Kinh Tứ Thập Nhị Chương Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 5: Sa Môn – Đối Tượng Tu Tập

I. Kinh văn

a. Chữ hán

佛言: 出家沙門者, 斷欲去愛, 識自心源, 達佛深理, 悟無為法. 內無所得, 外無所求, 心不繫道, 亦不結業, 無念無作, 非修非證, 不歷諸位而自崇最, 名之為道。

b. Phiên âm

Phật ngôn: Xuất gia Sa-môn giả, đoạn dục khứ ái, thức tự tâm nguyên, đạt Phật thâm lý. Ngộ vô vi pháp, nội vô sở đắc, ngoại vô sở cầu, tâm bất hệ đạo, diệc bất kết nghiệp, vô niệm vô tác, phi tu phi chứng, bất lịch chư vị nhi tự sùng tối, danh chi vi Đạo.

c. Dịch nghĩa

Ðức Phật dạy rằng: Người xuất gia làm Sa-môn thì phải đoạn trừ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, chứng ngộ pháp vô vi; bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để truy cầu, tâm không chấp thủ nơi Ðạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp, không có suy tưởng, không có tạo tác, chẳng có tu, chẳng có chứng, không cần trải qua các quả vị mà vẫn cao tột, đó mới gọi là Ðạo.

d. Bản dịch Anh ngữ

The Buddha said: Those who renounce the secular life to become shramanas eradicate desire and lust, recognize the source of their own mind, penetrate the profound doctrine of the Buddha, and awaken to the unconditioned Dharma. With nothing to gain from within and nothing to seek from without, their minds are not attached to the Way, nor do they accumulate karma. With no thought, no action, no cultivation, and no attainment, they transcend the successive stages and reach the loftiest state of all. This is called the Way.

II. Đại ý

Đoạn kinh này đức Phật dạy về phẩm chất đích thực của người xuất gia Sa-môn phải đoạn dục khử ái, làm chủ các cảm xúc giác quan và chứng nghiệm được bản thể của Đạo.

III. Lược giải

Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:

  1. Giá trị thước đo phẩm chất của 1 vị Sa-môn
  2. Chân tâm vắng lặng, đạo thể viên dung

1. Giá trị thước đo phẩm chất của 1 vị Sa-môn

Câu: 佛言: 出家沙門者, 斷欲去愛, 識自心源, 達佛深理, 悟無為法. Nghĩa là: Ðức Phật dạy rằng: Người xuất gia làm Sa-môn thì phải đoạn trừ ái dục, biết được nguồn tâm, thấu triệt giáo pháp của Phật, chứng ngộ pháp vô vi (the Buddha said: Those who renounce the secular life to become shramanas eradicate desire and lust, recognize the source of their own mind, penetrate the profound doctrine of the Buddha, and awaken to the unconditioned Dharma).

Trong đoạn kinh trước có nói, người đã đoạn trừ ái dục như tứ chi đã bị chặt đứt không thể sử dụng lại được nữa, tiếp theo trong đoạn kinh văn nầy, đức Phật một lần nữa lại nhấn mạnh về ý nghĩa và mục đích của đệ tử xuất gia là những đối tượng đang hướng đến con đường xuất ly các hệ phược, phiền não xú uế bất tịnh, nhiễm ô dục trần để hiệp phần giác đạo, sự giác ngộ và giải thoát một cách cứu cánh, nhưng con đường thăng tiến đạt  đến mục tiêu đó được thực hiện bằng những phương pháp gì? đoạn trừ ham muốn dục tình – khử diệt ái luyến, không để cho các cảm xúc giác quan nhất thời tự tung tự tác trong các cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Đoạn (斷) ở đây là động từ có nghĩa là cắt bỏ, chặt đứt. Dục (欲) có nghĩa ham muốn, mong muốn; tâm luôn khát khao tìm cầu các thỏa mãn, khoái lạc chỗ này chỗ kia; tham dục là 1 bất thiện là ác pháp cản trở làm chướng ngại trong công phu tu hành. Ví dụ: khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, mắt nhìn thấy sắc khởi tâm tham luyến, tai nghe âm thanh sinh tâm yêu thích, mũi ngửi mùi hương khởi tâm quyến luyến, lưỡi nếm mùi vị sinh tâm thích thú, thân xúc chạm vật gì mình thích sinh tâm ái luyến, ý mơ tưởng bao la vũ trụ tưởng tượng các pháp, cái gì cũng ước muốn, mơ tưởng của riêng mình.

Thuyết minh về dục, phân loại thì có 3 loại dục:

+ Thiện dục (善 欲): thích việc lành, muốn làm điều thiện.

+ Ác dục (惡 欲):  chẳng thích làm việc lành, không thích làm bố thí, giúp đỡ bần nhân; thì đồng nghĩa của việc làm ác, trái với quy luật tự nhiên.

+ Vô ký dục (無 記 欲): nghĩa là không thiện cũng không ác.

Khử ái (去愛); chữ khử – đó là 1 động từ có nghĩa là từ bỏ, hay trừ bỏ, rời bỏ, vứt bỏ; ái nghĩa là yêu, tâm yêu thích, mình sợ mất cái gì mình yêu thích, nên cần phải nắm giữ nó, vì trong chữ ái (tanha) nó bao hàm thủ (upādāna), là nắm giữ; khử ái có nghĩa là trừ bỏ ái luyến. Chúng ta biết, tại sao đức Phật lại tách dục ra khỏi ái? Bởi vì dục là 1 loại ái thô, dục sanh trưởng từ ái, có yêu thích thì mới dẫn đến có ham muốn và ngược lại. Cho nên, ái luyến và tham dục là sợi dây vô hình liên kết sự tái sinh của con người trong cõi lục đạo luân hồi.

Ái dục có thể xét trên 2 phương diện:

+ Đối với thế nhân, người đời họ coi yêu thương là nhân tính, bởi lẽ thương và được yêu là quyền lợi của con người.

+  Đối với người xuất gia giác ngộ được rằng, chính ái dục là sợi dây thắt cột chúng sanh con người lại với nhau và làm cho con người bị luân hồi triển chuyển không ngừng. Vậy phương pháp để giải thoát vòng luẩn quẩn này là phải chặt đứt sợi dây luyến ái ấy; xét về học lý Tứ đế, ái dục còn có tên gọi khác là Tập đế, nguyên nhân của mọi tái sinh, sầu bi khổ ưu não. Trong học lý 12 nhân duyên, ái dục cũng là nguyên nhân của mọi hiện hữu có mặt trên cuộc đời này. Kinh Tăng Chi nói: “Xúc là một cực đoan, xúc tập khởi là cực đoan thứ hai, xúc đoạn diệt là chặng giữa và ái dục là người thợ dệt. Do ái dệt, chúng sinh phải tiếp tục sinh ở Hữu này.”[1] Do đó, sự đoạn tận ái dục, dù theo Tứ đế hay 12 nhân duyên, vẫn là con đường duy nhất để thể nhập Niết-bàn, nhận biết nguồn tâm của mình. Tương ưng bộ kinh nói: “Đồng nghĩa với Niết bàn, này các Tỳ kheo, là nhiếp tận ái dục, cũng còn gọi là đoạn tận các lậu hoặc.”[2]

Câu: 識自心源. Nghĩa là: Nhận biết được nguồn tâm. Một khi người tu học đạo giảm thiểu tối đa ái tình chi phối, bớt lăng xăng chuyện có và không, thị và phi thì chúng ta mới bắt đầu nhận thức được cái guồng máy của tâm là gì? thấu rõ được bản thể của tự tâm; tâm nguyên (心源) có nghĩa là nguồn tâm, trong tiếng Anh gọi là recognize the source of their own mind, nguồn tâm đó cũng gọi là tự tánh (by itself).

Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, tâm của mọi chúng sinh bản lai vốn tự thanh tịnh. Do đó, nhận biết nguồn tâm là trở về với bản thể thanh tịnh tuyệt đối bộ mặt xưa kia vốn có của nó. Ở đó không còn tồn tại cái gọi là giải thoát hay hệ phược, phiền não khổ đau; cả 2 chữ thanh tịnh và bất tịnh cũng không còn nữa. Thiền sư Trương Chuyết (1540-1644) nói: “Niết bàn sinh tử đẳng không hoa.”[3] Nghĩa là: Niết bàn sinh tử đều một thể như hoa đốm trên không, vọng có, không thật. Đây là nhìn nhận trên phương diện chân đế, gọi là chân lý tuyệt đối. Nếu hiểu tâm là “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn”, tâm như người họa sĩ, họa vẻ ra muôn điều năm uẩn, một khi nhận rõ nguồn tâm có nghĩa là nhận rõ nguồn nhân duyên kiến tạo xây dựng nên ngũ uẩn ấy. Do đó hiểu được ngũ uẩn là thẩm thấu được nguyên lý cấu tạo sinh thành nên một hữu thể con người, và nói rộng ra là các điều kiện hiện hữu của một pháp tánh, pháp tướng là duyên sinh, là không thật thể, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu hiểu tâm theo kinh Bát Đại Nhân Giác: “Tâm thị ác nguyên”, tâm là cội nguồn của điều ác, nhận biết nguồn tâm là nhận biết được sự trục vọng, xao xuyến lòng, phan duyên, ác pháp của tâm để mà đoạn trừ, thanh tịnh hóa. Chúng ta nhận biết nguồn tâm của mình như thế thì đó mới đúng nghĩa là xuất gia Sa-môn. Vậy cách nào để nhận biết được nguồn tâm? phải nhờ sức năng lực của Thiền định, một khi tâm đã định, thì mới thấy rõ được vạn pháp.

Câu: 達佛深理, 悟無為法. Nghĩa là: Thấu triệt giáo pháp thậm thâm của Phật, chứng ngộ pháp vô vi. Đối với hành giả công phu càng lâu chừng nào thì thâm nhập giáo nghĩa kinh nghiệm sâu dày chừng đó; dù vị ấy chưa hẳn tuyệt đối chứng ngộ pháp vô vi (悟無為法), nhưng đã thấy được ánh sáng phía trước của con đường  tịnh lạc.

Thật ra khái niệm pháp vô vi (無為法) trong học thuyết của Lão tử – Đạo đức kinh và tư tưởng giải thoát quan của Phật giáo có phần dị biệt. Lão Tử có nói: “Vi vô vi nhi vô bất vi.”[4] Nghĩa là: Không làm gì mà không gì là không làm, dường như không làm mà làm tất cả. Xét về mặt ngữ pháp học thì ‘vô vi’ theo lối này là động từ, chỉ cho hành động tạo tác (造 作); còn khái niệm vô vi theo Phật giáo là danh từ, dùng chỉ cho pháp không bị tác tạo (無 造 作), tâm cũng không tạo ra, khởi lên ý niệm suy nghĩ phân biệt gì cả? thân và khẩu cũng không làm; vô vi là trạng thái Niết-bàn, là pháp “bất sinh bất diệt”, “bất khứ bất lai”; Tâm Kinh Bát Nhã nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…”. Theo Phật giáo Nam truyền, ngộ vô vi pháp là ngộ Vô sanh pháp nhẫn(S. Anutpattika-dharma-kṣānt; C. 無生法忍).

2. Chân tâm vắng lặng, đạo thể viên dung

Câu: 內無所得, 外無所求, 心不繫道, 亦不結業. Nghĩa là: Bên trong không có cái để được, bên ngoài không có chỗ để truy cầu, tâm không chấp thủ nơi Ðạo, cũng không hệ lụy bởi nghiệp.

Đây là chỉ cho cảnh giới của bậc đã chứng đắc quả vị A-la-hán, đã xa lìa nhân vô ngã và pháp vô ngã; ngã-pháp câu không, ngã và pháp đều không; giác ngộ được cái ngã vốn là không; nội là ở trong không còn cái ngã, cái tôi thì có ai còn có thể đắc được? Ngoại là bên ngoài thì khám phá ra rằng tất cả pháp hữu vi, cái gì có hình tướng đều là giả, mọi sự sẽ thay đổi và tuân theo định luật vô thường biến hóa đổi thay; chính nhờ có vô sở đắc, vô sở cầu mà hành giả “tâm không vướng mắc chấp thủ nơi đạo cũng không hệ lụy bởi nghiệp”. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề Tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.” Ý nghĩa này, trong giai thoại về Thiền có đề cập đến ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) là 1 vị Thiền sư đắc đạo Việt Nam. Một hôm, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu (là em gái của ngài, và là vợ của vua Trần Thánh Tông, 1240-1290) mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay, ngài Tuệ Trung Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn.

Hoàng thái hậu hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”

Ngài Tuệ Trung cười đáp: “Phật là Phật, còn anh là anh. Anh không cần thành Phật, mà Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó hay sao?”

Đây là nói về bậc Thiền sư đã đắc đạo, còn hành giả đang hướng đạo, khi chưa đủ đạo lực chứng đắc các quả vị, thì hãy an phận thủ thường, không nên nói kiểu bắt chước theo giọng của chư vị Tổ sư bậc đã thấu rõ nguồn tâm; không khéo mình nói như thế là chỉ có đắc tội chứ không phải là đắc đạo!

Do đó cái diệu nghĩa, “vô sở đắc, vô sở cầu” là ý nghĩa nội dung căn bản nhất của các kinh điển Đại thừa, nhất là kinh hệ Bát Nhã. Sở đắc, ngay cả Phật vị cũng chỉ là giả lập; kinh Kim Cương nói: “Sở vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức phi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thị danh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Nghĩa là: Quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, kỳ thật chẳng có gì để gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tâm bất hệ đạo, tâm không bị ràng buộc nơi đạo. Đối với bậc A-la-hán còn thấy có Niết-bàn để chứng đắc, đây chỉ là phá được ngã chấp nhưng còn pháp chấp; còn Bồ-tát phá cả hai ngã chấp pháp chấp, nên thấy được thật không có gì để tu đạt; đây là sự khác biệt giữa A-la-hán và Bồ-tát. Quả vị cao nhất của Nguyên thủy đó là A-la-hán quả, nhưng đối với kinh điển Bắc truyền, kinh Pháp hoa chỉ thừa nhận đó chỉ là Hóa thành dụ, chỉ là nửa chặng đường ban đầu, chưa thật sự là Niết-bàn cứu cánh. Hàng Nhị thừa Thanh Văn, Duyên Giác cần phải tu tập các lục độ vạn hạnh, thực hiện 32 ứng thân trong giáo hóa[5] để cuối cùng chứng đạt Phật quả.

Pháp tu của Thanh văn Nguyên thủy, đó là tu tập Tứ đế; còn Pháp tu Bồ-tát đại thừa là cần phải tu tập trải qua 52 giai vị: thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác, mới chứng đắc Phật quả:

Kinh Kim Cương nói: “Như Lai thuyết pháp như phiệt dụ. Chánh pháp ưng xả, hà huống phi pháp”. Nghĩa là: Giáo pháp của Như Lai thuyết giải, khai thị như thể chiếc bè vậy. Chánh pháp còn phải xả bỏ, không chấp thủ, thì huống gì là những cái phi chánh pháp. Cũng vậy kinh Viên Giác nói: “Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ. Như phục kiến nguyệt tất tri sở tiêu tất cánh phi nguyệt”. Có nghĩa là: Tất cả giáo pháp của Như Lai như là ngón tay để định hướng mặt trăng, chứ không phải ngón tay là mặt trăng. Cổ đức có câu: “Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió, buông thuyền lúc khác đã sang sông.” Khi chúng ta muốn qua sông thì phải nương vào thuyền bè, còn khi khách đã sang sông rồi có cần mang vác thuyền bè theo nữa hay không? khi trong giai đoạn tu tập thì chúng ta cần phải nương tựa vào kinh điển, giáo pháp để tu, nhưng một khi chứng đắc thành tựu đạo quả rồi có cần nữa không? Trong Thiền môn có đề cập đến bài kệ nổi tiếng và khá đặc biệt của Tổ Phước Hậu (1862 – 1949): “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư, học hành không thiếu cũng không dư, năm nay nghĩ lại chừng quên hết, chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.” Ngay thậm chí tuyệt đối luận một chữ NHƯ cũng quên luôn. Như vậy, khi đạt đạo giải thoát mà còn chấp pháp, còn hệ lụy vào đạo, không phải đích thực là cứu cánh giải thoát, mặc dù đã “hết kết nghiệp”. Vì giải thoát cứu cánh là giải thoát, giải thoát tri kiến, giải thoát mọi giải thoát.

Diệc bất kết nghiệp, cũng không hệ lụy bởi nghiệp. Vậy nghiệp là gì? Có nhiều cách định nghĩa: nghiệp là hành động tạo tác (造 作) có suy nghĩ có ý chí thúc đẩy làm và tạo ra, nếu như suy nghĩ tính toan mưu mô còn trong đầu óc, trong ý tưởng nhưng không làm thì không đủ cơ sở để tạo thành nghiệp. Hay nói khác, nghiệp là do sự tác động giữa lực đẩy và sức hút: giải thích theo 12 mắc xích nhân duyên, khi lục căn tiếp xúc với lục trần sẽ tạo ra một ấn tượng (impression) thích hoặc không thích, mà cái gì con người thích thì đồng nghĩa của sự ái luyến, ái thủ và do đó dẫn đến tạo nên nghiệp ái, mắc xích thứ 8 trong 12 nhân duyên; ái chính là cái nhân hiện tại để quả vị lai sanh, lão tử. Xem đồ biểu:

Đối với người xuất gia, vì thấy rõ Ái (tanha) chính là đầu mối của sanh tử đời này và đời sau, cũng như nhiều đời khác nữa, nên quyết định đời này là chặt đứt Ái, đoạn dục khử ái, và đời sau chúng sẽ muội lược, để con người dễ tu tập chứng đắc hơn.

Trên phương diện căn bản Phật học, có 3 loại nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Dựa trên cơ sở này, người có trí tuệ không kết nghiệp, vì trí là sáng suốt nên không vô minh gì mà tạo ác nghiệp và không bị nghiệp báo làm tối tâm, mờ dạ, mất sáng suốt.

Câu: 無念無作, 非修非證, 不歷諸位而自崇最, 名之為道。Nghĩa là: không có suy tưởng, không có tạo tác, chẳng có tu, chẳng có chứng, không cần trải qua các quả vị mà vẫn cao tột, đó mới gọi là Ðạo.

Vô niệm vô tác, không có suy tưởng, không có tạo tác. Ở đây,  ‘vô niệm’ không có nghĩa đơn thuần là vắng bặt tư niệm, mà ‘vô niệm’ vừa là tịch chiếu, vừa là chánh niệm, chánh niệm là ly khai các niệm đối lập, thiên chấp, chấp 1 bên – có hoặc không, thị hay phi-đúng hay sai. Ngay cả 1 vọng niệm mảy may cũng không còn, nên gọi là vô niệm. Vô Tác là không tạo tác, không tác giả, tạo tác ở đây không phải là chỉ cho hành động bên ngoài, mà chỉ cho trong tâm tưởng, không vọng niệm, không vọng tưởng; hễ khởi tâm vọng là có phân biệt; kẻ phàm phu sở vì điên đảo mộng tưởng là chấp trước vào các pháp; còn người trí là xa lìa không có suy tưởng, không có tạo tác, nên gọi là Trí tuệ bát nhã (tức là trí tuệ toàn diện, hay nhất thiết chủng trí).

Phi tu phi chứng, ở đây không có nghĩa là không cần tu và cũng không cần chứng đắc gì cả, mà trong nội hàm của câu kinh này nhằm khẳng định tự tánh của các pháp bổn lai vốn Tịch Diệt, vốn tự vắng lặng thường hằng tịch tịnh. Ngài lục Tổ Huệ Năng nói: “Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh-tịnh; Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt; Hà kỳ tự tành bổn tự cụ túc; Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu; Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.”

Tịch diệt là bản thể chân tâm thanh tịnh, vì nhất niệm bất giác nên con người phải bị chịu nhiều phen sanh tử, tử rồi sanh sanh tử lững lờ trôi. Sám ngã niệm có nói: “Ngã niệm tự tùng vô lượng kiếp, thất viên minh tánh tác trần lao.” Nghĩa là: Con nghĩ vốn từ vô lượng kiếp, trái viên minh tánh khởi trần lao. Kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp từ xưa nay, vốn là tánh tịch diệt. Phật tử hành đạo rồi. Nhất định sẽ thành Phật”. Cũng như Kinh Đại Bửu Tích nói: “Các pháp tự tánh thường tịch diệt, nào có tham dục và sân si, chẳng thấy chỗ sinh tham ly dục, mới gọi là thật chứng Niết bàn.”[6] Tất cả những lời dạy đó đều nhằm khẳng định bản thể bất sinh bất diệt, ly khai các đối tính.

Câu: 不歷諸位而自崇最, 名之為道。Nghĩa là: không cần trải qua các quả vị mà vẫn cao tột, đó mới gọi là Ðạo.

Trong câu kinh này dùng cụm từ ‘chư vị’, có nghĩa là các quả vị có thể chứng đắc, như: tứ thiền, tứ định, tứ quả, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa.

Đối với hành giả tu theo Nguyên thủy Phật giáo, pháp tu Tứ diệu đế, tu đạt được cái KHÔNG là nhờ đoạn diệt NHÂN, do đó hành giả cần trải qua các quả vị để đạt cái KHÔNG này, nhưng cái KHÔNG chưa hẳn phải là CHÂN KHÔNG-DIỆU HỮU, những vị đã chứng đắc TRUNG ĐẠO thì không còn thấy phải trải qua các quả vị nữa, không còn trí tuệ gì cao hơn nữa – mà vẫn cao tột, thẳng tiến tới Phật quả.

Khái niệm về ĐẠO, trong triết học Trung Quốc, Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo.”[7] Nghĩa là: Đạo có thể gọi được là đạo, thì đó không phải là đạo vĩnh cửu, dùng ngôn ngữ hình tướng để diễn tả thì đó không phải là đạo.

Theo phái học lý Hình nhi thượng, “Đạo” có nghĩa là nguồn gốc đầu tiên của vũ trụ. Bằng mượn một danh từ để dẫn vào Đạo gọi là “vô cực” là bản thể thật của vũ trụ và vì không thể dùng tên nào để gọi cho chính xác nên mới gọi là “vô cực”.

Trong triết học Phật giáo gọi là “Không” hay “Tánh không”.

Danh từ Thượng đế trong Thần học của các tôn giáo dòng Moses (như Do thái giáo, Công giáo, Tin lành giáo, Hồi giáo). Trong Thánh kinh (Exodus 3:14), Thượng đế có tên là “I AM WHO I AM” Nghĩa là: TA LÀ TA hay TÔI LÀ TÔI, vì cũng chẳng có tên nào để gọi Thượng đế cho chính xác. Vả lại kinh 42 chương lại đưa ra nội dung toàn kiện, thâm thúy hơn: “Tâm không vướng mắc nơi đạo, chẳng cần trải qua các quả vị, mà vẫn cao tột, đó mới thật là Đạo”. Đạo ở đây chính là sự thể nhập tuyệt đối, sự giải thoát tất cả mọi chấp mắc bám víu, và nhất là giải thoát luôn mọi giải thoát, một sự giải thoát mà không còn đối tượng để giải thoát.

IV. Kết luận

Trong bài nầy, có 2 vấn đề mà người học cần phải nghiền ngẫm và tư duy quán chiếu:

+ Một là mục đích đạt được của vị Sa-môn theo đức Phật, là hướng đến một sự giải thoát tuyệt đối, nơi đó không còn những ý niệm giải thoát và không giải thoát. Sự giải thoát này là giải thoát Ba la mật. Giải thoát trở về với nguyên ủy của bản giác chân tâm thường trụ (kinh Lăng nghiêm). Lúc ấy, hành giả Sa-môn được thong dong tự tại, ngao du cùng ba cõi, sáu đường mà chẳng hề bị trở ngại, không hề bị ràng buộc.

+ Hai là phải nắm vững mấu chốt về Đạo. Đạo ly khai tất cả các phạm trù về triết học, các hệ thống luận lý, các mô hình tu chứng. Bản thể của Đạo, tự nó cao tột như ánh sáng của tấm gương không phải do lau sạch bụi mà có. Đạo là đạo. Đạo không do quá trình tu tập, gạn lọc mà có. Tất cả chẳng qua chỉ là các duyên nhân Phật tánh nhằm hiển thị chánh nhân Phật tánh là Đạo mà thôi. Hiểu được như vậy, tâm chúng ta sẽ không còn kết nghiệp phiền não hữu lậu nữa, mà cũng không còn vướng mắc, chấp trước nơi Đạo, giải thoát theo đúng thật nghĩa của pháp.


Tham khảo & chú thích

[1] Tăng Chi Bộ (tập III), tr. 338.

[2] Tương Ưng Bộ (tập V), tr. 7.

[3] 涅 槃 生 死 等 空 華.

[4] 無為而無不為.

[5] Kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải, tr.151.

[6] Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 473.

[7] 道 可 道 非 常 道.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương