mạng như chơi, khi vua không đồng ý, xin mượn cái “thủ cấp” (cái đầu) của thầy, tai hại không chỉ đối với thầy Na tiên đã đành mà còn làm ảnh hưởng liên lụy đối với Tăng chúng và cộng đồng Phật giáo tại chùa San-khế-da nữa thì phải, nên thầy Na tiên đã biết trước điều gì sẽ xảy ra trong khi trò chuyện, thầy đã khéo léo uyển chuyển trả lời cho vua Di-lan-đà về 2 điều kiện đó, đồng thời nhằm trấn an cho nhà vua, chặn đứng những tai hại khuyết điểm sẽ xảy ra đối với vua Di-lan-đà, nêu ra quan điểm của 2 cách trò chuyện này nhưng kết quả hoàn toàn khác nhau.
Còn tiếp…
Tham khảo & chú thích
[1] Xem thêm Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo 2000, tr.19.
[2] IQ, viết tắt của intelligence quotient
[3] Vissajjitan, đã trả lời
[4] Pucchitan, đã hỏi
[5] Paṇḍitavādā, được ghép lại bởi 2 từ, paṇḍita có nghĩa là người thông thái, thông thạo, uyên thâm; còn vādā được hiểu như quan điểm, lập trường. Ngoài ra, paṇḍita là một danh hiệu trong Phật giáo Ấn-độ, được trao cho các học giả đã thành thạo năm môn học (khoa học ngôn ngữ, luận lý, y học, mỹ thuật và thủ công). Trong đó một người có học theo truyền thống được cho là thông thạo.
[6] Sallapi=conversed, trò chuyện, nói chuyện, đàm luận