Bài 4: Định Nghĩa Sa môn Và Sa Môn Quả
I. Kinh văn
a. Chữ hán
佛言: 辭親出家,識心達本,解無為法,名曰沙門。常行二百五十戒,進止清淨,為四真道行,成阿羅漢。
阿羅漢者能飛行變化,曠劫壽命,住動天地。
次為阿那含。阿那含者,壽終靈神,上十九天,證阿羅漢。
次為斯陀含。斯陀含者, 一上一還, 即得阿羅漢。
次為須陀洹。須陀洹者, 七死七生,便證阿羅漢。愛欲斷者,如四肢斷,不復用之。
b. Phiên âm
Phật ngôn: Từ thân xuất gia, thức tâm đạt bổn, giải vô vi pháp, danh viết sa-môn. Thường hành nhị bá ngũ thập giới, tấn chí thanh tịnh, vi Tứ chân đạo hạnh, thành A-la-hán.
A-la-hán giả năng phi hành biến hóa, khoáng kiếp thọ mạng, trụ động thiên địa.
Thứ vi A-na-hàm. A-na-hàm giả, thọ chung linh thần thượng thập cửu thiên, chứng A-la-hán.
Thứ vi Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm giả, nhất thượng nhất hoàn, tức đắc A-la-hán.
Thứ vi Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn giả, thất tử thất sanh, tiện chứng A-la-hán. Ái dục đoạn giả, như tứ chi đoạn, bất phục dụng chi.
c. Dịch nghĩa
Từ giã cha mẹ đi xuất gia học Ðạo, thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô vi pháp, được gọi là bậc Sa-môn, thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành 4 chân đạo, thành tựu quả vị A-la-hán. Vị chứng quả A-la-hán có thể phi hành, biến hoá, kéo dài mạng sống, ở đời động cả trời đất.
Thứ đến là quả A-na-hàm. Vị chứng A-na-hàm, khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 thì chứng quả A-la-hán.
Thứ đến là quả Tư-đà-hàm, người chứng quả Tư-đà-hàm, một lần sanh lên cõi trời, một lần sanh xuống cõi người thì chứng quả A La Hán.
Kế đến là quả Tu-đà-hoàn. Người chứng quả Tu-đà-hoàn phải 7 lần sanh, 7 lần tử mới chứng quả A-la-hán. Người chứng quả A-la-hán là người đã đoạn tận ái dục, như tay chân bị chặt không thể sử dụng trở lại được.
d. Bản dịch Anh ngữ
The Sutra of forty-two chapters
(The Buddha speaks the sutra of forty-two chapters)
Translated into Chinese by Kashyapa-matanga and Gobharana of the Later Han Dynasty
Renounce the Secular Life and Attain the Fruit of Arhatship
The Buddha said, “Those who take leave of their families, and renounce the secular life, who know their mind, penetrate to its origin, and understand the unconditioned Dharma, are called shramanas. By always observing the 250 precepts, being pure and unblemished in their conduct, and practicing the Path of the Four Truths, they then become arhats. Arhats possess the powers of levitation and transformation. Their lives may span many kalpas, and they can move heaven and earth. Prior to arhats are the non-returners. At the end of their lives, conscious spirits of the non-returners will ascend above the nineteenth heaven, where they will attain arhatship. Prior to non-returners are the once-returners, who ascend to the heavens and return to earth at most once before they become arhats. Prior to once-returners are the stream-enterers, who go through birth and death at most seven times before attaining arhatship. Once desire and lust are eradicated like severed limbs, one will never use them again.”
II. Đại ý
Thuyết minh về quá trình xuất gia hành đạo, nghiêm chỉnh giới luật và mục đích cuối cùng là tu chứng Thánh quả. Người hành giả chứng đạo đồng nghĩa của việc đã đoạn tận ái dục. Bởi lẽ ái dục là gốc của sanh tử, mà một khi ái dục đã đoạn tận thì không bị chi phối của sanh tử luân hồi nữa.
III. Lược giải
Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Định nghĩa xuất gia là gì?
- Các yếu tố để trở thành Sa-môn
- Các tiêu chuẩn để thành tựu bậc thánh A-la-hán
- Tứ quả A-la-hán
1. Định nghĩa xuất gia là gì?
Câu: 佛言: 辭親出家. Nghĩa là: Từ giã cha mẹ đi xuất gia học Ðạo (the Buddha said, “those who take leave of their families, and renounce the secular life).
Phật ngôn (佛言): Nghĩa là lời đức Phật dạy, lời Phật thuyết ra (Buddhavacana, word of the Buddha).
Từ thân xuất gia. Nghĩa là từ giã người thân để đi xuất gia học đạo; người thân ở đây cũng có thể là cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc.
Ở mức độ cạn, từ giã là ly gia cắt ái, tách ra khỏi sự ràng buộc quyến luyến của gia đình; còn ở mức độ sâu hơn có thể nói là từ bỏ hết tất cả những gì hình tướng của pháp thế gian. Tổ Quy Sơn nói: Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu…”[1] Nghĩa là: Người đã xuất gia, cất bước vượt lên cao xa; tâm tánh, cốt cách khác người thế tục. Tiếp nối mà làm hưng thịnh đạo pháp, nhiếp phục hết thảy những thói hư tật xấu. Lấy việc ấy mà báo đáp bốn ơn, bạt khổ cứu nguy khắp trong ba cõi.
Như vậy, xuất gia là gì? (S. Pravraj; P. Nekkhama; E. Renunciation; C. 出家) có nghĩa là ra khỏi nhà hay khước từ cuộc sống thế gian, từ bỏ những mơ ước ảo huyền thế tục để chọn đời sống tu sĩ, thanh bần, đạm bạc. Nekkhama cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua các phiền não tham, sân, si làm che lấp Niết-bàn, bằng cách thực hành con đường tu tập Giới, Định và Tuệ.
Thuật ngữ ‘nekkhama’ được bắt nguồn từ chữ ‘nikkhamma’, với ý nghĩa là từ bỏ đời sống thế tục và sống nhiếp phục phòng hộ các căn môn,[2] không bị tham muốn khát ái chi phối, buộc ràng.
Trong Sa Di Luật Giải,[3] xuất gia có hai nghĩa:
(1) Ra khỏi nhà thế tục, bước chân ra khỏi cảnh trần, để tìm thầy trí thức.
(2) Ra khỏi nhà phiền não, dứt vọng chứng chơn, vượt khỏi ba cõi. Nói rộng hơn, xuất gia có ba nghĩa: (1) xuất thế tục gia, ra khỏi nhà thế tục, thế gian. Mỗi gia đình đều có những rắc rối riêng của nó, giữa bà con quyến thuộc với nhau lại thường hay xích mích, gây gỗ, cãi vả nhau, chẳng có gì là thực sự vui vẻ, hạnh phúc cả. Vì thế, người ta muốn rời bỏ căn nhà thế tục và cũng được xem là ngôi nhà lửa (hỏa trạch). Kinh Pháp hoa nói: “Tam giới bất an, do như hỏa trạch.” Nghĩa là: Ba cõi không yên, giống như nhà lửa; (2) xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não tham, sân và si); và (3) xuất tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới).
Ngôi nhà tam giới gọi là:
Dục giới (kamaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Thô ngã sinh.
Sắc giới (rupaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Ý thành ngã sinh.
Vô sắc giới (arupaloka) <=> tư tưởng Áo nghĩa thư gọi là Tưởng sở thành ngã sinh.
Một khi đã xuất gia đi tu thì phải đoạn trừ phiền não và phát tâm Bồ đề, như thế mới đúng nghĩa của xuất gia
Thực Dụng Phật Học Từ Điển:[4] Xuất gia (thuật ngữ) là ra khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh của Sa-môn. Kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ tư nói: “Tôi nghe Phật dạy, cha mẹ không cho thì không được xuất gia.” Cũng kinh này, phẩm Phương Tiện, “Duy Ma Cật nói: Các vị đã phát tâm A-Nậu-Đa-La-Tam-Miệu-Tam-Bồ-Đề, như vậy tức là Xuất gia.”
Mặc khác, xuất gia có 4 loại:[5]
1. Thân xuất gia, tâm không xuất gia: đó là hạng người thân tướng đầu tròn áo vuông nhưng tâm vẫn còn lưu luyến thế tục.
2. Thân tại gia, tâm xuất gia: là hạng người tuy có gia đình nhưng tâm luôn tinh tấn tu học, không bị đam mê nhiễm trước.
3. Thân tâm đều xuất gia: hạng người thân đầu tròn áo vuông, tâm không lưu luyến các dục, kính mộ Tam bảo, giữ giới thanh tịnh, tinh tấn tu học, quyết tâm dứt trừ phiền não, đắc qủa Bồ-đề.
4. Thân tâm đều không xuất gia: hạng người bận rộn vợ con, say đắm dục lạc, nhiễm các phiền não. Trong bốn loại này, hạng người thứ ba “thân tâm đều xuất gia” chính là hạng người cao quý nhất. Cho nên, chí nguyện cao thượng của người xuất gia là mong ra khỏi ngôi nhà tam giới khổ đau này. Kinh Pháp Hoa nói: “Tam giới bất an do như hỏa trạch”.
Con người muốn xuất gia, theo giới luật Phật giáo, thì người đó phải được sự cho phép của cha mẹ hoặc người thân, nếu cha mẹ không qua đời; đúng theo Hiến chương, nội quy ban Tăng sự của giáo hội đã ấn định, và giấy đơn xin phát nguyện xuất gia được ban trị sự cấp quận huyện và tỉnh thị thành xác nhận từ lúc ngày tháng năm đương thể đó cạo tóc xuất gia, chứ không phải tới ngày thọ giới mới làm giấy phát nguyện xuất gia, đây là quy định mới cách làm việc của Giáo hội; do đó việc xuất gia ở các nước Đông Nam Á có khác so với các nước phương Tây tiên tiến như Hoa Kỳ (USA) chẳng hạn, người con thành viên trong gia đình sau khi đủ 18 tuổi, bạn có quyền tự do, quyết định lựa chọn sự nghiệp của mình, có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, miễn sao không phạm pháp. Ngày xưa ở Ấn-độ và Trung Quốc, vì Phật giáo theo phong tục nước nhà, truyền thống của quốc gia đó, nên phải giải thích rõ ràng với cha mẹ và từ giã: “con đã xuất gia”. Đây gọi là “từ thân”, và từ thân này có 2 nghĩa:
+ Phụng mệnh, tuân lệnh hay vâng lệnh lời dặn bảo của cha mẹ hoặc được sự hứa khả đồng thuận của cha mẹ.
+ Từ giã người thân để cầu mong giải thoát sự vướng mắc phiền thân não tâm.
Trở thành người tu sĩ có nghĩa là cống hiến thân, tâm, mạng sống của mình cho Tam Bảo, gửi gắm cuộc đời của mình vào nơi cửa Phật và không bao giờ làm việc thế tục nữa, gọi là ‘từ thân xuất gia’. ‘Từ’ ở đây chính là từ giã phụ mẫu, từ giã họ hàng thân tộc để đi xuất gia.
Như vậy, Từ thân xuất gia là để được gần gũi với Tam Bảo và trở thành tu sĩ trong Đạo tràng tu viện của Phật, Pháp và Tăng. Với những lý do đó, nên việc xuất gia rất thuận tiện cho chúng ta tu hành sớm đắc đạo.
+ Chúng ta xả bỏ những tình cảm sâu đậm, có thể làm cho con người mờ tâm tối dạ mất sáng suốt.
+ Chúng ta rời bỏ sự ỷ lại nơi người thân; người muốn đắc giải thoát thì phải giảm sự ỷ lại, và bản thân phải phấn đấu tự túc, vì không ai có thể thay thế cho chính mình mà giải thoát được.
2. Các yếu tố để trở thành Sa-môn
Câu: 識心達本,解無為法,名曰沙門。Nghĩa là: Thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô vi pháp, được gọi là bậc Sa-môn (who know their mind, penetrate to its origin, and understand the unconditioned Dharma, are called shramanas).
Thức tâm đạt bổn, nghĩa là thấu rõ nguồn tâm.
“Thức tâm” là nhận thức tường tận tâm tánh của mình, biết tâm mình, biết lòng mình, thích cái gì, cần cái gì, suy nghĩ cái gì, ước muốn cái gì? Phải biết rằng:
“Tâm sanh, chủng chủng pháp sanh,
Tâm diệt, chủng chủng pháp diệt”.
Nghĩa là: Khi tâm sinh thì các pháp sinh, tâm diệt thì các pháp diệt. Ngoài tâm không có pháp và ngoài pháp cũng chẳng có tâm. Tâm và pháp là một, chúng được xem là bất khả phân ly, không thể chia cách ly biệt được; cũng giống như sóng và nước, nước và sóng; nếu gạn múc hết sóng đi thì nước cũng chẳng còn; Nếu biết ngoài pháp không có tâm thì chúng ta sẽ hiểu được tánh biến kế chấp, và như thế gọi là “thức tâm”.
Đạt bổn là đạt được những nguyên lý thâm sâu của Phật; là hiểu thấu suốt rõ ràng căn nguyên gốc rễ của tâm xưa – nay vốn không có thực thể, không có hình tướng. Nếu hiểu được đạo lý này, thì chúng ta sẽ hiểu được rằng tánh y tha khởi là hư huyễn. Tánh biến kế chấp vốn là không, mà tánh y tha khởi cũng chỉ là giả tạm, hư huyễn – không có cái nào là thật sự tồn tại cả. Hiểu được như thế mới gọi là “thức tâm đạt bổn – biết tường tận tâm tánh”.
“Thức tâm đạt bổn” cũng chính là “minh tâm kiến tánh”, biết tâm, thấy tánh. Tâm là vua của các pháp, vòng sinh tử luân hồi cũng do tâm tạo nên, do đó tâm có thể thay đổi vạn vật, sáng tạo ra vạn vật, tiếp nhận vạn vật, nếu tâm không tỉnh giác tức là mê muội hay si mê thì tâm không thể quyết định làm chủ được, do đó mà tùy thuận theo nghiệp nên bị lưu chuyển theo dòng chảy của nghiệp chướng. Vì thế, khi chúng ta thấu rõ được nguồn tâm, mới có thể làm chủ tâm và chuyển hóa tất cả nghiệp chướng của mình. Tất cả các pháp trong thế gian và ngoài thế gian đều tạo thành bởi 2 chữ “nhân duyên”, nhân do hoạt động của tâm tạo nên; tâm điều khiển tất cả các pháp, và tất cả các pháp đều tùy thuộc hỗ tương lẫn nhau. Cái gọi là “minh tâm”, có nghĩa là ba cõi chỉ là tâm, các pháp là duy nhất (tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức), cho nên người tu học Phật chúng ta làm sao phải biết được tâm mình.
Câu: 解無為法. Nghĩa là: Thấu hiểu vô vi pháp (and understand the unconditioned Dharma)
Ở đây chúng ta nên lưu ý hai chữ “Vô vi” là từ rất đặc biệt được dùng trong sách điển của Đạo giáo hay tư tưởng Lão-Trang, chẳng hạn như câu: “Vô vi nhi vô bất vi” (無為而無不為). Nghĩa là: Không làm gì cả nhưng không việc gì là không làm; hay không làm gì cả mà làm tất cả mọi việc, đó gọi là Vô vi. Trong câu kinh này, “Giải vô vi pháp ” có nghĩa là thấu suốt được pháp Vô vi.
Hiểu pháp Vô vi tức là liễu ngộ pháp Chân như (真如); chân như và nhất thiết pháp tức là tất cả các pháp không phải là một mà cũng chẳng phải là khác, gọi là bất nhất bất dị (不 一 不 異). Ví như hai mặt trắng và đen của bàn tay; sóng và nước; Nếu chúng ta hiểu được đạo lý này, tức là Chân như cùng tất cả các pháp tuy không đồng một thể, song cũng chẳng khác biệt gì nhau, hiểu được như vậy thì chúng ta sẽ tỏ ngộ được Tánh viên thành thật (證 圓 成 實 性; S. Pariniṣpanna-svabhāva), đây là một thuật ngữ được sử dụng trong Duy thức học; thấu ngộ được bản thể của mình. Viên thành thật tánh còn gọi Pháp tánh (法性) hayTự tánh (by itseft) của mỗi hữu tình chúng sanh con người. Đó gọi là “thấu hiểu Pháp Vô vi”.
Lại nữa, vô vi pháp có 2 nghĩa:
+ Tất cả các pháp sinh khởi từ nhân duyên đều không có tự tánh, nên bản tánh của chúng vốn là không, tánh không này không sinh không diệt, không dơ không bẩn, không tăng không giảm; và tất cả Pháp tánh không có sinh diệt, không làm gì cả (vô sở tác vi), nghĩa là pháp vô vi cũng chính là bổn tánh Niết-bàn. Trung quán luận, kệ 14 nói:
“Dĩ hữu không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp đắc thành.
Nhược vô không nghĩa giả,
Nhất thiết tắc bất thành.”[6]
Nghĩa là:
Chính nhờ vào nghĩa không,
Mà mọi pháp được thành.
Nếu mà không có không,
Chẳng pháp nào thành lập.
+ Vì thấu rõ được tánh không, nên mọi phiền não, lo âu về sinh tử đều được giải thoát. Cần phải nương thức “tâm” thấu rõ được nguồn tâm để thể nhập vào trí tuệ vô lậu, tức là chấm dứt phiền não, đoạn diệt khổ đau, mà một khi diệt trừ phiền não, thì nghiệp chướng cũng theo đó mà tiêu trừ; khi nghiệp chướng được tiêu trừ, mới có thể liễu sanh thoát tử, và an trụ trong Niết-bàn, đó là nghĩa của vô vi pháp. Ý nghĩa của quả vị cao nhất này là chứng ngộ vô vi pháp. Tu hành đạt được quả vị như thế, nên gọi là Sa-môn; hay còn gọi Sa-môn quả, tứ quả A-la-hán, tứ Sa-môn quả.
Nói cách khác, khi nói đến pháp vô vi thì đối lại là pháp hữu vi; hễ cái gì có hình tướng, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm thì chúng là pháp hữu vi; còn pháp gì mà bất sanh bất diệt, bất khứ bất lai thì gọi là vô vi pháp; mục đích rốt ráo cuối cùng người tu hành muốn đạt ngộ là pháp vô vi này, chứ không có gì khác. Cho nên, “ngộ vô vi pháp” là chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Chữ ‘nhẫn’ ở đây có nghĩa không bị thoái đọa, vô sanh pháp nhẫn là không còn bị sanh tử thoái đọa trong lục đạo khổ đau nữa, hay còn được hiểu là chứng ngộ bản thể bất sinh bất diệt của các pháp. Bộ Pháp Tụ nói: “Những pháp nào hữu duyên, do duyên sinh, chính pháp ấy là hữu vi. Những pháp nào vô duyên, không do duyên tạo tác, chính pháp ấy là vô vi”.[7] Từ những ý nghĩa căn bản trên, các học phái Duy thức triển khai có đến sáu pháp vô vi, đó là: Hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, bất động vô vi, tưởng thọ diệt vô vi và chân như vô vi. Năm loại vô vi đầu là giải thích về tướng của pháp tánh. Riêng chân như vô vi là giải thích về thể của Pháp tánh. Ngài Chân Nguyên Thiền sư (1647 – 1726) nói: “Tính vốn lầu lầu tri bất tri, đêm ngày bảo nhậm chữ vô vi.” Điều này trong Bộ Pháp Tụ gọi là Niết-bàn, và lời dạy của bản kinh văn này được đề cập đến gọi là “chứng ngộ pháp vô vi, có nghĩa là vậy.
Thế kỷ thứ VII, ngài Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) là đệ tử đắc pháp của Lục Tổ Huệ Năng (638-713), bằng sự sở tu và sở chứng của ngài, đã sáng tác Chứng đạo ca (證道歌), nghĩa là những bài ca chứng đạo, gồm có 56 thi ca, mở đầu Chứng đạo ca, ngài Huyền Giác nói:
“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân,
Vô minh thực tánh tức Phật tánh,
Ảo hóa không thân tức pháp thân.”[8]
Nghĩa là:
Người đắc Đạo thì tuyệt học, vô vi, an nhàn vô sự; họ chẳng cần trừ vọng tưởng cũng chẳng cầu chân; bởi họ thấy đúng như thực rằng tánh thật của vô minh là Phật tánh; và cái thân huyễn hóa không thật thể này là Pháp thân.
Chúng ta nên biết, người xuất gia trên lộ trình học Đạo, thường phải qua ba giai đoạn, đó là: kiến đạo, hành đạo và chứng đạo. Đến giai đoạn Chứng Đạo, được gọi là con người “nhàn đạo”. Người “nhàn đạo” là người đã vượt qua giai đoạn “kiến đạo” và “hành đạo”. Vì vậy, người “chứng đạo” còn được gọi là người Tuyệt Học, là người đạt đến Vô Vi, cho nên bậc Tuyệt Học, Vô Vi, Nhàn Đạo tức là con người Chứng Đạo. Cái thấy của người chứng đạo, không phải thấy qua cái thấy của nhục nhãn – con mắt bình thường mà thấy bằng “Tuệ nhãn”. Về “cái thấy”, giáo lý đạo Phật nói có năm cách nhìn thấy khác nhau. Dựa trên thành quả tu chứng mà cái thấy của người tu đạo, hành đạo và chứng đạo đối với hiện tượng vạn hữu chia thành năm cách thấy: Cái thấy qua “nhục nhãn”. Cái thấy qua “thiên nhãn”. Cái thấy qua “pháp nhãn”. Cái thấy qua “tuệ nhãn”. Cái thấy qua “Phật nhãn”. Cái thấy qua “nhục nhãn” là cái thấy “tầm thường” ai cũng có thể thấy đc. Cái thấy qua “thiên nhãn” là cái thấy “bình thường”, cao hơn chúng sanh cõi nhân gian 1 chút. Cái thấy qua “pháp nhãn” là cái thấy của người “đạt đạo”, của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Cái thấy qua “Tuệ nhãn” là cái thấy của người Chứng Đạo, cái thấy của căn cơ Đại thừa, của Bồ-tát trên đoạn đường gần đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của “Phật nhãn”. Người Chứng Đạo, là nhìn thấy thấu triệt bản chất căn nguyên của vạn pháp; thấy được cái “thực tướng” của vạn pháp; cái tướng thực là duyên sanh, mà duyên sanh thì như huyễn, như mộng, không thật có. Do đó, người Chứng đạo rồi thì nhìn tất cả các pháp với tâm không trừ vọng tưởng mà cũng chẳng cầu chơn, tánh vô minh tức là Phật tánh, ảo hóa không thân tức là pháp thân; kinh Lăng nghiêm nói:
“Chơn tánh hữu vi không,
Duyên sanh cố như huyễn,
Vô vi vô khởi diệt,
Bất thật như không hoa,
Ngôn vọng hiển tri chơn,
Vọng chơn đồng nhị vọng.”
Nghĩa là:
Chơn tánh của pháp hữu vi là không,
Vì duyên sanh, sanh như huyễn hóa,
Vô vi thì không có khởi diệt,
Vì chẳng thật, như hoa đóm trong hư không,
Phủ định vọng, nhằm khẳng định có chơn,
Nếu chấp “chơn” thì vọng chơn cả hai đều vọng.
Hay nói khác:
Pháp hữu vi không có tự thể. Thật chất của nó là không, vì nhơn duyên sanh cho nên có. Có mà không thật có cho nên gọi nó là “như huyễn” (huyễn là cái bóng);
Vô Vi là nói để đối đãi với Hữu Vi. Tự tánh của Vô Vi vốn chẳng sanh chẳng diệt (vì nó là bản thể của chơn như);
Pháp Hữu vi không thật có, giống như hoa đóm trong hư không. Vì anh bị bệnh hoa mắt nên thấy có hoa đóm chứ nào có gì đâu? Pháp Hữu Vi và Vô Vi cũng vậy. Vì anh bị bệnh chấp ngã và chấp pháp nên mới thấy là có.
Vì anh còn chấp nên nói cái Vọng để hiển bày cái Chơn.
Nhưng nếu anh chấp là có cái Chơn, muốn bỏ Vọng để tìm Chơn thì anh đã sai rồi, vì Vọng và Chơn cải hai đều là Vọng.
Để đạt được danh xưng Sa-môn đúng nghĩa, thì vị Sa-môn ấy phải thấu rõ nguồn tâm và chứng ngộ vô vi pháp; chúng ta biết, trước khi Phật giáo xuất hiện ở Ấn-độ, thì danh từ Sa-môn đã có trước rồi.
Vậy, Sa-môn là gì? (S. Sramaṇa; P. Samana; E. Buddhist monk) có nghĩa là “cần tức” (勤息) – siêng năng tu trì giới, định, tuệ để diệt trừ tham, sân, si;[9] còn gọi là “tức tâm” (息心), nghĩa là: siêng năng thực hành các việc thiện và chấm dứt các việc ác; [10] Loại bỏ những suy nghĩ tục niệm thông thường; không còn vọng tưởng quyến luyến đời sống thế gian; tĩnh chí (靜志), tịnh chí (淨志), bần đạo (貧道)…
Về phân loại Sa-môn, theo Trường A-hàm (quyển 3), kinh Du Hành và Đại Tỳ Bà Sa Luận (大毘婆沙論) (quyển 66), Sa-môn có 4 loại:
+ Thắng đạo sa-môn (勝道沙門), Sa-môn chứng quả A-la-hán.
+ Thị đạo sa-môn (示道沙門), hay Thuyết đạo sa-môn (說道沙門), nghĩa là khéo thuyết giảng giáo lý lợi ích cho thính chúng.
+ Mạng đạo sa-môn (命道沙門), hay Hoạt đạo sa-môn (活道沙門), nghĩa là nương theo đạo mà sinh hoạt tu hành; tức chỉ cho người nương theo đạo mà sống, như tôn giả A-nan, tuy có học vị mà giống như vô học, đa văn, khéo vâng giữ, đầy đủ giới cấm thanh tịnh, truyền pháp thân huệ mạng cho cuộc đời.
+ Ô đạo sa-môn (污道沙門), hay Hoại đạo sa-môn (壞道沙門), chỉ cho những người không trì giới luật, không chánh tín Tam bảo, lười biếng, làm nhơ nhớp Thánh đạo, như Tỳ-kheo Mạc Khát-Lạc-Ca (莫喝落迦), thường trộm cắp tài vật của người khác.
Như vậy, một khái niệm Sa-môn với nội dung là “Từ giã cha mẹ đi xuất gia học Ðạo, thấu rõ nguồn tâm, chứng ngộ vô vi pháp, được gọi là bậc Sa-môn”, và có thể nói rằng, chỉ có Phật giáo mới có được và thực hiện được mà thôi. Khái niệm Sa-môn mà kinh 42 chương định nghĩa hoàn toàn nhất quán với nội dung kinh Trung Bổn Khởi là: “Nhất thiết chư pháp bổn, nhân duyên, không, vô chủ, tức tâm đạt bổn nguyện, cố hiệu vi Sa-môn.”[11] Nghĩa là: Nguồn gốc của các pháp: nhân duyên, không, vô chủ. Dứt tâm đạt bổn nguyện, nên gọi là Sa-môn.
3. Các tiêu chuẩn để thành tựu bậc thánh A-la-hán
Câu: 常行二百五十戒,進止清淨,為四真道行,成阿羅漢。Nghĩa là: Thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành 4 chân đạo, thành tựu quả vị A-la-hán (by always observing the 250 precepts, being pure and unblemished in their conduct, and practicing the Path of the Four Truths, they then become arhats).
Không chỉ dừng lại ở đó, đức Phật còn quy định những pháp quy, giới luật để một vị gọi là Sa-môn Thích tử phải nghiêm trì trong tinh thần hoan hỷ và tự nguyện là “thường giữ gìn 250 giới, sống đời thanh tịnh, thực hành tứ chân đạo hạnh, Tứ Thánh Đế hay luôn quán về Tứ niệm xứ để trở thành A-la-hán. Rõ ràng, chúng ta thấy giới luật Phật giáo là những khuôn phép, là những pháp quy với công năng đưa hành giả Sa-môn đạt đến con đường, giải thoát, khác hẳn với những luận điệu cho rằng giới luật là những gì thúc phược, ràng buộc gò bó. Chính như thế, chúng ta thấy và cũng có thể xác nghiệm rằng giới luật là thềm thang căn bản, là cơ sở vững chắc để một hành giả Sa-môn tiến tu Thiền định và khai phát tuệ giác.
Ở đây, kinh văn nói: “thường hành” (常行) có nghĩa là luôn luôn thực hành đúng giới luật, không phạm giới, mỗi ngày luôn tăng trưởng kiến thức về giới học (戒學); thì giới pháp nhà Phật có quy định rõ ràng; quy định ở đây có nghĩa là giới hạn trong phạm vi đó, nếu vượt ra ngoài ranh giới ấy thì xem như là tư cách, tác phong, đạo đức, đạo hạnh của vị đó bị giảm sút; người Phật tử tại gia thì có 5 giới, xuất gia Sa di thì có 10 giới, Thức xoa ma na có 6 học giới, Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo ni có 348 giới.
Theo Luật Tứ Phần và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, giải thích: 250 giới là toàn bộ các điều khoản giới luật quy định cho một Tỳ- kheo Tăng (gồm 4 Ba la di, 2 Bất định, 13 Tăng tàn, 30 Xả đọa, 90 Đơn đọa, 100 Chúng học, 4 Hướng bỉ hối và 7 Diệt tránh); và theo truyền thống Luật tạng của Phật giáo Nam tông chỉ có 227 giới mà vị Sa-môn Thích tử cần phải thọ trì.
Trong kinh 42 đề cập đến con số 250 điều giới khoản, có lẽ đã dựa vào Luật Tứ Phần của Phật giáo Bắc tông và Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Cũng có thể hai ngài dịch giả Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã dịch từ bản văn kinh hệ Bắc truyền về con số 250 giới. Điều quan trọng của Luật tạng hay nhấn mạnh là: “Thầy Sa-môn hay tu sĩ Phật giáo nói chung, phải luôn luôn sống trong sự hộ trì các tịnh giới để thăng hoa đời sống đạo đức, đời sống phạm hạnh của chính mình”. Hay nói một cách khẳng định: “Để thành tựu A-la-hán quả, các tu sĩ Phật giáo phải hành động, sinh hoạt trong quỹ đạo của giới luật” – không có giới luật hay phạm hạnh bị sứt mẻ, bể vụn, thì không thể nào đạt được Thánh quả. Đó là sự thật là chân lý bất di bất dịch.
Câu: 進止清淨. Nghĩa là: Sống đời thanh tịnh; thế nào gọi là tiến-chỉ? “Tiến” là hướng về phía trước mà làm, mỗi ngày mỗi tinh tiến, và “chỉ” là đình chỉ, dừng lại hay ngừng lại. Nói khác, siêng năng làm việc thiện, nghĩ điều thiện, hành điều thiện, tư duy thiện, tiếp xúc nhiều việc thiện gọi là tiến; và từ bỏ việc tư duy bất thiện, tiếp xúc những việc làm bất thiện, gọi là chỉ.Văn cảnh sách, Tổ Quy Sơn nói: “Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục. Trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân: Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận.” [12] Nghĩa là: Đi xa phải có bạn hiền, thường giữ cho tai mắt được trong sạch. Trú ngụ phải chọn cùng người tốt, thường nghe những việc chưa nghe. Cho nên nói: Sinh ta ra là cha mẹ, giúp ta thành người là bạn hữu. Được gần người hiền như đi giữa đám hơi sương, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng được ẩm mát.
Ở đây giữ giới tức là vị hành giả đó “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Nghĩa là, không làm các việc ác, mà siêng năng làm việc lành. Nếu có thể làm tất cả mọi điều lành, điều đó đồng nghĩa là chẳng làm các điều ác. Cho nên, trì giới cần tinh nghiêm, kinh Lăng nghiêm nói: “Nghiêm tịnh tỳ ni, hoằng phạm tam giới”, phải lấy chính mình làm mẫu mực, tự mình nêu gương tốt. Ðó mới là trì giới. Không phải giữ giới là không dám làm gì hết, vì mình nghĩ hễ làm thì sợ phạm, thật ra giới không phải là gò bó, bắt buộc ép buộc, mà giới rất linh hoạt sinh động. Cho nên, bất luận chúng ta đang làm hay không làm gì cả, bất luận là trong lúc động cũng như tĩnh, chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh, trong sạch, chẳng có chút nhiễm ô, nhơ bợn, và đây cũng là nói về phẩm hạnh oai nghi, đạo đức, nếp sống tiết dục, tri túc, tỉnh giác, chú tâm trong chánh pháp của 1 người xuất gia hành giả, trong kinh Tăng Chi Bộ nói: “Vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói phô tạp nhạp. Luôn hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác. Không thờ ơ với hạnh sa môn, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh đọa lạc, đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, an trú chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, có trí huệ.”[13] Với một nếp sống chân chính cơ bản như vậy, vị Sa-môn dễ dàng đạt được quả A-la-hán. Tuy nhiên, vị Sa-môn để thành tựu Tứ quả Sa-môn phải tu tập tứ Thánh đế.
Câu: 為四真道行. Nghĩa là: Thực hành hay tu tập Tứ Chân Đạo hạnh, 4 đạo hạnh chân chính, tức là pháp Tứ đế:
+ Quán các pháp hữu lậu đều là khổ;
+ Quán phiền não nghiệp chướng là nguyên nhân của khổ;
+ Quán về sự đoạn diệt của các khổ;
+ Quán về muốn đoạn diệt khổ đau thì phải tu đạo, phương pháp hay thực hành bát chánh đạo;
Lại nữa, Tứ Chân Đạo Hạnh còn gọi là Tứ niệm xứ:
+ Quán thân bất tịnh; quán tam giới đều bất tịnh;
+ Quán tâm vô thường; quán các pháp hữu vi đều vô thường;
+ Quán pháp vô ngã; quán tất cả pháp là vô ngã;
+ Quán thọ thị khổ; quán các pháp hữu lậu đều là khổ;
Hành giả thường quán tưởng như vậy, đạt đến Tam vô lậu học, nghĩa là vô lậu giới, vô lậu định và vô lậu tuệ, hiện chứng vô vi pháp tánh, đoạn trừ dây mơ rễ má phiền não phân biệt sinh ra, cứ tinh tiến đoạn sạch hết phiền não lậu hoặc, thành tựu chứng đắc A-la-hán quả. Nói một cách khác, pháp tu Tứ đế để thành tựu A-la-hán quả là gì?
Khi hành giả ở giai đoạn noãn vị, noãn nghĩa là nóng, sức nóng của lửa, muốn đốt cháy đống củi phiền não, thì hành giả ấy phải dùng ngọn lửa Vô lậu thánh đạo; khi hành giả tu tập ở địa vị cấp độ này phải quán đủ cả 4 đế khổ, tập, diệt, đạo thông qua 16 hành tướng, mỗi đế đều có 4 hành tướng, 4 x 4 = 16 hành tướng;
Như quán về khổ đế thấy rõ nó là: vô thường, khổ, không, vô ngã;
Quán về tập đế thấy rõ nó là: nhân, tập, sanh, duyên;
Quán về diệt đế thấy rõ nó là: diệt, tịnh, diệu, ly
Quán về đạo đế thấy rõ nó là: đạo, như, hành, xuất;
+ Quán khổ đế: vô thường, khổ, không, vô ngã
+ Quán tập đế: tập nghĩa là tập hợp, tập hợp cái gì? Tập hợp phiền não, hỷ nộ ái ố.. nó là nguyên nhân của mê lầm, là si mê, là vô minh, là do thiếu trí tuệ, chính do vô minh, mê lầm này mà tạo ra nghiệp, như hạt giống sinh mầm là (nhân), do nghiệp chứa nhóm này khổ quả sinh ra gọi là (tập); lại phiền não nghiệp chướng làm nhân cho khổ quả cứ thế tương tục triển chuyển gọi là (sinh); và nó làm trợ duyên sinh ra khổ quả gọi là (duyên);
+ Quán diệt đế: diệt đế tức Niết-bàn; do đoạt tuyệt 5 uẩn, nên gọi là (diệt), kinh Tương Ưng Bộ, định nghĩa:
“Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc, không khổ,
Ðặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Ðược giải thoát tịnh lạc!”[14]
Dứt hết 3 độc phiền não tham, sân, si nên gọi là (tịnh); không còn sự khổ hay tỳ vết nào nữa nên gọi là (diệu); giải thoát mọi ràng buộc, hệ phược, thảnh thơi, thong dong tự tại nên gọi là (ly).
+ Quán đạo đế: đạo là phương pháp tu tập là con đường bậc thánh đã đi qua, đó là nguyên nhân dẫn đến giác ngộ, nên gọi là (đạo); bởi vì đạo này khế hợp với chân lý nên gọi là (như); đạt đến hay đi đến quả vị niết-bàn nên gọi là (hành); siêu thoát hay vượt thoát bờ mê sanh tử khổ đau nên gọi là (xuất).
Cứ theo đây mà quán chiếu hành trì tu tập, nếu trên lộ trình tu tập không may bị thoái chuyển, có nghĩa là thoái lui hay khởi tà kiến, chểnh mãng, nhưng chắc chắn không ở lâu trong vòng sanh tử, mà sẽ trở thành thánh giả A-la-hán, thẳng tiến quả vị Niết-bàn.
4. Tứ quả A-la-hán
Câu: 阿羅漢者能飛行變化,曠劫壽命,住動天地。Nghĩa là: Vị chứng quả A-la-hán có thể phi hành, biến hoá, kéo dài mạng sống, ở đời động cả trời đất (Arhats possess the powers of levitation and transformation. Their lives may span many kalpas, and they can move heaven and earth).
Tứ quả A-la-hán, là quả vị cao nhất trong tứ quả, còn gọi thánh quả vô sanh; Trung Bộ kinh, bài 112 – Kinh sáu thanh tịnh định nghĩa: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[15] Nghĩa là: Ngã sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.
A-la-hán (S. Arhat; P. Arahant; E. One who is worthy) là bậc đã chứng đắc quả vị vô sanh pháp nhẫn; dựa trên cơ sở đó, 1 vị A-la-hán thực thụ được hiểu trên 3 nghĩa, đó là: Sát tặc, Ứng cúng và Vô sanh.
1.Sát tặc là đoạn sạch hết tất cả phiền não, nội phiền não tham, sân, si và ngoại phiền não cảnh trần sắc pháp cả 2 đều diệt trừ hết.
2. Ứng cúng nghĩa là xứng đáng để thọ nhận sự cúng dường của trời và người.
3. Vô sanh nghĩa là chấm dứt con đường sanh tử, không còn sanh hữu nữa, không sanh trở lại trong chốn trần lao, lục đạo nữa.
Trong đó, nói về nghĩa ứng cúng, chữ ‘ứng’ được hiểu có 3 nghĩa:
+ Đoạn sạch hết tất cả lậu hoặc phiền não nhiễm ô; tương ứng với Chân như;
+ Không sanh trở lại cõi tam giới;
+ Sự vi diệu xứng đáng nhận phẩm vật cúng dường của trời và người;
Bậc A-la-hán là siêu xuất tam giới, bậc thầy của trời và người, là phước điền cho cõi trời và người, giáo hóa độ cho cõi trời và người, khiến cho họ phát tâm xuất gia tu hành; A-la-hán có 6 thần thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông), là bậc có khả năng phi hành biến hóa (飛行變化) tung hoành ngang dọc trong mọi cảnh giới, thần thông quảng đại pháp lực vô biên, nhiếp thiên địa ư khoảng khắc chi gian, oai linh mạc trắc giáng thần hoàng, ư sát na chi tế, hữu cầu tất ứng, sở nguyện tất thành; ở đây nói “phi hành biến hóa” tức là Thần túc thông, biến có nghĩa là chuyển biến, dùng cái này mà biến ra cái kia; còn hóa là hóa từ cái không mà ‘úm ba la xì bùa’ thành cái có; 5 thần thông trên đối với người bình thường hay ngoại đạo, ma quỷ cũng có thể đạt được, như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, mà lậu tận thông duy chỉ có bậc A-la-hán mới chứng đắc được; lậu tức là 1 tên gọi khác của phiền não; là đoạn trừ hết tất cả phiền não lậu hoặc.
Câu: 曠劫壽命. Nghĩa là: Thọ mạng lâu dài, không thể nghĩ bàn; khoáng kiếp, trường viễn kiếp hay vô lượng kiếp, nghĩa là thời gian không thể cân đo đong tính đếm được, các ngài muốn sống bao nhiêu lâu cũng được, không bị giới hạn trở ngại gì cả? khi thân thể này hư hoại, già nua cằn cỗi thì các ngài có thể đổi lấy 1 thân thể khác, đối với bậc A-la-hán thong dong tự tại, mạng sống không có hạn định, nghĩa là vô thời hạn, không có thời gian. Trong kinh Na tiên Tỳ-kheo, cuộc vấn đáp trí tuệ giữa vua Di-lan-đà và thầy Na tiên có đoạn:
Vua lại hỏi Na-tiên: “Những gì là lâu dài?”
Na-tiên đáp: “Việc quá khứ là lâu, việc tương lai cũng là lâu. Những gì đang nhìn thấy trong hiện tại không lâu.”
Vua nói: “Hay thay!”
Vua lại hỏi: “Thật ra, có thật có sự lâu dài hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Sự lâu dài ấy, hoặc có, hoặc không.”
Vua hỏi: “Sao gọi là có? Sao gọi là không?”
Na-tiên đáp: “Những người đã đắc nhập Niết-bàn, không còn có sự lâu dài nữa. Đối với những ai chưa đắc đạo, còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài.
Như vậy, qua đoạn vấn đáp nầy, chúng ta thấy đối với người chứng đạo, đắc quả A-la-hán thì thời gian không có giới hạn, còn những ai chúng sanh hữu tình con người nào, cho dù xuất gia hay tại gia, tăng hay tục mà chưa chứng đạo vẫn chịu sự chi phối của nghiệp lực, lưu chuyển trong vòng sanh tử; kỷ hồi tử, kỷ hồi sanh, sanh tử du du vô định chi, việc sanh tử kể sao cùng số, tử rồi sanh sanh tử lững lờ trôi. Kinh văn nói: “thọ mạng lâu dài”, chúng ta không nên hiểu 1 cách máy móc, cứ lột da để sống đời, dù có thay lông đổi da, thay hình đổi dạng như thế nào đi chăng nữa, nhưng đến 1 lúc nào đó rồi cũng có kỳ kết thúc mà thôi; mà thọ mạng lâu dài được nhìn nhận dưới lăng kính của Phật pháp đó là nói về Pháp thân hay Hóa thân của vị Thánh A-la-hán ấy, sắc thân tuy không còn nữa nhưng Pháp thân vẫn trường cửu mãi mãi theo thời gian năm tháng ngày giờ bất tận; khi nói đến hóa thân thì ai cũng có, xét ở mức độ cạn nhất thì hóa thân được sinh ra từ tâm lý, ví dụ: khi 1 người con trai cũng có thể làm ra hóa thân, hay 1 người con gái cũng có thể làm ra hóa thân, chẳng hạn như vào 1 ngày đẹp trời nào đó, người con trai ấy chỉ cần viết 3 chữ rất bình thường trên tờ giấy trắng rồi dán vào trong thiệp, gửi cho người mình thích; người con gái ấy khi nhận được thư thì trong lòng rung động, cô cất giữ lá thư tình đầu đời rất kỷ. Rồi một ngày mưa gió bão bùng tình cờ nào đó, có dịp đọc lại lá thư, tâm lý cô chấn động. Trong trái tim cô tình yêu trong sáng ngày xưa sống dậy. Lá thư kia chính là hóa thân của người bạn trai năm xưa ấy. Chỉ có ba chữ thôi, nhưng nó có khả năng sống đến tận mười lăm xa cách đoạn trường, hoặc hai mươi năm năm sau và sau sau nữa. Có thơ rằng: “Ta cúi xuống nhặt dấu chân trên cỏ, thấy tiền thân sương ướt áo chưa khô, chút lãng mạn của mây trời, để mai và sau nữa – tót vời phiêu linh.” và có thể nói hóa thân được nhìn nhận trong mức độ gần gũi nhất – hiện tại nhất trong từng mao quản và hơi thở của mỗi con người chúng ta đây, bởi lẽ người xưa nói: “Trăm năm trước thì thân ta chưa có, trăm năm sau có cũng hoàn không, cuộc đời sắc sắc không không, trăm năm còn lại tấm lòng với nhau.” Tấm lòng với nhau đó là hóa thân.
Câu: 住動天地. Nghĩa là: Ở đời động cả trời đất. Các bậc A-la-hán trú ngụ ở nơi nào, thì Thiên thần và Địa thần đều sanh lòng cảm động và đều thọ nhận sự giáo hóa của các ngài; đó là ý nghĩa của câu “trụ động thiên địa” làm rúng động trời đất nơi các Ngài an trụ. Nơi nào các Ngài an trụ cũng đều có trời, rồng, cùng tám bộ chúng thường xuyên lui tới hộ pháp, gọi là thiên long bát bộ hộ trì chánh pháp. Bất luận bậc A-la-hán làm gì, nhất cử nhất động của các Ngài cũng đều làm cho trời đất bị chấn động, rung chuyển!
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược nhơn nhứt chơn quy nguyên thập phương thế giới tận tùng tiêu vẫn.”[16] Nghĩa là: Nếu có một người phát tâm trở về nguồn chơn, về thể tánh của họ thì mười phương thế giới biến mất không còn. Khi đức Thế Tôn sắp thành đạo, hành tinh nầy bảy lần chấn động, cung trời cũng bảy lần chấn động. Có nghĩa là khi con người kia sửa soạn bước vào được không gian giác ngộ thì làm cho những năng lượng tiêu cực, những thế lực xấu ác tự nhiên chấn động. Tuệ giác của Ngài, năng lực giáo hóa của Ngài làm rung động tâm thức mọi người, mọi nơi để họ có thể giác ngộ. Do vậy, năng lực vĩ đại vô cùng đó trải rộng và lan xa.
Như vậy, để chứng đắc quả vị A-la-hán, vị hành giả ấy phải đoạn tận thập kiết sử phiền não đó là: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục sân (ngũ hạ phần kiết sử), hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh (ngũ thượng phần kiết sử); Kinh Tăng Chi Bộ định nghĩa: “Sa môn nào là bậc A-la-hán, phải đoạn tận các lậu hoặc. Việc nên làm đã làm. Đã đặt gánh nặng sinh tử xuống. Mục đích đã đạt được. Hữu kiết sử đã bị dập tắt. Chân chính giải thoát. Vị ấy không thể có phạm năm ngũ nghịch trọng tội. Không thể vi phạm năm giới tại gia. Không còn tham sân si, không còn sợ hãi… xưa kia, nay và sau này nữa.”[17] và cũng kinh này, đức Phật gọi là Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn.
Câu: 次為阿那含。阿那含者,壽終靈神,上十九天,證阿羅漢。Nghĩa là: Thứ đến là quả A-na-hàm. Vị chứng A-na-hàm, khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 thì chứng quả A-la-hán (prior to arhats are the non-returners. At the end of their lives, conscious spirits of the non-returners will ascend above the nineteenth heaven, where they will attain arhatship).
Câu: 次為斯陀含。斯陀含者, 一上一還, 即得阿羅漢。Nghĩa là: Thứ đến là quả Tư-đà-hàm, người chứng quả Tư-đà-hàm, một lần sanh lên cõi trời, một lần sanh xuống cõi người thì chứng quả A La Hán (prior to non-returners are the once-returners, who ascend to the heavens and return to earth at most once before they become arhats).
Tư-đà-hàm (S. Sakridagamin) là quả vị thứ hai, sau quả A-na-hàm. Tư-đà hàm được dịch là Nhất Lai (一 來), sau khi thân hoại mạng chung, tiếp tục một lần tái sinh thiên giới, rồi do tu tập mà chứng đắc A-la-hán, chấm dứt sanh tử. Đối tượng lậu hoặc mà vị Tư đà-hàm cần trừ diệt là ba kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ) và làm giảm nhẹ hay muội lược 2 hạ phần kiết sử dục và sân; bậc Nhất Lai trong kinh Tăng Chi gọi là “sa-môn sen trắng”. “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng chưa với thân cảm giác được tâm giải thoát và an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.”[22]
Câu: 次為須陀洹。須陀洹者, 七死七生,便證阿羅漢。Nghĩa là: Kế đến là quả Tu-đà-hoàn. Người chứng quả Tu-đà-hoàn phải 7 lần sanh, 7 lần tử mới chứng quả A-la-hán (prior to once-returners are the stream-enterers, who go through birth and death at most seven times before attaining arhatship).
Tu-đà-hoàn (S. Srotāpanna; P. Sotāpanna) là quả vị đầu tiên trong bốn Thánh quả. Tu-đà-hoàn còn gọi là Dự Lưu (tham dự vào dòng), dự nghĩa là tham dự, tham gia, và cũng ngụ ý là đạt được – dự lưu nghĩa là tham dự dòng thánh, được gia nhập hàng ngũ của bậc thánh nhân; hay Nhập Lưu (vào dòng) với ý nghĩa là gia nhập vào dòng pháp tánh của thánh nhân. Hay còn gọi là nghịch lưu, nghĩa là đi ngược dòng sanh tử phiền não, ngượ dòng đời ô trược của phàm phu ngu muội, u mê ám chướng; Nét đặc điểm cơ bản của vị Tu đà hoàn là tuy mới dự nhập dòng thánh nhưng vị ấy đã bất thối chuyển trên lộ trình tiến đến giải thoát, và mặc dù vị ấy phải tái sinh đến 7 lần. Giá trị đáng chú ý của vị Tu-đà-hoàn là không bị tha hóa, biến chất phàm phu, chỉ nhất hướng phạm hạnh thoát tục. Điều kiện cần thiết để thành tựu quả Tu-đà-hoàn không gì hơn là đoạn trừ ba hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ); Kinh Tăng Chi định nghĩa: “Sa môn do đoạn tận ba kiết sử trở thành bậc dự lưu, không còn rơi vào đọa xứ, chắc chắn hướng đến giác ngộ.”[23] Gọi là hạng “Sa môn bất động.”
Bậc Tu-đà-hoàn còn bảy lần sanh và bảy lần tử nữa mới chứng được quả A-la-hán. Bậc Thánh nhân đã chứng được Sơ quả còn phải trải qua bảy lần sanh ra và bảy lần chết đi – gọi là bảy phiên sanh tử nữa. Sau khi đã trải qua bảy phiên sanh tử ấy, các ngài sẽ đắc Tứ-quả A-la-hán và chấm dứt sanh tử.
Bảy phiên sanh tử được phân ra như sau:
– Tại phẩm thượng-thượng của Dục-giới, bậc Tu-đà-hoàn đoạn trừ tham, sân, si, mạn; và ngài phải trải qua hai phiên sanh tử mới đoạn trừ xong.
– Tại phẩm thượng-trung của Dục-giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;
– Tại phẩm thượng-hạ của Dục-giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;
– Tại phẩm trung-thượng của Dục-giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;
– Tại các phẩm trung-trung và trung-hạ của Dục-giới, ngài trải qua một phiên sanh tử;
– Tại các phẩm hạ-thượng, hạ-trung và hạ-hạ của Dục-giới, ngài trải qua một phiên sanh tử.
Như vậy tổng cộng là bảy phiên sanh tử, sau khi trải qua bảy lần sanh ra và bảy lần chết đi như thế, bậc Tu-đà-hoàn mới có thể chứng đắc quả vị A-la-hán. Chứng đắc quả vị A-la-hán là chấm dứt Phần đoạn sanh tử.
Trình tự trên đây là dựa theo lộ trình tu chứng chiều ngang, nhưng đối với những người có căn cơ, cao trí đặc biệt mà tu hành thì họ có thể từ Sơ quả Tu-đà-hoàn trực tiếp chứng được Tứ quả A-la-hán. Như trường hợp của thân mẫu ngài Cưu-ma-la-thập là từ Sơ-quả mà chứng đắc Tam-quả A-na-hàm. Cho nên, trình tự chứng quả vị không phải là cố định.
Bậc Sơ quả Tu-đà-hoàn dùng bát nhẫn 忍 (nhẫn có nghĩa vô gián đạo, không bị thoái đọa) và bát trí 智 (trí có nghĩa là giải thoát đạo); 8 nhẫn + 8 trí = 16 tâm vô lậu để đoạn kiến hoặc cõi dục giới; 16 tâm vô lậu gồm: 1. Khổ pháp trí nhẫn 2. Khổ pháp trí. 3. Khổ loại trí nhẫn 4. Khổ loại trí. 5. Tập pháp trí nhẫn 6. Tập pháp trí. 7. Tập loại trí nhẫn 8. Tập loại trí. 9. Diệt pháp trí nhẫn 10. Diệt pháp trí. 11. Diệt loại trí nhẫn 12. Diệt loại trí. 13. Đạo pháp trí nhẫn 14. Đạo pháp trí. 15. Đạo loại trí nhẫn 16. Đạo loại trí.
Theo đó, hễ dứt hết kiến hoặc (見惑) (1 tên gọi khác của phiền não; thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến) của một đế thì phải có một vô gián đạo và một giải thoát đạo.
Xem đồ biểu:
Điều đáng lưu ý, Tứ quả Sa-môn, khi hành giả đang trong giai đoạn tu đạo gọi là hướng và đã thành tựu gọi là quả, chia làm 4 đôi, nên gọi “tứ song bát bối”. Trên lộ trình từ sơ quả tu chứng tứ quả A-la-hán, vị hành giả cần phải trải qua 3 giai đoạn, gọi là Kiến Đạo, Tu Đạo và Vô Học Đạo. Xem đồ biều:
Câu: 愛欲斷者,如四肢斷,不復用之。Nghĩa là: Người chứng quả A-la-hán là người đã đoạn tận ái dục, như tay chân bị chặt không thể sử dụng trở lại được (once desire and lust are eradicated like severed limbs, one will never use them again).
Kinh văn nói rất rõ ràng, một khi tứ chi 2 tay và 2 chân đã lìa khỏi cơ thể thì chẳng thể nào còn dùng lại được nữa. Lòng ham mê ái dục một khi đã dứt bỏ rồi thì cũng phải giống y hệt như tay chân đã bị chặt đứt vậy, tuyệt đối không dùng lại nữa! người tu học Phật chúng ta cần phải có một sự quyết tâm, dứt khoát rạch ròi hẳn hoi như thế; chớ nên chần chừ, lưỡng lự – bỏ thì tiếc nhưng để lại thì chẳng có ích lợi gì.
Như vậy, sơ quả Tu-đà-hoàn gọi là bậc Kiến đạo vị (見 道 位); nhị quả Tư-đà-hàm và tam quả A-na-hàm gọi là bậc Hữu học vị (有 學 位) còn phải tu tập và bậc tứ quả A-la-hán gọi là bậc Vô học vị (無學 位).
IV. Kết luận
Chương này nói về Sa-môn và Sa-môn quả; giới thiệu về lộ trình từ khi xuất gia, giữ giới, học đạo, tu đạo và cuối cùng quả vị tu chứng A-La-Hán quả, xứng đáng trọn vẹn của một người đệ tử đức Phật.
Tham khảo & chú thích
[1] 夫出家者。發足超方。心形異 俗。紹隆聖種。震懾魔軍。用 報四恩。拔濟三有。
[2] Xem Trung Bộ Kinh, 2- Kinh Tất cả các lậu hoặc.
[3] HT. Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, (quyển hạ), 1992, tr. 523.
[4] Thực Dụng Phật Học Từ Điển; Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tặng, 2013, tr. 505. (出家(術語)出離在家之生活修沙門之行也.維摩詰經弟子品曰: “我聽佛言,父母不聽,不得出家. 同方便品曰: “維摩詰言:然汝等便發阿耨多羅三藐三菩提心是即出家).
[5] HT. Kim Cương Tử, Từ Điển Phật học Hán Việt, (quyển II), 1994, tr.1903. Xem thêm Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, (quyển III), 1997, tr. 685.
[6] 以有空義故,一切法得成, 若無空義者, 一切則不成 .
[7] Bộ Pháp Tụ – Dhammasangani, tr. 284.
[8] 絕學無為閒道人。不除妄想不求真。無明實性即佛性。 幻化空身即法身。
[9] 勤修戒定慧,息滅貪瞋癡。
[10] 勤修善法,息灭恶行。
[11]《中本起經》CBETA 電子版. 大正新脩大正藏經 Vol. 4, No. 196. 中本起經卷上. [一切諸法本, 因緣空無主,息心達本源, 故號為沙門。]
[12] 遠行要假良朋。數數清於耳 目。伷住止必須擇伴。時時聞 於未聞。故云。生我者父母。 成我者朋友。親附善者。如霧 露中行。雖不濕衣。時時有 潤。
[13] Tăng Chi Bộ II, 206.
[14] HT.Thích Minh Châu (dịch), Tương ưng bộ kinh.
[15] 我生已盡,梵行已立,所作已作,不受後有。
[16] 若人壹真歸元十方世界盡從消隕.
[17] Kinh Tăng Chi Bộ (tập III), tr. 493.
[18] Tăng Chi Bộ (tập I), tr. 650.
[19] Tăng Chi Bộ (tập I), tr. 461.
[20] Tăng Chi Bộ (tập I), tr. 717.
[21] 19 tầng trời: 6 dục giới thiên: 1. Tứ Thiên-vương thiên (四 天 王 天); Phương đông có Đông-phương Trì-quốc Thiên-vương (東 方 持 國 天 王); Phương nam có Nam-phương Tăng-trưởng Thiên-vương (南 方 增 長 天 王); Phương tây có Tây-phương Quảng-mục Thiên-vương (西 方 廣 目 天 王); Phương bắc có Bắc-phương Đa-văn Thiên-vương (北 方 多 聞 天 王); 2. Đao-lợi thiên 忉 利 天 là cõi trời có vua Đế-Thích cùng với ba-mươi-hai vị thần khác cùng ở trên đỉnh núi Tu-di. Bởi có tất cả là ba-mươi-ba vị thần ở cõi ấy, cho nên gọi là Tam-thập-tam thiên 三 十 三 天; 3. Dạ-ma thiên 夜 摩 天 là cõi trời lúc nào cũng có hát-xướng vui-vẻ; 4. Đâu-suất thiên 兜 率 天 là cõi trời lấy tri túc làm vui; 5. Hóa-lạc thiên 化 樂 天 là cõi trời tự hóa ngũ trần ra làm vui thú; 6. Tha-hóa thiên 他 化 天 là cõi trời có Ma-vương Tự-tại-thiên, tên là Ba-tuần 波 旬, tức là Mara, làm vua Dục-giới. Ở cõi trời ấy, lấy sự biến-hóa của kẻ khác làm vui. Sắc giới: 3 cõi sơ thiền thiên (1, Phạm-chúng-thiên 梵 眾 天. 2, Phạm-phụ-thiên 梵 輔 天. 3,
Đại-phạm-thiên 大 梵 天; 3 cõi nhị thiền thiên (1, Thiểu-quang-thiên 少 光 天 là cõi trời ít có quang-minh. 2, Vô-lượng-quang-thiên 無 量 光 天 là cõi trời có nhiều quang-minh. 3, Quang-âm thiên 光 音 天 là cõi trời lấy quang-minh làm tiếng nói.) 3 cõi tam thiền thiên (1, Thiểu-tĩnh thiên 少 淨 天 là cõi trời có ít thanh-tĩnh. 2, Vô-lượng-tĩnh thiên 無 量 淨 天 là cõi trời có nhiều thanh-tĩnh. 3, Biến-tĩnh thiên 徧 淨 天 là cõi trời có thanh tĩnh khắp cả mọi nơi.) 4 cõi tứ thiền thiên đầu (1, Vô-vân thiên 無 雲 天 là cõi trời không có mây. 2, Phúc-sinh thiên 福 生 天 là cõi trời để những người tu có nhiều phúc được sinh lên đó. 3, Quảng-quả thiên 廣 果 天 là cõi trời có nhiều quả báo lớn. 4, Vô-tưởng thiên 無 想 天 là cõi trời đã sinh ra đó là chung thân không có tưởng niệm nào khác).
[22] Tăng Chi Bộ (tập I), tr. 461.
[23] Tăng Chi (tập I), tr. 650.