Bài 1: Giới Thiệu Tổng Quan Kinh Tứ Thập Nhị Chương
I. Sơ lược bối cảnh lịch sử Phật giáo du nhập Trung Quốc và kinh Tứ thập nhị chương
Nói đến kinh Tứ thập nhị chương, có nghĩa là nói đến cái mốc thời gian quan trọng của Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Ngày nay, các nhà học giả Phật giáo, các nhà sử học Tây phương căn cứ vào các công trình khảo cổ có giá trị và các tác phẩm quan trọng như: Xuất Tam Tạng Ký Tập, Hậu Hán Thư, Phật Tổ Thống Ký, Hoằng Minh tập, Chúng Kinh Mục Lục, Khai Nguyên Thích Giáo Lục, Lịch Đại Tam Bảo Ký, Cao Tăng Truyện và các tư liệu liên quan khác đã chứng minh được rằng Phật giáo du nhập vào Trung Quốc vào hậu bán thế kỷ I S.TL.
Về phương diện địa lý: người ta có thể từ Ấn-độ đến Trung Quốc bằng cả đường bộ lần đường thủy. “Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc”[1] viết rằng: trước hết, từ Ấn-độ Phật giáo được truyền vào nước Đại Nhục Chi (Tukhàra) An Tức (Parthia) thuộc Bắc Ân, sau đó phát triển sang vùng Tây Vực và cuối cùng đến Trung Quốc. Theo tác phẩm trên, các nước thuộc Tây Vực nằm rải rác quanh sa mạc Takla-makan, dọc theo chân của ba dãy núi Thiên Sơn, Côn Lôn, và Thông Lĩnh mà hợp thành. Con đường xuyên qua vùng này là lộ trình trọng yếu nối kết hai nền văn hóa Trung-Ấn. Từ Tây Vực người ta có thể đi đến Ấn-độ bằng hai con đường: một từ phía Bắc và một từ phía Nam.
Nếu đi từ phía Nam, người ta sẽ khởi hành từ Đôn Hoàng và Ngọc Môn thuộc địa phận Trung Hoa, dọc theo phía Bắc núi Côn Lôn đi qua các nước như Lop-Nor, Khotan, Yarkand và đến Kashgar. Từ Kashgar người ta đi dọc theo phía Tây núi Thông Lĩnh, rẽ về phía Nam nối kết với ngã đường Bắc Ấn-độ.
Nếu đi từ phía Bắc, người ta cũng khởi hành từ Đôn Hoàng, Ngọc Môn rồi đi dọc theo chân núi phía Nam của dãy Thiên Sơn, xuyên qua các nước Hàmi (Y Ngô), Turfan (Cao Xương), Karashar (Yên Kỳ), Kuccha (Khâu Tư), Aksu (Cô Mặc), Ush (Ôn Túc), đến Kashgar, nối liền với con đường ở phía Nam Ấn-độ.
Theo nghiên cứu của Kenneth K.S. Ch’en[2], cho thấy rằng Phật giáo có thể từ Kasmir sang Trung Quốc bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Vào thế kỷ thứ II và thứ I Tr.TL; nếu chọn cuộc du hành bằng đường bộ, người ta thường khởi hành từ phía Bắc Ấn-độ. Đầu tiên, họ bắt đầu cuộc hành trình đến đến Peshawar[3] dọc theo Bamiyan[4] thuộc Afghanistan và vượt dãy Hindukush đến Balkh.[5] Từ Balkh lộ trình này sẽ dẫn người bộ hành băng qua vùng Pamirs để đến Kashgar (Sớ-lặc). Tại chỗ dừng chân này có rất nhiều tu viện Phật giáo để khách du hành có thể nghỉ ngơi sau một chuyến hành trình dài vượt núi trèo đèo từ Ấn-độ. Khi muôn rời Kashgar, khách bộ hành phải chọn lựa một trong hai con đường đi vào Trung Hoa.
Nếu chọn hướng Nam: họ sẽ dọc theo mép rừng thuộc phía Nam và Nam lộ này sẽ đưa khách bộ hành đi qua một loạt các địa phương phồn thịnh, trong số đó Khotan (Vu Điền) là trung tâm quan trọng hơn hẳn các vùng khác.
Nếu chọn lộ trình hướng Bắc: họ sẽ đi dọc ven rừng phía Bắc của sa mạc Takla-makan. Chuyến hành trình này sẽ băng qua một số nước như Kuccha (Khâu Tư), Karashar (Yên Kỳ) và Turfan (Cao Xương) rẽ sang Đôn Hoàng vào Trung Quốc.
Câu chuyện từ giấc mơ của vua Hán Minh Đế[6] (29-75 S.TL), thì Niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 khoảng năm 67 S.TL, vua Hán Minh Đế có một đêm nằm mộng thấy một người vàng hào quang rực rỡ, đến từ phương Tây[7] làm rạng rỡ cả cung đình (place).
Nhân ở giấc mộng này, vua đoán biết có Phật giáo ở phương Tây tức Ấn-độ, do đó Vua sai tướng Thái Hâm, Vương Tuân, Tần Cảnh và phái đoàn gồm 18 người, đi đến phương Tây để thỉnh tượng Phật về thờ.
Trên đường đi đến Ấn-độ, ngang qua Tukhàra (Đại Nhục Chi), phái đoàn đã gặp hai ngài Phạm Tăng là Ca-Diếp-Ma-Đằng (Kāśyapa-mātaṇga) và Trúc-Pháp-Lan (Dharmaraksa) đang chở kinh và tượng Phật bằng Bạch Mã đi về phía Đông, do đó phái đoàn cung thỉnh hai Ngài đến Trung Quốc.
Khi hai Ngài và phái đoàn về đến Trung Quốc, vua Hán Minh Đế lấy làm hoan hỷ mừng rỡ, liền xây dựng chùa Bạch Mã (Bạch Mã Tự)[8] ngay tại kinh đô Lạc Dương (洛 陽)[9] – ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc để thờ Phật, và làm nơi tàng trữ kinh điển cũng như phiên dịch Đại Tạng.
Ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa-mātaṇga) quê ở Trung-Ấn, Ngài học giỏi, nhớ lâu, đạo hạnh trác tuyệt, siêu việt và Ngài thường trì tụng kinh Surannaprapha’sa (Kinh Kim Quang Minh).
Ngài Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), cũng là người Trung-Ấn, giới luật rất tinh nghiêm, sạch như băng tuyết.
II. Tổng luận kinh Tứ thập nhị chương
1. Về tác giả và xuất xứ
Theo các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng: kinh Tứ Thập Nhị Chương thường được xem là bộ kinh Phật giáo đầu tiên của Ấn-độ được dịch sang chữ Hán. Theo truyền thống, bản kinh được dịch bởi hai vị Sa-môn: Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa-mātaṇga, 迦葉摩騰) và Trúc Pháp Lan Dharmaratna, 竺法蘭) đồng dịch, vào năm 67 sau Công nguyên. Do sự liên kết của bản kinh với sự du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc, nên bộ kinh này có một địa vị rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo ở Đông Á.
2. Niên đại
Theo Hậu Hán thư và Lý Hoặc Luận, Hán Minh Đế (29-75 S.TL) được cho là đã mơ thấy một “người vàng” và được quan viên của mình xác định đó là hình dạng Đức Phật. Sau đó, Hoàng đế ra lệnh cho một sứ giả tên là Trương Khiên cùng quan Vũ Lâm trung lang tướng đem 12 người gồm Tần Cảnh cùng tiến sĩ (bác sĩ) đệ tử Vương Tôn đi về phía tây để tìm kiếm vị Phật này. Các tài liệu sau đó bổ sung thông tin khi các sứ thần trở về, dẫn theo hai vị Sa-môn Ấn-độ là Kasyapa Matanga và Dharmaratna, cùng với các kinh điển. Khi họ đến kinh đô Lạc Dương, hoàng đế đã cho xây dựng chùa Bạch Mã làm nơi để các vị tăng sĩ này trú ngụ và dịch kinh Phật.
Hai ngài đã dịch sáu bản kinh, gồm: Pháp Hải tạng kinh (法海藏經), Phật bổn hạnh kinh (佛本行經), Thập địa đoạn kết kinh (十地斷結經), Phật bổn sinh kinh (佛本生經), Nhị bách lục thập giới hợp dị (二百六十戒合異), và Tứ thập nhị chương kinh. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Tứ thập nhị chương còn tồn tại, còn 5 bản trước bị thất lạc. Nhìn vào các bản kinh của hai Ngài phiên dịch, cũng đủ để thấy rằng, Phật học Đại thừa của hai Ngài uyên thâm bác lãm đến chừng nào và hạnh nguyện Bồ-tát tuyên dương chánh pháp của hai Ngài rạng rỡ xán lạn như thế nào?
3. Các tên gọi khác
Ngoài tên gọi Tứ Thập Nhị Chương Kinh, còn có tên gọi khác, Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh (佛說四十二章經).
4. Các bản truyền dịch
1- Tứ thập nhị chương kinh, tập 20/ Đại tạng kinh Cao ly, từ trang 891-893.
2- Tứ thập nhị chương kinh, số 784, tập 17/Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK ĐCTT).
3- Chú Tứ thập nhị chương kinh, số 1.794, tập 39/ĐTK ĐCTT. Tống Chân Tông chú. Bản này cũng có mặt trong tập 59/Vạn tục tạng.
4- Tứ thập nhị chương kinh chú, tập 59/Vạn tục tạng. Tống, Sa-môn Cổ Linh Liễu Đổng bổ chú.
5- Tứ thập nhị chương kinh giải, tập 59/Vạn tục tạng. Minh, Ngẫu Ích đại sư viết.
6- Tứ thập nhị chương kinh chỉ nam, tập 59/Vạn tục tạng. Thanh, Sa-môn Phú Sa Thích Đạo Bái thuật.
7- Tứ thập nhị chương kinh sớ sao, tập 59/Vạn tục tạng. Thanh, Từ vân Sa-môn Tục Pháp, thuật.
8- Tứ thập nhị chương kinh giảng lục, Dân Quốc, Thái Hư toàn thư.
9- Phật Tổ tam kinh, Bản biệt hành. Tống, Đại Hồng Từ Tổ, Sa-môn Thủ Toại chú.
Theo kết quả khảo sát và phân loại của các nhà nghiên cứu Phật học, thì trong 9 tác phẩm vừa nêu, thực tế phát xuất từ hai nguồn tư liệu chính. Thứ nhất, đó là bản kinh Tứ thập nhị chương mang số 784, tập 17/ ĐTKĐ CTK. Thứ hai, là bản của Sa-môn Thủ Toại, trong tác phẩm Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh, nằm trong bản biệt hành Phật Tổ tam kinh.
5. Các bản dịch và chú giải
Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dịch và chú giải bởi những vị học giả danh tiếng qua nhiều thời đại sau đây:
Tại trung hoa
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hợp dịch đời Hậu Hán, (67 T.L) (sơ dịch).
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Ngô Chi Khiêm dịch, sau bản sơ dịch vài năm.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Hiếu Minh Hoàng đế, đời Tiền Tấn.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Tống Chân Tông Hoàng đế, chú giải (960, T.L).
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, sa môn Thủ Toại đời Minh (chú giải), sa môn Liễu Đồng bổ chú.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Giải, sa môn Trí Húc đời Minh chú giải.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chỉ Nam, sa môn Đạo Bái đời Minh soạn.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Sớ Sao 5q, sa môn Tục Pháp thuật.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Thái Hư Đại sư chú giải (1941).
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Đinh Phúc Bảo chú giải (1959).
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam cũng có một số bản dịch như:
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Giao Châu, tk I.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Khoa Chú, đời Trần (1225-1400).
- Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản (1939-1945).
- Thích Hoàn Quan (chú giải), Kinh Bốn Mươi Hai Chương Giải Thích, (1963).
- Thích Thanh Cát (dịch), Kinh Bốn Mươi Hai Chương, (1965).
- Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Bồ đề Chợ Lớn dịch (1967).
- Đoàn Trung Còn (dịch chú), Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Trí Đức Tòng Thư xuất bản (1971).
- Thích Thái Không (dịch), Kinh Những Điều Phật Dạy, (1978).
- Thích Tâm Châu (dịch), Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
- Thích Tuyên Hóa, Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, USA, 2006.
- Thích Chúc Phú, Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đối Chiếu & Nhận Định, Nxb Hồng đức, 2019.
- Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Giáo trình Trung cấp Phật học, Nxb Hồng đức, 2018.
- Thích Viên Lý (dịch và giảng), Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
- Thích Trí Quang (dịch), Kinh Bốn Mươi Hai Bài, Nxb Tôn giáo, PL 2537.
- Thích Nhật Từ, Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Nxb Thời đại, 2010.
- Một số bản khác như các bản của HT. Minh Thông, HT. Từ Thông, HT. Pháp Chiếu, TT. Vĩnh Hóa v.v…
Theo Hòa thượng Thích Trí Quang thì Kinh Tứ Thập Nhị Chương có hai bản chính, gọi tắt là bản A và bản B. Bản A là bản xưa nhất nằm trong Ðại Tạng Kinh, bản Ðại Chính, quyển 17, trang 722-724 có vào khoảng thời Hậu Hán hoặc Tam Quốc. Bản B là bản hiện đang lưu hành, nằm trong Thái Hư Toàn Thư, tập 6, trang 1-74. Bản B này được sửa chữa từ bản A mà thành, có sớm nhất cũng vào đầu nhà Tống.
Bản dịch Anh ngữ
The Sutra in forty-two sections spoken by the Buddha
6. Thể loại
Trong 12 bộ kinh hay 12 thể loại kinh điển (thập nhị bộ loại chơn kinh) như đã đề cập rất nhiều trong kho tàng văn học Phật giáo; Tứ thập nhị chương kinh cũng không ngoại lệ, về thể loại kinh văn của bản kinh nầy là Vô vấn tự thuyết, mở đầu bằng hai chữ rất thân quen, gần gũi: Phật Ngôn, Việt dịch là Đức Phật dạy rằng …
Tứ Thập Nhị Chương Kinh, có đến 37 chương trên số 42 chương là loại hình Vô vấn tự thuyết, 5 chương còn lại thì bắt đầu bằng ngữ thoại vấn đáp, trong đó có đến 4 chương (13, 14, 15 và 34), đương cơ tham vấn là hàng Sa-môn xuất gia, chỉ có chương 26, đương cơ thời pháp là thiên ma ngoại đạo.
Ngoài ra, kinh văn còn mang thể loại Thí dụ, như các chương 7, 8, 10, 13, 16, 17, 21, 22, 25, 27, 30, 33, 34, 35, 39, 40, 41.
7. Bố cục
Bản nguyên tác Tứ Thập Nhị Chương Kinh bằng chữ Sanskrit (Phạn ngữ) được trích tuyển có chọn lọc và rất đặc sắc từ các bản kinh Bắc tạng, nằm rải rác trong các Kinh Tăng Nhất A-hàm (Tăng Chi), Tạp A-hàm (Tương Ưng) và Pháp cú. Nó không phải là một quyển kinh theo nghĩa truyền thống của pháp hội, mà là công trình kết tập công phu của các vị Thánh đệ tử người Ấn (giống trường hợp góp nhặt đa dạng của Kinh Pháp Cú) do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hợp dịch ra Trung văn. Mỗi một chương kinh văn được trích dịch hoặc lược dịch từ một bài kinh nào đó trong kinh hệ Bắc tạng, đánh theo số thứ tự từ chương 1 đến chương 42 mà không có tựa đề của từng chương. Như vậy, 42 Chương là được trích dịch hoặc lược dịch từ 42 bài kinh khác nhau.
Về nội dung, mỗi chương mang một sắc thái giáo dục độc lập, đa dạng nhưng cùng hướng đến một mục tiêu nhất quán là giúp mọi hành giả trau dồi đạo đức nhân bản, đạo đức phạm hạnh, hướng đến hạnh phúc giải thoát. Tuy nhiên, có một số chương mang ít nhiều bản sắc Bắc tông mà trong Nam tông với năm bộ Nikaya hay bốn bộ A-hàm tương đương không có.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương bao gồm một đoạn mở đầu ngắn (chương mở đầu) và 42 chương ngắn, phần lớn gồm những lời trích dẫn của đức Phật. Hầu hết các chương bắt đầu bằng “Phật nói…” (佛言…), nhưng một số chương cung cấp bối cảnh của một tình huống hoặc một câu hỏi được đặt ra cho đức Phật. Như chương 38: Ðức Phật hỏi một vị Sa môn: “Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?”. Ðáp rằng: “Trong vài ngày”. Phật nói: “Ông chưa hiểu đạo”. Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác: “Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?”. Ðáp: “Khoảng một bữa ăn”. Phật nói: “Ông chưa hiểu đạo”. Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: “Sinh mạng con ngƣời tồn tại bao lâu?”. Ðáp: “Khoảng một hơi thở”. Phật khen: “Hay lắm! Ông là người hiểu Ðạo”.
8. Các nghi vấn
Không rõ liệu bản kinh gốc tồn tại trong tiếng Phạn ở dạng này hay là một tập hợp của một loạt đoạn trích từ các tác phẩm kinh điển khác theo cách như Luận ngữ của Khổng Tử chẳng hạn. Giả thuyết thứ hai này cũng giải thích sự giống nhau của việc lặp đi lặp lại “Phật nói…” (Phật ngôn…) và “Thế tôn nói” quen thuộc trong các văn bản Nho giáo, và có thể là khuynh hướng tự nhiên nhất của các dịch giả Phật giáo trong môi trường Nho giáo. Trong số những dịch giả dựa trên một tác phẩm tiếng Phạn tương ứng, và được coi là cổ hơn so với các Kinh điển Đại thừa khác, vì văn phong đơn giản và phương pháp tự nhiên. Các nhà nghiên cứu, học giả cũng có thể tìm thấy những câu cách ngôn có trong bản kinh này qua nhiều kinh điển Phật giáo khác như: Trường bộ (Digha), Trung bộ (Majjhima), Tương ưng (Samyutta), Tăng chi (Anguttara Nikaya) và Đại phẩm (Mahavagga).
9. Phổ biến trong Phật giáo hiện đại
Kinh Tứ Thập Nhị Chương rất nổi tiếng trong Phật giáo Đông Á ngày nay. Bản kinh cũng đã đóng một vai trò trong việc truyền bá Phật giáo sang phương Tây. Shaku Soen (1859-1919), thiền sư Nhật Bản đầu tiên hoằng pháp ở phương Tây, đã thuyết giảng một loạt bài pháp thoại dựa trên kinh này trong chuyến du hành đến Mỹ năm 1905-1906. John Blofeld (1913-1987), cũng đã dịch bản kinh này sang tiếng Anh và giới thiệu trong một loạt bài giảng bắt đầu vào năm 1947.
10. Giải thích niên hiệu và dịch giả
後漢 迦葉摩騰 竺法蘭 同譯 (được dịch bởi ngài Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan vào thời Hậu Hán).
a. Hậu Hán (後漢): là tên một triều đại ở Trung Quốc, còn gọi là nhà Đông Hán (25-220 S.TL). Nói đến Trung Quốc, có thể được xem đây là một Quốc gia có nền văn hóa cổ xưa, lịch sử lâu đời nhất, tục ngữ nói: “một bộ hai mươi bốn sử, không biết bắt đầu từ đâu? Lịch sử của Trung Quốc đã gần 5000 năm, nếu chúng ta muốn nói về nó, không biết bắt đầu nói từ khi nào!
b. Ca-diếp-ma-đằng (迦葉摩騰) và Trúc-pháp-lan (竺法蘭): Ca-diếp và Trúc là họ; còn Ma-đằng và Pháp-lan là tên.
c. Đồng dịch (同譯) cùng dịch: đồng có nghĩa cùng chung, dịch là dịch. “Kinh Bốn Mươi Hai Chương” này đã được hai bậc thầy, Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan cùng nhau dịch từ tiếng Phạn (Sanskrit) sang tiếng Trung Hoa.
III. Kết luận
Từ các nguồn thư tịch đã cung cấp, giúp cho giới nghiên cứu cũng như người học có một cái nhìn chân xác thực tế vào giáo lý vô thường, khổ, vô ngã; phản ánh đầy đủ toàn bộ quá trình hoằng pháp của đức Phật trong suốt 49 năm, từ các cấp độ nhỏ đến lớn, từ cạn đến sâu.
Điều đáng chú ý: đức Phật không nói kinh này trong một Pháp hội đặc biệt nào, nhưng sau khi đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, được các vị Thánh đệ tử đã biên soạn một số cách ngôn mà Ngài đã nói trong suốt cuộc đời của Ngài một cách có hệ thống. Đây gọi là “Phật Ngôn”. Một đoạn nào đó được đức Phật thuyết giảng gọi là một chương, và tổng cộng có bốn mươi hai đoạn đã được chọn và biên soạn thành “Tứ thập nhị chương kinh” (kinh Phật nói bốn mươi hai chương). Cho nên, bản kinh này không thể nói chỉ là Tiểu thừa Phật giáo, Nguyên thủy Phật giáo; cũng không thể nói chỉ có Đại thừa Phật giáo hay Phật giáo phát triển, mà có sự liên hệ mật thiết giữa tư tưởng Nikāya và A-hàm hay giáo lý Nguyên thủy cũng như Đại thừa.
Toàn bộ nội dung của “Kinh Bốn Mươi Hai Chương” này tràn đầy cảm hứng cho cuộc sống thực tế đối với người tu học Phật, có thể nói đó là con đường giải thoát hướng dẫn hành giả tu thân, hành trì, đối nhân xử thế, và cũng là đạo lộ hướng đến Phật quả giải thoát, Niết-bàn giới.
Tham khảo
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Giao Châu, tk I.
- Tứ Thập Nhị Chương Kinh Khoa Chú, đời Trần (1225-1400).
- Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản (1939-1945).
- Thích Hoàn Quan (chú giải), Kinh Bốn Mươi Hai Chương Giải Thích, (1963).
- Thích Thanh Cát (dịch), Kinh Bốn Mươi Hai Chương, (1965).
- Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Hội Bồ đề Chợ Lớn dịch (1967).
- Đoàn Trung Còn (dịch chú), Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Trí Đức Tòng Thư xuất bản (1971).
- Thích Thái Không (dịch), Kinh Những Điều Phật Dạy, (1978).
- Thích Tâm Châu (dịch), Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
- Thích Tuyên Hóa, Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, USA, 2006.
- Thích Chúc Phú, Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đối Chiếu & Nhận Định, Nxb Hồng đức, 2019.
- Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Giáo trình Trung cấp Phật học, Nxb Hồng đức, 2018.
- Thích Viên Lý (dịch và giảng), Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
- Thích Trí Quang (dịch), Kinh Bốn Mươi Hai Bài, Nxb Tôn giáo, PL 2537.
- Thích Nhật Từ, Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Nxb Thời đại, 2010.
- Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, THPG TPHCM, 1991.
- Thích Viên Trí, Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc, Nxb Tổng Hợp Tp.HCM, 2006.
- 宋.真宗,《四十二章經御注》,一卷,大藏第三十九冊
- 宋.守遂;明.了童(補注),《四十二章經注》,一卷,《卍續藏》第五十九冊
- 明.蕅益大師,《四十二章經解》,一卷,《卍續藏》第三十七冊
- 清.續法大師,《四十二章經解疏鈔》,一卷,《卍續藏》第三十七冊
- 民國.太虛大師,《四十二章經講錄》,一卷,大虛大師全集第六冊
- 尚榮,《四十二章經》,2012年,聯經出版
- 太虛法師, 太虛大師全書, 宗教文化出版社, 2004.
- The Sutra in forty-two sections spoken by the Buddha.
- Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China: A historical survey, Princeton University Press, New Jersey, 1964.
- Erik Zürcher, The Buddhist Conquest of China: The Spread and Adaptation of Buddhism in Early Medieval China, Printed in the Netherlands, 1972.
Chú thích
[1] Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phât Giáo Trung Quốc, THPG TPHCM ấn hành, 1991, tr. 21.
[2] Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China: A historical survey, Princeton University Press, New Jersey, 1964.
[3] Là trung tâm hành chính và kinh doanh của các khu vực bộ lạc liên bang quản lý của Pakistan.
[4] Thị trấn nằm ở miền trung Afghanistan . Nó nằm khoảng 80 dặm (130 km) về phía tây bắc của thủ đô Kabul, trong thung lũng Bamiyan, ở độ cao 8.495 feet (2.590 mét).
[5] Là một thị trấn ở tỉnh Balkh của Afghanistan.
[6] Hán Minh Đế tên là Lưu Trang, con trai thứ tư của Hán Quang Võ Đế.
[7] Phương tây ở đây là chỉ về hướng Tây Vức, Thiên Trúc, tức ngày nay là Ấn-độ.
[8] Xem http://chuamaisonvinhan.org/y-nghia-ten-goi-cua-ngoi-chua-duoi-goc-do-lich-su/
[9] Kinh đô Lạc Dương là một trong ba Trung tâm Phật giáo lớn nhất vào thời nhà Hán. 1- Trung tâm Bành Thành thuộc vùng hạ lưu Dương tử ở phía Đông Trung Hoa; 2- Trung tâm Lạc Dương tại kinh đô nhà Hán; 3- Trung tâm Luy Lâu (Tonkin) thuộc địa phận Giao Châu (Việt Nam ngày nay) về phía Nam Trung Hoa.