A. Giới thiệu
Trong truyền thống Phật giáo Kim cương thừa (S. Vajrayāna; T. Dorje tek-pa, རྡོ་རྗེ་ཐེག་པ་།) ngũ phương Phật là những vị Phật đại diện cho phạm vi không gian, đó là: đức Tỳ-Lô-Giá-Na Phật (S. Vairocana Buddha) hay Đại Nhật Như Lai (S. Mahāvairocana-tathāgata; T. Rnam-par snang-mdzad, རྣམ་པར་སྣང་མཛད་།; H. 大 日 如 来) ở trung tâm; A-Súc-Bệ Phật (S. Akṣobhya; T. Mi-bskyod pa, མི་བསྐྱོད་པ་།; H. 阿閦鞞佛) hay Bất-Động Như Lai ở phương đông; Bảo Sinh Phật (S. Ratnasambhava; T. Rin-chen ‘byung-gnas, རིན་ཆེན་འབྱུང་གནས་།; H. 寶生佛) ở phương nam; A-Di-Đà Phật (S. Amitabhā; T. ‘Od-dpag-med, འོད་ དཔག་ མེད་།; H. 阿彌陀佛) ở phương tây và Bất Không Thành Tựu Phật (S. Amoghasiddhi; T. Don-yod-grub pa, དོན་ཡོད་གྲུབ་པ་།; H. 不空成就佛) ở phương bắc.
B. Nội dung
1. Danh từ khác
Ngũ phương Phật [1] còn có tên gọi khác là ngũ Phật (S. Pañca-Buddha; H. 五佛), ngũ Thiền định Phật (S. Pañca-dhyānibuddhāḥ), ngũ trí Phật (S. Pañca-prajñābuddha), ngũ trí Như Lai (S. Pañca-prajñātathāgata). Phật giáo Kim cương thừa lấy đức Tỳ-Lô-Giá-Na Phật hay Đại Nhật Như Lai (đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni) làm tôn chủ.
Trong cả hai đồ hình mạn-đà-la: Kim cương giới mạn-đà-la (S. Vajradhātu-maṇḍala; H. 金剛界曼荼羅) – biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật và Thai tạng giới mạn-đà-la (S. Garbhadhātu-maṇḍala; H. 胎藏界曼荼羅) – biểu tượng cho phương tiện độ sinh của ngài. [2] Đức Đại Nhật Như Lai trụ tại trung tâm, còn bốn đức Phật ngự ở bốn phương (hình 1).
Hình 1. Đồ hình mạn-đà-la ngũ phương Phật
Trong Phật giáo Kim cương thừa (S. Vajrayāna), ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hộ pháp rất vi diệu và là sự phối hợp giữa ngũ phương, ngũ trí, ngũ Phật, ngũ bộ và ngũ hành trong Kim cương giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạn-đà-la. Do đó đàn tràng ngũ phương cũng được lập hai cách khác nhau:
2. Theo Kim cương giới mạn-đà-la (S. Vajradhātu-maṇḍala)
Trung ương: Tỳ-Lô-Giá-Na Phật, tượng trưng cho Pháp giới thể tánh trí (S. Dhamadhātu-jñāna). Vairocana Buddha là phiên âm từ tiếng Phạn, “Vairocana” nghĩa là “sáng khắp nơi” (光明遍照). Vì ánh sáng trí tuệ của đức Tỳ-Lô-Giá-Na Phật chiếu khắp nơi, có thể khiến cho ba ngàn đại thiên thế giới luôn sáng mãi, phát triển căn lành của tất cả chúng sanh, thành tựu các pháp sự thế gian và xuất thế gian, nên còn có tôn hiệu là Đại Nhật Như Lai (S. Mahāvairocana-tathāgata; T. Rnam-par snang-mdzad, རྣམ་པར་སྣང་མཛད་།; H. 大 日 如 来), có nghĩa ánh sáng của Pháp thân chiếu khắp nơi không chướng ngại, giống như mặt trời vĩ đại chiếu khắp vạn vật trong vũ trụ.
Đức Phật Tỳ-Lô-Giá-Na ngồi trên bảo toà có hoa sen và đĩa mặt trăng làm đệm, được khiêng bởi tám con sư tử tuyết. Mỗi con sư tử tuyết tượng trưng cho sự chứng ngộ thể tánh của sắc uẩn, tám con sư tử tuyết cùng nhau tượng trưng cho sự chứng ngộ trí tuệ ba-la-mật (S. Prajñāpāramitā) của Pháp Giới (hình 2).
Hình 2. Trung Ương Tỳ-Lô-Giá-Na Phật
Hoa sen và mặt trăng tượng trưng cho phương tiện (S. Upāya; T. Thabs, ཐབས་།; H. 方便) và căn bản trí (S. Mūla-jñāna; T. Rtsa-bahi ye-e-ses; E. Fundamental wisdom; H. 根本智). Bằng phương tiện và căn bản trí, con người vượt qua si mê vọng tưởng, nhờ đó chuyển hoá tất cả ác nghiệp (S. Akuśala-karma; T. Mi-dge-ba las, མི་དགེ་བ་ལས་།) thành thiện nghiệp (S. Kuśala-karma; T. Dge-ba las, དགེ་བ་ལས་།).
Đại Nhật Như Lai có khuôn mặt màu trắng (白色), tượng trưng cho sự vô cấu (無垢), vô ố (無惡). Ngài cầm Pháp luân trong tay phải – tượng trưng cho sự luân chuyển không ngừng của Pháp luân, và cầm một cái chuông trong tay trái – tượng trưng cho khả năng giảng dạy của ngài với lòng từ bi và hòa nhã.
Phật quốc của đức Đại Nhật Như Lai còn được gọi là cõi “Sắc cứu cánh tịnh độ” (色究竟净土). Tên Tây Tạng có nghĩa là không có gì sánh bằng (無比), là vẻ đẹp tối cao không thể tưởng tượng và không thể diễn tả được trạng thái nổi bật này – gọi là Pháp giới (S.Dharmadhātu; T. Chos-kyi dbyings, ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་།).
Pháp giới không phải là một trạng thái cụ thể hay một nơi duy nhất, mà pháp giới là sự chứng ngộ có được nhờ thấy thể tánh của các uẩn. Khi thấy rõ được thể tánh của các sắc uẩn (S. Vijñāna-skandha), hành giả sẽ đạt được pháp giới của Phật quốc tương ứng. Chúng ta có thể quán tưởng điều này trong một sắc thân hoàn hảo, và Bổn tôn Đại Nhật Như Lai là đại diện của biểu hiện đó. Trong quá trình tu tập, vô minh phiền não được chuyển hóa thành trí tuệ của pháp giới. Bằng cách này, ngũ uẩn và ngũ phiền não đều trở nên thường tịch thanh tịnh hoặc trở về thể tánh sáng suốt vốn xưa kia của chúng.
Đức Đại Nhật Như Lai là biểu hiện trí tuệ của pháp giới, đoạn trừ các loại phiền não, ngăn chặn những hiểm nguy tai hoạ; cũng có thể làm tăng trưởng định lực và trí tuệ cùng với các phước lành, khiến cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc và được sự bảo hộ (庇护) của mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát.
Đức Tỳ-Lô-Giá-Na Phật (S. Vairocana Buddha) ngoài việc thị hiện pháp thân rộng lớn sáng ngời (廣博光明), còn thị hiện thế giới Hoa tạng (華藏世界) để chỉ pháp giới sâu rộng vô tận, chứa đựng vô lượng thế giới vi trần, như biển cả vô biên. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Biển Hoa tạng thế giới này từ xa xưa, được trang nghiêm tịnh là do đức Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai, thuở xưa lúc tu hạnh Bồ-tát trải qua thế giới hải vi trần số kiếp, trong mỗi kiếp gần gũi vi trần số Phật, nơi mỗi đức Phật tu tập vi trần số đại nguyện thanh tịnh.” [3]
Phương Ðông: A-Súc-Bệ Phật (S. Akṣobhya; T. Mi-bskyod pa, མི་བསྐྱོད་པ་།; H. 阿閦鞞佛) hay Bất-Động Như Lai. [4] Phật quốc này được gọi là “Hỷ duyệt Tịnh độ” (喜悅淨土), trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là chân lạc (真樂), vì những người được sinh ra trên trái đất này sẽ không thoái chuyển, không thay đổi. Đây là sự chứng ngộ của thức uẩn (một trong năm uẩn), và thức uẩn này tương ứng với bản chất của phiền não sân hận. Tên tiếng Tây Tạng của phiền não sân hận có nghĩa là mạnh hơn (強烈) sự phẫn nộ tức giận đơn thuần. Trên phương diện tu tập – khi tuệ quán nhận ra bản chất của cơn giận, con người có thể chuyển hóa cơn giận ấy thành hạnh phúc thực sự, bởi vì khi điều đó xảy ra, trạng thái tâm trí của con người không sợ hãi, không đắn đo hay do dự. Trí tuệ đạt được nhờ biết bản chất của sân hận gọi là Đại viên cảnh trí (S. Ādarśa-jñāna; T. Me-long lta-bu’i ye-shes,མེ་ལོང་ལྟ་བུའི་ཡེ་ཤེས་།). Bất-Động Như Lai là vị Bổn tôn tượng trưng cho sự chứng đắc chân hạnh phúc và vô úy; không thoái chuyển cũng như không bao giờ thay đổi.
Đức Bất-Động Như Lai được an toạ trên bảo toà do tám con đại tượng (voi) khiêng. Voi được coi là loài vật mạnh mẽ nhất về thể chất – tượng trưng cho sự tức giận và các phiền não khổ đau. Ngài còn đại diện cho sự khuất phục, bình định và chuyển hóa ô nhiễm bất tịnh pháp khác. Đức Bất-Động Như Lai có đặc điểm là thân màu xanh lam, diện tướng trang nghiêm – tượng trưng cho pháp tánh bất biến, đầu đội bảo miện, tóc đen, đeo hoa tay, dây chuyền, vòng cổ và các đồ trang trí khác (hình 3).
Hình 3. Phương Ðông A-Súc-Bệ Phật
Ngài dùng chày kim cương (金剛杵), Ghanta và Dorje chứng tỏ rằng những pháp hành của ngài đều mang tính lợi tha và phù hợi với chánh đạo. Chày kim cương tượng trưng cho sự không thể sai lầm (無誤), Ghanta và Dorje tượng trưng thái độ hòa nhã, bao dung, phổ độ pháp giới chúng sanh.
Theo Phật thuyết A-Súc Phật kinh: “Khi đức A-Súc Phật còn là một vị Bồ-tát, ngài đã phát lời thệ nguyện trước Đại Mục Như Lai (Quảng Mục Như Lai): trên đối với tất cả con người, dưới cho đến các loài quyên phi nhuyễn động, tâm không sân hận. Trải qua nhiều kiếp tu hành, cuối cùng ngài đã thành Phật dưới gốc cây thất bảo ở thế giới Đông phương – Phật quốc tên là A-Tỉ-La-Đề (Diệu Hỷ). Theo nguyện lực của ngài, cõi Phật không có ba đường ác, trái đất bằng phẳng và mềm mại, mọi người đều làm việc thiện và môi trường trở nên thù thắng vi diệu.” [5]
Trong Kinh Đại Bảo Tích nói: “Nếu đại Bồ-tát muốn sinh về thế giới Diệu Hỷ (S. Abhirati; T. Mngon-par dga’-ba, མངོན་པར་དགའ་བ་།), nên học hạnh Bồ-tát trong quá khứ Bất-Động Như Lai và phát đại nguyện tâm sanh về Phật quốc đó.” [6]
Phương Nam: Bảo Sinh Phật (S. Ratnasambhava; T. Rin-chen ‘byung-gnas, རིན་ཆེན་འབྱུང་གནས་།; H. 寶生佛) còn được gọi là “Cụ đức Tịnh độ” (具德淨土), trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “phú hữu quang vinh” (賦有光榮), bởi vì ngài có đủ mọi phẩm chất và khả năng để thành tựu giác ngộ. Bổn Tôn Bảo Sinh Phật, ở đây “Bảo” có nghĩa là quý báu (S. Ratna; H. 寶貴), và “Sinh” (S. Sambhava; H. 生) có nghĩa là nguồn gốc của sự quý báu. Vì tất cả vinh quang của sự giác ngộ đều có thể đạt được ở vị Phật này, nên bản thân Bổn tôn là cội nguồn của sự quý báu. Những phiền não thọ uẩn (một trong ngũ uẩn) đã được tịnh hóa trong “Cụ đức Tịnh độ” là đối tượng của ngã mạn (S. Asmi-māna; T. Ngar-sems pa, ངར་སེམས་པ་།)và trạng thái được tịnh hóa sau khi chuyển hóa là Bình đẳng trí (平等智).
Đức Bảo Sinh Phật là Bổn Tôn của đại quang vinh, nên sắc diện màu vàng kim (金黃色). Ngài ngồi trên tòa sen với bánh xe mặt trăng (月輪) và bảo toạ được chở bởi tám con ngựa phía trước (hình 4).
Hình 4. Phương nam Bảo Sinh Phật
Phương tiện di chuyển nhanh nhất ở thời cổ đại là ngựa, vì vậy con ngựa tượng trưng cho chúng ta về sức mạnh tinh cần, và ngược lại có thể sinh ra sự chậm chạp như thế nào? Do đó, cưỡi ngựa là tượng trưng cho việc chinh phục sự chậm chạp và ngã mạn ấy. Bảo Sinh Phật tay phải cầm Như ý châu (S. Cintā-maṇi; T. Yid-bzhin norbu, ཡིད་བཞིན་ནོར་ྦུ་།; H. 如意珠), tay trái cầm Ghanta và Dorje. Như ý châu tượng trưng cho khả năng đáp ứng các yêu cầu (有求必應) của Bảo Sinh Phật, và bất kỳ ai cầu sự giúp đỡ từ ngài hoặc xin lời nguyện với tâm tha thiết rộng mở đều có thể hoạch đắc mãn nguyện (獲得滿願) ngay lập tức.
Như ý châu cũng chỉ ra rằng – sự thành tựu là tự nhiên mà có (自然而有) và không làm hao tổn đến sức lực (無需費力). Ghanta và Dorje được cầm trong tay trái của Bảo Sinh Phật cho thấy – cách ngài đáp ứng nguyện vọng (願望) của người mong cầu không phải là khước từ hay khó chấp nhận, mà là tự nhiên và hòa nhã.
Đức Bảo Sinh Phật còn tượng trưng cho phước đức (福德) và có thể sinh ra phước trí vạn hạnh (福智萬行) để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, do đó có tôn xưng này. Ngài không chỉ thể hiện đức tích tụ phước lành mà còn tiêu biểu cho Bình đẳng tính trí (S. Samatā-jñāna; T. Mnyam-nyid ye-shes, མཉམ་ཉིད་ཡེ་ཤེས་།; H. 平等性智) trong mọi trí tuệ của Như Lai, gọi là Như Lai nhất thiết trí (如來一切智). Bình đẳng tính trí biểu thị – sự giác ngộ của chư Phật, cái gọi là phân chia thứ bậc thượng hạ chỉ là sự tướng vạn pháp, nhân duyên giả tạo. Nên biết rằng, sắc thân vật lý đều là một, trống rỗng không có tự tánh, huống chi là tự thể khác. Tất cả chúng sinh vốn pháp tính bình đẳng (法性平等), chẳng qua là do dính mắc vào trần cảnh, hiện ra là “nhân” hay “ngã”, mê mờ nên không nhận chân được bản thể thanh tịnh. Chư Phật đều thấy ngã, nhân, chúng sanh đều bình đẳng trí tuệ, nên phát khởi tâm “đồng thể đại bi” (同體大悲) để từ mẫn bạt khổ (慈憫拔苦). Đức Bảo Sinh Phật ban phước đức bình đẳng cho tất cả chúng sinh có thể tu phước và trí tuệ đến công đức viên mãn (功德圓滿). Nếu chúng sinh cảm ứng được tâm từ bi của Phật mà y theo pháp tu hành thì có thể tích chứa được vô lượng phước đức, nhờ phước báo này mà tự mình khơi dậy Phật tâm giác ngộ vạn pháp bình đẳng (萬法平等), vô nhân vô ngã (無人無我), cứu cánh thanh tịnh (究竟清淨).
Phương Tây: A-Di-Đà Phật (S. Amitabhā; T. ‘Od-dpag-med, འོད་ དཔག་ མེད་།; H. 阿彌陀佛), còn gọi là “Cực lạc quốc độ” (S. Sukhāvatī; T. Bde-ba-can, བདེ་བ་ཅན་།), vì chưa từng nghe nói khổ, chưa từng thọ khổ. [7] Phiền não được chuyển hóa ở giai đoạn này là tham, và uẩn được tịnh hóa là tưởng uẩn (S. Saṃjñā-skandha; T. Du-shes phung-po, འདུ་ཤེས་ཕུང་པོ་།). Trí tuệ đạt được trong sự chuyển hóa tham dục là Vô phân biệt trí (S. Nirvikalpa-jñāna; T. Rnam-par mi-rtog pa’i-ye shes; H. 無分別智). Bổn Tôn của cõi Phật này là Vô Lượng Quang (S. Amitābha; T. (T. Od-dpag-med འོད་དཔག་མེད་་།). Chúng ta xưng niệm Bổn tôn này là A-Di-Đà Vô Lượng Quang, nhưng thực ra ngài có hàng ngàn danh hiệu khác. Một danh hiệu thường xưng niệm là “Vô Lượng Thọ” (S. Amitāyus; T. Tshe-dpag-med, ཚེ་དཔག་མེད་།).
Đức Phật A-Di-Đà ngồi trên liên hoa (hoa sen) và mãn nguyệt luân; bảo toạ bên dưới được khiêng bởi tám con khổng-tước (孔雀, chim công). Con công tượng trưng cho vẻ đẹp và sự tham lam, bởi vì khi chúng ta nhìn thấy một cái gì đó đẹp đẽ và chuyển động, thì sinh khởi tâm tham lam và lưu luyến không muốn xả bỏ nó (戀戀不捨).
Hình 5. Phương tây A-Di-Đà Phật
Đức Phật A-Di-Đà có khuôn mặt màu đỏ, tay phải cầm hoa sen, tay trái cầm Ghanta và Dorje (hình 5). Hoa sen với những cánh hoa tươi sáng – tượng trưng cho việc thực hành A-Di-Đà có thể làm cho tâm của hành giả trở nên an bình – thanh lương. Đồng thời, hoa sen cũng tượng trưng cho sự sinh ra trong luân hồi của chúng sanh, nhưng một khi giác ngộ con người sẽ thoát khỏi bể khổ luân hồi, giống như hoa sen mọc trong bùn – khi vươn lên khỏi bùn (污泥) mà không bị vấy bẩn (不染).
Tây Phương A-Di-Đà Phật tượng trưng cho trí tuệ. A-Di-Đà có nghĩa là vô lượng. Đức Phật A-Di-Đà trước khi thành Phật, ngài đã từng phát bốn mươi tám đại nguyện khi còn là Tỳ-kheo Pháp-Tạng (S. Dharmākara; T. Dharma-ka-ra དྷརྨཱ་ཀ་ར་།), trong đó có nguyện được quang minh và thọ mạng vô lượng: “Giả sử khi tôi thành Phật, quang minh có hạn lượng, tối thiểu chẳng chiếu đến trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.” “Giả sử khi tôi thành Phật, thọ mạng có hạn lượng, tối thiểu là trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.” [8] Theo quan điểm của Kim cương thừa, tín ngưỡng đức Phật A-Di-Đà là một trong ngũ trí Như Lai, biểu hiện Diệu quan sát trí (S. Pratyavekṣaṇa-jñāna; T. Sor-rtogs ye-shes, སོར་རྟོག་ཡེ་ཤེས་།). Nói rằng, đức Phật A-Di-Đà có thể thuyết các loại pháp môn vi diệu, cắt đứt nghi hoặc của chúng sinh, khiến họ nhập chánh định. Thế giới Cực lạc (S. Sukhāvatī; T. Bde-ba-can, བདེ་བ་ཅན་།) hay còn gọi là Chánh định (S. Samyak–samādhi; T. Yang-da-pa’i ting-ng-’dzin, ཡང་དག་པའི་ཏིང་ངེ་འཛིན་།). Trong Phật thuyết A-Di-Đà kinh diễn tả rằng: “Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A-Di-Đà hiện nay đương nói pháp. Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc. Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc. Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức. Đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; Trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: Hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch. Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trỗi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác. Đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường. Nào chim Bạch hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng; Những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực. Thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!” [9]
Theo bản nguyện của đức Phật A-Di-Đà: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A-Di-Đà. Rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A-Di-Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-Di-Đà.” [10]
Phương Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (S. Amoghasiddhi; T. Don-yod-grub pa, དོན་ཡོད་གྲུབ་པ་།; H. 不空成就佛), còn được gọi là “Thắng nghiệp Tịnh độ” (勝業淨土), trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là công phu hành trì được đầy đủ toàn vẹn và viên mãn. Phiền não được chuyển hóa bởi cõi Phật này là tật đố (嫉妒) và uẩn được tịnh hóa là hành uẩn (S. Saṃskāra-skandha; T. ‘Du-byed phung-po,འདུ་བྱེད་ཕུང་པོ་།). Sau khi chuyển hóa lòng đố kỵ, nó trở thành Thành sở tác trí (S. Kṛtyānuṣṭhāna-jñāna; T. Bya-sgrub ye-shes, བྱ་སྒྲུབ་ཡེ་ཤེས་།; H. 成所作智)
Bổn tôn hay Phật tánh tượng trưng cho sự thành tựu này là Bất Không Thành Tựu Như Lai (不空成就如來), tiếng Tây Tạng có nghĩa là trí tuệ đạt được tất cả. Con vật tượng trưng dưới bảo toạ của đức Phật này được thay đổi tùy theo các nghi lễ khác nhau. Một là biểu tượng của phiền não – bất an (煩惱不安), còn lại là biểu tượng của sự thành tựu.
Đôi khi bảo toạ của đức Bất Không Thành Tựu Phật được mang tên bởi một con vật – giống như con trâu nước (水牛), ưu thích đứng đầu, trên bảo toạ có tám con vật – tượng trưng cho lòng tật đố (嫉妒), phiền não vì luôn muốn hơn người khác. Có khi bảo toạ của ngài được mang bởi một con chim tên là “Đại bàng kim suý điểu” (S. Garuḍa; T. Khyung, ཁྱུང་།; H. 大鹏金翅鳥) trong thần thoại. Con chim có thân người, có cánh và có sừng (hình 6).
Hình 6. Đại bàng kim suý điểu
Vào thời cổ đại, nhiều người ra khơi tìm kiếm kho báu, người ta nói rằng chỉ cần người đi tìm kho báu có thể nghe thấy tiếng kim suý điểu, thì dù chưa gặp mặt trực tiếp cũng có thể đạt được điều mình mong muốn ngay lập tức. Mặc dù Kim suý điểu không xuất hiện, nhưng tiếng kêu của nó có sức ảnh hưởng cực lớn. Tất nhiên, đây là một đặc điểm của Bất Không Thành Tựu Như Lai – có khả năng thành tựu về mọi thứ.
Sắc diện của Bất Không Thành Tựu Như Lai có màu xanh lá cây. Vì màu xanh lá cây là sự pha trộn của nhiều màu sắc khác nhau, điều đó có nghĩa là vị Bổn tôn này có thể thực hiện nhiều hành động và đạt được nhiều mục đích. Tay phải ngài cầm đôi chày kim cương hay chày yết ma (羯磨杵). Vì đôi chày kim cương chỉ ra mọi hướng nên không có gì mà không thể hoàn thành cho dù ngài ở đâu. Tay trái ngài cầm Ghanta và Dorje – tượng trưng cho lòng từ bi và niềm an lạc trong giáo pháp của ngài (hình 7).
Hình 7. Phương bắc Bất Không Thành Tựu Phật
Bất Không Thành Tựu Như Lai đại biểu cho năng lực hành trì, lấy giới đức làm nền tảng công phu, dùng đại bi tâm làm phương tiện cứu cánh, khiến cho chúng sanh từ bỏ giải đãi tham dục, đắc đại tinh tấn và thành tựu Bồ-đề. Khi công đức của Phật viên mãn và giác ngộ Bồ-đề thì vọng thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân v.v… sẽ chuyển thành trí tuệ thanh tịnh không phiền não, đó gọi là Sở tác trí (所作智). Khi Bất Không Thành Tựu Như Lai chứng đắc Thành sở tác trí, ánh sáng trí tuệ sáng soi khắp mười phương thế giới, khiến cho tất cả chúng sinh đều không biết mệt mỏi, Bồ-đề đạo nghiệp tinh tấn, thành tựu các thiện pháp.
3. Theo Thai tạng giới mạn-đà-la (S. Garbhadhātu-maṇḍala)
Trung ương: Tỳ-Lô-Giá-Na (S. Vairocana), thân màu hoàng kim, kết pháp giới định ấn.
Phương Ðông: Bảo Tràng Như Lai (S. Ratnaketu tathāgata; H. 寶幢如來), thân màu đỏ trắng, tay trái để bên hông, tay phải kết Xúc địa ấn (S. Bhumistarsa mudra).
Phương Nam: Khai Phu Hoa Vương Như Lai (S. Kusumita-rāja; H. 開敷華王如來), thân màu hoàng kim, kết ly cấu tam muội ấn (S. Vimalasamādhi).
Phương Tây: Vô Lượng Thọ Như Lai (S. Amitāyus; H. 無量壽佛), thân màu hoàng kim, kết Di Đà định ấn.
Phương Bắc: Thiên Cổ Lôi Âm Như Lai (S. Divyadundubhi; H. 天鼓雷音佛), thân màu đỏ vàng, hiện tướng ngồi nhập định.
Truyền thống Phật giáo Đại thừa (S. Mahāyāna) và Kim cương thừa (S. Vajrayāna), cả hai bộ mạn-đà-la (S. Maṇḍala) cũng có thể tượng trưng như hai bàn tay. Bàn tay phải là Kim cương giới (S. Vajradhātu). Từ ngón út cho tới ngón cái, theo thứ tự: Về năm uẩn, ngón út là sắc uẩn, lần lượt là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Về năm đại, năm nhãn, năm căn, năm lực, năm loại trí, ngũ bộ chú – nghi thức trì niệm của Mật giáo và năm vị Như Lai cũng theo thứ tự tương xứng đó. Bàn tay trái là Thai tạng giới, cũng tính từ ngón út cho đến ngón cái theo thứ tự như bàn tay phải. Do đó, khi hai bàn tay hiệp lại với nhau, mang biểu tượng đầy đủ trọn vẹn cả hai đức tánh từ bi và trí tuệ của Phật.
4. Tín ngưỡng thờ cúng và pháp hành trì
Đối với hành giả khi thực hành ngũ phương Phật, chẳng những có thể tịnh hóa ngũ độc của tâm (tham, sân, si, mạn và nghi) mà còn chuyển hóa ngũ uẩn thành ngũ chủng trí tuệ; có thể thành tựu bốn sự nghiệp quan trọng trong đời, đó là: 1- Tức nghiệp (息業) – tiêu trừ bệnh tật, nội ma ngoại chướng, nghiệp duyên tội lỗi của mình hay người khác. Hành giả trì tụng Bổn tôn Kim cương tát-đoả, đoạn trừ tất cả nghiệp chướng đã tạo ra từ vô thuỷ cho đến nay. 2- Tăng nghiệp (增業) – tức là tăng danh, lợi, tài phú, địa vị, trí tuệ v.v… Có nhiều cách để tu tăng nghiệp, như muốn tăng trưởng trí tuệ thì tu theo hạnh nguyện của Bồ-tát Văn Thù; muốn trao dồi tâm từ bi thì tu theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm; 3- Hoài nghiệp (懷業) – trước hết làm cho tâm mình được thanh thản, tự tại, sau đó mới cứu độ tất cả chúng sinh. 4- Tru nghiệp (誅業) – nghĩa là diệu lực đại bi đã hoàn toàn viên mãn, không còn một chút mảy may ích kỷ và tư lợi, nương theo “Mã Đầu Minh Vương” (S. Hayagrīva; T. Rta-mgrin, རྟ་མགྲིན་།; H. 馬頭明王) [11] (hình 8), bổn tôn Kim cương quyết (S. Svajvakilaka; H. 金剛橛) và các vị thần phẫn nộ khác để hành trì, nhằm cứu độ tâm thức chúng sanh về cảnh an lành tịnh độ.
Hình 8. Mã Đầu Minh Vương
5. Công đức và lợi ích của ngũ phương Phật
Trung ương Tỳ-Lô-Giá-Na Phật nhằm hóa giải tai nạn tật bệnh, tăng trưởng trí tuệ, trường thọ, phú quý, phát triển lòng từ bi, quan tâm đến tha nhân, hàng phục ma chướng cũng như các công đức khác và nhận ra ánh sáng – Phật tánh của tất cả chúng sinh. Đông phương A-Súc-Bệ Phật, dập tắt ngọn lửa tranh chấp trong thế gian. Nam phương Bảo Sinh Phật, thỏa nguyện sở cầu, làm dịu mát lòng ưu phiền của tất cả chúng sinh. Trước khó khăn thiếu thốn, ngài luôn có tâm nguyện đem lại sự bình an mãn túc (滿足) cho vạn loại chúng sanh, bởi lẽ chúng sanh không đầy đủ về y phục, ẩm thực, y dược, của cải vật chất, kể cả Thất Bảo Như Ý Châu (S. Saptaratna; T. Rgyal-srid sna-bdun,རྒྱལ་སྲིད་སྣ་བདུན་།). Tây phương A-Di-Đà Phật, miễn trừ mọi sợ hãi sanh tử trong thế gian. Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật, loại bỏ mọi chấp trước của chúng sinh nơi thế gian.
C. Kết luận
Sự xuất hiện của ngũ phương Phật hay ngũ Phật bắt nguồn từ khi Phật giáo Đại thừa ra đời [12] và được củng cố bởi Kim cương thừa, điều đó cho thấy sự khác biệt bao hàm nhiều yếu tố trong Phật giáo Tây Tạng. Các tu viện (T. Dgon-pa, དགོན་པ་།) Tây Tạng phần lớn được tôn trí ngũ Phật, các Phật lịch sử và chư vị Bồ-tát; các vị Tạng vương, đức Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma rất trang nghiêm, mang đậm nét tôn giáo. Đây cũng là điểm đặc thù trong Phật giáo Tây Tạng – Kim cương thừa.
Tham khảo & chú thích
[1]. Xem thêm Bogle George; M. Clements Robert & M. Thomas, Narratives of the Mission of George Bogle to Tibet and of the Journey of Thomas Manning to Lhasa, Published by AES Reprin: New Delhi, 1999, các tr. xxxiv-xxxv.
[2]. Do căn tính sai biệt của chúng sinh mà sự hành trì cũng có phần sai biệt. Từ một Nhất tâm pháp giới (S. Ekacitta-dharmadhātu) mà hiển thị thành hai môn: Kim cang giới (S. Vajradhātu) thuộc trí môn (S. Jñāna) và Thai tạng giới (S. Garbhadhātu) thuộc lý môn (S. Nyāya).
[3]. T10n0279《大方廣佛華嚴經》(80卷). CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第05品華藏世界 (之1). 「此華藏庄严世界海,是毗卢遮那如来往昔于世界海微尘数劫修菩萨行时,一一劫中亲近世界海微尘数佛,一一佛所净修世界海微尘数大愿之所严净。」
[4]. Akṣobhya, có nghĩa là “bất động”, vì tâm bồ đề kiên cố, vững chắc bất động như núi, nên được đặt tên là “bất động”, cũng có nghĩa là không sân hận.
[5]. Xem 曲小月 (编 著), 《老北京皇都风貌:老北京古园林与胜景》, 北京燕山出版社, 2008.《佛说阿閦佛经》中说阿閦佛为菩萨时,在大目如来(或译为广目如来)前发“于一切人民蜎飞蠕动之类不生嗔恚”等誓愿,经过累劫的修行,终于在东方的阿比罗提(妙喜)世界七宝树下成佛,佛刹名为“妙喜”。由于他的愿力所感,佛刹中没有三恶道,大地平正柔软,一切人都行善事,环境极其殊胜.
[6]. T11n0310《大寶積經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第 11 冊 » 第 20卷.「若菩薩摩訶薩欲生妙喜世界者,應學不動如來往昔行菩薩行,發弘誓心願生其國…」
[7]. Xem T12n0366 《佛說阿彌陀經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第 12 冊 ».
[8]. Xem T12n0360《佛說無量壽經》CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第 12 冊 » 第1卷.「設我得佛,光明有能限量,下至不照百千億那由他諸佛國者,不取正覺」。「設我得佛,壽命有能限量,下至百千億那由他劫者,不取正覺。」
[9]. T12n0366 《佛說阿彌陀經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第 12 冊 ».「從是西方過十萬億佛土,有世界名曰極樂。其土有佛,號阿彌陀,今現在說法。舍利弗!彼土何故名為極樂!其國眾生無有眾苦,但受諸樂,故名極樂。又舍利弗!極樂國土,七重欄楯, 七重羅網, 七重行樹,皆是四寶周匝圍繞,是故彼國名曰極樂。「又舍利弗!極樂國土有七寶池,八功德水充滿其中,池底純以金沙布地。四邊階道,金, 銀, 琉璃, 頗梨合成。上有樓閣,亦以金,銀,琉璃,頗梨, 車璩, 赤珠, 馬瑙而嚴飾之。池中蓮花,大如車輪,青色青光,黃色黃光,赤色赤光,白色白光,微妙香潔。舍利弗!極樂國土成就如是功德莊嚴。「又舍利弗!彼佛國土,常作天樂,黃金為地,晝夜六時天雨曼陀羅華。其國眾生,常以清旦,各以衣裓盛眾妙華,供養他方十萬億佛;即以食時,還到本國,飯食經行。舍利弗!極樂國土成就如是功德莊嚴。「復次舍利弗!彼國常有種種奇妙雜色之鳥白鵠, 孔雀, 鸚鵡, 舍利, 迦陵頻伽, 共命之鳥。是諸眾鳥, 晝夜六時出和雅音,其音演暢五根, 五力, 七菩提分, 八聖道分如是等法。其土眾生聞是音已,皆悉念佛, 念法, 念僧。」
[10].「若有善男子、善女人,聞說阿彌陀佛,執持名號,若一日、若二日、若三日、若四日、若五日、若六日、若七日,一心不亂。其人臨命終時,阿彌陀佛與諸聖眾現在其前。是人終時,心不顛倒,即得往生阿彌陀佛極樂國土。」
[11]. Mã Đầu Minh Vương là hóa thân phẫn nộ của Quán Thế Âm, ngài tượng trưng cho khẩu giác ngộ, thường được mô tả bằng màu đỏ và có đầu ngựa nhô ra khỏi bảo miện của ngài.
[12]. Xem Nalinaksha Dutt, Aspects of Mahāyāna Buddhism and Its Relation to Hīnayāna, Publisher: Luzac, London, 1930.