Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 4: Cuộc Đối Thoại Triết Học Của Bậc Trí Giả (phần 2)

(tiếp theo và hết)

Trong bản chữ Hán, đối với người trí giả, thầy Na tiên trả lời:

那先言:智者談極相詰,語相解,語相上,語相下,語有勝有負,正語不正語,自知是非是。

為最智智者,不用作瞋怒,智者如是。

Na-tiên đáp: “Bậc trí giả khi nói chuyện thì chất vấn lẫn nhau đến cùng cực, giải thích cho nhau để cùng hiểu được vấn đề, khi tranh luận sẵn lòng chấp nhận có hơn có kém, có thắng có bại, có đúng có sai, tự biết nhận ra lý lẽ đúng đắn nhất, sáng suốt nhất.

Bậc trí giả không hề có sự giận dữ, nóng nảy khi tranh luận. Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế.”

Còn đối với bậc vương giả, thầy Na tiên khẳng định.

那先言:王者 語自放恣敢有違戾不如王語者王即強誅罰之,王者語如是。

Na-tiên đáp: “Hàng vương giả kiêu ngạo khi nói chuyện thì hoàn toàn theo ý mình, chẳng cần biết đến luật lệ. Nếu không theo với ý mình, tất sẽ dùng sức mạnh mà đàn áp, trừng phạt. Cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo là như thế.”

Sau khi vua Di lan đà thông qua 2 câu trả lời của thầy Na tiên, lúc này với tâm chí của người cầu học, muốn đc nghe những đạo lý giải thoát, nên đức vua đã chọn cách đàm luận của bậc trí giả, không theo cách nói chuyện của hàng vương giả như những gì mà đức vua đang nắm quyền hành thế lực trong tay của mình.

Chánh văn:

王言:願用智者語,不用王者語 。

Vua liền nói: “Vậy trẫm xin chọn cách nói chuyện của bậc trí giả, không theo cách nói chuyện của hàng vương giả”.

莫復持對王者意與我語與我語。當如與諸沙門語。當如與諸弟子語。當如與諸優婆 塞語。當以與眾沙門給使者語。無得懷恐怖極正心。當相開悟。

Xin đại đức cũng đừng nên nghĩ là mình đang nói chuyện với một vị vua chúa quyền uy. Hãy xem như là ngài đang nói chuyện với các vị sa-môn, với các vị đệ tử, hoặc với hàng cư sĩ học đạo, hoặc như đang dạy dỗ cho hàng sa-môn vậy.  Xin đừng sanh tâm lo sợ, xin lấy tâm chân chánh mà chỉ bày cho trẫm”.

Trong bản Pāli:

“Paṇḍitavādāhaṃ bhante sallapissāmi, no rājavādā. Vissattho bhadanto sallapatu. Yathā bhikkhunā[1]vā sāmaṇerena[2] vā upāsakena[3] vā ārāmikena[4] vā saddhiṃ sallapati, evaṃ vissattho bhadanto[5] sallapatu, mā bhāyatū[6] ” ti.

“Thưa ngài, trẫm sẽ trò chuyện theo lối nói của bậc trí, không theo lối nói của vị vua. Xin Ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện. Ngài trò chuyện với tỳ khưu, với sa-di, với nam cư sĩ, hoặc với người hộ tự như thế nào, xin ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện như thế, chớ lo sợ.”

Vua Di-lan-đà thưa với thầy Na tiên, xin ngài cứ nói một cách tự nhiên như hằng ngày thầy vẫn thuyết giảng cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Sa-di, Sa-di ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di nghe. Chúng ta có bổn phận phải soi sáng cho nhau. Ngài nên yên tâm giảng dạy, chớ e ngại lo sợ gì hết.

Đối với 1 bậc trí tuệ, thấu rõ được nguồn tâm, quán chiếu các pháp chỉ là huyễn mộng giai không, thân thể ngũ uẩn này chỉ là giả tạo cũng chẳng có nghĩa lý gì cả, nên tâm của các ngài không còn phải vướng víu, bận bịu, lo sợ, khiếp nhược trước mọi thế lực quyền uy như những người bình thường, mà tâm của các ngài luôn vững vàng như tảng đá kiên cố, không gió nào lay động được.

 “Quyền uy chẳng khiếp tinh thần. Dục tham chẳng nhớp tâm hồn trắng trong. Khổ nguy vẫn một tấm lòng. Từ bi, đức độ, thong dong tháng ngày.”

Khi tiếp xúc, trò chuyện với người có đầy đủ thế lực, chức tước, danh vọng, địa vị trong đời, quyền sống chết, sinh mạng của người khác nắm trong tay, người trí vẫn luôn giữ tâm trong trạng thái định tĩnh, sáng suốt, xem xét từng cử chỉ, dáng vẻ điệu bộ, từ cái ánh mắt nhìn, các chi tiết biểu hiện, từng câu văn, từng lời của đối tượng đang tiếp xúc với mình như thế nào? luôn thận trọng – chu đáo đến như thế! Bởi vì sao? vì đối với 1 người trong tay không có 1 quyền hạn, quyền lực gì cả, thì làm sao chống lại được, ngăn cản được người có thế lực, vũ khí sát thương gươm đao giáo mác. Ở đây, đại diện cho người vô thế lực là chỉ cho thầy Na tiên, còn người có quyền lực trong đời là chỉ cho vua Di-lan-đà. Cho nên,  cuộc đàm luận này, nếu như thầy Na tiên không rào trước đón sau, biết người biết ta, thì ắt sẽ có mối họa lớn sẽ xảy ra, 1 khi đối phương rơi vào đường cùng ngõ cụt, thì họ sẽ dùng thế lực để lấy lại uy tín danh dự, đó là điều hiển nhiên không thể từ chối được. Cho nên, con người sống ở đời thì phải biết mình là ai, đứng ở vị trí nào, là người như thế nào? đó là người có trí tuệ.   

Nhưng với 1 người có tâm yêu thích Phật pháp, ưu chuộng chơn lý, đạo lý, con  đường giải thoát của bậc Thánh giả, lý tưởng cao vời, thì không ai có thể dùng mọi thứ đam mê thú vui khác để ngăn cản tâm ý của họ; chúng ta thấy, khi vua Di-lan-đà 1 khi đã có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp, thì việc ủng hộ Phật giáo, cúng dường trợ duyên cho hàng xuất gia tu hành được xem như đó là trách nhiệm và bổn phận của 1 người đệ tử tại gia phụng trì Tam bảo vậy, những việc làm của nhà vua, sự phát tâm ủng hộ Phật giáo của vua đã khiến cho mọi người đem tâm lo sợ, lo sợ cái gì? sợ vì cúng dường chư tăng nhiều quá nên không đủ thực phẩm: “…Sáng hôm sau, trời vừa hửng sáng, 4 viên đại thần Nemittiya, Antakàya, Mankura và Sappadinna cùng nhau vào hầu đức vua, đồng tâu rằng:

– Chúng hạ thần nên thỉnh đại đức Na-tiên như thế nào?

– Thỉnh vào thọ thực và giảng đạo.

 – Tâu, cùng bao nhiêu vị tỳ kheo tháp tùng?

– Bao nhiêu vị cũng được, tùy ý đại đức Na-tiên.

Vị đại thần Sappadinna vốn là vị quan thủ khố, muốn tiết kiệm cho hoàng gia, nên tâu rằng:

– Xin đại vương cho phép mời đại đức Na-tiên với cùng mười vị tỳ khưu nữa là lẽ phải.

– Khanh chớ nhiều lời, trẫm đã bảo là hãy để đại đức Na-tiên tùy nghi.

 – Tâu đại vương, nếu lỡ đại đức Na-tiên dẫn theo cả trăm ngàn vị thì vật thực tiêu tốn hằng trăm xe và cả hằng ngàn người phục dịch cũng lo không xuể!

Đức vua chợt nghiêm mặt lại:

– Nhà ngươi thật là bủn xỉn, keo kiệt! Của tiền, vật thực là của hoàng gia chứ không phải là của ngươi mà tính toán, so đo như thế! Trẫm là bậc Đế vương, giàu sang bốn biển; lẽ nào trẫm không lo nổi một bữa ăn cho Tăng chúng chùa Sankheyya hay sao? Các ngươi hãy đi đi, ai lo việc nấy, nếu công việc không chu toàn sẽ bị tội “khi quân” đấy!

Bốn vị đại thần sợ hãi, khấu đầu rút lui. Rồi một vị chuẩn bị xuất kho, vị lo lương thực, vị đi huy động người; còn viên đại thần Antakàya tức tốc lên ngựa đi mời thỉnh đại đức Na-tiên.”[7]

3. Các luận điểm liên quan khác

Từ những cuộc trò chuyện giữa thầy Na tiên và vua Di-lan-đà, như đã luận giải ở trên, thông qua đó chúng ta thấy, trong hàng ngũ xuất gia có những  nhân vật rất nổi tiếng, người đại diện cho tiếng nói lớn của cộng đồng Phật giáo, để đối chất và trả lời thẳng thắn những câu hỏi mang tính phê phán, phê bình, chê bai, chỉ trích, bắt buộc, ép buộc, ràng buộc, thiếu tinh thần tự do bình đẳng trong tôn giáo, đối với Phật giáo, với sự lý giải 1 cách rất cặn kẻ, thấu tình đạt lý, khiến cho hàng vua chúa quan lại, nho sĩ, kể cả những hạng người không phải là Phật giáo, không hữu duyên với Phật giáo cũng phải ngã mũ cúi đầu, khuất phục 1 cách không miễn cưỡng, gọi là “tâm phục khẩu phục”, rồi cuối cùng họ cũng phải chấp nhận những luận điểm của các vị cao Tăng ấy.

Trước nhất, chúng ta bàn về ngài Đạo An, (道安, 312-385), người khởi xướng quan điểm “Sa-môn bất kính vương giả luận” (C. 沙門不敬王者論) và cũng là người kết nối giữa hai phương thức tu học Phật giáo, Thiền (S. Dhyāna) và Trí tuệ (S. Prajñā).

Vài nét nổi bậc của đại sư Đạo An

Đạo An (312-385), người huyện Phù Liễu, Thường Sơn, nay thuộc huyện Ký tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngài không được may mắn như những người khác, lúc nhỏ đã mồ côi cha mẹ, bèn ở với người anh họ, họ Khổng nuôi dưỡng. Ngài là bậc Cao tăng nổi tiếng thời Nam Bắc Triều nhà Ngụy Tấn (220-589). Tướng mạo đen xấu, nên không được mọi người yêu thích, nhưng bù lại ngài có trí tuệ thông minh rất siêu phàm, chỉ cần nhìn qua là biết, đọc qua là nhớ, không sai một chữ, không sót một từ, kể cả từng con dấu câu, đương thời khó ai sánh cùng với ngài được.

Khi xuất gia, sư Phụ trao cho quyển “Trưởng Giả  Biện Ý Kinh”[8] khoảng 5.000 chữ, ngài học thuộc lòng trong 1 ngày làm việc ngoài đồng, khi thời gian nghỉ giải lao. Buổi tối về sư phụ trao cho quyển kinh khác “Thành Cụ Quang Minh Định Ý Kinh” (成具光明定意經 )[9] gần 10.000 chữ, ngài cũng học thuộc lòng.

Các vị thầy của đại sư Đạo An

Phật-đồ-trừng 佛圖澄 (Buddhacinga, 232-348)

Tiếp tăng độ chúng

Ngài Đạo An độ đệ tử hơn 500 người như Trúc Pháp Thái (竺法汰320-387) và Tuệ Viễn (慧遠334-416), người tôn kính là sơ tổ Tịnh độ tông.

Đại sư Đạo An đến Tương Dương truyền Pháp 15 năm, mỗi năm đều giảng Kinh Phóng Quang Bát-nhã. Vua tiền Tần là Phù Kiên đánh chiếm Tương Dương (379), ép mang Đạo An đến Trường An. Đệ tử của Đạo An là Tuệ Viễn cũng nhân dịp này đến định cư nơi Lư Sơn, dựng lập Đạo tràng, giáo hóa đồ chúng, chuyên tu Tịnh Độ, vang danh một thời.

Tốn vạn quân chỉ được một người rưỡi

Sau khi Đạo An đến Trường An (379), vua Tần là Phù Kiên 苻堅 (338-385) nói: “Ta dùng mười vạn (100.000) quân đánh chiếm Tương Dương, kết quả chỉ có được một người rưỡi. Ngài Đạo An là một người, còn Tập Tạc Sĩ là nửa người!” Do đó có thể thấy, Phù Kiên kính trọng Đạo An như thế nào?

Chúng ta cũng cần biết thêm vài điều về mối quan hệ giữa Tập Tạc Sĩ và Thích Đạo An. Tập Tạc Sĩ là một Danh sĩ đương thời, tinh thâm Nho học, rất giỏi văn chương, thi phú. Khi đến thăm Ngài Đạo An, ông tự giới thiệu mình:

Tứ hải Tập Tạc Sĩ (Bốn biển Tập Tạc Sĩ).

Câu này có thể hiểu: Tôi là Tập Tạc Sĩ lừng danh bốn biển! Trong khẩu khí có phần ngạo mạn.

Nghe vậy, Ngài Đạo An liền đáp:

Di Thiên Thích Đạo An (trùm trời Thích Đạo An).

Câu này có ý: Còn tôi là Thích Đạo An, có Phật Pháp bao phủ cả trời!

 Tập Tạc Sĩ tín phục trước sự nhanh trí và sâu sắc của Ngài. Đứng về mặt văn chương, “trùm trời” đối với “bốn biển” là quá chuẩn. Đứng về mặt ẩn ý, “bốn biển” tuy lớn nhưng vẫn nằm trong “vòm trời” trí tuệ Phật Pháp của Thích Đạo An! Sau đó, càng gần gũi, càng bàn luận, Tập Tạc Sĩ càng kính trọng đạo hạnh và tri thức quán thông kim cổ của Đạo An. Tập Tạc Sĩ từng nói: “Đến đây gặp Thích Đạo An hơn xa những Đạo sĩ phi thường. Thầy trò mấy trăm người đều tinh tấn giảng kinh không biết mệt. Đạo An tuy không có thuật biến hóa có thể làm mê mờ tai mắt của thường nhân (thần thông), cũng không có uy lớn thế mạnh (thế lực chính trị) để chỉnh lý sự sai biệt của những người nhỏ, nhưng Thầy trò của Ngài đều trang nghiêm, tôn kính lẫn nhau một cách tự nhiên.”[10]

 Vua Tần Phù Kiên ngoài việc hỏi Phật Pháp, còn thỉnh ý Ngài về việc chính sự. Đạo An với lý niệm “Phật Pháp muốn hưng thịnh, cần phải nhờ vào sự trợ giúp của quốc vương,” nên bất đắc dĩ phải gần gũi, qua lại với vua Tiền Tần. Đạo An hoằng Pháp nơi chùa Ngũ Trùng, Tăng chúng theo học lên đến số vài ngàn người.

Những đóng góp vĩ đại cho sự phát triển Phật giáo

1. Ghi Lại Thư Mục Kinh Phật

Từ đời Hán, Ngụy đến đời Tấn, kinh điển phiên dịch đã nhiều, nhưng người phiên dịch phần lớn không ghi tên. Người sau truy tìm thực khó biết đâu là chơn – ngụy, cũng như niên đại phiên dịch. Đạo An là người đầu tiên giải quyết vấn đề này. Ngài biên quyển Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục (綜理眾經目錄), còn được gọi là Đạo An Lục hay An Lục, xác định niên đại, chú rõ dịch giả, biện biệt chân ngụy, đánh giá ưu liệt, trở thành tiêu chuẩn để những bộ kinh lục đời sau noi theo.

2. Phương pháp nghiên cứu hợp bản

Phương pháp hợp bản là so sánh đối chiếu những bản dịch khác nhau của kinh Phật, nhằm tìm hiểu ý nghĩa mà từ ngữ Phật Pháp diễn đạt trong dòng tư tưởng và văn hóa Phật giáo (within the Buddhist context). Nói khác đi, đây là một cách “dùng kinh giải kinh” (dĩ kinh giải kinh), hay trong ngôn ngữ hiện đại là “dùng Phật Pháp nghiên cứu Phật Pháp.

3. Chia kinh điển làm ba phần    

 Đạo An chia kinh điển ra làm ba phần: Phần tự, phần chánh tông, và phần lưu thông để giải thích văn kinh. Điều này giống hiện nay chúng ta chia một bài luận làm ba phần: giới thiệu, nội dung và kết luận hay mở bài, thân bài và kết bài.

 4. Chế định quy cũ sinh hoạt cho Tăng Ni

Với sinh hoạt Tăng đoàn, đồ chúng đông đảo, nhiều khi đến cả ngàn người, người lãnh đạo phải có quy chế để quản lý và điều hành, nhằm đảm bảo mọi người giới luật nghiêm minh, oai nghi đầy đủ, giúp Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp. Cho nên, Đạo An chế định sách Tăng Ni Quy Phạm (僧尼規範), Phật Pháp Hiến Chương (佛法憲章) để làm quy tắc sinh hoạt và hoạt động cho Tăng đoàn.

 5.  Xác lập họ Thích

Sa-môn thời Ngụy – Tấn[11] của Phật giáo Trung Quốc đều lấy theo họ Thầy nên mỗi người thường có họ khác nhau. Đạo An cho rằng đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị Thầy gốc (bổn sư) cũng là Cha lành (từ phụ) của tất cả người xuất gia. Cho nên, Ngài chủ trương người xuất gia dùng họ Thích. Ngài cũng là người đầu tiên đổi từ Trúc Đạo An thành Thích Đạo An. Ban đầu, cũng có không ít người phản đối, cho là “tiêu tân lập dị” (bày mới lập dị). Nhưng sau khi kinh Tăng Nhất A-hàm được Đàm-ma Nan-đề dịch ra Hán văn năm 384, quả nhiên có câu: “Tứ hà nhập hải, vô phục hà danh. Tứ tánh xuất gia, đồng xưng Thích tử”. Nghĩa là: Bốn sông về biển, bỏ mất tên riêng; bốn họ xuất gia, đồng con họ Thích,” nên mọi người mới lần lần chấp nhận vì hợp với kinh điển.[12] Từ đó, người xuất gia ở Trung Quốc và sau này các nước Đại Thừa Đông Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên … chịu ảnh hưởng của kinh điển Hán truyền, cũng lấy họ Thích làm định chế, đến nay đã hơn một ngàn sáu trăm năm.  

Quan điểm “Sa-môn bất kính vương giả”

Đại sư Đạo An  là người khởi xướng quan điểm Sa-Môn Bất Kính Vương Giả,  với lập luận 3 điểm:

  1. Vua cũng là một con người, chỉ có phước hữu lậu hơn người.
  2. Tăng sĩ là chúng trung tôn, sống đúng giới hạnh nên siêu việt 3 cõi.
  3. Gọi là Tăng bảo vì không màng phước hữu lậu trời người. Nương vào phước hữu lậu chỉ để làm phương tiện độ chúng sinh.

Tư tưởng này được nhóm Liên xã niệm Phật của đại sư Huệ viễn (慧遠, 334-416) ở Lô Sơn tán thành.

Vào năm 404, Huệ viễn soạn bộ luận “Sa-môn bất kính vương giả luận” (沙門不敬王者論) để phản đối lý lẽ học thuyết của Hoàn Huyền (桓玄).

Duyên do

Năm 402 triều vua An Đế, Hoàn Huyền tự phong Thái Úy, chuyên đoán triều chính, hạ lệnh sa thải những người chống ông trong hàng ngũ Tăng ni, tức là thanh lọc Tăng ni. Hoàn huyền làm thư kiến nghị gửi cho 8 cơ quan của triều đình và cả ngài Huệ Viễn ở Lô sơn nữa, bắt buộc giới xuất gia, tức Sa-môn, phải kính bái vua chúa như tất cả mọi người dân khác trong nước. Cho rằng, tăng ni “hư hỏng” và làm phát sinh nhiều “tệ trạng,” cần phải thanh lọc, chỉ giữ lại ba hạng tăng ni như sau :

(1) Người có thể giảng giải về Kinh điển, xướng nói lên nghĩa lý;

(2) Người tu hành nghiêm ngặt, giữ giới không khuyết, thường ở nơi A-lan-nhã (S. Araịya; P. Araĩĩa, nơi thanh tịnh vắng lặng);

(3) Người tu dưỡng trên núi, không làm các chuyện thế gian.

Khi hạ lệnh như thế, Hoàn Huyền cũng có gửi thư hỏi ý kiến của tổ Huệ Viễn. Tổ không phản đối chuyện thanh lọc, còn cho đó là điều hay, song Tổ đề nghị thêm ba hạng Tăng ni nữa cũng phải được bảo hộ:

(1) Người tu trì thiền định vào sâu (thiền tư nhập vi);

(2) Người tụng kinh và học pháp (phúng vị di điển);

(3) Người xây tháp, tạo tượng, đúc chuông, thờ Phật (hưng kiến phúc nghiệp).

Huệ viễn cho rằng có người tụng kinh nhiều mà không biết giảng giải và các vị niên lão mà không phạm điều tội gì to lớn, thì cũng phải được bảo hộ không nên thanh trừ, và tất cả những người tu “phước” cũng đều được phép ở lại tu hành. Ngoài ra, ngài Huệ viễn mong rằng các con cháu tộc tính, vương giả cũng đều được tự do xuất gia. Nên đã dấy lên một trào lưu mạnh mẽ hướng về Phật pháp, khiến cho tầng lớp Nho sĩ, trí thức Trung Hoa  phải có cái nhìn mới về Đạo Phật.

Từ những cách lý giải lập luận của tổ Huệ Viễn thực sự quá chính xác, sắc bén và dứt khoát, khiến Hoàn Huyền đành phải chịu khuất phục, nên ngay vào năm sau đó (403), khi Hoàn Huyền soán ngôi xưng đế, đã đặc biệt hạ chiếu chấp thuận chính thức cho Sa-môn không cần phải lễ kính vương giả.

Tuy vậy, mặc dù đế triều của Hoàn Huyền rất vô thường, mùa xuân năm 404, Lưu Dụ khởi binh công phạt và giết chết Hoàn Huyền, phò Tấn An Đế trở lại ngôi cửu ngũ, tổ Huệ Viễn, vì dư biết rằng Nho giáo sẽ luôn nắm quyền bính chính trị, cai trị xã hội, ảnh hưởng chính đối với các vua chúa, mà lại luôn luôn bất an và phiền động đối trước vấn đề xuất gia và đời sống xuất gia của Sa- môn, thế nên Tổ vẫn quyết định soạn luận “Sa Môn Bất Kính Vương Giả”, gồm năm thiên, cốt để vĩnh viễn giải quyết vấn đề này, cho các vua chúa, các vương giả đời sau nếu có khơi lại đề tài này, thì sẽ có giải đáp nơi đây rồi. Cuối lời tựa của bộ luận này, Tổ bày tỏ: “… ngẫm mà sợ đại Pháp bị trầm luân, ngại chuyện trước (tức chuyện Sa môn đối với vua)vẫn chẳng nguôi, nên mới viết luận năm thiên này, cứu xét trình bày nên cái ý tinh vi. Nào phải vực sâu mà đợi sương sớm (ý nói luận của mình chẳng là bao so với pháp của Phật),chẳng qua chỉ muốn nêu lên cái chỗ không cùng của Pháp, và cũng mong sao các bậc quân tử đời sau, những người sùng kính Phật giáo, xin tường lãm cho vậy !”.

IV. Kết luận

Người học Phật chúng ta muốn có cái nhìn của bậc trí giả thì nên nhớ chuyện đức Phật dạy ngài Ma-ha Ca-diếp, lần đầu tiên khi tôn giả Ma-ha Ca-diếp (Mahā Kaśyapa) vừa gặp đức Phật, ngài đã bị Đức Phật giáo giới về 3 tính ngã mạn của ngài, thay cho hình thức thọ giới Tỳ-kheo:

  1. Ngã mạn về thọ sanh, dòng tộc (jātimāna).
  2. Ngã mạn về kiến thức, hiểu biết (ñāṇadiṭṭhimāna).
  3.  Ngã mạn về sắc thân xinh đẹp (kāyamāna).

Đó cũng là phong cách của bậc trí giả trong việc tu hành  và  cách đối nhân xử thế để làm lợi ích cho người cho đời vậy.

Tham khảo & chú thích

[1] Bhikkhunā = P. Bhikkhu; S. Bhikṣu; E. Monk; T.  Gelong; C. 比丘; Tỳ-kheo <=> P. Bhikkhunī, S. Bhikṣuṇī; T.  Gelongma; C. 比丘尼; Tỳ-kheo ni.

[2] Sāmaṇerena = P. Sāmaṇerena;  S. Śrāmaṇera; E. Novice monk; T. Dge-tshul; C. 沙彌; Sa-di

[3] Upāsakena; E. Lay devotee  hoặc devout lay follower; Tín đồ; S, P. Upāsaka; C. 近事男; Cận sự nam, Ưu bà tắc, Nam cư sĩ, nam Phật tử <=> S, P. Upāsikā; C. 近事女; Cận sự  nữ,  Ưu bà di, nữ cư sĩ, nữ Phật tử.

[4] Ārāmikena=người hộ tự; E. Belonging to a monastery.

[5] Bhadanto, Venerable =Đại đức

[6] Bhāyatū, afraid, fears=lo sợ, sợ hãi, lo ngại, lo lắng, bâng khuâng, hồi hộp, phấp phỏng, bồn chồn, thắc thỏm, thấp thỏm.

[7] HT Giới Nghiêm (dịch), Kinh Mi Tiên vấn đáp, Nxb Tôn giáo, 2003, các tr. 115-116.

[8] Xem 《辯意長者子經》CBETA 電子版 版本. 大正新脩大正藏經 Vol. 14, No. 544.

[9] Xem 《佛說成具光明定意經》CBETA 電子版 版. 大正新脩大正藏經 Vol. 15, No. 630.

[10]《高僧傳》「來此見釋道安。故是遠勝非常道士。師徒數百齋講不倦。無變化伎術可以惑常人之耳目。無重威大勢可以整群小之參差。而師徒肅肅自相尊敬。洋洋濟濟乃是吾由來所未見。」Cao Tăng Truyện, Đại Chánh Tạng, q. 50, kinh 2059, tr. 352c.

[11] Thời Ngụy – Tấn, họ Tào phế vua Hán lập nên nhà Nguỵ (220-264), sau bị Tư Mã Chiêu phế. Chiêu diệt Thục và Ngô dựng nên nhà Tấn (255-419). Tấn giữ ngôi được khoảng 150 năm, nhưng thế suy, Ngũ Hồ (năm rợ Hồ phương Bắc) đem quân vào chiếm hết lưu vực sông Hoàng Hà, nhà Tấn phải dời đô xuống phương Nam (Đông Tấn) rồi bị Tống cướp ngôi.

[12] Cao Tăng Truyện《高僧傳》「後獲增一阿含。果稱四河入海無復河名。四姓為沙門皆稱釋種」Đại Chánh Tạng 50, kinh 2059, tr. 353a-c.

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo