Trong nghi lễ Phật giáo Tây Tạng, các Phật tử theo tông phái Gelugpa, vấn đề thực hành nghi lễ bao gồm tụng kinh, kèm theo các nhạc cụ như: chũm choẹ, trống, sừng và điêu khắc cũng như cung cấp bánh torma [1] hình nón làm từ bột lúa mạch và bơ (hình bên dưới), nhưng có một điểm thú vị trong khi tụng kinh và âm nhạc, các vị sư Gelugpa sử dụng giọng nói trong cổ họng với âm bội để tạo ra một sức mạnh thiêng liêng trong kinh điển.
Bánh Torma dâng cúng trong các buổi lễ tôn giáo
Các Phật tử của tông phái Gelugpa phải thực hành sơ bộ ngöndro [2] (S. Pūrvaka; T. Sngon-‘gro,སྔོན་འགྲོ་།) của 100.000 lần lặp lại các thực hành khác nhau. Chẳng hạn như lễ lạy và guru-yoga, [3] các câu kệ tụng và số lượng thực hành cụ thể được thực hiện. Cách thức thực hành sơ bộ đôi khi được liệt kê là năm hoặc chín như sau:
(1) Lễ lạy: những điều này được thực hiện hướng về 35 vị Phật, cùng với việc đọc tụng danh hiệu của chư Phật và lời nguyện cầu sám hối.
(2) Thần chú Vajrasattva [4] (T. Rdo-rje sems-dpa’, རྡོ་རྗེ་སེམས་དཔའ་།): điều này được thực hiện cùng với thực hành và quán niệm Vajrasattva.
(3) Quy y: đây là niệm danh hiệu Nam mô Guru, Nam mô Phật, Nam mô Pháp và Nam mô Tăng, trong lúc quán niệm lĩnh vực tiềm năng tích cực.
(4) Cúng dường mạn-đà-la: điều này liên quan đến việc tụng kinh, cầu nguyện Bồ-đề tâm và kệ ngôn cúng dường mạn-đà-la, trong lúc quán niệm cúng dường toàn bộ vũ trụ và mọi thứ tốt đẹp hướng về đức Phật, Pháp và Tăng.
(5) Đạo sư Yoga: đây là thiền định về sự không thể tách rời Phật tâm, tâm trí tinh thần và tâm trí của chúng ta cùng với quán tưởng và trì niệm Thần chú.
(6) Dorje Khadro (vajra-daka): quán tưởng hạt vừng đen là những nghiệp bất thiện của bản thân và những người khác.
(7) Bát nước: cúng dường bát nước cho đức Phật, Pháp và Tăng cùng với sự quán niệm.
(8) Tsa-tsa: được làm bằng đất sét hoặc thạch cao về hình ảnh của đức Phật.
(9) Thần chú Samaya Vajra (damtsig-dorje): đây là niệm Thần chú của vị Phật này cùng với quán tưởng.
Dilgo Khyentse Rinpoche nói rằng:
“Khi chúng ta thực hiện những bước đầu tiên trên đường đạo, chúng ta chưa có khả năng giúp đỡ người khác. Để hoàn thành tốt công việc của người khác, trước tiên chúng ta phải hoàn thiện bản thân, bằng cách thanh tịnh tâm và chuyển hóa tâm của mình. Đây là mục đích của những gì chúng ta gọi là các thực hành sơ bộ, thiết lập nền tảng của mọi sự phát triển tâm linh.” [5]
Đối với tông phái Gelugpa, thiền được sử dụng trong thực hành hằng ngày, nhập thất ngắn trong vài tháng và nhập thất ba năm, họ tập trung vào sự thiền định thành công và đạt được mức độ nhận thức giống như Phật quả.
Tham khảo & chú thích
[1]. Torma (S. Bali; T. Gtor-ma, གཏོར་མ་།) được giải thích rằng, tor (གཏོར་།) nghĩa là đoạn trừ tất cả phiền não nhiễm ô hoặc bố thí cho tất cả chúng sinh bằng đức tính từ bi yêu thương như mẹ hiền. Âm tiết ma (མ་།) tượng trưng cho sự đạt được trải nghiệm về tánh không và tối thượng. Xem thêm Robert Beer, The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols, Seridia Publications, INC, 2003, tr. 212.
[2]. Ngöndro, trong tiếng Tây Tạng, ngön có nghĩa là “trước khi”; còn dro có nghĩa là “đi”. Vì vậy, ngöndro thường được dịch là “thực hành sơ bộ” hoặc “thực hành căn bản.” Xem Khyentse Dzongsar Jamyang, Not for happiness: a guide to the so-called preliminary practices, Boston: Shambhala, 2012, tr. 42.
[3]. Guru-yoga có nghĩa là nền tảng căn bản của sự kết nối với Thượng sư. Xem thêm Đương Đạo (dịch), Đại ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Của Vô Minh. Nxb Thiện Tri Thức, 2001, các tr. 23-26.
[4]. Vajrasattva (Kim cương tát đỏa Bồ-tát) là một vị Bồ-tát trong truyền thống Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa.
[5]. “When we take our first steps on the Path, we are not yet capable of helping others. To accomplish the nice of others, we must first perfect ourselves, by purifying and transforming our minds. This is the aim of what we tend to decision the preliminary practices, that establish the foundations of all religious progress.” Dilgo Khyentse Rinpoche, The Excellent Path to Enlightenment, Snow Lion Publications, 1996, tr. 10.