Kinh Tứ Thập Nhị Chương Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 2: Giải Thích Đề Kinh

I. Tên kinh

Phạn ngữ: Buddhavacana-chatvaarimshat-dvi-varga-sūtra

(बुद्धवचन – चत्वारिंशत् – द्वि – वर्ग –  सूत्र)

Pāli ngữ: Buddhavacana-cattālīsā-dvi-vagga-sutta

Anh ngữ: The Sūtra in forty – two sections spoken by the Buddha

Hán ngữ: 佛說四十二章經

Phiên âm: Phật thuyết tứ thập nhị chương kinh

Dịch nghĩa: Kinh Phật nói bốn mươi hai chương

II. Ngũ trùng huyền nghĩa

Theo Đại Sư Trí Khải (538-597) của tông Thiên Thai: Muốn giải thích kinh điển Đại Thừa phải dựa vào năm nghĩa huyền diệu (ngũ trùng huyền nghĩa, 五重玄義); năm nghĩa huyền diệu đó là:

1. Thích danh 釋 名: thích nghĩa là giải thích, danh nghĩa là tên; thích danh nghĩa là giảng giải tên kinh. Kinh này thuộc thể loại Nhân Pháp Lập Đề, tức là dùng tên của người giảng pháp và tên của pháp được nói ra, để lập thành tên đề của bộ kinh; trong đó, “Phật” là người và “Tứ Thập Nhị Chương” là pháp.

Bộ kinh này chứa đựng giáo pháp do chính đức Phật thuyết giảng. Về sau, trong thời kỳ kết tập kinh tạng, các đệ tử của Ngài đã kết nối từng chương một lại với nhau để hình thành một bộ kinh, và đây cũng có thể xem như là một tập Ngữ Lục[1] của đức Phật, và bốn mươi hai chương chính là bốn mươi hai đoạn Ngữ lục, hay bốn mươi hai lời dạy bảo của đức Phật.

 2. Biện thể 辨 體: nghĩa là phân tích thể tính của kinh. Thể của kinh là pháp Trung Đạo. Tu tập tâm và chuyển hóa tâm, chuyển hóa tâm phàm sang tâm thánh (hay phàm tâm sang thánh tâm).

 3. Minh tông 明 宗: nghĩa là giảng rõ tông chỉ của kinh. Dùng trí tuệ vô lậu để đoạn trừ vô minh đạt đến sự thanh tịnh tối hậu.

4. Luận dụng 論 用: nghĩa là thuyết minh về công dụng của kinh. Giữ giới và đoạn dục.

5. Phán giáo 判 教: nghĩa là xét về thời giáo pháp. Thời giáo này có nghĩa lý sâu xa, rộng lớn, bình đẳng, nên gọi là Phương Đẳng.

Tên đề của bộ kinh này có bảy chữ, đó là: “Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh” và bảy chữ ấy bao gồm cả tên chung (thông danh) lẫn tên riêng (biệt danh). Trong đó, chữ “Kinh” là tên chung. Tất cả kinh điển do đức Phật thuyết giảng đều có cùng một tên chung là “Kinh” và những chữ còn lại nằm trong tên đề thì thuộc về phần tên riêng. Tên riêng là tên gọi đặc biệt của bộ kinh, không hề trùng hợp với tên riêng của bất kỳ một bộ kinh nào khác. Chẳng hạn như kinh Di Giáo, kinh Thập Thiện, kinh Pháp Hoa, kinh Niết-Bàn, kinh Giải Thâm Mật, kinh Lăng Già, kinh Lăng Nghiêm…

III. Giải thích tên kinh

Danh từ “Phật” (佛) tức là Phật đà hay Phật-đà-da; tiếng Phạn gọi là Buddha; dịch sang tiếng Trung Hoa là Giác giả, nghĩa là Đấng Giác Ngộ. Có ba loại giác ngộ, đó là: Tự giác, Giác tha, và Giác hạnh viên mãn.

1. Tự giác (tự bản thân mình tu tập trở nên giác ngộ). Bậc tự giác thì không giống như hạng phàm phu là kẻ chưa được giác ngộ. Tự tu tự chứng hay nói khác là vô sư chứng đạo.

2. Giác tha (làm cho người khác trở nên giác ngộ). Đối với hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) có thể trở nên giác ngộ, nhưng họ không giác ngộ người khác. Do đó, người có thể khiến cho người khác trở nên giác ngộ là bậc Bồ-tát, chứ không phải là hàng Nhị thừa. Bồ-tát đã có thể tự giác, lại có thể giác tha, và vừa làm lợi cho mình vừa có thể làm lợi cho người khác. Bồ-tát xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau; cho nên sau khi đã tự giác ngộ rồi, các Ngài mong rằng hết thảy chúng sanh cũng đều được giác ngộ, được sáng suốt như mình. Đó gọi là Giác tha.

3. Giác hạnh viên mãn: bậc Bồ-tát tuy có thể giác ngộ người khác, nhưng vẫn chưa thể đạt được giác hạnh viên mãn. Trong khi đó, chư Phật đã có thể tự trở nên giác ngộ, lại có thể làm cho người khác được giác ngộ, và còn có thể hoàn thành mỹ mãn hạnh tự giác, giác tha của mình nữa. Chính nhờ đã hoàn tất trọn vẹn cả ba hạnh nguyện giác ngộ này nên các ngài đã được thành Phật.

Phật là một trong mười danh hiệu của đức Thế Tôn (Như Lai, Ứng Cúng…) ở trong bản kinh này, đức Phật là chỉ cho đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vị giáo chủ ở cõi ta bà này; Tây phương thì có Tây phương Tam thánh; Ta bà cũng có ta bà Tam thánh.

Thuyết” (說) nghĩa là nói ra. Bộ kinh này vốn do đức Phật thuyết ra.

Thuyết có hai hàm nghĩa:

1. Được nói trong lúc đức Phật đang nhập định, nên người nghe cũng có thể hưởng thiền định lạc (an lạc hoan hỷ ở trong thiền định);

2. Mục đích của thời thuyết pháp là giáo hóa chúng sanh; chuyển phàm tâm hướng nhập thánh tâm.

“Thuyết” có đủ Tứ biện tài và Bát thanh

Tứ biện tài đó là: nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện. Kinh Tăng nhất A-hàm nói:

“Thế nào gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là lời nói của người này, người kia như Trời, rồng, quỷ thần nói đều có thể phân biệt được nghĩa. Đó gọi là nghĩa biện.

Thế nào gọi là pháp biện? Như Lai thuyết mười hai bộ kinh. Nghĩa là Khế kinh, Kỳ dạ, Bổn mạt, Kệ, Nhân duyên, Thọ ký, Tự thuyết, Tạo tụng, Sanh kinh, Phương đẳng, Hợp tập, Vị tằng hữu; và các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp thật không thể phá hoại, có thể tổng trì. Đó gọi là pháp biện.

Thế nào gọi là từ biện? Như chúng sanh ở trước có lời hay, dở; lời đàn ông, lời đàn bà; lời Phật, lời Phạm chí, Trời, rồng, quỷ thần; lời của A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la nói, tùy theo căn nguyên của họ mà thuyết pháp cho. Đó gọi là từ biện.

Thế nào gọi là ứng biện? Lúc đang thuyết pháp không có khiếp nhược, không sợ hãi, hay làm vui hòa bốn bộ chúng. Đó gọi là ứng biện…”[2]

Bát thanh là tám âm thanh, pháp âm hay âm thanh giọng nói của đức Phật rất rõ ràng và thanh nhã, gồm có tám đức:

1. Cực hảo 極好: rất hay; hơn tất cả âm thanh của người, trời, Bồ-tát…

2. Nhu nhuyễn 柔軟: có thể  hàng phục được tấ cả chúng sanh, đem lại sự hoan hỷ vui vẻ cho người nghe và làm cho họ từ bỏ tánh cang cường.

3. Hòa thích 和適: phù hợp với hoàn cảnh, thời gian địa điểm; hợp thời hợp xứ, làm cho người nghe sanh tâm hoan hỷ, hân thích, dễ thâm nhập đạo lý.

4. Tôn tuệ 尊慧: người nghe mà phát tâm cung kính; trí tuệ của đức Phật soi sáng đến tất cả vạn lọai chúng sanh, khiến chúng sanh – con người thức tĩnh giác ngộ.  Do đó, trí tuệ đức được nhân thiên tán lễ xướng tụng:  “Thế Tôn sắc thân như kim sơn, diệc như thiên nhựt chiếu thế gian, năng bạt nhứt thiết chư khổ não, ngã kim khể thủ đại pháp vương.”[3]

5. Bất âm 不陰: âm thanh không yểu điệu, lúc cao lúc thấp, du dương nhẹ nhàng; mà âm thanh của đức Phật đầy oai nghi, đại hùng, đại lực; hàng phục được thiên ma và ngoại đạo; người nghe sinh tâm hoan hỷ, muốn quy y xuất gia hướng Phật ngay liền lập tức.

Kinh Lăng nghiêm nói: “Thử phương chơn giáo thể, thanh tịnh tại âm văn, dục thủ Tam-ma-địa, thiệt dĩ văn trung nhập”.[4]  Nghĩa là: Giáo thể ở cõi này, âm văn trong sạch nhất, muốn đắc Tam-ma-địa, nên từ Văn mà vào.

6. Bất ngộ 不 誤: không lầm lỗi từ đầu đến cuối, rõ ràng mạch lạc; ngài nói lên sự thật cuộc đời, khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ và con đường thoát khổ; giúp cho người nghe đắc sanh chánh kiến.

7. Thâm viễn 深遠: thâm sâu, âm thanh của đức phật vang xa đến khắp mọi nơi, dù gần hoặc xa; người nghe có cảm tưởng như đức phật đang ngự ở trước mình, giúp chúng sanh – con người thông đạt nghĩa thậm thâm vi diệu.

8. Bất kết 不竭: không hết, không có kết thúc, pháp Phật thì vô tận siêu việt nghĩa lý và thời gian; giúp cho chúng sanh đắc nhập giác ngộ; vì đại nguyện của ngài là vô tận.

Đức Phật thuyết Pháp là độ thoát chúng sanh, nhất là những hạng người có căn cơ đã thành thục chín muồi, chỉ cần trỏ vào chân tâm 1 giọt nước pháp là tâm trí bừng sáng giác ngộ; thế nên, kinh Pháp hoa nói: “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.  Đức Phật cũng gọi là bậc Đại lương y, tùy bịnh mà cho thuốc (應 病 與 藥). Kinh Duy Ma Cật, Phật Quốc Phẩm nói: “Ứng bịnh dữ lạc, linh đắc phục tùng”.[5] Nghĩa là: Tùy theo bệnh tật và thuốc men để điều trị, khiến họ vâng theo. Bồ-đề tâm luận nói: “Chư Phật từ bi, tùng chân khởi dụng, cầu nhiếp chúng sanh, ứng bịnh dữ lạc, thí chư pháp môn”.[6] Nghĩa là: Tất cả chư Phật đều từ bi, dùng chân lý, cứu độ và nhiếp phục chúng sinh, tùy theo bệnh tật và thuốc men để điều trị, và áp dụng tất cả các pháp môn.

Tứ thập 四十二: chỉ cho con số đếm (a number)

Chương 章: có nghĩa kết tập. Trong thời kỳ kết tập, được các đệ tử của đức phật đã tuyển chọn từng chương lại với nhau để tập thành bản kinh này.

Kinh經: có nghĩa từ chính kim khẩu của đức Thế Tôn thuyết ra; bởi lẽ mặt trời mặt trăng có thể rơi rụng, nhưng những lời đức Thế Tôn thuyết ra thì không sai lạc.

Vì lý do đó, Kinh có các nghĩa như: quán (kết nối), nhiếp (thâu về), xuất sanh, thường, pháp, dũng tuyền, thằng mặc, kính, hiển thị, môn, chính:

1. Quán 貫 là “quán xuyên sở thuyết nghĩa” (貫 穿 所 說 義). Nghĩa là: nối kết những nghĩa lý đã được thuyết giảng lại với nhau. Cũng giống như tràng chuỗi niệm Phật, các đạo lý trong Kinh được liên kết với nhau từng chữ, từng chữ một.

 2. Nhiếp 攝 là “nhiếp trì sở hóa cơ”. Nghĩa là: thâu phục, dẫn dắt tất cả chúng sanh có căn cơ và sẵn sàng để đón nhận sự giáo hóa.

3. Xuất sinh 出 生: là sinh trưởng đủ các thiện pháp.

4. Thường 常. Thế nào gọi là “thường”? “Cổ kim bất biến viết thường”. Nghĩa là: từ xưa đến nay không thể biến đổi, gọi là “thường”. Những đạo lý chứa đựng trong Kinh vốn bất biến – trong quá khứ đã không thay đổi, ngay hiện tại cũng không thay đổi, và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi, cho nên gọi là thường. Danh từ thuật ngữ Phật giáo hay gọi “thường hằng bất biến”, cái gì thường hằng bất biến, là pháp tánh, là chơn như, là pháp thân, là cái như như Phật.

5. Pháp 法. “Tam thế đồng tuân viết Pháp”. Nghĩa là: những gì mà trong tam thế (3 đời) đều cùng tuân thủ theo thì gọi là “Pháp”. “Tam thế” là ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả chúng sanh trong ba đời đều tôn thờ và noi theo giáo pháp trong Kinh mà tu hành.

6. Dũng tuyền 湧泉 – suối phun. Vì các đạo lý đều hàm chứa ở trong Kinh, chẳng khác nào như những mạch nước ngầm tuôn ra từ lòng đất, cho nên Kinh cũng ví như suối phun vậy.

7. Thằng mặc 繩 墨 – dây mực. Kinh tựa như sợi dây có chấm mực mà người thợ mộc thường dùng để vẽ đường thẳng. Tỷ dụ biểu thị Kinh là tiêu chuẩn mẫu mực của pháp, giúp chúng sanh hiểu chân lý nhân – quả mà không tạo nghiệp. Hơn nữa, vì Kinh dạy người đời phương pháp tu hành, cho nên “Kinh” cũng có nghĩa là “con đường” (kinh lộ hay kính lộ) – con đường tu hành.

8. Kính 徑. Con đường tu hành, đem chúng sanh từ phàm phu đến thánh quả.

9. Hiển thị 顯 示. Bày tỏ những giáo lý giúp chúng sanh đoạn trừ phiền não và chứng giải thoát Bồ đề.

10. Môn 門. Ngưỡng cửa để chúng sanh con người đến Phật quả hay Phật địa (đất Phật, cảnh Phật).

11. Chính 正. Có nghĩa là chân chính, chánh đạo, con đường đúng đắn, không tà, không thiên lệch, không xiêu vẹo, trái lại là tà đạo.

Trên đã giải thích đề kinh “Tứ Thập Nhị Chương Kinh.”


Tham khảo & chú thích

[1] Ngữ Lục (語錄)  là sự trích dịch kết tập những phần tinh hoa rất cô đọng về những lời răn dạy của các bậc đạo cao đức trọng và được xem như những bài học vô cùng quý giá. 

[2] Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Khổ lạc, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.92.

[3] 世尊色身如金山,猶如天日照世間。能拔一切諸苦惱,我今稽首大法王。

[4] 此方真教體, 清淨在音聞, 欲取三摩提, 實以聞中入。Xem thêm, Tâm Minh (biên dịch), Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn giáo, 2004, các tr. 475-562.

[5] 《維摩經·佛國品》:應病與藥,令得服行。

[6] 菩提心論曰:「諸佛慈悲,從真起用,救攝眾生,應病與藥,施諸法門。

Kinh Tứ Thập Nhị Chương