Kinh Tứ Thập Nhị Chương Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 3: Chương Mở Đầu

Chương mở đầu còn gọi là bài tựa, lời tựa hay lời giới thiệu, trong tiếng Anh gọi là Prologue, chữ Hán gọi là tự (序).

Về phương diện văn bản học, đối chiếu 4 bản kinh văn Tứ Thập Nhị Chương:

1. Bài tựa trong Xuất tam tạng ký tập, quyển 6 (大正新脩大藏經第 55 No 2145, 出三藏記集序卷第六, 四十二章經序第一).

Nguyên văn: 四十二章經序第一. (未詳作者). 昔漢孝明皇帝. 夜夢見神人. 身體有金色. 項有日光. 飛在殿前. 意中欣然甚悅之. 明日問群臣. 此為何神也. 有通人傳毅曰. 臣聞天竺有得道者. 號曰佛. 輕舉能飛. 殆將其神也. 於是上悟. 即遣使者張騫羽林中郎將秦景博士弟子王遵等十二人. 至大月支國寫取佛經. 四十二章在十四石函中. 登起立塔寺. 於是道法流布. 處處修立佛寺. 遠人伏化願為臣妾者不可稱數國內清寧. 含識之類蒙恩受賴. 于今不絕也.

Dịch nghĩa: Xưa kia vào thời Hán, hoàng đế Hiếu Minh đêm nằm mộng thấy một thần nhân, thân thể có màu hoàng kim, trên đầu có hào quang, bay vào trong điện. Tâm ý hân hoan, rất vui thú với giấc mộng đó; sáng dậy, vua hỏi quần thần: Đó là vị thần nào vậy? Có vị quan thông sự tên là Phó Nghị tâu rằng: Thần nghe ở xứ Thiên Trúc, có bậc đắc đạo, gọi là Phật, có khả năng phi hành siêu phàm, phải chăng là vị thần ấy? Vua cho rằng đúng, bèn sai sứ giả Trương Khiên, trung lang tướng[1] Vũ Lâm, bác sĩ Tần Cảnh, các đệ tử Vương Tuân, v.v… gồm 12 người, đi đến nước Đại Nguyệt Chi, sao chép kinh Phật 42 chương, đựng trong 14 chiếc rương bằng đá. Bắt đầu xây dựng chùa tháp, và đạo pháp cũng từ đó mà lưu hành. Nơi nơi kiến lập chùa chiền thờ Phật, người người quy phục sự giáo hóa, nguyện làm đệ tử, số lượng không thể tính kể. Trong nước yên bình, các loại hàm thức đều tiếp nhận, nương nhờ ân đức, đến nay vẫn không ngưng dứt.

2. Bài tựa trong Xuất tam tạng ký tập, quyển 2 (大正新脩大藏經第 55 No 2145 出三藏記集錄上卷第二, 新集經論錄第一).

Nguyên văn: 漢 孝 明 帝 夢 見 金 人.  詔 遣 使 者 張 騫 羽 林 中 郎 將 秦 景 到 西 域.   始 於 月 支 國 遇 沙 門 竺 摩 騰. 譯 寫 此 經 還 洛 陽.  藏 在 蘭 臺 石 室 第 十 四 間 中.  其 經 今 傳 於 世.

Dịch nghĩa: Vua Hán Hiếu Minh mộng thấy người vàng, hạ chiếu sai sứ giả Trung lang tướng Trương Khiên, Vũ Lâm, Tần Cảnh đến Tây Vực, vừa tới nước Nguyệt Chi thì  gặp Sa-môn Trúc Ma-đằng, dịch và sao chép kinh này rồi trở về Lạc Dương, cất giữ trong gian thạch thất thứ 14 của lầu Ngự sử.[2] Từ đây, kinh này lưu truyền ở đời.

3. Bài tựa của Tống Chân Tông (大正新脩大藏經第三十 No  1794, 四十二章經).

Nguyên văn: 爾時世尊既成道已。作是思 惟。離欲寂靜是最為勝。住 大禪定降諸魔道。今轉法輪 。度眾生於鹿野苑中。為憍 陳如等五人。轉四諦法輪而 證道果。時復有比丘所說諸 疑。陳佛進止世尊教詔一一 開悟。合掌敬諾而順尊敕。 爾時世尊。為說真經四十二 章。

Dịch nghĩa: Bấy giờ, đức Thế Tôn đã hoàn toàn giác ngộ, nghĩ rằng: xa lìa ái dục, thể hiện thanh tịnh, là điều hơn hết. Ngài an trụ trong đại Thiền định, chiến thắng ma quân. Rồi đến Lộc uyển, ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp [tứ đế] để hóa độ chúng sinh, như tôn giả Kiều-trần-như và cả nhóm 5 người, cùng thành tựu đạo quả. Sau đó, lại có các vị Tỷ-kheo trình bày hoài nghi, xin ngài huấn dụ điều gì nên tiến hành, điều gì nên đình chỉ. Ngài đã huấn dụ và ai cũng khai ngộ, chắp tay kính vâng, thuận theo huấn dụ của ngài. Lúc ấy đức Thế Tôn thuyết kinh chân thật gồm có 42 bài.

4. Bài tựa của Sa-môn Thủ Toại (宋.守遂;明.了童(補注),《四十二章經注》,一卷,《卍續藏》第五十九冊) .

Nguyên văn: 世尊成道已。作是思惟。離 欲寂靜。是最為勝。住大禪 定。降諸魔道。於鹿野苑中 。轉四諦法輪。度憍陳如等 五人。而證道果。復有比丘 所說諸疑。求佛進止。世尊 教敕。一一開悟。合掌敬諾 。而順世尊敕。

Dịch nghĩa: Sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài suy nghĩ rằng: “Ly dục và thanh tịnh là tối thắng, an trú trong đại Thiền định mới hàng phục được chúng ma”. Ở tại vườn Lộc Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về 4 chân lý độ cho 5 anh em Kiều-trần-như đều chứng được đạo quả. Mỗi khi có những thầy Tỳ-kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, đức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đều được khai ngộ, chắp tay cung kính theo lời Phật dạy.

Như vậy, từ những bài tựa mang tính chất giới thiệu kinh Tứ Thập Nhị Chương như đã nói ở trên, ngang đây chúng ta có 1 vài nhận định:

a. Về các bài tựa

Thứ nhất, bài tựa được dẫn xuất trong Xuất tam tạng ký tập, quyển 6, có 1 chi chi tiết đáng chú ý, đó là: không rõ tác giả bài tựu là ai? (未詳作者, vị tường tác giả), mà 1 khi đã không rõ biết tác giả như thế nào thì mọi cơ sơ y cứ cần phải được xem xét, cân nhắc.

Thứ hai, trong việc bảo quản kinh Tứ Thập Nhị Chương, ở quyển 6, Xuất tam tạng ký tập ghi: kinh được đựng trong 14 chiếc rương bằng đá (在十四石函中, tại thập tứ thạch hàm trung), nhưng trong quyển 2 lại ghi: cất giữ trong gian thạch thất thứ 14 của lầu Ngự sử (藏 在 蘭 臺 石 室 第 十 四 間 中), hai chi tiết đó cho thấy, sự kế thừa mang tính huyền tích (lịch sử chưa có sự đồng bộ thống nhất nhau).

Thứ ba, trong bài tựa Chú Tứ thập nhị chương kinh của Tống Chân Tông và bài tựa Tứ thập nhị chương kinh của Sa-môn Thủ Toại có sự giống nhau rất lớn trên mặt vĩ mô, xem như 99%. Căn cứ vào lịch sử, thì Tống Chân Tông[3] có niên đại (968-1022), còn Sa-môn Thủ Toại có niên đại (1072-1147). Nếu y cứ vào niên đại lịch sử thì chúng ta đủ cơ sở để khẳng định, Sa-môn Thủ Toại đã kế thừa gần như toàn bộ bài tựa Chú Tứ thập nhị chương kinh của Tống Chân Tông.

b.  Về niên đại lịch sử và bối cảnh ra đời của bộ kinh

Đây là lời dịch giả biên soạn, viết ra nhằm giới thiệu các tích sử xoay quanh các sự kiện được đề cập của bộ kinh, đó là: sau khi đức Thế Tôn thành đạo (chỉ cho Phật bảo), ngài vận chuyển bánh xe Chánh pháp (chỉ cho Pháp bảo) để hóa độ 5 anh em Kiều-trần-như (chỉ cho Tăng bảo), Tam bảo cũng được hình thành từ đây và hóa giải những điểm nghi ngờ, thắc mắc về giáo pháp đối với chúng Tỳ-kheo, người học đạo. Hay nói khác, muốn Chánh pháp được cửu trụ tại nhân gian này, thì điều trước tiên phải thành lập Tăng đoàn (S. Saṅgha) để truyền bá đạo giải thoát phổ quát nơi thế gian này vậy.

Vì các lý do trên, để tiện lợi cho việc nghiên cứu, chúng tôi chọn bản dịch của Sa-môn Thủ Toại để làm chỗ y cứ.

I. Kinh văn

a. Chữ hán

佛說四十二章經

( 後漢迦葉摩騰共竺法蘭同譯)

世尊成道已。作是思惟。離 欲寂靜。是最為勝。住大禪 定。降諸魔道。於鹿野苑中 。轉四諦法輪。度憍陳如等 五人。而證道果。復有比丘所說諸疑。求佛進止。世尊 教敕。一一開悟。合掌敬諾 。而順世尊敕。

b. Phiên âm

Thế Tôn thành đạo dĩ, tác thị tư duy: “Ly dục tịch tĩnh, thị tối vi thắng.” Trụ đại thiền định, hàng chư ma đạo. Ư Lộc dã uyển trung, chuyển Tứ đế Pháp luân, độ Kiều-trần-như đẳng ngũ nhân nhi chứng đạo quả.
Phục hữu Tỳ-kheo sở thuyết chư nghi, cầu Phật tiến chỉ. Thế Tôn giáo sắc, nhất nhất khai ngộ, hiệp chưởng kính nặc, nhi thuận tôn sắc.

c. Dịch nghĩa

Sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài suy nghĩ rằng: “Ly dục và thanh tịnh là tối thắng, an trụ trong đại Thiền định mới hàng phục được chúng ma”. Ở tại vườn Lộc Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về 4 chân lý độ cho 5 anh em Kiều-trần-như đều chứng được đạo quả. Mỗi khi có những thầy Tỳ-kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, đức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đều được khai ngộ, chắp tay cung kính theo lời Phật dạy.

d. Bản dịch Anh ngữ

The Sutra of forty-two chapters

(The Buddha speaks the sutra of forty-two chapters)

Translated into Chinese by Kashyapa-matanga and Gobharana of the Later Han Dynasty

Prologue

Having attained Buddhahood, the World Honored One reflected: To abandon desire and be immersed in stillness is the supreme Way. Abiding in profound samadhi, one subdues all evil. The Buddha turned the Dharma Wheel of the Four Noble Truths at Deer Park, and led Kaundinya and four others to attain the fruit of the Way. There were also bhiksus who had various questions and implored the Buddha for guidance. The World Honored One taught and directed each one to enlightenment. Joining their palms with reverence and promise, they complied with the Buddha’s noble instructions.

II. Đại ý

Giới thiệu con đường tu tập chung của Phật giáo không ngoài Giới, Định, Tuệ và giải thoát. Giới tức là ly dục tịch tĩnh; Định là an trụ trong đại Thiền định; Tuệ là chỉ pháp Tứ diệu đế và Giải thoát là hiệu quả của sự liễu ngộ pháp Tứ diệu đế.

III. Lược giải

1. Giải thích đức hiệu Thế Tôn

世尊成道已。 Nghĩa là: Sau khi đức Thế Tôn thành đạo.

Danh từ Thế Tôn (世尊) là người được thế gian tôn kính, trong tiếng Anh gọi là The World Honored One; được dịch từ tiếng Phạn (Sanskrit) Bhagavat (भागवत), Trung Hoa phiên âm là Bạc-già-phạm (薄伽梵), tiếng Pāli gọi là Bhagavant; một trong 10 danh hiệu của chư Phật, đó là: 1-Như lai, Tathagata (如來), 2- Ứng cúng, Arhat (應供), (sát tặc, ứng cúng, vô sanh), 3- Chánh biến tri, Samyak-sambuddha (正遍知), 4- Minh hạnh túc, Vidya-carana-sampanna ( 明 行 足 ), 5-  Sugata (善逝), 6, Thế gian giải, Lokavid (世間解), 7- vô thượng sĩ, Anuttara (無上士), 8- Điều ngự trượng phu, Purusadamya-saratha (調御大夫), 9- Thiên nhân sư, Sasta devamanusyanam (天人師), 10-  Bhagavat (世尊 hoặc 薄伽梵).

Ở đây, đức Thế Tôn chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vị giáo chủ của cõi ta bà chúng ta đang hiện hữu đây.

“Thế” là hàm chứa sự thay đổi (遷 流, thiên lưu), về cả 2 phương diện thời gian cũng như không gian.

Theo thời gian, “thế” chỉ mang ước tính tạm thời về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo không gian, “thế” chỉ cho khí thế gian (器 世 間) nghĩa là vật vô tri; tình thế gian (情 世 間) nghĩa là hữu tình chúng sanh, chúng sanh có tình thức và thế giới giác ngộ (覺 世 間) đấng giác ngộ, bậc giác ngộ.

Khí thế gian gồm các vật vô tri như núi, sông, cây cối, đất, đá… còn tình thế gianbao gồm chúng sanh do tứ sanh, sanh ra từ 4 loài , đó là: noãn sanh (卵), thai sanh (胎), thấp sanh (濕) và hóa sanh (化) với tình cảm (有 情 感) như súc sanh, loài người, quỷ thần…Thế giới giác ngộ là chư vị A-la-hán, Bích chi Phật, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và chư Phật.

Chúng sanh sở dĩ đau khổ trầm luân trong các cõi thú là do bám chấp vào khí thế gian này,  khí ở đây có nghĩa là chiếc bình đựng, ví như bầu trời bao la rộng lớn là dung chứa tất cả hữu tình và vô tình chúng sanh, cái gì vô thường thì cái đó dẫn đến đau khổ. Trong trường hận ca có câu: “Thiên trường địa cửu hữu thì tận, thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.”[4] Nghĩa là: Trời đất dài lâu cũng có lúc hết, hận này đằng dặc, không thủa nào cùng!

“Tôn” được tôn kính khắp cả 10 phương về đức độ, từ bi và trí tuệ 1 cách vô song (không có cái gì trên đời này so sánh bằng được).

Như vậy, Thế Tôn là danh từ tôn xưng chung đối với tất cả chư Phật. Đức Thích-ca Mâu-ni Phật là Ứng hóa thân (應化身) hay hóa thân (S. Nirmāṇakāya; C. 化身)  trong cõi đời hiện kiếp hiện tại này. Ngài thị hiện tại thế giới ta bà, nhận Tịnh phạn vương (Śuddhodana) làm cha, Ma-da phu nhân (Māyādevi) làm mẹ, 19 tuổi xuất gia, năm 30 tuổi thành đạo.

2. Thành đạo là gì?

Thành đạo (成道), nghĩa là thành “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” (S. Anuttara Samyak Sambodhi; C. 無上正等正覺), tức là Phật.

Như vậy, nói thành đạo nhưng làm thế nào để thành đạo? lấy cái gì làm cơ sở để thành đạo? và thành đạo là thành những gì? Phải có cái gì đó mới là thành, chứ không  phải xảy ra 1 cách ngẫu nhiên nói thành mà không biết thành cái gì? phải có cái cơ sở nền tảng mới bước lên sự vinh quang, thành đạt được. Với con mắt tuệ quán, thành đạo là thấy rõ đường đi nước bước đạo lộ giải thoát, mối nguy hại của tâm tham luyến, sợi dây vô hình ràng buộc ái ân, khiến con người vui trong tham ái rồi thọ quả khổ, cứ luẩn quẩn trong vòng tròn sanh tử; bằng cách tu tập tâm và chuyển hóa tâm từ trạng thái tiêu cực sang lãnh vực tích cực nhất, tâm hướng thượng siêu việt. Người thành đạo tức là chứng ngộ Niết-bàn là kết quả của sự đoạn diệt khổ đau (nirodha dukkha) hay là sự phá vỡ 12 mắt xích nhân duyên, đoạn diệt tham ái, sự thành đạo này đức Phật đã tuyên bố trong lời ca Khải hoàn:

“Lang thang bao kiếp sống,

 Ta tìm nhưng chẳng gặp,

 Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh.”

“Ôi ! Người làm nhà kia,

Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa,

Đòn tay ngươi bị gẫy,

Kèo cột ngươi bị tan,

Tâm ta đạt tịch diệt,

Tham ái thảy tiêu vong.”[5]

Nói theo tinh thần Bát nhã, cứu cánh Niết-bàn là vượt qua hết mọi khổ ách. Khổ ách là do chấp thủ, người và vật; nhân ngã và pháp ngã. Nếu nhờ trí tuệ thấy rõ năm uẩn là vô ngã thì sẽ cắt lìa chặt đứt mọi chấp thủ và đi ra hết mọi khổ ách đó. Như thế, vượt qua khổ ách, hay đắc Niết-bàn (thành đạo), chính là sự chứng ngộ, chứng nhập đương thể vô ngã của các pháp. Đương thể ấy thì vô sinh (hay không sanh không diệt). Cho nên, thành đạo có nghĩa là chứng đắc thành tự cái vô sanh. Vô sanh ở đây  không có nghĩa là phủ định cuộc đời này là hoàn toàn không có cái gì hết, mà các pháp không có cơ sở điều kiện để sanh hữu, ví như thân cây cọ (palm) đã cắt ngọn chặt rễ, thì không căn cứ vào đâu để đâm chồi sanh lại nữa, hay nhiên liệu đã hết thì lửa không còn  cháy nữa, mà đã là vô sanh cũng đồng nghĩa là vô đắc. Do đó, thành đạo hay chứng đắc Niết-bàn là không thấy có người đắc và pháp đắc. Khi hoàn toàn vô đắc thì gọi là Niết-bàn hay đắc Niết-bàn (đắc đạo, thành đạo).

Tất cả chấp thủ là nội dung ngăn ngại làm cản trở việc chứng thành đạo. Cho nên, nội dung của chứng đắc ấy là nội dung của đoạn diệt chấp thủ, đoạn diệt điên đảo vọng tưởng mê lầm. Thế Tôn dạy Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Tại đức Phật Nhiên Đăng, Ta thật không có đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Do vì không có đắc A-nậu-đa-la-miệu-tam-bồ-đề nên đức Phật Nhiên Đặng đã thọ ký cho Ta sau này thành Phật, hiệu là Thích ca Mâu ni.[6] Đây là lối diễn đạt nội dung chứng đắc Niết-bàn của Thế Tôn hay thành đạo. Niết-bàn là nội dung của vô đắc ấy, khi hành giả lìa xa mọi chấp thủ chủ thể và đối tượng (nhân ngã và pháp ngã).

Kinh Pháp Hoa, chỉ bày “Tri kiến Phật”. Tri kiến ấy là tri kiến thấy như thật pháp. Thấy như thật pháp là sao? là thấy Vô ngã pháp, là duyên sinh. Đắc tri kiến ấy là đắc Niết-bàn; nói khác đi, tri kiến ấy là Niết-bàn. Niết-bàn chính là thực tại với sự vắng mặt hoàn toàn bóng dáng của chấp thủ, và đây cũng  là ý nghĩa của “Thập Như Thị” trong kinh Pháp Hoa.[7] Cho nên, ‘thành đạo’ là trở về với Thật pháp, trong nhà Thiền gọi là Phản bổn hoàn nguyên với Bản lai diện mục, trở về cái “Vô sinh”, “Tịch diệt”, vượt ra ngoài mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt. Trên là giải thích về nghĩa thành đạo là vậy.

Nghiêm túc mà nói, đức Thích-ca Mâu-ni Phật không phải lần đầu tiên ngài thành đạo, mà ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước rồi. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 nói: “… Thiện nam tử! Thiệt ta thành Phật nhẫn lại đây, đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp…”[8]

作是思惟。Nghĩa là: Ngài suy nghĩ rằng. “Tác thị tư duy” được hiểu là trong thâm tâm, trong đầu óc khởi lên tư duy hay suy nghĩ; lẽ thường tình đối với con người chúng nhơn phàm tâm, khi khởi lên suy nghĩ là do sự xúc chạm giữa các giác quan (căn) và các đối tượng (trần) tương ứng mà ý thức bắt đầu sanh khởi và hoạt động gọi là tâm sinh.

Tâm sinh hiện khởi theo hai khuynh hướng hoặc thiện hoặc bất thiện, nó tùy thuộc vào thói quen, tập quán, tập khí hay nghiệp thức riêng biệt của mỗi chúng sanh con người. Nếu như một người chưa có nhân duyên học tập và hiểu sâu giáo pháp của Phật hoặc có tập khí nặng nề về tham, sân, si, tánh hay giận hay hờn hay dỗi hay tự ái, thì ý thức sanh khởi theo chiều hướng đưa đến tà kiến tức là cái thấy sai lầm, hoặc suy nghĩ theo một cách khiến các bất thiện pháp phát sinh và tăng trưởng, thì ở chỗ này gọi là tâm đặt sai hướng. 

Trái lại, một người có học tập và hành trì sâu về giáo pháp của Phật hoặc tâm thức không nặng về tham, sân, si thì ý thức sinh khởi theo hướng đưa đến chánh kiến hoặc suy nghĩ theo một cách khiến các thiện pháp sinh khởi và tăng trưởng. 

Thế nào là tư duy đúng đắn hay tâm đặt đúng hướng? Đó là khởi suy nghĩ về mọi sự vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng đang là, nghĩa là duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã. 

Mọi sự vật và hiện tượng đều do duyên mà có mặt ở đời, và duyên luôn luôn biến đổi, nó thuộc về bản chất khổ đau, vô thường không ai làm chủ được. Khởi suy nghĩ và nhìn nhận sự vật hay hiện tượng theo cách như vậy thì gọi là lưu xuất từ tuệ giác Phật, do đó đức Như Lai Thế Tôn dùng tuệ giác để quán chiếu trực tiếp trên đối tượng, mênh mông, thâm sâu và trong sáng, danh từ thuật ngữ Phật học gọi là “Yoniso manasikàra”. Nghĩa là: Như lý tác ý.

Từ ‘tư duy’ được sử dụng trong hiện tại chúng ta rất dễ ngộ nhận hiểu lầm, ‘tư duy’ có nghĩa là độc thoại, suy nghĩ trong đầu óc lầm thầm bằng tư tưởng của mỗi người. Đó là cách tư duy theo thế gian pháp, là phân biệt, so đo tính toán, ích kỷ hẹp hòi; có 2 phản ứng tâm thức xảy ra, đó là khi 5 căn (giác quan) tiếp xúc với 5 trần thì ý nhảy vào với tâm tán loạn khởi nên phân biệt thích hay không thích, hân hoan hay giận dữ; còn chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh A-la-hán là lưu xuất từ chơn tâm Phật tánh mà ra.

3. Ly dục – chứng đắc Niết-bàn

離 欲寂靜。是最為勝。Nghĩa là: Ly dục và thanh tịnh là tối thắng. Hay xa lìa dục vọng, được sự tịch tịnh là thù thắng nhất [To abandon (từ bỏ) desire and be immersed (thâm sâu) in stillness (yên lặng) is the supreme (tối cao) Way.]

Ly dục nghĩa là xa lìa hay từ bỏ mọi ham muốn thế gian, ham muốn thế gian đó là gì? Không ngoài ngũ dục lạc (tài, sắc, danh, thực và thùy), trong Quy sơn cảnh sách nói: “Tham luyến thế gian, ấm duyên thành chất.”[9]  

Tịch tĩnh là 1 cách gọi khác của Niết-bàn, trạng thái tâm hoàn toàn vắng lặng, nơi đó không còn tham, không còn sân và không còn si mê, và cũng có nghĩa là tâm trở về với bản thể uyên nguyên bộ mặt xưa kia của nó; bộ mặt xưa kia đó là gì? là bản giác, đó là Tịnh độ, nên Cổ đức nói:

Mỗi bước lần sang chốn Niết-bàn,

Lướt dòng sanh tử chớ hề nan.

Chân không dần bước trong ly niệm,

Tịnh độ là đây, chính Niết-bàn.”

Đây được xem là bản tuyên ngôn rất quan trọng đối với người tu học Phật chúng ta; quan trọng ở chỗ nào? Trong đời, mỗi người nên chọn cho mình 1 trong 2 con đường để đi, hễ chọn con đường Thánh đạo, tức là hướng Phật trí cố, hướng đến Phật đạo giải thoát; còn ngược lại, chọn con đường thế gian là bị trầm luân trong khổ thú lục đạo, nên trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:

“Ðường này đến thế gian.

Ðường kia đến Niết-bàn.

Tỳ-kheo, đệ tử Phật,

Phải ý thức rõ ràng.

Ðừng đắm say thế lợi.

Hãy tu hạnh ly tham.” 

“Dục” là 1 danh từ, nhưng khi nó biểu hiện bằng sự tạo tạo, gây nên hành động, phát xuất thông qua 3 phương tiện đó là thân dục, khẩu dục và ý dục thì nó trở thành 1 động từ; và từ “dục” này rất dễ gây dị ứng, phản cảm đối với người tu học Phật. Thông thường khi nói đến điều này, chúng ta có ý nghĩ, quan niệm về tình ái giữa người khác giới nam và nữ; tuy nhiên, quan hệ tình ái này chỉ trên mặt phương diện thô cạn, chứ nó cũng chưa lột tả nói lên hết được ý nghĩa thâm sâu vi tế mà đức Phật muốn nói đến trong từ “ly dục”.  Khi chúng ta khước từ đời sống gia đình, lạy cha mẹ hai lạy, xem như là đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của song thân, để bước vào con đường xuất gia tu hành, sống đời áo nâu cơm rau đạm bạc, thì đó được xem như là ly dục rồi, nhưng dừng lại nơi ấy cũng chưa đủ, ở đó vẫn còn trong tầng mức cạn mà thôi, vì sao? Vì bản chất của ái dục luôn tiềm phục ẩn núp rất sâu trong dòng cảm nghĩ ý hành của mỗi con người; bởi lẽ con người chúng ta sinh ra từ dục, lớn lên cũng từ dục, thậm chí đi đứng nằm ngồi ăn mặc ngủ nghỉ… tất cả đều bắt nguồn từ dục; hay nói khác, mạng sống và hơi thở của chúng ta được nuôi dưỡng và bảo bọc bởi dục mà ra, nếu không có dục thì đồng nghĩa là chúng ta không muốn tồn tại trên cuộc đời này, có nghĩa là chết; một em bé kia, hay con người chúng ta khi đói phải nghĩ đến miếng ăn và khi khát thì muốn uống nước, nếu như không có những thứ này thì sẽ không đáp ứng được khả năng hay sức đề kháng để chống chọi vượt qua thời tiết, khí hậu, hoàn cảnh, môi trường sinh tồn ấy, đây được gọi là bản chất của dục làm nên đời sống của dục là như vậy. Ai trong chúng ta đây dám tuyên bố rằng, chúng ta có mặt ở đời là không phải do bởi dục mà ra? Bởi lẽ ngay từ hạt mầm, hạt giống (bīja, chủng tử, 種子) đầu tiên để chúng ta có được hình hài thân thể xinh xắn, đẹp đẽ này đã là dục rồi.

Đối với người thoát khỏi ham muốn thì không có tham lam, nghĩa là không còn ham muốn những ham muốn vi tế. Khi Bồ-tát chưa sẵn sàng tu hành, còn có hy vọng và ham muốn, nếu có hy vọng và ham muốn, tâm sẽ nghiêng ngả dao động, và sau khi thành Phật, tâm sẽ viên mãn, cụ túc không còn ham muốn nữa. Nên thế giới tâm linh của vị ấy sẽ vô cùng yên bình, an lành và tịch tĩnh vắng lặng, đó chính là ý nghĩa của Niết-bàn vắng lặng, hay tịch tĩnh và sự tịch tĩnh này là tối hậu nên gọi là “thị tối vi thắng.”

“Tịch” là chỉ cho trạng thái ở bên trong và “tĩnh” biểu hiện cảnh ở bên ngoài; ở trong tâm bất động, không khởi phiền não và thế giới bên ngoài tức là cảnh trần không thể khuấy rầy thổi gió tung bụi chúng ta; nội tâm không khởi phiền não, ngoại tâm không tác động bởi gió nghiệp cảnh trần xâm nhập vào, thì đây được hiểu 1 trong nghĩa khác của Thiền định;

Nhập định có rất nhiều lạc thú, đó là cảnh giới của thiền lạc tức là niềm hỷ lạc niềm vui ở trong thiền, hay danh từ thân quen được dùng trong thuật ngữ Phật giáo gọi là “thiền duyệt thực”. Phật giáo dùng chữ lạc này để phân biệt với hạnh phúc của người thế gian; người đời thích kêu ca đeo đuổi theo bám dục vọng, khi tham dục được thỏa mãn các cảm xúc giác quan, thì họ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc tràn trề; nhưng những cái thỏa mãn sung sướng này chúng ta phải biết nó có chất cặn độc hại không tốt, đối với các vị hoàng đế vua chúa phần lớn là chết sớm chết yểu, chết non, chết trẻ cũng vì ham vui quá độ từ dục này mà ra; ngược lại người thường xuyên thực hành Thiền lạc, ngồi thiền, tham thiền thì tạo nên nguồn sinh lực và tăng trưởng mạng sống. Đức Phật thấu triệt được việc này, nên Ngài tu và dạy cho đệ tử theo đó mà tu hành để tăng trưởng định lực. Chúng ta nên biết, định càng cao chừng nào thì sức an trụ càng vững chắc chừng đó, không bị ma vương quỷ sứ đưa lối dẫn đường, còn ngược lại, nếu thiếu định lực thì dễ bị mắc phải lưới ma ngay lập tức, lưới ma đó là gì? Đó là ma tài, ma sắc, ma danh, ma lợi, không khéo có thể làm nô lệ cho ngũ dục lạc nữa thì khác.

4. An trụ đại Thiền định-hàng phục chúng ma

住大禪 定。Nghĩa là: An trụ trong đại Thiền định (Abiding (vĩnh cửu) in profound (thâm sâu) samādhi]

Thiền định, 禪 定. Thiền (S. Dhyana; C. Tư duy tu, tịnh lự); Định (S. Samādhi, समाधि). Thiền định là tập trung tâm vào một đối tượng duy nhất, không phân tán và dao động, để tâm thể an tĩnh và từ đó quan sát và suy nghiệm chân lý một cách tỏ tường.

Đức Phật luôn luôn an trụ trong Thiền định, mỗi cử chỉ, mỗi hành động đi đứng nằm ngồi Ngài  đều lưu xuất từ định mà ra, cho nên không bị ngoại duyên phiền não làm  khuấy động tâm tư của ngài được, bởi lẽ Ngài có đầy đủ phước trí nhị nghiêm, chánh y song vận; còn ngược lại chúng ta vì chưa đủ phước phần thiện duyên, nên chưa an trụ được lâu trong định, quý hóa lắm, may mắn lắm thì nhập rồi xuất, xuất rồi nhập, sự xuất và nhập này cũng giống như khi chúng ta vui thích thì mua 1 chiếc xe xịn, xe sang hay 1 chiếc điện thoại thông minh đắt tiền… đến khi hết phước thì phải xuất định, tương tự như thế, khi chúng ta hết tiền, cần tiền thì phải bán chiếc xe hay chiếc điện thoại đó vậy.

Sở dĩ đức Phật khác với loài người, là bởi vì ngài có vô tận công đức, vô lậu phước báu, trang nghiêm pháp thân, nên ngài luôn luôn an trụ trong định, định ấy gọi là đại Thiền định. Công năng của định này có sức công phá rất lớn mạnh, có thể hàng phục hay chinh phục ngay được đạo quân quyến thuộc của ma vương quỷ sứ.

Đức Phật dùng tâm từ bi, trí tuệ và đức độ hào quang của Ngài để cảm hóa chúng sanh, khiến cho đạo quân hùng mạnh của ma phải khuất phục 1 cách không miễn cưỡng, quy y xin – nguyện làm hộ pháp, đệ tử Phật;

降諸魔道。Nghĩa là: Hàng phục được chúng ma [one subdues (chinh phục, hàng phục) all evil.]

降, hàng ở đây có nghĩa là hàng phục, chinh phục, dùng đức độ của mình, dùng tâm từ bi và trí tuệ để cảm hóa chúng ma, chúng sanh con người.

魔, ma (S. Māra; T. bdud, བདུད; C. 魔羅) có nghĩa là kẻ sát nhân, kẻ cướp đi mạng sống, đoạt mạng, người có thể lấy đi mạng sống, hay là cản trở làm chướng ngại. Nó được bắt nguồn từ chữ Dạ-ma (S. Yama, यम) trong thần thoại Ấn-độ cổ đại. Theo “Rig Veda ” (Lê-câu-vệ-đà), Yama nghĩa là tử thần (thần chết) và sống ở thiên giới (cõi trời), là người chết đầu tiên nên dẫn đường cho người chết. Nó có nguồn gốc từ  Ấn-Âu nguyên thủy gọi là “mer”, có nghĩa là tử vong (cái chết). 

Để phù hợp với thói quen của người Trung Quốc, Ma-la được gọi đơn giản là Ma (魔). Kinh điển cổ xưa dịch phần lớn là ma (磨), nghĩa là mài giũa, đến thời Nam triều Lương Vũ đế (464-549), cho rằng những ai hay gây tạo phiền não bức bách khổ đau cho người khác thì kẻ đó gọi ma quỷ (chướng ngại, hại người).

魔道, ma đạo, nghĩa là đạo quân ma, chúng ma, chỉ cho ma phiền não, bất thiện pháp, ác pháp.

Như vậy, ma có hàm nghĩa:

– Chướng ngại (障 礙) làm cản trở, gây khó khăn trong việc tu hành đối với người khác.

–  Sát hại (殺 害) giết hại muốn đoạt mạng người khác.

–  Tà ác (邪 惡) mang tâm tà ý xấu, xui khiến cản trở việc làm thiện.

– Xâm đoạt (侵 奪) thích xâm lấn và cướp đoạt, cướp bóc người khác.

Trong đời có những người mang tâm tà, tâm ma, tâm quỷ hay tìm mọi cách để gièm pha chống pháp Phật giáo. Bởi vì họ muốn ai cũng đều là quyến thuộc giống như họ cả, làm những điều bất thiện, bất nhân, bất nghĩa trong xã hội. Chúng ta biết, trong đêm thành đạo của đức Phật đấu tranh tư tưởng với nhiều loại ma xuất hiện quấy phá Ngài, nội ma có, ngoại ma có; nội ma như ma tham, ma sân, ma si, ma phiền não, ma ngũ ấm… ngoại ma đó là Ma vương phái ba người con gái xinh đẹp, dẫn dầu bởi Sundari, Tradema và Devi, đến làm xao lãng việc thực hành Thiền định của Bồ-tát. Chúng trêu chọc Ngài, nhảy múa khêu gợi, nhưng Bồ-tát Tất-đạt-đa không hề khởi tâm ham thích, mà chỉ thấy tràn đầy lòng từ bi thương xót cho họ. Tiếp theo đó, Ma vương phái những linh hồn hung hăng cuồng nộ, đầu trang hoàng bằng những chuỗi sọ người, tay mang nhiều loại vũ khí khác nhau, như giáo mác, rìu, kiếm và tên bắn đến để tiêu diệt Bồ-tát. Tuy nhiên, vì Ngài an trụ trong trạng thái đại Thiền định, nên toàn bộ vũ khí hủy diệt của quân ma chuyển hóa thành những bông hoa tươi đẹp rơi xuống phủ khắp mình, trang hoàng thân tướng Bồ-tát. Những trở ngại bởi nội ma và ngoại ma cuối cùng đã được đức Thế Tôn nhanh chóng hàng phục chúng.

Đương thời đức Phật có những người hay đối đầu với ngài, như:Đề-bà-đạt-đa, cô gái Cincà nghe theo các nhà ngoại đạo, giả vờ mang thai để vu khống đức Phật, họ tìm rất nhiều phương kế, sách lược mưu hèn kế bẩn để hãm hại đức Phật, nhưng cuối cùng họ đành phải khuất phục dưới ánh hào quang trí tuệ đại hùng, đại lực và đại từ bi của đức Thế Tôn.

5. Thuyết pháp và thành lập Tăng đoàn

於鹿野苑中 。轉四諦法輪。Nghĩa là: Ở tại vườn Lộc Uyển, Ngài chuyển bánh xe pháp về 4 chân lý (the Buddha turned the Dharma Wheel of the Four Noble Truths at Deer Park)

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn rời cội bồ đề, rời Uruvelā  hướng về phía sông Hằng (Gaṅgā), vượt qua sông tiếp tục đi về Ba-la-nại (S. Vārāṇasī; C. 波 羅 奈 國)  là nơi gần đó, tại vườn Lộc uyển (E. Deer Park; C. 鹿野苑) nơi Isipattana (nay gọi là Sarnath), vì nơi ấy trước đó rất nhiều con nai được thả ở đây, và cũng là nơi yên tịnh trầm tịch rất lý tưởng cho sự dụng tâm tu hành, đức Phật lần đầu tiên chuyển Pháp luân nói về pháp Tứ diệu đế hay Tứ đế, tứ Thánh đế (S. Catvāri āryasatyāni; P. Cattāri ariyasaccāni; E.  The four noble truths; C. 四諦) chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm tâm thể nhập thánh tâm.

Pháp luân tượng trung cho Phật pháp, chánh pháp, có nhiều hàm nghĩa:

– Vòng tròn ở ngoài, nan hoa ở trong, nhằm nói lên ý nghĩa chánh – y song vận, lý sự dung thông, lý và hạnh song tu…

– Hình tròn, không đâu không đuôi, vẹn toàn từ đầu đến cuối.

– Một hệ thống của chư Phật, chư Bồ-tát đang hóa độ khắp pháp giới.

Chuyển pháp luân có nghĩa là lời dạy của đức Phật được chuyển hóa vào tâm trí của tất cả chúng sinh, con người dựa trên ý nghĩa tối thượng của Tứ đế thấu hiểu trong tâm đức Phật chuyển tải đến, và có thể khiến những người đã nghe lời dạy của đức Phật chuyển nhập vào tâm thức.

Đức Phật thuyết về pháp Tứ đế, 4 sự thật ở đời, đó là: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

1. Khổ Đế (S. Duḥkha-satya) sự thật về sự đau khổ

– Tam khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ)

– Bát khổ (sanh, lão, bịnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ)

2. Tập đế (S. Duḥkha-samudaya-satya) sự thật về nguyên nhân của sự khổ

3. Diệt đế (S. Nirodha-satya) sự thật về cách chấm dứt sự đau khổ

2. Đạo đế (S. Mārga-satya) sự thật về con đường giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ, đó là Trung đạo – xa rời các cực đoan, là Bát thánh đạo-con đường tám nhánh, tám phương các cần phải tu tập.

Về lý Tứ đế còn phân ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn như vậy thì có bốn hành tướng: khổ, tập, diệt và đạo, gọi là tam chuyển thập nhị hành tướng: 

+ Lần chuyển ban đầu gọi là Thị chuyển (示 轉): Đây là Khổ đế. (chỉ cho thấy Tứ đế); đức Phật dạy cho chúng sanh con người đang chịu đựng đủ mọi thứ thống khổ ở đời va đang chịu sự áp bức, tất cả đều tự do mình tạo ra, phát sanh từ tâm vô minh si mê chi phối toàn bộ cuộc sống này; biết như thế để có cách (phương pháp) vượt thoát khổ ách. Khi nghe đến đây Kiều-trần-như (Koṇḍañña) tức khắc chứng sơ quả Tu-đà-hoàn (dự lưu quả).

+ Lần chuyển thứ hai gọi là Khuyến chuyển (勸 轉): Đây là khổ nên biết tất cả (khích lệ hiểu rõ Tứ đế); con người chúng ta nên xác nhận cái khổ, để xa lìa đoạn trừ phiền não; khi nghe đức Phật giảng đến đây, ngài Mã-thắng hay A-thuyết-thị  (Assaji) và Bạt-đề (Bhaddiya) chứng sơ quả Tu-đà-hoàn.

+ Lần chuyển thứ ba gọi là Chứng chuyển (證 轉): Đây là Khổ đã biết tất cả, cho đến đã tu tập, (Thế Tôn đã tự thân chứng ngộ, khuyên đệ tử nên tự mình chứng ngộ Tứ đế) và cứ như vậy khổ, tập, diệt, đạo đế có ba lần chuyển, gọi là mười hai hành tướng. Khi nghe đức thế tôn giảng đến đây ngài Ma-ha-nam (Mahānāma) và Bà-sư-ba (Vappa) chứng sơ quả Tu-đà-hoàn.

Bài pháp này được đức Phật thuyết giảng đầu tiên, và cũng được xem là Bản tuyên ngôn của Phật giáo, hay bức Thông điệp cứu độ chúng sanh nhân loại.

度憍陳如等 五人。而證道果。Nghĩa là: Độ cho 5 anh em Kiều-trần-như đều chứng được đạo quả (and led Kaundinya and four others to attain the fruit of the Way).

Độ (度) có nghĩa là đem từ bờ phiền não này thông qua biển khổ đến bến Niết-bàn kia.

Sau khi 5 anh em Kiều-trần-như nghe đức Phật thuyết về pháp Tứ đế chứng đắc sơ quả Dự-lưu, thứ đến 4 ngày liên tiếp sau đó, đức Thế Tôn thuyết về vô thường, vô ngã, ngũ uẩn, tất cả 5 vị ngay tức khắc chứng đắc A-la-hán là quả vị cao nhất của tứ quả Thanh văn. 5 vị này được xem là đệ tử đầu tiên của đức Phật, từ đó Tăng đoàn Phật giáo đầu tiên được thành lập, làm cơ sở cho Giáo hội Tăng già sau này.

6. Hóa giải nghi ngờ, cầu Phật tiến –chỉ

復有比丘 所說諸疑。求佛進止。世尊 教敕。一一開悟。合掌敬諾 。而順世尊敕。Nghĩa là: Mỗi khi có những thầy Tỳ-kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, đức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đều được khai ngộ, chắp tay cung kính theo lời Phật dạy (there were also bhiksus who had various questions and implored the Buddha for guidance. The World Honored One taught and directed each one to enlightenment. Joining their palms with reverence and promise, they complied with the Buddha’s noble instructions).

Sau đó, cũng tại vườn Lộc Uyển, đức Phật giảng về pháp Tứ diệu đế hóa độ Da-xá (Yasa), 1 thanh niên tuấn tú, thông minh con của Trưởng giả ở thành Baranasi, chứng đắc A-la-hán; những người bạn của Da-xá theo đó cũng khai ngộ chứng đạt A-la-hán quả, lúc này tăng đoàn gồm 60 vị A-la-hán và tiếp sau đó, đức Phật hóa độ 3 anh em Ca-diếp (Ưu-Lâu-Tần-Loa-Ca-Diếp, Nam-Đề-Ca-Diếp và Già-Da-Ca-Diếp), lúc bấy giờ Tăng đoàn có trên 1000 vị Tỳ-kheo, nương tựa pháp Phật để hành trì tu tập. Lại nữa, có những vị đệ tử muốn bày tỏ chỗ sở tu của mình, nên thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, hóa giải chỗ nghi ngờ về giáo pháp ấy, và việc gì nên tiến hành, việc gì nên dừng lại.

Tiến (進) có nghĩa tiến tới, tiếp tục, tiến vào-thông qua các pháp hành, tinh tấn tu trì để tiến sâu vào Thiền định.

Chỉ (止) có nghĩa là dừng lại, chặn đứng việc làm bất thiện xấu ác, tránh những điều lỗi lầm, trụ nơi an toàn.

Nói khác, người hành giả phải biết cách uyển chuyển khéo léo dụng tâm trong mọi tình huống, lúc nào nên tiến và khi nào nên dừng.

Vì lòng thương tưởng, đức Thế Tôn đã mở bày phương tiện giáo hóa cho mọi người, khiến ai nấy tâm hồn đều được khai mở hanh thông, họ cung kính chắp tay vâng theo sự dạy bảo (E. Instructions; C. )[10] của đức Thế Tôn, y cứ theo pháp đó mà tu tập hành trì, tin rằng chẳng chóng thì chày sẽ chứng đạt quả vị Vô sanh pháp nhẫn.

IV. Kết luận

Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh của đức Như Lai Thế Tôn không ngoài giáo pháp căn bản đó là Tứ đế hay Tứ diệu đế, bất luận dù duyên theo truyền thống tư tưởng Phật giáo nào cũng y cứ vào pháp Tứ đế này mà thành tựu sở hành sở chứng. Do đó, người học Phật cần phải hiểu và thông suốt tỏ tường về 4 chân lý sự thật ấy, là chìa khóa vàng trí tuệ để hành giả thể nhập vào đạo lộ uyên nguyên suối nguồn giải thoát.


Tham khảo & chú thích

[1]  中郎, người chuyên lo việc an ninh ở hoàng cung, cấm vệ quân, hay còn gọi chức quan đứng đầu để bảo vệ hoàng cung.

[2] Lầu Ngự sử là nơi cơ quan giám sát trong triều đình.

[3] Tống Chân Tông là vị Hoàng đế thứ ba của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 997 đến năm 1022, tổng cộng 25 năm.

[4] 綿綿

[5] Kinh Pháp cú, câu 153 & 154.

[6] Kinh kim cương.

[7] Thập như thị: Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo và Như thị bản mạt cứu cánh đẳng. (Phẩm Phương tiện, kinh Pháp hoa quyển 1).

 [8] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn giáo, 2012, tr. 403.

[9] 貪戀世間。 陰緣成質。

[10] Kinh Pháp Hoa, phẩm Chúc lụy thứ 22: “Như Thế Tôn sắc, đương cụ phụng hành” (), đúng như lời Thế Tôn răn dạy, chúng con xin phụng hành.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương