Bài 6: Sa Môn Hạnh
I. Kinh văn
a. Chữ hán
佛言: 剃除鬚髮而為沙門受道法者, 去世資財, 乞求取足, 日中一食, 樹下一宿, 慎勿再矣。使人愚蔽者, 愛與欲也。
b. Phiên âm
Phật ngôn: Thế trừ tu phát nhi vi Sa-môn, thọ đạo pháp giả, khứ thế tư tài, khất cầu thủ túc, nhật trung nhất thực, thụ hạ nhất túc, thận vật tái hĩ. Sử nhân ngu tệ giả, ái dữ dục dã.
c. Dịch nghĩa
Ðức Phật dạy: Cạo bỏ râu tóc để trở thành vị Sa-môn, lãnh thọ giáo pháp của Phật thì phải xả bỏ của cải thế gian, mong cầu vừa đủ, giữa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ở một đêm, cẩn thận không trở lại lần thứ hai. Ðiều làm cho người ta ngu muội là ái dục.
d. Bản dịch Anh ngữ
Desire Makes People Foolish
The Buddha said, “Those who shave their head and beard to become shramanas and cultivate the Dharma of the Way should renounce worldly possessions, be content to beg for alms, and take only what is needed. Eat one meal a day before noon, pass the nights beneath trees, and be vigilant not to desire more, for desire and lust are what make people foolish and deluded.”
II. Đại ý
Chương này đức Phật dạy về đạo hạnh của 1 vị Sa-môn, thông qua các hình thức sinh hoạt trong đời sống thường nhật, nhằm hỗ trợ cho công phu tu tập để đoạn trừ phiền não ái và dục.
III. Lược giải
Để trở thành 1 người xuất gia, Sa-môn sống đời phạm hạnh, thì phải thực hành các tiêu chuẩn sau:
1- Cạo bỏ râu tóc (剃除鬚髮 )
2- Lãnh thọ giáo pháp (受道法者)
3- Xả bỏ của cải thế gian (去世資財)
4- Mong cầu vừa đủ (乞求取足)
5- Giữa ngày ăn một bữa (日中一食)
6- Dưới gốc cây ở một đêm (樹下一宿)
7- Cẩn thận không trở lại lần thứ hai (慎勿再矣)
8- Ðiều làm cho người ta ngu muội là ái và dục (使人愚蔽者, 愛與欲也)
Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về đời sống thường nhật của một vị Sa-môn theo những quy định truyền thống của giới luật Phật giáo. Thông qua đó, chúng ta sẽ hiểu được giá trị thanh cao của đời sống cho chính bản thân mình, và thấy được những chướng duyên cản trở trên lộ trình tu tập đối với người tu hành đó là ái luyến và tham dục.
Cạo bỏ râu tóc: Hình thức căn bản của người xuất gia làm Sa-môn trước hết là phải cạo bỏ râu tóc, khác với người thế tục bạch y; mặc dù cạo bỏ râu tóc chưa hẳn là thành một tu sĩ theo đúng nghĩa, nhưng hễ là tu sĩ Phật giáo thì người ấy không thể không cạo bỏ râu tóc. Điều này có thể cho phép chúng ta liên hệ đến một câu nói tương tự đó là: “Chiếc áo không làm nên tu sĩ, nhưng chiếc áo có thể xác định và làm tăng giá trị cho vị tu sĩ ấy”. Việc cạo bỏ râu tóc ai cũng có thể làm được, nhưng có thể nói: “cạo đầu thì dễ, nhưng cạo tâm mới khó”.
+ Xét về phương diện thế gian hay tục đế mà nói: cạo bỏ râu tóc, mặc y áo của người xuất gia là để cho khác với người thường thế nhân.
+ Xét về phương diện xuất thế gian hay chân đế mà nói: tu hành chân chánh thì không chú trọng về hình thức, hình thức chẳng qua xem như là chiếc áo được thêu hoa dệt gấm với đời, hay lớp sơn đẹp được phủ bên ngoài mà thôi, nhưng quan trọng là ở bên trong nội tâm có sự chứng ngộ giải thoát hay không? Đó mới là điều căn bản quan trọng của việc cạo bỏ râu tóc.
Cho nên, cạo bỏ râu tóc cũng là một bước ngoặt xác định thời điểm mà vị Sa-môn ấy từ bỏ đời sống thế tục với những đồ trang sức cần thiết như dây chuyền bằng vàng, bạc, bông tai, nhẫn cọ hay đồng hồ rolex thứ sang xịn đắt tiền, để đánh đổi một đời sống phạm hạnh, thanh bần đạm bạc, nơi không dung chứa những hình thức thế gian trước khi trở thành người lãnh thọ giáo pháp.
Trên tinh thần đó, là một nhà hành đạo theo lý tưởng giải thoát thực thụ thì phải biết vừa đủ, không mong cầu nhiều, dù rằng thiếu 1 chút cũng không sao? Thực ra mà nói xoay quanh kiếp sống con người chỉ có 3 vấn đề đó là: ăn, mặc và ở gọi là tam thường bất túc, không mong muốn, chẳng cần nhiều, mà sống càng đơn giản bao nhiêu thì càng thấy nhiều hạnh phúc bấy nhiêu, lại được gặp nhiều bình an nữa thì khác.
Trong Kinh Phật Thuyết Phạm Võng Lục Thập Nhị Kiến, đức Phật dạy: “Tỳ-kheo đối với việc y áo hay ẩm thực, thì chỉ nên lấy vừa đủ dùng.”[1] và Kinh Quán Sát Chư Pháp Hành nói:“Không tham vướng chỗ ở, buông xả như chim bay, chớ mong cầu lợi dưỡng, đừng tính kể thân này.”[2]
Như vậy, việc cạo tóc (thế phát) trở thành thông điệp đối với người xuất gia. Bởi lẽ truyền thống nầy, được bắt đầu từ khi đức Phật (tức Bồ-tát Tất-đạt-đa) từ bỏ đỉnh cao Hoàng tử, để thực hành theo lối sống của những người khổ hạnh lang thang và những Yogi sống trong rừng thời bấy giờ. Do đó, hễ những ai là xuất gia đệ tử Phật thì phải tuân theo Giới luật thế phát. Được biết, đầu tóc trong Phật giáo tượng trưng cho phiền não, bất tịnh pháp, lối sống phàm. Cho nên, khi cạo bỏ từng sợi tóc, phải quyết tâm gột rửa tất cả phiền não và những gì thuộc về thế gian – trần tục, để hướng tâm đến phương trời giải thoát an vui trong chánh đạo. Đồng thời, cạo đầu là cách nhắc nhở người tu trở nên tinh tấn dõng mãnh hơn, vượt qua và đoạn trừ những cạm bẫy chướng ngại tham, sân, si; tu trì giới, định, tuệ để trang nghiêm pháp thân. Đây cũng là con đường cận trụ Niết-bàn giới.
Lãnh thọ giáo pháp: Ở đây chính là thực hành trì giới, thiền định và trí tuệ, nói chung pháp tu không ngoài 37 phẩm trợ đạo, thọ trì những tài sản thánh, tài sản chánh pháp. Phẩm hạnh của người xuất gia là trì bình khất thực, ngủ thì dưới gốc cây, ngủ ngồi, dành thời gian thiền định nhiều hơn ngủ để tăng trưởng trí tuệ, phát quang giải thoát. Cho nên giáo pháp là nền tảng chính của đời sống Sa-môn. Khổng tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ.” [3]Nghĩa là: Buổi sáng được nghe đạo, tối chết cũng cam lòng. Nếu không phải là người dốc lòng vì đạo, đắc nhập pháp phần thì khó mà nói ra và làm được. Tuy nhiên, nói là một chuyện nhưng quan trọng ở chỗ thực hành, có hoan hỷ trước cái chết vì đạo hay không? “tịch tử khả hỷ”, phải có sự lĩnh ngộ thâm nhập chân chính về đại đạo.
Xả bỏ của cải thế gian: Điều mà kinh văn muốn nói đến ở đây là người xuất gia chúng ta phải nên quán tưởng về cuộc đời là vô thường, khổ, không, vô ngã; phải buông xả, không luyến tiếc việc quá khứ đã qua, không mơ mộng ảo tưởng chuyện tương lai chưa tới, mà phải sống với cái gì mà mình đang tiếp nhận trong giờ phút hiện tại; hơn nữa, hãy xem mọi thứ vật chất là vật ngoại thân, là y báo làm giảm thiểu tâm lý xan tham, keo kiệt để phát triển trí tuệ; chúng ta thường thấy trong đời, con người sống một cách nhẹ nhàng, không chú trọng quá mức về vật chất, thì đánh đổi lại tinh thần của họ minh mẫn sáng suốt, trí tuệ luôn đạt ở đỉnh cao. Huy Cận nói: “Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp, chớ giận chi những kẻ mất thiên đường”. Cho nên, người xuất gia còn gọi là vô sản, có nghĩa là không tích trữ của tải tài sản cho riêng cá nhân mình; cái khó khăn lớn nhất của người tu, là mặc dù nói “xuất thế tục gia” (ra khỏi nhà thế tục), nhưng chưa hẳn “xuất tư tưởng thế tục gia” (ra khỏi nhà tư tưởng thế tục), đôi lúc cũng nghĩ nhiều về đời sống thế tục nữa thì khác, không thể ngoảnh mặt mà làm lơ trước những sự việc của dòng tộc, gia đình; đó cũng được xem là cái chướng ngại nhất đối với tâm lý của người tu; nên thực tập đời sống giản dị mới có đủ thì giờ để trau dồi tâm linh và phát huy đạo đức một cách tích cực.
Mong cầu vừa đủ: Trên nghĩa cơ bản, các tu sĩ Phật giáo nói chung đều là những khất sĩ (người hành khất, người xin ăn). Nhưng khác với các người hành khất thế gian vì chén cơm manh áo để sống trôi nổi qua ngày, thì ở người Sa-môn, hành khất là một trong những phương pháp tu tập để diệt trừ tâm kiêu ngạo, hống hách. Ngoài ra, nó còn mang một ý nghĩa khác là khất cầu chánh pháp của đức Phật, trên thì cầu chánh pháp giải thoát, còn dưới thì phát tâm để hóa độ chúng sanh (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh); về 1 phương diện khác: hành khất còn là phước điền để cho các gia chủ Phật tử tín tâm Tam Bảo gieo trồng cấy phước lợi bố thí vào nơi đó, hay được xem là đối tượng hay phước điền để gieo trồng cây phước đức. Cho nên, khất cầu thủ túc, xin ăn vừa đủ thôi, không mong cho thật nhiều mà cũng không cầu cho hơn, xin hôm nào thì ăn hôm đó, không nên tích trữ đồ ăn để qua đêm.
Điều căn bản của người hành khất là xin ăn vừa đủ sống để hành đạo chứ không phải vì mục đích tư nhuận thân xác ngũ uẩn phù vân này. Vừa đủ sống, có nghĩa là người ta cho thứ gì thì ăn thứ đó, cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không than vãn, kèo nài, van xin, cho thêm một chút. Do đó, mong cầu vừa đủ là cách tu tập tâm trở nên hoan hỷ với tất cả mọi người, có cũng được mà không có cũng không sao! Tâm luôn hoan hỷ.
Giữa ngày ăn một bữa: Là nhằm tránh sự trùng hợp với các loài chúng sanh khác, giớiluật quy định: “Chư thiên tảo thực, Phật ngọ thực, súc sanh ngọ hậu thực, quỷ dạ thực”. Vì ngày nay do ảnh hưởng bởi không gian, địa lý, môi trường, thời tiết cũng như sức khỏa con người không cho phép, nên phải chia ra ba lần ăn trong một ngày: sáng, trưa, chiều.
Trong kinh tạng Nikaya, có đề cập đến 4 loại thức ăn:
1- Đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta, nhai xé như loài động vật.
2- Xúc thực, ăn bằng cách tiếp xúc giữa sáu và 6 trần, hay ăn bằng ngửi mùi hơi như quỷ thần. Tiếp xúc bằng mùi hương gọi là hương linh.
3- Tư niệm thực, là ăn bằng tưởng tượng, niệm tưởng như cõi Tứ thiền chẳng hạn; ở mức độ cạn, đó là những ước ao mà con người muốn thực hiện trong đời của mình, có người mong muốn làm Giám đốc một công-ty lớn, hay mong muốn có bằng tiến sĩ, nhưng không cần phải trải qua bất kỳ trường lớp đạo tạo nào?
4- Thức thực, tức là ăn bằng ý thức như cõi Tứ không thiền; ở mức độ cạn nhất, thức ăn do ý thức mà thành, ý thức cảm thấy vui, khỏe. Xét ở mức độ sâu và phổ quát hơn, ý thức được trách nhiệm vĩ đại của mình đối với đất nước, con người, xã hội và tôn giáo, nên dù thân thể có mệt mỏi hay xả bỏ thân này đi chăng nữa, nhưng tâm hồn ý thức không bị thoái lui. Nhà thơ Tố Hữu nói: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong bài Sám phát nguyện nói: “Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ, con dốc lòng vì đạo hy sinh, nương từ quang tìm đến bảo thành, nguyện tự giác giác tha viên mãn.”
Luật tạng còn nêu ra những tai hại của sự ăn uống phi thời:
+ Đại tiện nhiều,
+ Tiểu tiện nhiều,
+ Ăn nhiều thì ngủ nhiều,
+ Tăng cân, lên ký,
+ Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa,
Dưới gốc cây ở một đêm: Đây được xem là 1 trong 12 hạnh đầu đà khổ hạnh (1-Y phục làm bằng những mảnh vải rách ghép lại. 2-Chỉ dùng ba y. 3-Khất thực mà ăn. 4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 5-Không ăn quá no. 6-Không giữ tiền bạc. 7-Sống độc cư. 8-Sống trong nghĩa địa. 9-Sống dưới gốc cây. 10-Sống ngoài trời. 11-Không ở cố định, thường du hành. 12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ); thông thường thời đức Phật, các thầy Tỳ-kheo thường sống ở ngoài trời, tá túc dưới gốc cây và ít khi lưu lại ở 2 đêm tại 1 gốc cây, nói như vậy có nghĩa là nhắm vào 2 vấn đề chính:
+ Một là chặn đứng các tâm lý xam tham, chấp thủ vào các trú xứ.
+ Hai là giảm thiểu sự liên hệ của chư Tăng đối với thế gian.
Cả hai vấn đề này đều là những trợ duyên tốt cho một vị Sa- môn thanh thoát, không vướng bận, không hệ lụy thế tục. Cho nên, để ca ngợi tán thán về đức hạnh của vị Sa-môn, cổ đức có câu:
“Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Kỳ vi sinh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu”.
Nghĩa là:
Một bát cơm ngàn nhà,
Thân đi muôn dặm xa,
Chỉ vì việc sanh tử,
Giáo hóa tháng ngày qua.
Đó chính là nguyên nhân, là lý do đức Phật quy định Sa-môn Thích tử “dưới gốc cây, ngủ một đêm” là vậy.
7- Cẩn thận không trở lại lần thứ hai: Đây chính là lời cảnh sách tha thiết, chân thành vì lợi ích cho sự giải thoát và mục đích xu hướng phạm hạnh của đức Phật đến chúng Tỳ-kheo. Lời cảnh sách này nhằm nhắc đi, nhắc lại những pháp quy giới luật cần thiết mà một vị Tỳ-kheo phải thực thi trong đời sống thường nhật của mình, phải sống trong sự khắc kỷ, theo hạnh thiểu dục tri túc, và thận trọng chỉ vừa đủ để qua ngày, tránh sự nuông chiều của các giác quan, và tích trữ vì không muốn nuôi tâm tham lam; trở lại lần thứ hai cũng có nghĩa là sống trong sự buông lung của đời sống thế tục.
8- Ðiều làm cho người ta ngu muội là ái và dục: Ái và dục ở đây cũng chính là các món xan tham và những tâm lý hệ lụy mà ở trên vừa trình bày. Nghĩa là, nếu Sa-môn nào móng tâm mong cầu hơn những điều mà đức Phật quy định cho mình: “Giữa ngày ăn một bữa, (nhưng mình ăn ngày hơn 2 bữa) dưới gốc cây ở một đêm (nhưng mình ngủ quá 2 đêm hoặc nhiều đêm)” thì ngay tại đấy, vị Sa-môn đó đã hiện khởi các tâm lý tham ái, tham dục về trú xứ chỗ ở.
Nên biết, điều mà làm cho con người ta bị mê mờ ngu muội là do sự tham luyến và ái dục, tham lam yêu thích muốn sở hữu về riêng mình, đó là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, cho nên để vượt thoát đám mây ngu muội ái và dục này thì chúng ta phải tự thân khắc kỷ, không nên nuông chiều các giác quan, ăn uống ngủ nghỉ thiếu một chút mới mau thành đạo.
IV. Kết luận
Qua bài học này, chúng ta cần nắm vững hai điều sau:
Một là, vị Sa-môn trước khi hướng đến con đường xuất ly, giải thoát cần phải thanh lọc thân khẩu ý của chính mình, sống một đời sống bình dị nhưng thoát tục, giản đơn nhưng cao vĩ, từ hình thức trang phục cho đến nội dung tu tập tâm linh.
Hai là, đã đạt được những kết quả lý tưởng này, vị Sa-môn phải “bằng mọi cách” trừ khử tâm ái dục hoặc ít nhất cũng đang tiến đến con đường độc lộ giải thoát ấy. Có như vậy, sự xuất gia hành đạo, sự gia công tu tập, công phu hành trì của chúng ta mới có điểm tựa, không hoang phí, luống uổng, vô ích trong một đời xuất gia hành đạo mà kết quả chẳng được bao nhiêu.
Tham khảo & chú thích
[1] 比丘亦如是. 於衣被飯食鉢取足而已.
[2] 莫愛著住處. 應去如飛鳥. 莫行為利養. 亦勿計我身.